- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 1)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10084)
ngodinhnhiemNgày 25/4/1961, Tướng Edward G. Lansdale–người được coi như hiểu biết rất rõ Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]–viết báo cáo lên Thứ trưởng Quốc phòng Roswell L. Gilpatric, Chủ tịch Ủy Ban Đặc Nhiệm Việt Nam [Presidential Task Force on Vietnam], về “No Din Zee’em” (Ngô Đình Diệm) như sau:

Ông ta lùn, mập tròn. . . Nhiều người không chú ý đến cặp mắt đen hay liếc trộm [snapping] của ông ta mà chỉ chú ý đến cặp giò vừa đủ chạm mặt đất khi ngồi. Tuy nhiên, ông ta không cảm thấy ngượng ngùng về chuyện lùn, và có vẻ rất tự nhiên chung quanh những người Mỹ cao lớn. . . .

Ông ta tỏ vẻ ăn uống ngon lành (và thường có sở thích ăn ngon). Nụ cười của ông ta có vẻ e dè và bất thường. . . . Diệm sinh ngày 3/1/1901. . . Năm 25 tuổi [1926], Diệm đã được cử làm quan đầu tỉnh. Nhưng sau “sáu tháng làm Thượng thư” Diệm từ chức, trở thành “người hùng thực sự của người Việt.” Từ đó, anh em Diệm “âm thầm chống cả Pháp lẫn Cộng Sản.” Diệm là một người độc thân 60 tuổi, “đã cắt bỏ mối tình với người yêu đầu đời để dâng hiến cho tổ quốc.”( 1)

Thực ra, Lansdale dường không muốn viết rõ, hoặc không biết nhiều về Tổng thống Diệm cũng như họ Ngô. Hầu hết chi tiết về hộ tịch Diệm hay thành tích chống Pháp của Diệm và gia đình Ngô Đình Khả, đều thiếu chính xác. Các học giả thế giới cũng chẳng bận tâm đến việc tu chỉnh lại tiểu sử người cầm đầu phe thua cuộc.( 2)

Đáng buồn hơn nữa, lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là một thứ câu chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy có một tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương hiện hữu về họ Ngô hay Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời “cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực.

Bài viết này nhằm điền vào khoảng trống nói trên. Tư liệu chúng tôi sử dụng cơ bản là tập tiểu sử chính phủ Diệm do cơ quan an ninh Pháp thành lập vào tháng 7/1954, hiện vẫn còn chưa giải mật. Ngoài ra, còn nhiều tư liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa, cùng các tài liệu nguyên bản khác, kể cả tiểu sử Ngô Đình Diệm do cơ quan an ninh Mỹ biên soạn ngày 18/4/1957, nhân dịp Diệm sắp qua thăm Mỹ.( 3) Tiểu sử này, dĩ nhiên, không đầy đủ.

I. SƠ LƯỢC GIA THẾ:

Ngô Đình Diệm, ngoài tên “thánh” Jean-Baptiste [Gioan Bao-xi-ta], còn có bí danh Nguyễn Bá Chinh. Theo an ninh Pháp, Diệm sinh ngày 27/7/1897 tại Đại Phong [Phuong] hay Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.( 4)

Cha là Ngô Đình Khả (1856-1914), một tín đồ Ki-tô tân tòng, xuất thân thông ngôn cho Pháp, sau đổi qua ngạch quan lại Việt, lên tới Đề đốc Kinh thành (1905-1907).( 5) “Mẹ” là Phạm Thị Thân.

Anh em Diệm khá đông, gồm sáu trai, hai gái. Khôi, con vợ lớn, là anh cả. Diệm, theo lời đồn, đứng hàng em của Khôi, Thục, và anh Ngô Thị Hiệp (bà Cả Lễ; chồng là Nguyễn Văn Ấm, sinh ra cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận), dù tuổi “chính thức” Diệm lớn hơn Thục hơn hai tháng. Dưới Diệm có Nhu, Cẩn, Luyện, cùng một người em gái khác. Vì Khả chết khi Diệm còn nhỏ (17 tuổi khai sinh), Khôi quyền huynh thế phụ. Khôi chết, Thục có ảnh hưởng nhất trên Diệm, với cương vị một Giám mục.

Cha đỡ đầu là Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), nhạc phụ Khôi, một thủ hạ cũ của Khả, cũng một Thượng thư uy quyền và đầy mưu mô tại Huế từ 1907 tới 1933. Theo tài liệu Pháp, Bài đã nuôi dưỡng Diệm từ nhỏ. Bài cũng có ý định chọn Diệm làm con rể, nhưng vì lý do nào đó không thành. Con gái Bài sau đi tu dòng kín Carmel.( 6)

Sau khi lên cầm quyền, Diệm đổi ngày sinh thành 3/1/1901. Chẳng hiểu tại sao có việc “thay đổi” hộ tịch trên. Việc thay tên, đổi họ và ngày sinh tháng đẻ là việc thường xảy ra ở Việt Nam. Trước hết, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, việc khai hộ tịch không được kiểm soát chặt chẽ. Viên chức xã ấp tại thôn quê không đặt nặng sự chính xác về ngày sinh của trẻ em. Cha mẹ nhiều khi khai rút tuổi con cái vì mục đích nào đó, như đi học hay khai sưu thuế. Hơn nữa, việc đổi từ ngày nhật (dương) lịch qua nguyệt (âm) lịch rất phức tạp, đôi khi cha mẹ dùng ngày tháng sinh nguyệt lịch làm ngày tháng nhật lịch, rồi dùng năm nhật lịch tương đương trong khai sinh. Thông thường, cha mẹ hay khai rút tuổi các con. Nhưng rất hiếm trường hợp cha mẹ khai con mình tăng thêm ba bốn tuổi, ngoại trừ có biệt lệ nào đó. Phải chăng Diệm rơi vào trường hợp đặc biệt này, vì nếu sinh năm 1901, Diệm không thể nào được tập ấm chức Cửu phẩm và làm việc tại Tân Thư Viện Huế năm 1917, khi mới 16 tuổi.( 7)

Theo Luyện, em út trong gia đình họ Ngô, Diệm đã khai tăng bốn tuổi (tức từ 16 lên 20 tuổi) để có thể vào trường Hậu Bổ. Điều này khó tin, vì mãi tới năm 1918-1919, Diệm mới học trường Hậu bổ.( 8)

Luyện cũng là nhân chứng không đáng tin cậy. Thí dụ như khi được hỏi về vai trò chính trị của Luyện, Luyện nói được lệnh “đứng ngoài chính trị.” Thực tế, từ thập niên 1940, Luyện đã hoạt động với các tổ chức thân Nhật, và trở thành đặc sứ của Diệm với Bảo Đại, trước khi nắm chức Đại sứ tại London. Luyện cũng tung ra những tin đồn về giao tình giữa Luyện và Bảo Đại, mà theo Bảo Đại không hề có.( 9) Và, như đã lược nhắc, Diệm được tập ấm chức Cửu phẩm, làm việc tại Tân Thư Viện Huế từ năm 1917, trước khi vào trường Hậu Bổ.

Một ký giả ngoại quốc, Robert Sharplen, ghi rằng theo Diệm, khoảng năm 1915-1916, Diệm đã man khai hộ tịch để dự thi bằng tương đương tốt nghiệp trung học.( 10) Chi tiết này không sát sự thực. Mãi tới giữa thập niên 1920, mới có những cuộc thi lấy bằng Tú Tài I và II chương trình Pháp-Nam. Bằng cấp mà Diệm thi tương đương chỉ là bằng Cao đẳng tiểu học (Diplôme), gần tương đương với bằng Trung học phổ thông đệ nhất cấp. Tài liệu thành văn cũng chứng minh Diệm đã vào quan trường từ năm 1916 hoặc 1917, với chức cửu phẩm tập ấm tại Tân Thư viện, mà không phải sau khi đã tốt nghiệp trường Luật Hà Nội năm 1921 như Diệm khoa trương hay Sharplen ghi. Thực tế, Diệm vào trường Hậu bổ từ niên khóa 1918-1919, và chỉ học tại Hà Nội một niên khóa 1920-1921.

