- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Điên Xóm Sông

23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 37285)

nguoidienxomsong_0_300x188_1 

Chị Phượng sung sướng nhìn ra phía cửa sổ. Cạnh bãi sông, một người đàn ông đang nằm ngủ. Có lẽ gã đã say mềm vì rượu. gió đưa thoang thoảng cái mùi tanh của dòng sông lẫn với mùi rượu nôn nao vào tận nhà mẹ con chị Phượng. Chị đã để ý gã lạ mặt kia từ chiều, lúc chị ra sông gánh nước. Gã đón đường chị, ngớ ngẩn hỏi chị về xóm sông. Chị lắc đầu bảo gã đây chỉ là làng văn hoá của xóm Sông thôi. Rồi gã làu bàu những thứ gì chị không hiểu nổi, chỉ mang máng gã tự bảo là mình đúng. Rồi gã đâm đầu vào quán rượu với bộ quần áo phủ thời gian và lem luốc màu đá đàn.

Ba mươi lăm tuổi, gái một con, trông chị Phượng vẫn còn mặn mà lắm. Khối người đàn ông tìm đến quán rượu nhỏ bé của chị, vừa uống rượu, vừa ra ý với bà chủ quán " trông mòn con mắt" kia. Tuy nhiên. Chị phượng vẫn ở vậy nuôi con, bỏ ngoài tai những lời xầm xì của các bà vợ hay ghen vì không được chồng yêu. Không ai biết chồng chị là người thế nào, cũng không bao giờ nghe thấy chị nhắc đến. Đôi mắt dài và sắc của chị lẫn trong cái mầu buổi chiều của xóm Sông. Trong cái nhập nhoạng ấy, không ai biết được đôi mắt sẽ ánh lên những tia ác độc khi màn đêm buông xuống cùng với những người đàn ông lạ một mình lạc bước đến quán rượu của chị.

Khi gã đàn ông bước vào quán, ngay lập tức chị đã xoay mắt nhìn xung quanh. Cũng như bao thằng đàn ông khác gã không hay biết một tí gì. Chị sẽ trói gã bằng những ngón quỷ quyệt quen thuộc của mình. Rượu của chị nấu vẫn được tiếng ngon nhất trong vùng. Vì vậy, rất có thể trước khi bị trói, gã sẽ được chị cho một bữa rượu dài hơi. Rồi gã sẽ say mèm, quên mất rằng mình đến đây làm gì, không biết rằng đó là bữa rượu cuối cùng của gã. Và đúng thật, gã nốc rượu như kẻ khát lâu ngày được một gàu nước mát. Vừa uống, gã vừa nhìn ra ngoài là lèo nhèo những câu mà chỉ có gã và trời mới biết. Chị Phượng nhìn gã khín đáo và mỉm cười, cái cười chat chúa, ác nghiệt trên bờ môi khô khốc vì mới mím chặt. Hôm nay như thế là nhẹ nhàng, chị nghĩ và thở sượt ra, tống ra bên ngoài không khí tanh tưởi những lo lâu điên rồ và cả những sự thấp thỏm, có cả một chút sợ hãi, sám hối. Những lúc thế này, chị thường nhìn vào trong cánh màn rách mướp, nghe tiếng thở nặng nhọc của con trai rồi lắc đầu thật mạnh. Không sao, nó là tất cả những gì chị có, và chị sẽ đánh đổi mọi thứ trên đời để níu nó lại nơi mà trong tầm thức của nó, nó không quyến luyến gì. Chị biết vậy, và chị không hiểu chị đang làm việc đó vì bản thân mình, hay vì con chị nữa.

Gã đàn ông khật khưỡng bước ra cửa. Anh ta lập bập lần về phía bờ sông. Chị nhìn theo gã và cảm thấy muốn mỉa mai cuộc đời này quá. Với chị, cuộc đời này chỉ bằng những gã bợm rượu và những tay hám gái cộng lại. Đây là gã thứ 3. Một đôi lần, chị phải ngửa thân mình ra cho chúng nó cào xé. Chị thấy ngực mình bị phanh ra, mùi rượu, mùi mô hôi nhớp nhúa của đàn ông túa vào, nghẽn cả những mạch máu bám đầy bụi. Nhưng phải thế, phải xa xót như thế chị mới có thể trói được chúng, ném cho chúng cái nhìn thương hại cuối cùng rồi vùi chôn sâu chúng dưới đáy sông đầy bùn và rác rưởi.

