- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sau Chuỗi Đập Vân Nam Thêm Sáu Dự Án Đập Hạ Lưu Sông Mekong Đang Chết Dần

07 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 26027)
 w-hopluu97-t5_0_300x135_1 (Gửi Nhóm bạn Cửu Long)

Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là Ủy Hội Sông Mekong/ MRC phải chứng tỏ sự lãnh đạo trong những lượng giá bước đầu các chương trình phát triển quan trọng, trong đó bao gồm cả khai thác nguồn thuỷ điện sông Mekong. [Tuyên cáo của các Tổ chức Tài trợ MRC]

TIN CHẤN ĐỘNG 411

Theo tin báo The Nation Bangkok ngày 04 tháng 11, 2007, Bộ Năng Lượng Thái Lan đang cho tiến hành khảo sát tính khả thi của dự án xây con đập thủy điện khổng lồ Ban Koum, có công suất 1,800 Megawatt chắn ngang dòng chính sông Mekong phía đông bắc tỉnh Ubon Ratchathani với hơn 1.6 triệu dân. Đập thủy điện Ban Koum sẽ lớn hơn cả con đập Mạn Loan / Manwan Vân Nam 1,500 Megawatt, với dự trù kinh phí lên tới 90 tỉ Baht tương đương 2.5 tỉ MK. (1)

Theo Prakob Virojkut, viện trưởng đại học Ubon Ratchathani, thì dự án này sẽ bị các quốc gia láng giềng như Lào, Cam Bốt và Việt Nam chống đối. "Tuy nhiên, chúng ta phải chờ kết quả những cuộc khảo sát xem sự lợi hại ra sao. Chẳng phải dễ dàng để thực hiện một công trình xây đập lớn như vậy do những tác hại rộng rãi trên địa phương và cả liên quốc gia". Thêm một lý do kinh tế nữa, Lào sẽ là quốc gia đầu tiên chống dự án này vì ảnh hưởng tới dịch vụ bán điện của Lào sang Thái Lan. Lào vẫn được coi như một "xứ Kuwait thủy điện" của Đông Nam Á. Xuất cảng điện đem lại nguồn ngoại tệ chính cho quốc gia Lào.

Hai công ty tham vấn Panya và Mako được chỉ định thực hiện cuộc khảo sát tính khả thi của dự án với yêu cầu hoàn tất trước tháng 04-2008.

 

RẤT ÍT ĐƯỢC THÔNG TIN

Theo Pinyo Boonyong chủ tịch huyện Phonaklang, tỉnh Udon Ratchatani, thì cư dân địa phương rất ít được thông tin về dự án này. Và cũng chỉ mới đây thôi, các quận hạt ven sông Mekong mới được Phân Bộ Phát Triển Năng Lượng Thay Thế và Hiệu Năng (Department of Alternative Energy Development and Efficiency) báo cho biết về dự án xây đập. Đa số cư dân có thái độ lạnh nhạt nếu không muốn nói là chống đối dự án đập vì họ đã có kinh nghiệm về những con đập Thái Lan như đập Pak Mun 17 năm trước đây. Pak Mun nguyên là một con đập-dòng-chảy / run-of-river trên sông Mun, một phụ lưu sông Mekong nằm trong lãnh thổ Thái, cao 17m, hoàn tất tháng 11/1994 với công suất 136 MW là con đập đầu tiên có thang cá / fish ladder, nhưng giống cá đã chẳng có trí thông minh như người để biết "leo thang" về nguồn. Do đó đập Pak Mun rõ ràng là một tác hại cho nguồn cá và môi sinh. Cũng như hơn 40 con đập Thái Lan khác, cho dù trước đó đã có bảo đảm của nhà nước là sẽ bồi thường thỏa đáng và có chương trình tái định cư cho đám cư dân trong vùng xây đập nhưng thực tế không phải như vậy và là một bài học đắng cay cho cư dân trong các khu vực xây đập.

 

TỪ NHỮNG CON ĐẬP VÂN NAM

w-hopluu97-t7_0_300x216_1Trong mấy thập niên qua, Trung Quốc đã và đang xây những con đập chắn ngang dòng chính sông Mekong trên khúc thượng nguồn, hiện nay là 4 trong chuỗi 14 đập bậc thềm Vân Nam như:

_ Mạn Loan/ Manwan 1500 MW, đã hoàn tất

_ Đại Chiếu Sơn/ Daichaosan 1350 MW, đã hoàn tất

_ Tiểu Loan/ Xiaowan 4200 MW, khởi công 2001, đang xây

_ Cảnh Hồng/ Jinghong 1500 MW, khởi công 2005, đang xây

Tuy chỉ mới 2 con đập Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn hoạt động nhưng đã và đang gây ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa, làm rối loạn dòng chảy và cạn dòng sông và cả gây ô nhiễm cho hạ nguồn.

 

ĐẾN SÁU CON ĐẬP HẠ LƯU

Không phải là mới, dự án sáu đập thủy điện chắn ngang dòng chính sông Mekong vùng Hạ lưu đã có từ trước, do các cơ quan tham vấn Canada và Pháp đề xuất và đã được Ban Thư Ký Sông Mekong ấn hành năm 1994. Qua khảo sát này, họ đã đề nghị một chuỗi đập-dòng-chảy (run-of-river dams) cao từ 30 tới 40 mét, với những hồ chứa tổng chiều dài khoảng 60 km, với khoảng ngót 60 ngàn dân phải di tản. Rồi các dự án ấy được gác lại vì bị coi là quá tốn kém và cả do mối e ngại tác hại rộng rãi trên môi sinh.

w-hopluu97-t9_0_195x300_1Nhưng 12 năm sau, kể từ đầu năm 2006, các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc lại được phép tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi của 6 con đập hạ lưu này, bao gồm: (4)

 

1/ Đập Ban Koum 1800 MW, đông bắc tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan: do Bộ Năng Lượng Thái ký kết với hai công ty Tham vấn Panya và Mako và đang gây sôi nổi trong dư luận.

2/ Đập Pak Beng, tỉnh Oudomxay, Lào: do chánh phủ Lào ký kết với công ty Trung Quốc Datang International Power Generation Co. tháng 8, 2007 để khảo sát tính khả thi của dự án.

3/ Đập Xayabouri, tỉnh Xayabouri, Lào: do chánh phủ Lào ký kết với công ty Thái Lan Karnchang tháng 5, 2007.

4/ Đập Pak Lay, tỉnh Xayaburi: do chánh phủ Lào ký kết với công ty Trung Quốc Sinohydro Co. tháng 6, 2007.

5/ Đập Don Sahong, tỉnh Champasak, Lào: do chánh phủ Lào ký kết với công ty Mã Lai Mega First Co. tháng 3, 2006 và giai đoạn khảo sát được coi như đã hoàn tất. Tưởng cũng nên biết đập Don Sahong nơi thác Khone chỉ cách biên giới phía bắc Lào và Cam Bốt khoảng 1 km.

6/ Đập Sambor, tỉnh Kratie, Cam Bốt: do chánh phủ Cam Bốt ký kết với công ty Trung Quốc China Southern Power Grid Co. tháng 10, 2006 để khảo sát tính khả thi của dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, là xa hơn nữa về quá khứ, trong khoảng thập niên 60 và 70, Ủy Ban Sông Mekong [ Mekong River Committee ] đã có viễn kiến đánh giá được tiềm năng thủy điện vô cùng phong phú của con sông Mekong nên đã một kế hoạch "vĩ mô" về một chuỗi 7 con đập lớn chắn ngang dòng chính vùng Hạ lưu sông Mekong, như con đập Pa Mong 2000 MW, con đập Sambor 1000 MW, đập Pak Beng, đập Pak Lay, đập Tonle Sap… nhưng tất cả phải bỏ dở dang vì cuộc chiến tranh Việt Nam đang lan rộng trên toàn cõi Đông Dương, cộng thêm với mối e ngại về sự tàn hại trên môi sinh và đời sống kinh tế xã hội.

 

TÁC HẠI TRÊN CÁ VÀ MÔI SINH

Những con đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong vùng Hạ lưu sẽ là mối hiểm họa cho các cộng đồng cư dân ven sông. Khi mà những lượng giá chi tiết về ảnh hưởng xã hội và môi trường của từng con đập chưa hoàn tất hoặc nếu hoàn tất thì cũng chỉ là những khảo sát chiếu lệ với kết luận có thể đoán trước như "lợi lộc thì nhiều mà tác hại môi sinh thì không đáng kể", đã vậy cũng không khác với cách hành xử của Trung Quốc đối với chuỗi đập Vân Nam, những dữ kiện của các cuộc nghiên cứu không được công khai hoá nếu không muốn nói là bị dấu nhẹm.

Cuối cùng thì chỉ có những tổ chức và các nhà hoạt động môi sinh lên tiếng báo động, nêu rõ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài của các con đập trên hàng triệu cư dân sống bằng nguồn tài nguyên của dòng sông Mekong.

