- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ? (phần 2)

18 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25634)
(tiếp theo Hợp Lưu số 93)

II. THỰC CHĂNG BÙI VIỆN TỚI MỸ?

Vào hạ bán thế kỷ XX, xuất hiện ở Nam Việt Nam một huyền thoại là dưới triều Tự Đức, Bùi Viện đã hai lần đến Mỹ, và năm 1873 (Quí Dậu) được đích thân Tổng thống Ulysses S. Grant (1869-1877) tiếp đón. Trước năm 1975, tại quận 2 Sài Gòn cũng có một đường nhỏ đặt tên Bùi Viện - nơi khách ăn nhậu bình dân ưa hẹn hò thưởng thức những món đặc thù miền Nam như lươn, cá, v.. v... Dù thực ra chẳng mấy người biết hay mất công tìm hiểu Bùi Viện là ai. Năm 1967, khi tiếp kiến đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, Tổng thống Lyndon B. Johnson (1963-1969) cũng nhắc đến "sứ thần" đầu tiên người Việt là Bùi Viện.

Tuy nhiên, cho tới đầu thế kỷ XXI, chuyến đi Mỹ của Bùi Viện vào thập niên 1870 còn là dấu hỏi lớn.

A. BÙI VIỆN QUA MỸ?

1. Cả 3 tài liệu Việt ngữ xuất bản tại Nam Việt Nam dẫn trên đều chép việc Bùi Viện qua Mỹ. Tuy nhiên, chi tiết khác nhau đáng kể.

a. Nhóm tác giả Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ ghi Bùi Viện được phái sang Quảng Đông để tìm cách mở mang việc buôn bán với ngoại quốc. Tại đây, ông kết giao với con Lãnh sự Mỹ và được người này hứa đem qua Mỹ xin viện trợ. Bùi Viện phải về Huế xin phép vua. Vua chưa tin, phái ông qua Hong Kong hỏi cho chắc chắn rồi mới ban quốc thư. Sợ tốn thì giờ, Bùi Viện mạo quốc thư, rồi tự chế áo mão tam phẩm qua Hong Kong. Chính phủ Mỹ đồng ý giúp, cử đại diện qua Việt Nam. Tự Đức không bắt tội, lại ban cho ông danh nghĩa chính thức qua Mỹ xin viện trợ. Nhưng thời gian này, tình hình đã thay đổi. Dù đồng ý giúp, Mỹ đòi phải ứng trước 2 triệu quan để làm quân phí. Ông về tâu vua, vua cho phép kinh doanh để kiếm ra số tiền 2 triệu quan đó. Đình thần hay được, khép ông vào tội khi quân, giam ông đến chết.

b. Trịnh Văn Thanh có chi tiết tương tự như nhóm Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (giả quốc thư, áo mão); nhưng thêm về nước Bùi Viện được vua phong làm "Tham biện thương chánh" cùng với Nguyễn Tăng Doãn coi việc thương chính ở Bắc Kỳ.

c. Nguyễn Quốc Thắng & Nguyễn Bá Thế ghi năm 1873 Bùi Viện được gặp Tổng thống Ulysses S. Grant. Grant có thiện cảm, nhưng không đồng ý viện trợ. Về nước, Tự Đức bổ làm Tham Tri [2-2], rồi Tham chính thương biện [4-1?], cùng Nguyễn Tăng Doãn lo việc thương chính ở Bắc Kỳ. Ít lâu sau, làm Chánh quản đốc Nha tuần tải. Ngày 1/11 Mậu Dần (1878) ông mất.

d. Năm 1962, Thái Văn Kiểm cũng công bố bằng Pháp ngữ việc Bùi Viện đến Mỹ. Theo tác giả, Bùi Viện nhận lệnh Tự Đức qua Hong Kong tiếp xúc đại diện các cường quốc ở đây, hy vọng dùng áp lực quốc tế chống lại âm mưu thôn tính Đại Nam của Pháp. Qua sự giới thiệu của Lãnh sự Mỹ ở Hong Kong, Bùi Viện sang Nhật, gặp Lãnh sự Mỹ ở Hoành Tân [Yokohama]. Từ đây, mùa Đông năm 1873, Bùi Viện qua San Francisco, rồi được Tổng thống "Simpson Grant" tiếp kiến. Nhưng vì Bùi Viện không có quốc thư, nên Grant không hứa hẹn điều gì. (63)

B. BÙI VIỆN VÀ SỬ LIỆU:

Sử nhà Nguyễn xác nhận Bùi Viện là một tác nhân lịch sử. Hai nguồn tư liệu chính - Nguyễn Triều Châu Bản, Tự Đức [CBTĐ], và Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB] - đều đề cập đến Bùi Viện.

1. Thực Lục ghi Bùi Viện được bổ làm quản đốc Nha Tuần tải năm 1877. Nha này gồm "Chánh, phó quản đốc một người; bát, cửu phẩm mỗi chức 1 người; thư lại, 6 người; mộ dũng quyền quản, 2 người; quyền suất, 6 người; điển tu, 1 người." (64)

2. Hơn một năm sau, Tháng Chạp Mậu Dần (12/1878-1/1879), ĐNTLCB ghi bộ Hộ đề cử Nguyễn Hữu Thục làm Phó Đề đốc Nam Định, thay Bùi Viện cai quản Nha tuần tải. "Bùi Viện để thiếu rất nhiều; em là Bùi Bổng phải nhận lĩnh chở thuê để khấu trừ." Tuy nhiên, Hộ đốc Nam Định Nguyễn Trọng Hợp [Hiệp] (1838-1902) không nhận Thục vì "chưa làm được việc gì đã lĩnh 10 vạn quan tiền công." Vua đồng ý, cho Hợp tự lo liệu. Tổng đốc Hợp sửa lại 4 tàu thương hiệu, chọn phái các viên lãnh mộ, sử dụng tới hơn 130 người Thanh, cho thuyền và dõng binh ra biển tập luyện. Lại ủy cho bọn bang biện người Thanh đứng ra bảo nhận thuê các hiệu thuyền Thanh đi tải. Hợp cũng tố cáo ra vụ án tham ô tại Nam Định, khiến nhiều người bị phạt.( 65)

3. Nguyễn Triều Châu Bản - tức tư liệu Nội các, Viện Cơ Mật và 6 bộ của triều đình, có bút phê mực đỏ [son] của vua, giống như các văn khố ngoại quốc - cung cấp nhiều chi tiết hơn về thành tích làm quan của Bùi Viện.( 66)

a. Về thân thế Bùi Viện, Châu Bản Tự Đức cho biết ông sinh năm Đinh Dậu (1837). Ngày 10/12/1870, Bộ Lễ trình việc Bùi Viện và em là Bùi Bổng (hay Phụng) xin Quyền lãnh Tổng đốc Định Yên Nguyễn Hiên cho cải chính năm sinh, vì lý trưởng ghi sai. Hai người mới đỗ Cử nhân (Bùi Bổng năm 1867 và Bùi Viện ân khoa tháng 10/1868). Bùi Viện xin sửa năm sinh thành Đinh Dậu (1837); Bùi Bổng, năm Quý Mão (1843). Tỉnh ấy xét thấy là sự thực xin thẩm biện. Bộ Lễ thấy hai viên đó đều biết chữ, đáng lẽ khi đăng bảng thi Hương phải xin cải chính ngay, không nên đợi đến sau khi đã thi Hội mới hành động. Đề nghị cho cải chính, nhưng theo lệ phạt 6 tháng lương để răn đe. Sẽ bắt đầu khi bổ nhiệm.( 67)

b. Về ngày mất, CBTĐ ghi Bùi Viện ốm chết đêm mồng 1/11 Mậu Dần (24/11/1878). Cái chết đột ngột này khiến Nguyễn Văn Tường và các quan chức cho lệnh tiến hành việc kiểm kê tất cả hóa vật và thuyền tải để tránh thất thoát. (68)

c. Về sự nghiệp quan trường, CBTĐ cung cấp nhiều chi tiết đáng giá. Trước hết, ngày 15/10/1877 Bùi Viện được giao nắm cơ quan đặc trách việc chuyên chở đường thủy này. Vũ Ban làm Phó Quản đốc. (69)

d. Khoảng hơn một tháng sau, ngày 18/11/1877, bộ Hộ và bộ Binh trình việc Bùi Viện đã mộ binh dõng, chỉnh bị chiến thuyền; xin khởi sự tiễu trừ giặc biển. Ngày này, bộ Hộ và bộ Binh cũng báo Bùi Viện đã tổ chức bảo vệ và thu tiền bảo hiểm các thương thuyền để phụ vào chi phí của Nha Tuần tải. (70)

e. Ngày 14/9/1878, bộ Hộ trình việc Bùi Viện can tội hối lộ nên không được xét thưởng. (71)

f. Ngày 19/2/1879, bộ Hộ trình việc Bùi Viện vay 100 lạng bạc từ kho Nam Định, bị khiển trách. (72)

g. Trong ba năm 1878-1880, bộ Hộ nhiều lần trình việc các tàu thuyền do Bùi Viện và Bùi Bổng [Phụng] thuê chở hàng hóa đâm phải đá ngầm bị đắm và phải đền bù hàng hóa bị hư hỏng, thiếu hụt. (73)

h. Ngày 29/3/1878, Nguyễn Trọng Hợp trình Viện Thương bạc báo cáo của Bùi Viện về tình hình tiểu phỉ và hai bản đồ. (74)

Ngoài ra, còn hơn 10 tài liệu khác, đều không liên quan đến việc Bùi Viện xuất ngoại hay tiếp xúc với người Mỹ.

4. Nha Tuần tải chuyên trách việc vận tải đường thủy các hàng hóa, thóc gạo, tiền và vũ khí. Mặc dù nhà Nguyễn có nhiều thuyền công, từ triều Gia Long đã có thói quen thuê thuyền buôn tư nhân người Thanh trong dịch vụ này. Hai trong những lý do là nạn hải tặc và kinh nghiệm hàng hải. Việc mở cửa Ninh Hải (cửa Cấm) tức Hải Phòng sứ tỉnh Hải Dương cho việc giao thương từ năm 1875-1876, cộng với việc cắt đứt Nam Kỳ cho Pháp, khiến vai trò tuần hải ở miền Bắc ngày thêm quan trọng. Năm 1875, tổng số tàu tuần biển và chở hàng là 403 chiếc (hư hỏng vì gió, giặc, 9 chiếc). Năm sau lên tới 458 chiếc (hỏng việc, 22 chiếc). Năm 1877, 345 chiếc (30 chuyến bị trở ngại vì bão, v.. v...). Khoảng 5,000 người Hoa đã di dân tới Ninh Hải trong hai thập niên 1860-1870, tạo thành giai tầng trung gian kinh tế quan trọng cho cả triều Nguyễn lẫn các lãnh sự Pháp. Tham biện đầu tiên ở trạm thuế Ninh Hải là Linh mục Nguyễn Hữu Cư hay Thơ, trước đó phục vụ tại Hành nhân ty, và từng tháp tùng sứ đoàn Lê Tuấn vào Sài Gòn bàn định Hiệp ước 15/3/1874. Khi từ Ninh Hải trở lại Huế năm 1880, Linh mục Cư - có lẽ vì vụ khám phá ra âm mưu nổi loạn của Huyện Thy - bị Đại biện Rheinart des Essarts kết tội "chống Pháp" và nghi ngờ là gián điệp, không thân Pháp như Nguyễn Hoằng, một Linh mục khác làm Hành nhân từ năm 1866, mới bị cách chức. Nhưng qua khả năng mà Giám đốc chủng viện Thợ Đúc, Jean Nicolas Renauld (1809-1898), khen ngợi Rheinart - tức muốn "mua [được] cả ngai vàng nhà Nguyễn" [móc nối Hoàng tử Ưng Chơn và các Hoàng thân, công tử] - sau này Rheinart cũng biến Cư thành một nhân viên ăn lương Tòa Khâm. (75)

C. LỊCH SỬ HAY HUYỀN THOẠI?

Cho tới đầu thế kỷ XXI, chưa một tư liệu văn khố nào giúp chứng minh Bùi Viện đã qua Mỹ.

1. Văn khố Mỹ: Các nhà nghiên cứu làm việc tại văn khố Bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định chưa có dấu vết Bùi Viện qua Mỹ, hoặc tiếp xúc với lãnh sự Mỹ ở Hong Kong hay Nhật. "Sứ đoàn Bùi Viện" vào thời Grant chẳng là bí mật an ninh quốc gia để phải giữ kín (như hoạt động của cơ quan OSS tại Trung Hoa và Đông Dương trước năm 1945, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, 1945-1975). Bởi vậy, sự im lặng này của văn khố ngoại giao Mỹ thật đáng ngạc nhiên - nếu quả thực Bùi Viện đã tới Mỹ. Và, hầu như bất khả, nếu được Grant tiếp kiến.

2. Văn khố Việt: Tư liệu triều Tự Đức cũng im lặng. Châu Bản và Thực Lục, như đã giải trình ở phần trên, chỉ cung cấp thông tin về Đội Tuần tải hay cá nhân Bùi Viện. Không có ánh sáng nào về các công tác khác - như qua Hong Kong, Nhật hay Mỹ.

Dĩ nhiên, do tình trạng bị hư hại, mất mát của Châu bản nhà Nguyễn suốt hơn một thế kỷ - phần vì khí hậu, phần vì phương pháp bảo quản, chiến tranh, và nhiều lần di chuyển - có khả năng tư liệu liên quan đến chuyến đi Mỹ hay Hong Kong của Bùi Viện bị mất. (76) Một giả thuyết để làm việc khác là ngày đó, vì chức vị còn nhỏ, có thể Bùi Viện đã tháp tùng một sứ đoàn nào đó qua Hong Kong. Bởi thế, không thể không tra cứu thêm các tư liệu liên hệ đến ngoại giao trong giai đoạn 1870-1878 - như chuyến qua Hong Kong của Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Tăng Doãn và Nguyễn Huy Hỗn - mới hy vọng phá vỡ được sự im lặng quanh chuyến đi Mỹ của Bùi Viện trong các văn khố Việt.

3. Văn khố Việt và chính sách ngoại giao của Tự Đức: Từ thập niên 1860, tưởng nên nhấn mạnh, triều Nguyễn đã thu gặt được một số bài học vỡ lòng về ngoại giao theo kiểu Tây phương đương thời. Tự Đức là một nho sĩ xuất sắc, muốn được so sánh với Hán Văn Đế, yêu thích sử và văn thơ. Nhưng vua không được trang bị và cũng thiếu khả năng lãnh đạo một vương quốc trong cơn bão táp thực dân.

Có bốn yếu tố chính khiến Tự Đức rơi vào cảnh "đánh chẳng được, hòa chẳng yên," hành xử như loài ngựa vằn húc đầu vào bụi rậm chờ ngày bị mãnh thú nhai nuốt. Thứ nhất, một yếu tố vượt ngoài sự kiểm soát của vua, là gánh nặng di sản văn hóa/chính trị mà vua được di chiếu phải bảo vệ - tức tự cô lập và cấm đạo từ thời Minh Mạng. Chính sách này đẩy khối giáo dân Việt vào thế tử thù của chế độ, và không ít người sẵn sàng nương tựa Pháp để lật đổ Tự Đức. Lá thư của Petrus Key chuyển đến tay Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào cuối tháng 3/1859, hay những toán thổ phỉ và hải tặc Ki-tô trong nỗ lực mở mặt trận thứ hai ở Bắc Kỳ của Vũ Văn Kịch, v.. v... từ thập niên 1850 là những thí dụ tiêu biểu. Đồng thời, chính phủ Pháp cũng tìm thấy một cái cớ để biện minh "quyền" đánh chiếm Đại Nam, lập một tân trào dựa trên các thày kẻ giảng và 600,000 giáo dân bản xứ. (77) Thứ hai, là chứng bệnh kinh niên từ nhỏ - chóng mặt, nhức đầu, khiến thân thể gầy ốm, chỉ sống được nhờ thuốc men (mà có người cho là bệnh động kinh) - khiến từ giữa thập niên 1870 khả năng cai trị của Tự Đức chỉ còn thu gọn trong vòng cấm thành. Thứ ba, là bóng đen của các phụ chính đại thần, đặc biệt là Trương Đăng Quế, cho tới khoảng năm 1862; và sự sụp đổ của cả hệ thống trật tự chính trị/xã hội dựa trên Khổng giáo, qui tâm về Yên Kinh. Thứ tư là ảnh hưởng của Từ Dụ thái hậu, con bồ câu lớn nhất tại Huế - một chiếc bóng mờ của Từ Hi thái hậu nhà Thanh - nhưng đủ ảnh hưởng bắt Tự Đức đổi bằng mọi giá việc tôn trọng vài chục mẫu đất hương hỏa nhà họ Phạm và họ Hồ trong các hiệp ước 1862 và 1874.

Từ ngày được đích thân cầm quyền, Tự Đức thử nghiệm nhiều cải cách, như củng cố và tăng gia quyền lực hoàng tộc theo lối nhà Thanh; hay, trái với cảm nhận đại chúng do các nguồn thông tin thuộc địa và truyền giáo, từng sử dụng nhóm duy tân Trần Tiễn Thành, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, v.. v... Năm 1866, Tự Đức cũng gửi một sứ đoàn qua Pháp, do Giám mục J. D. Gauthier cầm đầu, có Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Điều tháp tùng. Nhưng khi Gauthier trở lại Huế, biến cố Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây và phản ứng của giới văn thân khiến kế hoạch thành lập một trường Quốc Học bị hủy bỏ. Hơn nữa Gauthier cũng chẳng tìm được nhân tài Pháp nào để giúp kế hoạch duy tân của Tự Đức có hy vọng thành công. Tuy nhiên, Trần Tiễn Thành - thay Trương Đăng Quế từ năm 1862 - vẫn tiếp tục nỗ lực cải thiện hoặc thiết lập quan hệ với các nước. Ảnh hưởng những điều trần của Nguyễn Trường Tộ - một nhân vật huyền thoại khác trong lịch sử Việt, chưa được nghiên cứu kỹ càng - khiến Huế tìm cách học hỏi kinh nghiệm từ Bangkok, và những nỗ lực tiếp cận Bri-tên, Espania và một số cường quốc khác như những đối lực với Pháp. (78)

Kinh nghiệm thương thuyết với Pháp từ năm 1859 - như cử đại sứ toàn quyền để ký thương ước, hòa ước cắt đất cùng trả tiền bồi thường chiến phí, v.. v... - cũng khiến Tự Đức muốn chuyên nghiệp hóa ngành ngoại giao; trước đây chỉ đóng khung trong hệ thống "thông hiếu" [tributary network], tức nước nhỏ thờ nước lớn, cho tới ngày bị thượng quốc thôn tính, tiêu diệt và lập miếu thờ. Nhà Thanh còn đóng góp thêm kinh nghiệm lập một cơ quan ngoại giao riêng, tức Tổng lí các quốc thông thương sự vụ nha môn - gọi tắt là Tổng lí nha môn, Dinh thự (phòng phiên dịch), hay Tổng thự (phòng trung tâm) - chính thức hoạt động ngày 11/3/1861. Vì Đại Nam là một nước nhỏ, Tự Đức không muốn lập Tổng li, chỉ đặt chức Thương bạc Đại thần từ tháng 10/1873. (79)

Tuy nhiên, thế kỷ XIX vẫn còn là thế kỷ cường quốc kiêu hãnh đặt tên cho những cuộc xâm chiếm nước nhỏ là gánh nặng của người da trắng. Một Thủ tướng Pháp được mang biệt danh le Tonkinois - không vì ông ta sinh ra ở Hà Nội hay Bắc Kỳ - mà vì chủ trương đánh chiếm miền Bắc. Bởi thế, những nỗ lực ngoại giao mà Nguyễn Trường Tộ và nhiều nhà duy tân đề xướng đều chẳng mang lại kết quả.

a. Nỗ lực nối lại bang giao với Xiêm La từ 1860 hoàn toàn thất bại. Mongkut hay Rama IV (1851-1868) và Surisavong có nhiều việc phải quan tâm hơn bang giao với Huế. Đại diện Xiêm (A La Hàm) tiết lộ phải được Pháp chấp thuận mới có thể "thông hiếu." Năm 1879, Tự Đức cử Nguyễn Hiệp và Đinh Văn Giản đi sứ Xiêm, được Chulalongkorn, tức Rama V (1868-1910), tiếp đãi ân cần và đồng ý gửi sứ qua Huế, dự trù vào tháng 5/1880. Từ tháng 8/1879, Huế đã bỏ công sức chuẩn bị đón tiếp long trọng. Nhưng cuối cùng, Krung-thêp dò ý Lãnh sự Pháp, rồi tuyên bố hủy bỏ sứ đoàn. Uổng phí công sức chuẩn bị đón tiếp là việc nhỏ; chứng nhức đầu kinh niên của Tự Đức hẳn tăng thêm trước thực tế gai góc bị cô lập của "Trung Quốc miền Nam." (80)

Tháng 5/1880, vua sai Thương bạc viết thư phản đối Pháp, viện dẫn điều 3 hiệp ước 1874, theo đó Đại Nam có quyền duy trì ngoại giao với những nước đã có liên hệ cũ, nhưng Thống đốc Pháp không đồng ý, nên "sứ Xiêm không đến được." Năm 1881, Tự Đức lại gửi sứ qua Xiêm. Mùa Xuân 1882, Xiêm mới thuê tàu Pháp chở quà tặng đáp tạ. (81)

Từ năm 1865, Pháp và Xiêm cũng bắt đầu thảo luận về chủ quyền trên Kampuchea - mà theo lối diễn tả của Minh Mạng, giống như miếng xương sườn gà, trông thì ngon, nhưng khó nuốt. Năm 1867, Xiêm đổi quyền bảo hộ Kampuchea cho Pháp, lấy hai tỉnh Battambang và Siamreap. Có lẽ vì thế kinh nghiệm Xiêm La khá hấp dẫn ở thời điểm này. Thực ra, giòng họ Chakri may mắn hơn tài giỏi. Con triều thuộc địa chưa lên đến cao điểm. Năm 1888, Pháp bắt Xiêm cắt nhượng dần bốn tiểu quốc Lào để năm 1893 Liên bang Đông Dương có được 5 xứ. Năm 1907, như một điều kiện để giữ được độc lập, Xiêm phải trả Kampuchea tỉnh Battambang và Sieamreap, và Lào một giải đất thuộc hữu ngạn sông Mekong [Khung giang] phía Bắc vĩ tuyến 15. (82) Và ảnh hưởng Bri-tên thống trị trên Xiêm.

b. Kampuchea cũng khai thác tối đa sự suy yếu của Huế. Dựa thế Pháp, Ang Duong và rồi Norodom khuấy rối biên giới, đòi lại đất đai đã bị yuon [Việt Nam] lấn chiếm. Năm 1859, quan hệ Kampuchea - Đại Nam căng thẳng về việc hơn 1000 người Chàm và Đồ Bà nổi loạn, trốn qua An Giang. Năm sau, quân Khmer quấy nhiễu vùng biên giới, dài theo kinh Vĩnh Tế.

Theo đúng truyền thống, cái chết của Ang Dương vào gần cuối năm 1860 lập tức tạo nên một cuộc tranh chấp nối ngôi giữa Norodom và Sisowath, nhưng lần này Huế không có tiếng nói nào. Oudong còn chẳng bận tâm sai sứ sang An Giang báo tang. Từ ngày Léonard Charner mang quân tới giải tỏa Sài Gòn, đánh phá chiến lũy Kỳ Hòa, rồi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Sài Gòn thay Huế bảo hộ Kampuchea. Ngày 11/8/1863, Norodom ký với Thống đốc Pierre de Lagrandière (1863-1868) một Hiệp ước bảo hộ. Ngày 6/3/1864 - sau một màn biểu dương chiến hạm ở cửa biển Kampot để chặn đường Norodom qua Bangkok, và thượng cờ tam tài trên cung điện Oudong ngày 3/3/1864 - đại diện Pháp là Thiếu tá Louis Marie de Gonzague Doudart de Lagréé mới cùng sứ Xiêm làm lễ đăng quang cho Norodom. Từ đó, Kampuchea thoát cảnh chim hai đầu hướng về cả hai vương quốc láng giềng. (83)

Những cuộc nổi loạn năm 1866-1867 khiến Pháp ngày một can thiệp sâu hơn vào nội tình Kampuchea. Quan chức Việt có thể đứng sau lưng Assoa (Ong Bướm) trong cuộc nổi dạy ở vùng biên giới năm 1866, vì nhân vật tự nhận là con Ang Em (Nặc Yểm) này thực tế chỉ là một cựu nô lệ tị nạn ở An Giang từ năm 1864. Sau đó, còn cho Assoa về Thất Sơn để thu phục dân Khmer. Dưới áp lực Pháp, mùa Hè 1866, Tuần phủ Nguyễn Khắc Thận phải bắt "Ong Bướm" giao nạp.( 84) Năm sau, Tự Đức quyết dứt tình với sáu tỉnh miền Nam - dù lúc nào cũng thở than, ao ước chuộc lại - và đồng thời đoạn tuyệt với Kampuchea cùng các tiểu quốc Lào.

c. Cuộc chiến Pháp-Phổ (1870-1871) bừng lên một hy vọng cho Tự Đức hé mở cửa ngoại giao.

Thời gian này, Huế đã biết được tâm ý của soái phủ Sài Gòn. Đề đốc Cornulier-Lucinière (8/1/1870-31/3/1871) [Cô Nô] đòi ký hiệp ước mới, với ba điểm chính: Giao trọn 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cho Pháp; bồi thường Espania 1 triệu đồng; và, muốn giảng hoà với nước khác phải có sự đồng ý của Pháp. Thực ra, những đòi hỏi này chẳng có gì mới, Pháp chỉ muốn được viết thành văn bản để tạo một căn bản công pháp quốc tế: Ba tỉnh miền Tây đã bỏ ngỏ cho Pháp chiếm từ năm 1867 để được miễn tiền bồi thường chiến phí; tiền bồi thường cho Espania chưa được thanh toán; và, trên thực tế, Pháp đã phong tỏa Việt Nam, ngoại trừ liên hệ thương mại với Trung Hoa.

Triều đình có những phản ứng trái ngược nhau. Thân Văn Nhiếp và Hoàng Kế Viêm yêu cầu viết thư tranh luận, bác bẻ và thông báo cho các nước lân bang, như Penang (Hạ-châu), Hong Kong, và phương Tây biết để yêu cầu can thiệp. Nhóm Trần Tiễn Thành chủ trương ôn hòa, chỉ viết thư yêu cầu Pháp xét lại. Tự Đức chấp thuận kế hoạch của Trần Tiễn Thành; nhưng Thống đốc Sài Gòn nói thẳng là không thể thay đổi. Ít lâu sau, nhân cơ hội Pháp thua trận ở Âu châu, đất đai bị Prussia chiếm đóng, Tự Đức viết thư chia buồn việc "quốc chủ" Pháp (Napoléon III) bị bắt, và xin chuộc lại sáu tỉnh miền Nam. Cornulier-Lucinière chỉ cám ơn việc thăm hỏi, không nhắc gì đến Nam Kỳ. (85)

Những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ lại được mang ra thí nghiệm. Nhiều sứ đoàn Việt liên tục qua Hong Kong, Ma Cao để cải thiện quan hệ với ngoại quốc, đặc biệt là Bri-tên. Ngày 24/1/1874, Nguyễn Huy Hỗn báo cáo trong chuyến đi Hong Kong và Ma Cao năm 1873 có người khuyên nên dựa vào Trung Hoa và kết giao với Bri-tên. Ba ngày sau, 27/1, Hỗn trình thêm là đã nói chuyện với quan viên nhà Thanh và lãnh sự Mỹ (nhưng không ghi tên). Rồi ngày 1/2, Nguyễn Huy Hỗn đề nghị gửi sứ qua Yên Kinh thương nghị với các nước để chống âm mưu Pháp phong tỏa việc ngoại thương của Việt Nam. (86)

d. Điểm đáng ghi nhận thứ nhất là không thấy tên Bùi Viện xuất hiện trong báo cáo của sứ đoàn này, hay bất cứ sứ đoàn nào đi Hong Kong trước đó (như sứ đoàn Nguyễn Tăng Doãn, v.. v...).

Điểm thứ hai đáng ghi nhận là chính sách "hé cửa" của Tự Đức - với những bước rụt rè, trong nỗi lo sợ các quan tướng Pháp "nổi giận" - phản ánh một thực trạng chẳng mấy phấn khởi:

(1). Ba sứ đoàn Espania tới Huế năm 1870, 1879 và 1880. Sứ thần năm 1870 ký một thương ước và "đứng vái ba lần" tại điện Văn Minh. Nhưng Espania không đủ khả năng hay ước muốn chống Pháp. Espania cũng không muốn trở thành lá bài của Tự Đức, và chính sách đại cương của Madrid là duy trì và củng cố các thuộc địa hiện hữu. Hai sứ đoàn năm 1879 và 1880 đều do Đại tá Melchor [Manoel] Ordonez, Tổng Tư lệnh Philippines, và Marino Fernandez de Henestrosa, thư ký của phái đoàn Ki-tô đặc biệt ở Việt Nam, cầm đầu. Ngày 27/1/1880 [16/12 Kỷ Mão], Đỗ Đăng Đệ và Hoàng Diệu ký thương ước mới với Ordonez. Tuy nhiên, Espania cho Pháp quyền quản trị các giáo sĩ Espania ở Bắc Kỳ và chịu trách nhiệm số tiền bồi hoàn chiến phí mà Tự Đức còn thiếu. Ngày 26/9/1880, Ordonez trở lại Huế, trao đổi văn bản thương ước được phê chuẩn. Nhưng Espania chẳng có dấu hiệu nào đáp ứng sự trông đợi của Huế (như tiền bồi hoàn chiến phí). Tháng 3/1882, vừa lo sợ vừa giận dữ trước tin Paris đã quyết chiếm Bắc Kỳ, Tự Đức từ chối ban huy chương cho lãnh sự Espania ở Sài Gòn "vì thương ước chưa thực hiện được điều khoản nào; lại không có công trạng gì." (87)

(2). Việc tiếp xúc với Bri-tên đã mở ra từ thập niên 1860. Nhu cầu mua khi giới, tàu chiến và đạn dược, quân nhu giúp quan hệ với Hong Kong gia tăng. Năm 1866, xảy ra việc hãng buôn Bri-tên Bonan [Phố Na] ở Hong Kong đòi triều đình Huế phải cho thu thuế thuốc phiện ở các hải cảng Đại Nam để trừ vào số tiền mua tàu Mẫn Thỏa, nhưng cuối cùng được dàn xếp ổn thỏa. Tháng 8/1867, Nguyễn Tri Phương, Võ Trọng Bình và Trần Tiễn Thành trình việc thông ngôn Nguyễn Đức Hậu, khi qua Hong Kong trao trả nạn nhân đắm tàu, được người Bri-tên nói sẵn sàng giúp chống Pháp, và xin gửi Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Thúy cùng thông ngôn Hậu qua Hong Kong tạ ơn. (88)

Dĩ nhiên, một số viên chức Bri-tên chẳng ưa gì Pháp (và ngược lại). Nhưng ở thời điểm này, London chủ trương liên minh với Paris có lợi hơn kình chống lẫn nhau. Từ thập niên 1830, liên minh này không chỉ khiến Yên Kinh nghiêng ngửa trong nỗ lực của Bri-tên và Pháp nhằm bảo vệ quyền tự do hút thuốc phiện và tự do tín ngưỡng của dân Trung Hoa, mà còn khiến Nga phải chịu khuất phục. Bởi thế, nỗ lực cải thiện liên hệ với Bri-tên, qua Hong Kong và Singapore, đều không có hồi âm từ Bộ Ngoại Giao (Foreign Office). Trong khi đó, Bri-tên bổ nhiệm một Lãnh sự tại Sài Gòn từ hạ bán thập niên 1860. Việc ký Hiệp ước 1874 và phụ ước thương mại khiến London thắc mắc về quyền tài phán của các lãnh sự Pháp tại các cảng sắp mở ra ở Bắc và Trung Kỳ. Nhưng Bri-tên vui vẻ chấp thuận lời giải thích của Ngoại trưởng Decazes ngày 24/3/1875 là Pháp sẽ tạm thời cho phép các lãnh sự ngoại quốc xét xử công dân nước họ. (89) Giữa tháng 12/1881, khi Lý Hồng Chương đề nghị Thomas Wade, Đại sứ Bri-tên ở Yên Kinh, ký hiệp ước với Đại Nam, Wade nói ví thử có ký được thương ước với Huế, hiệp ước này không thể vượt ngoài khuôn khổ Hiệp ước Pháp-Việt 1874. (90)

Tóm lại, Bri-tên–đối lực duy nhất của Pháp mà nhiều người Việt, kể cả Nguyễn Trường Tộ kỳ vọng - chẳng muốn tự biến thành lá bài của Yên Kinh hay Tự Đức.

(3). Quan hệ với Prussia chẳng có dấu hiệu phát triển. Cuộc viễn chinh trục xuất Jean Dupuis khỏi miền Bắc năm 1873 và Hiệp ước "bảo trợ" 1874 ít nhiều ảnh hưởng.

Ngày 6/4/1875, chiến hạm Wolf của Prussia tới Hải Phòng, tìm cách tiếp xúc viên chức Việt. Sau đó vào Đà Nẵng, với ý định lên Huế. Huế hỏi ý kiến Lãnh sự Pháp; và được khuyên là chỉ nên theo thủ tục thông thường, cho quan chức địa phương tiếp, rồi đến Thương Bạc. Thuyền trưởng bỏ đi. Tháng 11/1878, trong dịp tiếp kiến Đại sứ Pháp Saint-Vallier, Bismark tiết lộ một số nhà thám hiểm Prussia yêu cầu nên khai khẩn sông Hồng, một thủy lộ dẫn vào Vân Nam, vì Pháp có ý bỏ rơi vùng đất này. Nhưng Bismark không muốn thiết lập thuộc địa ở hải ngoại, và nghĩ rằng Bắc Kỳ hình như đã nằm trong quĩ đạo Pháp. Bởi thế, Bismark muốn biết rõ ý định Paris. Nhận được lời khẳng định của Ngoại trưởng Waddington là Pháp coi vấn đề Bắc Kỳ chỉ có tính cách thời gian, Bismark nói trong trường hợp Pháp bỏ rơi miền Bắc, Berlin sẽ tự coi có toàn quyền hành động. Ngày 26/7/1880, Freycnet nói với Jauréguiberry là Germany cho biết không phản đối việc Pháp chiếm Bắc Kỳ. (91)

(4). Các phái viên của Tự Đức còn tiếp xúc được vài nhà buôn Nga, như Lạc Sĩ Điền hay Xuy Di để mua diêm tiêu làm thuốc súng. Nhưng hàng không tốt, Phạm Phú Thứ còn bị thư nặc danh tố cáo móc ngoặc Nga thương kiếm lợi. Năm 1871, bộ Hộ, Binh và Công cho rằng không nên mua đồng, gang, súng và máy móc của Nga vì khó sử dụng. Đề nghị bán tàu và khí giới cho Việt Nam của thương gia Nga cũng không đạt kết quả. Kết quả cuối cùng là một vụ kiện ở Hong Kong, và sau khi chỉ được bồi thường 6 vạn nguyên. Lạc Sĩ Điền bỏ về nước với lời đe dọa sẽ mang binh thuyền qua đánh Hong Kong để trả hận!( 92)

(5). Một số nhà duy tân, như Đặng Huy Trứ, cổ võ việc noi gương Nhật Bản. Nhưng những nỗ lực tiếp xúc Nhật chỉ đưa đến việc mua đại bác. Tokyo đang bận rộn về vấn đề Đài Loan, nên chưa có thời gian nghĩ đến vùng nampo [biển Nam]. Cuối cùng, Bố chính sứ Trứ bị thất sủng, ốm chết ở Hà Nội, vì "nói thì cao mà tài thì kém." (93)

(6). Liên bang Mỹ, như đã lược nhắc, không còn nỗ lực nào để mở quan hệ với "An Nam" sau năm 1851. Mặc dù Hải quân Trung tá Matthew Perry và các nhà ngoại giao nhắc đến "Cochin-china" hay "Tonquin" trong các báo cáo của họ, Oat-shinh-tân chẳng mấy quan tâm đến phần lãnh thổ còn lại của Đại Nam. Chủ trương "American business is business"- tức thương mại là hòn đá tảng - thống trị chính sách ngoại giao Mỹ thời gian này. Cung cấp vũ khí cho Xiêm hay Trung Hoa, cùng dầu hỏa cho Nam Kỳ thuộc Pháp mang lại những lợi tức đáng kể. Mỹ và Pháp cũng có liên hệ khá tốt đẹp: Bức tượng nữ thần Tự Do ở New York là món quà lập quốc của Pháp. Thêm vào đó, cuộc nội chiến Bắc-Nam (1861-1865) và nhu cầu tái thiết cùng Tây tiến khiến Mỹ mất cơ hội tranh chấp thuộc địa ở Viễn Đông.

Tư liệu Mỹ cũng tiết lộ từ thập niên 1870, các nhà ngoại giao Mỹ tại Yên Kinh, Hong Kong, Singapore hay Bangkok chỉ chú ý đến Sài Gòn. Tàu Mỹ chở than và gạo trên đường Hong Kong-Sài Gòn mỗi năm lên tới 30 chiếc. Có trường hợp thủy thủ nổi loạn, cần giúp đỡ trên bờ. Họ đề nghị Bộ Ngoại Giao đặt tại Sài Gòn một đại diện thương mại hay nhân viên lãnh sự, nhưng năm 1873, Ngoại trưởng Hamilton Fish không tán thành.

Mười lăm năm sau, vào tháng 9/1888, BNG Mỹ mới đồng ý cử Aimée Fonsales, thuộc công ty Denis Frères, làm đại diện thương mại ở Sài Gòn. Fonsales nhận chức ngày 10/3/1889. Năm 1893, Schneegans thay Fonsales. Ba năm sau, 1896, Lauritz Stang thay Schneegans. Sau ngày chiếm Philippines năm 1898, Mỹ mới có một Phó Lãnh sự ở Sài Gòn. Năm 1908, Jacob E. Connor, được cử làm lãnh sự. Tháng 5/1908, hai chiến hạm Mỹ thăm Sài Gòn. Năm sau, 1909, Joblin thay Connor. (94)

Nên ghi thêm là dù đình thần nhiều lần nhắc đến Mỹ trong các cuộc bàn luận, cho tới đầu Thế chiến thứ hai (1939-1945), chưa một quan hệ nào được thiết lập, và có khả năng chưa vượt qua dự định hoặc ước muốn. Nguyễn Huy Hỗn, chẳng hạn, không nêu tên lãnh sự Mỹ ở Hong Kong tiếp xúc năm 1873. Nội dung buổi nói chuyện cũng cho thấy "lãnh sự Mỹ" chẳng có vẻ gì thiết tha - chủ yếu trách Huế không muốn giao thương với ngoại quốc, và sự khó tính của Pháp trong nỗ lực riêng chiếm Đại Nam. Trong khi đó, các lãnh sự Hong Kong hay Đại sứ Mỹ ở Yên Kinh không đề cập đến việc gặp đại diện Huế. Trọng tâm báo cáo của giới ngoại giao Mỹ trong thập niên 1870 - kể cả lãnh sự Singapore, Bangkok - chỉ có việc bổ nhiệm đại diện thương mại ở Sài Gòn.

Ngoài ra, với những điều kiện chủ và khách quan của Việt Nam, ví thử Tự Đức gửi người tiếp xúc được Liên bang Mỹ, cũng khó có khả năng thay đổi tham vọng của Pháp. Cách nào đi nữa, tưởng cần lập lại, chưa thấy dấu vết trong văn khố Mỹ hay Việt về sứ đoàn Nguyễn tới Mỹ. Điều này khá ngạc nhiên. Muốn được yết kiến một Tổng thống Mỹ - lại gặp đến hai lần - chẳng dễ dàng, và không thể không có dấu tích ít nữa từ hàng lãnh sự địa phương.

e. Cửa cấp cứu duy nhất còn lại là "Trung Quốc miền Bắc." Liên hệ với Yên Kinh dưới triều Tự Đức vẫn theo đúng nguyên tắc "luật kẻ mạnh" của hệ thống "thông hiếu" Á châu. Khi Tự Đức mới lên ngôi, do nhà Thanh đang suy yếu vì ngoại xâm cũng như nội loạn, Yên Kinh cử sứ đoàn tới tận Huế phong vương. Đôi lần còn yêu cầu hoãn hạn kỳ đi sứ. Nhưng cuộc xâm lăng của Pháp khiến Hán Văn Đế tại Huế mất dần uy tín, thoái hóa nhanh dưới mắt Yên Kinh, không hơn một tước vương hạng nhì. Tự Đức còn nhiều lần viết thư xin Tổng đốc Lưỡng Quảng hay Đề đốc Quảng Tây cứu viện chống phỉ - nhất là tàn dư giặc Hồi ở Vân Nam và Thái Bình Thiên quốc từ Quảng Tây kéo xuống từ thập niên 1860.

Yên Kinh và quan tướng Hoa Nam cũng đầy tư tâm. Sự cầu viện của Tự Đức, qua sứ đoàn Nguyễn Thuật năm 1880-1881, hâm nóng tham vọng mở rộng biên cương của Yên Kinh.

Năm 1882, sau khi Tự Đức xác nhận quyền thượng quốc của nhà Thanh, quân Lưỡng Quảng và Vân Nam qua đóng thường trực tại Bắc Kỳ - nhằm mặc cả với Pháp. Thủ lĩnh Giặc Cờ Đen trở thành lưỡng quốc đề đốc. Khi Tuần phủ Nguyễn Quang Bích tâu rằng dân gian Hưng Hóa lo sợ quân Thanh lợi dụng cơ hội chiếm lãnh thổ Việt, Tự Đức chê là "lấy lòng kẻ tiểu nhân đo bụng người quân tử." Điều Tự Đức - lúc này đã hết giấc mơ Hán Văn Đế, luôn đấm ngực tự trách sai lầm, bạc đức - không hoặc không muốn biết là những quân tử ở Tổng Lí Nha Môn khởi đầu thảo luận với Pháp bằng cách đề nghị một đường ranh giới phía Nam ở Quảng Bình; dù thực tâm chỉ muốn phần lãnh thổ phía Bắc sông Hồng. Ngày 20/12/1882, Lý Hồng Chương ký với Bourée một tạm ước chia nhau Tonkin mỏ và Tonkin gạo. (95) Tuy nhiên, cơn sốt thuộc địa ở Paris cũng như Sài Gòn khiến Pháp không tôn trọng tạm ước trên, với lý do Bourée đã vượt quá quyền hạn. Jules Ferry cho lệnh triệu hồi Bourée. Đáng ái ngại chăng là các sứ giả Việt đã được hối hả gửi qua Thiên Tân để tham dự cuộc hòa nghị Pháp-Hoa vào đầu năm 1883. Sau một thời gian chờ đợi, Phạm Thận Duật được Lý Hồng Chương tiếp kiến, nhưng chỉ để trách móc Huế đã ký những hiệp ước gây khó khăn cho Yên Kinh. Bài học cuối cùng của Tự Đức từ nhà Thanh chỉ có việc dịch quốc hiệu France từ Phật Lan TâyPhú Lãng Sa thành Pháp. (96)

Thực ra, nhà Thanh cũng đang lâm cảnh "ốc không mang nổi mình ốc." Từ ngày 25/5/1875, Đại biện Pháp ở Yên kinh đã yêu cầu Trung Hoa rút quân khỏi Bắc Việt. Ngày 15/6/1875, Đại sứ Thanh tại Âu châu trả lời Paris rằng Yên Kinh không thể từ chối sự bảo vệ và giúp đỡ một chư hầu [vassal] của mình, vì Huế đã nhiều lần xin Thanh binh vào Bắc Việt dẹp phỉ. Cuộc tranh chấp về chủ quyền thượng quốc tại Đại Nam kéo dài; nhưng Pháp không đánh giá cao Trung Hoa. Và, trên thực tế, rồi sẽ nhân cơ hội tranh chấp tại Bắc Kỳ, hủy diệt quan hệ ngoại giao "thông hiếu" giữa Bắc Kinh với Huế, và ngay cả Kampuchea hay Vạn Tượng.

Trong khi đó, quan tướng địa phương Thanh coi việc "ra ngoài cửa quan" đánh phỉ như cơ hội trục lợi, kể cả dịch vụ buôn thuốc phiện lậu và nô lệ người Việt. Bởi thế, những đạo Thanh binh diệt phỉ vừa rút về, phỉ cũ phỉ mới đua nhau xuất hiện. (97)

Năm 1878, nhân dịp Lý Dương Tài, một cựu Thống chế Thanh, dẫn phỉ tràn qua biên giới Phùng Tử Tài lại đích thân ra cửa quan đánh dẹp. Hơn một năm sau, Đề đốc Quảng Tây rút đại quân về nước, chỉ để lại 5 doanh ở Cao Bằng-Lạng Sơn, mượn tiếng diệt phỉ, nhưng thâm tâm muốn bảo vệ phên dậu phía Nam và Tây Nam. Pháp cũng chuẩn bị thực hiện kế hoạch thôn tính Bắc Kỳ - vừa bảo đảm an ninh sông Hồng, vừa bẻ gãy âm mưu can thiệp của Yên Kinh. Mùa Hè 1882, Pháp mở cuộc "hành quân cảnh sát," chiếm Hà Nội. Yên Kinh điều hai đạo quân Vân Nam và Lưỡng Quảng qua Bắc Kỳ làm thế tựa thương thuyết. Hải quân Thanh cũng được phái xuống bảo vệ bờ biển Hải Nam.

Cái chết của Trung tá Henri Riviere dưới tay Lưu Vĩnh Phúc (19/5/1883) khiến Pháp có một cái cớ hủy bỏ tạm ước Thượng Hải, để pháo hạm và Thủy Quân Lục Chiến thảo luận - từ Bắc Kỳ tới Phúc Kiến, Đài Loan. Dù Tổng lí Nha môn có khả năng yêu cầu Mỹ 4 lần đứng ra làm trung gian trong hai năm 1883-1884, Yên Kinh vẫn không thoát được những cuộc biểu dương lực lượng của Pháp. Tham vọng chủ quyền của nhà Thanh kết thúc bằng lễ phá hủy chiếc "Việt Nam Quốc Vương chi ấn" bằng chữ Mãn Châu và chữ Hán, nặng hơn 5.8 kilograms, ngay tại Huế ngày 6/6/1884; và rồi, Hòa ước Thiên Tân 9/6/1885 mở đầu cho thời kỳ tạm gọi là Thiên Mệnh Đại Pháp (1883-1945) tại Huế. (98)

4. Văn khố Pháp: Các tư liệu Pháp - văn khố Bộ Ngoại giao, Hải quân và Thuộc địa, cũng như Hội truyền giáo - hoàn toàn im lặng về chuyến đi Mỹ của Bùi Viện.

a. Mặc dù từ năm 1874-1875 các viên chức Pháp mới chính thức có mặt tại Bắc và Trung Kỳ, cơ quan ngoại giao và tình báo Pháp hoạt động khắp nơi, từ Bắc Kinh, Hong Kong, Quảng Đông, tới Manila, Singapore, Bangkok hay Batavia (Djakarta). Và, dĩ nhiên Oat-shinh-tân. Nhưng tư liệu ngoại giao Pháp không hề nhắc đến quan hệ nào giữa Huế và Oat-shinh-tân.

b. Tư liệu Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp cũng không có ánh sáng nào về Bùi Viện. Các sử gia Việt và thế giới làm việc tại các văn khố ở Pháp hay Việt Nam chưa hề công bố một thông tin nào. Những microfilms báo cáo, thư từ của quan Tướng Pháp, hay tư liệu cá nhân của Genouilly, Page, Jauréguiberry, Rieunier tại văn khố Hải quân ở Vincennes, cho tới văn khố Bộ thuộc địa, Nam Kỳ (Goucoch), Annam hay Bắc Kỳ (RST) ở Paris, Aix en-Provence và Sài Gòn mà chúng tôi được tiếp cận từ 1982 tới 2005 cũng im lặng.

c. Đáng nhấn mạnh là ngay đến tư liệu Hội truyền giáo Pháp cũng không có dấu vết chuyến đi Mỹ của Bùi Viện.

Một số người thường quan niệm lầm lẫn rằng văn khố Hội truyền giáo Pháp chỉ gồm những thư từ có tính cách nội bộ của các giáo sĩ. Thực ra, những thư từ này chứa đựng nhiều thông tin phong phú, dù chưa hẳn luôn chính xác, về sinh hoạt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội Đại Nam. Ngoài ra, còn những báo cáo đặc biệt của các giáo sĩ gửi viên chức thuộc địa Pháp về nội tình Đại Việt, bản đồ các công sự phòng thủ, và ngay cả những đề nghị nên dùng hay bỏ một quan chức nào đó. Những Giám Mục Pierre Retord, Jean-Marie Pellerin, Paul Francois Puginier, J. D. Gauthier hay Dominique Lefèbvre cung cấp nhiều tư liệu giúp soi sáng dữ kiện mờ tối mà các sử quan Nguyễn - do quốc thể và chính thống "định hướng Nho Giáo" - đã chỉ lướt qua, tảng lờ hay trình bày theo khuôn khổ ý thức hệ quân chủ chuyên chế.

Trong giai đoạn từ 1864 tới 1878, chẳng hạn, Puginier (Phú hay Phù Mi) ở Kẻ Sở (giáo phận Tây Đàng Ngoài) và thủ hạ thân tín tích cực theo dõi, bám sát quan chức cũng như giới văn thân. Không những chỉ cho Jean Dupuis vay 8000 đồng trong dịp đặc phái viên của Thống đốc Jules Dupré gây rối loạn ở Hà Nội, Puginier còn đề xướng chính sách thiết lập một vương quốc Ki-tô Bắc Kỳ tự trị. Pugnier góp công lớn trong việc Francis Garnier chiếm đóng châu thổ sông Hồng năm 1873, bằng cách giúp tuyển mộ khoảng 12,000-14,000 linh bản xứ, đa số là giáo dân Ki-tô dưới quyền nhóm Trần Lục, Hồ Văn Vạn, Lê Văn Bá, Phạm Quang Diệu, Nguyễn Quí Cát, Lê Văn Tốn, Nguyễn Tích, v.. v... Trần Lục - tức Trần Xuân Triêm, và được nhắc nhở, ca ngợi trong tư liệu Pháp như Père Six - hướng dẫn tàu Pháp tới Ninh Bình, cung cấp 150 tay súng bảo vệ lực lượng Pháp. Lê Văn Bá thân cận với Jules Harmand ở Nam Định. Phạm Quang Diệu với 800 giáo dân thủ hạ được cử làm tham biện tỉnh vụ. Huyện Thy (Lê Bá Đỉnh) tự xưng con cháu nhà Lê xin Pháp lập Bắc kỳ tự trị, v.. v.... Từ Nghệ An, Gauthier - cha đỡ đầu của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng, v.. v... - cũng muốn hợp tác buôn bán với Dupuis sau chuyến công cán Paris trở về. (99)

Tại các địa phương, giáo sĩ và không ít giáo dân biến thành tai mắt của Pháp. Một giáo sĩ đương thời nhận xét rằng giáo dân Việt đang sống như "những người ngoại quốc" trên quê cha đất tổ của họ. Năm 1866, khi một số đình thần đề nghị nên chuẩn bị hồ sơ khai man đất đai ở gần ba cửa biển Quảng Yên, Ba Lạt và Đà Nẵng là đất tư để cầu lợi trong trường hợp phải mở hải cảng trong tương lai, Nguyễn Tri Phương đã phải thốt lên rằng "dân đi giáo làm tai mắt cho người Tây dương, [làm vậy] có khác gì người bít tai mình mà đập phá trộm chuông không?" (100)

Sau ngày ký Hiệp ước 15/3/1874, màng lưới tình báo đại chúng của các giáo sĩ càng mở rộng hơn. Tại miền Bắc, dù bất mãn việc "phản bội" của Philastre, Puginier liên hệ chặt chẽ với Lãnh sự Hà Nội (Alexandre le Jumeau, tức Bá tước de Kergaradec) và Hải Phòng (Louis Turc). Tại Huế, Rheinart sử dụng GM Sohier (Bình), rồi Louis Caspar (Lộc) của Giáo phận Huế, Croc (Hòa) ở Nghệ An (Xã Đoài). Linh mục Renauld, Barthémy, Dangelzer (Đăng), v.. v... không những chỉ cung cấp tin tình báo, họ còn giúp móc nối một số Hoàng thân, công tử. Miên Trinh hay Hường Hưu là vài đối tượng tiêu biểu. Nhưng con mồi lớn nhất của Rheinart là Ưng Chơn (1852-1884) - tức Dục Đức, con nuôi lớn của Tự Đức. Mọi quyết định tối mật của triều đình đều lọt vào tay Rheinart trước khi thực thi. Năm 1882, Rheinart còn sai Ưng Chơn sao chép cả thư Tự Đức gửi vua quan Thanh cùng hồi đáp của họ. (101)

Ngoài ra, còn những thông ngôn ở ty Hành nhân, và nhất là thông ngôn, ký lục người Việt và người Hoa ngay tại tòa Khâm sứ, hay các tòa lãnh sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Qui Nhơn. Giai tầng thông ngôn-ký lục đóng một vai trò quan trọng thời Pháp thuộc, nhất là trong ba, bốn thập niên đầu. Những Lê Duy Hinh, Diệp Văn Cương, rồi sau này Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bồi (Bài) trở thành những môi giới quyền lực triều đình, cố vấn cho Viện Cơ Mật về các ứng cử viên "ngôi Trời" tại Cấm Thành.

Đó là chưa kể Théophile le Grand de la Liraye (cố Trường hay Dương) cùng Petrus Key, Paulus San, Tôn Thọ Tường, v.. v... của cơ quan thông dịch và sản phẩm khác của trường Thông Ngôn thuộc Soái phủ Sài Gòn. Lập trường đưa cả hai tay nắm lấy người Pháp của Petrus Key năm 1876 có vẻ ảnh hưởng trên những điều trần của Nguyễn Tăng Doãn hay Nguyễn Thành Ý.

Tóm lại, nếu Bùi Viện quả thực đã qua Mỹ, hay đại diện Mỹ đã tới Huế, dữ kiện này khó lọt qua màng lưới tình báo dày đặc của viên chức Pháp và Hội truyền giáo. Hơn nữa, từ năm 1877, Bùi Viện được cử nắm Nha tuần tải miền Bắc, một chức vụ không nhỏ, dễ lôi kéo sự chú ý của người Pháp.

5. Sự phân tích các thông tin hiện hữu về Bùi Viện cũng khiến giảm thiểu mức khả tín về chuyến đi Mỹ của ông.

a. Hàm tước của Bùi Viện: Sử nhà Nguyễn ghi rõ Bùi Viện đang mang hàm "Biên tu [7-1, chánh thất phẩm] lãnh trước tác [6-1, chánh lục phẩm]" khi được bổ làm Chánh quản đốc Nha tuần tải. Biên tu là một chức quan nhỏ, dành cho những người mới tốt nghiệp đồng Tiến sĩ. Bùi Viện chỉ đậu Cử Nhân trường Nam Định, ân khoa năm 1868, nên hoạn lộ khởi đầu với hàm chánh bát phẩm (8:1), rồi ít năm sau mới lên tới biên tu. Bùi Viện lại bị trách phạt nhiều lần, không được thăng thưởng, cách nào lên tới "tham tri" [2:2, tòng nhị phẩm] (tương đương chức Thứ trưởng hiện nay) để phụ trách việc thương chính [khác với tuần tải] miền Bắc? (102)

b. Liên hệ với Nguyễn Tăng Doãn: Khó thể có việc Bùi Viện cùng Nguyễn Tăng Doãn lo việc thương chính Bắc Kỳ trước ngày nắm Nha tuần tải.

Nguyễn Tăng Doãn người Hải Lăng, Quảng Trị. Năm 1847, đỗ hương tiến (khi Bùi Viện mới 10 tuổi). Năm 1865, cùng Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông dò xét tình hình. Năm 1870 lại cùng Lê Huy đi Hương Cảng, Áo Môn. Về nước, làm Án sát Nghệ An để giải quyết hiềm khích Lương-Giáo. Năm 1873, tham gia sứ đoàn Lê Tuấn. Sau đó, lên Tả thị lang bộ Lại [3:1, chánh tam phẩm]. Năm 1875, vì thương chính mới mở, ra Hải Dương và Hà Nội điều tra tình hình. Hiệp lực với Pháp, đánh giặc có công. Được chức Tuần phủ Hải Dương, kiêm lĩnh thương chính, dưới quyền Tổng đốc Phạm Phú Thứ. Năm 1877, đi sứ Pháp. Về nước, làm thượng thư bộ Lại, sung Cơ Mật Viện Đại thần. (103)

c. Phạm Phú Thứ (1820-1881): Người huyện Diên Phước, Quảng Nam. Đậu Tiến sĩ năm 1843. Năm 1863, tham gia sứ đoàn Phan Thanh Giản tới Sài Gòn, Pháp và Espania. Về nước, năm 1865 làm thượng thư bộ Hộ. Năm 1874, nắm Tổng đốc Hải Yên, tổng lý thương chính đại thần. Trước khi nhiệm chức, xin mang theo Ông Ích Khiêm (nhưng năm 1875, Khiêm bị cách chức vì bệnh tâm hỏa).

Năm 1876, bình định được Cát Bà, Quảng Yên, sào huyệt hải tặc. Sử dụng thương biện Lương Văn Tiến (em họ ngoại) lo việc thương chính. (Trong chuyến thăm miền Bắc năm 1876, Petrus Key từng gặp Thứ). Do Pháp khiếu nại, năm 1878 bị cách chức. Lê Điền lên thay, nhưng xin giữ Thứ lại ít lâu. Tháng 10/1879, lại bị phạt cách chức. Năm 1880, về kinh. Năm sau, chết ở tuổi 62.

ĐNTLCB ghi khá kỹ về khó khăn cuối đời Phạm Phú Thứ:

Tháng 4 Kỷ Mão [5-6/1879], Phạm Phú Thứ xin về kinh. Vua đồng ý, cho Lê Điều [Điền] thay. Gần đây, Thứ mật tâu việc người buôn nước Tây, nước Thanh, ngầm mưu bọn Hán [Việt] gian gây việc.

Theo lời thông ngôn Nguyễn Hữu Cư, người buôn Pháp là Mô-răng-đi-ni [Morandini] báo rằng người buôn Tây và Thanh lên án Đại Nam cấm buôn nghiêm mật, không được thung dung tự liệu, đem lòng oán giận. Có người nước này tự xưng là con cháu nhà Lê, nay hiện đang chiêu dụ người Bắc Kỳ tôn hắn làm minh chủ, ngầm hẹn với các nhà buôn, nếu giúp được nên việc, đều cho thung dung buôn bán. Các người buôn có nhiều hưởng ứng, đã góp được hơn 10,000 đồng bạc, hẹn ngầm về Hương Cảng mua súng, hẹn trong 3 tháng thì khởi sự. Từng dụ hắn [Monrandini] vào bọn. Các lời như thế, tỉnh ấy hỏi ở các dân gian cũng có truyền ngôn ấy, lại bàn với các lãnh sự Tây, xét ý hắn, cũng lấy việc cấm gạo, rất mang lòng bất bình. Xin châm chước việc bỏ cấm gạo vài ba tháng để yên lòng người phương xa mà hết thù hằn bên ngoài.

Vua cho rằng lời nói không có căn cứ, nhưng cho Thứ làm việc chuộc tội.

Tiếp đó, khâm phái Dương Quán báo cáo việc Hải Dương có nhiều người Thanh chở trộm gạo, cháu của Thứ là Lương Văn Tiến cũng chở gạo ra ngoại quốc. Vua cho Lê Điều đổi sung chức khâm phái. Sau đó, Thứ tâu việc Lãnh sự Hà Nội muốn chiếm thành; người buôn Tây yêu cầu soái phủ Sài Gòn sửa đổi thương ước. Tự Đức cho là Thứ trước hoang báo, sau lại dọa triều đình. Nếu có thật, đáng lẽ phải tự dàn xếp ổn thỏa, không được nói quá thẳng vì như vậy phạm tội khích biến. (104)

Châu Bản Tự Đức và tài liệu Pháp cung cấp thêm chi tiết về bi hài kịch này. Báo cáo ngày 10/6/1879 của Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ ghi khách buôn phương Tây tên Mô Lăng Đi Nê đến mật báo gần đây bọn "Hán [Việt] gian" ở Bắc định cùng với người buôn nước Tây và nước Thanh mưu đồ gây rối. Chúng đã tập hợp tiền bạc ngầm cho người về Hương Cảng mua súng pháo và dụ dỗ ông ta nhập bọn. "Chúng thần thấy chưa tin lắm. Nay xin ban sắc cho các tỉnh Bắc kỳ phòng bị nhưng bí mật kiểm tra xem nếu có tên nào là Hán [Việt] gian giặc phỉ còn rơi rớt ẩn dật, ngấm ngầm dụ dỗ tiểu dân, nếu có dấu vết khả nghi thì bắt tra xét." Ngày 14/7/1879, Khâm sai Lê [Điều] và Trần Văn Úc tâu về cuộc điều tra tin Lê Bá Đỉnh (Huyện Thy) âm mưu với Tây phương đi Hong Kong mua vũ khí về gây biến ở Bắc Kỳ, và lãnh sự Pháp mưu chiếm Hà Nội, v.. v... Ngày 26/11/1879, Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Phan cũng tâu là Khâm phái Gia Định mật báo Huyện Thy mang 4 tàu vũ khí, thông đồng với Thanh phỉ, mưu khuấy rối thượng du Bắc Kỳ. (105)

Theo tư liệu Pháp, Huyện Thy, tức Lê Bá Đỉnh, hay Paulus Thy, gốc Thủ Dầu Một nhưng tự nhận gốc miền Bắc, làm thông ngôn cho Pháp tại Hải Phòng sứ (Hải Dương). Năm 1878, xin nghỉ làm thương mại. Qua sự móc nối với Pène (Peine Siéfart?), Constantin, một lái buôn ở Hong Kong, cùng viên chức thuộc địa Pháp đã nghỉ hưu, Đỉnh âm mưu nổi dạy. Nhóm Constantin hứa cung cấp một tàu chạy hơi nước, 2 chaloupes vũ khí, 100 người Pháp và 600 Tagals. Đỉnh có nhiệm vụ quyên góp tiền, mộ người Việt, và ra tuyên cáo tự xưng là Lê Gia Hưng, giòng giõi nhà Lê, sẽ khởi nghĩa ngày 6/11/1879 với niên hiệu Ứng Thuận. Được Morandini mật báo, Tổng đốc Thứ ngăn chặn được Đỉnh. Triều đình Huế, vì lý do riêng, cách chức Thứ. Paulus Thy chỉ bị gửi trả lại Nam Kỳ.(106)

Tóm lại, việc Bùi Viện "qua Mỹ, được Tổng thống Grant tiếp kiến" chẳng được minh chứng bằng tư liệu văn khố Mỹ hay Việt. Tư liệu Pháp và các nhà truyền giáo im lặng. Nội dung các thông tin không gần sự thực, hoặc sai lầm. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, nó chẳng là gì khác hơn huyền thoại, có lẽ chỉ hiện hữu trong trí tưởng của người đã công bố.

Cũng tương tự như nhân vật Trương Chánh Thi, "lãnh binh, thừa biện bên cạnh quốc vương Chân Lạp" hay "sứ thần" ở gần Nam Vang. Hay, việc Nguyễn Sinh Côn bị trục xuất khỏi trường Quốc Học vì tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế năm 1908 ba tháng trước ngày được nhận vào học hiệu này; Nguyễn "Ô Pháp" tức Ái Quốc bị "nhốt chung" với Phan Châu Trinh "ở ngục Santé." Đó là chưa kể những "bí ẩn lịch sử" kiểu phụ thân Phan Bội Châu đã đổi tên ông vì "sợ phạm húy vua Duy Tân" trước ngày Vĩnh San ra đời cả chục năm! (107)

III. NGUYỄN SINH CÔN LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐẾN MỸ?

Cho tới đầu thế kỷ XXI, vẫn chưa có đáp án ai là người Việt đầu tiên đến Mỹ, vào thời điểm hay do hoàn cảnh nào.

A. ĐƯỜNG GIÂY TRUYỀN GIÁO:

Như chúng ta đã biết, từ năm 1911, các nhà truyền giáo Tin Lành Mỹ đã hoạt động ở vùng Vân Nam và một số thành phố Đông Dương, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam.

Đoàn truyền giáo Mỹ đầu tiên ở Việt Nam thuộc tổ chức Liên Minh Tín đồ và Truyền Giáo [Christian and Missionary Alliance, hay CMA]. Năm 1911, CMA xây một nhà thờ, một trường học, và một nhà in nhỏ ở Tourane. Năm năm sau, CMA lập thêm cơ sở ở Hà Nội và từ 1918 bành trướng vào Nam Kỳ, nơi hội phát triển khá nhanh. Chính tại miền Nam, hội Tin Lành cải đạo được nhiều người nhất. Vào năm 1935, trong số 23 mục sư bản xứ, 13 người gốc Nam, 9 gốc Trung và chỉ có 1 gốc Bắc. Trong số 96 người giúp việc, 38 người làm việc ở miền Nam, 31 ở miền Trung, và 25 tại Bắc Kỳ.

Đoàn truyền giáo Tin lành của Pháp [Mission Evangelique d’Indochine hay M.E.I.], trụ sở tại Tourane, cũng rất khiêm tốn. Từ 1913 tới 1933, hội này thành lập được 156 giáo đường tại Đông Dương và Đông Thái Lan với 33 mục sư Việt, 185 phụ giảng [evangelists] và 9,359 tín đồ. Một trong những lý do của sự chậm phát triển là lòng đố kị của Hội truyền giáo Ki-tô Vatican. Chẳng hạn như năm 1822, khi Paul Monet muốn thành lập một ký túc xá sinh viên Hà Nội, với sự giúp đỡ của Hội Thanh Niên Ki-tô [Young Men’s Christian Association, hay YMCA], báo L’Avenir du Tonkin [Tương Lai Bắc Kỳ] công kích mãnh liệt. (Xem thêm La Tribune indochinoise (Saigon), 10/11/1941).

Trong khi đó, hai hội truyền giáo Tin Lành chỉ được tự do giảng đạo tại các "lãnh thổ Pháp," bao gồm Nam Kỳ cùng các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Tourane. Cơ quan an ninh Pháp cũng theo dõi chặt chẽ các mục sư Mỹ, nhất là trong giai đoạn 1925-1927, tức giai đoạn hình thành tinh thần quốc gia mới. Mục sư Ferry ở Mỹ Tho và đồng nghiệp từng bị nghi ngờ ủng hộ Hoàng thân Cường Để.( 108)

Trong khi truyền giáo, các mục sư huấn luyện nhiều thanh niên, thiếu nữ Việt; và có khả năng đưa một số cá nhân qua Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có dịp làm việc tại văn khố các hội truyền giáo Tin Lành Mỹ, nên khó thể đoan chắc số lượng hoặc tên tuổi những tín đồ Tin Lành đã qua Mỹ huấn luyện.

B. THỦY THỦ VÀ DÂN ĐI TÀU:

Có bằng chứng cho thấy một trong những người Việt đầu tiên tiếp cận với nước Mỹ trong dịp Thế chiến thứ nhất (1914-1918) - không do một sứ mệnh chính thức nào, mà chỉ do nghề hàng hải. Cá nhân này chẳng là ai khác hơn Nguyễn Sinh Côn (1892-1969) - tức Nguyễn Ái Quốc (1894-1969), hay Hồ Chí Minh (1890-1969).

Thế chiến thứ nhất là cơ hội mở rộng hàng rào cản di dân của Mỹ cho người ngoại quốc - đặc biệt là nhân công trên các tàu buôn Âu châu. Do tình cờ lịch sử, Nguyễn Sinh Côn có mặt trong hàng ngũ ngày một gia tăng của giới "đi tàu." Theo lời tự thuật của Hồ, ngày còn làm việc trên các tàu Pháp và Bri-tên - dưới bí danh "Paul Thành" - Hồ đã tới New York, Boston, Philadelphia, v.. v...

Thời gian Hồ tới Mỹ nằm trong thời khoảng 1913-1919. (109) Điều này được xác nhận bằng một nhân chứng người Mỹ gốc Triều Tiên, Kim Tchong-wen [Kim Trung Văn], đại diện chính phủ lưu vong Triều Tiên tại Paris năm 1919.

Tài liệu chúng tôi sử dụng - ngoài một số thông tin do các học giả thế giới đã công bố - gồm các tài liệu văn khố Pháp chúng tôi tham khảo trong giai đoạn 1982-1988, được bổ túc thêm trong các chuyến du khảo ngắn hạn từ 1996 tới 2000.

C. HAI BÀI VIẾT VỀ NGUYỄN ÁI QUỐC TRÊN YSHI PAO Ở THIÊN TÂN TRUNG HOA:

Tháng 6/1919, giữa men say chiến thắng "Đức tặc," các giới chức Thuộc Địa Pháp xôn xao vì một biến cố đáng lo ngại: Ngày 18/6/1919, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã Hội Pháp đăng tải một thỉnh nguyện thư gửi Hội Quốc Liên của "Một nhóm người An Nam yêu nước." Thỉnh nguyện thư này gồm 8 điểm, như xin ân xá tù nhân chính trị; cải cách pháp luật để người An Nam được bảo đảm pháp định tương tự như người Âu Châu; tự do báo chí và tư tưởng; tự do lập hội và hội họp; tự do di trú và du lịch ra ngoại quốc; v.. v... Bản thỉnh nguyện thư đăng trên L’Humanité này có 2 đặc điểm: (a) không ký tên Nguyễn Ái Quấc, và (b) giới thiệu các tác giả như đảng viên Xã Hội Pháp [theo Đệ Nhị Quốc Tế]. (110)

Cũng ngày 18/6/1919, thỉnh nguyện thư trên được gởi đến các phái đoàn đồng minh đang họp ở Versailles để giải quyết số phận Germany, Hungary và Austria (Áo). Đại diện Mỹ chỉ thông báo đã nhận được, và sẽ trình lên Tổng thống Woodrow Wilson (1913-1921).( 111)

Vào đầu tháng 7/1919, xuất hiện ở khu vực Mutualités và phố Ecoles (Quận V, Paris) một số truyền đơn có nội dung tương tự. Điểm khác biệt là trong bản truyền đơn này "Nhóm người An Nam yêu nước" được đại diện bằng "Nguyễn Ái Quấc." Nguyễn Ái Quấc cùng các đồng chí, ở phần dẫn nhập ngắn, khẳng định "dân An Nam lấy làm vinh dự" được người Pháp bảo hộ.(112)

Hơn hai tháng sau - trong khi Mật thám Pháp bám sát Nguyễn Ái Quốc và truy tầm hộ tịch nhân vật đang lên này - báo Yshi của Hội truyền giáo Tin Lành Mỹ tại Thiên Tân Trung Hoa đăng hai bài về Quốc ngày 18 và 20 tháng 9/1919.

Dù không được tham khảo nguyên bản hai số báo trên, chúng tôi làm phóng ảnh bản báo cáo bằng Pháp ngữ của cơ quan tình báo Pháp tại Trung Hoa, với tựa "Tiếp tục chiến dịch thiện cảm với dân An Nam trên báo Yshi."( 113) Loạt bài này đều đặt chung dưới tựa "Thông tin đặc biệt từ Paris: Vấn đề tự trị An Nam từ ngày đại diện An Nam tới Paris." Tất cả chia làm 3 phần: Đại cương về phong trào độc lập; bản thỉnh nguyện thư 18/6/1919, và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc.

Đại cương về phong trào độc lập

Đặc phái viên Mỹ của Yshi Pao tường thuật rằng từ ngày khai mạc hội nghị hòa bình Versailles, một đại diện An-Nam là Nguyễn Ái Quốc đã từ Mỹ tới Paris tiếp xúc các phái đoàn Đồng Minh, nhưng không mấy thành công. Nguyễn Ái Quốc gặp được một số chính khách và Dân biểu Pháp, thuyết phục họ rằng nền độc lập của An Nam rất quan trọng cho nền hòa bình của các quốc gia Viễn Đông.

Chính quyền Đông Dương của Pháp chẳng bao giờ thực thi những nguyên tắc tự do và nhân đạo thiết thân của dân tộc này. Về chính trị, viên chức Pháp áp dụng thể chế độc tài (despotisme), qua chính sách giáo dục công lập ngu dân (obscurantisme); về kinh tế-tài chính, chính quyền thuộc địa Pháp chỉ bòn rút tài nguyên Đông Dương để làm giàu cho mình; chính quyền ấy đã đặt ra những hạn chế tự do tư tưởng và ngôn luận, khiến cảm hứng được độc lập của người An Nam bị loại bỏ. Trong khi đó người An Nam không ngừng đổ máu cho lý tưởng này và, trong mùa Xuân vừa qua, những cuộc giao chiến đáng lo âu xảy ra ở biên giới phía Bắc Bắc Kỳ. (114)

Ngay tại Pháp, không kể đến các binh sĩ và công nhân, số sinh viên An Nam lên tới hàng trăm. Một phú gia Việt họ Phan [Văn Trường] từ ngày chiến tranh bùng nổ đã tiếp xúc với giới sinh viên. "Trong buổi đàm thoại kéo dài với [Phan]," tác giả bài báo viết, "tôi cảm thấy tuổi tác chưa đủ làm phai nhạt nhiệt tình của ông."

Theo ý kiến chung của những nhà cách mạng An Nam, sứ mệnh [giành độc lập] của họ khó khăn gấp bội người Triều Tiên.

Thứ nhất, sự chiếm đóng của Pháp đã kéo dài khá lâu, nên đã bắt rễ sâu tại Đông Dương, và hiện nay chẳng ai có thể gây nguy hại cho chế độ bảo hộ Pháp; bởi vậy những vận động của các nhà cách mạng trong thời bình hay sự nổi dạy của họ trong thời gian thế chiến chẳng nhận được sự giúp đỡ đáng kể nào [n’ont-ils trouvé aucun appui sérieux].

Thứ hai, sau 40-50 năm nhồi sọ [abrutis] với lối giáo dục Pháp, người Việt chỉ còn biết qui phục toàn vẹn và mất tất cả khả năng [ont perdu tout dissernement] đến độ người ta có cảm tưởng rằng, mặc dù có những hăng say của một thiểu số, việc đòi lại độc lập rất mong manh [précaire].

Thứ ba, do sự cấm đoán của các viên chức thực dân Pháp, người An Nam mất cả sức phản kháng [ressort].

Thứ tư chính sách kinh tế của Pháp khiến cuộc sống ở Đông Dương vô cùng khó khăn; dân chúng làm việc cực nhọc mà không đủ ăn; bởi thế họ không còn thì giờ rảnh rỗi để mơ tưởng đến việc đòi lại độc lập.

Vì những lý do trên, việc đòi độc lập của người An Nam khó khăn hơn những dân tộc khác. Những tín đồ cho lý tưởng độc lập mong muốn, như bước đầu tiên hướng về sự giải phóng [l’affanchissement], được hưởng tất cả những quyền liên hệ đến tự do giáo dục và ngôn luận, để có thể khai sáng dân tộc và tiếp đó làm việc để thực hiện tự chủ, rồi độc lập. Họ hiểu rõ rằng tình hình Đông Dương khác với Triều Tiên nên các phương tiện tranh đấu cũng phải khác biệt đôi chút. . . .

Sau khi tới Paris, Nguyễn Ái Quốc, người đã nhận sứ mệnh từ tổ chức An Nam Quốc Dân Hội, trao cho nhiều chính khách quan trọng bản thỉnh nguyện sau đây và liên hệ chặt chẽ với cánh tả của Quốc Hội (Pháp).

Thỉnh Nguyện Thư Của Dân An Nam

(sau một phần dẫn nhập ngắn . . . .)

1. Xin ân xá tù nhân chính trị;

2. Xin cải cách pháp luật để người An Nam được bảo đảm pháp định tương tự như người Âu Châu;

3. Tự do báo chí và tư tưởng;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do di trú và du lịch ra ngoại quốc;

6. Tự do giáo dục; và đòi hỏi thành lập trường dạy nghề ở các tỉnh;

7. Thay đổi chế độ cai trị với sắc luật bằng chế độ pháp trị; và,

8. Được bầu một phái đoàn thường trực bên cạnh Quốc Hội Pháp

Trong những thỉnh nguyện trên, dân An Nam tự nguyện đứng vào hàng ngũ các nguyên tắc nhân đạo và [nhân] quyền do Liên quốc qui định, và các chủ nghĩa khác dựa trên sự tôn trọng cá nhân và bảo đảm hạnh phúc của dân chúng.

Khi người Pháp thiết lập chế độ bảo hộ tại An Nam, dân An Nam bị chinh phục bởi các tư tưởng Pháp, không coi đó là sự xấu hổ, mà là một danh dự vì họ nghĩ rằng người Pháp, được nuôi dưỡng bởi lòng yêu tự do và sự kính trọng luật pháp, có thể thực thi các nguyên tắc nhân đạo và tạo hạnh phúc cho dân chúng. Hy vọng này không được thể hiện. Chúng tôi hy vọng rằng nước Pháp sẽ lắng nghe những lời than phiền của những người bị áp bức và chứng tỏ rằng họ trung thành với những nguyên tắc mà chúng tôi tin cậy.

Phỏng Vấn Nguyễn Ái Quốc

Đặc phái viên Mỹ của Yshi Pao tường thuật rằng do lời đề nghị của Kim Tchong Wen và Kim Koei Tche, đại biểu chính phủ lâm thời Triều Tiên với hậu cứ ở Philadelphia (Liên bang Mỹ), ông ta được gặp Nguyễn Ái Quốc.

Nhân vật này là một người trạc ba mươi tuổi với dáng khắc khổ [d’allure hardie] và trẻ trung, nói được ba thứ tiếng Anh, Pháp và Tàu, biết được một số chữ [Nho] đủ để bút đàm. Nhờ cuộc tiếp xúc với Kim trong dịp ở Mỹ, Nguyễn Ái Quốc đã bàn luận với Kim về vấn đề độc lập và thuyết phục được Kim rằng tình thế hai nước khác nhau nên chương trình hành động cũng phải khác nhau.

Sau khi tới Paris, Nguyễn Ái Quốc tìm đến gặp ông Phan đã ở thành phố này hơn 10 năm, nói tiếng Pháp thành thạo.

Tác giả bài viết này cùng Kim đến thăm Nguyễn Ái Quốc, nhưng không gặp, nên mời Nguyễn Ái Quốc và Phan [Văn Trường] đến nhà nói chuyện. Sau đây là tóm lược cuộc đối thoại:

Tác giả: Trường hợp nào đưa ông tới Pháp?

Đáp: Để đòi lại những quyền tự do mà chúng tôi phải đuợc hưởng.

Tác giả: Chương trình hành động của ông ra sao?

Đáp: Luôn luôn tiến về phía trước tùy theo sức lực.

Được hỏi về những vận động của đảng tại Đông Dương và sự nổi dạy khi cuộc Thế chiến bùng nổ, Nguyễn Ái Quốc đáp:

"Mục đích chính của chính quyền Pháp hoàn toàn khác với chính quyền Nhật tại Triều Tiên. Người Nhật muốn Nhật hóa tất cả dân Triều Tiên. Người Pháp ngược lại muốn tạo sự bất bình đẳng giữa người Pháp và An Nam, lợi dụng sức lao động của người An Nam để tiếp tục bòn rút các tài nguyên Đông Dương cho tới thời gian vô hạn định, và nỗ lực ngăn cản người An Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập. Chế độ thuế khóa đủ loại cùng những biện pháp hạn chế, cũng như chế độ giáo dục công cộng, đều gợi hứng từ các điều kiện trên. Khi ngăn cản sự văn minh hóa và tiến bộ của dân An Nam, người Pháp muốn bảo đảm rằng sẽ giữ dân An Nam mãi mãi ngoài lề văn minh thế giới và trói buộc dân An Nam mãi mãi dưới sự can thiệp không ngừng đổi mới. Trong những năm vừa qua, tình trạng sinh sống tại Đông Dương trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết."

Được hỏi về những việc làm từ ngày tới Pháp, Nguyễn Ái Quốc đáp:

"Ngoài những cuộc tiếp xúc vận động với các dân biểu Quốc Hội, tôi tìm cách qui tụ các cảm tình viên, ngoài ra, đảng Xã Hội [Pháp] vì không hài lòng với việc làm của chính phủ đã tình nguyện giúp chúng tôi. Pháp là nơi y cứ hy vọng duy nhất của chúng tôi. Về hoạt động tại các nước khác, chính quê hương quí vị [nước Mỹ] là nơi chúng tôi thành công nhất. Ở những nơi khác, chúng tôi toàn gặp khó khăn."

Tiếp đó Nguyễn Ái Quốc trình bày một cách đầy cảm xúc tình cảnh kinh tế giáo dục và đời sống cùng khổ của dân An Nam tại Đông Dương. Ông Phan cũng thuật lại một câu chuyện chi tiết về những chuyến phiêu lưu của ông.(115) Tất cả diễn ra với sự hiện diện của ông Kim Tchong Wen và toàn thể nhân viên của văn phòng cơ quan chúng tôi. (116)

IV. KẾT TỪ:

Trong những thập niên tới - khi các văn khố hoàn toàn mở rộng - chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này. Tư liệu văn khố nhà Nguyễn và Liên bang Mỹ hoàn toàn im lặng về "hai chuyến" qua Mỹ của ông. Văn khố Pháp và Hội truyền giáo cũng chưa có phát hiện nào về Bùi Viện. Sự so sánh các nguồn tư liệu cũng như chính sách ngoại giao của Tự Đức từ 1870 tới 1878 còn loại bỏ mọi khả năng Bùi Viện đã tới Mỹ. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, việc Bùi Viện qua Mỹ, gặp Tổng thống Grant, chỉ là một huyền thoại - được hoang tưởng do một mục tiêu nào đó.

Nguyễn Sinh Côn - dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc - có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ. Sự tham chiến của Mỹ tại Âu châu, chủ thuyết "tự trị" của Tổng thống Wilson và chuyến thăm cựu lục địa của Wilson ít nhiều ảnh hưởng trên Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường.

Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Ái Quốc - với bí danh Hồ Chí Minh - thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh "Lucius," rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.(117) Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ "hands-off" [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, nhưng phía sau hậu trường chính trị quốc tế, "những người bạn rừng xanh" của Hồ Chí Minh đã ít nhiều giúp Hồ sống còn qua chế độ quân quản của Trùng Khánh tại miền Bắc năm 1945-1946, cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946, và nhất là hai tạm ước ký với Pháp ngày 6/3/1946 và 14/9/1946–đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp. Đáp lại, Hồ từng tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, hiệu lực từ ngày 11/11/1945. (118)

Nhưng chính sách lấy Âu Châu làm ưu tiên hàng đầu, sự ưu thắng của chủ nghĩa Cộng Sản tại Đông Âu và các cựu thuộc địa trong giai đoạn hậu chiến, rồi đến sự thất bại của chế độ Tưởng Giới Thạch tại Hoa lục và cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khiến Liên Bang Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-Cộng Sản do Winston Churchill đề xướng. Liên hệ Việt-Mỹ biến hóa dần từ thân hữu qua thù nghịch, vì Mỹ chủ trương yểm trợ các lực lượng chống Cộng mà người Pháp có thể qui tụ được, trong thí nghiệm Bảo Đại (1949-1955). Sau gần ba năm "nước còn tát được vẫn cứ tát," Hồ Chí Minh chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là gia nhập khối Cộng Sản do Liên Xô Nga lãnh đạo, nhưng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Mãi tới năm 1995, Liên Bang Mỹ và Việt Nam mới cùng gác chuyện quá khứ, nối lại bang giao.

Vũ Ngự Chiêu

Houston, 6/3/2007

Phụ chú:

63. Thái Văn Kiểm, "Les premières relations entre le Vietnam et les Etats Unis d’Amérique;" Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises [BSEI] (Saigon), vol. 37, no. 3 (3è trimestre 1962); dẫn trong Miller, 1991:274-275n1. Ulysses Simpson Grant (1822-1885) là một cựu sinh viên sĩ quan West Point. Binh nghiệp không có gì xuất sắc. Mãi tới khi Nội chiến bùng nổ mới được mang cấp Tướng; nhưng nổi danh nhờ những chiến thắng tại miền Nam. Năm 1868, đắc cử Tổng thống, và cai trị hai nhiệm kỳ (1869-1877). Nhiệm kỳ thứ hai, từ 1873, gặp nhiều khó khăn vì những vụ tai tiếng tham nhũng. Nổi danh nhờ Hiệp ước London với Bri-tên do Ngoại trưởng Hamilton Fish điều đình năm 1871.

64. ĐNTLCB, IV, 34:65.

65. ĐNTLCB, 34:187-188. Nguyễn Trọng Hợp [Hiệp] đậu Cử nhân năm 1858. Làm việc trong phủ Tùng Thiện công Miên Thẩm, người chịu trách nhiệm Tôn Nhơn Phủ. Năm 1865 đậu Tiến sĩ; thăng Thị độc nội các; rồi Phủ doãn Thừa Thiên. Năm 1873, cùng Trần Đình Túc ra Hà Nội dàn xếp việc Dupuis. Khi Philastre và Nguyễn Văn Tường ra Bắc, được giao tiếp thu Ninh Bình; rồi thăng Tuần phủ Nam Định, hộ lý Tổng đốc Định-An. Năm 1880, làm tả tham tri bộ Lại, kiêm quản lý Thương Bạc (Đối Ngoại); CAOM (Aix), GGI:9619; Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện [ĐNCBLT], q. 30 (Huế: Thuận Hóa, 1993), tập IV, tr. 119-138.

66. Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng, Đại học Hà Nội, và học giả Nguyễn Thu Hoài, chuyên viên Hán Nôm, giúp chúng tôi làm phóng ảnh 12 trong số 25 tài liệu về Bùi Viện, và chuyển ngữ một số tài liệu cơ bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I (Hà Nội). Do trước đây chỉ được tham khảo bản mục lục toát yếu in roneo năm 1978 của nhóm học giả Vũ Thanh Hằng - tóm lược một số tư liệu Châu bản đời Tự Đức khi còn lưu trữ tại TTLTTƯ 2 (TP/HCM) - rồi so sánh với ấn bản được hiệu đính của các tác giả trên do Trung Tâm Quốc Học ấn hành năm 2003–chúng tôi sẽ ghi danh số mới tại TTLTQG I (Hà Nội), kèm theo mã số của TTLTTƯ 2 (TP/HCM).

67. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 18/10 nhuận TĐ XXIII, CB 231, TL 58, tờ số 167-171. [TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, nhị thập tam niên, thập nguyệt-thập nhất nguyệt, 18/10 nhuận TĐ XXIII, CB 362:163-164; 2003:176]. Tư liệu này có những đoạn không rõ.

68. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 03/11 TĐ XXXI, CB 311, TL 6, tờ số 14-21.

69. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 9/9 TĐ XXX, CB 286, TL 72, tờ số 210-212.

70. TTLTQG I (Hà Nội), CBTĐ, 14/10 TĐ XXX, CB 290, tờ 27-28, 37-44 [TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, tam thập niên, thập nguyệt-thập nhất nguyệt, 14/10 TĐ XXX, CB 420, tờ 27-28, 37-44; 2003:248]

71. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 18/8 TĐ XXXI, CB 297, TL 101, tờ số 305-310.

72. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 29/01 TĐ XXXII, CB 333, TL 33, tờ số 89-114. Thực Lục chép: Tháng Giêng Kỷ Mão [1-2/1879], sơn phòng sứ Hà Nội Dương Khuê bị cách chức, cho làm việc chuộc tội; ĐNTLCB, IV, 33:197. Việc này do Nguyễn Trọng Hợp trình lên vào tháng 12/1878, vì kho Nam Định thiếu hơn 10,000 quan; Ibid., 34:192. Khuê làm sơn phòng sứ từ tháng 11 Ất Hợi (1875); Ibid., 33:260.

73. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, 26/9 TĐ XXXI, CB 307, TL 114, tờ 265-268; 7/7 TĐ XXXII, CB 341, TL 120, tờ 360-367; 19/6 TĐ XXXII, CB 318, TL 28, tờ 73-76; 04/12 TĐ XXXII, CB 330, TL 31, tờ 84-87. 19/12 TĐ XXXII, CB 330, TL 88, tờ 258-285.

74. TTLTQG 1 (Hà Nội), CBTĐ, CB 303, TL 29, tờ 64-67.

75. ĐNTLCB, IV, 33:202, 268, 362; 34:88, 192, 296; Léonard Sogny, "M. Rheinart, Premier Chargé d’Affaires à Hué: Journal, Notes et Correspondance;" Bulletins des Amis de Vieux Hué [BAVH], XXX, nos. 1-2 (1-6/1943), tr. 66, 103-104. 110-111.

76. Tại thư viện Yenching của Đại học Harvard (Boston) có vi phim [microfilms] Nguyễn triều châu bản, cũng như bản chữ Hán các bộ Thực Lục hay Liệt Truyện.

77. Chi tiết này bị "bỏ quên" trong văn chương sử học hiện nay. Xem biên bản phiên họp cuối của Ủy ban Cochin-Chine năm 1857; CARAN (Paris), Fonds Marine, BB4-752 B; Cao Huy Thuần, 1990:27-35; Nguyên Vũ, Paris Xuân 1996 (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 202-214.

78. Thế lực nhóm duy tân/chủ hòa hay hợp tác tạm suy giảm từ năm 1880, khi Tự Đức cho Trần Tiễn Thành bớt trách nhiệm tại bộ Binh. Tuy nhiên, một số Hoàng thân, công tử như Miên Định, Miên Trinh, Hường Dật, Hường Hưu, Hường Sâm, Hường Phì, v.. v... đã hoặc đang nghiêng dần về lập trường hợp tác với Pháp; chống lại phe quân phiệt, chủ chiến Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết, Ông Ích Khiêm, v.. v...

79. ĐNTLCB, IV, 52:335 [Tháng 10-11/1873, Nguyễn Chánh làm Quyền Thương Bạc Đại thần], 345 [Tháng 11-12/1873, Nguyễn Hữu Lập quản lý Thương bạc, vì Nguyễn Chánh ra Bắc làm Khâm lược]. Sau đó, Bùi Ân Niên, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tường lần lượt kiêm quản Thương bạc. Sử gia Nguyễn Thế Anh cho rằng sự thay đổi này chỉ có hình thức, như các Thương bạc đại thần chỉ được bổ nhiệm tạm thời, và Tự Đức vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại lỗi thời, v.. v...; Nguyễn Thế Anh, 1990:41-46. Theo chúng tôi, muốn đánh giá sâu sát nỗ lực ngoại giao của Tự Đức, cần nhận hiểu vị thế một nạn nhân của "luật kẻ mạnh" hạ bán thế kỷ XIX. Sự vụng về hay lỗi thời của Tự Đức - đúng hơn là ảo vọng vào một thế giới "hà tất viết lợi, viết nhân nghĩa nhi dĩ hĩ" - đáng được giảm khinh trong so sánh tỉ đối với lập trường quan tướng Pháp (tính chất giai đoạn của mọi hiệp ước, tùy theo khả năng quân sự và nhu cầu; kẻ mạnh luôn tìm ra những cái cớ [prétextes] để hành động: từ tự do giao thương trên sông Hồng, tới Lý Dương Tài, bạc giả, đánh đòn người Âu, hay cái chết của Henri Rivière). Hơn nữa, ở thời điểm này, Pháp cũng ít khi tôn trọng các đại diện ngoại giao của mình. Aubaret năm 1864 và Bourée năm 1882-1883 chỉ là vài thí dụ.

80. ĐNTLCB, IV, 34:182-183, 233-235; TTLTQG II (TP/HCM), CBTĐ, 7/12 TĐ XXXII, CB 440:262-263; [2003:260].

81. ĐNTLCB, IV, 27:68 , 29:132, 30:193, 31:15, 94, 33:13 [Điều III], 34:233-235, 341-342; 35:98; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, tam thập nhị niên, lục nguyệt-thất nguyệt, 5/7 TĐ XXXII, CB 446:217; 2003:265 [Ngày 22/8/1879, Bộ Công trình việc sửa lại Thủy sư sứ quán để đón phái đoàn Espania và Xiêm]; Tam thập nhị niên, thập nguyệt-thập nhị nguyệt, 27/11 TĐ XXXII, CB 458:200-213; [2003:275] [Ngày 29/12/1879, chuẩn bị đón tiếp sứ Xiêm; tra cứu việc đón sứ đoàn năm Gia Long thứ 8, thứ 15 và Minh Mạng thứ 11]; AMAE (Paris), Mémoires et documents, Asie, vol. 33, tờ 91; Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Việt-Nam (1875-1925): Le crépuscule d’un ordre traditionnel (Paris: Harmattan, 1992), tr. 49.

82. Ngày 20/10/1940, Thủ tướng Phibun Songkhram tuyên bố Pháp đã chiếm của Thái Lan 467,500 dặm vuông lãnh thổ; và gần 4 triệu dân. Ngày 11/3/1941, dưới áp lực Nhật, chính phủ Pétain nhượng cho Thái 23,000 cây số vuông đất tại Kampuchea và Lào, cùng 64,000 dân; International Military Tribunal for the Far East [IMTFE], III:6721. Xem thêm Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response (1809-1905) (Ithaca: Cornell Univ. Press, 1969), Part III, pp. 175-258. Sau năm 1945, Kampuchea lấy lại đất cũ.

83. ĐNTLCB, IV, 27:68; 29:85-87, 97-98,105, 108-9,119; 132, 136, 156-157, 165; 30:193; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, 2/3 TĐ X (1857), CB 193:3-5 [2003:49]; 20/6 TĐ XI (1858), CB 226:247-248 [2003:57]; 23/12 TĐ XII (1860), CB 250:236-240 [Tự Đức mật dụ về vấn đề biên giới Miên. [2003:88]; 10/2 TĐ XIII (1860), CB 253:255-259 [2003:96] [Miên muốn gây hấn]; 11/5 TĐ XIII (1860), CB 257:17-18 [2003:104]; ASME (Paris), Lettre Commune [LC], 1862, "Cambodge", tr.24; CAOM (Aix), Indo AF, carton 11, A 30 (8); Osborne, 1969:27-28, 30; Cao Huy Thuần, 1990:129.

84. ĐNTLCB, IV, 30:86, 293.

85. TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, 11/1 TĐ XXIII, CB 343:53-56; ĐNTLCB, IV, 32:7-8.

86. Về hành trình của Nguyễn Huy Côn (Hỗn), xem TTLTQG I (Hà Nội), CBTĐ, CB 254, TL 40, tờ 94-101 (10/12/TĐ26) [27/1/1874]; & TL 89, tờ 187 (28/12/TĐ26) [14/2/1874]. [TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, nhị thập lục niên, chính nguyệt-nhị nguyệt, 8/1, 11/1 & 20/1 TĐ XXVI, CB 381:26-29, 39-41, 47-48 [2003:185-187], & Ibid., nhị thập lục niên, thập nhất nguyệt-thập nhị nguyệt, 8/12, 10/12 & 15/12 TĐ XXVI, CB 385:64-66, 92-96, 110-114. [2003:198-199]; ĐNTLCB, IV, 33:59.

87. ĐNTLCB, IV, 33:17-18. 34:271, 290-295; 35:94. Theo học giả Nguyễn Thu Hoài, có hơn 20 tư liệu Châu bản triều Tự Đức về các sứ đoàn Espania tới Huế; TTLTQG I (Hà Nội), CBTĐ, CB 212, TL 59, 62, 63, 70, 67, 71, 73, 76, 78, 80 [1870]; CB TĐ 312, TL 82, 86 [1878] CB TĐ 322, TL 102 [1879] CB TĐ 328, TL 89, 94 [1880] [hát bội], CB 331, TL 67 [1880] CB 331, TL 20, 45, 59 [1880] [khoản xin giảm số bạc bồi thường chiến phí không dám tự ý giải quyết, đợi giao ước xong thảo 1 quốc thư cho vua Espania giải quyết]; CB 324, TL 104, tr. 309-310 (28/10 TĐ32) [1/12/1879] [Đỗ Đăng Đệ, Hoàng Diệu tâu về việc bản thương ước hoàn toàn không sửa chữa lại điều 9, còn sau này 2 nước Pháp, Tây Ban Nha có bàn định sửa đổi việc gì quan hệ đến các giám mục, linh mục mà Hoàng đế Đại Nam có chuẩn y mới được thi hành. Khâm sứ Pháp chuẩn y]. Xem thêm, TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, tam thập nhị niên, cửu nguyệt-thập nguyệt, 8/10 TĐ XXXII [9/12/1879], CB 454:191-193, CB 452[?]:284-285) [Tự Đức tiếp kiến sứ đoàn]; 26/10 TĐ XXXII, 9-10, CB 454:300-303 [2003:273] [Sứ Espania cho biết sơ thảo hòa ước có chỗ khác biệt vì ý kiến của Pháp]; 26/10 TĐ XXXII, 9-10, CB 454:304-305 [2003:273-274] [Sứ Espania cho biết thương ước thôi; giáo sĩ do Pháp cai quản]; 28/10 TĐ XXXII, 9-10, CB 454:309-314 [2003:274]; CAOM (Aix), GGI, d.11781; Sogny, "Rheinart;" BAVH, XXX, nos. 1-2 (1-6/1943), tr. 66, 73, 81-82.

88. ĐNTLCB, IV, 31:34-37; Nguyễn Thế Anh 1970:55-56.

89. ĐNTLCB, IV, 34:337.; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, 21/7 TĐ XX, CB 295:274-277 [2003:137]; CAOM (Aix), Indo AF, 16/A 30(55); Nguyễn Thế Anh, 1992:48; Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897) (Paris: 1995), tr. 203-205.

90. Thọ, 1995:266.

91. AMAE (Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol 38, pp. 373-376; Thọ, 1995:195-207, 207-208, 208-210.

92. TTLTQG II (TP/HCM), CBTĐ, 26/7 TĐ XXIII, 7-9, CB 352:16-28 [2003:173] [Lạc Sĩ Điền] & 26/7 TĐ XXIII, 7-9, CB 346:44-49 [2003:173] [Phạm Phú Thứ cải chính thư nặc danh tố cáo mưu toan với Nga thương]; 8/12 TĐ XXIII, CB 366:18-20 [Xuy Di]. & 25/12 TĐ XXIII, CB 367:145-152; 25/12 TĐ XXIII, CB 367:145-152; 4/2 TĐ XXIII, CB 367:220-224; 4/11 TĐ XXXI, 7-12, CB 440:61-62.[ 2003:258]: [Tạ Huệ Kế từ Hong Kong về, thuật lại tin đồn Lan Sĩ Điện].

93. ĐNTLCB, IV, 31:105; TTLTQG II (TP/HCM), CBTĐ, 22/11 TĐ XXII, CB 333:127-129, 2003:157 [mua súng Nhật]; 22/12 TĐ XXI, CB 313:263-272; 2003:146 [Đặng Huy Trứ xin sao tờ tấu của Tăng Quốc Phiên]; 9/1 TĐ XXI, CB 299:16-20; 2003:138-139 [Đặng Huy Trứ trình bày việc canh tân ở TH, Cao Ly, Nhật]

94. Miller, 1990:142-145, 151-153.

95. ĐNTLCB, IV, 35:89-91, 141-143; AMAE (Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol. 39, tr. 363-364; & Documents Diplomatiques, [DD] I:323-324; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:273-274, 283-284, 290-292, 293. Một biên khảo cổ điển về chính sách Đông Dương của nhà Thanh là Lloyd Eastman, Throne and Mandarins: China’s Search for a Policy During the Sino-French Controversy, 1880-1885 (Cambridge: Harvard UnivPress, 1967).

96. ĐNTLCB, IV, 35:167.

97. ĐNTLCB, IV, 32:304, 34:350, 351, 362, 364, 369, 370, 380-381.

98. Theo Rheinart, ngày 3/6/1884, hai chú của Tự Đức và một số quan chức đến xin cho phép dịch chữ "protectorat" thành "bảo trợ" thay vì "bảo hộ" trong văn bản chữ Hán. và để trao đổi, Huế đồng ý nạp ấn tín phong vương của nhà Thanh cho Rheinart bỏ vào lò rèn nấu chảy đi; Sogny, 1943:168-169; ĐNTLCB, 36:114-119. Hoà ước Thiên Tân (9/6/1885), ký giữa Lý Hồng Chương và Patenôtre, công nhận quyền Bảo hộ của Pháp tại Đại Nam; AMAE (Paris), DD IV, tr. 282-286. Quốc Hội Pháp phê chuẩn ngày 6/7/1885. Quân Thanh, kể cả Lưu Vĩnh Phúc, lần lượt rút khỏi Bắc Kỳ, bỏ rơi vua quan Nguyễn và các lực lượng kháng Pháp. Xem thêm Thọ, 1995:379-383.

99. ĐNTLCB, IV, 32:301, 305-306, 33:83-85; TTLTQG II (TP/HCM), CBTĐ, 13/2 TĐ XXIII, CB 343:114-121 [Cơ Mật trình việc Nguyễn Tăng Doãn qua Hong Kong điều tra tông tích Lê Duy Định]; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:216-234; Cao Huy Thuần 1990; Nguyễn Thế Anh 1992.

100. ĐNTLCB, IV, 31:37-40. Xem thêm báo cáo của Puginier trong ASME (Paris), Tonkin 704:51, 65-68, 103, 137ff.

101. Rheinart, "Note sur Nguyen Van Tuong [1885];" SHAT (Vincennes), Indochine, 10H 3, d.8; ĐNTLCB, IV, 33:202, 35:89-91; Sogny, "Rheinart;" BAVH, XXX, nos. 1-2 (1-6/1943), tr. 94-95, 99, 100, 103-104, 124-125. Vì thế, sau này, Rheinart tuyên bố Bửu Lân, là "con nuôi nước Pháp," và lập con Dục Đức làm vua năm 1889, tức Thành Thái (1889-1907).

102. ĐNTLCB, IV, 30: 175-176, 227.

103. ĐNCBLT, q. 36, 1993, IV:282-283. Nên ghi thêm là nha tuần hải khác với thương chính. Ty thương chính có nhiệm vụ thu thuế hải quan các thuyền buôn ngoại quốc. Nha tuần hải phụ trách tuần tiễu các trục thủy lộ và duyên hải, và chuyên chở hàng hóa. Sau này, nha tuần tải đổi thành thuyền chính. Tháng 4 Nhâm Ngọ [5-6/1882], Tự Đức thưởng phẩm hàm cho bọn Trần Bạch Lân, quyền quản nha tuần tải cũ, vì từng bắt được thuyền giặc, khiến từ 1880 việc vận tải an toàn; ĐNTLCB, IV, 35:124.

104. ĐNTLCB, IV, 34:221-223; ĐNCBLT, q. 34, 1993, IV:225-232. Giòng giõi là Phạm Phú Quốc, từng đánh bom Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962. Sau tử trận trong một cuộc oanh tạc phía Bắc vĩ tuyến 17.

105. TTLTQG I (Hà Nội), CBTĐ, 21/4 TĐ XXXII [10/6 1879], CB 337, TL 87, tr. 306-307 [Phạm Phú Thứ]; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, 24/5 TĐ XXXII, 5-7, CB 456:131-143; & 12/10 TĐ XXXII, 5-6, CB 447:227-231; [2003:264, 272].

106. CAOM (Aix), Indochine AF, carton 14, A 30(31); GGI, d. 11939; ĐNTLCB, IV, 34:262, 35:13, 88; Nguyen The Anh, 1992:39-40; AMAE (Paris), DD, I, tr. 55-57; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:248.

107. Xem Nguyên Vũ, "Góp phần nghiên cứu Petrus Key;" Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002); Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, (Houston: Văn Hóa, 1997), tập I; Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối, tập II & III (ấn bản 2000); Nguyễn Mạnh Quang, Thực chất Giáo hội La Mã, 2 tập (Tacoma, WA: 1998), II:695-700.

108. CAOM (Aix), GOUGAL, 7F 61 & F03 (177); Vũ Ngự Chiêu, "Từ trung quân sang ái quốc: Sự hình thành của phong trào quốc gia mới;" Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 89, 90. Người vợ chính thức đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, Tăng Tuyết Minh, là một giáo dân Ki-tô; cha từng lập nghiệp ở Hawaii, rồi trở về Quảng Đông sinh sống.

109. Pierre Brocheux ghi nhận Nguyễn Ái Quốc không để lại dấu vết rõ ràng nào trên đất Mỹ; Idem., Hô Chi Minh: Du révolutionnaire à l’icône (Paris: Payot, 2003), tr. 32. Với một số học giả Mỹ, chẳng cần tìm hiểu thêm về Hồ Chí Minh vì chiến tranh Việt Nam đã trở thành quá khứ. Bởi thế, trong một số sách giáo khoa, sinh viên Mỹ vẫn được học là Hồ rời Việt Nam vào năm 1912, theo học lycée Vinh, và đại loại.

110. L’Humanité (Paris), 18/7/1919; trích in trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh, tập I (1997), tr. 191.

111. Thư trả lời của Phái đoàn Mỹ ngày 20/6/1920; CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, c. 3.

112. CAOM (Aix), SLOTFOM, Series II, c. 6. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, I, tr. 190, 268. William Duiker cũng in lại truyền đơn này trong bộ tiẻu sử xuất sắc về Hồ Chí Minh năm 2000.

113. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries I, carton 2.

114. Có lẽ Nguyễn Ái Quốc nhắc đến cuộc nổi dạy của Đội Trịnh Văn Cấn ở Thái Nguyên năm 1917.

115. Tình báo Pháp ghi chú nhân vật Phan này là Phan Châu Trinh; điều ấy không đúng. Luật sư Phan Văn Trường mới có khả năng đối thoại lưu loát bằng Pháp ngữ; và sống tại Pháp "trên 10 năm." Vì đang sống ở Mayence (Germany), Luật sư Trường cho Nguyễn Ái Quốc tạm trú tại nhà mình ở Paris. Mật thám Pháp từng gửi Quản Lâm - một thượng sĩ thông ngôn gốc Nam Định - qua Meyance theo dõi Phan Văn Trường vì theo lời tiết lộ của Quốc, Luật sư Trường "đang lo việc chính trị cá nhân tại đây." CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, d. 1.

116. Theo "Quản Lâm," Kim hứa giúp thông dịch qua chữ Hán bản thỉnh nguyện của nhóm Nguyễn Ái Quốc để sẽ phổ biến trên báo chí tại Trung Hoa, và cung cấp cho Quốc ít số nguyệt san Korea Review bằng Mỹ ngữ. Quốc cũng liên hệ với một y sĩ người Hoa làm việc cho Bộ Tư pháp ở Bắc Kinh; CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, d. 1; SPCE 364.

117. Vũ Ngự Chiêu, "Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946," Ph.D. Dissertation, Univ. of Wisconsin-Madison, Dec 1984, Parts II & III; Idem., "The End of An Era: The Empire of Vietnam (March-August 1945);" Journal of Asian Studies, Vol. XLV, No. 2 (Feb 1986), pp. 293-328; David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley, CA: California Univ. Press, 1995), pp. 279-289. Xem thêm US Senate, Hearings (1972), (1973:243-271, Deer Team); hồi ký Charles Fenn, (1973:73-75), Archimedes Patti (1980:56); Hoàng Văn Hoan (1987:243-246); Phùng Thế Tài (2002:57-94).

118. Chính Đạo, "Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946;" Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 88 (4-5/2006), tr. 95-148.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25618)
Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự ít ỏi còn sót lại của thời Lý - Trần, bên cạnh các tác phẩm Việt điện u linh, Tam tổ thực lục, Thiền uyển tập anh, Nam Ông mộng lục. ..
07 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 26030)
Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là Ủy Hội Sông Mekong/ MRC phải chứng tỏ sự lãnh đạo trong những lượng giá bước đầu các chương trình phát triển quan trọng, trong đó bao gồm cả khai thác nguồn thuỷ điện sông Mekong. [Tuyên cáo của các Tổ chức Tài trợ MRC]
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 24489)
Như Trang Châu đã viết: Ngọn gió thổi qua rặng núi, phát ra muôn vạn âm thanh khác nhau. Người đời chỉ tri nghiệm được những muôn vàn âm thanh đó, ít khi hiểu được uyên nguyên của ngọn gió.
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 27010)
Từ lâu, người ta đã quen với việc đọc mười quyển sử đã ra đời rồi đọc quyển thứ mười một của người "sưu tập" sử phẩm viết tiếp theo, người này đến sau nhưng có khi cũng không hơn gì mười ông trước.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 28189)
Tù binh: bằng chứng quá khứ và dấu vết ngày nay Đánh nhau, bắt tù binh thì đời nào trước Lí cũng có, tù binh cũng được hiểu là có trong những trận chỉ nói việc thu chiến lợi phẩm gồm của cải, ngựa xe...
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30139)
Chủ nghĩa hậu hiện đại loại bỏ tham vọng của chủ nghĩa tiên phong trở thành một phong cách nghệ thuật mang tính khởi nguyên lịch sử, tính cách tân, sự thuần khiết khép kín và sự chiếm lĩnh thật sự tuyệt đối thực tại cao cả.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30949)
Trong các cuộc tranh luận, chủ nghĩa hậu hiện đại được lí giải như một hiện tượng thuần phương Tây, mà, nếu như có liên quan tới các nền văn hóa không phải phương Tây, như Nhật Bản chẳng hạn, thì nó chỉ là kết quả của quá trình tây hóa không tránh khỏi và ngày càng gia tăng ở các nước này. Bài viết của chúng tôi nói về những quy luật phát triển văn hóa ở thế kỉ XX, có thể xem như là những quy luật chung cho cả phương Tây lẫn nước Nga, mặc dù trong thời đại đã qua nước Nga phân liệt với thế giới phương Tây và đối lập với nó.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 27435)
Phần tóm lược dưới đây chỉ nhằm cung cấp cho bạn đọc một tấm “bản đồ” của các lý thuyết văn học lớn trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Khi đọc, xin bạn đọc lưu ý cho một điểm: không có một lý thuyết nào có thể được tóm lược một cách trung thành và trung thực, do đó, tấm “bản đồ” này chỉ nên được sử dụng như một cơ sở để tham khảo, từ đó, đọc thêm, hơn là để đánh giá các lý thuyết ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 26497)
Hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính (20/1/1966), tác phẩm của nhà thơ này mới thoát khỏi cõi “im lặng đáng sợ” của sự quên lãng chẳng biết vô tình hay cố ý của những ai ai, trở lại được in ấn, đăng tải, bàn luận. Từ 1986, những sưu tập, tuyển tập thơ Nguyễn Bính liên tục được in ra, liên tục có mặt trên giá các quầy sách các hiệu sách
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25909)
Những nhà văn mới xuất hiện trên văn đàn khoảng 1952-55 viết không giống như hai thế hệ đàn anh phái hậu chiến (Sengoha). Họ mượn hình thức tiểu thuyết tự thuật theo kiểu cũ nhưng để nói về cái trống rỗng của cuộc sống hiện tại. Họ được mệnh danh là lớp nhà văn mới thứ ba (The Third Wave).Yasuoka Shôtarô (An Cương, Chương Thái Lang, 1920-?) trong “Bạn bè xấu” (Warui Nakama, 1953), trình bày tư thế bám chặt của ông vào bản ngã của mình.