- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PETRUS KEY TRƯƠNG VĨNH KÝ & CUỘC XÂM LĂNG CỦA PHÁP

24 Tháng Mười 20199:21 CH(Xem: 19246)

 

TRUONG VINH KY

Trương Vĩnh Ký - 1837-1898



Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp

Vũ Ngự Chiêu

PhD, JD



PETRUS KEY TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1898) & CUỘC XÂM LĂNG CỦA PHÁP

Hợp Lưu

2019

 

 

 

 

Nội Dung

 

Dẫn Nhập … 9

Chương I: Petrus Key Là Ai?... 25

Chương II: Thuở Thiếu Thời Của Petrus Key… 67

Chương III: Pháp Xâm Lăng Đại Nam …135

Chương IV: Pháp Chiếm Nam Kỳ, …193

Chương V: Tham Chính Trong Tân Trào, …251

Thông Ngôn cho Tây

Huấn Luyện Thông Ngôn

Trong Toán Đi Pháp và Es-pa-nia của Soái Phủ Sài Gòn, 1863-1864

Làm Báo, 1865

Huấn Luyện Công Chức Tập Sự Thuộc Địa [Collège des Stagiaires], 1874-1876

Chương VI: Cổ Tích An-nam-mít Bằng Tiếng Pha Lang Sa (1875-1877)…321

Phụ Bản Tài Liệu Tập I … 368

 

Tập II

Chương VII: Chuyến Đi Bắc Kỳ năm 1876 [Ất Hợi]… 9

Chương VIII: Pháp Chiếm Bắc Kỳ-An Nam… 105

Chương IX: Làm Quan Ở Huế, 4-9/1886…173

Chương X: Ảo Mộng Trương Lương Của Tây?...217

 

Phụ Bản Tài Liệu II… 272

Thư Mục Chọn Lọc…343

 

DẪN NHẬP

Hạnh phúc biết bao cho một người không có quá khứ, hay một dân tộc không có lịch sử—nhiều người quan niệm như thế. Nhưng con người, mỗi người trong chúng ta, đều có quá khứ, vui, buồn hay buồn vui trộn lẫn. Một dân tộc luôn luôn có lịch sử, vinh quang, tủi buồn, hay vinh nhục đủ mùi vị. Quá khứ luôn luôn là tấm gương cho mỗi người tự sửa mình, rút cho mình một kinh nghiệm sống, chuẩn bị cải thiện tương lai. Lịch sử một quốc gia, nếu được ghi chép trung thực, là kho tàng kinh nghiệm cho việc ích quốc, lợi dân, và phát huy tình nhân loại cho một thế giới đáng sống hơn.

Việt Nam không phải là một đại cường, nhưng cũng chẳng là một tiểu quốc. Với lãnh thổ trên 300,000 cây số vuông, cùng ý chí và quyết tâm giữ vững nền độc lập của trên 90 triệu quốc dân, Việt Nam đã sinh tồn tới thế kỷ XXI, tự thiết lập vị thế riêng biệt không chỉ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, mà còn giương danh khắp thế giới. Tuy nhiên, người chép sử—đại đa số là sử quan hay sử công của chế độ, mà chưa phải sử gia, với huấn luyện chuyên biệt—thường chỉ nỗ lực uốn nắn các sử kiện vào khuôn thước quốc thống và chính thống của các chế độ cầm quyền, như thứ tài liệu huấn luyện giai tầng cai trị và trung gian. Sử quan và sử công thường im lặng, hoặc tảng lờ những dữ kiện đi ngược lại hoặc không phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của chế độ. Và, nếu cần, ngạo mạn đánh giá các tác nhân lịch sử như anh hùng hay gian ngụy theo đúng luật “được làm vua, thua làm giặc.” Sử văn còn bị biến thành một thứ tài liệu tuyên truyền, đủ màu sắc ý thức hệ và tôn giáo. Sự thực sử học bị phủ khuất dần. Hậu thế nhìn vào quá khứ chỉ thấy những rừng rậm nhá nhem đủ loại bóng tối, cây cổ thụ bị giây leo chằng chịt vây phủ.

