Vài Cảm Nghĩ Về
Thượng Tọa Thích Quảng Đức
Nhiều năm đã trôi qua từ mùa Pháp nạn 1963. Hội thảo về cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng Tọa Thích Quảng Đức (1890-1963) ngày 11 tháng 6 năm 1963 là một việc làm đầy khích lệ, dù hơi muộn màng. Đây là một trong ba biến cố gây chấn động dư luận thế giới và làm rung chuyển chế độ Ngô Đình Diệm (1954-1963).
I. TÀI LIỆU: ĐÃ KHÁ ĐẦY ĐỦ
Tài liệu văn khố Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu mở ra cho những nhà nghiên cứu.
A. Tài liệu văn khố Mỹ giúp soi sáng chính sách Phật Giáo của Mỹ, và quan điểm của chính phủ Ngô Đình Diệm về cuộc tranh đấu của Phật Giáo. Đặc biệt, văn khố Mỹ giúp thấy rõ hơn liên hệ Mỹ-Việt trong giai đoạn 1961-1963, cùng lập trường chao đảo của họ Ngô, khiến bang giao Mỹ-Việt xấu đi. (Xem Chính Đạo, “‘Phiến Cộng’ Trong Dinh Gia Long,” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Văn Hóa, 2004)
Qua những tài liệu đã giải mật, các viên chức Mỹ—đặc biệt là cố vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy và các viên chức Bộ Ngoại Giao—bày tỏ thiện cảm với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, và không ngừng áp lực Tổng thống Ngô Đình Diệm phải giải quyết mau chóng các nguyện vọng của Phật Giáo. Thậm chí, Ngoại trưởng Dean Rusk từng đe dọa sẽ công khai tuyên bố tách biệt khỏi chính sách tôn giáo của Việt Nam Cộng Hòa.
B. Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia [TTLTQG] 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) có ít nhất 60-70 hồ sơ về Phật Giáo miền Nam thuộc kho [fonds] Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa (HS 7941, 8500- 8541) và Phủ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa (HS 29229, 29368-29369, 29371-29372, v.v...). [Xem Phụ Bản I]
Trở ngại đáng kể cho các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp là phải có giấy giới thiệu chính thức từ một cơ quan đối tác trong nước. Thêm nữa, vì các Trung tâm Lưu trữ thuộc quyền quản lý của Bộ Nội Vụ, việc xin phép tham khảo và sao chụp tư liệu tốn rất nhiều thì giờ cũng như “rất nguyên tắc” (phải phù hợp xít xao với đề tài nghiên cứu).
C. Nhà bảo tàng chùa Từ Đàm cũng có nhiều tài liệu quan trọng. Ít nhất một học giả Việt đã sử dụng các tư liệu này. (Lê Cung)
D. Văn khố Pháp, nhất là Bộ Ngoại Giao, cũng đã mở. (Fonds Cambodge-Laos-Vietnam). (Xem Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004; Idem, Việt Nam Niên Biểu, 19391945, Tập I-C:1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 1997 )
E. Không kém quan trọng là báo cáo của Ủy Ban Điều Tra LHQ tường trình về sự vi phạm nhân quyền tại Nam Việt Nam (7/12/1963). [UN/GA Doc. A/5630, 7/12/1963 (Item 77) ]
Xem thêm: HS29372: UBLP PhậtGiáo, 1963-1964
F. Hầu hết các tác nhân lịch sử đã viết hồi ký: Thích Trí Quang (“Xá lợi” trái tim Bồ Tát Quảng Đức), Thích Tâm Châu, Vũ Văn Mẫu, Đỗ Mậu, Trần Văn Đôn, v.v...
G. Thiếu sót chăng là tài liệu văn khố Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Một vấn nạn không thể không tra vấn là vai trò của Đảng CSVN và cơ quan tình báo hải ngoại Trung Cộng. Những khoen nối thiếu sót này có lẽ phải chờ đợi ở những khám phá mới của các nhà nghiên cứu mai hậu.
II. THỜI GIAN CŨNG ĐÃ KHÁ DÀI, ĐỦ ĐỂ DỊU LẠI NHỮNG XÚC ĐỘNG
Kiêu khí “đại thắng” hay mối hờn oán “mất đi một lãnh tụ” đã phần nào phai nhạt.
Đại đa số các tăng ni, Phật tử từng tham dự phong trào tranh đấu 1963 đều đã ngoài hay suýt soát thất tuần, lìa đời, bị cô lập trong nước hay lưu vong hải ngoại. Những vị còn sống không thể không đánh giá lại phong trào tranh đấu, nhất là sự hy sinh mạng sống cho Phật Pháp của Thượng Tọa Quảng Đức và sáu vị tăng ni khác—Kết quả chung cuộc của phong trào Phật giáo 1963 là một chế độ độc tài giáo phiệt, “kiêu đạo, kiêu dân” bị sụp đổ nhưng lại tiếp nối bằng chế độ “kiêu tướng, kiêu binh,” và rồi “dân chủ nhân dân” xây dựng bằng “mũi súng và công lý nhân dân.”
Những người Ki-tô giáo thông minh và bình thường—dù không chấp nhận sự tự hủy như một đức hạnh—khó thể phủ nhận “hạnh Bồ Tát” của các vị tăng ni đã có dũng cảm tự nguyện tử đạo. Trường hợp Thượng Tọa Quảng Đức còn đặc biệt hơn. Thượng Tọa đã có hơn 60 năm tu tập, lập nên gần 30 cảnh chùa suốt hai miền Trung-Nam, và từng hoạt động hăng say cho việc thiết lập và mở mang Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam trong nhiều thập niên. Đó là chưa nói đến hàng trăm ngàn, hàng triệu Phật tử, sinh viên, học sinh chịu cảnh giết chóc, đánh đập, tra tấn nên thương tật, tù đầy. Nếu chế độ Ngô Đình Diệm không lâm vào “cơn điên rồ của một gia đình cai trị chưa từng thấy từ ngày [sụp đổ của] Nga Hoàng,” cuộc nội chiến 1954-1975 đã có thể có một kết cuộc khác.
III. TRỞ NGẠI LỚN NHẤT LÀ CHỨNG BỆNH “CẬN THỊ LỊCH SỬ”
A. Lẫn lộn giữa “sự thực sử học” và “cảm nhận lịch sử.”
Phần lớn những điều đã viết về Quảng Đức đều khó thoát khỏi hai trường phái: “cung văn” [hagiographies] và “đào mộ.”
1. “Cung văn”:
a. Quan điểm và cách giải thích của giới Phật Giáo miền Nam (Trí Quang, Nhất Hạnh); hoặc,
b. Những người thiện cảm: Vũ Hoàng Chương, các sinh viên và thanh niên Phật tử, v.v...
2. “Đào mộ”:
Quan điểm và cách giải thích của chính quyền Ngô Đình Diệm cùng tàn dư Cần Lao-Ki-tô
- “drugged” [chích thuốc]:
Chính Tổng thống Kennedy cũng đặt vấn đề thực chăng bị “thuốc.” Các cố vấn của Kennedy cho rằng niềm tin tôn giáo quá đủ cho việc này.
Cơ quan tuyên truyền của chính phủ Diệm và tàn dư Cần Lao hải ngoại thỉnh thoảng nhắc lại cáo buộc vô căn này.
- thiêu đốt một sư, nướng chả một sư
Theo Trần Thị Lệ Xuân, đây là việc “barbecue a monk” [nướng chả một ông sư], với xăng nhập cảng.
- bị “bình nghị” để cưỡng ép các vị chân tu tự thiêu
Theo Ngô Đình Nhu, đây là một vụ “thiêu đốt Thượng Tọa Quảng Đức” của một nhóm sư sãi muốn lợi dụng tôn giáo khuynh đảo chính phủ. Họ dùng phương pháp “bình nghị” để cưỡng ép các vị chân tu phải lần lượt tự thiêu để họ liên tục khai thác bên cạnh những xác chết đó hầu thực hiện những âm mưu chính trị của họ. [tr. 7] Có người bật quẹt đốt Quảng Đức vì hộp quẹt trong người Thượng Tọa bị ướt, không cháy. Vị sư đưa hộp quẹt cho một người khác đốt Quảng Đức sau này hối hận bỏ trốn, bị lùng bắt để thủ tiêu. (VNCH, UBLBĐTACL, Biên bản số 62: Phiên họp của UBLBĐTACL tại Dinh Gia Long ngày 23/8/1963, tr. 6-12; PTT/1CH, HS 8278)
- cố sát
Ngô Đình Thục cho rằng đây là một vụ cố sát.
- án mạng oan uổng:
Ngay tối ngày 11/6/1963, Diệm đọc diễn văn “kêu gọi đồng bào [thủ đô] hãy bình tĩnh nhận định tình thế, sáng suốt xét mọi vấn đề trên căn bản lương tri và ái quốc.” Thông báo Ủy Ban Liên Bộ và phái đoàn Phật Giáo đã bắt đầu tiếp xúc từ ngày 5/6/1963 và từ hôm sau, 12/6, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. “Rất đỗi đau lòng” khi thấy “do sự tuyên truyền quá khích che giấu sự thật, gieo sự hoài nghi về thiện chí của chánh phủ, khiến một số người bị đầu độc gây một án mạng oan uổng.” Long trọng cam kết rằng "sau lưng Phật Giáo trong nước hãy còn có Hiến Pháp nghĩa là có tôi" [Budhism in Vietnam finds its fundamental safeguard in the Constitution of which I personally am the guardian]. (“Lời kêu gọi của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa,” PTT/1CH, HS 8501 & 8511; NYT, 12/6/1963)
B. Một cái nhìn khách quan, khoa học:
Cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức tự nó là một biến cố phục vụ và hoằng dương Phật Pháp
1. Nó vượt trên vấn đề “giáo kỳ” từ ngày 6/5/1963 tới 10/6/1963.
2. Nhấn mạnh hơn vào tinh thần và nguyên tắc của 5 nguyện vọng ngày 10/5/1963 cùng bản Phụ Đính ngày 23/5/1963: Tự do tín ngưỡng và bình quyền tôn giáo.
3. Trong ba biến cố cao điểm của phong trào Phật Giáo năm 1963—cái chết của Phật tử đêm 8/5 tại Huế, cuộc tự thiêu của Quảng Đức ngày 11/6 và chiến dịch “vét chùa” ngày 20-21/ 8/1963—đây là biến cố duy nhất phong trào Phật Giáo tranh đấu giữ thế chủ động. Nếu muốn xếp hạng cuộc tự thiêu này như một thứ vũ khí tranh đấu, nó là “vũ khí” của người yếu chống lại kẻ mạnh và ác, là ánh sáng của lương tâm soi rõ những góc cạnh xấu xí, dơ bẩn của quyền lực thế nhân, là ngọn lửa hâm nồng, nếu không phải đun sôi dòng máu lạnh của đám đông đang bưng tai, bịt mắt, co ro trong ngục tối đen lạnh của sự sợ hãi bạo quyền. Nó có tác dụng mãnh liệt hơn tuyệt thực, mít tinh, biểu tình, khẩu hiệu, truyền đơn—nó phá vỡ sự dửng dưng của dư luận quốc tế.
4. Cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức khiến thay đổi hẳn thái độ của người thường được các nhà lãnh đạo ngoại quốc mô tả như “a religious fanatic” hay “a Catholic mystic.”
a. Thái độ sơ khởi của chính phủ Diệm là hạn chế hậu quả tai hại [“damage control”] của “chỉ thị” cấm treo cờ Phật Đản và tội ác chiến tranh [war crimes] và “tội ác chống lại nhân quyền” [crimes against Human Rights] của chế độ sau vụ thảm sát thường dân ở Huế tối ngày 8/5/1963: nhân nhượng vừa phải, và thương thuyết trên thế mạnh.
Ngụy tạo tin tức (lựu đạn, rồi mìn plastic, trút mọi trách nhiệm cho “Việt Cộng”
Thứ Bảy, 18/5/1963:
* Sài-Gòn: Đại sứ Nolting gặp Diệm. Nolting yêu cầu Diệm thỏa mãn nguyện vọng của Phật giáo để ổn định tình hình. Diệm cần chịu trách nhiệm về biến cố ở Huế, bồi thường cho nạn nhân, và tái khẳng định chính sách bình quyền tôn giáo và không kỳ thị. (Đề nghị này Nolting đã trình về BNG ngày 18/5 và được Rusk chấp thuận ngày 21/5; FRUS, 1961-1963, III:312)
Diệm không có thái độ rõ rệt và muốn kéo dài thời gian. Theo Diệm:
- Biến cố ở Huế là do các lãnh tụ Phật giáo khích động;
- Những người chết ở Huế là do lựu đạn, do Cộng Sản hay những người chống đối chế độ ném, không phải người của chính phủ;
- Một số lãnh đạo Phật giáo lợi dụng biến cố ở Huế để củng cố thế lực trong nội bộ Giáo hội;
- Vấn đề Phật giáo không quá nghiêm trọng như Mỹ tưởng nghĩ. (FRUS, 1961-1963, III:314)
Dù được xem những khúc phim về cuộc đàn áp—chứng minh quân lính của Sỹ bắn vào Phật tử—Diệm không thay đổi lập trường.(Gravel, II:226)
Diệm tiếp xúc với phái đoàn đại diện Phật Giáo ngày 15/5/1963, nhưng trốn trách nhiệm.
Dùng vũ lực đàn áp
Đặc biệt là tại Huế và Sài Gòn. Dùng Nhảy Dù, Cảnh Sát Chiến Đấu, Mật vụ, chó berger, và ngay cả blister gas khiến 67 sinh viên, học sinh, Phật tử bị thương; phong tỏa người biểu tình trong vòng rào kẽm gai.
Nghi ngờ cuộc tranh đấu có bàn tay CS & ngoại bang:
- Dị ứng với cuộc tấn công tuyên truyền của Hà Nội & MTGPMN.
- Dị ứng với sự can thiệp tích cực của Tòa Đại sứ Mỹ và Oat-shinh-tân
(Phải giải quyết ngay bằng không sẽ tự tách biệt khỏi chính sách tôn giáo của Diệm).
- Dị ứng với sự ủng hộ phong trào Phật Giáo của dư luận thế giới.
b. Ngọn lửa Quảng Đức khiến Diệm thay đổi thái độ [dưới áp lực mạnh của Tòa Đại sứ Mỹ]:
- Chấp nhận ký Thông Cáo Chung 16/6/1963 [thành tín hay không. đây là một chiến thắng cho Phật Giáo]
- Hạn chế sự chống đối của những thành phần quá khích như Lệ Xuân [từ ngày 17/6/1963 đã công khai đả kích Thông Cáo Chung và tìm mọi cách cản trở việc thực thi].
5. Nhưng bỗng xuất hiện một biến cố vượt ngoài phong trào tranh đấu: Việc bổ nhiệm Henry Cabot Lodge, người nổi danh “vua đảo chính,” làm Tân Đại Sứ [Diệm được hỏi ý kiến ngày 22/6/1963].
6. Tiếp đó và song song là:
a. Âm mưu của De Gaulle và Lalouette nhằm “trung lập hóa” Đông Dương—không chỉ để “phá Mỹ” mà chủ yếu vì quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp.
b. Những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh về một chính phủ liên hiệp, trung lập, trên căn bản Hiệp định Genève 1954, và nằm ngoài vùng ảnh hưởng Mỹ [để bảo đảm sự an toàn cho cửa ngõ chiến lược phía Đông Nam của Trung Cộng].
c. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống thuốc độc tự tử
[“Di ngôn” ngày 7/7/1963 của Nhất Linh và sự nhập cuộc của sinh viên học sinh. Cùng với cái chết của Quảng Đức, đây là mồi lửa thứ hai thiêu hủy chế độ nhà Ngô. Theo bản tin Đài VOA ngày 9/7/1963, ngày 7/7, Nhất Linh để lại di ngôn: “Đời tôi có lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người trà đạp mọi thứ tự do.” (PTT/1CH, HS 8500)
d. Không kém quan trọng, chiến dịch khai thác cuộc tranh đấu của Phật Giáo của Hà Nội: Một “món quà từ trên trời rơi xuống,” theo lời Nguyễn Hữu Thọ.
- Mít tinh, tuyên cáo đả kích Mỹ-Diệm và ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo trước dư luận quốc nội cũng như quốc tế.
- Xâm nhập cán bộ vào các đô thị và phong trào tranh đấu.
- Gia tăng hoạt động quân sự, đánh phá các đồn bót và Ấp chiến lược.
- Khoét sâu sự khác biệt giữa chính quyền miền Nam và Phật Giáo.
Thứ Hai, 15/7/1963:
* Sài-Gòn: Có tin MTGPMN kêu gọi binh sĩ và Cảnh sát ủng hộ 5 nguyện vọng của THPGVN. (HS 8501)
* Liên Khu V: Hội nghị Khu Ủy Khu V mở rộng [tới ngày 31/7/1963]
Nghị Quyết: [VKĐTT, 24:895-954] Cần phải và có khả năng kiềm chế địch trong loại chiến tranh thứ ba và thắng địch trong loại chiến tranh ấy. [tr. 907]
trường kỳ kháng chiến, đánh địch trường kỳ, giành thắng lợi từng phần [tr. 908]
ở miền núi, đấu tranh võ trang là chính [tr. 910]
ở đồng bằng, đấu tranh chính trị, vũ trang song song.[tr.910]
ở đô thị đấu tranh chính trị là chủ yếu, có kết hợp đấu tranh vũ trang trong một mức độ nhất định.[tr. 911]
“trước mắt ra sức nuôi dưỡng mở rộng cuộc đấu tranh của đồng bào Phật Giáo và nhân dân các tầng lớp chống địch đàn áp Phật Giáo, chia rẽ các tôn giáo.” [tr. 942] (Huế: thuộc Liên tỉnh 1 của Khu V)
Khu VI [tháng 10/1963]:
“cần chú ý tranh thủ xây dựng cơ sở trong tín đồ Phật Giáo và từng mặt liên minh hành động tiến tới nắm một số sư sãi tiến bộ, có uy tín trong giới Phật Giáo, cũng như phải tích cực tranh thủ xây dựng những phấn tử lớp trên... có xu hướng tiến bộ để tiến tới hình thành Mặt Trận lâm thời của thành phố.” (VKĐTT, 24:989)
Tất cả những yếu tố trên dẫn đến chiến dịch “vét chùa” và ban hành thiết quân luật đêm 20-21/8/1963: Đây là một chiến thắng lớn của Phật Giáo, vì anh em họ Ngô đã công khai đương đầu với Mỹ, trong một cuộc đương đầu chỉ có thua— qua chính sách đàn áp Phật Giáo, như một biểu hiệu của thái độ “không ăn được thì đạp đổ” và “dằn mặt” Đại sứ Lodge; tạo cơ hội cho Lodge bắt đầu kế hoạch đảo chính.
Những chiếc đinh khác đóng thêm lên nắp quan tài Đệ Nhất Cộng Hòa:
e. Maneli vận động gặp Nhu
f. India dàn xếp cho đại diện Ngô Đình Diệm (Trần Văn Dĩnh) gặp đại diện Hà Nội ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963. (Hammer)
Từ đó, kiêu binh không xếp hàng một mà tranh giành, gấu ó nhau chạy đua vào Dinh Gia Long. Chính trường xuất hiện những “lãnh tụ” (sic) ham mê “đá gà”, xem vũ khỏa thân, cờ bạc, rượu chè, trai gái.
IV. QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ VÀ HẠN CHẾ CỦA “NHỮNG MỤC TIÊU CHÍNH TRỊ GIAI ĐOẠN.”
Nghiên cứu về Phật Giáo tại nội địa Việt Nam, nhất là phong trào tranh đấu 1963, rất khó khách quan và khoa học.
A. Có khuynh hướng “bắt” tôn giáo phải nằm trên chiếc giường của tên tướng cướp “duy vật biện chứng” Marxist-Leninist. Việc xếp hạng Phật Giáo cổ truyền vẫn được duy trì, nhưng hai cách xếp hạng khác, có yếu tố quyết định, bất di bất dịch: Phật giáo “yêu nước” (Phe ta) và Phật Giáo “phản động” (Ngụy).
B. Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, mà đại đa số vốn chống Cộng hoặc không-cộng-sản, vẫn chưa được nhìn nhận. Mặc dù một thiểu số tăng ni được trọng dụng, nhiều tăng ni tranh đấu năm 1963 đã bị cải tạo và quản chế. Có người đã chết trong tù ngục CS (Thượng tọa Thích Thiện Minh, gốc Quảng Trị). Những danh tăng như Thích Quảng Độ hay Thích Huyền Quang vẫn bị coi như “bất hợp pháp,” bị cô lập, chỉ định cư trú và liên tục bị giám sát, nhục mạ. Viện Hóa Đạo II ở hải ngọai không được phép hoạt động cứu tế xã hội, xây chùa, sợ “diễn biến hòa bình.” [Mới đây, Thượng Tọa Thích Thiện Minh (51 tuổi, gốc Bạc Liêu) mới được phóng thích khỏi ngục tù sau 26 năm giam cầm, bị quản thúc ở Bạc Liêu, xin dựng một ngôi chùa thờ Phật thì chịu đủ ngược đãi tinh thần].
C. Thảo luận về Quảng Đức và Phong trào Phật Giáo 1963 không thể không nói đến sự chống đối của những thành phần Ki-tô giáo quá khích, hoài tưởng họ Ngô. Với những người này, hễ ngoại đạo là “ác quỉ” và Ngô Đình Diệm là “thánh” của họ.
PThT, HS 29253:
* 13/11/1963: Trung tướng Mai Hữu Xuân, TGĐCSQG, báo cáo lên Bộ An Ninh là một số đồng bào gốc Bùi Chu vẫn ủng hộ Ngô Đình Diệm. Họ tập trung tại nhà thờ Bùi Phát đường Trương Minh Giảng, nhà thờ Ngã Ba Ông Tạ, nhà thờ Phú Nhuận cầu nguyện cho NĐDiệm. Theo họ Diệm còn sống, một ngày kia sẽ trở lại lãnh đạo VNCH.
Trong khi đó tín đồ Phát Diệm của GM Từ chống Diệm.
Xuân yêu cầu bộ Thông Tin có biện pháp đánh tan tư tưởng thân Diệm.
* 16/11/1963: Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Trung tá Trần Văn Mô, gửi Trung tướng TL/QĐ I kiêm Đại biểu CP/TNTP:
- Lúc 19G30 ngày 9/11/1963, Linh mục Võ Văn Quang, Tuyên úy Trung tâm Cải huấn Thừa Thiên, hỏi ông Quản đốc về thái độ với việc lật đổ Diệm. Quang tuyên bố anh em Diệm-Nhu còn sống, đang ở Mỹ. Đài Vatican trách Mỹ đã đưa hai ông xuất ngoại. Quang còn nói chính cha [Nguyễn Văn] Thuận đã cho người rình lén, thấy hai ngôi huyệt không có xác Diệm-Nhu.
- Linh mục Lộc, ở Mỹ Á, quận Vĩnh Lộc: Ngầm lãnh đạo con chiên chống Cách Mạng.
- Linh mục Bửu Đồng, xứ Sư Lổ thượng, xã Phú Hồ, quận Phú Vang: Tối 4/11/1963 tập trung khoảng 20 con tin quá khích, gồm thành phần cũ, họp kín.
- Linh mục Điển, sở Đại Phú, xã Phong Lộc, quận Phong Điền: Trong buổi họp ngày 13/11/1963 có những lời khiếm nhã.
- Linh mục bổn sở họ Vĩnh Nguyên, xã Phong Nguyên, quận Phong Điền: Cho giáo dân học võ chuẩn bị đánh nhau với Phật tử.
- Linh mục bổn sở Lai Hà, xã Quảng Lợi, quận Quảng Điền: Cấu kết với tay chân Nguyễn Xuân Khương có thể cất giữ vũ khí và có hành động khả nghi.
* 29/11/1963, TGM Francesco de Nittis, Khâm mạng Vatican, than phiền Giáo dân Ki-tô bị ngược đãi tại Thừa Thiên và Quảng Trị. Ngày 3/12/1963, Nguyễn Ngọc Thơ yêu cầu BT An Ninh điều tra việc này. Tôn Thất Đính báo cáo: Cộng Sản xúi giục.
* Một trí thức Ki-tô ở hải ngoại từng kết thúc tập “nghiên cứu” về cái chết của Ngô Đình Diệm bằng câu “Ngô Tổng thống muôn năm” và “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống.”
Bàn về những nhóm Ki-tô quá khích này có thể đi ngược lại chủ trương “đại đoàn kết” của Đảng CSVN hiện nay—khối giáo dân Ki-tô chỉ nín thở qua sông, “cho các ông ấy tạm giữ đất nước hộ mình.” Nói về tổ chức, cán bộ, nhân vật lực, hiện nay khối Ki-tô đang hồi phục dần. Vấn đề không phải là liệu họ có nổi dậy chống chính quyền Cộng Sản hay không. Vấn đề là “Bao giờ?”
Kết Luận:
Hội thảo về Quảng Đức phải là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, để từ đó:
1. tìm ra những sự thực sử học về một biến cố đã khiến đổ nhiều máu và nước mắt;
2. từ những sự thực sử học này mới có thể rút ra những bài học hữu dụng cho tương lai.
Nếu Hội thảo về Quảng Đức chỉ đưa đến những tập hợp cảm nhận lịch sử—một tập hợp những lời cung văn và đào mộ—hay nhắm vào những mục tiêu chính trị giai đoạn nào đó thì cầm bằng chẳng nên có cuộc hội thảo.
Houston, 10/6/2005Vũ Ngự Chiêu
Phụ Bản I
SƠ LƯỢC NHỮNG TƯ LIỆU VĂN KHỐ VỀ PHẬT GIÁO 1963
TÀI LIỆU PHỦ TỔNG THỐNG ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
HS 7941: Ngày 20/2/1962, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gửi thư cho Diệm. Than phiền việc đàn áp Phật Giáo tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Diệm gặp Mai Thọ Truyền, rồi chỉ thị Bùi Văn Lương điều tra. Lương cử Trung Tá Trần Văn Thưởng, Giám đốc CSCA TNTP điều tra. Theo Thưởng, cả hai bên đều có lỗi. Chỉ xảy ra ở một vài xã. (Báo cáo ngày 18/6/1962 của Bùi Văn Lương)
HS 8501: Sắc lệnh 84-TTP, ngày 20/8/1963 của NĐD, ban hành “tình trạng giới nghiêm” trên toàn quốc.
Quân đội chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh: xét tư gia bất cứ giờ nào, bắt giữ những người xét có hại cho an ninh công cộng. Cấm mọi cuộc tụ họp có thể phương hại cho trật tự an ninh công cộng, hạn chế tự do báo chí, kiểm soát phát thanh, kịch ảnh, cấm tàng trữ, lưu hành những ấn loát phẩm, tài liệu có hại đến an ninh công cộng. [cũng có trong HS 8506] Hiệu lực tới 12G00 ngày 16/9/1963. SL104-TTP ngày 14/9/1963.
HS 8502: Nha CS miền Bắc TNTP báo cáo về sự can thiệp của Mỹ “để khuynh đảo chính phủ.”
Lời khai của Thiện Siêu, Thiện Minh, Chánh Lạc, Lê Khắc Quyến, Vĩnh Kha, Trần Công Tho, Tôn Thất Kỳ.
HS 8503: Tài liệu Nha TGĐCSCA v/v cuộc tranh đấu của Phật Giáo.
11/6/1963: Thích Quảng Hường, trụ trì chùa Khai Đơn, Ban Mê Thuột, đòi tự thiêu tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo.
HS 8504-8505: Báo cáo hằng tháng của TGĐ/CSCA.
HS 8506: Các chùa trên toàn quốc bị khám xét.
Sắc lệnh số 84-TTP, ngày 20/8/1963, ban hành “tình trạng giới nghiêm” của NĐD. [cũng có trong HS 8501] Gồm 5 điều, công bố theo thủ tục khẩn cấp. Hiệu lực cho tới 12G00 ngày 16/9/1963; SL số 104-TTP, ngày 14/9/1963.
Tuy nhiên, “tình trạng khẩn cấp,” ban hành do SL số 209-TTP ngày 15/10/1961 vẫn còn hiệu lực.
4/9/1963: Bùi Văn Lương cho lệnh liệt kê các chùa trên toàn quốc.
HS 8507: Hồ sơ về việc ấn định thể thức treo cờ:
Nghị định mới, số 358/BNV/KS ngày 9/7/1963, về việc treo cờ trong những ngày lễ Phật đản.
Chỉ thị của NĐThục về việc treo cờ.
Trong đạo ta chỉ có một biểu hiệu là Thánh giá mà thôi. Anh em đừng nghĩ rằng cờ Tòa thánh Vatican là cờ có tính cách quốc tế nên được phép treo khắp nơi. Cái cờ bấy lâu gọi là cờ tòa thánh chỉ là cờ nước Vatican, không phải là cờ của đạo ta.
“...không phải một tấm vải vài đồng bạc mà thay được tín ngưỡng đâu.”
HS 8508: Dư luận Quốc tế
Báo cáo của Nguyễn Văn An, Trưởng Phái đoàn Giao dịch với Ủy Hội Quốc tế ngày 22/5/1963, 15/6/1963,
HS 8509: 5 nguyện vọng của Phật Giáo
Thông cáo chung 16/6/1963.
HS 8510: Trần Thanh Chiêu và Thương Phế Binh chống Phật Giáo
Trung tá Chiêu bị phạt 40 ngày trọng cấm, nhưng được thưởng Trung Dũng Bội Tinh, sau khi Hòa thượng Tịnh Khiết xin khoan hồng cho Chiêu.
HS 8511: Hồ sơ Việt Tấn xã về Phật Giáo
Gồm 3 tập, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.
HS 8512: Danh sách các khuôn hội
HS 8513: Việt Cộng lợi dụng cuộc đấu tranh
Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bản nghiên cứu đặc biệt về Phật Giáo Việt Nam, do Nguyễn Văn An soạn.
Bản tin tức đặc biệt ngày 24/8/1963.
Bản tin tức đặc biệt ngày 6/9/1963.
HS 8514: Một số lãnh tụ Phật Giáo
HS 8515: Phụ Nữ Liên Đới
HS 8516-8519: Kiến nghị của Quốc Hội
HS 8520: Báo cáo, CĐ về Phật Giáo
HS 8521-8522: Khiếu nại của Phật Giáo
HS 8523-8525: Báo cáo của Đại biểu TNTP
Mật điện đến (đặc biệt CĐ số 100/MM ngày 9/5/1963 của Tòa Đại biểu TNTP: Lựu đạn MK-2 từ đám đông ném ra; do khủng bố VC.
HS 8526: Truyền đơn của Tổng Hội Phật Giáo
HS 8527: Tài liệu Bộ Quốc Phòng
Báo cáo của Trần Thiện Khiêm, Đỗ Cao Trí, v.v...
HS 8528-8530: Hoạt động của Phật Giáo tại Thừa Thiên
HS 8529: CĐ tỉnh Thừa Thiên.
7/5-31/5/1963: Nguyễn Văn Đẳng
6/6-19/8/1963: Nguyễn Văn Hà.
21/8-2/10/1963: Thiếu tá Nguyễn Mâu.
HS 8530: Phản ứng của chính phủ.
Đặc biệt, báo cáo của Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Tỉnh trưởng Thừa Thiên, với những lời buộc tội như “phản loạn,” “bọn lưu manh phản động đội lốt tôn giáo âm mưu phá rối an ninh công cộng.”
Từ năm 1968, Mâu chiếu cố các tăng ni tranh đấu khá kỹ, với sự tán thưởng của Trần Văn Hương.
HS 8531: Lý lịch các sư
HS 8532-8533: Hoạt động chống chính phủ tại Trung Phần và Nam Phần
HS 8534: Phật Giáo tại Đô thành
HS 8536: Ký giả ngoại quốc bị hành hung tại Chùa Miên trên đường Trương Minh Giảng
HS 8539: Báo cáo của các tỉnh
HS 8540: Trợ cấp cho Phật Giáo
HS 8541: Tài liệu Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo
HS 8278:
Biên bản số 62, Phiên họp ngày 23/8/1963. Có phát biểu của Ngô Đình Nhu về Phật Giáo.
TÀI LIỆU PHỦ THỦ TƯỚNG
HS29229: Phật Giáo, 1954-1955
HS29368: Phật Giáo, 1964
HS29369: Phật Giáo xin bồi thường thiệt hại, 1964:
Danh sách những người bị bắt giữ đêm 20 rạng 21/8/1963.
Tại Huế, có 127 người bị thương nhẹ, 33 bị thương nặng. Ngày 30/7/1964 mới gỉai quyết xong.
HS29371: Phật Giáo, 1964
Tại các tỉnh.
HS29372: UBLP Phật Giáo, 1963-1964
Báo cáo của LHQ về Phật Giáo: Ngày 13/12/1963, quyết định không cần phải thảo luận nữa.
HS29372a: Xung đột giữa Phật Giáo với quân đội, cảnh sát và Ki-tô giáo, 1963-1964
HS29380a: Ki-tô giáo chống chính phủ, 6-8/1964 (Sài Gòn & Vùng 1 CT);
HS29380b: Ki-tô giáo chống chính phủ, 1-12/1964;
HS29387: Liên tôn chống Cộng, 1964;
HS 29675: Phật Giáo, 1966;
HS 29679: Phật Giáo, 1966;
HS 29684b: Hoạt động của một số tu sĩ Phật Giáo, 1965-1966;
HS 29587: Hoạt động tôn giáo, 1963-1967;
HS 29588: Phân hóa của Phật Giáo, 1966-1967;
HS 30206: Phật Giáo Ấn Quang, 1968.
Trên đây chỉ là những tư liệu tôi có cơ hội tham khảo và làm phóng ảnh. Chắc chắn còn nhiều tài liệu khác nằm rải rác đâu đó. Cấm trích dịch nếu không có sự chấp thuận của tác giả.
(*) Tác giả xin cảm tạ Hội Đồng Fulbright Bộ Ngoại Giao Mỹ, và chương trình Rockefeller của William Joiner Center, đã tài trợ chuyến du khảo tại Việt Nam trong niên khóa 2004-005. Tác giả cũng ghi nhận sự giúp đỡ tận tình của Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hố Chí Minh, quí vị Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, và các cơ quan liên hệ trong thời gian du khảo ở Việt Nam.
(BÀI ĐÃ IN TRONG HỢP LƯU 84 / tháng 8 và 9 -2005)