- Nghề Gốm
- Thư Tòa Soạn 90
- Nguyễn Phạm Hùng: Tính Toàn Vẹn Của Lịch Sử Văn Học
- Gặp Gỡ Thụy Khuê Trên Một Chặng Bút Trình - Phần 1
- Gặp Gỡ Thụy Khuê Trên Một Chặng Bút Trình - Phần 2
- Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “Trung Quân” Sang “Ái Quốc” - Phần 2
- Đặng Thị Hảo: Nhận Diện Thơ Tình Cổ Trung Đại
- Lá Bạc Đầu
- Mùa Mơ
- Hoàng Nguyên Nhuận: Một Cõi Đi Về Cho Trịnh Công Sơn?
- Thử Tìm Vài Đặc Điểm Của Văn Xuôi Tự Sự Quốc Ngữ Nam Bộ Trong Bước Khởi Đầu
- Ngủ Đi Nhé À Ơi, Cái Sâu Làm Tổ ...
- Đêm Thức Dậy Làm Thơ
- Hành Lý
- Lơ Lửng Trên Cao
- Thế Uyên: Chủ Đề Tình Yêu Bộ Ba Với “trưa Nắng Hàm Ninh” Của Phùng Khánh Minh
- Mảnh Vỡ (Riêng Cho Giọt Nước Mắt Màu Sen Trắng)
- Trên Phiến Mòn Ký Ức
- Thấp Thoáng Trương Chi
- Thơ Thanh Xuân: Giấc Mơ, Giả Mộng Và Bóng Căng
- Vợ Dại
- Ba Tôi
- Ăn Sống
- Văn Hữu Và Bạn Đọc: Thư Của Ông Tô Hoài Dương
- Phần 1
- Phụ Trang
Cả buổi sáng quần quật ngoài đồng, tôi không tuyển chọn được con dế đá ưng ý. Về nhà, chân cẳng còn lấm lem bùn sình, tôi nhảy tót lên võng nằm, chán nản. Gió ngoài trời đưa vào hầy hậy. Tiếng cót két lắng dần. Chiếc võng vẫn đung đưa. Hai chân tôi kéo lê kéo lết dưới nền nhà. Những vết bùn sình bám ở chân tôi khô dần. Chúng bám lấy làn da chân tôi khô cằn, nhăn nhíu. Tôi đưa tay cào cấu hai chân sồn sột. Càng cào cấu, tôi càng khoan khoái. Toàn thân tôi run lên cảm giác đã đã làm sao ấy, vì từng cơn ngứa ngáy va chạm vào các đầu móng tay tôi, chúng đã tắt dần. Thế nhưng, chỉ mới gãy vài tua ở hai chân, bộ móng tay tôi đã ngập đầy đất sình đen kịt. Tôi đưa hai bàn tay lên ngắm nghía. Mấy đầu ngón tay tóp lại, tê tê. Lật bề này xem, lật bề kia xem, tôi liền đặt tay lên mũ hửi hửi. Một mùi tanh tanh lan ra, tỏa rộng khắp cả mặt mày. Cái mũi tôi khịt khịt. Tiếng hắt xì vang lên liên tục. Tôi thấy khó chịu nên đưa ngay mấy ngón tay vào miệng. Môi khép chặt. Những móng tay nằm trong miệng tôi, sình đất rệu rã dần. Hai hàm răng nghiến chặt mỗi đầu ngón tay. Chẳng mấy chốc, tôi đã dẹp gọn bộ móng sình đất ấy dưới sự trợ giúp của hàm răng. Tôi cũng quên dần chuyện đi săn lùng dế đá. Mệt mỏi, tôi đắm chìm vào giấc ngủ mơ màng.
Trong cơn ngủ say lơ mơ, tôi thấy mình đang rình rập bầy dế. Bầy dế, con trống, con mái dắt con dắt cái lũ lượt ra đồng. Chúng như bẹo hình bẹo dạng trước mặt tôi. Nhìn chúng tung tăng dưới cỏ, tôi dừng bước. Đầu óc nghĩ ngợi, tôi liền sáng mưu lập kế. Con dế trống đen huyền, đầu phết một bệt vàng chói lọi, bộ râu đang ngo ngoe. Nó càng lộng lẫy, sức lực thi đấu càng khỏe. Tôi lăm le tiến đến gần nó. Bỗng nhiên, tiếng lục khục đâu đó vang lên. Chiếc võng chòng chành. Tôi mở mắt ra. Ba tôi đang đứng ngay bên cạnh. Mắt nhìn lom lom:
- Mày đi quậy phá đã rồi về nằm đó phải không?
Tôi nằm im ru. Ba tôi vẫn đi quay đi lại cạnh tôi. Nhìn tướng tá cao lêu nghêu, ốm nhom ốm nhách của ba mình, tôi thấy oải quá. Đã vậy, mặt mũi ba tôi còn xấu hơn cả tướng tá của ông. Khuôn mặt lúc nào cũng hom hem với hai cái hố trũng sâu hai bên má. Từ trái xuống cằm, một màu đen thui đen thủi phủ kín. Nói chung, ba tôi là một người đàn ông không đẹp. Cả làng, tôi thấy ba mình là người xấu nhất. Phải chi ba tôi được như bác Tư, chú Bảy ở cùng xóm thì hay biết mấy. Cũng không cần giống như những người đó đâu, chỉ cần ba tôi được như ông Hai, ông nội của thằng Út hí, bốn anh em tôi cũng thấy khoái chí.
Trẻ con nên tôi không hiểu gì cả. Tôi không hiểu tại sao ba tôi lại ốm tong ốm teo như vậy? Trong khi đó, mẹ tôi rất xinh đẹp. Đàn bà ở ruộng mà da dẻ trắng bóc. Chân lấm tay bùn quanh năm, mặt mày sáng sủa. Nói chung, mắt mũi mẹ tôi đều đẹp cả. Nhìn mẹ, tôi dám cá không đứa nào dám chê mẹ tôi xấu. Cho nên, đám con nít trong làng thường gọi mẹ tôi là nàng tiên. Không riêng gì trẻ con, người lớn ở lối xóm cũng khen mẹ tôi ngộ người. Tôi chẳng biết ngộ người là thế nào cả. Người ta nói gì mặc kệ người ta hiểu. Tôi chỉ thấy đàn bà cả xóm này không ai có thể so sắc đẹp với mẹ mình. Cho nên, bốn anh em tôi rất yêu thương mẹ. Mẹ yêu thương đứa nào nhất, chúng tôi không cần biết. Chúng tôi chỉ thấy mẹ là trên hết. Bởi vì, mẹ đã mang đến cho anh em tôi một niềm tự hào đối với trẻ con lối xóm.
Không những vậy, bốn anh em tôi còn thường xuyên trêu chọc nhau, bằng cách lập phe lập phái từ các thành viên trong gia đình. Phe đẹp là con của mẹ, phe xấu là con của ba. Những lần như vậy, các đứa con của ba thường la lối om sòm. Đứa nào cũng tranh hơn tranh thua để được làm con của mẹ. Thế nhưng, cuộc tranh giành nào cũng phải có đứa thua đứa thắng. Nhìn đám con, ba tôi tủm tỉm cười. Trong khi đó, mẹ tôi lại lên tiếng cằn nhằn, la mắng từng đứa. Bà cấm chúng tôi tuyệt đối không được bày những trò đó nữa. Kẻ thua cuộc lại bị mẹ mắng, tôi ủ rũ ngồi bệt xuống đất. Mắt hướng ra ruộng đang vào mùa thu hoạch. Ngoài trời, chim én chao liệng đốp rầy. Chúng lần quần trên không trung, tạo thành một vệt lấm tấm đen. Tôi thích thú ngắm nhìn. Gió đồng hất vào mặt từng luồng, rát buốt. Bỗng dưng, ba tôi bước đến bên cạnh, đưa chân đá nhẹ vào mông tôi, giọng thủ thỉ:
- Không dễ gì giống ba đâu! Con gái giống cha giàu ba họ đó con.
Tôi vẫn ngồi lặng thinh. Mắt rỉ rả rơi từng giọt nước xuống má. Mặt mày ướt lem nhem. Mũi hít rẹt rẹt:
- Đàn bà phải giống đàn bà chứ! Con là con gái sao lại không giống mẹ chứ!
Ba tôi xoa đầu dỗ dành:
- Ừ! Con giống mẹ đó chứ! Ba thấy con giống mẹ không khác tí gì?
Tôi nhẹ nhõm bật đứng dậy. Chân dậm lịch bịch xuống đất, hô hào:
- Cả nhà nghe chưa? Ba vừa nói đó…
Anh em tôi nghe ba xác minh như vậy nên không đứa nào dám cãi lại. Chúng tôi lăm le theo nhìn mặt những đứa khác, xem đứa nào giống ba. Thế nhưng, mưu đồ này chúng tôi chưa kịp thực hiện thì mẹ đã phát hiện. Mẹ tôi tuyên bố, nghe đứa nào rục rịch chuyện đó nữa sẽ đánh liền năm roi. Cho nên, chúng tôi tản đi ngay.
Đêm hôm ấy, đêm của những tháng ngày tối đen trùm xuống cuộc đời bốn anh em chúng tôi. Ngủ thẳng cẳng đến nửa đêm, tôi choàng tỉnh giấc. Mưa dông ầm ầm. Nước tuôn xối xả. Gió ào ào nện vào mái tôn rầm rầm. Bốn chị em chúng tôi co rút vào lòng ba. Tiếng hoảng sợ thảm thiết của mẹ vang lên. Tiếng thì thầm của ba trấn tĩnh mẹ. Hai giọng nói ấy cứ đan xen văng vẳng bên tai tôi. Bốn anh em tôi vẫn không nguôi nỗi sợ hãi. Tôi dỏng tai nghe. Tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi, tiếng gió hú, tiếng khua mái nhà, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo thành một mớ âm thanh ma quái, hãi hùng. Tiếng âm thanh lạ lùng ấy càng phát ra bao nhiêu, tiếng kêu thảm thiết của mẹ và bốn anh em tôi càng rống lên bấy nhiêu. Đã vậy, tiếng ba tôi còn to nhỏ theo phía sau.
Nỗi sợ hãi vẫn đuổi rượt đến khủng khiếp. Tôi nín thở. Mắt nhắm nghiền. Hai tay bám chặt chân ba. Anh em tôi, người này ôm chầm lấy người kia, dồn đống lại thành một cục đen thui, thền thền trong bóng đêm. Tiếng ba má tôi vẫn thay nhau cất lên chói lói. Bỗng nhiên, một tiếng ầm long trời lở đất giáng xuống đầu tôi. Một màu đen kịt vây trùm lấy tôi. Tôi la ơi ới. Tiếng hét thất thanh của mẹ lại vang lên. Tiếng khóc rưng rức trong không gian ngột ngạt của bốn anh em tôi cũng ư ứ vang lên. Ba tôi vẫn thái độ điềm tĩnh, giọng cứ đều đều thốt ra:
- Không sao! không sao!
Tôi mở hẳn mắt ra. Cảm giác dễ thở đã xuất hiện ngay trong tôi. Bởi vì, những tia chớp cứ len lỏi vào tận nơi tôi nằm. Mặc dù, bóng đêm cứ chụp liên miên trước mặt tôi. Thế nhưng, có được vài tia sáng đứt quãng như thế này, tôi mới dám hy vọng mình còn sống sót. Tiếng khóc của bốn anh em tôi cũng tắt dần. Ngẩng mặt nhìn lên nóc nhà, tôi đã nhận ra ba. Ông đang vươn hai tay làm trụ cột chống đỡ mái nhà. Mẹ tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng. Bà ngồi co ro một góc. Tay bám lấy chân ba tôi. Miệng than vãn:
- Gia đình tôi làm gì nên tội. Trời đất lại hành phạt thế này!
Ba tôi đứng bất động như pho tượng. Trên đầu, tiếng mưa rơi, tiếng sấm sét cứ vẳng lên đều đều. Bốn anh em tôi vẫn ngồi dồn chùm, dồn đống, không ai dám cựa quậy. Ngôi nhà bé tí tẹo, sức chứa vừa đủ gia đình tôi, trở nên vắng lặng. Muỗi mòng cũng biến mất, chứ không như mọi đêm. Chúng cứ vo ve khắp mặt, châm chích đầy người. Bỗng nhiên, giọng ba tôi ồ ồ vang lên:
- Mình đi tìm cho tôi cây nạng, để chóng đỡ mái nhà này thế tôi.
Mẹ tôi ngồi vùng vằng:
- Tối thui thế này, tôi biết tìm ở đâu?
Ba tôi lảo đảo. Mái nhà chao nghiêng. Tiếng gỗ mục ken két. Tiếng nước đổ ào ạt. Tất cả hòa lẫn trong tiếng sấm sét. Chúng lại tạo thành một mớ âm thanh hãi hùng cứ vang lên rợn người. Giọng ba tôi dồn dập:
- Cây nạng đâu? Mình lấy cho tôi cây nạng nhanh lên.
Mẹ tôi nhanh chóng rời khỏi chúng tôi. Ba tôi vẫn đứng đó làm trụ cột. Bóng đêm cứ lảng vảng theo gia đình chúng tôi. Nỗi sợ hãi cứ dai dẳng bám lấy tôi. Nhìn xung quanh, mọi thứ đều chìm nghỉm trong bóng tối, tôi lại lo lắng cho ngày mai. Ngày mai mà vẫn tối thui như thế này, tôi biết bếp núc ở đâu để mẹ nấu nướng. Bốn anh em tôi ăn uống ở đâu? Càng nghĩ ngợi, tôi càng hoang mang.
Bất chợt, mẹ tôi vác vào một khúc cây to tướng. Ba tôi nhanh nhẩu vớ lấy khúc cây chống mái nhà thay mình. Quan sát hành động của ba xong, tôi thấy ngôi nhà hình như cao lên một tí. Phải chăng vì vậy, gió lại lùa vào dữ dội hơn. Nó mang cả cái lạnh giá bên ngoài vào. Bốn anh em tôi, đứa nào đứa nấy đều rùng người. Cảm giác rờn rợn lại xuất hiện khắp người tôi. Cho nên, tôi chui ngay vào lòng ba như tìm được nơi trú ẩn. Ba tôi xiết chặt tôi trong lòng, giọng xoa dịu:
- Đừng sợ gì hết con à! Ngày mai trời sáng, mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Những lời lẽ trấn an của ba làm tôi như tìm thấy một phần an toàn. Cho nên nỗi sợ hãi trong tôi dần dần tan biến. Có lẽ, cả nhà tôi đã chuyển sang tâm trạng khác. Mẹ tôi nằm xuống bên cạnh các con, âu yếm từng đứa. Thằng Út lại ngáy khì khì. Tôi vẫn nằm yên trong lòng ba mình, trong ngôi nhà bé tí. Tiếng mưa rơi rào rào bên tai. Tiếng sấm sét thỉnh thoảng xuất hiện. Tôi đi vào giấc ngủ miên man lúc nào chẳng hay.
Tỉnh giấc, tôi thấy nước lênh láng khắp nơi, chúng vây quanh cả căn nhà của tôi. Đứng trong nhà nhìn ra ngoài, tôi quá bất ngờ trước cảnh vật khác lạ. Đồng ruộng lúa xanh rì hôm qua, hôm nay, biển cả mênh mông lại xuất hiện. Gió cứ loáng thoáng trên mặt nước. Từng cơn sóng đỏ ngầu nhấp nhô. Tôi ngắm nhìn, khoái chí. Trong khi đó, ông Hai, bác Chín, chú Út cùng với một số người trong xóm đã vô chật kín căn nhà tôi. Mẹ tôi bảo những người đó đến cùng ba tôi dựng lại nhà. Tôi không để ý. Bởi vì, biển nước đỏ ngầu kia hấp dẫn tôi hơn. Chỉ mỗi mình thằng Út, nó nhảy tưng tửng sung sướng, vì nó có được nhà mới ở trên biển. Mặc cho, người lớn ai nấy đều lo lắng. Người này nói với người kia:
- Chưa thấy bão lụt năm nào lớn như năm nay!
Cha mẹ tôi, nét mặt người nào cũng buồn bã. Trong khi đó, chúng tôi lại tỏ rõ thái độ vui mừng. Tôi mong cất nhà xong, ba sẽ bơi xuồng chở bốn anh em tôi ra biển. Trên dòng nước mênh mông, ba tôi sẽ quăng chài bắt cá. Cá lớn cá bé đều nằm trong xuồng của anh em tôi. Bốn anh em tôi chia phe chia phái. Chúng tôi chia đều cá cho nhau, con nào chết thì đem về mẹ nấu ăn.
Chiều hôm ấy, trong cơn đói cồn cào, tôi cứ lẽo đẽo theo đòi cơm ba mẹ. Mẹ nhìn cha buồn buồn. Ba nhìn tôi xót xa:
- Chịu đói một chút, ba đi chài cá về nấu cho các con ăn!
Dứt lời, ba tôi cầm chài xuống xuồng bơi đi. Tôi khóc tức tưởi đòi theo. Mẹ ngăn cản. Bà ôm chầm lấy tôi dỗ dành:
- Nước nổi! Con theo làm gì? Ba đi giăng lưới sẽ về ngay bây giờ.
Ở nhà, bốn anh em tôi trông ngóng ba về trong cơn đói mệt lả. Đêm khuya dần, tôi vẫn không thấy bóng dáng ba đâu cả. Mẹ tôi đứng ngồi không yên, cứ đi ra đi vào. Đám trẻ chúng tôi cứ xúm xít quanh mẹ. Đứa đòi ăn, đứa hỏi han về ba. Mẹ tôi bật khóc nức nở. Thấy vậy, chúng tôi giả vờ ngủ để mẹ không khóc.
Trời tối rồi lại trời sáng. Bốn anh em tôi vẫn chờ đợi ba mang cá về. Mẹ sẽ nấu một nồi to tướng. Cả nhà quây quần bên nồi cá ăn cho qua cơn đói. Vậy mà, ba tôi vẫn biệt tăm.
Cho đến một buổi chiều mưa tầm tã, nhà tôi lại rất đông khách. Người ta bảo đã tìm thấy ba tôi ở một xã khác. Tôi thì chẳng thấy ba mình đâu cả. Ngoài chiếc bao bố buộc miệng kín mít bác Tư và chú Bảy khiêng vào trong nhà. Mẹ tôi ngất lên ngất xuống. Bốn anh em tôi vây quanh nhìn mọi người. Một vài người bảo ba tôi bị cá ăn nát bắp tay bắp chân gì đó. Bốn anh em tôi vẫn mong ba về để xem vết thương ra làm sao. Tôi nghĩ ba bị cá cắn như vậy chắc ra nhiều máu lắm. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy tức ba. Con cá có chút xíu so với ba như vậy. Ba để cho nó cắn nát tay nát chân.
Nói gì thì nói, ngày hôm đó bốn anh chị em tôi rất vui. Bởi vì, chúng tôi có một bữa ăn rất sung sướng. Mâm nào mâm nấy cá thịt dọn ê hề. Mặc dù, mẹ lại khóc hoài. Mẹ khóc. Chúng tôi lại khóc theo. Tiếng khóc rưng rức cứ vang lên khắp nhà. Người ta mang mẹ lên giường nằm, mền đắp kín. Lúc đó, chúng tôi lại tranh thủ ăn đến no nê. Tôi ăn đến tức cả bụng. Ăn xong, chúng tôi lại lăn ra ngủ bên cạnh mẹ. Trong giấc ngủ lơ mơ, tôi vẫn thấy ngày nào mình cũng được ăn ngon như thế này.
Vật đổi sao dời, tôi rời vùng nông thôn đắng cay ấy lên thành phố học hành và mưu sinh. Trong cuộc hành trình khá gian nan trên con đường đời, hình bóng ba tôi vẫn sống mãi trong tôi. Hình ảnh người đàn ông đẹp như ba tôi, tôi chưa bao giờ được gặp lại, dù chỉ là na ná. Biển đỏ ngầu thấm đẫm phù sa quê hương tôi lại là một nỗi ám ảnh suốt đời tôi. Dần dà theo thời gian, tôi bắt đầu hãi hùng với dòng nước. Giữa một đô thị văn minh, lao xe qua cầu, tôi không thể nhìn xuống dòng sông đang lững lờ trôi. Trên con đò dọc con đò ngang, tôi không một lần can đảm sang sông. Biển xanh biêng biếc nhuộm da dẻ mặn mòi, tôi chưa một lần dám đặt chân xuống. Ngay cả trên đường phố thênh thang, sau những trận mưa nước chưa rút kịp, tôi cũng thấy rờn rợn cả người.
Thỉnh thoảng về thăm lại quê hương, họ hàng người nầy người kia bảo tôi giống ba như đúc. Tôi nghĩ ngợi. Bởi vì, tôi đi đến đâu người đời cũng khen tôi xinh đẹp. Cho nên nghe câu nói này, tôi chợt nhớ lại cách suy nghĩ của mình lúc còn ấu thơ. Tôi cứ sợ giống ba sẽ xấu xí…
Bây giờ, tôi mới thấy ba đẹp biết chừng nào?
HUỲNH MẪN CHI (S.G.Việt Nam)