- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Người " Xuống Đồng" Trước Nhóm Mường Thái Lam Sơn

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 22467)

w-hl94final3-42_0_300x107_1Họ tên, hệ thống tông phả của người Việt và vùng Kinh

Về "họ", "tên" của người Việt Nam, người cùng quốc tịch dành cho cư dân bản xứ trên nước Việt Nam, thì gần đây chúng ta có một nghiên cứu tuy mang tính cách liệt kê, thống kê nhiều nhưng vẫn có tham vọng tổng quát hoá cho cả một vấn đề thật là phức tạp bao gồm các phương diện nhân chủng, lịch sử... trong đó không thể nào tránh khỏi xen lẫn những ý thích cá nhân bất chợt không đoán định được. (1)

Cũng dễ hiểu là tập đoàn đa số trên đất nước này là tộc đoàn Việt/Kinh cho nên vấn đề hầu như phải xoay quanh nhóm người này. Có sự tranh cãi nhiều và mang tính bác học quanh vấn đề ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa trên người Việt nhưng nói chung có thể thấy rằng các họ người Việt là từ gốc Trung Hoa, hay dù có gốc nào khác cuối cùng cũng mang ngữ Hán, dạng Hán Việt. Chính hình thức chung này đã gây ra những sai lầm về nhận định, về hình thức tiên khởi, cho rằng người Việt lúc nào cũng phải có "họ", có "họ" là điều đương nhiên không cần tranh cãi, do đó mới cố đi tìm các họ "thuần tuý Việt".

Nhưng có một thời không phải người Việt nào cũng có họ, chứng cớ là ở tấm bia 1210 của thời Lí, đến chủ nhân các khoảnh ruộng mà cũng chỉ có tên đi sau từ "thằng" mà thôi. (2) Ảnh hưởng Trung Quốc chưa tới nhiều trên cái nền cổ sơ của dân Việt thời đó. Ông họ Nguyễn trong tấm bia là nhà giàu, bỏ cả ngàn quan mua hơn trăm mẫu cúng chùa, có họ là phải. Những người thấp thỏi kia chỉ cần có tên để xác nhận chủ quyền, và tiếng gọi "thằng" cũng không có ý khinh miệt như trường hợp nickname "thằng Cặt" của người họ Quách/Lí chỉ huy đánh Tống các năm 1075-77 vậy. Ở tầng lớp trên, người ta có "họ" hoặc bởi là gốc Hán di cư, hoặc bởi gốc bản thổ nhưng cần đi vào khuôn khổ hành chính thuộc địa nên phải theo quan niệm tông phả của người cai trị. Tính cách phức tạp của hình thức tiếp nhận văn hoá này thật khó biện biệt rành rẽ cho từng trường hợp. Nhưng trong hình dạng chuyển hoá tập thể sơ khởi, có thể đoán về hai trường hợp của tập họp người bên lề trung châu, bên lề vòng Hoa hoá của thời thuộc địa. Quan cai trị chỉ cần trực tiếp biết người ở tầng lớp trên cao của tập họp này để qua họ mà thu thuế, bắt người phục dịch cho nên đem họ vào sổ "đinh", do đó mới có họ Đinh. Lớp người dưới tay họ, không kể phụ nữ, chỉ đáng ghi nhận ở giới nam, chỉ cần quan tâm đến "thằng" (để bắt người sưu dịch) cho nên lúc cần thì cho mang dạng chung của "cái giống": bòi, và tất cả có họ Bùi (hay có thể ngược lại: "bùi" chỉ cái giống, nói trại là "bòi".)

Một dấu vết diễn biến về "họ" thấp thoáng giống trường hợp trên, còn thấy đến gần đây, lần này tập đoàn đa số là Việt với các dấu vết sàng lọc qua văn hoá Hoa một thời gian dài. Ông Nguyễn Đình Tư trong Non nước Khánh Hoà (3) ghi về trường hợp người Hạ, dân thiểu số ở vùng Đầm Môn Hạ, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà, đã Việt hoá gần hoàn toàn. Ông thấy, riêng qua hôn nhân nếu trai Việt lấy gái Hạ thì con mang họ cha bình thường (đương nhiên là "Việt"), còn nếu lấy lẫn nhau, hay gái Việt lấy đàn ông Hạ thì người con trai mang họ Đinh, con gái mang họ Trần. Tác giả giải thích người Hạ là dân Mã Lai ở Hạ Châu (Singapore) đến, (chắc là theo thuyết của ông Bình Nguyên Lộc) mà không chịu cách giải thích của địa phương cho rằng đó là người thiểu số cùng dòng với người Thượng ở Tây Nguyên, chỉ vì ở phía đồng, biển mà được gọi là người Hạ ("dưới thấp") thôi. Thật ra cách giải thích ở địa phương là đúng vì ta có chứng cớ từ Lê Quý Đôn ở Phủ biên tạp lục. Người "Mọi hạ" (nếu gọi không tránh né va chạm) đó, có thể mang ảnh hưởng Chàm, Khmer (đội vật trên đầu chứ không gồng gánh) sở dĩ còn sót lại trong vùng chỉ vì họ ở vào thế khuất lấp trên vùng bán đảo đó mà thôi. Họ đã được nhân viên Trường Viễn Đông Bác Cổ nhận ra hồi những năm 30 của thế kỉ XX. Họ Đinh ở đây là một chứng cớ khác về gốc thiểu số vì cũng giống như những người Thượng họ Đinh phía tây Quảng Ngãi ngày nay (Sơn Hà, Ba Tơ). Còn họ Trần chắc là vì họ "ở trần", lại cũng một dấu vết thiểu số khác nữa mà bây giờ (2007) hẳn cũng xa lạ lắm rồi. (Có ông đạo ở Bà Rịa tên đạo Trần, vì suốt ngày "ở trần".)

Chúng ta thấy các chính quyền thời độc lập áp dụng chính sách đưa lớp người cho là bên ngoài tộc đoàn "của mình" vào sổ bộ bằng cách cho mang một "họ", tuy vấn đề càng lúc càng phức tạp. Sự đổi thay từ không có "họ" đến có, sẽ đi theo một tình hình tiến triển ngoài cả ý định của chính quyền, theo sự thích nghi tự nhiên ứng hợp với tình thế đương thời trong đó không tránh được cả sự ngẫu nhiên. Tuy nhiên quan niệm tông phả của Trung Hoa qua cả ngàn năm cũng không che lấp hết được dấu vết bản xứ. Cho đến ngày nay, người ta còn quan sát thấy trên vùng được coi là trung tâm Mê Linh của Bà Trưng, có hiện tượng con cái lấy chữ lót của cha làm họ của mình, tất nhiên là qua nhiều hình thức phức tạp bởi ảnh hưởng lâu đời của văn hoá Hán trên đất Việt. Tác giả Nguyễn Duy Hinh đã dùng nhóm từ dân tộc học Hán "Phụ tử liên danh" để chỉ hiện tượng này, hiện tượng ta còn thấy ngày nay ở ĐNÁ (4) cả trên tầng cấp cao như trường hợp bà Aung San Suu Kyi (con Aung San) của Myanmar, hay nữ Tổng thống Megawati Sukarnoputri (con Sukarno) vừa qua của Nam Dương.... Tất nhiên ta không loại trừ ý định giương danh vì mục đích chính trị của những người này.

Các "họ" được sử dụng theo tính cách tông phả Trung Hoa đã che khuất các nguồn gốc chủng tộc, tộc đoàn khác nhau trước khi họ nhập vào khuôn Việt, do đó lại nảy sinh cũng một quan niệm về "người Việt thuần tuý" có thể nói là mang tính cách "soán đoạt". Sự khác biệt nguồn gốc đó vì không được để ý nên người ta dễ dãi đi tìm giải đáp vấn đề nơi các quyển sử xưa, các thần tích, và sai lầm này thấy cả ở những người mà kiến thức chuyên ngành thật đáng nể nhưng bản thân lại hời hợt trong lập luận. Lỗi không chỉ ở người nghiên cứu chuyên ngành nhân danh học mà còn là ở các chuyên ngành được mượn để dẫn chứng. Với người Việt thì lỗi ở ngành sử học Việt "truyền thống" quá tin vào bất cứ chứng cớ nào được gọi là của quá khứ, không sai chạy. Ví dụ tác giả Lê Trung Hoa (và những người khác) cứ kể tên Cao Lỗ, Đào Nồi, Đinh Toán là quan, tướng của An Dương Vương, cứ kể tên Trần Thị Đoan, là mẹ của Trưng Trắc, tên Lê Thị Hoa, một nữ tướng của Hai Bà để làm chứng rằng người Việt của thời sơ sử, của thế kỉ I đã mang các họ trên! Cứ coi thần tích là sử kí đương thời, đem ra trích dẫn nên mới xảy ra trường hợp cha các ông Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu "làm quan đời Tần" (thế kỉ III tCn.) qua đất Giao Chỉ lấy vợ, "ở lại đây [chỉ] 39 năm" mà đẻ được ba người con đều là sứ quân của thế kỉ X! (5)

Sách vở, sử kí được chép bằng chữ Hán tạo ra một thói quen giải thích nguồn gốc theo hướng này, ví dụ tập họp Lưu Gia lúc đầu của Trần trên bờ nước, dễ dưa đến ý nghĩ đó là vùng "nhà họ Lưu" trong khi sự kiện về sau không cho thấy ai mang họ Lưu trong vùng gốc Trần này cả. Chữ Hán che lấp âm Việt cho nên với (thôn/làng) Đinh Xá ở Hà Nam đã được giải thích là khu vực hành chính cơ sở được tạo lập bởi người họ Đinh, nhưng từ khi có âm quốc ngữ thì rõ ra rằng dân chúng ở nơi ấy còn chỉ thêm một thôn "Đanh" Xá để có căn cứ chắc chắn mà công nhận các chùa Bà Đanh trong vùng. Cũng vậy, trên vùng Thuận Thành tỉnh Hà Bắc, tên xã Dương Xá văn hoa đã che lấp thôn Đanh quê mùa, thấp thỏi nhưng may mắn xuất hiện trong báo cáo 1938 của làng xã cho Phủ Thống sứ Bắc Kì (6) để làm chứng cho sự hiện hữu của một chùa Bà Đanh tuyệt tích, lập nên bởi đám tù binh Chàm thế kỉ XI ở đấy!

Ý thức tông phả mang đến bằng cớ dấu ấn của một dòng họ được giữ gìn qua thời gian nên không tránh khỏi bị lợi dụng. Các tay nổi loạn đổi họ để dựa vào các thế lực to lớn đương thời, hoặc có quá khứ lâu dài, như anh em Tây Sơn lấy họ Nguyễn, Tạ Văn Phụng lấy họ Lê, chưa kể ông con lính mã tà Phan Phát Sanh xưng Nguyễn Văn Lạc để hi vọng nối dòng Hàm Nghi... những sự kiện lớn này trùm lấp các chuyện đổi họ lặt vặt của các cá nhân muốn trốn tránh pháp luật hay muốn tìm một họ "sang" hơn. Những người họ Đoàn ở Hải Dương ngày nay đi chiêu tập bà con khắp trong nước, cố liên kết với ông Đoàn Thượng hẳn không phải vì tính cách bại tướng của ông này trong thế tranh chấp quyền hành giành ngôi Lí mà vì uy danh huyền thoại của ông tướng ôm đầu bị chặt đứt được ngựa thiêng chở về nơi hưởng huyết thực, một truyền thuyết lại cũng khuất lấp, ảnh hưởng từ các nhóm tù binh Chàm quanh đó. Ấy thế mà có người đã sang còn muốn sang hơn. Đọc Nguyễn Hữu tộc gia phả, Thạch Hà, Thủy Châu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. (7) thì thấy chuyện tham lam sửa gia phả có dáng đã đạt thành chứng cứ lịch sử, hoàn thành tham vọng giúp cho sự thiếu sót của sử quan xưa. Những người này học sơ sài "đạo Thánh hiền" lúc tàn tạ nên không nghe Phan Phu Tiên nhắc lời Khổng Tử: "Không phải ma nhà mình mà cúng là mắc tội siểm nịnh." Nhưng họ đã có ông Hồ Quý Li dẫn đường, không chỉ bằng lòng với ông tổ thời Ngũ Đại (thế kỉ X) mà còn xưng mình là con cháu Ngu Thuấn để đặt tên nước là Đại Ngu rồi! Chuyện "vẽ" gia phả này không phải là đơn độc và mới xảy ra phồn tạp gần đây vì có quá nhiều người "có chữ" thất nghiệp trong lúc người có tiền, có thế lực mà xuất thân thấp cũng đông. Nó đã lẫn vào các cuốn gia phả xưa hơn, khó tách biệt ra được.

Ý thức tông phả thật ra không phải chỉ là của Trung Hoa mà chung cho cả những con người hay tập đoàn người coi trọng sự hiện diện vượt trên từng thời gian sinh sống của chỉ một cá nhân. Người Khmer chỉ có họ ở tầng lớp cao cho nên Pol (ông) Pot phải lấy thêm tên họ đầy đủ: Saloth Sar. Còn những người ở địa vị thấp, đột nhiên xuất hiện trong lịch sử vì liên hệ đến một dòng quản lí đất nước hay theo một biến cố lớn, thường lúc đầu chỉ mang tên mà không có họ. Ta ngờ rằng các tướng của chúa Nguyễn được ghi "khuyết tính", có thể là bởi sử quan không biết họ gì để ghi hay cũng chính là vì bản thân những người này không có họ. Các tướng lãnh Tây Sơn đầu hàng Nguyễn thì còn giữ được tên họ rành rẽ, còn những người khác không có họ vì khuất lấp theo triều đại "ngụy" nhưng cũng có thể là các Đô đốc Long, Đô đốc Bảo, Hô hổ hầu (tên Hổ răng hổ tướng to miệng, cầm một cánh quân của Tây Sơn?)... đã không có họ. Ngay chính các lãnh tụ Tây Sơn đã chọn họ Nguyễn nhưng một người đương thời lại cho thấy họ mang một họ lạ hoắc: họ Đồng. Lê quý dật sử ghi liên tục "thổ hào tên là Đồng Toàn... sinh ra Đồng Phúc, [con gọi là Đồng?] Thư Nhạc." (8) Không rõ bản văn chính như thế nào nhưng họ Đồng đột ngột xuất hiện rõ ràng không liên hệ gì với những tù binh ở Nghệ An bị bắt trong trận chiến 1655-1661, như chính Bùi Dương Lịch, tác giả sách, người Nghệ An, đã không nói tới mà chỉ nhắc qua rằng "cụ tổ (Tây Sơn) đi lính vào nam đóng ở Quy Nhơn." Sử quan Nguyễn không nói gì về liên hệ của họ Hồ và Tây Sơn, chỉ nhắc chung đến tù binh trong chiến dịch 1655-1661 và tên huyện Hưng Nguyên, có lẽ do đó mà Hoàng Lê nhất thống chí chêm vào xác nhận Nhạc "dòng dõi Hồ Quý Li, cùng ngành với Hồ Phi Phúc" (huyện Hưng Nguyên), lấy họ của mẹ vì "thế lực họ Nguyễn đương mạnh". (9) Thế rồi người sau lại "bắt quàng làm họ", cho cha Huệ (không nhắc tới Nhạc) là Hồ Phi Phúc không kể rằng ông Hồ Phi Phúc nếu là tù binh năm xưa thì không thể sống đến hơn trăm tuổi để sinh Nguyễn Huệ được.

Chữ "đồng" vốn là phát âm nôm cho chữ "động" (như Đồng Hới = Động Hải), chỉ một vùng cư trú hẻo lánh, hay với nghĩa "đồng (bằng)", nên họ đó có thể là cách lấy tên từ dấu vết địa điểm sinh sống như người ta tìm được chứng cớ ở Nguyên (Nguyễn) Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình, những người đầu tiên đến lập làng mang họ Kênh vì ở gần kênh nước, cùng những người khác mang họ Cầu, họ Trại với nguyên cớ tương tự. (10) Có lẽ dấu vết chữ "đồng" lại là nguyên cớ khiến có thuyết cho rằng mẹ anh em Tây Sơn là Nguyễn Thị Đồng. Dù sao thì sự rối rắm của vấn đề cũng chứng tỏ là ngay đến thế kỉ XVIII, người được nhận là Việt không hẳn là ai cũng có họ, hay coi việc có họ là quan trọng. Cho nên vấn đề đổ ngược về trước như đã xảy ra với tấm bia 1210 không phải là điều nghịch thường mà còn là phản bác những ai xác quyết rằng người Việt có họ từ thời Hùng Vương!

Từ trung tâm là Đại La rồi Thăng Long, bên trong địa vực của châu Giao thời thuộc địa chuyển qua Đại Việt, một số họ của những tộc đoàn thiểu số hoặc mang dạng Hán có sẵn, sẽ vẫn giữ nguyên với triều đình Việt như các họ Nùng, Hoàng, Mạc... hoặc lại sẽ được ban phát, cải sửa từ Thăng Long như trường hợp họ Giáp, có thể từ tên đơn vị hành chính "giáp", được kéo dài nét sổ dọc lên về phía trên thành họ Thân, đặc biệt có liên hệ hôn nhân với nhà vua Lí vì trấn giữ con đường xâm nhập quan trọng từ phương bắc sang.

Có vẻ trên vùng trung châu có kinh đô Thăng Long, do đó được gọi là vùng Kinh, từ sau thời độc lập, các họ tương đối được ổn định chỉ trừ thêm trường hợp nhóm tù binh Chàm đem về trong các trận chiến 1044, 1069 đã mang lại một họ mới kéo dài đến hai ba trăm năm, chưa kể giai đoạn chuyển hướng trong dòng Việt mới. Họ Phan ở đây vốn nguyên gốc hẳn không là một xác định tông tộc mà chỉ là một chỉ danh mượn của văn hoá Trung Quốc áp đặt trên tất cả tộc đoàn ở về phía tây của họ, riêng với Đại Việt là do lầm lẫn phương hướng nghĩ rằng người Chàm ở về phía tây của mình. Và cũng ngay từ thời độc lập các chính quyền cũng phải đối phó với sự tràn lấn của tộc Thái có dấu vết nặng nề ở thế kỉ IX với "giặc Nam Chiếu". Sự pha trộn nhân chủng trên vùng Kinh do các cuộc tranh chiến này không để lại dấu vết nhưng không thể coi là nhẹ bởi vì đã bắt đầu thấy một họ người Thái chuyển qua trong sử Việt: họ Trịnh. Chúng ta sẽ bàn về họ này ở phía nam, vùng Trại, nhưng Lê Hoàn đã có vợ là bà Trịnh Quốc (982) chứng tỏ ngay ở Hoa Lư người ta cũng đã để ý cầu thân với một tộc đoàn Thái gần đâu đó. Sử ghi năm 1000, Hoàn cất quân đánh Trịnh Hàng, Hàng chạy vào Tản Viên. Nếu nối kết với "truyện Hồ Tinh" (11) thì ta nhận ra tộc đoàn ở Tản Viên là người Thái Trắng "Bạch Y Man... gác cây kết cỏ mà ở" (ở nhà sàn), có mối liên lạc đến phía tây thành Thăng Long qua chuyện vị pháp sư đội lốt cáo chín đuôi tổ chức lễ hội hợp hôn trong động kín, xung đột với chính quyền Thăng Long ("Long Quân") còn dấu vết hồ Tây, làng Cáo (Hồ Thôn), sau sẽ là nơi trú ngụ của thần Phù Đổng khi Lí rước về thờ cúng.

Lí về ngự trị ở Thăng Long cũng phải lãnh trọng trách ngăn cản dòng người Thái tiến về đông như nhà Đường thế kỉ IX dưới áp lực của chức quyền "Thác đông tiết độ" của Nam Chiếu. Lí cũng thành công, bắt người, cướp được ngựa đem khoe (và cũng để hù dọa) Tống. Dấu vết ngựa đặc sản của Nam Chiếu, ưu việt trong sự di chuyển, trong chiến tranh từng hấp dẫn triều đại Angkor, lại thấy nơi con Bạch Long thần mã được tán tụng của Lí Thái Tổ đến con ngựa nê thông của Trần Duệ Tông chiến bại, được khen tiếp nơi con ngựa chở chủ nhảy được qua hào nước thoát tay quân Chiêm rượt theo (1383) và được đặt tên riêng: Tử Bất Tề! Họ Lí, cũng như Trần về sau đã thành công trong việc ngăn chặn được dòng người Thái tràn xuống đồng bằng nhưng cũng để len lỏi được vào chính quyền những người đã trung châu hoá như có thể là nhân vật Trịnh Văn Tú làm Thiếu sư thời Lí Thái Tổ, đạo sĩ Trịnh Trí Không ở triều Thái Tông, Trịnh Phẫu đỗ Thái học sinh (1232).

Các tập đoàn thiểu số phía bắc, đông bắc có vẻ dễ thích ứng hơn, hẳn vì sự chọn lựa phải đứng về phía Thăng Long trong xung đột với chính quyền Tống, Nguyên ngay trên con đường tiến quân của các thế lực phương Bắc. Họ Giáp/Thân có thông gia với Lí nhiều đời, tuy không phải lúc nào cũng thân thiện bởi vì thấy có dáng chen vào việc giành ngôi của nhân vật Thân Lợi (1141). Họ Hoàng (và họ Mạc) được coi là thuộc thành phần "thổ quan" ở biên giới Trung, Việt đôi khi thấy có tác động lớn trong các biến cố giữa hai nước. Thế rồi ngay trong triều Lí có Thái phó Hoàng Nghĩa Hiền (1161) từng được cử chiêu dụ vùng man động để đi đãi vàng (1143) và lúc chết (1161) được bãi chầu 5 ngày vì coi là có công lớn trong việc giúp Anh Tông lên ngôi. Họ Dương kề phía bắc kinh thành được cử coi vùng biên động (1143), làm phò mã (1144), khu vực riêng được nâng lên thành Phủ, bị thất bại trong vụ lật đổ Đỗ Anh Vũ (1150) mà không hề hấn gì, chỉ bị "tội lưu nơi xa, (nước) độc" theo kiểu trả về quê cũ! Còn cuối Trần nhân âm mưu giết Lê Quý Li thất bại (1399) mới thấy ra một họ Lương phụ đạo vùng Tuyên Quang của Lí, chận đánh quân Nguyên được phong hầu, nghĩa là vào vòng tông tộc quý hiển Trần, được sử ghi gia phả nối tiếp cẩn thận. Ngoài ra, các Viên ngoại lang là các thế lực địa phương phục vụ Lí, có tên, có họ nhưng ta không thể phân biệt được thành phần chủng tộc, tuy rằng với Lí thì một số những người này hẳn thuộc thành phần Di Man đất Mân đã Hoa hoá nhiều. Những người cầm đầu các tộc đoàn này, theo tình hình chung, chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên các lãnh tụ đã có họ, còn phần dân chúng chưa chắc mang được một họ nào tuy là dần dần theo một sự thăng tiến nào đó cũng phải kiếm cho ra một họ riêng của gia tộc mình để, nếu may mắn, chen được vào sử Việt, thành "người Việt" không còn tranh cãi. Lại cũng nên để ý trường hợp "thổ tù hoá" ngược lại, ví dụ con cháu Ngự Man Vương Lê Đinh đóng ở Phong Châu, khi Lí lên nắm quyền, trở thành "phiên thuộc" lại làm thông gia với Lí.

 

Vấn đề của vùng Trại

Sự phân biệt Kinh/Trại được nhắc nhở nhiều nhất trong đời Trần, đặc biệt trong việc tuyển lựa nhân tài qua thi cử. "Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu được ban cho trạng nguyên. Đến nay chia Thanh Hoá, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại." Sự phân biệt khu vực chính thức cho là bắt đầu từ năm 1256 đó nhưng thật ra tính chất phân vùng cho Đại Việt như trên có căn bản rất sâu xa, phản ảnh qua các sự kiện rất xưa. Có thể thấy lờ mờ thời sơ sử qua vị trí làng Đông Sơn của Thanh Hoá được chọn đặt tên cho nền văn minh đồ đồng của Việt Nam. Khi Hán chiếm lĩnh thuộc địa đặt tên cho khu vực quản trị thì chỉ có hai: Giao Chỉ và Cửu Chân, và lại cũng cho thấy điều đó có thể xuất hiện ngay từ thời đại Triệu Đà hàng trăm năm trước. Tên Giao Chỉ thì còn nhiều tranh luận nguyên gốc, chứ tên Cửu Chân thì mịt mù, chứng tỏ thật xa lạ với người Hán đương thời. Vì thế tuy có thêm một quận Nhật Nam ở cái đuôi phía nam thuộc địa co dãn theo sức đối phó với các nhóm dân bản xứ vùng ấy, đến thời đại độc lập, các chính quyền ở Hoa Lư bên rìa đồng bằng phía bắc, ở Thăng Long ngay giữa đồng bằng ấy đều nhìn vùng Cửu Chân cũ như là một nơi không đáng tin cậy, một chốn thù địch. Lê Hoàn "giết người hai châu (Hoan, Ái) không biết bao nhiêu mà kể" (989), còn Lí Thái Tổ thì cho "người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn" để có cớ đem quân đánh dẹp (1012). Vì thế ta thường thấy xuất hiện các tên "trại" nơi này: trại Bà Hoà của Thân vương Lí Nhật Quang ở Thanh Hoá, trại Định Phiên ở biên giới phía nam có Lí Thai Giai làm trại chủ. Vậy mà thế lực địa phương vẫn xuất hiện làm điên đảo triều đại Lí qua những sự kiện không ngờ: Hiện tượng đứa bé lên ba Giác Hoàng của Thanh Hoá dưới dạng thần thánh chen vào tranh chấp làm người kế vị Nhân Tông, suýt đã thắng cuộc nếu không bị ngăn cản bởi thế lực của Sùng Hiền hầu, có sự phụ giúp của nhóm thần thánh Từ Vinh + Từ (Lộ) Đạo Hạnh, cùng họ Đỗ từng có người vào Thân Vương ban (tập họp nằm trên tột đỉnh quyền hành) ngay từ đầu triều đại. Cho nên từ khởi đầu (1010), Lí Thái Tổ đã chia làm Kinh, Trại chứ không phải đợi đến Trần Nhân Tông, hành động năm 1256 có vẻ chỉ là một cách điều chỉnh của một triều đại mới vừa lập nên, chưa thấu rõ tình hình thực tại của đất nước.

Dù sao thì sự phân biệt một vùng Trại xa kinh đô, xa "giáo hoá" cũng để lộ ra những dấu vết thành phần chủng tộc riêng biệt xâm nhập vào khung cảnh chung của Đại Việt qua các nhân vật mang các họ có âm vang Hán Việt để sử gia cứ giản dị xếp lịch sử theo một chiều thô thiển đến mức có thể nói là đã cưỡng đoạt sự thật. Có thể nói trên vùng Trại này, Lê là họ "quý tộc" để người của các tập đoàn Việt nhỏ bé, các tập đoàn dân tộc ngoại biên tìm cách chen vào mong được hiện diện nổi bật. Chúng ta thấy Thập đạo Tướng quân của Đinh là con nuôi một quan sát sứ Thanh Hoá họ Lê, chứng tỏ không chắc ông là "Lê" Hoàn. Họ Hồ đã là quý tộc của xứ Nghệ vì nhận gốc từ quan chức thời Ngũ Đại (thế kỉ X), từng làm thông gia với trung ương Lí, vậy mà còn làm con nuôi họ Lê để cải họ, đến lúc làm vua mới trở về họ cũ! Và đến cả người gốc Thái cũng mang họ Lê như Lê Cố trong tập họp của Lê Lợi. (12) Không cần qua dấu vết người bà, người mẹ mang tính phỏng đoán, chính sự việc có lời khấn tiếng Thái trong tế lễ ở Lam Kinh là chứng cớ rõ rệt nhất về thành phần gốc Thái của nhóm Lam Sơn. Nghĩa là qua sự tràn lấn về phía Nam của các chính quyền Hoa Lư, Thăng Long nối tiếp vai trò các chính quyền thuộc địa cũ, những tập đoàn dân tộc khác vẫn chen vào quyền bính, và không phải lúc nào cũng ở vai trò phụ thuộc.

 

Những người họ Phan, họ Phạm

Với kiến thức chi li của các nhà dân tộc học ngày nay thì chúng ta được biết có nhiều tộc đoàn thiểu số sống trên vùng xưa gọi là "Trại" đó. Và thật là hiếm hoi khi thấy Cựu Đường Thư ghi: "Khai Nguyên 12 (724), Đường Huyền Tông tế Thái Sơn có hai ông tả hữu hiền vương phía tây Nhật Nam cà răng, xăm trán..." (13) Đem người lặn lội từ ngàn dặm xa đến dự lễ lớn tuy chỉ là một cung cách biểu diễn "vật lạ" nhưng cũng là làm tăng oai phong của triều đại. Hẳn ngày xưa diện mạo dân tộc vùng Trại cũng đã phức tạp như vậy (hay phức tạp hơn nữa là khác) tuy ta không có bằng cớ để xác định rằng tộc đoàn nào đó tên gì, đã xuất hiện trong vùng vào lúc nào, chuyển biến ra sao... Phải đành chịu để xét các tộc đoàn lớn bao trùm các tộc đoàn nhỏ, những tộc đoàn mà sử quan gọi chung là "Man" khi không phân biệt rõ ràng để chúng ta bây giờ cũng mù tịt, đôi khi đoán định được là nhờ những chi tiết thêm vào, ví dụ ghép với tập đoàn Thái cũng lại lấn át ở vùng Trại không dịu nhẹ tí nào. Kiến thức thành phần nhân chủng và sinh hoạt xã hội ở đây lộ ra chút sáng sủa thêm khi có một tập đoàn thiểu số lên làm vua nước Việt, từ đó những tập đoàn yếu thế còn lại không phải chỉ là "Man" mà là "Mang" (chữ Hán) để ta chuyển ra "Mường" chỉ tập họp người, vùng cai trị của lãnh chúa nhỏ, và mở hiểu biết đến hệ thống liên khu vực như Bồn Man/"Mọi Chum", Ai Lao, Lão Qua, chuyển qua chữ viết của tiếng nói gọn ghẽ là "Lào".