Một động lực trong việc sửa đổi hộ tịch có lẽ là để hợp thức hóa vai “em” của Diệm với Giám Mục Thục–Thục sinh ngày 6/10/1897 tại Phước Quả, Thừa Thiên, thua Diệm hơn hai tháng. Nhưng cũng có thể, và điều này cần được tra cứu thêm, Diệm không man khai hộ tịch, mà rất đơn giản là không cùng mẹ (Phạm Thị Thân) với anh chị em khác. Có lẽ vì muốn che đậy bí ẩn này, tiểu sử Khôi và Thục trong tập Vua chúa và người quí phái Đông Dương [Souverains et Notabilités] năm 1943 không ghi ngày sinh.( 11)

Tài liệu văn khố Pháp cũng ghi Diệm sinh tại Đại Phong Lộc, Lệ Thủy, Quảng Bình, mà không phải Phước Quả, Thừa Thiên, giống như Thục, Nhu, Cẩn, Luyện, v.. v... Địa danh “Đại Phong Lộc” từng được khai là nơi sinh của Khôi, anh cả trong gia đình, con Khả và người vợ lớn đã chết sớm, trước khi Khả lấy bà kế thất tên Thân.( 12)

Rất ít chi tiết về học vấn Diệm được công bố. Có tin Diệm tự học ở nhà, rồi học trường Pellerin ở Huế, và tốt nghiệp Diplôme. Diệm biết cả chữ Nho [Hán Việt]. Lại có tin Diệm học ở chủng viện, năm 1915, định đi tu, nhưng sau đó bỏ dở nửa chừng.( 13) Bởi thế, nhiều tài liệu cho rằng Diệm thuộc loại “religious fanatic” [cuồng đạo]. (14)

II. “BÁT CƠM” BẢO HỘ PHÁP:

Trong nỗ lực biến hóa Ngô Đình Diệm thành một “lãnh tụ anh minh” đủ sức đương đầu với Hồ Chí Minh–kiểu “ăn Ngô thì no, ăn Hồ thì đói”–cơ quan tuyên truyền Mỹ và Nam Việt Nam tô chuốt cho Diệm những bảng hiệu như “yêu nước, chống Pháp,” v.. v... “Yêu nước” là một nhận xét khó lượng định, vì chỉ có mỗi cá nhân mới tự biết rõ mình yêu nước hay không. Có nhiều cách biểu lộ lòng yêu nước, nên khó thể sử dụng một hệ thống lượng giá cố định. Tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. “Chống Pháp” thì dễ lượng định hơn. Tinh thần chống Pháp của Diệm, hay họ Ngô, chỉ là những triển biến vào khoảng cuối đời, và động lực không hẳn do lòng yêu nước thuần túy, mà nặng về tôn giáo cùng quyền lợi bản thân và dòng họ. Thực ra, Diệm xuất thân từ một gia đình trung gian bản xứ Ki-tô, phục vụ Bảo hộ Pháp rất tận tụy. Khả, cha Diệm, từng lên tới chức chánh thông ngôn tòa Khâm sứ Huế dưới thời Pierre Rheinart des Essarts, rồi chuyển sang làm thương biện Viện Cơ Mật. Ngày 10/4/1892 Khả dịch công văn của triều Huế xin Toàn quyền Jean de Lanessan đừng gửi ra Huế những người như Petrus [Key], Nguyễn Trọng Tạo, Lê Duy Hinh, hay Diệp Văn Cương, v.. v... Khả cũng tham dự chiến dịch đánh phá phong trào kháng Pháp tại Hà Tĩnh-Quảng Bình của Ngự sử Phan Đình Phùng (1847-1895) trong hai năm 1895-1896, và được đặc cách lên Thái thường tự khanh (Chánh tam phẩm) năm 1896, sau khi hài cốt Ngự sử Phùng bị đốt thành tro, ném xuống sông Lam “theo [lối trừng phạt] truyền thống.”( 15)

Sau một thời gian làm Phó Giám đốc trường Quốc Học Huế, đặc trách nhà cửa, lương bổng và hành chính, Khả được chức Đề đốc kinh thành, lo bảo vệ và kiểm soát Thành Thái (1889-1907), cầm đầu một toán thân binh cạo răng trắng, hớt tóc ngắn, mang súng trường, nhưng nhiệm vụ chính yếu–nếu tin được báo cáo của Hiến binh Pháp–chỉ để giúp vua lùng sục và bắt cóc gái đẹp quanh kinh thành. Sau khi về hưu, Khả được hàm Thượng thư.( 16)

Khôi, anh cả họ Ngô, bắt đầu “tham chánh” năm 1910, sau khi tốt nghiệp trường Hậu bổ. Khoảng 6 năm đầu, Khôi làm tại văn phòng Bộ Công do cha vợ làm Thượng thư. Sau ngày tiếp tay cho Khải Định (1916-1925) lên ngôi, Bài được thăng Thượng thư Bộ Lại, và Khôi bắt đầu đi ngồi huyện, phủ, rồi lên tới Bố chính, Tuần vũ, Tổng đốc khá nhanh.

Diệm thì năm 1917 được tập ấm chức Cửu phẩm, làm việc tại Tân thư viện Huế (tức Musée Khải Định sau này), nơi đặt trụ sở Hội Bạn của Cố đô Huế, và có bài đăng báo Bulletin des Amis de Vieux Hué [Đô thành hiếu cổ]. Năm 1918-1919, Diệm vào trường Hậu bổ Huế. Người đỡ đầu có lẽ là Nguyễn Đình Hòe, một phụ tá cũ của Khả trong chiến dịch truy giết Ngự sử Phùng, lúc đó làm Giám đốc trường (năm 1921 giữ chức Tổng thư ký Viện Cơ Mật). Thời gian này, triều đình đã bỏ lối thi Hương và thi Hội cũ, và trường Hậu bổ mở thêm phân khoa “pháp chính” [hành chính và luật] của trường Đại học Hà Nội. Học viên học tại Huế hai năm đầu, và năm thứ ba phải ra Hà Nội. Có lẽ Diệm được chuyển qua chương trình này.

Tốt nghiệp, nhờ sự nâng đỡ của Thượng thư Bài, năm 1922 Diệm được bổ nhậm ngay. Năm 1929 [1926?], Diệm lên tới chức đầu tỉnh, Quản đạo Ninh Thuận (Phan Rang), rồi Tuần Vũ Bình Thuận (Phan Thiết). Được cấp trên đặc biệt chú ý vì thanh liêm và tinh thần diệt Cộng cao. Một nhân chứng ghi nhận rằng Diệm, khi làm quản đạo Ninh Thuận, ngoài những ngon tra tấn quen thuộc như tra điện, kìm kẹp, còn bắt tù nhân Cộng Sản vuốt lạt tre, hay dùng đèn cầy [nến] đốt hậu môn để lấy khẩu cung. Ít nhất 7 trong số 500 tù nhân Cộng Sản bị tra tấn đến chết.( 17)

Có lẽ vì thế, theo Giám Mục Thục, Cộng Sản đã thuê một sát thủ ra tận Phan Rang mưu sát Diệm, nhưng Diệm chỉ bị thương.( 18)

Tóm lại, từ Khả xuống Khôi, rồi Diệm, tinh thần phục vụ và lòng trung thành với Pháp khá vững chắc. Khôi từng nhờ Nhu nói với Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Paul Arnoux ngày 18/8/1944 tại Huế rằng Khôi “xin thề trên thập tự giá“ là lúc nào cũng coi Bảo hộ Pháp như “bát cơm” [bol de riz] của họ Ngô. Khôi cũng thường nói với Diệm rằng sở dĩ người Pháp [Khâm sứ Emille Grandjean] không ưa vì “[họ Ngô] quá toàn vẹn,” và “Phạm Quỳnh (1892-1945) thì khôn khéo, nên được cả Pháp lẫn Nhật quảng cáo tài năng.”( 19)

Bản tóm lược rõ ràng nhất công lao và lòng trung thành với Bảo hộ Pháp của họ Ngô, cũng như cá nhân Diệm, do Giám mục Thục trình lên Toàn quyền Jean Decoux ngày 21/8/1944:

Các anh em tôi cũng liên tục dâng hiến mạng sống họ cho nước Pháp trong dịp Cộng Sản nổi loạn. Diệm, em tôi, đã ngã xuống vì những viên đạn súng lục của một người Tàu Chợ Lớn, được gửi tới Phan Rang, nơi Diệm hăng say ngăn chặn sự xâm nhập của các cán bộ Cộng Sản từ Nam Kỳ [Mes frères, eux mêmes ont exposé leur vie continuellement pour la France lors de la révolte communiste. Mon cadet Diệm a failli tomber sous les coups de révolver d’un chinois de Cholon, envoyé à cet effet à Phan Rang, où Diệm défendait énergétiquement l’entrée de l’Annam aux émissaires communistes envoyées de la Cochinchine]. . (19bís)

Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp “yêu nước, chống Pháp” của Diệm, là cuộc “đảo chính cung đình” ngày 2/5/1933. Ngày này, Toàn quyền Pierre Pasquier (12/1928-1/1934) và Quyền Khâm sứ Léon Thibaudeau (2/1933-7/1934) đột ngột bắt Bài và toàn bộ nội các về hưu. Theo báo Tiếng Dân, tin trên chấn động dư luận Huế. Bẽ bàng nhất cho Bài là ngay chính Bài cùng các Thượng thư không hề được báo trước. Và, khi Thibaudeau tuyên bố danh sách nội các mới, có Trần Thanh Đạt thông dịch qua tiếng Việt, một số người vẫn chưa kịp về đến kinh đô.( 20)

Nguyên Pasquier, với sự thỏa thuận của Albert Sarraut, quyết thực hiện một cuộc “đại cải cách” ở An Nam, đánh bóng uy tín vua Nguyễn để làm giảm bớt và điều-kiện-hóa các phong trào quốc gia mới–như cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, và nhất là sự du nhập và phát triển của phong trào Cộng Sản từ giữa thập niên 1920, bùng nổ thành những cuộc bạo động, khủng bố tại các đồn điền miền Nam, cùng phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh trong hai năm 1930-1931. Pasquier và Thibaudeau đoạn tuyệt với nhóm hợp tác cựu trào (Nguyễn Hữu Bài, Ki-tô giáo). Nhóm này chủ trương đồng hóa và thống trị theo kế sách của Giám mục Paul Puginier và Louis Caspar–nhằm Ki-tô hóa các vua quan rồi khiến toàn thể dân Việt sẽ phải theo đạo, và vĩnh viễn trở thành “bạn của nước Pháp.” Từ thập niên 1890, nhóm hợp tác cựu trào trở thành một thứ kiêu binh của cái mà Phạm Quỳnh cũng như Bảo Đại gọi là “một văn phòng phụ thuộc nho nhỏ của Tòa Khâm,” tức triều đình Huế, lúc nào cũng mang công lao của khối giáo dân bản xứ trong việc thiết lập chế độ Bảo hộ ra áp lực Pháp. Ngựa mới của Pasquier là phe tân trào (tiêu biểu bằng Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Thái Bạt, Lê Dư, v.. v...). Phe này chủ trương hợp tác tinh thành, hay Pháp-Việt đề huề. Quan chức Pháp đã chọn phe tân trào, vì chủ trương hợp tác có nhiều triển vọng thành công trước sự lớn mạnh của các phong trào quốc gia mới. Trong khi đó, nhóm Quỳnh chấp nhận “tôn quân cũng là yêu nước,” tạm ngưng lại đòi hỏi thể chế cộng hòa.( 21) Để làm giảm sự bi phẫn của nhóm cựu trào, Pasquier và Thibaudeau đặc cách Diệm–con nuôi của Bài [son fils putatif], cũng một trong hai Tuần vũ thanh liêm, chống Cộng nhiệt tình nhất–lên làm Thượng thư Bộ Lại.( 22)

Một số mật báo viên ghi, và ngay chính Diệm man khai (ngày 24/12/1947 với Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong là George D. Hopper) rằng “Giệm” được làm “quan đầu triều Bảo Đại.”( 23) Thực ra, từ tháng 5/1933, Bộ Lại mất đi ảnh hưởng của những năm Bài được kiêm nhiệm chức Tổng lý [Chủ tịch Viện Cơ Mật], và chỉ ngang hàng với các Bộ khác. Người có uy thế nhất là Phạm Quỳnh, Thượng thư Giáo dục kiêm Ngự tiền Tổng lý của Bảo Đại. Quỳnh không những chỉ chuyển lệnh của Toàn quyền và Khâm sứ Pháp cho Bảo Đại, mà còn đồng thời dịch, và thiết kế việc thực thi các lệnh trên, cùng báo cáo kết quả lên Khâm sứ.

Thibaudeau còn cử Diệm làm Tổng Thư ký Ủy ban Cải Cách, và yêu cầu Diệm làm tờ trình về kế hoạch canh tân Bộ Lại. Diệm, có lẽ do ảnh hưởng của Bài, đưa ra 2 điều kiện: Phải thống nhất Bắc và Trung Kỳ; tái bổ nhiệm một Tổng Trú sứ (Résident Général) cho Trung và Bắc Kỳ như đã qui định trong Hoà ước 6/6/1884; và, cho Viện Dân biểu quyền thảo luận.( 24) Đề nghị này giống hệt kế hoạch của Bài: Muốn cải cách, việc đầu tiên phải hủy bỏ chức Thống sứ Hà Nội và Khâm sứ Huế (tức tái sát nhập Bắc Kỳ vào An Nam), sau đó cho An Nam ngân sách riêng. Nói cách khác, phải trở lại với Hiệp ước 6/6/1884–đòi hỏi mà Bài đã gieo xuống đầu óc thơ dại của Duy Tân từ năm 1915-1916, đưa đến việc vua bị truất phế rồi đầy qua Réunion cùng cựu hoàng Thành Thái (Bửu Lân) vào cuối năm 1916. Pasquier, dĩ nhiên, không chấp thuận.

Ngày 9/7/1933, Diệm ra Quảng Trị ở với cha nuôi ít ngày. Trở lại Huế, ngày 12/7, Diệm nạp cho Thibaudeau một bản sao đơn từ chức đã trình lên Bảo Đại. Lý do Diệm nêu ra là cơ cấu tổ chức hiện tại không phù hợp với Hiệp ước 6/6/1884–Hiệp ước này qui định Pháp chỉ giữ một chế độ bảo hộ kiểm soát (protectorat de contrôle) mà không phải bảo hộ trực tiếp (protectorat direct).( 25)

Thibaudeau gọi Bảo Đại từ Đà Lạt về Huế giải quyết. Bảo Đại bảo thẳng Diệm rằng không thể viện dẫn lý do chính trị để từ chức, vì đó là hành động phản nghịch. Diệm đành viết lại đơn từ chức khác ngày 18/7, nêu lý do muốn dành thì giờ cho việc tu hành. Lần này, Diệm được toại ý. Ngày 22/7, Thibaudeau đổi Thái Văn Toản qua thay Diệm nắm bộ Lại, và đưa Tôn Thất Quảng, Tổng đốc Thanh Hóa, mới lập công lớn trong việc đàn áp đẫm máu tại các tỉnh Bắc An Nam, lên nắm Bộ Công và Nghi Lễ thay Toản.( 26)

Ngay sau ngày Bài bị cách chức, vài tờ báo Nam Kỳ công khai đả kích Pasquier. Theo một mật báo viên (Luật sư Lê Văn Kim), những bài đả kích trên từ Huế chuyển vào Sài Gòn. Tháng 12/1933, Diệm còn vào Sài Gòn gặp Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim, Jacques Lê Văn Đức v.. v... bàn thảo kế hoạch trả thù Pasquier và Thibaudeau. Tiếp đó, tờ La Tribune indochinoise [Diễn đàn Đông Dương] và tờ La Lanterne ở Paris mở chiến dịch đòi thay Pasquier bằng cựu Toàn quyền Alexandre Varenne (7/1925-11/1927) và đưa cựu Khâm sứ Yves Châtel (6/1931-2/1933) trở lại Huế.

Biết được tin này, Pasquier truất hết chức tước của Bài, Diệm và Pierre Nguyễn Đệ, Bí thư riêng của Bảo Đại, thuộc một gia đình trung gian bản xứ Ki-tô nổi danh khác ở miền Bắc (Án sát Nguyễn Liên). Diệm còn bị trục xuất khỏi Huế, chỉ định cư trú tại Quảng Bình.( 27)

May mắn cho Diệm, ngày 15/1/1934, Pasquier chết vì tai nạn máy bay trên không phận Paris. Năm sau, Bài chết tại Quảng Trị. Toàn quyền René Robin (7/1934-1/1937) và Khâm sứ Maurice Graffeuil (7/1934-5/1936, 4/1937-8/1941) phục hồi tước vị hàm [honoraire] cho Bài, Diệm và Đệ. Diệm được về Huế dạy trường Providence [Thiên hựu] do Linh mục Thục, “anh trai” Diệm, làm Giám học.( 28)

III. HỢP TÁC VỚI NHẬT:

Thế chiến thứ hai (1939-1945) và việc Nhật xâm chiếm Đông Dương từ hai năm 1940-1941 khiến Diệm và họ Ngô, do tham vọng và ý muốn phục thù Pháp, đi tìm một bát cơm hay thiên mệnh ngoại cường khác. Họ Ngô bí mật yểm trợ Hoàng thân Cường Để và từ năm 1942, công khai hợp tác với Hiến binh Nhật (Kempeitai). Huân, con trai lớn của Khôi, làm thông ngôn cho Nhật. Trong khi đó, Nhu (1910-1963) che chở cho hai con Cường Để, Tráng Đinh và Tráng Liệt, tại văn khố Tòa Khâm sứ Huế. Những người thân Diệm cũng làm việc tại tòa Lãnh sự Nhật từ năm 1942. Đầu năm 1943, Y sĩ Trương Kế An, thủ lãnh Liên Đoàn Ái Quốc Việt Nam, gặp Diệm ở Hà Nội. Pierre Đệ, anh rể hụt của Nhu, cũng có mặt.( 29)

Trong khi đó, Khôi cho Diệm dùng dinh thự Tổng đốc Nam-Ngãi của mình để tiếp xúc với những cá nhân thân Nhật. Khôi còn che chở cho tín đồ Cao Đài (đang bị nghi ngờ thân Nhật, ủng hộ Cường Để) trong vùng cai trị. Mật thám Pháp cũng tìm thấy trong nhà một người cháu họ của Khôi ở Quảng Nam, Ngô Đình Dậu (?),tài liệu liên quan đến Việt Nam Phục Quốc Hội của Cường Đểẩ. Vì việc này, Khâm sứ Grandjean (6/1941-8/1944) chẳng những không hồi âm thư chúc mừng của Khôi, mà trong buổi gặp mặt trên đèo Hải Vân, còn bắt Khôi về hưu không được hàm Thượng thư. Tháng 1/1944, Grandjean còn cho lệnh Bảo Đại bí mật trục xuất Diệm khỏi Huế, chỉ định cư trú ở Quảng Bình. Anh em Diệm trút mọi hờn oán lên Quỳnh, đương kim Tổng lý [Tể tướng] triều đình.( 30)

Mùa Hè 1944, Mật thám Pháp khám phá ra tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Diệm, gồm khoảng 50 đảng viên tích cực, kể cả một số giáo sĩ; nằm ngay trong đội lính khố xanh (Garde indochinoise), cảnh sát, công chức, v.. v... Một trong những lãnh tụ là Trần Văn Lý, Tuần vũ Hà Tĩnh. Pháp bèn cho lệnh khám xét tư thất Diệm, nhưng Diệm đã sớm tẩu thoát.

Ngày 12/7, Trung úy Kuga Michio của Hiến binh Nhật bí mật đưa Diệm vào Đàợ Nẵng, rồi đáp phi cơ vào Sài Gòn. Trong thời gian ở miền Nam, Diệm lui tới với Matsushita [Tùng Hạ] Mitsuhiro, Chủ công ty Dainan Koosi [Đại Nam hay Dainan Konsi], trưởng lưới tình báo dân sự của Nhật, cũng người tự nhận là bạn thân của Cường Để.( 31)

Một tháng sau, ngày 12/8, Nguyễn Huy Tân, Cán sự Công chính ở Quảng Ngãi, một cán bộ của Diệm, khai rằng Nhật đã chọn Diệm làm Thủ tướng, trong một chế độ quân chủ lập hiến mà người làm vua không nhất thiết phải là Cường Đểẩ. Hai ngày sau, 14/8, Paul Arnoux, Giám đốc Cảnh Sát, được lệnh bí mật khai thác Nhu và Khôi ngay tại Huế. Ngày 18/8, Arnoux báo cáo rằng Nhu nhìn nhận việc làm tội lỗi của Diệm, nhưng Khôi không dính líu, xin “thề trên thập tự giá” là chỉ muốn duy trì “bát cơm” Pháp.( 32)

Ngày 20/8, vì tình hình Âu Châu đang rối loạn, phe “Pháp tự do” của Charles de Gaulle đang tiến vào Paris, Decoux đồng ý với đề nghị của Arnoux là chỉ trừng trị những cán bộ hạng trung, tránh khiêu khích Nhật.

Trong khi đó, ngày 21/8, Thục–đã được thụ phong chức Giám mục Vĩnh Long từ năm 1938–viết thư xin Decoux nghĩ đến công lao hãn mã của cha mình với chính phủ Pháp trong việc “đánh dẹp phản loạn” (tức những phong trào Văn Thân và Cần Vương kháng Pháp) khi xét xử Khôi và Diệm. Anh em họ Ngô, Thục nhấn mạnh, cũng đã nhiều lần dâng hiến thân tâm cho Bảo hộ Pháp, bất kể mạng sống. Chẳng hiểu vì công lao của Khả (đặc cách từ Thương biện Cơ Mật viện lên Thái thường tự khanh, năm 1896), vị thế Giám Mục của Thục, thành tích phục vụ Bảo hộ của anh em Diệm-Khôi, hay vì mối lo ngại cho sự an nguy chính bản thâạn Decoux, Pháp không truy cứu việc này.( 33)

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Diệm tá túc trong bệnh viện Chợ Quán, được trưng dụng làm trụ sở quân sự của Nhật, sau này đổi tên thành bệnh viện bài lao Hồng Bàng. Tại đây, Diệm cùng Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Y sĩ Lê Toàn, Kỹ sư Vũ Văn An, Ký giả Vũ Đình Dy (1906-1945) thành lập Ủy Ban Kiến Quốc, phò trợ Cường Đểẩ. Cuối năm 1944, khi chuẩn bị kế hoạch Mago để lật đổ chế độ thân Vichy Decoux, Hiến binh Nhật đã dự trù Diệm sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, tình hình ngày một đổi thay mau chóng. Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tư lệnh Quân đoàn 38–lực lượng trách nhiệm phòng thủ Đông Dương chống lại cuộc đổ quân Đồng Minh–dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu quân sự hơn chính trị. Bởi thế Tsuchihashi giữ Bảo Đại làm vua một nước Việt Nam “độc lập trong Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á,” chống việc đưa Cường Để về nước. Nhưng nước Việt Nam này trên thực tế chỉ bao gồm 12 tỉnh miền Trung, vì Nam Kỳ cũng như Bắc Kỳ được trù liệu sẽ trở thành hai trung tâm tử thủ chống lại sự đổ bộ của quân Đồợng Minh. Giám đốc Kempeitai yêu cầu phe Diệm-Chữ tham gia chính phủ độc lập tại Huế, nhưng cả hai đều từ chối.( 34)

Tháng 3/1945, sau cuộc Hành quân Meigo (9-10/3/1945) loại bỏ Decoux, Bảo Đại hai lần nhờ Nhật mời Diệm làm Thủ tướng, nhưng không có hồi âm. Mãi sau này, Bảo Đại mới được Nhật thông báo rằng họ không muốn dùng Diệm. Thay vào đó, tháng 4/1945, Trần Trọng Kim (1883-1952) được đưa từ Krung thêp về Huế làm Tổng lý nội các [Thủ tướng] “Đế quốc Việt Nam” (4-8/1945).( 35)

Nhóm Diệm-Chữ đã bị phân tán ra khắp ba miền. Y sĩ Chữ về lại Nam Định, rồi Hà Nội, và cuối cùng trở thành Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Chính trị miền Bắc, thay Khâm sai Phan Kế Toại từ chức vào giữa tháng 8/1945. Diệm về lại Vĩnh Long, tá túc trong giáo phận của Giám mục Thục.( 36)

IV. DIỆM & VIỆT MINH:

Mặc dù sau này Ngô Đình Diệm thường tuyên bố tại Việt Nam chỉ nổi danh thua Hồ Chí Minh, khoảng thời gian từ tháng 8/1945 tới đầu năm 1947 là một giai đoạn bí mật nhất đời Diệm.

Như chúng ta đã biết, ngày 19/8/1945, Việt Minh lên nắm chính quyền ở Hà Nội.( 36) Ngày 25/8, Bảo Đại ra thông cáo thoái vị. Khôi và con trai trưởng là Huân bị Việt Minh bắt, rồi thủ tiêu ở vùng Phong Điền, Thừa Thiên. Riêng Diệm và Thục đều có tin bị Việt Minh bắt. Thục, thực ra được tự do sống ở vùng Vĩnh Long, dưới sự che chở của viên chức Việt Minh. Tháng 10/1945, Thục định ra Bắc, nhưng bị quân Bri-tên chặn bắt ở Biên Hòa, rồi sau đó âm thầm trở lại giáo phận Vĩnh Long.

Phần Diệm, tông tích bất minh. Ngày 7/5/1953, trong buổi ăn trưa và thảo luận [lunch talks] về tình hình Đông Dương tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ, Diệm tuyên bố từng bị Hồ “cô lập” trong một làng thiểu số năm 1946. Sau 6 tháng, Hồ yêu cầu Diệm tham gia chính phủ, nhưng Diệm trả lời rằng vì biết Hồ là CS, Diệm muốn được toàn quyền và thông báo mọi tin tức. Những người ủng hộ Diệm đòi Diệm phải được giao Bộ Nội Vụ và nắm ngành Cảnh Sát. Hồ do dự ít tuần, rồi cuối cùng từ chối.( 38) Gần một thập niên sau, ngày 16/1/1962, Diệm còn lập lại chi tiết bị bắt giữ ở vùng thượng du Bắc Việt với các viên chức Mỹ tại Sài Gòn.( 39)

Diệm còn tuyên bố rằng Diệm bị Việt Minh bắt vào tháng 9/1945, khi từ Sài Gòn ra Huế ngăn Bảo Đại đừng theo Hồ. Sau đó, bị giải lên thượng du gần biên giới Hoa-Việt, suýt chết vì bệnh sốt rét. Sáu tháng sau, HCM mang Diệm về Hà Nội, thuyết phục Diệm theo mình. Diệm không đồng ý, HCM bèn thả Diệm. Sau này, Hoàng Tùng cho rằng tha Diệm là một sai lầm.( 40)

Việc Diệm bị Việt Minh bắt được nhiều nguồn tin khác xác nhận. Hạ tuần tháng 11/1945, Giám mục Thục khai với Pháp rằng Khôi và Diệm đã bị Việt Minh bắt và có thể đã bị xử bắn.( 41) Ngày 28/12/1945, Tổng Giám mục Antonin Drapier cũng viết cho Trưởng đoàn Truyền giáo Hải ngoại Pháp ở Sài Gòn, rằng Diệm đã bị Việt Minh bắt.( 42)

Một nguồn tin khác nữa ghi vào khoảng tháng 6/1946, khi Diệm đến ở nhà Linh mục Độầ, chính xứ Tuy Hoà, cán bộ VM đã “khéo léo” mời được Diệm lên miền Thượng (Mọi). Người gia nhân thoát chạy ra Phát Diệm, xin Giám mục Lê Hữu Từ giúp, sợ bị giống như Khôi. Từ bèn cùng Linh mục Phạm Quang Hàm và Dân biểu Ngô Tử Ha vào Bắc bộ phủ xin Hồ tha Diệm. Chính Hồ cũng không biết việc này, và hứa sẽ can thiệp. Khoảng một tháng sau, Diệm về tới Hà Nội, Võ Nguyên Giáp cho gọi Nhu tới lĩnh về.( 43)

Những chi tiết quanh việc Diệm bị Việt Minh bắt có nhiều nghi vấn:

1. Xét về ngày tháng Diệm bị bắt, có phần không ổn.

a. Tài liệu Bộ Ngoại Giao Mỹ và Karnow dẫn lời Diệm là Diệm bị bắt vào tháng 9/1945, và trả tự do vào khoảng tháng 3/1946.

b. Ngày tháng mà Từ hoặc tác giả viết hồi ký cho Từ ghi là Diệm bị bắt đúng vào giai đoạn HCM đang ở Pháp, và mãi tới ngày 22/10/1946 Hồ mới về tới Hà Nội. Vậy Từ can thiệp vào dịp nào? (Diệm cũng không hề nhắc đến việc được Từ và Hạ can thiệp).

c. Ngay chính Diệm, ngày 7/5/1953, chỉ nói mơ hồ đã bị “cô lập” tại một làng thiểu số trong 6 tháng vào năm 1946.

2. Không ai rõ Diệm được tha ngày nào, và cũng chẳng ai rõ hành tung Diệm từ lúc được tự do tới khi xuất hiện ở Hà Nội vào đầu năm 1947 trong bộ đồ tu hành.

3. Theo thư gửi Decoux đề ngày 21/8/1944, Thục nói Cộng Sản từng sai sát thủ người Hoa ra Phan Rang mưu sát Diệm, nhưng Diệm chỉ bị thương. Nếu bắt được Diệm năm 1945 hoặc 1946, ngay tại miền Trung, cách nào Cộng Sản tha Diệm? Người ta chưa quên số phận những Tạ Thu Thâu, Vũ Đình Dy, v.. v... ở Quảng Ngãi; và nhiều cảnh “mò tôm” khác khắp ba miền.

4. Anh em Diệm rất thành thạo thủ thuật tự đánh bóng (kiểu Diệm “làm Tể tướng cho Bảo Đại,” Khả làm “thượng thư đầu triều Thành Thái,” hay “đầy vua không Khả”). Thành tích “bị giam lỏng” tại miền thượng du năm 1946, hay đòi Hồ cho nắm Bộ Nội vụ có thể chỉ để tăng thêm vốn cho việc rao bán lập trường chống Cộng hầu xin viện trợ Mỹ của Diệm. Hy vọng sẽ có dấu vết việc bị “cô lập” này trong văn khố Đảng Cộng Sản Việt Nam hay Pháp.

Cho tới khi có tài liệu rõ ràng, có thểờ tin Diệm đã trốn trong nhà tu [Redemptoristes hay Dòng Cứu thế] ở Huế như tài liệu văn khố Pháp ghi nhận.

V. DIỆM & BẢO ĐẠI: “THÀNH PHẦN THỨ BA”

Đầu năm 1947, Diệm xuất hiện ở Hà Nội, ngụy trang như một tu sĩ dòng Cứu Thế. Được Pháp yêu cầu lập chính phủ chống Cộng, Diệm đưa ra một kế hoạch không thể chấp nhận được, tức thống nhất ba miền, có quân đội riêng và nhiều quyền tự trị hơn. Diệm còn gặp Tổng lãnh sự Mỹ Charles Reed tại Hà Nội. Trong thời gian ở Hà Nội, ngụ tại tu viện dòng Cứu Thế ở Thái Hà ấợp. Ngày 11/4/1947, Diệm trở lại Sài Gòn. Ngày 5/9/1947, lại trở ra Hà Nội.

A. “THÍ NGHIỆM” BẢO ĐẠI:

Thời gian này, “thí nghiệm” Bảo Đại bắt đầu thành hình. Thí nghiệm này nhằm ngụy trang cuộc tái xâm lăng Việt Nam mà chính phủ Charles de Gaulle đã phát động từ năm 1944-1945.(44)

Từ mùa Hè 1945, sau khi Nhật lật đổ chính phủ thân Vichy của Decoux, Tướng de Gaulle đã nỗ lực tìm một “chí sĩ quốc gia Việt Nam chân chính” để cầm cờ dẫn Pháp trở lại Đông Dương. Ứng cử viên được nhiều người biết nhất là Hoàng tử Vĩnh San (1900-1945), tức cựu hoàng Duy Tân (1907-1916), đã bị truất phế và đầy qua Réunion năm 1916. Tai nạn phi cơ ngày 26/12/1945 khiến “lá bài bí mật” của phe de Gaulle “tan biến như một giấc mơ đẹp.” Hai ngày sau, 28/12, Tổng Giám mục Drapier, Khâm sứ Vatican, trình lên Cao ủy/Linh mục Georges Thierry d’Argenlieu (1945-1947) kế hoạch cho Bảo Đại lên ngôi như trước ngày 9/3/1945; rồi lập Hoàng tử Bảo Long làm vua, Hoàng hậu Nam Phương nhiếp chính, với Diệm làm Thủ tướng.( 45) Tuy nhiên, d’Argenlieu không đồng ý, và cũng không hài lòng việc Drapier xen lấn vào thế quyền.

Một số chính khách, lãnh tụ giáo phái Việt cũng xúc tiến thực hiện “giải pháp” Bảo Đại từ cuối năm 1945, đầu năm 1946. Người đầu tiên đưa ra ý kiến này là tân Giám Mục Lê Hữu Từ. Nhân dịp Bảo Đại về Phát Diệm dự lễ tấn phong của Từ, Từ hỏi Bảo Đại có mưu tính gì chăng; nhưng Bảo Đại không có phản ứng tích cực. Cựu Thủ tướng Kim và đảng viên trẻ Đại Việt, kể cả Đỗ Đình Đạo v.. v..., cũng tìm thấy ở Bảo Đại sự lãnh đạo, hoặc ít nữa sự chính thống [legality hay legitimacy] cần thiết, để chống Hồ.( 46) Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] và Trung Hoa Quốc Dân Đảng [THQDĐ] cũng ít nhiều tiếp tay Bảo Đại rời Hà Nội vào trung tuần tháng 3/1946.

Mãi tới sau cái chết của Nguyễn Văn Thinh ngày 10/11/1946 và sự khủng hoảng của thí nghiệm “Cộng Hoà Nam Kỳ tự trị”–nhất là sau cuộc tấn công của Việt Minh tối 19/12/1946 trên khắp miền Bắc vĩ tuyến 16– vai trò Bảo Đại mới sáng giá hơn. Nước Pháp lúc này đứng trước một ngã ba đường. Một, tiếp tục thương thuyết với Việt Minh, hầu tìm một giải pháp chính trị. Nẻo đường khác, là đoạn tuyệt với chính phủ “ương ngạnh” [intransigence] của Hồ, đi tìm một “chí sĩ quốc gia” chấp nhận thoả hiệp với Pháp. Hầu hết các cấp lãnh đạo Pháp–từ Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cho tới đặc sứ Philippe Leclerc de Hautecloque (1902-1947)–đều nghĩ rằng đã đến lúc đoạn tuyệt với Hồ. Léon Pignon, Cố vấn Chính trị của d'Argenlieu, ủng hộ Bảo Đại nồng nhiệt nhất.

Do Pignon tiến cử, ngày 14/1/1947, d'Argenlieu mật báo về kế hoạch tái sử dụng Bảo Đại.( 47) Moutet không chấp thuận.( 48) Thủ tướng Léon Blum (12/1946-1/1947) cũng không tán thành, nhưng chuyển kế hoạch này cho người kế vị là Paul Ramadier (1947). Dẫu vậy, d'Argenlieu vẫn gửi Cousseau qua Hong Kong để liên lạc với Bảo Đại vào đầu năm 1947.

Sự thành hình của chính phủ Ramadier ngày 21/1/1947, và quyết định thay d'Argenlieu bằng Dân biểu Emile Bollaert ngày 5/3/1947 mang lại một không khí mới. Viên chức Pháp nghĩ đến một chính phủ Liên bang Việt Nam, với ba chính phủ địa phương tại ba kỳ, và một chính phủ trung ương tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ. Vấn đề đặt ra là ai sẽ cầm đầu chính phủ trung ương đó. Hồ Chí Minh và Bảo Đại trở thành hai tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Một số chính khách Pháp nghĩ rằng phải nối lại thương thuyết với Hồ. Theo họ, dù Hồ và các thuộc hạ thân tín là Cộng Sản, đa số cấp lãnh đạo Việt Minh chỉ là những người yêu nước. Hơn nữa, Hồ và các thuộc hạ có khả năng nhất.( 49)

Một số khác chủ trương loại bỏ Hồ, thương thuyết với Bảo Đại. Theo họ, Bảo Đại có một số người theo ở Trung Kỳ; và được sự ủng hộ hoặc chấp thuận của nhiều nhân vật có uy tín tại Bắc cũng như Nam Kỳ.( 50)

Ngày 1/4/1947 tân Cao Ủy Bollaert tới Sài Gòn với lệnh tái thiết lập những guồng máy cũ, nhưng đừng để lộ ra là Pháp muốn tái lập nền quân chủ.

Thời gian này, Bảo Đại sống ẩn dật tại Hong Kong. Rời Hà Nội qua Nam Kinh ngày 16/3/1946 trong phái đoàn thăm thân hữu Trung Hoa, nhưng đến ngày về, Bảo Đại nhận được thư Hồ khuyên nên du lịch thêm một thời gian. Cựu hoàng bèn sang Hong Kong, sống tại đây với một vũ nữ, dưới một tên giả trong khách sạn Saint Francis Hotel. Mùa Thu 1946, Bảo Đại tuyên bố với một ký giả Pháp, Jacques Sallebert, là với cựu hoàng, “chính trị đã chết.” Bảo Đại cũng bày tỏ lòng kính phục Chủ tịch Hồ, và tiết lộ rằng sự thoái vị của mình là chiều theo ý dân.( 51)

Nhưng nhiều cá nhân và lãnh tụ các đảng phái chống Cộng vẫn tìm đến, lôi kéo Bảo Đại khỏi cảnh huống “về hưu” non ở tuổi 33. Trong số này có Nguyễn Tường Tam, Vũ Kim Thành, Trần Trọng Kim v.. v... Vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, số người ủng hộ Bảo Đại được tăng cường thêm Hộ pháp của Cao Đài. Mới hồi hương vào tháng 8/1946 sau gần 5 năm lưu đầy, Phạm Công Tắc chủ trương hợp tác với Pháp để chống Cộng. Chính Tắc và Trần Quang Vinh, Tư lệnh lực lượng võ trang Cao Đài từ năm 1943, đã yểm trợ Y sĩ Lê Văn Hoạch lên cầm đầu chính phủ Nam Kỳ tự trị sau cái chết của Y sĩ Thinh ngày 10/11/1946, hầu loại bỏ Trần Văn Tỷ. Cuộc tổng tấn công ngày 19/12/1946 của Hồ giúp Tắc mạnh bạo hơn. Ngày 1/1/1947, nhân dịp Bộ trưởng Moutet đang tham quan Đông Dương, Tắc yêu cầu Moutet đưa Bảo Đại về nước; và hứa sẽ ủng hộ Bảo Đại.( 52)

Nhưng các chính phủ tại Paris–với sự tham dự của Đảng Cộng Sản Pháp–chưa muốn đoạn tuyệt với Hồ. Vì nhiều lý do, viên chức Pháp khẳng định vẫn muốn thương thuyết, nhưng đặt thêm một điều kiện căn bản–đó là thảo luận trên thế mạnh, không để bạo lực chi phối, và sau khi đã vãn hồi trật tự. Ngày 20/12/1946, khi ra trước Quốc Hội điều trần, và tuyên bố sẽ qua Đông Dương tham quan, Moutet nhấn mạnh:

Nước Pháp muốn hoà bình, tôn trọng những nguyên tắc đã tuyên bố, nhưng không chịu khuất phục trước bạo lực. Chính sách của Pháp là bảo vệ quyền lợi nước Pháp và làm cho những quyền lợi ấy được tôn trọng.( 53)

Dù chỉ là một bình phong cho việc tái chiếm miền Bắc bằng võ lực, hay phát xuất từ lòng chân thành, những điều kiện tiên quyết này mở ra một câu hỏi then chốt–đó là thương thuyết với ai? Thêm vào đó, là giới hạn của những nhượng bộ Pháp có thể chấp thuận. Mặc dù bản tuyên cáo ngày 24/3/1945 qui định “năm xứ Đông Dương” của chính phủ de Gaulle đã bị các biến cố ở Việt Nam biến thành dĩ vãng, đa số giới lãnh đạo Pháp vẫn nhấn mạnh ở điểm Đông Dương phải là một thành phần của Khối Liên Hiệp Pháp [L’Union FrancỄaise]; không thể thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam vì miền Nam là một thuộc địa, tức một phần lãnh thổ bất khả phân của Pháp như phần dẫn nhập của Hiến Pháp 1946 đã qui định; và, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] của Hồ chỉ là một trong những phe phái mà người Pháp có thể thương thuyết.

Ngày 23/12/1946, Dân biểu André Mutter của hạt l'Aube–người từng yêu cầu bắt Hồ tại Paris sau khi hội nghị Fontainebleau đổ vỡ–tuyên bố không thể đàm phán với chính phủ Hồ được nữa vì đó là “bọn phản bội” [traitres]. Mutter nhấn mạnh:

Chúng ta không thể coi Hồ Chí Minh như đại diện của một tiểu bang tự do [Etat libre]; đó là một kẻ sát nhân [assassin].( 54)

Sau khi tham quan Đông Dương về, tảng lờ nhữờng lời kêu gọi tái thương thuyết của Hồ, ngày 18/3/1947, Moutet khẳng định không thể nói chuyện với Hồ nữa, vì Hồ không những chỉ coi việc ký Hiệp ước như một phương tiện tranh đấu; mà còn chủ trương bạo động.( 55)

Mặc dù vẫn còn những người như Pierre Cot chưa dứt khoát–đề nghị đừng nên qui lỗi cho một phe nào–phe cực hữu ngày thêm mạnh. Ngày 13/4/1947, Paul Reynaud tuyên bố trước Quốc Hội Pháp:

Hồ Chí Minh là một tên tội phạm [un criminel] và không thể thương thuyết với hắn; hoặc hắn đã bị điều khiển [manoeuvré] và tự chứng tỏ thiếu khả năng để bắt chính quân đội của mình tuân lệnh, vậy thì, đó là kẻ thiếu khả năng và cũng chẳng nên thương thuyết với hắn nữa.( 56)

Hôm sau, 14/4, Dân biểu Maurice Violette còn đi xa hơn, khẳng định: “Tinh thần quốc gia ở Việt Nam là phương tiện; cứu cánh là thực dân Liên Sô.”( 57)

Lời cáo buộc này khiến phe Cộng Sản Pháp, kể cả Marcel Cachin, cực lực phản đối. Ramadier phải công nhận cho tới thời điểm đó, Liên Sô hoàn toàn trung lập. Nhưng từ ngày này, dù công khai hay phía sau hậu trường, các viên chức Pháp, vì những lý do dễ hiểu, không ngừng tố cáo nguồn gốc Quốc Tế Cộng Sản [QTCS] của Hồ.( 58)

Phe cổ võ cắt đứt thương thuyết với Hồ còn đưa ra thêm một lý do khác là từ ngày 19/12/1946, chưa ai gặp được Hồ. Sự biến dạng này khiến không thể không hoài nghi rằng Hồ đã chết; và, những phần tử quá khích như Võ Nguyên Giáp cùng Hạ Bá Cang (Quận thọt) đang chi phối Tổng bộ Việt Minh. Những văn thư ký tên Hồ gửi cho Pháp trong những tháng cuối năm 1946, đầu năm 1947–kể cả bản kiến nghị do Trần Ngọc Ranh trao cho Pháp tại Paris vào tháng 2/1947–bị coi là đã giả mạo chữ ký Hồ.( 59)

Song song với chiến dịch hạ uy tín Hồ là việc tách rời Hồ khỏi khối đại đa số người Việt yêu nước. Ramadier, khi ra thuyết trình trước Quốc Hội vào tháng 2/1947, đã mở đầu cho khuynh hướng này. Tiếp đó, Moutet khẳng định Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 đã được ký kết với một chính phủ liên hiệp Việt Nam, mà không phải với cá nhân Hồ.

B. SỨ MỆNH CAO ỦY BOLLAERT:

Để đánh dấu sự thay đổi chính sách của mình, Ramadier quyết định thay Linh mục/Cao ủy d'Argenlieu vì d'Argenlieu bị chỉ trích là còn nặng đầu óc thực dân; và vì d'Argenlieu có những khó khăn trong việc liên hệ với những người mà ông ta phải làm việc chung. D’Argenlieu không chịu từ chức, muốn níu giữ Đông Dương chờ ngày de Gaulle–mới đột ngột từ chức ngày 24/1/1946–trở lại chính quyền. Ramadier chẳng còn cách nào khác hơn cách chức d’Argenlieu.

Bài diễn văn được coi như bản tuyên bố chiến tranh lạnh của Tổng thống Harry Truman (1945-1953) ngày 12/3/1947 và kế hoạch viện trợ tái thiết Tây Âu ít tháng sau của Ngoại trưởng George C. Marshall–được biết như “Kế hoạch Marshall”– khiến chính phủ Ramadier nghiêng về phía loại bỏ Hồ, “một cán bộ QTCS.” Tuy nhiên, dự định của Paris nhằm biến hoá cuộc tái xâm lăng Việt Nam thành một điểm nổ của cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-Cộng Sản (1947-1991)–hầu xin được viện trợ Mỹ và thiết lập chính nghĩa mới –không đạt được tốc độ mong muốn. Oat-shinh-tân, dù không muốn thấy “một chế độ tay sai của Mat-scơ-va thống trị bán đảo Đông Dương,” và cũng không muốn bị mang tiếng ủng hộ Pháp tái thiết lập chế độ thuộc địa kiểu tiền chiến tại thuộc địa này, chỉ khuyên Pháp nên tìm ra một “chí sĩ quốc gia chân chính” lên cầm đầu cuộc chiến chống Cộng. Bởi thế, suốt năm 1947, Bollaert gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một giải pháp cho Việt Nam. Dẫu vậy, Bollaert đặt xuống những nền tảng cho việc thực thi thí nghiệm Bảo Đại. Giai đoạn đầu là những bước ngoại giao để loại bỏ Hồ.

Nguyên từ cuối tháng 12/1946, đầu tháng 1/1947, Hồ nhiều lần xin nối lại thương thuyết. Ngày 20/2/1947, ít tuần trước ngày Đại Hội Các Quốc Gia Á Châu tại New Dehli, Đài Việt Minh công bố một lá thư của Hồ gửi Ramadier và Moutet, kêu gọi thương thuyết. Việt Minh cũng nhờ đại diện Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển cho Lãnh sự Bri-tên một thư nghị hoà, nhưng viên chức Pháp ở Paris đều nói không nhận được. Mãi tới ngày 26/3, viên chức Ngoại giao Pháp mới nói với Đại sứ Mỹ Caffery là nhận được thư này, nhưng không ai dám khẳng quyết Hồ còn sống.( 60)

Cũng ngày này, tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám khẳng định muốn “độc lập trong Liên Hiệp Pháp.” Ngày 18/4/1947, Giám nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển cho Miguel de Pereyra, tân Ủy viên Cộng Hoà Bắc Việt, một công hàm yêu cầu ngưng bắn tức khắc và nối lại thương thuyết.( 61) Hôm sau, 19/4, Giám lại tuyên bố sẵn sàng điều đình, nhưng vì Pháp đòi Việt Minh phải nộp 50% khí giới, phóng thích tù binh Pháp, VM không chịu, vì như thế là đầu hàng.

Việt Minh còn cử Thứ trưởng Ngoại Giao Phạm Ngọc Thạch tới Bangkok và các nước Đông Nam Á để vận động. Thạch hai lần bí mật tiếp xúc Tùy viên Quân sự Toà Đại sứ Mỹ ở Bangkok, Trung tá William Law, trao cho Mỹ một số văn kiện, nhưng không đạt kết quả nào.( 62)

Tháng 5/1947, Bollaert cử Paul Mus, cố vấn kinh tế, tìm cách liên lạc với Giám. Ngày 9/5, Mus gặp Giám ở Cầu Đuống, rồi được dẫn đi gặp Hồ ngay tại tỉnh lỵ Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi nghe Mus đọc thuộc lòng các điều kiện của Bollaert–tức Việt Minh phải buông súng đầu hàng–Hồ chẳng có lựa chọn nào khác hơn từ chối.( 63)

Bollaert cũng xúc tiến mạnh hơn việc thành lập các cơ cấu hành chính lâm thời tại vùng chiếm đóng. Khởi đi từ Ủy Ban Chấp Chánh Lâm Thời [Comité administratif provisoire] ở Huế (12/4/1947) và Hội đồng An Dân Bắc Việt [Comité provisoire de gestion administrative et d'action sociale] ở Hà Nội (19/5/1947), các ủy ban hay hội đồng hàng tỉnh, hàng quận tiếp tục được thiết lập.

Trong hai tháng cuối Xuân, đầu Hạ 1947, Hồ lại mở chiến dịch kêu gọi thương thuyết. Ngày 19/6, Hồ tuyên bố muốn được độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Một tháng sau, ngày 19/7, Hồ cải tổ chính phủ. Hai nhân vật “ôn hoà”–Hoàng Minh Giám và Tạ Quang Bửu, rất thân thiết với Võ Nguyên Giáp–lên nắm Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng. Chu Bá Phượng, một lãnh tụ VNQDĐ vẫn được “nắm” chức Cứu tế, Xã hội (dù trên thực tế đang bị giam lỏng). Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Hướng, Bồ Xuân Luật là ba Bộ trưởng không bộ nào. Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Cựu Chiến binh, và Ngô Tử Hạ, Thứ trưởng Cựu Chiến binh, đại biểu Giáo dân Ki-tô. Tôn Đức Thắng mất chức Bộ trưởng Nội Vụ; Giáp lên chức Tổng Tư lệnh Quân đội.( 64)

Giới ngoại giao ghi nhận việc cải tổ chính phủ này như một nỗ lực của Hồ để nối lại thương thuyết. Tuy nhiên, khi trở lại Paris ngày 29/7, Mus tuyên bố khó thể có hoà bình vì cả hai bên đều không tin nhau. Thực ra, Bollaert vốn có ý định cắt đứt liên hệ với Hồ; và bí mật thương thuyết với Bảo Đại cùng các phe phái chống Cộng. Mus là một trong những đặc sứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là Cousseau, nhân viên tình báo có nhiệm vụ kiểm soát và nuôi dưỡng Bảo Đại trong cảnh lưu vong. Nhưng ông vua cuối nhà Nguyễn, người được Đại diện Vatican ca ngợi như thân Pháp nhất tại Việt Nam, đã phần nào thay đổi.( 65)

Bảo Đại, và nhất là những cộng sự viên buổi đầu như Kim, Thành, Diệm, Sâm mới trải qua một cơn sốt váng vất độc lập, thống nhất–và, phần nào vì mặc cảm–đòi hỏi Pháp nhân nhượng nhiều hơn những gì đã nhân nhượng với Hồ. Gặp Cousseau ở Hong Kong vào tháng 1/1947, chẳng hạn, Kim đưa ra 7 điều kiện để hợp tác: 1/ thống nhất 3 kỳ; 2/ tự trị; 3/ định rõ vị trí của VN trong Liên Hiệp Pháp; 4/ VN phải có quân đội; 5/ VN phải có cơ cấu tài chính; 6/ Pháp nên định một hạn kỳ trao trả độc lập cho VN; 7/ VN có đại biểu ngoại giao với các nước Á Đông và buôn bán với các nước khác.( 66)

Tuy nhiên, người Pháp không chịu nhượng bộ ngay. Quá tự tin ở sức mạnh quân sự–ít nữa đủ sức đánh tan quân đội chính qui Việt Minh–ai nấy hy vọng chiến thắng không xa. Tình hình quân sự những tháng đầu năm 1947 phần nào thắp sáng ngọn lửa lạc quan. Ngày 17/2/1947, bộ đội Việt Minh rút khỏi Hà Nội. Gần một tháng sau, ngày 11/3, Pháp làm chủ tình hình Nam Định. Tại miền Trung, Pháp tái chiếm Hội An [Faifo] ngày 15/3, Quảng Nam ngày 16/3; rồi đổ bộ Đồng Hới ngày 27/3. Riêng Hòa Bình, ngày 15/4 Pháp làm chủ được tình thế. Bởi vậy, Bollaert và cố vấn tìm cách kéo dài thời gian, chờ đợi kết quả chiến dịch mùa khô 1947–một chiến dịch mà Tướng lãnh Pháp tin tưởng sẽ bẻ gãy xương sống quân đội Việt Minh. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, ngày 16/5 Bollaert cử Tướng Raoul Salan–một nhân vật quen thuộc với Đông Dương, từng tham gia cuộc thương thuyết với Trung Hoa và Hồ năm 1946–làm Tư lệnh miền Bắc. Viện binh Pháp cũng lục tục kéo tới, nhiều nhất là lính Lê-dương [Légions étrangères] gốc Đông Âu và lính da đen Phi Châu.

Bollaert cũng cho cải tổ những chính phủ “Tề” tại miền Bắc và miền Trung. Ngày 19/5/1947, Y sĩ Trương Đình Tri–nguyên Bộ trưởng Y tế trong chính phủ Liên Hiệp 2/3/1946 của Hồ–được cử làm Chủ tịch Hội Đồng An Dân Bắc Việt. Tại miền Trung, Trần Văn Lý cầm đầu Ủy ban Chấp Chính Lâm Thời Trung Kỳ. Nguyễn Khoa Toàn, Tỉnh trưởng Thừa Thiên từ năm 1946, nắm Hội đồng Thẩm nghị [Tư vấn] Trung Kỳ. Tại miền Nam, mặc dù coi chính phủ Lê Văn Hoạch là gánh nặng của mình, Bollaert biến hoá dần sản phẩm của nhóm Gaullist này. Ngày 19/5, Bollaert trả Dinh Thống Đốc cho Hoạch. Đồng thời, áp lực Hoạch cải tổ chính phủ và tách biệt dần khỏi khuynh hướng tự trị.

Trong năm 1947 cũng có nhiều nỗ lực kết hợp các đảng phái Việt Nam đang tập trung tại vùng “Tề.” Ngày 17/2, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc (Front d'Union Nationale du Viet-Nam, hay MTQGTNTQ)–hậu thân của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Dân–chính thức thành lập, qui tụ các đảng viên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, Cao Đài, Đoàn Thể Dân chúng, và Liên Đoàn Công Giáo.( 67) Ngày 29/3, MTQGTNTQ ra Tuyên Cáo tại Hong Kong. Theo tuyên cáo này, mục tiêu của Mặt trận là thống nhất tất cả các tổ chức cách mạng, đảng phái chính trị, đoàn thể tôn giáo và xã hội để đấu tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ, củng cố chế độ cộng hoà, dân chủ, hợp tác toàn diện với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản công bằng và tự do để vãn hồi trật tự thế giới. Về những biến cố ở Việt Nam, Mặt Trận khẳng định cuộc kháng chiến hơn một năm qua không phải là công trình của một đảng phái chính trị nào, mà là của toàn dân Việt. Mặt Trận cũng khẳng định chính phủ Hồ không còn được nhân dân tin tưởng và đã mất vị thế trong thế giới trong công cuộc tranh đấu dành độc lập. Bởi vậy, Mặt Trận ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại Nguyễn Vĩnh Thụy để thành lập một chính phủ dân chủ thực sự.( 68) Thế chống Cộng của các phe nhóm được tăng hơn nữa sau khi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1917-1947) của đạo Hoà Hảo bị Việt Minh sát hại ngày 20/4/1947.

Tại miền Bắc, nhóm Đặng Vũ Lạc (1902-1948), Lê Thăng (1901-1987?), Đỗ Văn Năng (1915-1950) bắt đầu qui tụ các đảng viên Đại Việt và VNQDĐ, thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng hay Tân Đại Việt. Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân cùng Ngô Thúc Địch và một số người khác tái tổ chức VNQDĐ.

Tại miền Trung, VNQDĐ và Đại Việt tái xây dựng tại vùng Tề. Tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Diệm cũng hoạt động trở lại. Do Nguyễn Khoa Toàn đề xướng, Trần Văn Lý và Trần Thanh Đạt lập nên Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp làm cánh tay chính trị. Một nhân vật đang lên khác tại miền Trung là Phan Văn Giáo (1901-1963?). Giáo, một Dược sĩ Ki-tô gốc Ninh Hoà từng nổi danh là cây vợt tennis tên tuổi, bị Việt Minh bắt giữ vào tháng 8/1945 vì liên hệ với VNQDĐ, và lên án 6 năm khổ sai, tịch biên gia sản vào tháng 2/1946. Thoát ra Hà Nội tháng 11/1946, Giáo qua Hong Kong với Bảo Đại. Tháng 3/1947, được Bảo Đại ủy về nước vận động thành lập chế độ quân chủ lập hiến.

Tại miền Nam, các phe nhóm tự trị thay đổi lập trường, tuyên bố không chống đối việc thống nhất, miễn mỗi xứ vẫn có tự trị về kinh tế và chính trị. Những nhóm chống Cộng khác tổ chức biểu tình khắp nơi. Ngày 12/8, Huế biểu tình yêu cầu Bảo Đại về nước chấp chánh. Ngày 1/9 và rồi 14/9, biểu tình được tổ chức ở Sài Gòn.

Các viên chức vùng Tề khắp ba miền cũng tới tấp đi lại giữa Việt Nam và Hong Kong để “van xin” Bảo Đại đứng ra nhận trách nhiệm. Có những nỗ lực liên hiệp giữa Lê Văn Hoạch và MTQGTNTQ của Nguyễn Văn Sâm, sau khi Hộ Pháp Tắc tuyên bố ủng hộ tổ chức này ngày 16/8. Điều kiện của Sâm là ghế Bộ trưởng Nội Vụ hoặc Quốc Phòng. Sau đó, MTQGTNTQ ủy Hoạch tiếp xúc Bảo Đại để cầm đầu phong trào quốc gia và thống nhất đất nước. Ngày 5/9, Bảo Đại tuyên bố muốn tiếp xúc với các lãnh tụ VN để bàn luận thời sự. Cùng ngày, dù không được mời, Sâm qua Hong Kong gặp Bảo Đại.

Ngày 9/9, Bảo Đại tiếp kiến 24 đại diện ba miền. Trong số những đại diện này có Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng Quốc Phòng của chính phủ Hoạch. Bảo Đại tuyên bố sẽ đứng ra hoà giải các phe phái sau khi đã thương lượng với Pháp.( 69)

Giới giáo dân Ki-tô cũng âm thầm yểm trợ thí nghiệm Bảo Đại. Từ đầu năm 1947, Giám mục Từ đã cho một số các chính khách chống Cộng vào ẩn náu tại Phát Diệm mà Hồ cho hưởng đặc ân tự trị. Vợ chồng Ngô Đình Nhu và Trần Văn Chương cũng một thời tá túc tại đây, trước khi bí mật vào Nam, rồi cư ngụ ở Đà Lạt. Các chi nhánh Đại Việt Duy Dân, VNQDĐ và Đại Việt cũng bắt đầu được tái sinh. Trong khi đó, Từ mượn những chuyến thăm viếng giáo dân với danh nghĩa vận động kháng chiến chống Pháp để tuyên truyền nhu cầu một cuộc thánh chiến chống Cộng. Tại giáo phận Vĩnh Long, Giám mục Thục cắt dần liên hệ với Việt Minh. Nhưng nhiệt tình chống Cộng hơn cả là các giáo mục tại vùng Bến Tre và Mỹ Tho. Họ công khai yểm trợ các đơn vị lưu động bảo vệ giáo xứ [UMDC] của Trung úy Jean Léon Leroy, thủ diễn vai trò “chính trị viên” cho các binh sĩ thêu trước ngực hình thập tự giá. Tại các vùng Pháp mới tái lập kiểm soát như Kẻ Sặt (Hải Dương), Quảng Bình, Quảng Trị, Kontum, v.. v... nhiều đơn vị tự vệ của giáo dân Ki-tô cũng được tổ chức để chống Cộng. Pháp còn sử dụng các giáo sĩ Ki-tô để móc nối với những cộng đồng giáo dân tại các giáo phận Việt Minh kiểm soát. Khâm sứ Drapier không những ban phép lành cho phong trào thánh chiến này mà còn đẩy mạnh hơn vai trò Diệm và họ Ngô trong thí nghiệm Bảo Đại.( 70)

Mặc dù có kẻ thù chung là Cộng Sản, các tổ chức chính trị và giáo phái không đạt được sự đoàn kết cần thiết. Màu sắc tôn giáo, địa phương chi phối nặng nề, khiến phần đông hữu danh vô thực. Nguy hiểm nhất là tệ nạn sứ quân.

Dĩ nhiên, phe Việt Minh không chịu bó tay. Đài phát thanh Việt Minh không ngừng đả kích những tên “Việt Gian” đang âm mưu lập nên một “chính phủ bù nhìn tay sai” chống lại chính phủ hợp pháp VNDCCH. Tại miền Nam, Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo) phát động chiến dịch khủng bố và ám sát. Đã có lúc, Việt Minh nghĩ đến việc gửi Phạm Khắc Hoè sang Hong Kong thuyết phục Bảo Đại. Và, khi công bố chính phủ đổi mới vào tháng 7/1947, Hồ vẫn liệt kê Bảo Đại như cố vấn tối cao.

Theo đúng kịch bản, ngày 10/9/1947, Bollaert đọc diễn văn lần thứ hai tại Hà Đông. Trong diễn văn này, Bollaert đưa ra khẩu hiệu mới là “Độc lập trong tương trợ [L'Indépendance dans l'interdépendance].” Mục đích chính không phải là hứa hẹn sẽ trao độc lập cho Việt Nam mà chỉ thỏa mãn đòi hỏi của người Việt bằng cách tạo một tiền lệ nhắc đến hai chữ “độc lập”–từ năm 1945, Pháp chưa hề nhắc đến hai chữ “quốc cấm” này, và chỉ có cặp Ramadier-Bollaert mới không sợ hãi chúng. Việc này sẽ chứng tỏ tinh thần “cấp tiến” của Paris.( 71)

Những đề nghị của Bollaert cũng được cân nhắc sao cho Hồ không thể chấp nhận được; và như thế, tạo lý do chính đáng để phát động chiến dịch mùa khô 1947 sắp tới nhằm cắt đứt trục tiếp vận của Việt Minh từ Hoa Nam, tiêu diệt lực lượng võ trang Việt Minh, và bắt sống Hồ cùng những cán bộ lãnh đạo.( 72)

Diễn văn của Bollaert cũng mở cửa cho Bảo Đại. Mặc dù chẳng trọng vọng gì cựu hoàng, Pháp miễn cưỡng chấp nhận cho Bảo Đại về nước cầm đầu một chính phủ thống nhất chống Cộng. Bollaert hy vọng rằng việc đả bại Việt Minh sẽ khiến Bảo Đại bớt cứng rắn trong những điều kiện hợp tác.( 73)

Ngày 18/9–tức 4 ngày sau cuộc biểu tình rầm rộ ở Sài Gòn mời Bảo Đại về nước–Bảo Đại ra tuyên cáo chấp nhận sự ủy thác của quốc dân và sẵn sàng thương thuyết. Ngày 20/9, cựu hoàng nói sẵn sàng gặp đại diện Pháp ở Hong Kong hay Đông Dương. Theo Giám đốc Mật Thám Đông Dương, Perrier, nói với Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn ngày 22/9, Bảo Đại đã đồng ý thương thuyết, nhưng tạm trì hoãn để khỏi mang tiếng do Pháp dựng lên. Pháp chẳng kỳ vọng gì ở Bảo Đại, chỉ mong Bảo Đại sẽ có một số người ủng hộ. Sợ rằng Bảo Đại khó lôi kéo số lớn người quốc gia trong hàng ngũ Hồ. Vậy mà Bảo Đại đòi hỏi độc lập rộng rãi hơn những gì Bollaert đã hứa.( 74)

Ngày 29/9/1947, Hoạch từ chức. