- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Nam Trân: Vượt Qua Thời Hậu Chiến Kinh Nghiệm Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ (1945 - 1965) - Phần 1

25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 26108)
nguyennamtran

Nguyễn Nam Trân

Dẫn Nhập:
Truyện cổ dân gian Thụy Sĩ có nói đến một chàng kỵ sĩ ruỗi ngựa suốt đêm trên hồ Konstanz và chỉ đến mờ sáng hôm sau mới biết mình vừa đi qua một mặt hồ đóng băng. Nỗi sợ hãi lúc đó thật cùng cực.

Nhật Bản từng nếm cảm giác đó sau khi đi hết một thời hậu chiến kinh hoàng. Họ đã đứng dậy được từ đóng tro tàn gạch vụn của hai quả bom nguyên tử và những cuộc oanh kích Đồng Minh. Trong nghèo đói, tranh chấp tả hữu hỗn lọan với niềm tin đánh mất và mọi giá trị băng hoại, không biết người Nhật đã làm thế nào vượt thoát để sống còn và sống mạnh. Các nhà văn Nhật thế hệ 1945-65, nhân chứng của quãng thời gian ấy, đã để lại cho chúng ta qua tác phẩm của họ những tư liệu có giá trị tham khảo dù tình huống Việt Nam 1975 và Nhật Bản 1945 có rất nhiều điểm khác nhau về cơ bản.

Sau khi bại trận, mặc dầu vết thương của chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong lòng người nhưng văn học Nhật Bản đã hồi phục ngay như vừa đón nhận một luồng sinh khí mới. Trước tiên, trừ một số có liên hệ sâu đậm với chế độ cũ như Kikuchi Kan (Cúc Trì, Khoan, 1888-1948) bị lực lượng chiếm đóng cấm viết, những nhà lão thành nổi tiếng từ trước chiến tranh như Shiga Naoya (Chí Hạ, Trực Tai, 62 tuổi năm 1945) và Tanizaki Jun-ichirô (Cốc Kỳ, Nhuận Nhất Lang, 59 tuổi) đã hoạt động trở lại. Cùng lúc ấy, những nhà văn phái tả của phong trào văn học vô sản ngày trước như Miyamoto Yuriko (Cung Bản, Bách Hợp Tử) cũng về với con đường “đấu tranh đòi dân chủ” 1 . Tạp chí Kindai Bungaku (Cận Đại Văn Học) qui tụ được những nhà bình luận lại nhúng tay vào công việc lý luận văn học, nhóm các ông Noma Hiroshi (Dã Gian, Hoằng) Ôka Shôhei (Đại Cương, Thăng Bình), những cây viết trẻ hậu chiến cũng lục tục đăng đàn. Ảnh hưởng bọn các ông Dazai Osamu (Thái Tể, Trị) với trường phái “Tiểu Thuyết Đại Chúng Mới” (Shin-gesaku) 2 lan rộng khắp nơi, rồi thơ hậu chiến với nhóm “Đất Hoang” (Arechi) bắt đầu ra mắtà Tất cả những tư trào văn học ấy, được sự hỗ trợ của các ngành báo chí và ấn loát, đã phát triển rộng lớn ra, tuy đẻ thêm nhiều vấn đề mới nhưng đã không ngừng đào tạo biết bao cây viết trẻ cho đến ngày nay.

Buổi đầu nghĩa là giai đoạn 1945 trở đi, người ta thấy có hai khuynh hướng chính, hầu như đối lập: kế tiếp và đoạn tuyệt. Kế tiếp để gìn giữ một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ, đoạn tuyệt để xóa sạch tàn tích của thời quân phiệt và xây dựng một nền văn học thích nghi cho xã hội mới. Hiện tượng đáng lưu ý là khuynh hướng đòi hỏi những quyền cơ sở của người công dân tiếp nối với khuynh hướng đoạn tuyệt, đã ra đời trước khi xã hội thương nghiệp hóa, kinh tế quản lý tạo ra những ràng buộc vô hình mới. Có thể xem như năm 1970 là cái mốc đánh dấu chấm dứt thời hậu chiến của văn học Nhật Bản để tiễn đưa nó vào thời hiện kim.

TIẾT I: VAI TRÒ CỦA LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH

Văn học hậu chiến Nhật Bản được xây đắp bởi các nhà văn và nhà phê bình chịu ảnh hưởng Âu Châu, nhất là trong thời gian 10 năm đầu. Tuy nhiên cũng không nên quên sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và các nhà văn sở trường về văn học Trung Hoa. Dù họ không đông đảo nhưng có giá trị cao.

Nhà bình luận Takeuchi Yoshimi (Trúc Nội, Hảo, 1910-77), sinh ở Nagano gần Tôkyô, hoạt động nghiên cứu và dịch thuật. Ông đã cùng Takeda Taijun và văn hữu lập nên Chuugoku Kenkyuukai (Trung Quốc Nghiên Cứu Hội) từ năm 1934, với mục đích tìm hiểu nước Trung Hoa hiện đại, khác với khuynh hướng “thuộc địa” (xem Trung Quốc như thuộc địa) của các nhà nghiên cứu đi trước. Họ lập ra tờ Chuugoku Bungaku (Văn Học Trung Quốc) và từ chối tham dự Hội Nghị Đại Đông Á. Năm 1943, họ phải đình bản tạp chí và ngưng hoạt động.

Takeuchi được gửi qua chiến trường Trung Quốc với tư cách một người lính thường. Trước khi đi, ông có viết một quyển sách nghiên cứu về Lỗ Tấn, in năm 1944. Ông đã nhận ra rằng Trung Quốc của Lỗ Tấn đã đổi mới theo một con đường khác với Nhật Bản vì Trung Quốc, khác với Nhật, có khuynh hướng đề kháng văn hóa Tây Phương. Sau chiến tranh, ông còn viết Kokumin Bungakuron (Quốc dân văn học luận), đề nghị một nền “văn học quốc dân” (1951). Ngày nay, nhiều nhà bình luận cho rằng, ở thời điểm đó, lập luận của Takeuchi rất đáng được mổ xẻ và khai thác.

Trong lãnh vực phê bình văn học thời hậu chiến, hai tờ “Tân Nhật Bản Văn Học” (Shin Nihon Bungaku) 3 và “Cận Đại Văn Học” (Kindai Bungaku) 4 đã đóng vai trò chủ chốt. Hai tạp chí đề ra và thảo luận chung quanh những vấn đề của văn học như việc trình bày qua văn học bộ mặt quốc tế và đa dạng của xã hội hiện đại.

Những tác phẩm về bình luận quan trọng của giai đoạn nầy cần được nhắc tới là “Tuổi trẻ thứ hai” (Daini no Seishun,1946) của Ara Masahito (Hoang, Chính Nhân,1923-1979)5, “Nghệ thuật thứ hai” (Daini Geijutsu, 1946) của Kuwabara Takeo (Tang Nguyên, Vũ Phu, 1904-1988), “ Tìm hiểu về văn học năm 1946” (1946 bungakuteki kôsatsu,1947) của các ông Katô Shuuichi6 (Gia Đằng, Chu Nhất, 1919- ), Nakamura Shin-ichi và Fukunaga Takehiko (Phước Nguyên, Vũ Ngạn, 1918-79), “Nô Lệ Bỏ Trốn và Kẻ Sĩ Mang Mặt Nạ” (Tôbô Dorei to Gamen Shinshi, 1948) của Itô Sei (Y Đằng, Chỉnh), “Thử viết sử hiện đại” (Gendaishi e no Kokoromi, 1949) của Karaki Junzô, “Nghệ thuật và thực tế cuộc sống “(Geijutsu to Jisseikatsu,1949) của Hirano Ken, “Bàn về tiểu thuyết phong tục” Fuuzoku Shôsetsu Riron ( 1950) của Nakamura Mitsuo (Trung Thôn, Quang Phu, sinh năm 1911), “Nghệ thuật là gì?” (Geijutsu to wa nani ka, 1950) của Fukuda Tsuneari (Phước Điền, Hằng Tồn, 1912-94), “Thời hậu chiến đã qua rồi!”( Mohaya sengo dewanai, 1956) của Nakano Yoshio (Trung Dã, Hảo Phu, 1903-85), “Những người Nhật đứng bên lề” (Nihon no Autosaidaa, 1958) của Kawakami Tetsutarô (Thượng Xuyên, Triệt Thái Lang, 1902-80), “Những vấn đề của việc nghiên cứu văn học” (Bungaku kenkyuu no shomondai, 1958) của Takahashi Yoshitaka (Cao Kiều, Nghĩa Hiếu, 1913-1995) vvà

Năm 1960, phong trào chống đối việc phê chuẩn hiệp ước phòng vệ hỗ tương của hai chính phủ Nhật Mỹ nổi lên ở Nhật. Trong giới trẻ và sinh viên học sinh, sự chống đối lên cao đến nỗi đưa đến việc quốc hội bắt buộc tu chính nội dung điều ước và nội các Kishi Shinsuke phải từ chức. Vì tiếng Nhật gọi là Nichibei Anzen Hoshô Jôyaku (Nhật Mỹ An Toàn Bảo Chương Điều Ước) tên tắt của hiệp ước là Anpo (An Bảo). Từ sự kiện lịch sử nầy, câu hỏi được đặt ra là cần phải hiểu ý nghĩa của thời hậu chiến như thế nào (từ chỗ đối đầu trong chiến tranh, bị chiếm đóng rồi trở thành đồng minh của Mỹ).

Câu hỏi đó cũng là chủ đề thường thấy trong phê bình văn học. Hashikawa Bunzô (Kiều Xuyên, Văn Tam, 1922-83) viết “Bước đầu phê phán chủ nghĩa lãng mạn Nhật Bản” (Nihon Romanha Hihan Josetsu,1960), Okuno Takeo (Áo Dã, Kiện Nam, 1926-97) viết “Văn chương thuần túy có thể có hay không?” (Junbungaku wa kanô ka, 1963), Akiyama Shun (Thu Sơn, Tuấn, 1930- ), nhà bình luận tiêu biểu của thế hệ “nội hướng”, viết “Con người bên trong” (Naibu no Ningen, 1967), Yoshimoto Takaaki (Cát Bản, Long Minh, sinh năm 1924) viết “Bàn về ảo giác tập thể” (Kyôdôgensôron), Etô Jun (Giang Đằng, Thuần, 1933-1999) viết “Natsume Sôseki và thời đại của ông” (Sôseki to sonojidai, 1970) bàn về nỗi cô đơn đứng giữa buổi giao thời của nhà văn Natsume Sôseki, Yamazaki Masakazu (Sơn Kỳ Chính Hòa, sinh năm 1934) viết “Thời Khó Sống” (Fukigen no Jidai, 1974), “Chế độ gia trưởng mà Ôgai chống đối” (Ôgai tatakau kachô, 1972), mô tả tâm sự của nhà văn Mori Ôgai trước hệ tư tưởng phong kiến thời Meiji.

Bước qua hai thập niên cuối cùng (1969-1989) của thời Shôwa, lúc Nhật Bản dần dần thoát ra khỏi thời hậu chiến thì phê bình văn học tự nó cũng ghi lại chuyển biến của thời đại, khi người Nhật tìm lại tự tin đã đánh mất. Những nhà phê bình đáng chú ý hơn cả từ 1975 trở đi có Honda Shuugo7 (Bản Đa, Thu Ngũ, sinh năm 1908 ) với “Đầu hàng vô điều kiện nghĩa là gì?” (Mujôken kôfuku no imi 1978), Isoda Kôichi (Cơ Điền, Quang Nhất, 1931-87), tác giả “Danh sách những nhân vật lui tới Rokumeikan”8 (Rokumeikan no keifu, 1981-83), Katô Norihiro (Gia Đằng, Điển Dương, sinh năm 1948) với “Cái bóng của nước Mỹ” (Amerika no Kage, 1985) và Kawamura Minato (Xuyên Thôn, Tấu, sinh năm 1951) trong “Văn học Nhật Bản ở hai vùng cực Nam và cực Bắc” (Nannyô, Karafuto no Nihon Bungaku,1994), nhìn lại “biên giới mở rộng” của văn học Nhật Bản tận những cõi xa xôi (các đảo Nam Dương, đảo Sakhalin) là các địa vực mà vào thời trước chiến tranh Nhật Bản xem như là lãnh thổ của họ.

TIẾT II: CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VỀ BỘ MÔN TIỂU THUYẾT:

Năm Shôwa 20 (1945), sau khi Nhật Bản đầu hàng lực lượng Đồng Minh vô điều kiện, những người tìm trở lại văn đàn sớm nhất là những tác gia lão thành, đã kiên trì viết trong thời chiến tranh dù không được phép đem in. Thứ đến là các nhà văn hệ phái văn học vô sản, họ bắt đầu tìm được không khí thích hợp để tiếp tục hoạt động. Các tạp chí nối tiếp nhau ra đời hoặc được tục bản, giúp cho các nhà văn thế hệ hậu chiến có chỗ đăng tải bài vở của họ. Tục bản có Văn Nghệ Xuân Thu (Bungei Shunjuu), Trung Ương Công Luận (Chuuô Kôron), Đổi Mới (Kaizô) 9, Nhật Bản Bình Luận (Nihon Hyôron), Tân Trào (Shinchô), Văn Nghệ (Bungei)... Mới xuất hiện lần đầu tiên là Thế Giới (Sekai), “Con Người” (Ningen), Triển Vọng (Tenpô), Cận Đại Văn Học (Kindai Bungaku), “Những Khuôn Mặt “ (Gunzô).

Nguồn sinh lực bị đè nén trong thời chiến tranh nay được bùng lên như hỏa sơn. Lớp nhà văn mới thuộc phái hậu chiến (Sengoha) chỉ tính từ năm Shôwa thứ 20 (1945) cho đến 40 (1965) thôi cũng đã có tất cả ba thế hệ.

Phát triển của tiểu thuyết (4).

Trường phái văn học:

Shôwa 20 (1945):

- Phái Thông Tục (Đại Chúng) hay Shingesaku (Tân Hí Tác), còn gọi là Buraiha (Vô Lại Phái): Oda Sakunosuke, Dazai Osamu, Sakaguchi Ango, Ishikawa Jun.

- Sengoha (Phái Hậu Chiến) I : Noma Hiroshi, Shiina Rinzô, Umezaki Haruo, Shimao Toshio.

- Sengoha (Phái Hậu Chiến) II: Takeda Taijun, Abe Kôbô, Ôoka Shôhei, Mishima Yukio.

- Các nhà văn lão thành hồi sinh : Tanizaki Jun-ichirô, Kawabata Yasunari.

Shôwa 30 (1955):

-Các nhà văn mới (Shinjin) lớp thứ III: Yasuoka Shôtarô, Endô Shuusaku, Yoshiyuki Jun-no-suke, Kojima Nobuo.

-Các nhà văn thế hệ Shôwa 30: Ishihara Shintarô, Ôe Kenzaburô, Kaikô Takeshi

Shôwa 40 (1965)

TIẾT III: CÁC NHÀ VĂN LÃOTHÀNH LẠI ĐĂNG ĐÀN:

Chẳng bao lâu sau khi Nhật Bản bước vào thời hậu chiến, Shiga Naoya (62 tuổi) đã cho ra mắt “Trăng Xám” (Haiiro no Tsuki, 1946), Nagai Kafuu, lúc 67 tuổi, quay lưng với chiến tranh, lại viết “Cô đào múa” Odoriko, “Tấm Huy Chương” (Gunshô), “Chìm nổi” (Ukishizumi, 1946) à Về phần Tanizaki Jun-ichirô (Cốc Kỳ, Nhuận Nhất Lang), năm 62 tuổi đã hoàn thành (Sasameyuki 1948) đăng dở dang trong thời chiến trước khi Phòng Thông Tin Bộ Lục Quân bắt ngưng. Sau đó, ông còn cho ra đời “ Người mẹ của tướng Shigemoto” (Shôshô Shigemoto no Haha, 1949). Masamune Hakuchô (Chính Tôn, Bạch Điểu, lúc 67 tuổi) viết “Nỗi buồn của kẻ bị chiến họa” Sensaisha no Kanashimi (1946), Satomi Ton (58 tuổi) đóng góp “Mười Năm” (Juunen,1946). Mushanokôji Saneatsu (Vũ Giả Tiểu Lộ, Thực Đốc, 60 tuổi) viết (Chân Lý tiên sinh) “Ông thầy Shinri”, (Shinri sensei 1949).

Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan, Khang Thành), trong đám trẻ nhất vì mới ngoài 40, tham gia với Yama no Oto “Tiếng Núi Rền” (1949-1954), ngoài ra ông còn có “Nghìn Cánh Hạc” (Senbazuru), tiếp tục cuộc hành trình trên đường đi tìm nét đẹp Nhật Bản. Ibuse Masuji (Tỉnh Phục, Tỗn Nhị, 52 tuổi, có “Ông Xếp Nhìn Từ Xa” (Yôhai Buchô, 1950) bày tỏ nỗi khổ tâm khi nhìn thấy cảnh tượng xã hội hậu chiến. Itô Sei, cũng ở lứa tuổi 40, viết “Senkichi ở Narumi” (Narumi Senkichi) mô tả người trí thức sau chiến tranh.

1) Tanizaki Jun-ichirô (Cốc Kỳ, Nhuận Nhất Lang, 1886-1965) hậu chiến:

“Hoa Tuyết” (Sasameyuki) của Tanizaki Jun-ichirô bắt đầu đăng trên tạp chí “Trung Ương Công Luận” vào năm 1943 nhưng chính quyền (Phòng Thông Tin của Bộ Lục Quân) cho rằng nội dung không phù hợp với thời cuộc nên ra lệnh đình lại nữa chừng. Tanizaki tiếp tục viết và cho in quyển đầu vào năm 1944 nhưng quyển trung chỉ được phát hành sau chiến tranh (1947) và quyển hạ phải đợi đến 1948 mới được đăng xong trên tạp chí phụ nữ “Phụ Nhân Công Luận”.

Truyện kể về đời 4 chị em gia đình Makioka (Thì Cương), con nhà buôn bán có truyền thống lâu đời ở Ashiya, thành phố nhỏ cổ kính gần Ôsaka-Kobe với chị cả Tsuruko (Hạc) giữ nghiệp nhà, chị hai Sachiko (Hạnh) ôn hòa, cô ba Yukiko (Tuyết) kín đáo nhưng quá lứa lỡ thời, cô út Taeko (Diệu) phóng túng. Qua những diễn biến trong cuộc đời của bốn cô gái, Tanizaki làm sống lại không khí ngày thường và sinh hoạt hội hè thanh nhã của vùng Kansai như cho người đọc xem một cuốn tranh họa về phong tục địa phương nhưng đồng thời nói về sự suy tàn của gia đình Makioka tượng trưng cho những giá trị trong xã hội cũ.

2) Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan, Khang Thành, 1899-1972) hậu chiến

Bước vào thời hậu chiến, ông cho ra đời “Nghìn Cánh Hạc” (Senbazuru, 1949), tác phẩm đẹp nhưng buồn và trữ tình. Chim hạc tượng trưng cho “thiên niên quốc” Nhật Bản như người ta nói “hạc sống nghìn năm, rùa sống vạn năm”. Người Nhật thường xếp một nghìn con hạc giấy để chúc cho một lời nguyền được thực hiện. Anh chàng Kikuji, nhân vật chính trong truyện, trong dịp được giới thiệu một cô gái để dạm hỏi đi đến hôn nhân, đã nhìn thấy mẫu hình nghìn chim hạc in trên chiếc khăn gói đồ của cô và bị thu thút bởi nàng ta. Sự “thanh khiết” của cô gái xinh đẹp đã cứu vớt tâm hồn tội lỗi của Kikuji, người đã từng yêu cả mẹ lẫn con người tình nhân cũ của cha anh ta. Người mẹ kia muốn đi tìm hình ảnh của cha anh nơi anh và anh đi tìm bà mẹ trong thể xác con gái bà ta10. Không thể nào không nhận ra cái ích kỷ của nam giới qua hành động của nhân vật Kikuji trong truyện cũng như trong hầu hết các tác phẩm khác của Kawabata.

Yama no Oto “Tiếng Núi Rền” (1949) là tiểu thuyết trường thiên, tác phẩm hậu chiến tiêu biểu của Kawabata Yasunari. Nhân vật chính, Shingo (Tín Ngô), 62 tuổi, tư chức hãng buôn bình thường. Cô con dâu ông ta, Kikuko (Cúc), là một phụ nữ hiền đức nhưng có khí phách của người đàn bà Nhật Bản cổ truyền. Shingo tìm được nguồn an ủi với sự có mặt của Kikuko. Tác giả miêu tả những khúc mắc của mối tình thầm lặng và thoáng nhẹ giữa ông bố chồng và cô con dâu.

Nhân vật nữ thấy trong tiểu thuyết Kawabata thường được miêu tả như một thứ “búp bê” hay “đồ sứ”. Đó cũng là trường hợp Nemureru Bijô “Người đẹp say ngủ” (1961) nói về một ông già lui tới một nhà chứa và chỉ nằm ghé bên cạnh để ngắm nghía một cô gái đẹp mà ông đã cho uống thuốc ngủ. Đó là một thứ tình yêu (hay ham muốn) thụ động, khép kín và đồi phế của tuổi già.

Năm 1968, Kawabata được trao tặng Giải Nobel Văn Học trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông là một nhà văn tài danh, không ai chối cãi nhưng tinh hoa của văn chương ông chỉ giới hạn trong mỹ cảm thuần cá nhân. Có lẽ các giám khảo giải thưởng muốn vinh danh cho một tác giả đã có công bảo tồn cái mà họ nghĩ là “nét đẹp phương Đông”.

Tác phẩm đoạt giải (có lẽ là nhờ văn nghiệp hơn là một tác phẩm đơn lẻ) có tựa đề ịáKinh Đô XưaáỂ (Koto, 10/1961-1/1962), theo Nishikawa Nagao11 có vẻ giống như một cuốn sách hướng dẫn du khách nhiều hơn là tiểu thuyết, kể lại cuộc gặp gỡ và chia tay của hai chị em sinh đôi. Vì hoàn cảnh, một người được nuôi ở một hiệu buôn áo kimono trong khu Muromachi giữa thành phố Kyôto, người kia lớn lên trong ngôi làng Kitayama kề bên. Quyển truyện gợi nhớ về những cảnh đời cũ, sinh hoạt thành thị và nông thôn, hội hè đình đám ở chốn cố đô mà ngày nay không còn tìm ra. Thêm một lần nữa vẫn theo Nishikawa Nagao, ịáKawabata đã mô tả một khung cảnh mộng ảo mà ngay cả người dân Kyôto ngày nay cũng cảm thấy xa lạ và thần bí.

Sau 1945, ông có lần tuyên bố “Từ đây về sau, tôi sẽ không viết một dòng chữ nào mà không nói về vẻ đẹp và nỗi buồn của Nhật Bản”. Ông đã giữ lời nhưng cái đẹp mà ông miêu tả vẫn chưa được ngay cả người Nhật như Nishikawa Nagao đồng cảm được.

TIẾT IV: BURAI-HA VÀ TIỂU THUYẾT THÔNG TỤC MỚI:

Phái Burai nối tiếp truyền thống tiểu thuyết thông tục (tức tiểu thuyết đại chúng) thời Edo, xem việc viết tiểu thuyết để giúp vui cho đại chúng. Những nhà văn trường phái này có khuynh hướng chống lại quan niệm văn học có màu sắc luân lý được hình thành sau thời chiến. Họ viết văn với tình cảm tự dằn vặt và sống cuộc đời sa đọa. Được mệnh danh là ịáphái tiểu thuyết thông tục kiểu mớiáỂ (shingesaku-ha hay Tân Hí Tác Phái) hay Buraiha12 (Vô Lại Phái). Ishikawa Jun đã dùng từ tiếng Pháp libertins (những kẻ phóng đãng) để nói về nhóm người viết văn cùng chung khuynh hướng với mình, trong đó những nhân vật tiêu biểu nhất là chính ông, Ishikawa Jun (1899-?), Sakaguchi Ango (1906-1955), Dazai Osamu (1909-1948), Oda Sakunosuke (1913-1947), Tanaka Hidemitsu (1913-1949). Trừ Ishikawa, họ đều chết trẻ, hoặc vì mệt mỏi, hoặc vì dùng thuốc kích thích (Sakaguchi, Oda) hay tự sát (Dazai, Tanaka). Nhà nghiên cứu Nishikawa Nagao13 còn xếp Hayashi Fumiko và Tamura Taijirô vào nhóm nầy bởi vì hai người có độ nhạy cảm tương đồng với các nhà văn trong nhóm và trên thực tế, có mối giao hảo tốt với họ.

Những nhà văn vừa kể còn có một điểm chung là đứng dậy từ đống tro tàn của thời hậu chiến. Trong trường phái “bất chấp thiên hạ” nầy có những nhà văn như Oda Sakunosuke (Chức Điền, Tác Chi Trợ, 1913-1947), tác giả truyện “ Người đàn bà ngày thứ bảy” (Doyô Fujin, 1946) và tập bình luận ịáLoại văn chương có hiệu năngáỂ (Kanôsei no Bungaku, 1946) với chủ trương chống đối đường lối viết văn đang thịnh hành. Dazai Osamu (Thái Tể, Trị, 1909-1948) có “Người Vợ Của Villon” (Bijion no Tsuma, 1947) để phản đối qui phạm đạo đức mà xã hội chấp nhận. Dazai còn viết “Chiều Tàn” (Shayô) tác phẩm nổi tiếng một thời nói về sự suy vi của quí tộc Nhật Bản, và “Không đáng làm người” (Ningen Shikkaku, 1948) bày tỏ thái độ chống đối lối sinh hoạt của xã hội hậu chiến. Sakaguchi Ango (Phản Khẩu, An Ngô, 1906-1955) viết “Nàng Ngố” (Hakuchi) (1946), “Đi Tìm Tình Yêu” (Koi wo shini iku, 1947), tập bình luận “Bàn về sa đọa” (Suirakuron,1946) nói lên tinh thần phản kháng đối với những lề lối thường tình đang chi phối xã hội.

1) Dazai Osamu (Thái Tể, Trị, 1909 - 1948)

Dazai Osamu tên thật là Tsushima Shuuji (Tân Đảo, Tu Trị) sinh trong gia đình đại điền chủ ở Tsugaru, vùng Aomori, miền bắc nước Nhật. Có lẽ vì được dạy dỗ quá kỹ lưỡng, ông sinh ra có ác cảm với giáo dục cổ truyền. Từ hồi học trung học đã nổi tiếng về tài văn chương. Vào Đại Học Đông Kinh theo ban Pháp văn nhưng có những hoạt động bất hợp pháp và lại đi sống chung với một cô geisha bất chấp đạo đức và cười cợt người đời. Ông nghiện ngập và phải điều trị, rốt cục kết hôn được và chỉ từ đó giọng văn sáng sủa lên một chút. Trước chiến tranh, đã cho đăng những truyện ngắn có giá trị như “Núi Phú Sĩ trăm vẻ" (Fugaku Hyakkei, 1939) và “Chạy đi Merose ơi!”( Hashire Merosu, 1940). Sau chiến tranh, tinh thần phản xã hội của ông còn mạnh hơn trước. Ông viết vở kịch “Pháo bông mùa đông”(Fuyu no Hanabi, 1946), "Người vợ của Villon”(Bijion no tsuma, 1947), “Hoa anh đào” (Ôtô, 1948) đứng trên lập trường phê phán quan niệm đạo đức đã an bài. Trong “Chiều Tàn” (Shayô, 1947), ông miêu tả cảnh sa sút của lớp quí tộc Nhật Bản, với “Không đáng làm người” (Ningen Shikkaku, 1948), ông nói về nỗi sợ sệt đứng trước con người và lòng tin đã đánh mất đối với họ. Sau đó, ông tự sát ở hồ chứa nước ngọt của sông Tamagawa, gần Tôkyô.

Ngoài những tác phẩm vừa kể, ông còn viết “Tsugaru” (Tsugaru,1944) nói về vùng eo biển quê hương Aomori của ông, cũng như “Truyện Giải Buồn” (Otogizôshi,1945).

Dazai là một nhà văn nhiều người thích, nhất là lớp trẻ cho đến cả bây giờ. Ông bị coi như là một tâm hồn yếu đuối đứng trước sức ép của xã hội và thời thế. Ông nhiều lần tự tử hụt trước khi toại nguyện. Lúc trẻ đã vào đảng Cộng Sản trong bí mật rồi lại ra đầu thú với cảnh sát để xin chuyển hướng (tenko), rơi vào cái bẫy của chủ thuyết Đại Đông Á (1943), viết văn phục vụ cho nó như trong “Cuộc chia tay đáng tiếc” Sekibetsu, 9/1945), tác phẩm mang màu sắc quân phiệt, đả động đến thời sinh viên của Lỗ Tấn. Văn hào Trung Quốc là người mà ông cảm mến nhưng ông trong truyện, ông lại giải thích một lối khác sự chia tay giữa Lỗ Tấn và người thầy học cũ dạy mình ở trường Y Khoa tỉnh Sendai, thầy Fujino14, một “người Nhật tốt” mà nhà văn Trung Quốc nầy rất biết ơn. Dazai cũng tránh né không nhắc đến những việc làm tai hại gây ra bởi chính sách thuộc địa của Nhật trên quê hương Lỗ Tấn.

Tuy ông cộng tác với chính quyền nhưng quân phiệt Nhật trước đó và quân đội chiếm đóng Mỹ sau nầy đều từng cấm phát hành văn ông. Chuyện đó đã xảy đến cho”Pháo Bông” (Hanabi, 1942) và "Pháo bông mùa đông" (Fuyu no Hanabi, 1946), chứng tỏ ông chẳng được lòng ai cả. Hai phe đều coi ông là phần tử đồi trụy và nguy hiểm vì quan điểm của ông có màu sắc của chủ nghĩa vô chính phủ. Tư tưởng có tính cách viễn mơ ấy là đi tìm một xã hội lý tưởng ở thế gian mà ông gọi là nguồn đào (Tôgenkyô = Đào nguyên hương), một cõi chỉ có trong truyền thuyết Trung Hoa.

Dazai không phải một nhà văn hậu chiến đích thực. Ông đã trưởng thành và hoạt động trong chiến tranh. Thế nhưng ông rất được hâm mộ từ sau 1945 vì ông nói lên được nỗi tuyệt vọng và hổ thẹn của người Nhật chiến bại. Hổ thẹn có hai mặt trái ngược, một là vì không đáp lại được lòng mong mỏi của giới lãnh đạo chiến tranh, hai vì đã đi lầm đường.

Dazai để lại di cảo đang viết nửa chừng có nhan đề là à Good-bye. Và trong "Không Đáng Làm Người", tác phẩm cuối cùng được ra mắt, ông đã đặt vào miệng nhân vật chính câu nói như sauá: "Đời tôi là một chuỗi hổ thẹn!". Theo Nishikawa Nagao, người có vẻ khe khắt cả với Kawabata lẫn Dazai, đó là kết luận về đời văn và đời người của chính Dazai nhưng phải nói là những đảng phái mà ông ta tìm đến đã không đem đến cho ông lời giải đáp thỏa đáng và cuối cùng xô ông xuống hố tuyệt vọng.

Chiều Tàn (Shayô, 1947)

Tên tiểu thuyết dài của Dazai, miêu tả cảnh sa sút của một gia đình quí tộc bốn người, gồm bà mẹ, chị, em trai và nhà văn. Truyện diễn biến theo dòng nhật ký và thư tín của người chị tên Kazuko. Cậu em trai tự sát vì đâm ra tuyệt vọng trước một xã hội mà con người phải cạnh tranh với nhau để mà sinh tồn trong khi cô chị cam phận rời bỏ quan niệm đạo đức truyền thống và thích ứng với hoàn cảnh mới. Tác giả Dazai Osamu đã gửi gắm tâm sự của mình qua lời phát biểu của bốn nhân vật, trình bày tình cảm tuyệt vọng trước xã hội mới cũng như đưa ra tín điều luân lý của ông.