Ngoài nhóm người đồng bằng, nhóm miền núi Thanh Hoá (vùng Lạc Thủy bây giờ) được ghi nhận chống đối dữ dằn nhất, là Man Cử Long. Cử Long mạnh khiến Đinh Toàn chết khi cùng đi đánh với Lê Hoàn (1001). Năm 1011 họ bị Lí Thái Tổ "đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ" đánh tan "bọn giặc hung hăng dữ tợn" hai triều Đinh Lê không trị nổi đó. Sử quan Nguyễn cho họ mang tên sắc tộc Mường có lẽ là nhìn vào thành phần dân cư đương thời, không khác ngày nay. Nhưng Cử Long không phải chỉ ở trên rừng, năm 1005 họ tràn xuống đến tận phía biển, cửa Thần Phù (Ninh Bình) sau này, khiến Long Đĩnh phải bỏ việc giành ngôi với anh em, quay về đánh giặc. Họ là thành phần Mường thuần tuý hay chịu sự đùn đẩy lấn chiếm của tập đoàn Thái phía sau, đã thấy xung đột với Lí trong thế kỉ này với tên Ai Lao rõ rệt (1048) hay tên Ngưu Hống ("Rắn hổ mang", người Thái Đen, 1067)? Dù sao thì luồn lọt được qua các cuộc chiến cũng có những bộ phận thủ lĩnh địa phương tách rời tập đoàn chính của mình để mang họ Hán Việt, phục vụ chính quyền Việt, trôi nổi theo tình thế giúp họ thích ứng được hay không của nơi quy tụ mới. Đó là những người mang họ Phan, họ Phạm.

Về họ Phan, ta chú ý tới Phan Kiệt nổi bật trong vụ tranh chấp quyền bính cuối Trần, và Phan Liêu mà hành vi chuyển đổi phức tạp trong cuộc kháng chiến chống Minh đã gây nên cuộc tranh cãi về tinh thần ái quốc của các sử gia trong nước hồi gần đây. Thật ra, họ Phan trong sử Việt có nguyên nhân như đã nói, là bởi quan niệm người đương thời nghĩ rằng nước Chiêm Thành ở về phía tây nước mình nên gọi: "phiên" (XYZ), và xác định đó trở thành họ trong khung chuyển tiếp văn hoá Hán Việt, dễ nối kết với họ Phan có sẵn, trùng âm. Đáng lẽ phải gọi là "phiên" Lân, "phiên" Cụ những người liên hệ với Trần Tự Khánh, "phiên" Ma Lôi, tướng của Nguyễn Nộn (1229)...

Cho nên các tên Phan Kiệt, Phan Liêu có vẻ là gốc Chàm nhưng không thuộc loại con cháu tù binh mà là của các tông tộc chủ vùng địa phương phía nam được triều đình Thăng Long dung dưỡng để cai trị dân trên vùng đất mới sáp nhập theo kiểu "dĩ di trị di". Một bằng chứng chỉ là dấu vết thần tích nhưng cũng cho ta thấy di tộc người Chàm vùng châu Diễn xưa cũng có thể mang họ Phan: Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An được cho là thờ ông Phan Đà (ông "phiên" lớn ung dung, ngạo nghễ?) có công chống quân Minh. (14) Thế mà ta biết thần Bạch Mã có gốc là con ngựa Balaha của truyện Tiền Thân Phật (ở đây được chứng minh trong nội dung tờ sắc Gia Long 1810 lưu giữ trong đền), nghĩa là ông thần Bạch Mã kia đã được dân chúng địa phương nhìn ra là một ông thần Chàm, mới cho mang họ Phan! Theo lối nhìn thân/sơ, trong/ngoài từ Thăng Long, ta thấy những người này đã bám sát với dân Đại Việt hơn là với gốc cũ bởi vì không những chứng tỏ nơi các tên đơn âm cụt ngủn kia mà còn vì thấy sử quan ghi tên các người Chàm khác, phân biệt dài dòng với họ Chế, họ Trà.., với các họ mới được ban phát như Kim Trung Liệt cho Bố Đông, Đinh Đại Trung, Đinh X cho Chế Đa Biệt, Mộ Hoa Từ Ca Diệp (1397). Tuy nhiên tính chất "thổ hào" không-Việt vẫn hiện rõ trong cách xử trí của các chính quyền trên cao. Phan Liêu và cha là Phan Quý Hựu từ Hồ qua Hậu Trần đến Minh (hàng năm 1412) đều giữ chức ở Nghệ An, bao trùm vùng quê gốc Thạch Bàn, Hà Tĩnh (ngày nay) của họ. Anh họ Liêu là Phan Kiệt được Minh cho coi châu Trấn Man vốn là hương Tinh Cương/ phủ Long Hưng, đất gốc của họ Trần, nơi chôn ba ông vua đầu tiên và ông Thượng hoàng Trần Thừa chưa từng làm vua, Minh cho cai trị theo kiểu lấy "man" này trị "man" nọ. Lê Lợi trên vùng cao cũng được Minh cho làm tuần kiểm Nga Lạc dưới vùng biển. Chúng ta sẽ còn thấy điều này xảy ra với các nhân vật khác.

Nhân vật Phan Mãnh xuất hiện dưới thời Chế Bồng Nga tràn ra phía Bắc, lúc "Tân Bình, Thuận Hoá phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành... chỉ có Phan Mãnh và Phạm Căng đem dân chúng quy thuận. Mãnh là người can đảm, mưu lược dò biết được nhiều tình hình của giặc, đánh quân bại trận chạy qua. Thượng hoàng (Nghệ Tông) thưởng cho rất hậu, cho chỉ huy quân Thánh Dực ở Tân Bình và Thuận Hoá", nghĩa là coi quân trung ương ở địa phương phía cực nam này. Hình như đây là nhân vật thiểu số cao cấp nhất trong chính quyền cuối Trần, địa vị cao đủ để có tham vọng mon men vào tranh chấp phe phái đương thời nhưng bị thất bại (1391), danh vọng chỉ kéo dài khoảng một năm ngắn ngủi mà thôi. Điều đáng chú ý là Phan Mãnh xuất hiện đồng thời với Phạm Căng mà ta biết nơi khác được ghi là Phạm Thế Căng khiến cho gốc Chàm mà ta phỏng đoán lại có lây lan đến dòng Thái trong vùng. Hay một dòng dân tộc khuất lấp nào khác, Bru, Chứt... chẳng hạn. Vì ta có chứng cớ ở Lê Quý Đôn. Với thời đại của chúa Nguyễn có tiếp xúc chi tiết hơn nên ông biết người Sách ở phía tây Quảng Bình cũng ghi các tên "phiên" Triển, "phiên" Đà... trên giấy tờ nhà nước với chữ Phan, (15) là căn cứ để thêm một họ Phan thành hình ở Đàng Trong, gần như họ Đinh phía tây Quảng Ngãi, không cần phải là người Mường phía Bắc di cư vào.

Phan Liêu chống Minh làm lụy đến một người gốc Thái vùng Kinh là Lộ Văn Luật, người trốn sang Lào gây mâu thuẫn giữa Lào và Lê Lợi như sử quan nói. Phan Liêu trốn Minh trong vùng Ngọc Ma, phía tây Hà Tĩnh ngày nay có thể là liên lạc với Cam Môn, Cam Cát trên đất Trung Lào, nên tồn tại được trong các năm 1419-21 trước khi nhập vào quân Lam Sơn. Sự liên kết đó giữa các nhóm Chàm Thái nhỏ bé trên khu đất thuộc lãnh quyền của vua Việt, qua thế kỉ XVI, sẽ có thêm một bằng chứng từ Trịnh Kiểm và người bạn sinh tử của ông tên Vũ Thì An. Tên đó thoáng qua thì giống như sử quan Vũ Quỳnh, sủng thần Ngô Thì Nhậm của Quang Trung, nhưng chữ "thì" kia đã biến mất hẳn trong tên một người con của ông: Vũ Đình Tùng (rất "Việt"!) lại xuất hiện ở tên một người khác: Vũ Thì Lương. Chữ Thì đó có phần chắc chắn là rơi rớt của gốc Sri cũ, bởi vì người vợ Vũ Thì An, từ tư thế dòng nữ nguyên gốc, vẫn còn giữ dấu vết tông tộc của mình: Phan Thị Man. (16)

Họ Phạm đã có mặt phía bắc, vùng hạ du với các sứ quân, các thổ hào trong tranh chấp Lí Trần mà có lẽ rơi rớt nổi bật là Phạm Ngũ Lão, không phải anh đan sọt giữa đường như truyền thuyết trong truyện của Phạm Đình Hổ đầu thế kỉ XIX. (17) Nhưng như đã thấy, Phạm Thế Căng của vùng Trại rõ ràng thuộc dạng khác. Ông ta được ghi là "thổ hào", không những xuất hiện đồng thời với Phan Mãnh (1390) mà may mắn (?) còn sống dài hơi hơn trong sự tranh chấp hỗn loạn giữa các thế lực Hồ, Hậu Trần, Minh ở vùng đuôi Đại Việt này.

Ở đây lại thêm ông thổ hào Đặng Tất lưu danh nặng kí trong sử sách một phần có lẽ vì ông con Đặng Dung làm thơ, gần gũi các ông sử quan hơn với các tay võ biền khác. Vớí họ Đặng thì ta chỉ có thể coi là một thổ hào ở đồng bằng nhưng nếu nhìn theo gốc gác quan tước và cách ứng xử tom góp quyền lực khi gặp tình thế thuận lợi của ông thì thấy vẫn không xa dấu vết thiểu số một phần nào đó. Ông là "thổ quan" Đại tri châu Thăng Hoa (Quảng Nam) của Hồ, "châu" là đơn vị ki mi, bên lề đất nước, trong lúc nhân vật phù trợ Hậu Trần, cùng chung kết cục bi đát như ông là Nguyễn Cảnh Chân thì mang chức An phủ sứ, nghĩa là quan của triều đình phái đến. Trong thời gian tranh chấp quyền hành: quân Minh diệt họ Hồ, người Chiêm lấn ra đòi lại đất cũ, Đặng Tất giành đất Thuận Hoá với quan lại triều đình, chịu hàng, giao nạp quan chức trung ương cho Minh, được chức tri phủ châu Hoá. Giản Định Đế nổi lên (4âl. 1407), Tất theo về, tiến lùi chống đánh Trương Phụ trên khu vực Phạm Thế Căng đang chịu chức quan nhà Minh. Cho nên Căng làm tri phủ Nghệ An, phải lùi về Tân Bình trước thế lực của Giản Định, rồi bị ép dưới đồng bằng nên lên núi xưng làm Duệ Vũ Đại Vương, lập triều đình riêng. Tất tăng uy thế vì giết được Căng, liền phô bày quyền hành mà không đề phòng tính chất phức tạp của một trung ương xa lạ với ông, nên bị giết không theo cung cách của chiến trường: vua bóp cổ chết. Cả hai cái chết khác nhau cũng chứng tỏ Đặng Tất "ngờ nghệch" hơn vì Nguyễn Cảnh Chân, ông quan của triều đình, quen thuộc cung cách ở triều môn nên đã bỏ chạy được lên bờ rồi mới bị giết. Và sử quan quen với lối mòn kinh sách, cứ chê Giản Định nghe lời nịnh thần giết người trung lương mà không thấy ra việc ông ta phải đối phó với những quyền bính của tình thế mới muốn lật đổ mình.

Không được chỉ định là "thổ hào" nhưng phủ Lâm Bình đã có quan là Phạm A Song (1372). Có thể liên hệ họ Phạm này với tộc Lê mà khởi phát từ địa phương thành quốc chủ khiến dễ thấy nguồn gốc tộc loại hơn. Vợ Lê Lợi, người sinh ra Thái Tông mang họ Phạm, mẹ Tư Tề (bị truất phế) họ Trịnh. Mẹ Lê Lợi lại họ Trịnh,` tộc Thái, cả một dãy liên hệ hôn nhân cho thấy dấu vết tộc Thái trong vùng. Tranh chấp ruộng đất với Lê Ngân, lây lan đến việc chống đối với Lê Lợi cũng là một người họ Phạm: Phạm Mấn. Đã có 4 người họ Phạm trong nhóm khởi nghĩa Lê Lợi thuộc về một tông tộc cách Lam Sơn chỉ 5 cây số. (18) Tuy nhiên có một dấu vết bia đá và gia phả cho phép suy đoán đúng về gốc gác sắc tộc của một họ Phạm công thần của Lê Lợi, tuy người phát hiện trình bày vụng về khiến gây nên thắc mắc. Bia đá dựng đời Duy Tân (1907-1916) nói về "họ Phạm là một họ lớn... ở miền núi Thanh Hoá, có vị Thượng tướng quân Khằm Ban (tức là Phạm Ban)... tham gia khởi nghĩa Lam Sơn..." Người điều tra không dịch sát thành thử không biết hai tên được ghép cho một người kia có ở ngay chính trong bia không. Có phải chữ khằm kia đã viết thành chữ nôm, ví dụ là "kham" không? Tuy nhiên thấy gia phả giữ lại họ Phạm (người con tên Phạm Ngọc Chúc, với 2 đạo sắc 1576) còn địa điểm dựng bia là ở chòm/bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá, nên ta có thể liên kết Khằm và Phạm làm một. (19)

Lấy tên đơn vị cư trú, hành chính làm họ cũng là điều thường thấy như ở trường hợp họ Trịnh sẽ nói sau. Ở đây, với âm đọc khằm, ta cũng nhận ra hai khu vực lớn trên đất Lào viết là Khammon, Khamcat hay Cam Môn, Cam Cat trên bản đồ. Và hẳn từ đó đã chuyển qua họ Cầm xuất hiện trong thời gian Lê Lợi chống quân Minh, gây xung đột hay liên hệ đến các thủ lãnh Thái trong vùng như Cầm Bành tri phủ châu Trà Lân, Cầm Lạn quản lí Quỳ Châu, hay xa hơn với Cầm Quý, người được gọi là "tri phủ châu Ngọc Ma" như của đất Việt mà có dư 6000 quân giúp Lê Lợi (1425), mong đưa nhân vật Trần Cảo của mình lên làm vua khi thành công... Như thế có vẻ là ta đã giải quyết vấn đề Phạm Thế Căng, có thể của cả Phạm A Song, về nguồn gốc Thái đã lấn sâu xuống vùng dân Việt đồng bằng, mang họ Phạm và tham gia vào những biến loạn đáng lẽ chỉ liên hệ riêng cho các dòng Trần, Hồ với thần tử của họ mà thôi.