Bốn mươi bốn năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, chẳng hạn, còn bao người biết rằng hình ảnh chiếc xe tăng Bắc quân húc vào cánh cổng Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 (đang được trưng bày tại nội viên dinh Thống Nhất hiện nay) là kết quả của một màn đạo diễn phim tuyên truyền? (Một sử gia Việt Nam, xin tạm dấu tên, đã cho tác giả biết chi tiết này) Có soạn giả kết thúc biên khảo về cái chết của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (28/7/1897-2/11/1963) bằng cách kêu gọi độc giả hô to “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm;” tảng lờ việc các Tướng tá Việt Nam Cộng Hòa như Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Dương Văn Minh, trước hành động bội phản của họ Ngô, và vì đã chán ngấy lời xướng tụng “muôn năm,” quyết định sửa lại thành “muốn nằm [trong lòng Thiết vận xa]” sáng 2/11/1963. Nói chi những thứ gọi là “sứ mệnh khai hóa” hay “gánh nặng của người da trắng” trong thế kỷ XIX-XX—cùng giai tầng trung gian bản xứ—được tô lục, chuốt hồng trong văn sử Tây phương.

Và, xa hơn nữa, là khối cổ sử của người Việt và người Hoa, đã và đang bị xách nhiễu bởi mặc cảm tự tôn hoặc tự ti, cùng những vách đá dựng đứng, tối tăm lạnh lẽo của những nhà tù ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa và “thánh giáo” ngoại nhập—với những hoang tưởng về “rồng vàng,” những giấc mơ điềm mộng về danh vọng tương lai, hay những lời sỉ nhục nặng nề như giống người “lúc đứng hai ngón chân cái chạm vào nhau,” giống “tinh tinh” ở đất Cửu Chân, và chỗ tận cùng của văn hóa, nơi “mặt trời mọc ở phương Nam.”

Song song và dưới ảnh hưởng của các kỹ thuật bẻ cong hoặc nhất thống lịch sử trên là vấn đề tư liệu, hoặc thiếu sử liệu khả tín. Cho tới đầu thế kỷ XXI, chẳng hạn, vấn đề tư liệu còn nổi cộm. Không chỉ giới hạn trong giai đoạn tiền sử, cổ sử mà ngay cả giai đoạn lập quốc vào thế kỷ IX-X, hay giai đoạn phong kiến Trung cổ. Biết bao giấy mực đã hao tốn vì những chữ “Lạc” với “Hùng” trong nỗ lực đi tìm nguồn gốc dân tộc và thời kỳ dựng nước—những nỗ lực vô vọng, hoang phí, trong những cuộc tranh luận “sẩm sờ voi.” Hay, hình ảnh một xã hội Đại Cồ Việt ở thời khai sinh như một quốc gia độc lập, tự chủ vào thế kỷ thứ IX và thứ X. Hành động mọi rợ văn hóa [cultural barbarism] của nhà Minh khi tịch thu, phá hủy các tư liệu của Đại Việt trong giai đoạn 1407-1427 khiến vấn đề tư liệu sử học càng thêm nổi cộm, đưa đến những truyền thuyết “100 trứng, trăm con” trong các bộ quốc sử “định hướng Khổng Giáo.”

Thời kỳ cận đại và hiện đại cũng chẳng đáng khích lệ trước những tội ác văn hóa quen thuộc của giới chức cầm quyền—như tịch thu, thiêu đốt văn hóa phẩm của phe bại trận, gạn lọc và thiêu hủy một số tư liệu văn khố, phổ biến những ngụy thư cùng tin tức truyền khẩu (kiểu, Việt Nam có bốn anh hùng, Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu; hay Petrus Key, một chủng sinh thày kẻ giảng tại Collège de Penang bỏ tu đi làm thông ngôn cho quân viễn chinh Pháp năm 1858-1859, là một thiên tài, thông thạo 26 thứ tiếng, kể cả những ngôn ngữ chưa bao giờ được huấn luyện, và cũng chẳng có người bản xứ nào giúp học nhái theo). Bởi thế, mới chỉ có những nỗ lực đơn lẻ, cá nhân hoặc một nhóm các chuyên viên, bỏ công sức đời mình tìm đọc các kho tài liệu văn khố rải rác năm châu—trong sự hờ hững của đám đông, đố kị và thù nghịch của một số thế lực và chính quyền.

Đó là chưa kể những trò trộm cắp tim óc của những người nghiên cứu chuyên nghiệp để giải đáp “bí ẩn lịch sử” với giọng điệu ngụy biện của những khối óc tù túng trong sự ngu dốt sặc sỡ và điêu ngoa hào nhoáng, thiếu sự lương thiện trí thức tối thiểu. Trường hợp điển hình là tin đồn “Nguyễn Thế Anh khám phá ra tài liệu Nguyễn Sinh Côn, dưới tên giả Nguyễn Tất Thành, xin nhập học trường Thuộc Địa Pháp;”[1] hay lá thư ra mắt “ông chủ lớn Pha Lang Sa Bernard de Jauréguiberry” do Petrus Key hay “chú Ký” nhờ các giáo sĩ Pháp trình nộp soái phủ Sài Gòn năm 1859—và bị de Jauréguiberry đánh giá thấp trong công điện báo cáo lên Rigault de Genouilly—không phải do đương sự vắt tim, nặn óc viết ra.

Các kho tài liệu văn khố thế giới liên quan đến Việt Nam cũng chưa hoàn toàn mở rộng. Ngoài ra, còn hạn chế về phương tiện du khảo cùng qui tắc của một số văn khố quốc gia. Văn khố Đảng Cộng Sản Trung Hoa và Liên Sô Nga là thí dụ cụ thể. Tại Việt Nam, chỉ một số nhà nghiên cứu ngoại quốc được phép làm việc tại ba Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia ở Hà Nội và Sài Gòn. Thủ tục xin tham khảo hay làm phóng ảnh cũng rất khe khắt và tốn thời gian.

Nhờ được ba học bổng Fulbright và tài trợ khác nghiên cứu tại các văn khố và thư viện Pháp cùng Việt Nam, thu thập thêm sử liệu mới, phỏng vấn nhiều người từ Bắc chí Nam, cũng như tham quan các địa danh miền Bắc mà tác giả chỉ giữ được những ấn tượng thiếu niên rất mơ hồ—từ năm 2010 chúng tôi tu chỉnh lại một số chi tiết kỹ thuật trong các ấn bản 1996-2002 bộ Thiên Mệnh Đại Pháp: Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1884-1945, đặc biệt là giai đoạn trước 1883, và thập niên 1930, với hy vọng tái dựng một giai đoạn lịch sử nhá nhem bóng tối của nhiều hơn một hệ thống tuyên truyền gian trá, với mục đích ngu dân, cho những mưu toan hiểm độc nào đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng hiệu đính luận án 1984 tại Đại học Wisconsin-Madison, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R W Smail, “Political and Social Change in Viet Nam Between 1939 and 1946;” cùng bản thảo “Mandate of Heaven: Quo-va-dis?: Viet Nam, 1945-1950,” và “Sử Việt Nam, 880-1975, chép theo lịch Tây.”

Chúng tôi quyết định chép các vua chúa bằng tên húy hay “thánh” của họ thay vì niên hiệu hay miếu hiệu. Thí dụ như “vua Thiệu Trị” nhà Nguyễn, tên thánh là Nguyễn Phước Tuyền (11/2/1841-4/11/1847), tức Dung, vì Thiệu Trị chỉ là niên hiệu, từ ngày 11/2/1841 tới 4/2/1848.[2] Con là Nguyễn Phước Thời nối ngôi ngày 10/11/1847 [tức 3/10 Đinh Mùi], mất ngày 19/7/1883, nhưng niên hiệu Tự Đức chỉ có hiệu lực từ Nguyên đán Mậu Thân (5/2/1848), tới cuối năm Quí Mùi [Tự Đức 36, 29/12/1883-27/1/1884].[3] Khối sử văn thế giới thường chỉ nhắc đến niên hiệu Thiệu Trị hay Tự Đức, theo kiểu nhà Thanh.