Trên đống gạch vụn, rác rưởi và sự điêu tàn của lòng người, văn học hậu chiến Nhật Bản đã đứng dậy với nhóm Buraiha. Chủ đề của họ là Nhật Bản lầm than của trộm cắp, đĩ điếm, chợ đen và nạn nhân chiến cuộc.

2) Ishikawa Jun (Thạch Xuyên, Thuần, 1899 - 1987)

Ishikawa Jun, nhà văn năng nổ, dịch thuật và sáng tác dồi dào, viết văn theo lối viết hết sức tiền vệ. Ông sinh ở xóm bình dân Asakusa thuộc Tôkyô, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp ở Trường ngoại Ngữ Đông Kinh, chịu ảnh hưởng văn học Pháp (Anatole France, André Gide) và nhất là trường phái tượng trưng. Ông cũng rành tác phẩm cổ điển Nhật Bản. Về mặt chính trị, ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa Marx nhưng đứng ngoài vòng đảng phái. "Đức Phật Phổ Hiền" (Fugen), quyển tiểu thuyết tự thuật của ông nói về sự đối lập giữa cái thánh thiện và cái trần tục trong cuộc đời. Năm 1938, cuốn Khúc hát tháng ba của ông bị kiểm duyệt cấm in vì có nội dung chỉ trích độc tài quân phiệt đang kéo cả nước Nhật vào hiểm họa chiến tranh. Khi hoà bình lập lại, ông viết Truyền thuyết hoàng kim (1946) nói về một thằng tôi lang thang giữa cảnh tượng hoang tàn của thời hậu chiến với ba điều ước: tìm một người thợ nhờ chữa hộ cái đồng hộ chạy sai từ ngày chiến tranh, tìm người bán cho chiếc nón quả dưa để thế cái mũ lính và tìm người còn gái mình thầm yêu nay đã trở thành goá bụa. Người con gái tình cờ gặp lại đã dịu dàng cắp tay dạo phố với anh ta nhưng khi nhác thấy một chàng lính Mỹ đen trong đám đông, cô ta đã xổ đẩy anh ra để chạy theo hắn.

"Giê-su trong đống gạch vụn" ra đời 6 tháng sau "Truyền thuyết hoàng kim", người kể truyện (nhân vật xưng tôi) gặp trong một Tôkyô kinh tế chợ đen, một thằng bé nhớp nháp và ghẻ lở, có lẽ là cô nhi thời chiến, quen ăn cắp, móc túi, thèm thuồng xác thịt và hung bạo, nhưng đối với tác giả, nó không ai khác hơn là chúa Giê-su ở Nazareth, đứa con của loài người, đang đi trên con đường thập tự thống khổ. Cái ngôi chợ bẩn thỉu vùng Ueno ở Tôkyô, theo tác giả là một cái hoa ác 15 (fleur du mal) đẻ ra từ những trận bom lửa tàn phá thành phố nhưng ngôi chợ đó cũng là mảnh đất đầy chất thơ mà trên đó những ước vọng tương lai của Nhật Bản sẽ sinh sôi. Trong cái ngôi chợ nầy, tất cả mọi giá trị đều bị đảo ngược. Và người kể chuyện xưng tôi cũng bị thằng bé ma cà bông kia làm cho bật ngửa. Cái tôi ấy không là cái tôi thật mà chỉ là cái tôi giả tưởng, dụng cụ để khám phá đứa trẻ thánh-Chúa trong một thế giới lãng mạn.

3) Hayashi Fumiko (Lâm, Phù Mỹ Tử, 1904-1951)

Hayashi Fumiko sống trôi dạt từ nhỏ. Con thứ tư trong gia đình, các chị em mỗi người một bố. Bố của bà nhỏ hơn mẹ 14 tuổi và đã bỏ nhà theo tình nhân là một cô geisha cũ. Gia đình bà sống rày đây mai đó với người cha dượng làm nghề bán hàng rong. Thời thơ ấu cực khổ như thế đã ảnh hưởng tới văn nghiệp của bà. Bà viết "Đời Trôi Dạt" (Hôrôki, in năm 1930), dưới dạng nhật ký hơn là tiểu thuyết. Chiến tranh chấm dứt, bà cho ra mắt "Con Cá Bống" (Kawahaze, 1947) thuật lại tình cảnh một phụ nữ xa chồng 4 năm trời, dan díu với bố chồng trong khi chồng ra tiền tuyến đến có mang, muốn tự tử chết mà không toại nguyện. Fumiko muốn nói lên tâm trạng trước những ràng buộc của xã hội đối với người phụ nữ trong thời chiến.

Trong "Tro Cốt" (Hone, 2/1949), bà tả một góa phụ chiến tranh phải bán trôn nuôi miệng, miệng mình và miệng gia đình gồm ông bố già, cậu em ho lao và hai đứa con mồ côi. Suốt nửa truyện, bà kể đêm đầu tiên Michiko, vai chính, nằm trong vòng tay khách. Tro cốt nói đến trong truyện là tro của người chồng chết ở chiến trường và của đứa em, nhưng cũng dự báo đến tro của cha già sắp chết, như thể số phận đàn bà là vẫn phải sống còn dù có hay không có đàn ông.

"Xóm Bình Dân" (Shitamachi, 7/1949) là câu chuyện của Riyo, một người đàn bà nạn nhân chiến cuộc, tạm thời làm nghề giao trà trong khi hai mẹ con đợi người chồng bị cầm tù ở Tây Bá Lợi Á từ 4 năm nay chưa được thả về. Cho đến ngày chị ta gặp và yêu Tsuruishi, cũng là lính vừa mới từ bên đó trở lại Nhật để chứng kiến vợ anh ta đang sống với người khác.

"Mây Trôi Dạt" (Ukigumo, 11/1949), tác phẩm cuối của Fumiko cũng chứa đựng một sự cam chịu của người đàn bà đứng trước thân phận như trong những tác phẩm Shitamachi nói trên hay "Đóa Cúc Muộn" (Bangiku), trong đó, Kin, một geisha luống tuổi, sau những nằm xa cách, chăm chút sửa soạn để gặp lại người tình cũ từ chiến trường trở về để rồi thất vọng tràn trề khi biết anh ta không đến thăm cô vì cô mà chỉ đến để vay tiền:

"Bức “thành đồng” ngăn cách hai người thể hiện qua cái lò sưởi ở giữa ố có vẻ vẫn không suy suyển bớt chút nào. Bây giờ thì Tabê đã say khướt, còn Kin thì từ đầu chí cuối chỉ mới uống chưa được lấy nửa ly. Tabê cầm tách trà lạnh lên ực một hơi, rồi buông thỏng tấm hình xuống bàn một cách hờ hững.

- Coi chừng khuya quá hết tàu điện, không về được.

- Bộ định đuổi về lúc tôi đang say thế này sao?

- Phải, đuổi thẳng tay. Nhà này toàn đàn bà con gái, hàng xóm người ta bàn tán !

- Hàng xóm? Người như cô mà thèm giữ ý với họ à?

- Vâng, giữ ý chứ!

- Tối nay ông ấy tới hả ?

- Ôi, ngài Tabê này, quá sức rồi đó nghe! Anh nói cái kiểu đó tôi ghét lắm đó !

- Chả sao, kiếm không ra tiền thì hai ba ngày cũng chưa về được. Hay là ở lại đây ?

Kin đưa hai tay lên ôm đầu, tròn xoe hai mắt sửng sờ nhìn cái miệng vừa nói xong của Tabê. Cả một mối tình ấp ủ trăm năm bỗng vụt biến mất! Lặng nhìn người đàn ông trước mắt, Kin chả còn thấy đâu là cái đã gây cho mình bao xao xuyến trong những ngày xưa, nơi con người này cũng chả còn chút gì là sự biết mắc cỡ của thời thanh niên lúc trước. Kin cũng muốn chìa ra một ít tiền để tống đi cho xong, nhưng nghĩ lại, thấy có cho con người đang say sưa này một xu thôi cũng không đáng. Thà để tiền cho những người ngây thơ khờ khạo còn hơn. Đàn ông mà không biết tự trọng thì chả ra gì. Trong đời Kin đã có biết bao người ngây thơ tìm đến, và Kin yêu cái ngây thơ đó, xem như một cái gì quý giá cao thượng. Xưa nay Kin chỉ thích người đàn ông nào mà Kin cho là lý tưởng, cho nên với thực tế hôm nay, Tabê đã trụt xuống cái vị trí của những kẻ mà Kin xem là quá tầm thường. Khi Tabê không chết ngoài trận tuyến mà lại trở về được bình yên, Kin cho đó âu cũng là số mệnh. Giờ này nghĩ lại, lẽ ra với những vất vả khi xuống Hiroshima thuở đó, Kin đã có thể dứt tình với Tabê được rồi" (Trích Đóa Cúc Muộn, bản dịch của Văn Lang Tôn Thất Phương)

4) Sakaguchi Ango (Phản Khẩu, An Ngô, 1906-1955)

Sakaguchi Ango có thái độ chống đối truyền thống (antitraditionalist), ngay giữa thời chiến (1942) đã dám phát ngôn là nếu Hôryuuji (Pháp Long Tự) và Byôdôin (Bình Đẳng Viện), hai quốc bảo về nghệ thuật kiến trúc của Nhật có cháy tiêu thì ông cũng chả tiếc. Ông chỉ chú trọng đến cuộc sống thường nhật của hôm nay, bây giờ mà thôi. Trong ịBàn về sa đọaỂ (Suirakuron, 4/1946) và (Hakuchi), ông đã có thái độ vừa Phật giáo vừa Tây Phương, phản ứng lại ý thức hệ truyền thống được chính quyền quân phiệt Nhật Bản giương cao suốt thời chiến.

"Nàng Ngố" mượn bối cảnh một xóm nghèo trong thời chiến mà nàng ngố sống dưới mái nhà với một người mẹ, đợi ngày sinh nở một đứa con không biết của ai. Nàng ta tuyệt vọng, ngây thơ cùng cực, chỉ có hai bản năng là thích xác thịt và biết sợ hãi, không còn biết diễn tả được bằng ngôn ngữ của loài người nữa. Tất cả tượng trưng cho hình ảnh của Nhật Bản dưới những trận mưa bom lửa của Đồng Minh thời chiến tranh sắp kết thúc.

Sakaguchi sinh trong một gia đình giàu có ở Niigata, sớm chán ghét chế độ giáo dục cứng nhắc, 17 tuổi đã bị đuổi cổ khỏi trường tỉnh nhưng thề một ngày nào đó sẽ đi vào lịch sử như một thằng hư hỏng lừng danh. Dù sao, năm 1926, ông đã vào được Đại Học Đông Kinh nổi tiếng để học triết Ấn Độ và Phật học. Ông học rất chăm, biết cả tiếng Phạn, Tây Tạng, La-Tinh và tiếng Pháp và sớm chọn đường văn học qua dịch thuật và sáng tác. Tác phẩm đầu tiên "Đốc tờ Gió" (Kaze Hakase, 1931) được Shimazaki Tôson, Makino Shin-ichi là những nhà văn đàn anh khen ngợi. Tuy nhiên, nội tâm ông luôn luôn có sự dằn vặt vì không lựa chọn được giữa cái thánh thiện và cái sa đọa, cấm dục và phóng đãng, tự tin và tuyệt vọng. Ông yêu nhà văn nữ Yata Tsueko nhưng không thành. Ông mất nhiều thời gian để gượng dậy sau thất vọng nầy.

Sau chiến tranh, ông viết thành công hơn trước nhưng xã hội hậu chiến đã thiêu cháy ông, một người đã có những triệu chứng tự diệt. Năm 1949, ông đã phải nhập viện nằm 2 tháng vì ngộ độc. Ông chống đối hết, chẳng chừa ai, chế độ quân phiệt, chế độ thiên hoàng, đảng cộng sản Nhật, thuế má và gian lận trong trò chơi cá ngựa. Ông mất năm 1955 trong nghèo khó và cô độc.

5) Oda Sakunosuke (Chức Điền, Tác Chi Trợ, 1913 - 1947)

Oda Sakunosuke có đặc điểm là nhà văn phái burai-ha miệt Ôsaka. Sinh trong một gia đình nghèo làm nghề bán cá, ba lần thi hỏng không lên nổi Đại Học. Ông yêu thích "Đỏ và Đen" (Le rouge et le noir) của nhà văn Pháp Stendhal và tiểu thuyết Ihara Saikaku, người mà ông có dành cho một tập luận đề năm 1942. Tác phẩm "Người đàn bà ngày thứ bảy" (Doyô Fujin, 1946) của ông chịu nhiều ảnh hưởng của Stendhal. Nhân vật Kimonji Shôzô trong đó giống như Julien Sorel của Stendhal, sau chiến tranh đã đứng lên chống lại một xã hội công thức.

Một tác phẩm khác, "Người đàn bà đáng sợ" (Osorubeki onna) mượn ý cái tựa "Một đời đàn bà" (Ichidai Onna) của Ihara Saikaku, tiểu thuyết gia lừng danh thời Edo. Oda còn là người đầu tiên giới thiệu Sartre với độc giả Nhật Bản qua "Sự thân mật" (L’intimité), tác phẩm bàn về vai trò của thân xác mà ông đã dịch cùng với một số thầy học cũ. Ông mất đầu năm 1947, sống chỉ có 17 tháng sau ngày đình chiến nhưng đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ.

TIẾT V: CÁC NHÀ VĂN TIỂU THUYẾT ĐẠI CHÚNG KHÁC:

Tiểu thuyết mang tên đại chúng ghi chép lại chuyển biến trong thế thái nhân tình từ khi xã hội Nhật Bản bước vào thời hậu chiến. Sự góp mặt của nó là một đặc điểm của văn học sau chiến tranh. Về dòng văn học nầy, ngoài các tác giả burai-ha còn có thể đơn cử các tác giả và tác phẩm như "Lối vào nhục thể" (Nittai no Mon, 1947) của Tamura Taijirô (Điền Thôn, Thái Thứ Lang, 1911-1983), "Rặng núi xanh" (Aoi Sammyaku, 1947) của Ishizaka Yôjirô (Thạch Phản, Dương Thứ Lang, 1900-86), "Lứa tuổi phiền nhiễu" (Iyagarase no nenrei, 1947), "Vẽ lại cuộc đời phu nhân Yuki" (Yukifujin ezu, 1948-50) của Funahashi Seiichi (Chu Kiều, Thánh Nhất, 1904-76), "Vách Đứng" (Zeppeki, 1949) của Inoue Yuu-ichirô (Tỉnh Thượng, Hữu Nhất Lang, 1909-97) vv...

1) Tamura Taijirô (Điền Thôn, Thái Thứ Lang, 1911-?):

Cuộc đời các cô gái điếm16 làm việc cho RAA (Recreation and Amusement Association) để mua vui cho lính Mỹ đồn trú là một đề tài khai thác bởi Tamura Taijirô. Nhiều nhà văn Nhật hậu chiến đã sử dụng đề tài gái điếm như Ishikawa Jun với "Người Đẹp Lượn Qua Lượn Lại" (Kayoi Komachi, 1947), "Eva trong tuyết" (Yuki no Eve, 1947), Hayashi Fumiko với "Tro Cốt" (Hone, 1949) đã nhắc ở trên, nói về một quả phụ chiến tranh phải bán thân nuôi gia đình, hay Nosaka Akiyuki qua tác phẩm "Cô bé bán diêm" (Matchiuri no shôjo, 196) trong đó một cô gái điếm được trình bày như nữ thánh. Loại tiểu thuyết này không giống tiểu thuyết phản ánh tình trạng của xã hội nhà đương thời nói về thế giới các cô gái ăn sương có cái tên là fuuzôku shôsetsu hay tiểu thuyết "phong tục"17. Thật ra sự liên hệ giữa nhà văn và gái đĩ đã có từ thời Edo và (cũng như từng xảy ra ở Pháp vào thế kỷ 18) có một ý nghĩa sâu sắc hơn vì các nhà văn có cảm tưởng họ cũng là người "cùng một lứa bên trời lận đận". Ở đây, các cô là nạn nhân chiến cuộc, tượng trưng cho sự giải phóng khỏi ách chiến tranh đồng thời cũng là sự nhục nhã của Nhật Bản hậu chiến.

Tamura sau khi học xong đại học Waseda đã bắt đầu viết văn. Ông chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hành động của André Malraux như các nhà văn trẻ thời ấy. Ông đã cho in "Con quỉ nhục thể" (Nikutai no Akuma, 1946) mượn tên tác phẩm Le Diable au Corps của Raymond Radiguet nói về một cuộc tình oan trái giữa một chàng sĩ quan Nhật và một thiếu nữ cộng sản Trung Quốc. Qua năm 1947, ông viết "Lối vào nhục thể" (Nikutai no Mon), dù được ăn khách nhưng bị hiểu lầm là tác phẩm nói về tình dục. Truyện nói về cô điếm tên Maya bị đồng bọn hành hạ đến chết vì cô tìm được tình yêu và lạc thú thể xác với một người con trai, tức là đi ngược với qui luật xã hội của chúng. Theo Cécile Sakai18, Tamura có chủ tâm phê phán giá trị cổ truyền Nhật Bản và lên án quân phiệt đã đưa nước Nhật vào vòng chiến để gây ra thảm cảnh. Đồng thời, ông cũng nêu ra cho thấy trong chủ nghĩa cá nhân và sự tranh đấu cho sống còn của các cô gái điếm có một giá trị cơ bản.

TIẾT VI: "NHỮNG NHÀ VĂN KHUYNH HƯỚNG VÔ SẢN"

Những nhà văn xông xáo nhất thời hậu chiến là những người thuộc hệ phái văn học vô sản có lẽ vì đã chịu im hơi lặng tiếng trong thời chiến. Năm 1945, họ cùng nhau thành lập tổ chức "Hội Văn Học Nhật Bản Mới" (Shin Nihon Bungakkai) với ba nhân vật giữ vai trò chủ yếu là bà Miyamoto Yuriko (Cung Bản, Bách Hợp Tử, 1899-1951), các ông Nakano Shigeharu (Trung Dã, Trọng Trị, 1902-79) và Kurahara Korehito (Tàng Nguyên, Duy Nhân, 1902-1988). Mục tiêu của họ là phát triển "văn học dân chủ chủ nghĩa". Còn Kurahara là một nhà lãnh đạo và nhà lý luận. Ông đã ảnh hưởng nhiều đến Kobayashi Takiji19, nhà văn vô sản tiêu biểu, đã chết dưới tay hiến binh trong thời đàn áp. Ông còn để lại tập lý luận văn học "Chủ nghĩa hiện thực vô sản" Puroretaria Rearizumu (Proletariat Realism). Nakano hoạt động trong nhiều lãnh vực, từ tiểu thuyết, thơ đến bình luận. Sau chiến tranh, ông có viết "Năm be rượu nhỏ20" (Goshaku no sake,1947) và Muragimoá(1954). Ngoài ra còn phải nhắc đến Tokunaga Sunao (Đức Vĩnh, Trực, 1899-1958), một khuôn mặt đáng kể khác của phong trào văn học vô sản, xuất thân thợ nhà in, đã viết "Mình ơi, hãy ngủá!" (Tsuma yo, nemure, 1947-50). Đó là những thành quả của các nhà văn vô sản từ ngày trở lại văn đàn.

1) Miyamoto Yuriko (Cung Bản, Bách Hợp Tử, 1899-1951)

Bà sinh ở Tôkyô, tên con gái là Nakajô. Trong lúc còn đang đi học ở Đại Học Phụ Nữ Nhật Bản đã viết "Một lũ nghèo đói" (Mazushikibito no Mure, 1916) và được xem như một tài năng đầy hứa hẹn. Nửa chừng bỏ học bà sang Mỹ, kết hôn nhưng thất bại. Từ kinh nghiệm đó bà viết "Cô Nobuko" (Nobuko, 1924-26), nội dung như sau:

"Con gái một kiến trúc sư, Sasa Nobuko theo cha qua New York, quen Tsukada Ichirô, 25 tuổi, sinh viên ban cổ ngữ ở đại học C., năm mới 20 tuổi và lập gia đình với anh ta. Về nước, hai vợ chồng lục đục vì lý tưởng khác nhau: Nobuko là mẫu người chiến đấu, hướng thượng trong khi Tsukada chỉ muốn sống an phận.Tsukada chỉ còn có cách sử dụng khả năng làm tình để giữ Nobuko nên Nobuko phải tìm cách thoát thân".

Câu truyện về Sasa Nobuko giống cảnh gia đình của chính tác giả Miyamoto Yuriko (cha cũng là kiến trúc sư nổi tiếng) với người chồng trước của bà là Araki Shigeru. Họ đã thôi nhau sau 6 năm chung sống, một việc không dễ thực hiện trong khung cảnh xã hội Nhật Bản đời Taishô (1912-1926). Sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết này thì đời bà cũng rẽ qua một hướng khác.