 

Những người họ Trịnh, họ Hoàng và cuối đường "xuống đồng"

Trong Sử Việt, đọc vài quyển chúng tôi đã cho thấy họ Trịnh là chuyển từ tên chung chỉ đơn vị tập họp trung tâm của một "mường" người Thái: chiềng. Chúng ta cũng đã nói ở trước về việc lấy tên khu vực để dùng làm họ chung của một nhóm người. Dấu hiệu còn thấy ngày nay, tất nhiên có xê xích, là việc người Khmer vùng tây Nam Bộ lấy chữ đầu của tên làng làm họ: họ Dương từ làng Dương Hoà, họ Thuận từ làng Thuận Yên... (20) khi không còn một ông vua Nguyễn nào ban cho các họ Sơn, Thạch... nữa. Những biến cố được chính sử ghi chép cho ta thấy người ta đã dùng chữ "trịnh" để chỉ một Chiềng. Ví dụ chuyện năm 1337, Minh Tông đánh Ngưu Hống đã tiến quân vào trại Trịnh Kì giết tù trưởng Xa Phần nghĩa là đánh vào một chiềng có âm chuyển sang (Hán Việt là) Kì, tên chung "trại" chỉ là của Trần dành cho một đơn vị dân cư người "man". Sau này năm 1424, cũng thấy Lê Lợi đánh vào một chiềng khác ở châu Trà Lân của Cầm Bành có tên Trịnh Sơn, ngày nay còn tên Kẻ Trịnh, mất hẳn tên chính của trung tâm mường nọ. Vấn đề đặt ra là họ Trịnh là tự nhận hay chính do người ngoài nhìn vào mà gán ghép? Phức tạp là tộc Thái đã giao tiếp với người tộc Hán từ lâu nên ta đã thấy xuất hiện những họ Trịnh trong thời Bắc thuộc, do đó mới có người họ Trịnh ngày nay muốn lấy làm bằng cớ để kéo gốc mình về xa đời hơn dòng Nguyễn Hữu được sửa gia phả kia. Cho nên đã có trường hợp họ Trịnh vững vàng truyền dòng như các người họ Trịnh theo phò Lê Lợi. Tuy nhiên trong chuyện nhà sư áo trắng để mả cho cha Lê Lợi thì họ Trịnh ông ta mang có vẻ chỉ là một cách gọi biểu diễn tính cách tộc Thái của ông ta mà thôi.

Họ Hoàng ở vùng Trại thì càng khuất lấp hơn. Các họ Hoàng giao tiếp với Lí Trần phía vùng Kinh không hẳn phải là thuộc tộc Thái. Nhưng trên vùng Trại thì nổi bật nhất là những người họ Hoàng thông gia với dòng Trịnh Kiểm đến 4 đời, được coi là cánh tay yểm trợ đắc lực cho họ Trịnh lên ngôi Chúa, và tung hoành trong tập họp hoạn quan của Phủ Chúa. Tuy nhiên đó là việc về sau, của thế kỉ XVI. Họ Trịnh nổi lên với sự xuất hiện của Lê Lợi trên chính trường, đã là muộn trên hành trình tiến về đông mà họ Hoàng ở đây còn muộn hơn một bậc nữa.

Tóm lại trong tiến trình đi về đông, xuống đồng bằng trên vùng Trại, nhóm Thái vì xa nơi xuất phát nên hiện diện ít hơn nhóm Chàm cố cựu tại chỗ phát triển lên, hay tự tái định cư khi chính quyền kềm kẹp mình (Lí, Trần) suy sụp phải buông thả. Đầu thế kỉ XIV, người Thái còn ở trên vùng biên gần đồng bằng nơi đã tuỳ thuộc vào chính quyền Việt, như trường hợp họ Trịnh thông gia với ông cố Lê Lợi, người mở đường cho Lê Lợi (hay cha ông) nhận chức phụ đạo của Trần. Trên căn bản đó, các họ Trịnh khác sẽ là nòng cốt cho đội quân Lam Sơn ở thế kỉ sau nhưng những người chuyển hóa nhanh hơn thì đã tham dự vào biến động Trần-Hồ-Minh thuộc như trường hợp Phạm Thế Căng. Hành động đơn độc, họ phải chịu thất bại trong tranh chấp nhưng khi phối hợp được với các lực lượng trung châu, bán sơn địa khác họ sẽ nổi lên trong triều chính độc lập mới, rồi lại sẽ có căn bản để lên làm An Nam Phó Quốc vương (như Minh đã phong cho Trịnh Tráng năm 1651), nắm thực quyền trong tay, giữ nền chính thống Đại Việt mà người sau vẫn không ngờ đến gốc gác khác biệt với nơi họ ngự trị hơn hai thế kỉ.

 

Tạ Chí Đại Trường

Tết, 17 Hai 2007

 

Chú thích:

(1) PGS. TS Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội 2005.

(2) Đào Duy Anh, Chữ nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1975, tr. 14 về bia chùa Báo Ân.

(3) Nxb. Thanh Niên 2003, tr. 253-254.

(4) Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, Nxb. Văn Hoá Thông Tin 2004, tr. 439-447; Lê Trung Hoa, sđd, tr. 80. Về tục Phụ tử liên danh trong tập họp người Khmer ở Nam Bộ, xin xem TS Đinh Văn Liên, "Tìm hiểu họ và tên của người Khmer ở Nam Bộ" trong Nam Bộ, Dân tộc và tôn giáo của Nxb. Khoa học Xã hội 2005, trang 92. Tác giả phân biệt "Ngày trước người Khmer ở Nam Bộ không có họ như người Việt, mà theo nguyên tắc lấy tên đặt (làm) họ, (theo) phụ hệ và liên danh với cha" cho thấy rõ là từ gốc Kamphuchia còn được nhận ra ở Nam Bộ.

(5) Lê Trung Hoa, sđd, tr. 33, dẫn Nguyễn Bạt Tuỵ.

(6) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam xb. 1997, tr. 121.

(7) Lê Sơn, Nguyễn Hữu Quý sưu tầm, chú thích, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh xb. 2003. Gia phả của một người có tổ tiên "cùng làng" với chúa Nguyễn, phò chúa, đến lúc chúa lên ngôi vua, vua mất ngôi qua tay ông Khâm sứ Pháp, con cháu mới xin cho coi là cùng họ tôn thất (1918), tất nhiên bị Tôn Nhơn Phủ gạt ra, lại cứ viết gia phả mới (1941), và kì kèo để được chấp thuận (?). Đến đây, thấy đặt ông tổ Nguyễn Kim vào dòng phù trợ cơ nghiệp trung hưng cho họ Lê vẫn chưa đủ "xưa" nên họ lại lôi qua ông đại công thần Nguyễn Trãi, mà quên ông Nguyễn Phi Khanh, lúc nhớ ra vội chêm vào sách. Hình như kiến thức từ An Nam/ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim khiến họ không biết đến chuyện Toàn thư nhắc việc Lê Thánh Tông phong chức cho Anh Vũ, người con thoát cảnh bị tru di tam tộc (1464). Ta không biết họ lấy đâu ra ông Nguyễn Long, con Nguyễn Trãi, không những thoát nạn nhà mà còn leo lên đến chức Thái sư, hẳn là cũng trong triều Lê! Chưa đủ, lại phải chắp nối thêm đến ông Nguyễn Bặc của đời Đinh! Qua thời Nguyễn mất ngôi, Ngô (Đình Diệm) ở gần đó "lên", thấy có cơ viết lại lịch sử (1956) người ta liền lắp thật nhiều người họ Nguyễn vào, phong chức tước, nối kết cho liên tục, chen ông Nguyễn Nộn có thật để lấp khoảng trống lớn từ Đinh tới Hậu Lê (Nguyễn Trãi). Tiếc cho ông sửa gia phả kia, là chưa ai nói đến quan chức đời Hùng Vương đã có họ Nguyễn.

Chúng tôi nhớ hình như khoảng những năm 80 của thế kỉ XX, có tác giả nữ (Thư Hiên...), con cháu Nguyễn Hữu Cảnh đã viết tiểu sử danh nhân này theo cách kéo dài ông cha lên đến thời Nguyễn Bặc của quyển gia phả này. Chúng tôi không tìm mua được quyển Nguyễn Phúc tộc gia phả của Nxb. Thuận Hoá 1995.

Một trường hợp sửa gia phả xưa hơn (có lẽ vào năm 1728) là ở quyển Ngô tộc gia phả (Lê Huy Trâm, "Lê Thánh Tông và quyển gia phả họ Ngô ở Động Bàng Thanh Hoá" trong Viện Văn Học, Hoàng Đế Lê Thánh Tông: Nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, Nhà thơ lớn, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1998, tr. 53-66.) Gia phả ghi rất thật về vài thế hệ trước Ngô Từ, ông ngoại Thánh Tông: nghèo, có lẽ là nô nhà chùa, chết xác vứt ngoài rừng cho chim rỉa thú ăn, gọi tưng là "thiên táng". Biến động cuối Trần, Minh thuộc khiến họ thoát cảnh nô nhà chùa nhưng lại về làm đầy tớ nhà Lê Lợi, được bà chủ gả con gái cho các dòng đầy tớ khác: Đinh Liệt, Đinh Lễ, rồi thăng tiến theo danh vọng của chủ mà thành ông ngoại, cha của ông vua được coi là vẻ vang nhất trong lịch sử nước Việt. Và do đó ta mới hiểu tại sao cậu bé Tư Thành (Thánh Tông) dễ dàng ở vị thế không được sinh bên trong cung! Thế mà với quyển gia phả 1728 thì các ông Tổ của họ có tên là Ngô Mân, Ngô Quyền, và vì họ Ngô có người lập thế phân tranh Tam Quốc bên Tàu, nên kéo được xa đến đời Sĩ Nhiếp!

(8) Nxb. Khoa học Xã Hội 1987, tr. 46. Đoán định tác giả là Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp 1787.

(9) Bản dịch của Ngô Tất Tố, Cơ sở Tự Do tái bản 1958, tr. 53; Trên đất Nghĩa Bình, Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc sưu tầm, khảo sát, biên soạn, Sở Văn Hoá Thông Tin Nghĩa Bình xb. 1988, tr. 11.

(10) Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 440. Trong vùng Tây Sơn còn có các tên đồng Hươu, đồng Cây Cầy (Thị Dã của Thực lục)...

(11) Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục dịch, Nhà sách Khai Trí xb. 1960, tr. 47.

(12) Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1977, tr. 138.

(13). Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 157.

(14) Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa Học 1964, tr. 227, 228.

(15) Đậu Bá Trà, "Chùa Bạch Mã (Nghệ An); "Về tấm biển gỗ ở đền Bạch Mã (Nghệ An)" trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Nxb. Khoa Học Xã Hội 2004, tr. 476-478, 641-642.

(16) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1998), Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn, tập II, "Trước tác (Phần II: Lịch sử)", Nxb. Giáo dục 1998, tr. 658.

(17) Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, Nxb. Văn Học 2001, tr. 109.

(18) Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, sđd, tr. 136.

(19) Nguyễn Đăng Ngân, "Bia khai quốc công thần thời Lê ở Thanh Hoá" trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002, Nxb, Khoa Học Xã Hội 2003, tr. 621-622.

(20) Lê Trung Hoa, sđd, tr. 35.

 

* Các sự kiện không dẫn chứng riêng đều lấy ở Đại Việt sử lược (bản dịch Trần Quốc Vượng 1960, tái bản 2005), và Toàn thư (bản dịch 1993.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười 20159:32 CH(Xem: 34213)
Theo tạp chí The Diplomat [Sep 04, 2015] Quốc Hội Lào đã chính thức thông qua Dự án Đập Don Sahong, một dự án từ bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi. Dự trù ban đầu con đập được Công ty Xây dựng Mã Lai MegaFirst khởi công vào cuối năm nay 2015. Do tiềm năng thuỷ điện của con Sông Mẹ - Mea Nam Khong, là tên Lào Thái của con sông Mekong, nhà nước Lào bất chấp mọi chỉ trích và với lời kêu gọi của các quốc gia láng giềng Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, là ngưng dự án Don Sahong và Lào vẫn kiên quyết đi tới thực hiện cho bằng được kế hoạch phát triển thuỷ điện của mình.
06 Tháng Tám 20152:28 SA(Xem: 15134)
Lễ Đầu Hàng Của Ông Cháu Mạc Đăng Dung (30/11/1540-29/4/1541) tiếp cận một thời khoảng dày phủ sương mù của những cuộc tâm lý chiến giữa Trung Hoa và Việt Nam, kéo dài từ thời thượng và trung cổ, tới hiện tại, cũng như các phe phái đối nghịch nhau tại mỗi nước.
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 17225)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
31 Tháng Năm 20153:39 SA(Xem: 31796)
Hiện nay Trung Quốc đang xây con đập thứ 8: đập Miêu Vĩ/ Miaowei sẽ hoàn tất phát điện năm 2016, [2]và TQ cũng tiếp tục xây thêm những con đập khác trên dòng chính con sông Lan Thương/ Lancang Jiang tên TQ của con sông Mekong.
22 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 82303)
Đã 40 năm trôi qua, kể từ mùa Xuân-Hè rực lửa 1972. Trận đánh còn to hơn Điện Biên Phủ 1954 này—thí dụ như sử dụng tới hơn 90,000 quân, so với 40,000 trong trận Điện Biên Phủ—chưa được nghiên cứu tường tận. Một trong những lý do chính là tài liệu; chính xác hơn, thiếu tài liệu khả tín, và quá nhiều cung văn hay đào mộ. Trận chiến Quốc-Cộng 1945-1975 là một trận chiến bị ô nhiễm nặng hệ tuyên truyền kiểu Maoist—tức phe tự nhận “Cộng Sản” không thể thua, chỉ có thể toàn thắng, vô địch...Ở lần hiệu đính thứ sáu này, chúng tôi sử dụng tên thật các tác nhân CSVN hơn bí danh cách mạng của họ. Như Linov Nguyễn Sinh Côn thay vì Hồ Chí Minh, Phan Đình Khải thay vì Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Yến Sa thay vì Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Chấn mà không Trần Văn Trà, Phạm Văn Thiện, không Phạm Hùng, v.. v ..
05 Tháng Hai 20152:57 SA(Xem: 37035)
Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) và nhà Tây Sơn (1778-1802) là một thí dụ tiêu biều của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn, như “sử mệnh cách mạng của thợ thuyền đồng ruộng hay nông dân,” từng được Karl Marx thời trẻ gọi là”bị khoai của cách mạng vô sản [bag of potatoes].”
07 Tháng Mười Hai 20144:57 SA(Xem: 38307)
Nhà Lý cai trị được hơn 216 năm, truyền ngôi được 9 đời—gồm tám [8] vua và một nữ hoàng. Chỉ thực sự cai trị 208 năm; từ đời Lý Huệ Tông (16/11/1210 -11-12/1224) đã bị nhà vợ lấn áp rồi cướp đoạt quyền hành, sau khi vua bị phát điên năm 1217. (1)
25 Tháng Chín 201412:01 SA(Xem: 39153)
Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?].
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 44770)
Bài viết của Tiến sĩ Sử học và Tiến sĩ Luật học Vũ Ngự Chiêu "Nhìn Lại Vấn Đề Hoàng Sa" trên cả hai bình diện sử học và công pháp quốc tế. Bài nghiên cứu được viết vào năm 2009 và đã đăng trên Hợp Lưu báo in cũng như trên trang nhà của Hợp Lưu. Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tính thời sự vẫn còn rất mới ... Chúng tôi xin post lại bài viết để gởi đến quí bạn đọc và văn hữu Hợp Lưu. TCHL
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 59083)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]