***

Mười ba năm trước, Phượng hơn hai mươi. Cô băng qua bóng đêm , ướt nhoẹt và run rẩy. Một người đàn ông tóm lấy cô lờm lợm mùi rượu và khí lạnh của trời. Chị gượng ngồi dậy, tê tái và ghê rợn hết người khi nhìn sang người đàn ông nằm vật xuống vì rượu, vì cả cuộc cưỡng đoạt máu me. Hắn đã mất hết tinh lực, đổ xuống và oẹ ra cả áo chị. Ánh chớp rẹt sáng, người đàn ông nằm sấp lưng lại. Phượng rút cây kim cài đầu, bàn tay nắm chặt giơ lên trong không trung. Cô vật hắn ngửa ra, muốn nhằm vào cổ hắn mà đâm, mà băm vằm đến chết cái con thú đực ấy. Rồi ánh chớp lại loé lên. Phượng giật mình ngửa cổ ra hét vang trời. Chính người đàn ông nghe thấy tiếng kêu toạc cả màn đên kia mà hé mắt, ngẩng đầu dâỵ nhìn. Hắn chỉ thấy cô lảo đảo đứng dậy, buông thõng tay rồi chạy vù đi, thân thể, tóc tai gãy trong mưa. Tờ mờ sáng hôm sau, người làng kháo nhau rằng nhà cô Phượng có chuyện long trời lở đất gì đó, đến nỗi ông bố say khướt nằm ngoài đồng suốt một đêm mới mò về, còn cô Phượng thì biến mất tăm, không bao giờ thấy về nữa.

Phượng đến xóm Sông vào một buổi chiều choạng vạng. Cơn đói cào ruột bứt lấy cơ thể chị,quằn quặn từng đợt. Mắt chị sang lên khi ai đó dúi vào chị nắm cơm thơm phức. Không cần nhìn, chị nghiến ngấu vồ lấy, nghiến ngấu nhai và hồng hộc thở. Và trong khi chị mải mốt nuốt từng miếng cơm vào bụng, ứ cổ thì thằng người kia đang hì hục xé từng mảnh vải trên người chị. Mặc, chị cứ ăn. Ăn xong, chị nằm đườn ra, rên lên từng hồi dài, mắt đờ đẫn ngửa lên nhìn trời, ngạo mạn. Sợi dây chuyền hình chữ thập trên cổ chị tuột xuống đất. Thằng người định chộp lấy. Phượng vội hất hắn xuống, oằn người ra vồ lấy sợi dây, nắm chắc trong tay, mắt vằn lên man dại.

Chị lội xuống sông và tắm rửa thật kĩ rồi mặc lại bộ quần áo rách rưới. Buổi sáng, trông chị đẹp, đẹp thật dù trên mặt là những vết bầm tím và những chỗ rách lởm chởm trên bộ đồ bẩn thỉu. Chị xoã tóc, ngồi bên bờ sông, im lặng và bất động. Lũ trẻ chạy quanh chị và gào lên bài hát về con mụ điên. Chị vẫn ngồi. Đám đàn bà, người thì chep miệng thương hại, người thì xém mắt nguýt qua khi đức ông chồng của mình cứ chăm chăm nhìn vào chị. Mà nhìn cũng phải thôi. Da con gái đôi mươi trắng ngần lồ lộ dưới những vạt áo rách bươm. Bộ ngực hằn hết cào cấu vẫn căng lên, nây nẩy. Và khuôn mặt thì bình thản lạ lung.

Tối đến, thằng người hôm qua lại xềnh xệch lôi chị vào con miếu bờ sông. Hắn ném cho chị một bộ quần áo mới, một gói cơm và lại đè nghiến chị ra, dồn dập từng đợt tấp mình lên người chị. Xong xuôi, hắn mãn nguyện đứng dậy, vắt áo ra về, còn kịp cấu vào ngực chị một cái thật mạnh, cười hề hề.

Sáng hôm sau, một người đàn bà tóm lấy cổ chồng và chì chiết suốt từ đầu xóm đến cuối xóm. Phượng rón rén từ trong miếu nhìn ra. Rõ là anh chàng đã cho chị ăn mặc suốt hai hôm vừa rồi. Anh ta co người dưới tay vợ, không dám ho he câu gì. Mấy gã đàn ông đưa mắt nháy nhau. Mấy người đàn bà nhìn về phía miếu, vừa lo sợ, vừa tức giận. Phượng mặc bộ quần áo mới, nhìn họ và đột nhiên cười khanh khách. Đến lúc này, cả lũ đàn ông và đàn bà xóm sông mới ngã ngửa ra: Cô cười đẹp như một thiên thần trong tranh vẽ họ vẫn treo trong nhà.

Phượng cứ ở lì trong miếu. Cô không sọ đói nữa. Lúc đầu cô chỉ đòi thức ăn, rồi cô đòi tiền. Ha ha, thế là những đồng tiền ít ỏi trong túi mấy gã đàn ông rơi vào tay chị trước khi kịp mua cho bọn con nheo nhóc mấy cái kẹo. Đánh ghen, họp xóm để đuổi Phượng đi, nhưng Phượng vẫn không chịu đi. Rồi người ta lại đồn chị là bà Thánh miếu. Không ai dám động đến Thánh miếu. Chuyện đó xảy ra sau khi trưởng công an xã đích thân đến buộc Phượng phải đi. Ngôi miếu thờ thần sông nay chăng đầy quần áo lót của đàn bà và đêm đêm, những người đàn ông vẫn lén lút mò vào, rồi phờ phạc quay ra với cái túi rỗng tuếch.

Nửa năm sau, một người khách buôn từ xa đến. Anh ta kể những câu chuyện phiếm để làm quà trong lúc mua bán, đổi chác. Nhờ vậy, Phượng biết được anh ta từng đi qua làng chị. Mẹ chị đã chết sau mấy hôm chị bỏ đi. Anh ta kể điều đó và cười nhạt nhẽo. Bà con xóm sông lắc đầu. Không ai để ý đến Phượng. Chị chạy xộc vào trong miếu, tru lên như một con chó dại, trừng mắt nhìn về phía chân trời.

Suốt gần hai năm như thế, chị trân trân nghĩ về một điều, mà cũng không hiểu điều ấy là điều gì. Bao nhiêu người đàn ông cứ đêm đêm lại thay nhau mò đến, rồi chốc lát lại quay lưng ra về. Chị mặc lại những tấm áo sàn soạt, ráo hoảnh. Chúng nó cũng sợ chị làm đổ nát cái gia đình vốn đã ọp ẹp của chúng, không ai hứa hẹn với chị điều gì. Những người đàn ông từ xa đến thì ở với chị lâu hơn, nhưng cũng không ai hứa hẹn điều gì. Chị thường nhẩm tính, chưa ai ở với chị quá mười ngày. Lòng chị chấp chới.

 

***

Một ngày, người khách xa đến, mệt mỏi dừng chân trước cửa miếu. Trông chiếc xe của anh ta nặng những hàng và cái ví nặng những tiền. Phượng rót chén rượu mới nấu đưa cho anh ta. Anh ta uống và gật gù khen ngon. Phượng cười, mắt dán vào túi tiền. Và quả thật anh ta mắc câu, anh ta say chị đến nỗi không dời chân đi được.

Và đến hôm thứ mười thì Phượng ngạc nhiên. Người đàn ông có vẻ chẳng muốn đi khỏi cái miếu hoang dại và tàn tạ này. Đôi mắt Phượng chuyển từ túi tiền căng phồng sang bờ vai khoẻ khoắn, gương mặt rám nắng của anh. Đó là đêm đầu tiên chị ôm một người đàn ông với đôi tay siết chặt, với da thịt sạch sẽ và hơi thở gấp gáp. Chị cảm nhận cái gì đó đang lan lan trong cơ thể chị. Chị cọ mình thật mạnh để hít lấy cái mùi đàn ông bụi bặm và phong trần, như thể đó là cơ hội duy nhất chị được yêu.

Họ yêu nhau như thế hơn một tháng trời. Phượng gần như quên hết quá khứ tối tăm và đau đáu của mình. Người đàn ông cũng gần như quên khát vọng chạy trên từng cây số để uống gió trời. Nhưng một hôm, có hai gã xuất hiện, ủ rũ và chán chường. Họ nói gì đó với người đàn ông của Phượng. Sau khi liếc nhìn người tình ngon mắt của bạn, họ lũi hũi bỏ đi. Phượng hết nhìn chúng, lại nhìn người tình đầy lo lắng. Anh ta suy nghĩ thật lâu rồi nói với chị là anh ta phải đi trả một món nợ nào đó. Phượng mím môi, ôm anh ta thật chặt. Anh ta hứa, xong việc sẽ quay về đón Phượng. Chị cắn vào vai anh ta đến bầm máu. Cuống cuồng,chị đeo vào cổ anh ta sợi dây chuyền hình chữ thập, kỉ vật duy nhất của chị, do mẹ chị để lại.

Nhưng người đàn ông không trở lại. Phượng ôm cái thai trong bụng, dựng một cái quán nhỏ cạnh miếu để kiếm kế sinh nhai, để không phải mang thân mình ra làm đĩ nữa, để chờ anh ta trở về. Cô mở quán rượu và bán kèm mấy thứ hàng lặt vặt, nuôi con, và chiều chiều dắt con đi cạnh bờ sông để ngóng về đầu làng. Cứ thế, khi thằng con lên 5 thì chị hết hi vọng. Nói đúng ra, chị chỉ còn nhớ câu chuyện có gắn với sợi dây chuyền như một sự bằng lòng, an bài. Chị đã trả nó để có đứa con. Nhìn thằng bé lớn lên hồn nhiên, chị mơ về một tương lai thật đẹp. chị sẽ cho nó ăn học thật đến nơi đến chốn. Nó sẽ thương chị, sẽ đưa về quê, chị sẽ được quỳ bên mộ mẹ chị mà khóc, mà tự hào về đứa con của chị. Nhờ cái hi vọng đó mà chị đạp lên mọi điều tiếng không hay về mình, vẫn đàng hoàng sông giữa cái xóm sông bắt đầu chuyển mình đến thế giới văn minh.

***

Xóm Sông rất rộng và nghèo. Nhưng hơn ba năm nay được sự đầu tư của nhà nước để xây cây cầu bắc qua sông thì kinh tế bắt đầu phát triển. Ngay sau đó, làng của chị được công nhận là làng văn hoá xóm Sông. Những quán cà phê, Karaoke mọc lên như nấm. Theo chính sách, mỗi gia đình trong làng được vay 25 triệu vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn. Thế là hộ nào cũng sắm sửa rủ nhau lên ngân hàng. Và sau khi bước chân ra khỏi cánh cửa kính và nền gạch bóng loáng của ngân hàng thì những đồng tiền vốn ngay lập tức tuồn vào các cửa hàng xe máy, ti vi…Dọc con đường cái cạnh bờ sông đêm nào cũng rầm rập tiếng xe máy tới khuya. Mấy gã thanh niên choai choai nhuộm tóc vàng tóc xanh vẫn thường đánh võng như bay từ quán Bida sang quán cà phê rồi phớn phở phóng về nhà.

Quán rượu của chị Phượng vẫn đông khách, phần vì rượu ngon, phần vì bà chủ mặn mà đến lạ. Thằng con của chị ngoan đáo để, lăng xăng giúp mẹ rót rượu. Thảng có đôi người đàn ông về nhà nhìn những đứa con hư của mình, rồi lại nhìn thằng bé nhà chị với suy nghĩ thầm kín: nó có thể là con của mình không, dù họ vẫn nhớ rằng họ đã không được động đến Phượng trong suốt một thời gian dài, trước khi chị có mang.

Nhưng thằng bé ngày một xanh xao, gầy quắt và trở mình ốm đau liên tục. Phượng đưa con lên bệng viện huyện khám. Kết quả xét nghiệm là thằng bé nhiễm HIV. Phượng lạnh hết người, đôi mắt lạc đi nhìn con. Chị lại tức tốc đưa nó lên bệnh viện tỉnh, xét nghiệm cả mẹ lẫn con. người ta khẳng định chị không làm sao cả, nhưng thằng con của chị thì đúng là nhiễm HIV gần hai năm nay rồi. Phượng sụp xuống. Chị ôm thằng bé mà không dám khóc, chỉ nghiến răng kèn kẹt. Thằng bé dường như hiểu. Nó không hiểu quá nhiều, nó chỉ biết nó đang đau, và mẹ nó sợ nhất là điều đó. Ra về, Phượng lại dắt con đi dọc bờ sông. Bấy giờ chị mới để ý, đã mấy năm nay, ở chỗ thằng bé hay chơi, hàng đống kim tiêm vứt chất chồng, linh tinh. Chị cúi xuống, nhặt một ống kim lên, ai oán ném nó ra giữa dòng sông đang ngày một ô nhiễm.

Vô phương cứu chữa, chị đâm ra oán hận ông trời, không cho chị lấy một chú hi vọng nào cả. Đêm đêm, chị nằm ôm con thật chặt, không dám nhắm mắt ngủ, như sợ ngay sáng mai tỉnh dậy, thằng bé đã vuột mất khỏi tay chị. Chị hức lên những tiếng âm ỉ, như con chó mẹ đang liếm láp con chó con. Rồi chị lại nghĩ đến những ống kim tiêm dọc bờ sông. Lòng căm tức của chị trào lên. Phải rồi, chính chúng đã giết chết con chị. Và chị nghĩ cách để cứu con, chị sẽ làm mọi cách để giữ nó lại bên cạnh chị. Suốt những đêm dài như vậy, rồi chị rời khỏi giường, mặt bình thản. Chị lấy con dao, chậm rãi mài, mài cho đến khi lưỡi dao sắc ngọt. Chị thử cứa lên cổ tay mình, nhẹ thôi, nhưng lưỡi dao sắc ăn sâu vào mạch. Máu trào ra ướt nhoẹt, và chị cười lên sặc sụa. Khi ấy, thằng con chị đang thiêm thiếp nặng nề trên giường.

Rồi cơ hội cũng đến. Chị tự lí giải nó trong một giấc mơ. Chỉ cần trái tim của ba người đàn ông thôi, con chị sẽ khỏi. Chị sẽ lột xác nó, để nó khoẻ mạnh và kháu khỉnh như xưa. Và gã đàn ông lạ mặt đầu tiên mò đến quán rượu của chị. Chị run hết cả người. Hôm đó chị đóng quán thật sớm. Gã đàn ông thấy nhà một mẹ một con, thằng bé thì nằm dính giường nên tơ tưởng đến người đàn bà sắc sảo. Sau nhiều năm, chị lại chịu để người ta xé toạc quần áo của mình. Không một tiếng rên. Chị trống rỗng.

Sau khi gã no tình , no rượu có pha chút thuốc mê, chị nhẹ nhàng mò dậy. Rút khẽ con dao trên vách, chị vần gã đàn ông ra sau nhà. Không dễ dàng chút nào, chị thở từng hồi phì phì. Khi cầm dao lên, mặt chị tái đi, đôi mắt nhắm nghiền và cái miệng thì méo xệch đi. Chị bất lực ngồi xuống. Nhưng đôi tai chị lại sứng đi khi tiếng rên nho nhỏ từ trong nhà vọng ra. Chị nhòm qua kẽ hở. Đứa bé đang khó nhọc quay mình. Trông nó tong teo, bé nhỏ và trời ơi, nó mới 10 tuổi đầu mà như một ông già nhỏ thó, quắt queo. Lòng chị nhói lên. Nước mắt bắn ra, chạm vào lười dao. Chị bặm môi, nhằm thật chính xác và hạ tay….Gã đàn ông giần giật lên mấy cái, gầm gừ như con lợn bị chọc hết tiết rồi phục xuống đất.

Phượng như điên như dại. Chị hối hả moi lấy quả tim mang đi cất thật kĩ. Bàn tay chị nóng hổi vì máu rồi lại lạnh ngắt đi vì sợ.Nhưng chị cũng nhanh chóng xoá được dấu vết bởi dưới chân chị toàn cát là cát. Chị cho cái xác vào bao tải, nhét đá vào thật nặng rồi kéo lê cái xác vần xuống dòng sông đang ngấy lên cái mùi bùn nhão. Chị tin là dòng sông sẽ mãi mãi mang dìm đi cái điều bí mật khủng khiếp đó. Sau đó chị dùng nước rưới lên cát. Trong phút chốc, những vết máu còn sót lại lặn mất tăm, như chưa từng tồn tại. Xong việc, chị đứng nhìm chằm chằm xuống dòng sông đen ngòm, rồi quay về nhà. Chị bước lập cập, cảm giác như sau lưng có bàn tay ai đó níu chân mình lại, rờn rợn đến không chịu được. Chị băng chân chạy, vừa chạy vừa lẩm nhẩm khấn người xấu số ngủ yên. Nhưng khi nhìn đứa con uống bát thuốc đầu tiên, thì chị quên hết. Trước mặt chị chỉ còn là một sinh linh đáng thương cần sự che chở của mẹ nó. Và chị cũng nhớ rằng chị đã hi vọng vào nó đến thế nào.

Rồi những lần khác, chị thản nhiên hơn, vẫn khấn cầu sự che chở, nhưng không phải cho chị, mà cho con trai của chị. Mà chị cũng làm việc này rất khéo. Chị không nhằm vào những người trong làng. Đối tượng của chị là những kẻ mà chị chắc chắn rằng họ một mình, lần đầu đặt chân tới đây. Chị làm khéo đến nỗi không một ai hay biết tí gì về điều khủng khiếp ấy, còn con trai chị vẫn nghĩ đó là thứ thuốc quý mẹ nó kiếm được rất khó khăn, nên nó luôn cố gắng uống bằng hết. Lúc đầu nó rợn lưng vì mùi tanh lờm lợm của thuốc, nhưng rồi cũng như mẹ, nó bình thản uống.

Và bây giờ là người thứ 3, cơ hội cuối cùng của mẹ con chị. Gã đang nằm kia, ánh trăng soi rõ khuôn mặt với những vết sẹo ngang dọc và mái tóc bù xù che kín nửa mặt. Chị rón rén đi ngang con, chắc rằng nó đã ngủ rất say rồi chị mới dám hành động. Chị lần ra bờ sông. Gã đã no rượu rồi. Gía mà gã có cơ may tỉnh lại lần nữa, chị sẽ vui lòng cho gã biết rằng gã cũng sẽ chết, chết để thế thân cho con chị. Như mọi lần, chị làm một cách gọn ghẽ. Chị hoàn toàn không hay biết, phía sau lưng chị, thằng bé con đang chôn chân đứng quan sát mẹ. Gương mặt xám xịt của nó cứ lặng lẽ, vô hồn. Và khi chị Phượng vạch áo của người chết, thì chị bỗng đổ xuống. Chị dáo dác, hết nhìn khuôn mặt gã, lại nhìn lên lồng ngực phẳng lì của gã. Ngay ở đó, một sợi dây chuyền hình chữ thập khắc chữ P nằm trần trụi. Chị buông dao, đưa hai bàn tay đầy máu vuốt ngược tóc của gã và thổn thức.Chị lại vội vã bứt sợi dây chuyền lên xem. Trong lòng chị rõ chắc là người đàn ông ấy, bố của con trai chị, anh ta đã trở về. Nhưng chị không muốn tin. Chị ngồi bất động ở đó, không biết làm gì nữa. Từ phía sau, đứa bé chậm chạp lê bước đến. Nói, rất lâu, nhưng giọng đều đều: Mẹ không làm thuốc cho con đi. Chị Phượng thảng thốt quay lại nhìn con. Thằng bé đưa tay ra trước mặt chị: Cho con sợi dây mẹ nhé. Chi há hốc mồm, không nói được lời nào. Thằng bé chủ động lấy sợi dây từ tay chị rồi quay vào nhà, chậm chạp như khi nó đi ra. Chị Phượng nhìn theo con. Trông chị như một con cá đã bị mổ ruột, thom thóp thở.

Đứa bé đón bát thuốc cuối cùng từ tay mẹ. Nó uống một hơi rồi nằm ra giường nhìn mẹ. Chi Phượng không dám nhìn thẳng vào mặt con, chỉ dám nhìn vào bàn tay gầy gò, lủng bủng của con và chờ đợi. Đứa bé đột nhiên nấc lên. Chi hoảng hốt nhìn vào mặt con. Thằng bé đã tắt thở. Đôi mắt nó trợn trừng lên, khô quắt. Chị tràn lên người con, hì hục bế nó dậy. Rồi đờ đẫn, chị ôm con đi dọc bờ sông. Tiếng gà gáy sáng đua nhau cất lên. Phía đầu dòng sông, mặt trời ngần ngại chui ra. Bóng chị Phượng bế con ngồi hắt hiu đổ lên xác chết của người đàn ông. Trên tay thằng bé, vẫn nắm chặt sợi dây chuyền. Nó lủng lẳng, lủng lẳng theo mỗi cử động của người mẹ.

 

Sáng hôm sau, trên đồn phòng công an huyện có một người đàn bà đầu tóc rũ rượi lên tự thú.Sau khi kể câu chuyện cho cảnh sát, chị ta im bặt và bắt đầu cầm sợi dây chuyền giơ cao ngang mặt, cười điên dại. Câu chuyện của chị ta làm xôn xao dư luận ngày ấy, nhưng sau cả mấy vòng xét xử, người ta kết luận chị bị điên, giết người một cách bệnh hoạn. Sau đó, người ta gửi chị vào một bệnh viện tâm thần. Suốt ngày chị ta ngồi một chỗ, cười lên sằng sặc trong khi sợi dây chuyền đung đưa trước mặt.

 

Hoàng Văn Thuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Bảy 20225:29 CH(Xem: 7908)
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuộn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 7925)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.
07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 8262)
Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791.
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 7806)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 8448)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 8450)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 8698)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7655)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 9044)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 8560)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.