Rời Nhật sang Liên-Xô du học xong, khi trở về Miyamoto Yuriko tham gia phong trào các nhà văn vô sản và vào đảng Cộng Sản. Bà tái hôn với Miyamoto Kenji (Cung Bản, Hiển Trị), một nhân vật lãnh đạo đảng Cộng Sản Nhật. Sau khi bị bắt điều tra, bà vẫn không ngừng hoạt động và viết lách. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà trở thành nhân vật chủ chốt của Hội Tân Văn Học Nhật Bản với cơ quan ngôn luận cùng tên. Bà có các tác phẩm "Cỏ bên đường" (Fuuchisô, 1947),”Đồng bằng Harima" (Banshuu heiya, 1947) kể chuyện lặn lội đi thăm chồng vừa ở tù ra, cũng như tục biên của Nobuko nhan đề ịHai mảnh sânáỂ (Futatsu no niwa), và "Mốc cây số" (Dôhyô, 1948-1951).

2) Nakano Shigeharu (Trung Dã, Trọng Trị, 1902-79)

Ông người tỉnh Fukui, tốt nghiệp khoa tiếng Đức Đại Học Đế Quốc Đông Kinh. Đã từng cùng nhóm bạn bè trong đó có Hori Tatsuo ra mắt tạp chí “Con Lừa” (Roba) và kết hợp với Hayama Yoshiki (Diệp Sơn, Hạ Thụ) thành lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa nghệ thuật Mác-xít (Maru-gei). Sau đó, ông có chân trong các đoàn thể văn học tiền vệ vô sản, trở thành nhân vật chính của văn học vô sản (Puro-gei). Tập thơ của ông do nhóm Liên minh các nhà văn cánh tả (NAPU) in ra bị cấm lưu hành (1931) nhưng bốn năm sau, một phần của tuyển tập đã được ra mắt độc giả. Ông còn viết cả tiểu thuyết. Trong thời chiến, ông đã trải qua một thời kỳ "chuyển hướng” tức từ bỏ đảng Cộng Sản nên mang một tâm sự dằn vặt đau khổ.

TIẾT VII: TRƯỜNG PHÁI HẬU CHIẾN (APRÈS-GUERE):

Vào năm 1946, một số nhà văn cùng chí hướng đã qui tụ chung quanh tờ Cận Đại Văn Học (Kindai Bungaku). Đó là Yamamuro Shizuka (Sơn Thất, Tĩnh, 1906 - ?), Hirano Ken (Bình Dã, Khiêm, 1907 - 78), Honda Shuugo (Bản Điền, Thu Ngũ, 1908 - ?), Haniya Yutaka (Thực Cốc, Hùng Cao, 1909 - 1997), Ara Masahito (Hoang, Chính Nhân,1923 - 1979), Sasaki Kiichi (Tá Tá Mộc, Cơ Nhất, 1914 - ?), Odagiri Hideo (Tiểu Điền Thiết, Tú Hùng, 1916 - á?). Họ tập trung vào bình luận hơn sáng tác, chủ trương rằng chính là "con người chứ không phải chính trị mới là cái đích nhắm của nhà văn" . Những cây viết tụ họp chung quanh tờ Cận Đại Văn Học và trào lưu bắt nguồn từ khuynh hướng văn học nay đã được mệnh danh là "trường phái hậu chiến" (Sengô - ha) hay Apure.gêru, lấy từ chữ Pháp "Après-Guerre".

Các nhà văn khác có người viết lại kỷ niệm thời chiến của mình như trường hợp Umazaki Haruo (Mai Kỳ, Xuân Sinh, 1915 - 65) trong "Đảo Sakura" (Sakurajima) (1946). Riêng về Noma Hiroshi (Dã Gian, Hoằng, 1915 - 91) ông đến với làng văn với giọng văn sâu sắc trầm lắng khi viết "Bức Tranh Tối" (Kurai e, 1946). Ông còn kể lại cuộc sống không chút tình người trong quân đội qua "Khoảng Chân Không" (Shinkuu Chitai, 1952) và hoàn thành thiên tự truyện "Vòng tròn của những người trẻ" (Seinen no Wa , 1947 - 1970).

Nakamura Shin-ichirô (Trung Thôn, Chân Nhất Lang, 1918-1979), trẻ hơn Noma Hiroshi ba tuổi, sau khi cho ra mắt “Dưới bóng thần chết" (Shi no kage no moto ni, 1946 - 47) đã có một sự nghiệp phong phú với "Bọn các nàng con gái Sion" (Sion no Musume-tô, 1948), "Thần tình yêu và thần chết" (Aishin to shishin, 1948 - 49), "Cuối cuộc du hành dài" (Nagai tabi no owariá, 1952) và tứ bộ tác (quatrology) "Bốn Mùa" (Shiki, 1975-84). Shiina Rinzô ((Truy Danh, Lân Tam, 1911-73) viết "Tiệc rượu giữa đêm khuya" (Shin-ya no Shuuen, 1947), "Chương sách đầu tiên không bao giờ kết thúc" (Eien naru Yoshô 1948) trong đó ông đã thể hiện được phong cách hiện sinh của mình. Takeda Taijun (Vũ Điền, Thái Thuần) có "Dòng dõi rắn hổ mang" (Mamushi no Sue, 1947), "Hoa truyền theo gió" (Fuubaika, 1952), trình bày một nhận thức mới về con người. Ôoka Shôhei (Đại Cương Thăng Bình) thu thập và ghi chép kinh nghiệm chiến trường Phi Luật Tân của ông.

A) Phái hậu chiến (đợt I)

1) Hara Tamiki (Nguyên, Dân Hỉ, 1905-1951) và “dòng văn học chống bom nguyên tử”:

Hara sinh năm 1905 ở Hiroshima, thành phố của định mệnh. Thời trung học, ông ham mê đọc thơ Verlaine, Murô Saisei, Hagiwara Sakutarô và văn chương Nga cũng như văn Uno Kôji . Vào Đại Học Keiô năm 1924 để học văn chương Anh, ông bắt đầu làm thơ haiku và viết truyện ngắn. Ông chịu ảnh hưởng Mác xít, trường phái Đa-đa và có lần tham gia hoạt động cánh tả trong một thời gian ngắn. Vợ ông mất năm 1944, ông về ở vùng Hiroshima để chứng kiến thảm cảnh sau ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi bom nguyên tử rơi xuống quê hương ông. Ông viết “Những đóa hoa mùa hạ” (Natsu no Hana), tác phẩm đầu tiên của dòng văn học mà người Nhật gọi là Genbaku bungaku (văn học kiên quan đến cuộc dội bom nguyên tử).

Dòng văn học nầy miêu tả thảm trạng gây ra bởi quả bom nguyên tử trên thành phố và trên thân xác những nạn nhân bị bom (hibakusha) cũng như bày tỏ sự phẫn nộ đối với quân phiệt Nhật, chính phủ Mỹà. và niềm khao khát hòa bình của họ. Những tác phẩm thuộc dòng văn học nầy đã bị nhà cầm quyền chiếm đóng Mỹ kiểm duyệt. Bốn mươi năm sau cuộc dội bom, nhà văn Ôe Kenzaburô đã cho thu thập lại các tác phẩm này trong 15 quyển ngoài "Những đóa hoa mùa hạ” còn có “Thành phố của những xác người” (Shikabane no Machi) của Ôta Yôko, “Mưa Đen” (Kuroi Ame, 1965) của Ibuse Masuji là những tác phẩm vừa có giá trị văn chương vừa có giá trị tài liệu. Bộ ba tác phẩm "Những đóa hoa mùa hạ”, “Nhạc mở màn cho một cuộc tiêu diệt,” “Từ giữa đổ nát”, của Hara Tamiki cùng đăng năm 1947 trên mặt báo, có cái dữ dội mà người ta có thể tìm thấy trong cảnh tả địa ngục của Dante bên trời Tây.

Cái chết của người vợ và cảnh tượng thảm khốc ngày 6 tháng 8 năm 1945 đã để lại một dấu vết quá sâu đậm nơi nhà văn nhưng ngược lại, nó cũng là động cơ giúp ông cố sống thêm vài năm để kể lại bi kịch có một không hai ấy. Ông lao xuống đường rầy xe điện tự sát ngày 13 tháng 3 năm 1951, mười tháng sau khi trận chiến tranh Triều Tiên mở màn.

2) Ibuse Masuji (Tĩnh Phục, Tỗn Nhị, 1898-1993) hậu chiến

Tác phẩm "Thành phố những xác người" nói về Hiroshima của Ôta Yôko ghi lại những điều mắt thấy tai nghe hoàn thành vào tháng 11/1945 và chỉ được chính quyền chiếm đóng cho in một phần năm 1948, và sau đó được đăng trọn năm 1950. Bà Ôta còn viết thêm nhiều tác phẩm về sau, tập trung vào việc kể lại những nỗi khổ đau của nạn nhân di chứng bom nguyên tử trong đó có "Nửa người" (Hanningen) viết vào giai đoạn chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đó, Ibuse Masuji viết "Mưa Đen" (Kuroi Ame) dưới dạng cuốn nhật ký của một ông lão tên Shigematsu, vốn có cô cháu gái Yasuko tuy thoát được trận bom nhưng sau bị nhiễm nước mưa có chất phóng xạ nên mang bệnh. Trong nhật ký, ông già ghi lại những vết cháy phỏng và da thịt mục rã từ từ hiện ra trên một thân thể trước đây lành lặn của cô cháu. Điều đó tương phản với hy vọng muốn sống còn của con bệnh, đang tìm cách chắp vá mảnh đời vỡ nát của mình và nỗ lực của những người tận tụy giúp họ hàn gắn. Yasuko không cách nào có được một tấm chồng. Kẻ mai mối đều lảng xa khi biết đến bệnh tình của cô. Sau đó Yasuko yếu dần, răng long, tóc rụng và chết.

Tuy văn chương chống bom nguyên tử mở đường cho văn học phản chiến nhưng sự chống đối chiến tranh nầy chỉ dựa trên kinh nghiệm đau thương mà họ là nạn nhân chứ không phải lối chống bằng cách tố cáo những sự tàn nhẫn mà chính họ là chủ phạm trên các chiến trường Á Châu. Nếu có tố cáo chăng nữa họ cũng chỉ dừng lại ở thái độ tàn ngược của cấp chỉ huy Nhật Bản đối với quân nhân Nhật Bản, trừ vài ngoại lệ như cuốn "Biển và thuốc độc" (Umi to Dokuyaku) trong đó Endô Shuusaku nói về việc quân Nhật đã sử dụng tù binh Mỹ làm vật thí nghiệm phản ứng y học trên con người. Có lẽ tư thế tín đồ Công Giáo của Endô Shuusaku làm ông có một thái độ khác hẳn đồng bào của ông vốn có ý thức phạm tội tập đoàn nên muốn quên những mẩu chuyện không vui ấy đi.

3) Noma Hiroshi (Dã Gian, Hoằng, 1915-1991) và tiểu thuyết “toàn thể”

Noma Hiroshi người tỉnh Hyogo, gần Kobe. Ông tốt nghiệp Đại Học Kyôto năm 1938 với một luận văn viết về Madame Bovary của Gustave Flaubert, và là trung tâm của lớp văn sĩ thuộc đợt thứ nhất thời hậu chiến. Ông vào làm việc ở Tòa Thị Chính Osaka, phụ trách vấn đề burakumin là lớp người bị kỳ thị. Có lẽ vì thế ông phát ngôn nhiều về các vấn đề xã hội. Như đã nói ở trên, tác phẩm tiêu biểu có "Bức Tranh Tối" (Kurai e) và ịáKhoảng Chân Không” (Shinkuu Chitai).

Nishikawa Nagao cho rằng Kurai e đã có tầm cỡ của tiểu thuyết mới (nouveau roman) của các nhà văn Pháp Nathalie Saraute hay của Alain Robbe-Grillet. Phần đầu của nó đã được đăng vào năm 1946 trên một trong những tạp chí đã bị đóng cửa ngay mấy tháng sau. Giới phê bình tỏ ra lưỡng lự khi đánh giá hiện tượng văn học mới mẻ nầy nhưng nó đã được tiếp đón với tất cả sự nồng nhiệt của độc giả. Qua lối viết có phần nặng nề, nhừa nhựa, tác giả đã diễn tả được một số điều mà người ta không diễn tả được với lời văn thông thường.

Trong tác phẩm kể trên, tác giả trình bày những kỷ niệm chia sẻ trong một ngày đi chơi chung với chúng bạn ở Đại Học Kyôto, khoảng năm 1937 hay 38. Đó là thời quân phiệt đang sửa soạn tấn công Trung Quốc và truy lùng các tổ chức cánh tả đang để đập cho tan. Trong trường Kyôto lúc ấy có một tổ đảng Cộng Sản bí mật chống lại chủ nghĩa đế quốc và Noma là một cảm tình viên. Tuy ông gần gũi với các bạn nhưng không bao giờ tham gia hoạt động của họ, không rõ do một sự bất đồng ý kiến về điểm nào đó hay vì sợ đàn áp. Các người bạn cách mạng đã từng ngắm chung “tập ảnh Bruguel”21 (có hình chúa Ki-Tô trên thập tự giá, bên cạnhà hoàng đế Philip II) với ông sau chết hết trong ngục, trong khi Noma sống còn sau khi bị gửi đi tham chiến ở Phi Luật Tân rồi bị giam vì đối lập chính trị.

“Bức tranh tối" ông nhắc đến chỉ là một tác phẩm giả tưởng có mặt trời đen, mặt đất với những lỗ hổng hình cái phễu cũng đen, những con thú chân dài ngoẵng, quạ, sao biển, cá, người có đuôi, người ăn xinà Dĩ nhiên bức tranh và những lỗ hổng chỉ có ý nghĩa tượng trưng và tác giả hình như mong muốn rằng những lỗ hổng trên thân người, trên thân chúa Ki-Tô bị đóng đinh và trên mặt đất, với ẩn dụ về phái tính của nó, là cái sâu sắc nhất có thể nối kết con người lại với nhau. Tác giả lên tiếng: "Không có gì gọi là tục tĩu cả. Cuộc đời bị nghiến nát chỉ còn tồn tại ở đâu đây trong cái chỗ tối hậu nầy. Và cái chỗ bẩn thỉu đó cảm thấy hổ thẹn khi biết sự sống chỉ tồn tại trong một nơi tối tăm, dơ dáy và xấu xí. Cũng không phải là hổ thẹn nữa, không đâu. Làm gì có được một tình cảm cao cấp như sự hổ thẹn...".

Chúa Ki-Tô trong tranh Bruguel không phải là Đức Chúa đầu có hào quang của nhà danh họa Raphặl mà chỉ là Đức Chúa của người bị áp bức với khuôn mặt lấm bùn và hai chân quị như quì xuống.

"Khoảng Chân Không” của Noma Hiroshi là một tiểu thuyết trường thiên, kể lại truyện anh binh nhất Kitani bị tội oan, bị gửi vào trại trừng giới của lục quân. Hết hạn tù, anh ta trở lại làm việc ở phòng quân cảnh và đi tìm kẻ nào đã làm mình mang họa. Qua quá trình đó, tác giả đã nói về bản chất của tòa án binh, những thối nát của các cấp sĩ quan và phương thức làm việc vô nhân đạo của bọn quân cảnh. Ông đã cho thấy trong quân đội Nhật Bản thời đó, người ta đã đè nén con người thành “một khoảng chân không” như thế nào. Vì quyển truyện có đối tượng là độc giả đại chúng nên Noma chỉ chú trọng tới cốt truyện. Văn thể của "Khoảng Chân Không” thành ra đặt trọng tâm ở sự giản dị mà thôi.

Noma còn tấn công vào giới tư bản ngành chứng khoán trong “Bầu trời của con xúc xắc” (Saikoro no sora,1959) và đề cập tới những người cùng khổ trong ”Vòng tròn của những người trẻ” (Seinen no wa), trường biên 12 cuốn chỉ hoàn thành vào năm 1978. Qua tác phẩm dài có tính cách tự truyện nầy, ông muốn đề xướng cách viết tiểu thuyết “toàn thể” đả động một lượt đến nhiều khía cạnh của con người (sinh lý, tâm lý, xã hội).

4) Umezaki Haruo (Mai Kỳ, Xuân Sinh, 1915-1965)

Umezaki Haruo cũng thuộc phái hậu chiến lớp đầu. Ông không bị gửi ra chiến trường. Kinh nghiệm chiến tranh ông có là lúc phục vụ ở một căn cứ quân sự ở Kyuushuu với tư cách một nhân viên viễn thông. Trong ”Đảo Sakura” (Sakurajima, 9/1946) cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông ra mắt sau khi bại trận ông tả cuộc đời của nhóm quân nhân trấn thủ hòn đảo núi lửa phía nam Nhật Bản với tâm sự chờ ngày quân Mỹ đổ bộ mà thôi vì họ vừa kém về nhân số lẫn hỏa lực.

5) Shiina Rinzô (Truy Danh, Lân Tam,1911-73):

Shiina Rinzô thành công trong việc trình bày một sự chuyển hướng về ý thức chính trị trong tác phẩm ”Tiệc rượu nửa khuya” (Shinya no shuuen, 2/1947) và những tác phẩm dưới ảnh hưởng của Dostoievski và các nhà văn hiện sinh.

B) Phái hậu chiến (đợt II)

Cùng với Noma Hiroshi, Ôoka Shôhei là một trong hai nhà văn hàng đầu ở Nhật. Haniya Yutaka, một nhà văn chủ trương tạp chí Cận Đại Văn Học đã công bố kết quả một cuộc bầu phiếu22 của độc giả Nhật Bản về ngôi thứ các nhà văn hậu chiến quan trọng thì Ôoka đã được xếp hạng nhất và Noma hạng ba. Người hạng nhì là Mishima. Kawabata chỉ đứng hàng thứ tư. Trong số 5 tiểu thuyết yêu chuộng nhất thì Ôoka đã có hai là "Lửa Đồng Hoang" (Nobi) và "Đời Tù Binh (Furyo-ki) (được sắp hạng nhất và ba) trong khi Noma chiếm hạng nhì với "Khoảng Chân Không" (Shinkuu Chitai). Sau đó mới tới "Tiếng Núi Rền" (Yama no oto) của Kawabata đứng hạng tư và "Chùa Kim Các" (Kinkakuji) của Mishima hạng năm.

1) Ôoka Shôhei (Đại Cương, Thăng Bình, 1909 - 1988) và văn học tù binh

Ôoka Shôhei sinh ở Tôkyô, có khiếu văn chương, năm mới lên 6 đã gửi bài đăng báo nhi đồng Akai Tori (Con chim đỏ). Ôoka bắt đầu đời văn dưới sự chỉ dẫn của Kobayashi Hideo, nhà bình luận văn học, và Nakahara Chuuya, nhà thơ tài cao nhưng yểu mệnh. Ông theo học văn chương Pháp ở Đại Học Kyôto (1929), nhân đó làm quen với thế giới của văn hào Pháp Stendhal qua "Tu viện thành Parme" (La Chartreuse de Parme)

Bị động viên lúc đã 35 tuổi (6/1944) và gửi đi chiến trường San Jose (đảo Mindanao thuộc Phi Luật Tân. Sau khi lính Mỹ đổ bộ lên đây, ông tuy thoát chết nhưng bị bắt làm tù binh giam trên đảo Leyte. Ông kể lại kinh nghiệm thừa sống thiếu chết nầy trong một cách hết sức tỉ mỉ trong các tác phẩm "Đời tù binh", (Furyo-ki 1948-52), "Lửa đồng hoang" (Nobi, 1948-51), "Chiến sự đảo Leyte" (Reite senki, in năm 1967).

Ông đã nhìn cuộc chiến trên đảo Leyte với cái nhìn của Fabrice trong trận Waterloo như Stendhal đã ghi lại, về một người không có kinh nghiệm gì về chiến tranh mà ngày trước ngày sau bị thảy vào giữa chiến trường để hiểu rằng chiến tranh là một tổng thể của lo sợ, kinh hãi, phẫn nộ và cảm giác thoát nạn, xảy ra từng phút từng giây chứ không phải bình lặng như trong tranh ảnh. Ông thấy mình chỉ là con vật hy sinh của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản.

"Đời tù binh" là đỉnh cao của sự nghiệp văn học của Ôoka Shôhei và nó là điểm khởi hành của những tác phẩm về sau của ông. Trong tác phẩm nầy, ông đã kể lại cuộc sống đầy thoả hiệp và buông thả của 3000 tù nhân mà ước mơ duy nhất là được Mỹ để cho sống còn và đợi ngày về xứ. Nishikawa Nagao23 cho rằng trong cách miêu tả thế giới khép kín của tù binh, ông đã chịu ảnh hưởng của Stendhal trong "Tu viện thành Parme" (La Chatreuse de Parme) và Balzac trong "Tấn Kịch Đời Người" (Comédie Humaine). Tuy nhiên, "Đời Tù Binh" có tính cách tài liệu nhiều hơn là hư cấu. Đỉnh cao của sự rùng rợn trong chiến tranh có thể tìm thấy trong "Lửa đồng hoang", nơi ông nói về đề tài người ăn thịt người.

Tôi để ý một chi tiết đặc biệt nơi những xác người gặp bên vệ đường. Giống như những cái xác tôi đã gặp ở những làng ven biển, nó không còn chút thịt trên mông. Lúc đầu, tôi tưởng tại chó hay quạ nhưng sau tôi mới nghĩ rằng vào mùa mưa như thế nầy, những con vật đó, cũng như đom đóm, làm gì thấy ở chốn rừng núi. Giữa hai trận mưa rào, chỉ có tiếng bồ câu rừng gáy yếu ớt. Chẳng có rắn, không cả bóng ếch nhái.

Thế thì ai đã lóc thịt mấy cái mông? Đầu óc tôi không còn đủ sức để suy diễn. Thế nhưng, một hôm, đứng trước một thây chết hãy còn mơi mới, tôi bỗng thèm ăn một miếng. Tôi bèn hiểu tất cả.

Nếu tôi không từng nghe câu chuyện của những người bị đắm trên chiếc bè Meduse thời xưa, nếu tôi không nghe tin đồn về hành động ăn thịt người của mấy người lính trên đảo Guadanal, cũng như nếu những lời bóng gió của tụi đồng đội có thời đóng ở Tân Ghi-nê mà tôi có dịp đồng hành suốt mấy hôm không bật lên trong óc tôi, không hiểu tôi có thèm muốn hay không? Tôi ngờ vực điều nầy lắm.”

“Trời đổ mưa. Trên tấm thân ướt đẫm của hắn, nước cuốn theo cả mấy con muỗi. Trong khi đó, lũ vắt bắt đầu rơi xuống từ các cành cây cùng với những giọt nước. Những con rơi đến mặt đất, ở quá xa, bò ngược về hướng con mồi. Chúng thu người lại rồi duổi ra hết cả chiều dài.

- Thiên hoàng vạn tuế! Đại đế quốc Nhật Bản vạn tuế!

Hắn cúi khom lần nữa và lắc lư cái đầu đầy vắt dính như những sợi kim tuyến li ti.

- Tôi muốn về! Cho tôi về. Đừng đánh nhau nữa. Tôi là Phật đây. Nam mô A di Đà Phật. Mô Phật!

Thế nhưng hắn lại có lúc tỉnh táo như khi người sắp chết bổng sáng suốt ra. Hắn nhìn tôi với đôi mắt trong veo và lạnh lùng, đôi mắt của một viên cảnh sát.

- Mầy con đó à? Đi, đi con. Nầy, khi ông chết, cho mầy ăn thịt ông!

Hắn từ từ nâng nhẹ cánh tay trái lên rồi với cánh tay mặt, vỗ đánh đét vào bắp thịt.” (Nobi, chương 28 tựa đề “Kẻ đói và thằng điên”)

Khi về nước, Ôoka viết “Người mệnh phụ ở Musashino” (Musashino Fujin (Vũ Tàng Dã Phu Nhân, 1950) tả mối tình của Akiyama Michiko, một phụ nữ đức hạnh, với anh cháu trai Tsutomu từ chiến trường Miến Điện trở về. Năm 1950, cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ 5 năm và độc giả bắt đầu ngán đọc những tác phẩm chỉ nói về những người lính bại trận. Vì thế, cuốn tiểu thuyết tình cảm nầy rất ăn khách nhất là trong một xã hội mà phong tục đã bắt đầu thay đổi. Chuyện ngoại tình ngày xưa được xem như là một tội ác phải bị xã hội và pháp đình trừng phạt (Dân Luật Nhật Bản điều 183) như thấy trong “Từ Ấy” (Sorekara) và “Cánh Cổng” (Mon) của Sôseki, không còn thấy trong luập pháp hậu chiến. Do đó, sự giữ gìn tiết hạnh trong xã hội mới chỉ có ý nghĩa tự nguyện chứ không bắt buộc.

Musashino, nơi Tsutomu, người lính phục viên gặp lại người bà con và cũng là cô bạn thời trẻ Michiko, là vùng ngoại ô còn giữ được cái xanh mát của thiên nhiên trong khi Tôkyô chỉ trơ như đống tro tàn sau những cuộc dội bom của Đồng Minh. Khung cảnh của Musashino được coi như là “nhân vật thứ ba” của cuốn truyện. Rốt cục Michiko tự tử chết vì cô vẫn là người coi trọng tiết hạnh kiểu cổ. Một lý do khác làm cô phải chết là chiến tranh đã thay đổi Tsutomu của cô. Giữa cô và con người mà cô từng biết, chiến tranh đã dựng nên một bức tường khó vượt qua.

Tuy "Người mệnh phụ ở Musashino" là một tiểu thuyết phân tích tâm lý và xã hội nhưng nó là bằng chứng cho thấy chiến tranh hãy vẫn không ngừng ám ảnh Ôoka. Cho đến năm 1971, Ôoka còn từ chối vinh dự được nhận vào Hàn Lâm Viện Nhật Bản, lấy lý do quá khứ tù binh của mình. Ông còn viết "Bóng Hoa" (Kaei, 1961) kể chuyện đời các cô gái bán "ba" ở Ginza, Thời Thơ Ấu (Yônen, 1973), Thời Niên Thiếu, (Shônen, 1975), hai tập hồi ký về tuổi trẻ của mình.

2)Takeda Taijun (Vũ Điền, Thái Thuần, 1912 - 1976)

Takeda Taijun, sinh ở Tôkyô, là bạn học cùng năm với nhà bình luận và chuyên môn về Trung Quốc Takeuchi Yoshimi ở khoa Hoa văn trường Đại Học Đông Kinh. Con một tu viện trưởng Phật Giáo (sư thế tục), ông đã đi theo con đường của gia đình, học Phật. Ông đọc Hồ Thích, Lỗ Tấn, Hồng Lâu Mộng suốt thời trẻ. Bị gửi đi chiến trường Hoa Trung năm 1937, trong 2 năm trời, ông chứng kiến những nỗi bất hạnh của người dân Trung Quốc. Khi về (1939) ông viết Shi-ma Qian (Tư Mã Thiên), về người mà ông xem đã “sống vượt lên sự nhục nhã”, nói về cái khổ nhục của một trí thức nghiên cứu Trung Quốc như ông mà phải đi đàn áp dân Trung Quốc. Ông cũng nhân đó đả kích chính trị thuộc địa của Nhật Bản.

Năm 1944, ông trở lại Thượng Hải sống đời dân sự một thời gian và chứng kiến cảnh Nhật bại trận. Kinh nghiệm nầy giúp ông viết nhiều đoản thiên về tình cảnh của một người Nhật sống sót trên đất nước người. Như Ôoka, ông cũng viết về chuyện người ăn thịt người trong thời chiến và cảnh tòa án phán quyết về hành động đó trong ịáRêu Óng ÁnháỂ (Hikarigoke, 1954), như thể tác giả muốn ví nó với Tòa Án Quốc Tế Tôkyô xử chiến phạm (1946-1948). Các tác phẩm khác của ông là "Hoa truyền theo gió" (Fuubaika) và "Khoái lạc" (Keraku).

(Còn tiếp)

Nguyễn Nam Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25785)
Rời Sài Gòn từ buổi sáng sớm, khi chưa có những rối loạn xe cộ và ồn ào tiếng động. Theo quốc lộ 1A đi về hướng tây nam, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang qua huyện Cái Bè, đổi qua tỉnh lộ 30 tới Đồng Tháp.
07 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25594)
Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự ít ỏi còn sót lại của thời Lý - Trần, bên cạnh các tác phẩm Việt điện u linh, Tam tổ thực lục, Thiền uyển tập anh, Nam Ông mộng lục. ..
07 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25991)
Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là Ủy Hội Sông Mekong/ MRC phải chứng tỏ sự lãnh đạo trong những lượng giá bước đầu các chương trình phát triển quan trọng, trong đó bao gồm cả khai thác nguồn thuỷ điện sông Mekong. [Tuyên cáo của các Tổ chức Tài trợ MRC]
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 24449)
Như Trang Châu đã viết: Ngọn gió thổi qua rặng núi, phát ra muôn vạn âm thanh khác nhau. Người đời chỉ tri nghiệm được những muôn vàn âm thanh đó, ít khi hiểu được uyên nguyên của ngọn gió.
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 26978)
Từ lâu, người ta đã quen với việc đọc mười quyển sử đã ra đời rồi đọc quyển thứ mười một của người "sưu tập" sử phẩm viết tiếp theo, người này đến sau nhưng có khi cũng không hơn gì mười ông trước.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 28152)
Tù binh: bằng chứng quá khứ và dấu vết ngày nay Đánh nhau, bắt tù binh thì đời nào trước Lí cũng có, tù binh cũng được hiểu là có trong những trận chỉ nói việc thu chiến lợi phẩm gồm của cải, ngựa xe...
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30084)
Chủ nghĩa hậu hiện đại loại bỏ tham vọng của chủ nghĩa tiên phong trở thành một phong cách nghệ thuật mang tính khởi nguyên lịch sử, tính cách tân, sự thuần khiết khép kín và sự chiếm lĩnh thật sự tuyệt đối thực tại cao cả.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30895)
Trong các cuộc tranh luận, chủ nghĩa hậu hiện đại được lí giải như một hiện tượng thuần phương Tây, mà, nếu như có liên quan tới các nền văn hóa không phải phương Tây, như Nhật Bản chẳng hạn, thì nó chỉ là kết quả của quá trình tây hóa không tránh khỏi và ngày càng gia tăng ở các nước này. Bài viết của chúng tôi nói về những quy luật phát triển văn hóa ở thế kỉ XX, có thể xem như là những quy luật chung cho cả phương Tây lẫn nước Nga, mặc dù trong thời đại đã qua nước Nga phân liệt với thế giới phương Tây và đối lập với nó.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 27399)
Phần tóm lược dưới đây chỉ nhằm cung cấp cho bạn đọc một tấm “bản đồ” của các lý thuyết văn học lớn trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Khi đọc, xin bạn đọc lưu ý cho một điểm: không có một lý thuyết nào có thể được tóm lược một cách trung thành và trung thực, do đó, tấm “bản đồ” này chỉ nên được sử dụng như một cơ sở để tham khảo, từ đó, đọc thêm, hơn là để đánh giá các lý thuyết ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 26466)
Hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính (20/1/1966), tác phẩm của nhà thơ này mới thoát khỏi cõi “im lặng đáng sợ” của sự quên lãng chẳng biết vô tình hay cố ý của những ai ai, trở lại được in ấn, đăng tải, bàn luận. Từ 1986, những sưu tập, tuyển tập thơ Nguyễn Bính liên tục được in ra, liên tục có mặt trên giá các quầy sách các hiệu sách