Biên khảo Petrus Key Trương Vĩnh Ký (1837-1898) & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp này chỉ là một trong bốn Phụ Bản chi tiết—hay case studies—cho ba biên khảo sử học nói trên về giai tầng trung gian bản xứ hợp tác với quân ngoại xâm—tức họ Hồ/Lê Quí Ly (23/3/1400-17/6/1407) trong cuộc xâm lăng của Chu Lệ, 1406-1424; họ Mạc hủy diệt quốc thống ngày 30/11/1540 qua việc tự trói, xỏa tóc, đi chân đất vào Trấn Nam Quan quì bò trước mặt Mao Bá Ôn xin nội phụ nhà Minh, chấp nhận tước hiệu An Nam Đô Thống Sứ Ti, Đô thống sứ ti, quan hàm tùng nhị phẩm [II-2], và “Phiến Cộng Trong Dinh Gia Long” Ngô Đình Nhu (1910-1963), người đưa đến cuộc tắm máu cuối cùng của dòng giõi Ngô Đình Khả (1856-1914)—một thông ngôn lừng danh khác của Pháp tại Tòa Khâm sứ An Nam của Chính Phủ Bảo Hộ Annam-Bắc Kỳ [Protectorat de l’Annam et du Tonkin] trong giai đoạn 1885-1907, đã tiếp tay Nguyễn Thân, Lê Tựu Khiết và người Pháp trộn hài cốt Ngự sử Phan Đình Phùng (1847-1895) với thuộc súng bắn đi để trừng trị tội trung quân, ái quốc.

Chúng tôi cũng may mắn được sự trợ giúp nhiệt tình của một số chuyên viên, học giả trong nước suốt thời gian du khảo năm 2004-2005 cũng như giai đoạn hậu du khảo. Xin ghi nhận sự ân cần của quí vị Hiệu trưởng cùng nhân viên Đại học Khoa Học & Xã Hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, quí vị Giám đốc và nhân viên các trung tâm lưu trữ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, và Ban học bổng Fulbright Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Nhờ vậy, chúng tôi có cơ hội phỏng vấn một số tác nhân lịch sử như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Vũ Đình Hoè, và nhiều luật gia, viên chức tư pháp, cùng chứng nhân khác từ Lai Châu tới Cà Mau.

Đa tạ Giáo sư Mai Quốc Liên đã mua giúp tập Lịch Vạn Niên: Âm lịch Dương lịch đối chiếu, 0001-2060 của Lê Quí Ngưu biên soạn (3 tập, ấn bản 2004), giúp điều chỉnh lại một số ngày tháng chính xác hơn, khi chuyển từ lịch Trung Hoa sang Tây lịch.

Anh chị Vũ Ngự Triệu cùng các cháu cũng mua tặng nhiều tư liệu, bản đồ quí hiếm. Gồm dù không giới hạn trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Mục Lục Châu Bản Triều Minh Mạng, cùng bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư năm 2009. Luật sư Trần Thanh Hiệp giúp làm phóng ảnh một số trang tác phẩm Petrus Trương Vĩnh Ký lưu trữ tại thư viện Mitterand, Paris, và vợ chồng Vũ Thái Dũng-Trang tìm mua giúp tập II cuốn Cours d’histoire annamite (1875-1877) tại Sài Gòn.

Nhà thơ Đặng Hiền, chủ biên Tạp Chí Hợp Lưu, và Cao học Electrical Engineering Phạm Hữu Lộc phụ tá kỹ thuật, giúp món quà văn hóa cho hậu thế có thể hoàn tất. Đặng Hiền đã “nghỉ mát làm việc” ba tuần ở Houston, chụp [scan] kho tài liệu văn khố nhiều nước thu thập gần 40 năm qua—và không chỉ một lần báo động với đại gia đình về sức khoẻ cá nhân tác giả. Biên khảo này hẳn khó hoàn tất nếu thiếu sự hợp tác của Đặng Hiền.

Không kém quan trọng là những chăm sóc, ân cần của đại gia đình, nhất là ba em gái Lan Phương, Loan Phượng, Hằng Nga, cùng người bạn đời suốt hơn 31 năm qua, Hoàng Đỗ Vũ—đặc biệt sau biến cố kích tim đầu năm 2008, và tai biến xuất huyết nội ngày 23/9-2/10/2019.

Nhưng những khiếm khuyết hẳn có chỉ riêng tác giá chịu trách nhiệm.

Houston, 6/10/2019

Vũ Ngự Chiêu

 

 

PHÀM LỆ:

Cách ghi tên, họ:

Họ và tên tác nhân [niên hiệu, ngày tháng Tây lịch tương đương thời gian cai trị, hay tại chức, hay tuổi đời, tính theo lịch các triều đại Việt, Trung Hoa, và những nước liên hệ]

Cách ghi ngày tháng Tây lịch: 

Theo thứ tự Ngày, Tháng, Năm. Khác với lối ghi của Liên bang Mỹ, Tháng, Ngày, Năm

Cách ghi ngày tháng lịch Ta: 

Các vua Việt thường có niên hiệu riêng. Thí dụ, Nguyễn Phước Chủng có niên hiệu Gia Long, từ năm 1802 [Gia Long thứ nhất] tới năm 1820 [Gia Long thứ 19]. Bắt chước lịch Trung Hoa, ghi Năm, Tháng, rồi Ngày.

Tháng 1-2/1848 [Chạp Đinh Mùi, 6/1-4/2/1848]:

Tháng tương đương Tây lịch [Tháng, năm lịch ta, ngày Tây lịch]

Có sự sai biệt giữa lịch nhà Lê, lịch Đường Trong [Nguyễn] và lịch Đường Ngoài [Lê-Trịnh].

Có sự sai biệt giữa lịch nhà Tây Sơn và nhà Thanh.

Nguồn Tư Liệu:

Chúng tôi sử dụng nhiều nguồn tư liệu gốc [multi-archival approach], nên đặt trọng tâm vào phương pháp tỉ đối [comparative history]. Ngoại trừ một số thông tin ngụy tạo quá rõ ràng, sẽ bị gạch bỏ, chúng tôi sẽ ghi lại sự khác biệt của các nguồn tư liệu, vì sự khác biệt là lẽ đương nhiên. Thí dụ như vấn đề “chính” và “ngụy;” “cách mạng” và “phản động;” v.. v.. Sử quan Nguyễn dùng hàng ngàn trang tư liệu chữ Nho [Hán-Nôm đọc theo khẩu âm Việt] để ghép tội anh em Nguyễn Tây Sơn là Ngụy Tây, nhưng hậu thế có một cái nhìn trung dung hơn, trong khuôn khổ những cuộc tranh hùng nghiệt ngã, đẫm máu.

Tên Tư liệu văn khố. Tên Tư liệu chính thức của các triều đại, và thông tin trích dẫn từ các học giả, báo chí thế giới.

Chúng tôi cố gắng tỉ đối ba nguồn tư liệu chính  thực lục và châu bản triều Nguyễn Phước Thời, tài liệu quân sự Pháp [Sở lịch sử Hải quân (SHM, Chateaux de Vincennes, Paris), Sở lịch sử văn khố lục quân Pháp, (SHAT, Chateaux de Vincennes, Paris). Tại SHM (Vincennes) có rất nhiều tư liệu quí hiếm về giai đoạn Pháp xâm lăng, đặc biệt là các tư liệu  của Đô đốc Jean Bernard Jauréguiberry,  Joseph Page và Henri Rieunier, hay học giả Georges Taboulet. Chúng tôi cũng phát hiện nhiều thư riêng giữa Jauréguiberry và các giáo sĩ đương thời, nhưng chỉ ghi chép mà không được làm phóng ảnh. Ngoài ra, còn tư liệu văn khố bộ Hải Quân và Bộ Thuộc Địa ở Oudinot, Paris (AOM), và Trung tâm các Văn Khố hải ngoại ở Aix-en Provence (DOM), hiện tập trung thành Trung Tâm Các Văn Khố Hải Ngoại (CAOM, Aix); Văn khố Trung ương Paris (AN, hiện đối thành CARAN), Thư viện báo chí tại Versailles, đã dời về Thư viện Mitterand ở quận 13, Paris. Chúng tôi cũng có dịp làm việc tại Văn khố Bộ Ngoại Giao tại Quai d’Orsay (AMAE) và Văn khố Hội truyền giáo (ASME) trên rue de Bac, Paris.

Tên Tư liệu văn khố:

CAOM (Aix), carton [hộp], dossier [hồ sơ]: Trung tâm văn khố Pháp quốc hải ngoại, tại Aix-en Provence, hộp, hồ sơ.

Tên Tư liệu chính thức của các triều đại, và chính phủ:

ĐNLTCB, II, q 2 & 3 (1993), 3:25-64: Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên; Bộ 2; quyển 2 và 3 (bản in năm 1993), quyển [3], trang [25-64]

ĐNTLCB, IV,  I, 27:1848-1854, 1973:31: Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ tứ Kỷ, quyển I, tập 27:1848-1854, năm in 1973, trang 31.

FRUS, 1945: Foreign Relations of the United States, 1945;

Thông tin trích dẫn từ các học giả, báo chí thế giới, theo lệ thường ở Liên Bang Mỹ.

Vấn Đề Lượng Giá hay Phê Bình:

Trên lập trường toàn vẹn lãnh thổ, tự trị, hòa bình, tự do, no ấm của toàn dân, và nhân/dân quyền.

Cha con Lê/Hồ Quí Ly hay ông cháu Mạc Thúy, Mạc Đăng Dung bị xếp hạng “ngụy;” không chỉ vì cướp ngôi nhà Trần, hay nhà Hậu Lê sơ—nhưng ác tội khó tha là cắt đất dâng Chu Hậu Tổng, hay tự trói mình, buộc dây vào cổ, đi chân đất đến bò lạy trong Trấn Nam Quan, xin nội phụ nhà Minh, được chia làm quận huyện như văn và dã sử Trung Hoa ghi chép—biến giang sơn thành một đô thống sứ ti của giặc xâm lược. Nhưng trong nước, xưng vương, xưng đế. Hay đặt tên nước là Đại Ngu, của Thuấn, mà chưa ai dám chắc từng hiện hữu—ngay đến Tư Mã Thiên cũng chỉ dám viết được thổ hào, nhân sĩ thuật lại những lời truyền tụng.

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

ANCL:         Lê Tắc, An Nam Chí Lược, bản dịch Chen Ching Ho [Trần Kính Hòa] et al. (dựa trên truyền bản Lạc Thiện Đường Annan Zhilue, Ginko Kishida [Ngạn Điền Ngâm Hương] sưu tập và hiệu đính năm 1884) (Huế: Đại học Huế, 1961), 

BAVH:         Bulletin des Amis de Vieux Hué. (Huế, Việt Nam)

BEFEO:         Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient (Hà Nội, Việt Nam)

CMCB:         Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Chính Biên [CB], [1886] Tự Đức et al. (1884), bản dịch Viện Sử Học (Hà Nội: Giáo Dục, 1998)

CMTB:         Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], [1886], bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1967); bản dịch viện Sử học, 2 tập (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998), tập I.

Dư Địa Chí:         Nguyễn Trãi, trong Ức Trai Di Tập (1868); bản dịch Viện Sử Học, trong Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai có tăng bổ và hiệu đính, (Hà Nội: KHXH, 1976) [tr 211-246, 543-662].

ĐNLT:         Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên [TB] & Chính Biên [CB], 5 tập (1992); Tiền Biên [TB] (1995)

ĐNNTC:         Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, 5 tập (NXB Thuận Hóa, 1997)

ĐNTLCB:         Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch Viện Sử học, 38 tập (Hà Nội: 1962-1978)

ĐVSKTB:         Ngô Thì Sĩ et al., Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Quốc sử quán Tây Sơn (1798-1800), 17 tập (7 NK, 10 BK), bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997)

ĐVSK, BKTT:         Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, bản dịch Quốc tử giám tàng bản Cao Huy Giu et al. (Hà Nội: 1967) [sẽ dẫn ĐVSK, BKTT, Giu (1967)]; bản dịch nội các quan bản Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu & Ngô Thế Long [Nội Các Quan Bản], 3 tập (Hà Nội: 2009), [sẽ dẫn Thọ et al. (2009)]

ĐVSK, NKTT:        Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ [1697-1698], q. III, bản dịch Nhượng Tống (Hà Nội: Tân Việt, [1944?]) [sẽ dẫn Nhượng Tống (1944)]; bản dịch Cao Huy Giu [Quốc Tử Giám tàng bản], (Hà Nội: 1967), [sẽ dẫn Giu (1967)]; bản dịch Ngô Đức Thọ et al. [Nội Các Quan Bản], (Hà Nội: 2009) [sẽ dẫn Thọ et al. (2009)];

HL:         Hợp Lưu (Fountain Valley, CA)

JAS:         Journal of Asian Studies (Ann Harbor, MI, USA)

LSTL:         Nguyễn Trãi, Lam Sơn Thực Lục [1432], trong Ức Trai Di Tập; bản dịch Viện Sử Học, trong Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai, (Hà Nội: KHXH, 1976), tr 43-74, 479-82.

LTHCLC:         Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, (Sai Gòn: 1972), bản dịch Viện Sử học, 3 tập (Hà Nội: 1992)

Ming Shi-lu         [Minh thực lục], Geoffrey Wade, Southeast Asia in Ming shi-lu: An Open Access, National University of Singapore data base, 2005.

NCLS:         Tập san Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội)

Ngô Thì Nhậm:         Tuyển Tập Thơ Văn Ngô Thì Nhậm, Mai Quốc Liên et al. dịch, 2 tập (Hà Nội: KHXH, 1978)

NTTT:         Nguyễn Trãi Toàn Tập, tái bản có bổ sung (Hà Nội: KHXH, 1976)

PBTL:         Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch Lê Xuân Giáo (Sài Gòn: 1972)

QTTMT:         Nguyễn Trãi, Quân Trung Từ Mệnh Tập, I & II. NTTT, 1976, [101-206]

Thông sử [ĐVTS]:         Lê Quí Đôn, Đại Việt Thông Sử, bản dịch Ngô Thế Long, trong Lê Quí Đôn Toàn Tập (Hà Nội: 1978), tập III.

TKC:        Lịch hay Lệ Đạo Nguyên (466 [472]-527), Thủy Kinh Chú

TKCS:         Thủy Kinh Chú Sớ, Lịch Đạo Nguyên (466 [472]-527), et al., bản dịch Nguyễn Bá Mão (Hà Nội: 2004).

VĐLN:         Lê Quí Đôn, Vân [Văn] Đài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền (Sài Gòn: 1973?).

VSTA:         Ngô Thì Sĩ, Việt Sử Tiêu Án (Sài Gòn: 1960, 1967).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83369)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82416)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74764)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 79898)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31839)
Lý Công Uẩn làm vua gần 20 năm. Trong buổi đầu lập quốc vô vàn khó khăn, gian khổ, ông đã cùng triều đình và thần dân thiết lập nên một vương triều thực sự vững mạnh, ổn định lâu dài, chẳng những đặt nền móng vững chắc cho chế độ phong kiến Việt Nam, mà còn mở ra thời đại độc lập tự chủ của dân tộc. Đóng góp của ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và tư tưởng...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 34116)
Thế giới văn chương tuy bao la nhưng cũng giống như một xóm nhỏ, người viết thuộc lòng nhau. Thế giới phê bình còn bé hơn, nhiều "nhà", lắm "đại gia", nhưng những người đọc được đếm trên đầu ngón tay. Nghề phê bình cũng như nghề thợ trạm: phải ở trong mới biết thật, giả.
02 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 35050)
Kính dâng vong linh những người đã nằm xuống trong cuộc chiến 1945-1975 Thứ Hai, 23/8/2010, vô tình vào mạng lưới điện tử Việt Nam–như Tuổi Trẻ (Sài Gòn), Sài Gòn Giải Phóng–được biết Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] mới đến thăm chúc thọ 100 tuổi [ta] Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi trạnh nhớ đến một tựa truyện ngắn nổi danh thời “đổi mới”–“Tướng Về Hưu,” một thứ anh hùng ca về vị tướng xa rời chiến trận, đối mặt thực trạng xã hội hậu chiến nhem nhuốc như cô con dâu y sĩ nuôi lợn bằng nhau thai nhi, hay “đầu đường Đại tá vá xe,” ...
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 83890)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 95432)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 91899)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.