Tháng 5, 2007 có hơn 30 nhà khoa học đã gửi một giác thư lên các chánh phủ trong lưu vực sông Mekong và cả Ủy Hội Sông Mekong/ MRC với yêu cầu lưu tâm tới những sự kiện hiển nhiên về ảnh hưởng tác hại trên ngư nghiệp của con đập Don Sahong ở tỉnh Champasak, Lào rằng "chọn vị trí cho con đập Don Sahong là quyết định tệ hại nhất vì đó là khúc sông quần tụ đông đảo các đoàn di ngư nuôi dưỡng cả một ngành ngư nghiệp nước ngọt lớn nhất."

Với con đập Sambor tỉnh Kratie, Cam Bốt: thì "đập Sambor cũng sẽ chặn cá di chuyển từ Biển Hồ lên thượng nguồn, tác hại nghiêm trọng tới ngành ngư nghiệp của Cam Bốt, vốn chiếm tới 12% GDP/ tổng sản lượng quốc gia. Theo Uỷ Hội Quốc gia Mekong Cam Bốt thì "cho dù ngành đánh cá chỉ mất đi một phần cũng có nghĩa là mất đi hàng bao nhiêu chục ngàn tấn cá trị giá lên tới hàng nhiều triệu đôla." Tưởng cũng nên biết rằng cá là nguồn protein chính của người dân Cam Bốt.

Nghiên cứu của Ủy Hội Sông Mekong năm 2004 xác định việc xây đập chỉ tập trung cho nhu cầu thủy điện, thủy lợi và ngăn lũ mà bỏ qua coi nhẹ tương lai nguồn cá, ngư nghiệp và cả hủy hoại sinh cảnh của con sông Mekong.

Các thành phần bênh vực việc xây đập cho rằng nếu được điều hợp tốt thì có thể giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ những con đập nhưng trong thực tế như từ bao giờ, đã không có một biện pháp nào có thể giảm thiểu những tác hại tích lũy như vậy.

 

ỦY HỘI SÔNG MEKONG THIẾU TRÁCH NHIỆM

Với những diễn tiến dồn dập như trên, với những nguy cơ tác hại về môi sinh và kinh tế của những con đập hạ lưu gần như là hiển nhiên nhưng đáp ứng của Ủy Hội Sông Mekong chỉ là "sự im lặng một cách đáng ngạc nhiên"

Rồi người ta không thể không tự hỏi chức năng của Ủy Hội Sông Mekong là "bảo vệ sông Mekong" hay tạo thuận cho kỹ nghệ xây đập ngăn sông của giới tài phiệt tư bản?

Thỏa ước 1995 của MRC thay thế 2 thỏa ước trước đó về con sông Mekong: từ Ủy Ban Sông Mekong 1957 tới Tuyên Ngôn 1975 về Nguyên tắc sử dụng nước vùng Hạ lưu. Quy định nhiệm vụ chính của MRC trong Thỏa ước 1995 khi thành lập MRC là bảo vệ dòng sông Mekong.

"Hiệp Định Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Vùng Hạ Lưu Sông Mekong", được ký kết ngày 05 tháng 04 năm 1995, đại diện cho Việt Nam là ngoại trưởng Nguyễn mạnh Cầm, với một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong / Mekong River Commission [1995] thay vì là Ủy ban Sông Mekong / Mekong River Committee [1957] với một thay đổi có thể gọi là cơ bản trong Hiệp định mới này: thay vì mỗi quốc gia thành viên của Uỷ Ban Sông Mekong từ 1957có quyền phủ quyết / veto power, ngăn chận bất cứ một dự án nào gây ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong – thì nay trong nội quy mới không cho một thành viên nào có quyền phủ quyết như vậy và trong ngôn từ để chuẩn y các dự án cũng rất là mơ hồ như chỉ qua thông báo/ notification và tham khảo.

Tác giả bài viết này từ tháng 06/ 1997, đã có nhận định về Ủy Hội Sông Mekong là một "biến thể và xuống cấp" so với Uỷ Ban Sông Mekong trước kia và cũng là sự "thiếu cảnh giác nghiêm trọng của Việt Nam khi đặt bút ký hiệp định thư này vì ai cũng biết Việt Nam ở cuối hạ nguồn sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề về ô nhiễm và mất cân bằng về môi sinh nếu Thái Lan, Lào, Cam Bốt cứ đơn phương thực hiện các kế hoạch xây đập của họ".

Chiếu theo Điều 7 trên văn bản của Thỏa ước Mekong 95 thì "Ủy Hội Sông Mekong/ MRC sẽ bằng mọi nỗ lực giảm thiểu hậu quả tác hại trên môi trường, đặc biệt là bảo đảm lưu lượng dòng chảy, phẩm chất nước và sự cân bằng hệ sinh thái trong tiến trình khai thác nước và nguồn tài nguyên trong lưu vực sông Mekong".

Nhưng cho tới nay, Ủy Hội Sông Mekong/ MRC đã chẳng làm được gì và tổ chức này vẫn hoàn toàn im lặng trước sự tái phục hoạt của các dự án đập thủy điện Hạ lưu, đe dọa tới toàn hệ sinh thái và sự an sinh của của bao nhiêu triệu cư dân liên quốc gia sống ven sông. MRC đã không có thông báo gì cho cư dân ven sông về mối hiểm nguy của những con đập, cả việc tránh phổ biến những tin tức bất lợi với hậu quả tiêu cực của các dự án đập.

Chỉ riêng năm 2006, MRC đã được tài trợ trên 23 triệu MK từ các tổ chức NGO/ phi chánh phủ và cả từ các quốc gia Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Bỉ… Tất cả không ngoài mục đích giúp MRC hoàn thành nhiệm vụ điều hợp và thăng tiến các bước phát triển bền vững/ sustainable development trong lưu vực sông Mekong. Nhưng với sự bất lực của MRC như hiện nay, khiến người ta tự hỏi về tương lai và vai trò tổ chức này có còn hũu ích gì không trong tiến trình bảo vệ dòng Sông Mekong ?

Cũng theo báo The Nation, 14/11/2007, trong cuộc họp báo tại Bangkok, các nhà hoạt động môi sinh đã lên án MRC thất bại trong việc bảo vệ sông Mekong và kêu gọi trách nhiệm và sự trong sáng trong tổ chức liên chánh phủ này. "Ủy Hội cần chứng tỏ là một tổ chức hữu ích cho quần chúng, chứ không phải là cho các nhà đầu tư," Surichai Wankaew, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội đại học quốc gia Chulalongkorn nói tiếp "Ông mong muốn nhiệm vụ Ủy Hội phải thay đổi, thay vì tạo thuận/ facilitation cho việc xây đập, thì nay phải là diễn đàn / platform cho cư dân chịu ảnh hưởng và hậu quả, được nói lên mối quan tâm của họ".

Cũng trước đó một ngày, đã có hơn 200 tổ chức môi sinh từ 30 quốc gia yêu cầu Ủy Hội Sông Mekong và các nhà tài trợ phải làm áp lực ngưng ngay các dự án xây đập.

Tuy nhiên, Suchart Sirichan Sakul, thuộc Ủy Hội Quốc gia Mekong Thái Lan thì lập luận rằng MRC không có thẩm quyền để cấm hay cho phép xây các con đập. Ông tiếp: "Tôi sợ rằng các tổ chức NGO/ phi chánh phủ đã không hiểu được rằng chúng tôi chỉ là một tổ chức tham vấn nên không có thẩm quyền nói có hay không với bất cứ một dự án xây đập nào. Các nhà hoạt động môi sinh nên nhắm ngay vào chánh phủ của chính quốc gia có dự án xây đập".

 

KHÁNG THƯ GỬI MRC VÀ CÁC CƠ QUAN TÀI TRỢ

Một kháng thư với hơn 200 chữ ký đã được gửi tới MRC và các Cơ quan Tài trợ, do điều hợp từ 3 cơ quan: 2 Thái Lan [TERRA, NGO-Coordinating Committee on Development, Thailand] và 1 Cam Bốt [NGO Forum on Cambodia, Rivers Coalition in Cambodia] với nội dung chính như sau: (5)

"Chúng tôi, những nhóm công dân viết lá thư này để bày tỏ mối quan tâm về sự tái phục hoạt các chương trình xây đập trong vùng Hạ lưu sông Mekong, cùng với sự bất lực của MRC trong việc thực hiện Thỏa ước Mekong 1995 trong tình hình nghiêm trọng hiện nay.

Sau đây là bảng lượng giá và những thỉnh cầu của chúng tôi: được biết các chánh phủ Thái, Lào và Cam Bốt đã cho phép các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc thực hiện các cuộc khảo sát về tính khả thi 6 con đập thủy điện lớn vùng Hạ lưu sông Mekong (4 ở Lào, 1 ở Cam Bốt, 1 ở biên giới Lào Thái). Đây cũng chính là 6 địa điểm đã được các cơ quan tham vấn của Canada và Pháp đề xuất từ 1994, nhưng kế hoạch lúc đó đã không được tiến hành vì bị cho là quá tốn kém và gây hủy hoại môi sinh nghiêm trọng…

Trong cuộc hội thảo kỹ thuật lần thứ 6 của MRC năm 2003 về cá trên sông Mekong, các chuyên gia đã đưa tới kết luận rằng "bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mekong, cũng tàn hại trên nguồn cá như vị trí con đập Sambor có thể coi là tệ hại nhất. Nếu xây một con đập như vậy sẽ chặn đường cá di chuyển từ Biển Hồ vào những vũng sâu của con sông Mekong như nơi trú ẩn an toàn của cá trong mùa khô. Rồi con đập Don Sahong nơi thác Khone Nam Lào, cũng là một thủy lộ sinh tử cho các đoàn di ngư…"

Ý thức rằng việc xây đập trên khúc hạ lưu sông Mekong có những ảnh hưởng tác hại nghiêm trọng về môi sinh và kinh tế, lẽ ra với những dữ kiện khoa học có được về hệ sinh thái sông Mekong, Ủy Hội Sông Mekong/ MRC có thể lên tiếng khuyến cáo ngăn chặn các dự án xây đập nhưng họ thì vẫn cứ im lặng một cách đáng ngạc nhiên. Bao giờ cũng vậy, các cuộc khảo sát của các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc bao giờ cũng nói tới những lợi lộc của con đập nhưng lại rất ít quan tâm tới ảnh hưởng lâu dài trên sinh cảnh môi trường và trước mắt là hàng bao nhiêu chục ngàn cư dân ven sông di dời tới một nơi với một tương lai bất định.

Phải nhớ rằng Mekong là một con sông quốc tế / international river, với nguồn tài nguyên mà tất cả các quốc gia ven sông đều có quyền cùng chia xẻ chứ không chỉ để phục vụ cho các nhóm tài phiệt hay một quốc gia riêng lẻ nào.

Cũng theo Điều khoản 24 của Thỏa ước Mekong 1995 thì MRC có thẩm quyền về "những cuộc khảo sát lượng giá nhằm bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng hệ sinh thái của lưu vực sông Mekong", và theo Điều 6 "có nhấn mạnh tới những phương thức / procedures tham khảo giữa các quốc gia thành viên nhằm lượng giá những dự án xử dụng sông Mekong gây ảnh hưởng trên lưu lượng dòng chính và cả Biển Hồ".

Nếu MRC đã không hành xử đúng mức với Thỏa ước 1995, là bảo vệ sự vẹn toàn sinh thái sông Mekong, như vậy MRC chỉ còn là "một tổ chức hữu danh vô thực" không xứng đáng với số tiền tài trợ hàng 20 triệu MK mỗi năm cùng với sự yểm trợ kỹ thuật của các cơ quan bảo trợ quốc tế. (5)

 

MRC TRẢ LỜI TERRA 15-11-2007, Siem Reap:

Ủy Hội Sông mekong/MRC muốn trả lời TERRA về một thông cáo báo chí phổ biến ngày thứ Ba 13-11-2007 trong đó có nhắc tới Ủy Hội Sông Mekong như "đã chối bỏ trách nhiệm/ abdication of responsibility" khi không lên tiếng về sáu dự án đập trên dòng chính sông Mekong.

Đỗ Mạnh Hùng, một cái tên rất Việt Nam, phát ngôn của MRC hiện là OIC/ tùy viên đặc trách Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong có trụ sở ở Vạn Tượng đã lên tiếng bênh vực MRC khi tổ chức này bị TERRA chỉ trích là thụ động đối với chương trình tái phục hoạt dự án các con đập vùng Hạ lưu sông Mekong. Ai cũng biết TERRA [Towards Ecological Recovery and Regional Alliance] vốn một tổ chức rất có uy tín với phương châm đúng như tên gọi là Hướng Tới Hồi Phục Môi Trường và Liên Kết Vùng (gồm 5 nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, và Việt Nam) với đặc san Watershed như một diễn đàn môi sinh bền bỉ của cư dân trong lưu vực.

Và luận cứ của phát ngôn viên Đỗ Mạnh Hùng không khác với Suchart Sirichan Sakul, cũng là một thành viên của Ủy Hội Quốc gia Mekong Thái Lan tại Bangkok, cho rằng MRC chỉ là một tổ chức tham vấn liên chánh phủ chứ không phải "siêu chánh phủ" nên không có thẩm quyền nói có hay không với bất cứ một dự án xây đập nào.

Rồi phát biểu như một công chức của MRC, ông Hùng tiếp: "MRC hiểu rất rõ về tầm quan trọng phát triển của khúc sông Mekong hạ nguồn, do đó trong cuộc họp 15-11-2007 tại Siem Reap, Liên Ủy Ban sẽ duyệt xét vai trò của Ủy Hội Sông Mekong và Ban Thư Ký đối với các dự án đập trên dòng chính. Nếu như có quốc gia thành viên yêu cầu Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong / MRC Secretariat [MRCS] tham gia vào các cuộc lượng giá môi sinh hoặc cung cấp các dữ kiện kỹ thuật để họ có thể quyết định / decision making, thì MRC sẽ đáp ứng theo yêu cầu ấy. (9)

Phải chờ được yêu cầu thì MRC mới có hành động quả là điều phi lý. Và cũng phi lý giống như đặt một cái cày trước con trâu, liệu có chánh phủ một nước nào muốn xây đập lại "tự nguyện" đến xin ý kiến của MRC với biết trước câu trả lời sẽ là "không thuận lợi" nếu MRC còn giữ được sự trong sáng tính khách quan và vô tư.

 

KHUYẾN CÁO CỦA NHÓM TÀI TRỢ

Trong cuộc họp tại Siem Reap vào ngày 15/11/2007 với tham dự của MRC và các nhà tài trợ, có cả Bộ trưởng môi trường Thái Lan Yongyuth Yuthavong.

Nhóm Tài Trợ cho mọi kế hoạch khai thác sông Mekong đặc biệt là khai thác nguồn thủy điện, bao gồm: Ngân hàng Thế giới /WB, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu/ ADB, và các quốc gia như Úc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ và Mỹ.

Nhóm Tài Trợ đã ra một khuyến cáo với ngôn từ mạnh mẽ về (1) sự cần thiết phải kiện toàn cơ cấu MRC, (2) và cũng đặc biệt quan tâm tới sự thiếu đáp ứng và thiếu khả năng lãnh đạo của MRC đối với những chương trình phát triển trong đó có lãnh vực khai thác khai thác thủy điện.

Nhóm Tài Trợ cũng thấy được sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng trong vùng bằng khai thác thủy điện một cách bền vững / sustainable hydropower development…

"Chúng tôi – Nhóm Tài Trợ kêu gọi MRC chu toàn nhiệm vụ như một cơ quan liên chánh phủ, một trung tâm kiến thức và điều hợp phát triển bền vững trong lưu vực; đồng thời vận dụng khả năng và phương tiện nhằm lượng giá các chương trình khai thác thủy điện với một tầm nhìn liên quốc gia qua những ảnh hưởng về môi sinh, kinh tế và xã hội đúng theo tinh thần của Hiệp Ước 1995.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới khía cạnh thiếu sót là đã không tham khảo quần chúng và các tư nhân đầu tư; cũng như sự thiếu quan tâm tới ảnh hưởng tích lũy của những con đập trên ngư nghiệp và sự an toàn về lương thực trong vùng. Chúng tôi yêu cầu MRC cung cấp thông tin về những phương cách thông báo/ notification, trước giai đoạn tham khảo để đi tới thỏa ước". (10)

Tóm lại, Nhóm Tài Trợ hay còn gọi là Nhóm Tham Vấn Phát Triển đã khẳng định sự quyết tâm hướng tới điều hòa những đóng góp ngân sách cho MRC với tầm nhìn xa với yêu cầu tiên quyết / prerequisite là phải "cải tổ và kiện toàn" tổ chức MRC bao gồm một hệ thống theo dõi và lượng giá.

Rõ ràng là sự phê phán MRC/ Ủy Hội Sông Mekong từ phía TERRA và các tổ chức bảo về môi sinh chủ yếu là từ Thái Lan và Cam Bốt, không những có cơ sở khoa học mà còn có tính thuyết phục khiến các "Cơ Quan Tài Trợ Xây Đập" đầy thế lực như ADB/ Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, WB/ Ngân Hàng Thế giới phải chùn bước và cả lắng nghe. Có nghĩa là Dự Án 6 Con Đập Hạ Lưu – trong đó có con đập khổng lồ Ban Koum 1800 MW đông bắc tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan, chắc chắn sẽ chậm lại và phải tiến hành một cách thận trọng. Ủy Hội Sông Mekong/ MRC sẽ phải bước ra khỏi giấc "đông miên", can đảm nhận lãnh trách nhiệm, chủ động hành động và chu toàn chức năng theo tinh thần của Thỏa Ước 1995 nếu tổ chức này còn muốn có lý do để tồn tại.

 

Ý THỨC VÀ TIẾNG NÓI BẢO VỆ MÔI SINH TỪ VIỆT NAM

Trong suốt tháng 11, sau bản tin gây chấn động của báo The Nation Bangkok, đã gây nên một làn sóng dư luận rất sôi nổi từ các tổ chức và các nhóm công dân ý thức bảo vệ môi sinh từ các nước Thái Lan, Cam Bốt. Không phải chỉ có những giáo sư từ các đại học như Chulalongkorn, Thammasat, Ubon Ratchathani …mà cả những tổ chức bảo vệ môi sinh đều đồng loạt lên án sự "bị động, thiếu trách nhiệm của Ủy Hội Sông Mekong/ MRC đối với dự án những con đập Hạ lưu chắc chắn sẽ gây nên những phá hoại sinh cảnh không phải chỉ tại nơi xây đập mà còn là một hệ lụy "liên quốc gia".

Trong khi Việt Nam là quốc gia cuối nguồn sẽ nhận lãnh mọi "hậu quả tích lũy" như Cửu Long thêm cạn dòng, nạn ngập mặn càng tiến sâu hơn vào vùng châu thổ, đe dọa vựa lúa ĐBSCL như nguồn thực phẩm của cả nước; chưa kể những ô nhiễm do kỹ nghệ phát triển với bao nhiêu chất phế thải đổ xuống dòng sông, hủy diệt hết nguồn cá …Trước tình huống ấy, phản ứng từ phía Việt Nam vẫn là một "sự im lặng đáng sợ" và đáng kinh ngạc.

w-hopluu97-t17_0_300x146_1Với Ủy Ban Quốc Gia Mekong Việt Nam từ một địa chỉ nghịch lý 23 phố Hàng Tre Hà Nội, nơi châu thổ Sông Hồng, thì "mẫu hành xử" cũng không khác với Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong ở Vạn Tượng.

Với các chuyên viên môi sinh và giới khoa bảng từ các Đại học quốc gia như Hà Nội, Sài Gòn và nhất là từ hai Đại học Cần Thơ và An Giang nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long, thay vì có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn dư luận, thì như từ bao giờ vẫn tỏ ra rất muộn màng hơn các đồng nghiệp láng giềng Thái Lan và Cam Bốt, và giới quan sát vẫn chưa thấy có những nhận định và kịp thời lên tiếng từ phía Việt Nam.

Với giới truyền thông báo chí Việt Nam với rất nhiều báo nhưng lại chưa làm đủ chức năng thông tin của họ. Người dân Việt Nam nói chung và cư dân sống nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long hay chính ngay giới trẻ sinh viên, họ biết rất ít hoặc cả không biết gì về những tai ương đang đè nặng trên đầu họ không chỉ từ chuỗi đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam từ bấy lâu và nay lại thêm dự án chuỗi 6 con đập Hạ lưu khiến Con Sông Mekong Đang Chết Dần.

 

NGÔ THẾ VINH

11 – 2007

Tham Khảo:

1/ Plan for Massive Dam On Mekong, Project likely to draw protests from neighbours. The Nation Bangkok Thailand, November 04, 2007

2/ Construction of a Major Hydroelectric Dam on the Mekong River in Thailand Could Have Grave Implication . Fergal Quinn and Lor Chandara, The Cambodia Daily November 7, 2007

3/ International Alarm Raised on Dams Across Mekong Mainstream

MRC Must Wake Up to Its Responsibilities

Press Release, TERRA, November 12, 2007

4/ MRC Silent as Maimstream Dams move forward

TERRA Press Briefing, November 12, 2007

www.terraper.org

5/ Letter to CEO of Mekong River Commission Secretariat,

Vientiane, Lao PDR. Re: MRC and Hydropower Dams on Lower mekong Mainstream, Nov 12, 2007_ fer@terraper.org, ngocod@thai.com, samath@ngoforum.org.kh

6/ World Must Held Protect Vital Mekong River

AFP Bangkok, November 13, 2007

7/ Mekong Commission Blasted over River Dams

The Nation Bangkok Thailand, November 14, 2007

www.terraper.org/media_view

8/ Groups say Dams May Damage Mekong River

AP Micheal Casey Environmental Writer November 14, 2004

9/ Press Statement- update 15 November 2007

Comments by Mr Do Manh Hung, Officer-in-Charge, MRC Secretariat, regarding the press briefing on 13 November held in Bangkok, Thailand by TERRA, www.mrc.org

10/ Development Partners Group Statement.

12th Meeting of the Development Partners Consultative Group, Nov 15,2007 Siem Reap, Cambodia

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40492)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
30 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 41210)
H ành động chị em hoặc vợ chồng Trưng Vương dấy binh chống Hán cùng “chiến công” tái chiếm cổ Việt đẫm máu của Mã Viện năm 42-44, vẫn được lưu truyền với nhiều xúc động. Những bài học sử đồng ấu và tiểu học tại hai nước láng giềng hoàn toàn đối nghịch. Sử quan Trung Hoa, bất kể màu sắc ý thức hệ, khoác lên Trụ đồng Mã Viện—với lời thề “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” [trụ đồng gẫy, Giao Chỉ bị diệt]—lớp son phấn giáo hóa [jaohua] và “thiên mệnh [tianmeng], thôn tính thiên hạ.
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 46219)
Với đại đa số người Việt đương thời, chẳng có gì quí hơn một cuộc sống no đủ, yên lành. Luật sinh tồn là khuôn thước có hàng ngàn năm lịch sử. Giấc mộng độc lập, tự chủ người Việt nào chẳng thầm mơ ước. Nhưng những người có viễn kiến không thể không nhìn về giai đoạn hậu-thuộc-địa. Một nước “độc lập” trên giấy tờ, truyền đơn, khẩu hiệu—nhưng thực chất độc tài, chuyên chế, nghèo khổ, lạc hậu, người cầm quyền trở thành những kẻ cướp ngày, công khai có vũ khí và được “luật pháp” bảo vệ—chưa hẳn đã đáng mong ước, trông đợi hơn một chế độ lệ thuộc ngoại nhân. Đó là chưa nói đến hiểm họa đời kiếp từ phương Bắc.
16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 46211)
B ài viết này cố gắng xuyên suốt qua những màn hỏa mù tuyên truyền, tái dựng lại “bài học Đặng Tiểu Bình” dưới ánh sáng lịch sử và luật học. Nguồn tư liệu cơ bản của chúng tôi là tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Nga, Trung Hoa và Việt Nam thu thập hơn 30 năm qua—kể cả tư liệu kho Châu Bản nhà Nguyễn, chuyến thăm viếng vài trận địa cũ trong năm 2004-2005 nhân dịp du khảo Việt Nam với một học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ và tài trợ khác, cùng những thông tin truyền khẩu của một số người đã tham dự cuộc chiến, gồm dù không giới hạn trong số các bộ đội QĐND từng tham chiến.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 62967)
Đ ây là một trong những đảng cách mạng đầu tiên trong nội địa Việt Nam, qui tụ sự nối kết giữa giới học thức, điền chủ trung lưu và quân nhân do Pháp đào tạo, với mục đích giải phóng đất nước bằng võ lực. Chào đời vào dịp Giáng Sinh 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] hoạt động được hơn hai năm thì bị Pháp khám phá và hủy diệt sau nỗ lực bi hùng vào đầu năm Canh Ngọ (1930), lưu lại một gương sáng lịch sử “không thành công thì thành nhân.” (1)
07 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 60005)
Thực ra, Lansdale dường không muốn viết rõ, hoặc không biết nhiều về Tổng thống Diệm cũng như họ Ngô. Hầu hết chi tiết về hộ tịch Diệm hay thành tích chống Pháp của Diệm và gia đình Ngô Đình Khả, đều thiếu chính xác. Các học giả thế giới cũng chẳng bận tâm đến việc tu chỉnh lại tiểu sử người cầm đầu phe thua cuộc. Bernard B. Fall, một học giả gốc Pháp viết khá nhiều về Việt Nam và chết tại Việt Nam, chẳng hạn, dựa theo bản tiểu sử Diệm do Mật Thám Pháp đúc kết năm 1954...
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 45485)
Hành động “ve vãn” [ flirtation ] Cộng Sản của anh em Diệm-Nhu–và như thế phản bội lại đa số dân chúng miền Nam–chỉ được đồn đãi từ năm 1962 ở Sài Gòn, và được bạch hóa sau ngày các Tướng làm đảo chính giết chết họ Ngô năm 1963. Yếu tố “phiến Cọng” này mới thực sự mang lại sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963), mà không phải cuộc tranh đấu của Phật Giáo, hay cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia,” “quốc thể,” “nền độc lập” như nhiều người tưởng nghĩ.
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 54311)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này...
15 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 56129)
Chỉ có những “sử gia nhân dân,” mới ca ngợi Giáp là anh hùng dân tộc, ngang hàng những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung. Họ không phân biệt nổi rằng trên thực chất ba vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ dạy cho vua quan Tống, Nguyên và Thanh những bài học quân sự chua cay, trong khi Võ Giáp chỉ có công đứng ra nhận chiến công đả bại Pháp của Trần Canh và Vi Quốc Thanh.
10 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 49454)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu