- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thể Thơ "thất Ngôn Xen Lục Ngôn": Sự Sáng Tạo Thể Loại Đầu Tiên Trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam

31 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29569)

whopluu91-t26_0_100x300_1Trong lịch sử văn học Việt Nam, các thể loại văn học bằng chữ Hán đều là sự tiếp thu hầu như nguyên vẹn các hình thức thể loại văn học của Trung Quốc. Điều đó cho thấy văn hoá và văn học Hán đã chi phối mạnh mẽ như thế nào đối với văn hoá và văn học Việt thời cổ xưa. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử, văn học Việt Nam một mặt chịu sự "hướng tâm" vào quỹ đạo Hán văn hoá, mặt khác không ngừng nỗ lực "ly tâm" để xác định những phẩm chất dân tộc của mình. Một trong những nỗ lực to lớn nhất là việc sáng tạo ra những hình thức thể loại của riêng mình.

Sự sáng tạo các hình thức thể loại riêng của Việt Nam chủ yếu được thực hiện trên cơ sở của văn học bằng chữ Nôm. Theo như các tư liệu hiện còn, trong suốt nghìn năm văn học trung đại, tuy rất cố gắng, người Việt Nam cũng chỉ sáng tạo được ba hình thức thể loại thơ ca cho riêng mình, là thơ lục bát, thơ song thất lục bát thơ hát nói… Điều đó cho thấy việc sáng tạo ra hình thức thể loại mới là cực kỳ khó khăn, cũng như hình thức thể loại có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn học. Sự xuất hiện của những thể loại văn học mới bao giờ cũng là những biến cố quan trọng nhất của lịch sử văn học. Ở mọi thời đại, các thể loại, hay các kiểu thức nghệ thuật, luôn là những nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học.

Hầu hết các công trình nghiên cứu văn học sử hiện nay đều thống nhất cho rằng, hình thức thể loại văn học đầu tiên mang tính dân tộc được người Việt Nam sáng tạo ra là thể lục bát, nhiều khả năng ra đời vào thế kỷ XVI[1]. Tuy nhiên, dường như quá trình sáng tạo thể loại của người Việt Nam đã được tiến hành từ lâu trước đó. Có thể ngay từ khi người Việt Nam biết dùng tiếng Việt làm văn học thì họ đã có nhu cầu tìm kiếm hình thức nghệ thuật của riêng mình? Bắt đầu từ thời Trần, khoảng thế kỷ XIII, XIV, chúng ta thấy xuất hiện trong văn học những bài thơ được sáng tác bằng chữ Nôm có những biểu hiện của sự biến thái nhất định về hình thức thể loại so với hình thức thơ Trung Quốc. Đó là những bài thơ tứ tuyệt hay bát cú theo kiểu Đường luật, nhưng có những câu sáu chữ và những câu bảy chữ xen nhau, làm thay đổi hẳn tính quy phạm của thi luật thơ Đường, mà ngày nay ta gọi là thể thất ngôn xen lục ngôn (TNXLN). Lối thơ này ít nhiều gắn liền với tên tuổi nhiều thi sĩ thời Trần như Hàn Thuyên (nên sau này có người gọi đó là Hàn luật), Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, nữ sĩ Điểm Bích[2]… Nó phát triển rất mạnh và trở thành thể thơ tiếng Việt chủ chốt ở thế kỷ XV, XVI, rồi mai một dần vào thế kỷ XVII, XVIII. Nó được đánh dấu bởi tên tuổi những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi (1380-1442) với Quốc âm thi tập f (trong đó có 186 bài TNXLN trên tổng số 254 bài), Lê Thánh Tông (1442-1497) và các thi sĩ thời Hồng Đức với Hồng Đức quốc âm thi tập x w f (trong đó có 135 bài TNXLN trên tổng số 328 bài), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với Bạch Vân quốc ngữ thi tập y (trong đó có 97 bài TNXLN trên tổng số 161 bài), Trịnh Căn (1633-1709) với Ngự đề Thiên Hoà doanh bách vịnh s D M (trong đó có 10 bài TNXLN), Nguyễn Hữu Chỉnh ( ? - 1787) với Ngôn ẩn thi tập (trong đó có 5 bài TNXLN)... Rõ ràng, sự xuất hiện của thể thơ TNXLN là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học của nước Việt Nam cổ xưa. Trong bối cảnh những ảnh hưởng của chữ Hán và thể loại văn học Trung Quốc đè nặng lên nền văn học dân tộc cả nghìn năm, thì sự sáng tạo thể loại này khiến chúng ta không thể không nghiêm túc nhìn nhận, nâng niu trân trọng và tự hào một cách chính đáng. Đây không chỉ là vấn đề của văn học, mà còn là vấn đề của bản lĩnh và tinh thần văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xác định những đặc điểm thể loại cũng như vị trí của thể thơ này trong lịch sử văn học hiện đang gây nhiều tranh luận học thuật. Có người khẳng định đây là một thể thơ riêng của Việt Nam được tạo ra trên cơ sở của thơ luật Đường của Trung Quốc, kết quả tất yếu của quá trình tiếp biến văn hoá (acculturation) của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời trung đại, và "là sự sáng tạo thể loại đầu tiên của Việt Nam"[3], nhưng cũng có người cho rằng nó chỉ là một "biến thể" của thơ Đường luật Trung Quốc trong văn học Việt Nam, là "một thể đặc biệt" của thơ Đường, hay "một hình thức của thơ Nôm Đường luật", và không công nhận nó là một thể loại riêng của văn học Việt Nam. Câu chuyện về thể thơ TNXLN đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều nhà nghiên cứu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đánh giá cuối cùng. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi xin được tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc hình thức của thể thơ, nhằm mục đích góp phần trả lời cho câu hỏi: Thơ TNXLN có phải là thể thơ riêng do người Việt Nam lần đầu tiên sáng tạo hay không?

Về nguồn gốc thể thơ thất ngôn xen lục ngôn

Hiện nay, trong học giới của Việt Nam có ba quan điểm về nguồn gốc của thể thơ TNXLN.

Quan điểm thứ nhất cho rằng thể TNXLN là sự tổ hợp giữa câu thơ 6 chữ của thơ cổ phong với câu thơ 7 chữ của thơ Đường luật có sẵn của Trung Quốc. Tiêu biểu cho quan điểm này là nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên. Trong công trình Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại xuất bản năm 1971, ông nhiều lần khẳng định điều này. Ông viết: "Sự phối hợp giữa thể lục ngôn với thể thất ngôn Đường luật dẫn tới một thể TNXLN đặc biệt của Việt Nam". Ở một chỗ khác, ông nhắc lại: "Từ thể cổ phong và thể Đường luật, các nhà thơ Trung Quốc và các nhà thơ ta lại sáng tạo ra một số thể thơ đặc biệt" (trong đó có thể TNXLN)[4]. Quan điểm này hiện nay vẫn chưa được chứng minh. Hơn nữa, theo khảo sát của chúng tôi, câu thơ 7 chữ trong thể thơ TNXLN nhiều khi không còn nguyên vẹn là câu thơ 7 chữ của thơ thất ngôn luật Đường do đã bị làm cho biến đổi đi về nhịp ngắt (từ nhịp 4 / 3 thành nhịp 3 / 4) và có thêm một số vần lưng; còn câu thơ 6 chữ trong thể thơ này cũng không phải là câu thơ 6 chữ trong thể lục ngôn cổ phong. Vì nếu chúng là một tổ hợp tự do giữa câu 7 chữ luật Đường và câu 6 chữ cổ phong thì câu thơ lục ngôn đó không thể có mối ràng buộc chặt chẽ về niêm, luật, vần, đối như thế đối với câu thơ thất ngôn trong thể TNXLN.

Quan điểm thứ hai cho rằng thể TNXLN là sự kết hợp giữa câu thơ 7 chữ thất ngôn luật của Trung Quốc với câu thơ 6 chữ trong thơ ca dân gian của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết: "Loại thơ trong đó những câu 6 chữ thay thế những câu 7 chữ của Trung Quốc, hoặc là thay thế toàn bộ các câu, hoặc chỉ xuất hiện ở một vài câu, theo tôi quan niệm, là sự lắp ghép giữa thể thơ dân tộc với thơ Đường"[5]. Còn Nguyễn Ngọc San tuy theo quan điểm này nhưng lại cũng rất phân vân trước quan điểm thứ nhất (?): "Còn nguồn gốc của các câu lục ngôn trên thì có thể mượn từ người Trung Hoa qua các từ khúc của họ, nhưng có lẽ đây là một nét sáng tạo của người Việt Nam lấy ra từ thể thơ lục bát trong các bài hát cửa đình từ thời Lý Trần"[6]. Quan điểm này hiện nay cũng chưa được chứng minh. Theo chúng tôi điều này rất khó có thể chứng minh, vì thơ ca dân gian thường thể hiện tính "siêu thời gian". Nó không có thời gian lịch sử cụ thể. Hay đúng hơn, thời gian của nó luôn là thời gian hiện tại khi nó được thông báo và tiếp nhận. Vì thế, chúng ta khó có đủ căn cứ thuyết phục để xác định rằng câu thơ 6 chữ dân gian ra đời từ thế kỷ XIII, XIV, thời điểm xuất hiện của thể TNXLN. Câu thơ lục bát dân gian ra đời khi nào thì cho đến nay vẫn chỉ là những phỏng đoán, vì không có căn cứ xác thực. Còn câu thơ lục bát trong văn học viết Việt Nam, như đã nói, ra đời sớm nhất cũng phải đến đầu thế kỷ XVI. Hơn nữa, nguồn gốc của câu thơ 6 chữ dân gian từ đâu cũng còn là điều chưa được sáng tỏ. Để xác định được điều này, có lẽ chúng ta cần tới những nghiên cứu chuyên sâu khác, nhất là những nghiên cứu so sánh loại hình (typologie) có tính khu vực đối với thể thơ "lục bát", như so sánh "lục bát Việt" với "lục bát Chăm", "lục bát Thái Lan" hay với thể "lục bát" trong thơ Pantun Malayu của Malaixia…

Quan điểm thứ ba cho rằng thể TNXLN được tạo ra trên chính kết cấu và hình thức của bài thơ luật Đường của Trung Quốc. Các nhà thơ cổ của Việt Nam đã tạo ra câu thơ lục ngôn bằng cách cắt giảm một chữ (một bước thơ) của câu thơ thất ngôn luật, rồi phối hợp các câu thơ lục ngôn với các câu thơ thất ngôn để tạo nên thể thơ này. Vì thế mà câu thơ lục ngôn nếu được khôi phục lại nguyên vẹn sẽ thực hiện đúng các quy định về niêm luật của câu thơ thất ngôn luật. Giả thiết này theo chúng tôi là có tính hiện thực hơn cả, và quan trọng hơn là, cho đến nay, nó là giả thiết duy nhất có thể chứng minh được.

Chúng tôi đã tiến hành những nghiên cứu nhằm chứng minh cho giả thiết khoa học được nêu trên. Những kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, giả thiết này là đúng. Chỉ có thể dựa trên hình thức của thể luật Đường chúng ta mới có thể lý giải thỏa đáng về nguồn gốc của thể TNXLN. Vì cấu trúc hình thức của bài thơ luật Đường vẫn chi phối và ràng buộc chặt chẽ đối với cấu trúc hình thức của bài TNXLN. Trong quá trình tìm kiếm những hình thức thể hiện riêng phù hợp hơn với nhịp đập của trái tim và tâm hồn người Việt, bài thơ TNXLN vẫn mang những dấu ấn rất rõ nét của bài thơ luật Đường về số câu, số chữ, vần, đối, niêm, luật…

Để thấy rõ nguồn gốc Đường luật của thể thơ này, chúng tôi đã tiến hành "phục hiện" những chữ bị cắt giảm của toàn bộ các câu thơ lục ngôn trong các bài thơ TNXLN trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi [và thơ của các tác giả khác] trở lại dạng đầy đủ của nó, và thấy rằng, những câu thơ và các bài thơ được "phục hiện" đó hoàn toàn là những câu thơ và bài thơ luật Đường. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt có cách gieo vần và kết cấu không bình thường (bài số 67 là sự lắp ghép 2 câu đầu thuộc thể trắc, 6 câu cuối thuộc thể bằng; bài số 126 và bài số 200 không nhập vận, câu mở đầu vần trắc, nhưng vần của bài lại là vần bằng), các bài thơ TNXLN còn lại trong Quốc âm thi tập đều có nguồn gốc ban đầu là thơ luật Đường [7].

Chúng tôi đã tiến hành đối chiếu kỹ lưỡng từng bài TNXLN với mô hình chuẩn của các bài thơ Đường luật, xác định vị trí từng chữ bị cắt giảm trong từng câu thơ thất ngôn để tạo thành câu lục ngôn. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, tất cả các câu thơ 6 chữ của thể TNXLN đều là những câu thơ 7 chữ của thể Đường luật bị cắt giảm đi một chữ. Và khi bị cắt giảm, nó tạo thành một câu thơ mới, có nhịp điệu, tiết tấu, âm thanh mới.

Tất nhiên, việc "cải tạo" câu thơ thất ngôn luật của Trung Quốc để thành câu thơ của Việt Nam không chỉ là ở những câu thơ 6 chữ, mà ở cả nhiều câu thơ 7 chữ, khi mà số chữ tuy vẫn giữ nguyên nhưng lại có những thay đổi về nhịp ngắt và cách gieo vần, và nhất là, như đã nói, đã xuất hiện một số vần lưng mà thơ thất ngôn của Trung Quốc không có.

Để khảo sát nguồn gốc của thể thơ TNXLN, chúng tôi cũng đã tiến hành những đối chiếu, so sánh các kiểu câu thơ kiểu bài thơ của thể TNXLN trong các tác phẩm tiêu biểu như Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông và các thi sĩ thời Hồng Đức), Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Ngự đề Thiên Hoà doanh bách vịnh (Trịnh Căn), Ngôn ẩn thi tập (Nguyễn Hữu Chỉnh) với các kiểu câu thơkiểu bài thơ tiêu biểu của thể luật Đường của Trung Quốc. Kết quả cho thấy, những đặc điểm hình thức căn bản nhất làm nên giá trị của thể thơ TNXLN, như hình thức bài thơ, số câu, số chữ, vần, nhịp, kiểu câu, tính đối xứng… đều được tạo dựng trên cơ sở của thơ thất ngôn luật Đường của Trung Quốc. Chúng ta có thể khẳng định, hình thức của thể thơ TNXLN có nguồn gốc từ chính hình thức của thể thất ngôn luật Đường của Trung Quốc.

Tóm lại, chúng tôi thấy rằng thể thơ TNXLN có nguồn gốc không phải từ những hình thức có sẵn của thơ ca Trung Quốc được áp dụng nguyên vẹn vào Việt Nam, không phải là sự kết hợp giữa hình thức của thơ ca Trung Quốc với hình thức của thơ ca dân gian của Việt Nam, mà nó là một hình thức thơ ca của Việt Nam được tạo ra trên cơ sở cải tạo hình thức vốn có của thơ thất ngôn luật Đường của Trung Quốc.

Cụ thể, thể TNXLN một mặt vẫn bảo lưu một số quy định chặt chẽ của hình thức bài thơ thất ngôn luật, một mặt phá vỡ những quy định đó để tạo ra hình thức mới. Về mặt bảo lưu hình thức cũ, chúng ta thấy rõ trên các phương diện như số câu, vần và phép đối của bài thơ. Về mặt phá vỡ, chúng ta có thể thấy rõ trên các phương diện như thay đổi số chữ trong câu, bổ sung cách gieo vần lưng, tạo thêm nhịp ngắt chẵn, phá vỡ niêm, luật và đối, tạo kiểu câu mới, kiểu bài mới…

Mọi sự phá vỡ hay sáng tạo hình thức mới của thể TNXLN thực bắt đầu bằng việc thay đổi câu thơ thất ngôn luật để tạo ra câu thơ lục ngôn phi luật Đường. "Câu lục ngôn ta thấy không phải do Nguyễn Trãi sử dụng câu thơ dân gian Việt Nam. Nó được hình thành từ chính câu thất ngôn Đường luật. Mỗi câu lục ngôn được tạo ra chỉ bằng cách là giảm đi một chữ ở câu thất ngôn luật Đường". Và "câu lục ngôn trong Quốc âm thi tập cũng không phải do Nguyễn Trãi mượn từ thể lục ngôn luật Đường của Trung Quốc... Chẳng phải vì kiệm chữ mà là muốn làm cho câu thơ, bài thơ có thêm tiết điệu"[8]... "Điều này cho thấy, thể thơ dân tộc này không phải là một thể thơ chỉ do ảnh hưởng của thơ ca dân gian mà thành, cũng không phải là mang nặng tinh thần dân gian như một số người quan niệm. Nó hoàn toàn là một thể thơ có tính "bác học", do những thi sĩ trí thức thuộc tầng lớp bên trên sáng tạo và ưa dùng. Vì thế mà nó có những hạn chế nhất định trong tính quần chúng, tính phổ cập, mà chỉ tồn tại chủ yếu trong một bộ phận nhất định những người thuộc tầng lớp bên trên, chủ yếu là vua chúa, quan lại, nho sĩ, quý tộc... Bởi vì "luật thơ" của loại này rất phức tạp, ngay đến những danh sĩ đương thời, tuy rất thông thạo thi luật thơ Đường, cũng có khi không tránh khỏi bị "thất luật" loại thơ này, như chính Lê Thánh Tông đã có lần nhận xét về Lương Như Hộc và Nguyễn Vĩnh Trinh !"[9]

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, câu thơ lục ngôn nói riêng và thể thơ TNXLN nói chung chỉ có nguồn gốc từ thơ thất ngôn luật Đường của Trung Quốc. "Sự thật thì về hình thức diễn đạt của câu thơ, thể thơ trong Quốc âm thi tập đều có nguồn gốc từ thơ thất ngôn luật Đường của Trung Quốc. Trong Quốc âm thi tập vừa có nhân tố hợp luật Đường vừa có nhân tố phi luật Đường. Những nhân tố phi luật Đường hoặc là do tác giả phát triển từ tiềm năng sẵn có trong thơ của các thi sĩ Đường Tống hoặc là do tác giả cải biến từ nhân tố hợp luật Đường mà thành"[10]. Ở thế kỷ XV, "người ta dùng chữ Nôm sáng tác theo luật thơ, luật văn Trung Quốc... Thành tựu nhất là thơ TNXLN... Điều đáng chú ý nhất là cấu tạo câu thơ 6 chữ. Đó thực chất là những câu thơ 7 chữ trong thơ thất ngôn luật Trung Quốc bị giảm bớt đi một chữ"[11]. "Thơ TNXLN ra đời đánh dấu sự trưởng thành của người Việt Nam trong sáng tạo nghệ thuật. Đến thời kỳ này, hình thức nghệ thuật thơ ca Trung Hoa dường như không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của sự phô diễn tâm hồn con người. Vì vậy mà người Việt Nam bắt đầu tìm kiếm hình thức thể loại riêng cho mình. Thơ TNXLN là một thể thơ mang "thi pháp Việt Nam ", song thi luật của nó không chặt chẽ và cố định, vì vậy nó dường như không có khả năng tồn tại vững chắc và ổn định trong đời sống văn học "[12]...

Đây là quan điểm đã được nhiều nhà khoa học tán đồng. Học giả Dương Quảng Hàm cho rằng thể thơ này do cha ông ta "bắt chước của Tàu"[13] mà làm ra. Nhà nghiên cứu Trương Chính đoán định: thể TNXLN "chắc là một thể loại mới do cha ông chúng ta tạo ra trên cơ sở câu thất ngôn, trong lúc niêm, luật, đối, gieo vần vẫn theo luật Đường"[14]. Trong các nghiên cứu của mình, Đinh Gia Khánh đều nhận định thể TNXLN có nguồn gốc từ thơ Đường luật. Hoàng Trung Thông và Nguyễn Huệ Chi cho rằng: "Ông [Nguyễn Trãi] đã mạnh dạn từng bước rời bỏ thể thơ Đường, tìm kiếm những hình thức riêng để biểu đạt ngôn ngữ thi ca dân tộc. Bằng nhiều cách, Nguyễn Trãi đã dùng bằng được câu thơ 6 chữ, đặt nó ở những vị trí khác nhau, trong âm vận cho phép của câu thơ Việt mà vẫn không bỏ mất tính chất đối của thơ Đường"[15].

Chúng tôi cho rằng: "Câu lục ngôn ta thấy không phải do Nguyễn Trãi sử dụng câu thơ dân gian Việt Nam. Nó được hình thành từ chính câu thất ngôn Đường luật. Mỗi câu lục ngôn được tạo ra chỉ bằng cách là giảm đi một chữ ở câu thất ngôn luật Đường". Và "câu lục ngôn trong Quốc âm thi tập cũng không phải do Nguyễn Trãi mượn từ thể lục ngôn luật Đường của Trung Quốc"[16]. Phạm Luận, Phạm Phương Thái cũng tiến hành nhiều khảo sát và khẳng định, "không có bài thơ cổ phong nào, điệu từ nào của Trung Quốc có hình thức, cấu trúc giống với thơ Nôm TNXLN"[17]. Nhà nghiên cứu người Trung Quốc là Thi Duy Quốc cũng thừa nhận: "Giá trị văn học của Quốc âm thi tập là ở chỗ nó ra đời trong bối cảnh Hán ngữ độc bá trên văn đàn, nên sáng tác nó thực không dễ. Sau nữa, sự xuất hiện thơ lục ngôn lộ rõ tác giả đang nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Đường thi"[18] …

Những kết quả nghiên cứu cho thấy, thể thơ TNXLN có nguồn gốc từ Đường thi, nhưng được tiếp biến để trở thành thể thơ riêng của Việt Nam. Sự chuyển biến từ thể thơ thất ngôn luật của Trung Quốc thành thể thơ TNXLN của Việt Nam là một sự sáng tạo hết sức táo bạo của người Việt Nam ở thế kỷ XV, XVI. Trước đó chưa có một cuộc cải cách lớn như vậy, bởi chúng ta tiếp thu hầu như nguyên vẹn các hình thức thơ ca của Trung Quốc. Chỉ bắt đầu từ thời điểm này, chúng ta mới được chứng kiến một cuộc cách tân hình thức nghệ thuật mạnh mẽ như thế. Vì thế có người cho rằng đây chính là "một cuộc cách mạng đầu tiên trong thi ca" của Việt Nam, cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở.

Về hình thức của thể thơ thất ngôn xen lục ngôn

Phải chăng hình thức của thể thơ TNXLN là "hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt thi luật thơ Đường"? Hay: "Toàn bộ kiểu thơ Nôm xen câu lục ngôn vẫn tuân thủ theo đúng hình thức quy phạm của thơ Đường luật" như có người quan niệm[19]? Hay đây chỉ là "một thể thơ Đường luật"[20]? Hay chỉ là "một dạng đặc biệt của thơ Nôm Đường luật"… như nhiều người quan niệm? Nguyễn Quân viết: "Những bài thơ của Trạng Trình căn bản cũng là thơ Đường luật, cái chỗ có những bài thơ 6 câu hoặc những câu 6 chữ chỉ là do sự không câu nệ của tác giả mà ra"[21]. Nguyễn Ngọc San "cho rằng những bài thơ có xen câu lục ngôn xuất hiện từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương hoàn toàn có thể được coi là một bộ phận độc đáo của thơ Nôm Đường luật nói chung"[22]...

Nhưng càng đi sâu nghiên cứu thì chúng ta thấy xuất hiện những khoảng cách ngày càng xa giữa hình thức của thể thơ TNXLN so với "hình thức quy phạm của thơ Đường", giữa hình thức của thể thơ TNXLN (mà có người cho là bắt đầu bộc lộ một "thi pháp Việt Nam") với thi luật thơ Đường. Nó không còn "tuân thủ nghiêm ngặt", không còn "theo đúng hình thức quy phạm của thơ Đường luật" nữa. Nó "thực sự là một bước phá cách, sáng tạo của cha ông ta".

Qua các khảo sát, chúng tôi thấy rằng, "những sáng tạo này đã làm thay đổi căn bản thi luật thơ Đường chứ không phải chỉ là vẫn tuân thủ đúng theo hình thức quy phạm của thơ Đường, hay chỉ là "do sự không câu nệ" của các nhà thơ khi sáng tác". Đây "là loại thơ do người Việt Nam cải biến và sáng tạo trên cơ sở hình thức thơ Đường, làm thành một lối thơ riêng của người Việt Nam mà Trung Quốc không có..." [23].

Có người cho rằng , nó không thể là một thể thơ riêng của Việt Nam, vì thực ra nó chỉ "chỉ phá cách, giản lược đi một chữ" của câu thơ thất ngôn luật của Trung Quốc. Đúng là các nhà thơ cổ chỉ bớt đi có "một chữ" của câu thất ngôn luật Trung Quốc để tạo ra câu thơ lục ngôn Việt Nam. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tuy chỉ cắt bớt đi "một chữ", nhưng việc cắt bớt đó xảy ra ở tất cả các vị trí chữ trong các câu thơ của bài thơ, trừ vị trí chữ thứ bảy, chữ có vần. Nói cách khác, tất cả các chữ của câu thơ thất ngôn luật Đường đều có thể bị cắt giảm để tạo nên câu thơ lục ngôn, trừ chữ thứ bảy, chữ có vần, để bảo tồn vần của bài thơ. Điều này đã làm phá vỡ cấu trúc hình thức quy chuẩn của bài thơ luật Đường. Việc chỉ bớt đi một chữ của câu thơ thất ngôn luật lại là một biến cố trọng đại của thơ ca tiếng Việt, vì từ đó mà tạo ra từ một đến hai câu lục ngôn trong một bài tứ tuyệt, từ một đến bảy câu lục ngôn trong một bài bát cú, cùng sự kết hợp một cách đa dạng và phong phú các câu lục ngôn với câu thất ngôn, tạo ra những lối ngắt nhịp mới, cách gieo vần mới, nhất là vần lưng, kiểu câu và kiểu bài mới so với thơ luật Đường. Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu nghiêm túc, và thu được một kết quả hết sức đáng kinh ngạc về hình thức của bài thơ theo thể TNXLN với những sự khác biệt rõ rệt so với hình thức của bài thơ luật Đường: Nó đã tạo ra tới 44 kiểu bài TNXLN so với 5 kiểu bài chính của cả thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt của Đường luật. Nó đã tạo ra tới 42 kiểu câu khác nhau so với 4 kiểu câu chính của thể thất ngôn Đường luật. Nó đã tạo ra tới 15 kiểu hiệp vần lưng, và nhiều cách phối hợp vần chân kết hợp với vần lưng so với một kiểu hiệp vần chân của thơ Đường luật. Nó tạo ra những vần mới là vần trắc cho lối hiệp vần lưng và phối hợp đa dạng giữa hiệp vần bằng với hiệp vần trắc trong các câu thơ, điều mà thể thất ngôn luật Đường hầu như không thể có được. Nó tạo ra tới 15 lối ngắt nhịp so với 2 lối ngắt nhịp chính của câu thơ thất ngôn luật, cùng 126 kiểu phối hợp nhịp ngắt khác nhau trong các bài thơ TNXLN, đặc biệt là chú trọng lối ngắt nhịp chẵn (thơ luật Đường chủ yếu ngắt nhịp lẻ)… Đó chính là các yếu tố "phi luật Đường" của thể thơ này. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố luật Đường với các yêú tố "phi luật Đường" là đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu nhất của thể thơ này. Những thay đổi lớn lao ấy có thể được xem như là "một cuộc cách mạng thi ca" của Việt Nam, bởi nó đã làm rung chuyển và sụp đổ nhiều mảng lớn của "thành trì" thơ Đường luật, để tạo ra một thể thơ mới của riêng Việt Nam. Đây quả là một cố gắng hết sức phi thường của các thi sĩ cổ xưa khi họ phải sáng tác trong bối cảnh văn hoá và văn học Trung Quốc đang độc bá trên văn đàn. Vì thế, sự sáng tạo thể thơ này không chỉ là một cách tân nghệ thuật, không chỉ là một sự sáng tạo thi ca, mà, như đã nói, còn bộc lộ một nhu cầu mãnh liệt muốn thoát khỏi ảnh hưởng của văn hoá Hán, để thể hiện tinh thần và bản lĩnh văn hoá của cả một dân tộc[24].

Đối với thành trì gần nghìn năm của luật thơ Đường, đối với khả năng áp chế dữ dội của văn hóa và văn học Trung Hoa lên toàn bộ đời sống văn hóa và văn học Việt Nam thời trung đại, thì chúng ta sẽ phải hiểu như thế nào đây đối với những thay đổi trên? Đó đâu phải đơn giản chỉ là một sự "bắt chước", mà là một việc "làm nhiều hơn thế". Một sự "sáng tạo"[25].

Thể TNXLN đã sáng tạo ra những cái "mã" nghệ thuật cho riêng mình. Nếu như "nhịp điệu là linh hồn của thơ"[26], và "lối kiến tạo tiết tấu là căn cứ để phân biệt đâu là câu thơ Việt Nam, đâu là câu thơ ngoại lai"[27] thì nhịp điệu, tiết tấu là một cái "mã" có "tính Việt Nam" quan trọng bậc nhất của thể thơ TNXLN so với thơ Đường luật. Cách hiệp vần chính là một cách tạo nên nhịp điệu, tiết tấu riêng của thể thơ này. Chúng tôi thấy, trong thể TNXLN, việc "dùng chữ hiệp vần cũng chệch rất xa luật dùng chữ hiệp vần theo Quảng vận... Nguyên nhân là do ngôn ngữ trong Quốc âm thi tập từ thuần Việt chiếm tỷ lệ rất cao, hơn nữa ông lại ưa thích dùng những từ thuần Việt vào vị trí các "nút tiếng vọng"[28]. Hay cũng "có thể cách dùng chữ gieo vần của thơ chữ Hán luật Đương dựa vào mắt, còn ở thơ Nôm thì dựa vào tai"[29], mà tạo nên sự khác biệt này. Lối ngắt nhịp mà yếu tố chủ đạo là nhịp chẵn cũng là một cách tạo tiết tấu mới, có nhiều nét khác với thơ thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc, có thể xuất phát "từ sự ưa thích vốn có trong sáng tác thơ ca của người Việt Nam"[30], hay đó chính là tìm kiếm sự tương hợp giữa nhịp tâm hồn người Việt với tiếng vọng của lời thơ. Kiểu câu cũng là cái "mã" có "tính Việt Nam" rất quan trọng, là kết quả của "khả năng dồi dào trong kết hợp tiếng thanh bằng với thanh trắc"[31] trong các câu thơ lục ngôn có nhiều biến đổi so với câu thơ thất ngôn luật cố định của thơ Đường. Kiểu bài cũng là một cái "mã" nghệ thuật quan trọng của thể thơ, kết quả của sự phối hợp đa dạng hơn hẳn thơ luật Đường giữa các kiểu câu khác nhau trong bài thơ. Và còn những cái "mã" nghệ thuật có "tính Việt Nam" khác nữa của thể thơ này mà chúng ta cần tiếp tục xác định và chứng minh.

Nói như Ngô Đức Thọ: "Một sự thay đổi... như vậy đối với luật thơ nổi tiếng như luật thơ Đường, đích thực là một sự kiện lớn của nền văn học dân tộc. Sự ra đời của nó tất phải có những lý do nào đó được thừa nhận là cần thiết chứ không phải chuyện tuỳ hứng, ngẫu nhiên"[32]. Hàng loạt các nhân tố của hình thức và thi luật thơ Đường đã bị phá vỡ, tất nhiên là bị "phá vỡ so với cấu trúc chỉnh thể điển hình của Đường thi". Phá vỡ để mà "tồn tại song song" với "cấu trúc chỉnh thể điển hình của Đường thi" trong hàng vài bốn trăm năm ở Việt Nam, đấy quả thực không phải là một chuyện nhỏ. Thi luật của Đường thi, hình thức điển hình của Đường thi chẳng thể nguyên vẹn khi mà số chữ, vần, nhịp, tiết điệu, ngôn từ, kiểu câu, kiểu bài... và hàng loạt vấn đề khác nữa của "nội dung thể loại" mang tính Việt Nam mà chúng tôi chưa đề cập đến ở đây, trở thành những giá trị căn bản của thể thơ này. Các thi sĩ tài danh nhất của mấy thế kỷ xưa đâu "chỉ phá cách, giản lược đi một chữ" của một vài câu thơ Đường luật? Nếu chỉ có thế, thơ TNXLN của họ làm sao "đã được coi là "sự sáng tạo thể loại đầu tiên của Việt Nam"? Các thi sĩ tài danh bậc nhất xưa đã tạo ra được trên bốn trăm bài thơ TNXLN (còn lại đến nay) phổ biến trong hàng mấy trăm năm, bài ít nhất có một câu lục ngôn, bài nhiều nhất có tới bảy câu lục ngôn, với bao biến thái kỳ diệu về vần điệu, thanh luật hay cấu trúc câu thơ. Đấy là chưa kể đến những thay đổi cũng hết sức to lớn ngay trong nhiều câu thơ bảy chữ của thể thơ này so với những câu thơ bảy chữ của thể thơ Đường luật Trung Quốc.

Muốn biết thể thơ TNXLN có phải là thể thơ riêng của Việt Nam hay không, cần so sánh hình thức của nó với hình thức thơ Đường của Trung Quốc. Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu so sánh mối quan hệ giữa thể thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi với thơ thất ngôn luật Đường của Trung Quốc. Kết quả, như chúng tôi thấy, đây không phải là hình thức của Đường thi Trung Quốc[33]. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu nhiều tài liệu của Trung Quốc, và thấy rằng, thể thơ thất ngôn xen lục ngôn không phải là một thể thơ của Trung Quốc, ngoại trừ một vài hiện tượng ngẫu nhiên, đơn lẻ. Và cũng cần lưu ý tới thái độ của người Trung Quốc đối với thể thơ này. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào của Trung Quốc, cũng như chưa thấy có nhà nghiên cứu người Trung Quốc nào chứng minh rằng thể thơ TNXLN là một thể của thơ Đường luật Trung Quốc[34]. Thậm chí, chính họ cho đây là một sáng tạo hình thức nghệ thuật của riêng người Việt Nam, tuy chịu ảnh hưởng của Đường thi, nhưng trong xu thế "nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Đường thi", như đánh giá của Thi Duy Quốc: "Sự xuất hiện thơ lục ngôn lộ rõ tác giả đang nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Đường thi"[35].

Nhiều nhà nghiên cứu đã cùng gặp nhau trong một quan điểm, xem đây là một sự sáng tạo hình thức nghệ thuật độc đáo đầu tiên của riêng Việt Nam. Nó dựa trên Đường thi của Trung Quốc, nhưng nó không phải là thi luật và hình thức nghệ thuật của Đường thi Trung Quốc. Trong toàn bộ thi ca Trung Quốc, không hề có hình thức nghệ thuật này với tư cách là một thể thơ độc lập, tập hợp được nhiều nhà thơ trong mấy trăm năm như ở Việt Nam. Hà Xuân Liêm cho rằng đây là một "lối thơ đặc biệt của ta"[36]. Lã Nhâm Thìn khẳng định, "với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi là người, trên thực tế đã sáng tạo thể thơ mới[37]. Nhà nghiên cứu Trương Chính cho rằng: "Chắc đó là một thể loại mới do cha ông chúng ta tạo ra"[38]. Nguyễn Huệ Chi đoán định nó là một thể thơ riêng của người Việt "vốn từ đầu đã tồn tại song song" với thể thơ Nôm Đường luật. Ông viết: "Chẳng lẽ sự hoàn chỉnh của Hàn luật lại có nghĩa là tiến sát tới Đường luật? Chúng tôi nghĩ rằng áp dụng thể thơ Đường vào thơ Nôm thì nhà Nho nào cũng thành thạo, và có lẽ ngay khi bắt đầu làm thơ Nôm người ta đã biết làm như vậy. Vì đó chỉ là công việc "bắt chước" hơn sáng tạo. Nhưng tinh thần dân tộc đòi hỏi nhà Nho phải làm nhiều hơn thế nữa... Vì thế mới xuất hiện Hàn Thuyên với Hàn luật, Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập, Lê Thánh Tông với lời phê bình Lương Như Hộc và Nguyễn Vĩnh Trinh.... Và Hàn luật phát triển sẽ đưa tới các áng thơ lục bát, song thất lục bát thành văn điêu luyện, trong khi đó dòng thơ Đường luật cũng phát triển, đưa tới những tác phẩm điêu luyện về sau như thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà huyện Thanh Quan..."[39] Còn nhà nghiên cứu Phạm Luận cũng khẳng định rất dứt khoát: "Tóm lại, không có bài thơ cổ phong nào, điệu từ nào của Trung Quốc có hình thức, cấu trúc giống với thơ Nôm TNXLN. Thể thơ Nôm TNXLN là do người Việt Nam sáng tạo, nó là thể thơ của ta"[40]...

Việc các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến thế về nguồn gốc và hình thức thể loại của thể thơ TNXLN, nhất là sự khác biệt về hình thức với Đường thi Trung Quốc, là có lý do của nó. Đó là những cố gắng không mệt mỏi của giới nghiên cứu nhằm mục đích xác định rõ sự sáng tạo hình thức nghệ thuật này của riêng Việt Nam. Còn cần rất nhiều tìm tòi, khám phá về cả nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ của thể thơ. Dù đây có là một sự thể nghiệm về thể loại, nhưng thành công của nó thật sự to lớn khi tạo ra được một thể thơ đầu tiên của riêng Việt Nam. Thể thơ đó không phải chỉ là cái bóng của thơ Đường, không phải "hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt thi luật thơ Đường", hay "tuân thủ đúng theo hình thức quy phạm của thơ Đường" như có người quan niệm. Bề ngoài nó có dáng vẻ của một thứ "hàng ngoại", nhưng nếu nhìn kỹ, nó chính hiệu là "hàng nội". Nó không phải được sinh ra bên sông Hoàng Hà hay sông Tiền Đường. Nó được sinh ra bên dòng sông Hồng của văn hoá Thăng Long. Cũng giống như nhiều giá trị văn hoá và văn học khác của Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nó là một thể thơ có "nguồn gốc" Trung Hoa, nhưng lại hoàn toàn mang "căn cước" Việt Nam.

"Sự sáng tạo thể loại đầu tiên của Việt Nam" của thể thơ TNXLN luôn gắn bó chặt chẽ với quy luật tiếp nhận và sáng tạo của văn học Việt Nam thời cổ xưa, trong quỹ đạo văn hoá và văn học Trung Hoa. Quy luật tiếp nhận và sáng tạo đó chẳng những đã góp phần xác định và lý giải những giá trị Việt Nam không chỉ của thể thơ TNXLN, mà còn của nhiều thành tựu nghệ thuật khác nữa có ảnh hưởng Trung Quốc như thơ Thiền, thơ Nôm Đường luật, các loại văn biền ngẫu, các hình thức văn xuôi, hay thậm chí cả đối với những tác phẩm cụ thể như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Kiều của Nguyễn Du... Có nghĩa là, việc nghiên cứu nguồn gốc và hình thức của thể thơ TNXLN phải luôn luôn đặt trong quá trình nghiên cứu "chỉnh thể Hán văn hóa" của nó. Nó là một bộ phận của "chỉnh thể Hán văn hóa" đó. Nhưng điều quan trọng hơn, là chúng ta phải thấy được những năng lực "ly tâm" của nó trong quá trình tạo dựng bản sắc "Việt văn hoá" của mình.

Trong khi cố gắng kiên trì "tháo dỡ", "sắp xếp lại", "tự do hoá" cho ngôn ngữ thi ca Việt Nam thoát khỏi ràng buộc của thi luật thơ Đường, thơ TNXLN trở thành thể thơ khá "tự do" của đương thời. Điều đó đem đến cho đời sống văn học nhiều sự mới lạ. Nhưng do không hướng tới những hình thức quy phạm chặt chẽ vốn là nguyên tắc của mỹ học trung cổ, nên nó không thể phổ biến rộng rãi cũng như không thể "cạnh tranh" được với sự ổn định và vững chãi của Đường luật. Hơn nữa, nó không hoàn toàn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Đường luật để tạo nên một luật thơ đủ sức đối kháng với chính luật thơ Đường, nên khó có thể tồn tại lâu dài. Những thử nghiệm sáng tạo đó không tồn tại lâu dài, và đặc biệt là không mang tính "quần chúng" cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nó thật sự là đáng kể khi đã làm xao động mấy trăm năm thơ ca trung đại Việt Nam.

Có người cho rằng, thơ TNXLN xuất phát từ thơ Nôm Đường luật, trải qua những thử nghiệm sáng tạo mới nhưng bất thành, cuối cùng lại quay trở về với thơ Nôm Đường luật. Chúng tôi lại nghĩ khác, nó xuất phát từ Đường luật, trải qua những thử nghiệm sáng tạo với mong muốn "hoán cốt đột thai" để tạo ra thể thơ mới, "tồn tại song song" với thơ Nôm Đường luật (ngay trong cùng một tập thơ Nôm của các nhà thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cùng tồn tại song song hai lối thơ này), nhưng do không tạo được một thi luật ổn định và vững chắc, nên cuối cùng đã tự tiêu vong. Đến thế kỷ XVII, XVIII, thể thơ này không còn thích hợp nữa, bởi khi đó trong văn học đã có những hình thức nghệ thuật khác mang tính dân tộc rõ rệt hơn, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa một cách quyết liệt hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phô diễn đời sống tâm hồn có nhiều trắc trở, hay những cung bậc khác nhau của tình cảm của người Việt Nam, như thơ lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói. Nếu có một sự thay thế, thì chính những thể loại mới này đã thay thế nó. Hay nói một cách khác, do không tiếp tục tồn tại và phát triển, thể thơ TNXLN đã chấm dứt số phận lịch sử của nó, nhưng những thử nghiệm quan trọng về hình thức thể loại có tính dân tộc, nhất là tạo ra câu thơ lục ngôn, cách hiệp vần lưng và cách ngắt nhịp chẵn, có tiết điệu phù hợp với nhịp điệu tâm hồn của người Việt, đã gợi mở và chuyển hoá vào những thể thơ Việt Nam mới như thể lục bát, song thất lục bát, hay thơ hát nói, những thể thơ nhất thiết sử dụng câu lục ngôn, cách hiệp vần lưng và cách ngắt nhịp chẵn, chẳng những có sức lay động lớn lao về âm điệu, mà còn có cả thi luật và hình thể ổn định nữa. Vì thế quá trình tiêu vong của thể TNXLN không phải là một quá trình chấm dứt, mà còn là một quá trình sinh thành, một quá trình chuyển hoá tất yếu của những yếu tố nghệ thuật mang tính dân tộc. Thể thơ TNXLN đã tự tiêu vong ngay trong lòng của văn học trung đại, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi. Với khoảng 500 năm sinh thành và phát triển, nó thực sự là một thể thơ có nhiều thành tựu to lớn và có sức sống lâu bền trong đời sống tâm hồn dân tộc, thực sự là một sự kiện lớn trong đời sống văn học cổ xưa của Việt Nam, mà nếu như không có nó, thì chúng ta khó có thể hình dung hết được sự thiếu vắng biết chừng nào những di sản văn hoá quá khứ để mà thưởng thức và kế thừa.

NGUYỄN PHẠM HÙNG

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

[1] Theo tài liệu hiện còn, câu thơ lục bát trong văn học viết được xem là sớm nhất xuất hiện trong bài Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao (1462 – 1529) đầu thế kỷ XVI.

[2] Hàn luật: Câu chuyện về Hàn Thuyên làm thơ phú bằng chữ Nôm lần đầu tiên được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư của Quốc sử quán triều Lê như sau: "Nhâm Ngọ năm thứ 4 [1282] (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 19)… Mùa thu, tháng tám… Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Thượng thư Hình bộ là Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự đi mất. Vua cho là việc này giống như việc của Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc âm. Nước ta thơ phú dùng nhiều quốc âm, thực bắt đầu từ đấy"( Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. II, NXB Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 52).

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu khi xác định khởi nguồn của văn thơ bằng chữ Nôm của Việt Nam đều dựa vào ghi chép này, và xác định Hàn Thuyên là người khởi xướng. Tính chính xác của giả thuyết này cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng do chưa có đủ tư liệu. Bài văn đuổi cá sấu của Hàn Thuyên hiện nay cũng không còn nên chúng ta không có căn cứ để xác định xem hình thức của nó như thế nào, và thời điểm chính xác của sự ra đời loại văn học chữ Nôm này là khi nào. Vì thế, chúng ta chỉ có thể đoán định rằng văn học chữ Nôm xuất hiện vào thế kỷ XIII khi dựa vào một số tác phẩm và tên gọi tác phẩm của thời kỳ này còn lại. Chúng tôi tán thành ý kiến cẩn trọng của Dương Quảng Hàm cho rằng: "Về bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu này, sử không chép rõ là viết theo thể văn nào và làm bằng Hán văn hay Việt văn. Vậy ta cũng không vội cho – như ý kiến thông thường – rằng bài ấy là một bài văn tế và viết bằng tiếng Nôm. Chỉ khi nào tìm thấy nguyên văn bài ấy mới giải quyết được vấn đề ấy, mà hiện này thì bài ấy không thấy chép ở sách nào cả" (Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Nha học chính Đông pháp XB lần thứ nhất, H. 1943. NXB Hội nhà văn tái bản, H. 2002, tr. 106).

Tuy nhiên, giả thuyết cho rằng từ thời Hàn Thuyên, trong văn học Việt Nam bắt đầu có một "phong trào" sáng tác thơ văn bằng chữ Nôm là có cơ sở đáng tin cậy. Ngày nay chúng ta vẫn còn được tiếp xúc với một số tác phẩm còn lại của thời Trần, như bài thơ nổi tiếng "Vằng vặc trăng mai ánh nước" có ý kiến cho là của nàng Điểm Bích, một cung nữ dưới triều vua Trần Anh Tông, như bài thơ làm trước lúc chết của nhân vật Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam chích quái, hai bài thơ Nôm Họa thơ Trùng Quang Đế Ăn cỗ đầu người của Nguyễn Biểu, bốn bài phú Nôm Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Hoa Yên tự phú của Huyền Quang và Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi… Tất cả đều là những tác giả thời Trần. Ngoài ra chúng ta còn biết đến tên nhiều tập thơ bằng "quốc âm", "quốc ngữ" của các tác giả thời Trần khác đã thất truyền như Phi sa tập của Nguyễn Thuyên, Quốc ngữ thi tập của Chu Văn An, thơ của Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Qúy Ly…

Khái niệm "Hàn luật" có lẽ xuất hiện lần đầu tiên trong Việt sử thông giám cương mục (nửa cuối thế kỷ XIX), khi sách này gọi thơ Nôm thời Hàn Thuyên và đời sau là "Hàn luật", nhưng vì sao gọi như thế thì sách này lại giải thích đó là do đời sau làm thơ quốc âm là bắt chước lối thơ Hàn Thuyên, người có tài làm thơ phú bằng quốc ngữ (nguyên văn chép: "Hàn Thuyên thiện vị quốc ngữ thi phú; nhân đa hiệu chi, hậu vi quốc âm thi viết Hàn luật giả dĩ thư" - Quốc sử quán triều Nguyễn. Việt sử thông giám cương mục. Chính biên. T. II, Q. 12, NXB Văn Sử Địa, H. 1957). Điều này cũng trùng với ý kiến đã nêu của Đại Việt sử ký toàn thư.

[3] Nguyễn Phạm Hùng: Trở lại vấn đề xác định vị trí thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong văn học Việt Nam thời trung đại. Tạp chí Văn học, số 12 - 2001. Trong bài viết này, chúng tôi lần đầu tiên xác định thể thơ TNXLN là một trong bốn thể thơ do người Việt Nam sáng tạo ra trong thời trung đại, bên cạnh các thể lục bát, song thất lục bát và thơ hát nói.

[4] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức: Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại. NXB Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 19; tr. 306.

[5] Phan Ngọc: Diễn biến của hình thức song thất lục bát. Tạp chí Văn học, số 12 - 1998.

[6] Nguyễn Ngọc San: Về khái niệm thơ Nôm Đường luật xen lục ngôn. Tạp chí Văn học, số 1 - 2002.

[7] Thứ tự các bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi được dẫn theo Nguyễn Trãi toàn tập do Đào Duy Anh phiên âm, chú giải, Nxb Văn học, H. 1976. Việc trong Quốc âm thi tập có một số bài thơ tỏ ra "lạc lõng" về thanh luật, hay trong tập thơ có hai câu thơ 5 chữ chứ không phải 6 chữ, có thể còn có nguyên nhân của sự "tam sao thất bản" đối với các di sản của Nguyễn Trãi trong quá trình sưu tầm lâu dài, từ thế kỷ XV đến thế kỷ X IX.

[8] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 3 – 1997; Tạp chí Thời đại (Pháp), số 5 – 2001.

[9] Nguyễn Phạm Hùng: Trở lại vấn đề xác định vị trí thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong văn học Việt Nam thời trung đại. Tạp chí văn học, số 12 – 2001.

[10] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Bđd

[11] Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Việt Nam - Từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1999, tr. 63.

[12] Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Việt Nam - Từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Sđd, tr. 63.

[13] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Nha học chính Đông Pháp xuất bản, H. 1943; NXB Hội nhà văn tái bản, H. 2002.

[14] Trương Chính: Cha ông ta đã vận dụng các thể loại văn học Trung Quốc như thế nào vào thơ Nôm? Tạp chí văn học, số 2 – 1973.

[15] Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huệ Chi: Vị trí của Nguyễn Trãi trong lịch sử văn học. Trong Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc. NXB Khoa học Xã hội, H. 1980, tr. 305.

[16] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Bđd.

[17] Phạm Luận, Phạm Phương Thái: Bàn thêm về thể thất ngôn xen lục ngôn. Tạp chí Văn học, số 1 – 2002.

[18] Thi Duy Quốc: Nôm tự dữ Việt Nam văn hoá. Trịnh Châu đại học xuất bản xã, 1990.

[19] Nguyễn Hữu Sơn: Khảo sát hình thức câu thơ lục ngôn trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tạp chí Văn học, số 12 - 1998.

[20] Nguyễn Hữu Sơn: Góp phần tìm hiểu hình thức câu thơ lục ngôn trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tạp chí Văn học, số 3 - 1987.

[21] Nguyễn Quân: Bạch Vân quốc ngữ thi tập. NXB Sống Mới, S. 1974.

[22] Nguyễn Ngọc San: Về khái niệm thơ Nôm Đường luật xen lục ngôn. Tạp chí Văn học, số 1 - 2002.

[23] Nguyễn Phạm Hùng: Trở lại vấn đề xác định vị trí thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong văn học Việt Nam thời trung đại. Bđd

[24] Bài viết chỉ nêu khái quát một số đặc điểm khác biệt về hình thức của thể TNXLN so với hình thức thể thơ luật Đường của Trung Quốc. Xin xem các nghiên cứu và khảo sát cụ thể về thể thơ TNXLN trong chuyên khảo của Nguyễn Phạm Hùng: Thể thơ Thất ngôn xen lục ngôn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2006. Đây là cuốn chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu tương đối toàn diện về thể thơ này.

[25] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần. T.I, Sđd , tr. 148.

[26] Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại. Vấn đề thứ hai: Thi pháp thơ. NXB Hội Nhà văn, H. 2000, tr. 16.

[27] Phạm Luận: Thể loại thơ trong Quốc âm thi tập và thi pháp Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4 - 1991.

[28] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Bđd.

[29] Phạm Luận: Đoán định thế nào về thơ Hàn luật. Tạp chí Văn học, số 6 – 1996

[30] Phạm Luận: Nguyễn Trãi và thể thơ Việt Nam trong Quốc âm thi tập. Tạp chí Văn học, số 4 - 1980.

[31] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Bđd.

[32] Ngô Đức Thọ: Bước đầu tìm hiểu quy tắc Hàn luật. Tạp chí văn học, số 3 – 1996.

[33] Phạm Luận, Nguyễn Phạm Hùng: Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi và thể thất ngôn luật Đường ở Trung Quốc. Bđd.

[34] Tham khảo các tài liệu về văn học Trung Quốc:

-Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, Hai tập. Nhà xuất bản Đại bách khoa toàn thơ Trung Quốc, Tập thể 74 tác giả biên soạn. NXB Thế giới, H. 2000 (Người dịch: Bùi Hữu Hồng);

-Vương Lực: Hán ngữ thi luật học. NXB Giáo dục, Bắc Kinh 1962;

-Vương Lực: Cổ đại Hán ngữ, T. II. Q. Hạ, Trung Hoa thư cục xuất bản xã, Bắc Kinh, 1963;

-Diêu Nại: Cổ văn từ loại toản;

-Nhiều soạn giả: Trung Quốc văn học đại từ điển, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã. Bắc Kinh 1988;

- Nguyễn Tôn Nhan: Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, NXB Văn hóa Thông tin, H. 2002;

-Nhà xuất bản Cổ Tịch Thượng Hải: Trung Quốc văn hóa sử tam bách đề (Lịch sử văn hóa Trung Quốc – Ba trăm đề mục), Hai tập. NXB Văn hóa Thông tin, H. 1999;

-Đàm Gia Kiện (chủ biên): Lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB KHXH, H. 1993 (Bản dịch của Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang, Phan Văn Các);

-Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý (chủ biên): Đại cương Lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB Văn hoá Thông tin, H. 1994 (Nhóm dịch giả do Lương Duy Thứ chủ biên);

-Dư Quan Anh (chủ biên), Hồ Niệm Di, Tào Đạo Hành, Lưu Kiến Bang: Lịch sử văn học trung Quốc, NXB Nhân dân văn học Bắc Kinh, 1962. NXB Văn học, H. 1964 (Bản dịch của Hồng Dân Hoa, Đức Siêu, Trương Chính);

-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc: Giáo trình Lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Giáo dục, H. 1962;

-Nguyễn Hiến Lê: Đại cương văn học sử Trung Quốc, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1997;

-Lục ngôn thi tam bách thủ, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã, 1987…

[35] Thi Duy Quốc: Nôm tự dữ Việt Nam văn hoá. Sđd.

[36] Hà Xuân Liêm: Thơ Nôm Đường luật. Nxb Thuận Hoá, 1997, tr. 14.

[37] Lã Nhâm Thìn: Thơ Nôm Đường luật. NXB Giáo dục, H. 1998, tr. 41, 210.

[38] Trương Chính: Cha ông ta đa vận dụng các thể loại văn học Trung Quốc như thế nào vào thơ Nôm? Tạp chí văn học, số 2 – 1973.

[39] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần. T.I, Sđd, tr. 148.

[40] Phạm Luận, Phạm Phương Thái: Bàn thêm về thể thất ngôn xen lục ngôn. Bđd.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25276)
Đất Nhật không xa đất Việt. Chữ Nhật và chữ Nôm cùng chung gốc Hán, nhưng đối với người Việt, lịch sử và văn hóa Nhật dường như rất xa vời, tuy hai dân tộc có cùng tiến trình lập quốc, xây dựng ngôn ngữ, sao chép văn minh Trung Hoa, cùng tìm cách thoát khỏi nguồn gốc “Thiên triều” để thiết lập bản sắc riêng của mình. Điểm khác biệt giữa Nhật Bản và các nước làng giềng là người Nhật công nhận mình sao chép, họ phân tích và tìm hiểu bản chất những điều vay mượn, từ đó, rút kinh nghiệm, giữ khoảng cách với “nguyên bản”, để xây dựng và đào sâu những nét riêng của mình.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 26108)
Dẫn Nhập: Truyện cổ dân gian Thụy Sĩ có nói đến một chàng kỵ sĩ ruỗi ngựa suốt đêm trên hồ Konstanz và chỉ đến mờ sáng hôm sau mới biết mình vừa đi qua một mặt hồ đóng băng. Nỗi sợ hãi lúc đó thật cùng cực.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 24778)
Xem Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change in Vietnam between 1940 and 1946;” Part III: “Brutality of World Politics;” Ph.D. Dissertation, 1984, UW-Madison. Xem thêm Idem., “Hồ Chí Minh – Nhà Ngoại Giao, 1945 - 1946;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 84, tháng 8 - 9/2005, tr. 152 - 193. Bài này cũng đã được phổ biến trên nguyệt san Đi Tới (Québec, Canada, 2004), nhật báo Người Việt (Santa Ana, CA, 2004), cùng nhiều websites như Chuyển Luân, Diễn Đàn Dân Chủ, v.. v... năm 2004.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31408)
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quí.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25635)
Trong số những trận đánh có tầm chiến lược quan trọng từ 1959 tới 1975, cuộc tổng tấn công vào các thành phố và tỉnh lỵ miền Nam đúng dịp Tết Mậu Thân (1968) được liệt vào hàng đầu. Đây là một chuyến “làm ăn” táo bạo của Lê Duẩn (1908 - 1986), Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động [Cộng Sản] Việt Nam, đưa đến những thiệt hại to lớn về nhân sự cho Bắc quân. Nhưng về mặt chính trị và ngoại giao – dù có dự đoán trước hay chăng – ba đợt tấn công vào Sài Gòn - Chợ Lớn trong năm 1968 tạo một ảnh hưởng sâu đậm tại chính nước Mỹ.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 29643)
Trai gái có tình, tình ấy thể hiện trong thơ ca, trao gửi bằng thơ ca và loại thơ đó gọi là thơ tình. Vấn đề tưởng đơn giản vậy mà thực tế đôi lúc lại như một thách đố khi ta tiếp xúc với thơ tình Việt Nam cổ trung đại, nhất là ở thời kỳ đầu của sự hình thành mà sự hình thành này tính đến thế kỷ XVIII, ít nhất cũng chừng bảy thế kỷ văn chương.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25491)
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 (giấy tờ ghi 1915) tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); mất ngày 7/3/1987 tại Rancho Cordova, Sacramento, California, Hoa Kỳ. Các bút hiệu khác: Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, mười đời ở đất Tân Uyên, cha là Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ, mẹ là Dương Thị Mão. Thuở nhỏ học chữ nho với thầy đồ, tiểu học ở trường làng; trung học (1928-1934) Pétrus Ký, Sài Gòn.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 27844)
Bài viết này viết với tâm thành của một người trong cuộc nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè, nhìn lại thế hệ mình, nhìn lại tầm ảnh hưởng những tư tưởng ấy trên mỗi cá nhân. Nó đã cuốn lốc theo cả một thế hệ như cơn lũ, kéo theo những bè mảng, những *ngộ nhận*, những *huyền thọai* từ nhiều phía, ngay cả những om sòm nếp sống chán chường buông thả. Nhưng nó cũng nâng lên tầm cao ý thức trách nhiệm, *dấn thân*, *nhập cuộc*, *lên đường* và đưa đến những quyết định chọn lựa, những thái độ trước thời cuộc của từng người..
19 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 27737)
Vấn đề có tính thời sự của ngành nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay là xác định rõ quan điểm và phương pháp tiếp cận mới đối với lịch sử văn học dân tộc. Trong đó, quan điểm đánh giá một bộ phận văn học có tính “nhạy cảm” như văn học của các tác giả lưu vong thời trung đại, văn học vùng tạm chiếm trước đây, văn học của một số tác giả thời kỳ 1930-1945, một số tác giả thuộc nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, văn học hải ngoại hiện nay, văn học của một số dân tộc như Chiêm Thành, Chân Lạp, hay cả như văn học triều Nguyễn...
19 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 28677)
Trong lịch sử văn học Nhật Bản có những giai đoạn “hạ khắc thượng” (gekokujô) tức là “dưới lấn trên” khi văn chương bình dân ảnh hưởng ngược lên văn chương cung đình. Người viết e rằng khuynh hướng chung của thế giới là đang đi vào một thời buổi ấy khi văn học đại chúng, vốn bị coi là văn chương thấp kém, không có giá trị cho lắm lại nắm vai trò chủ đạo.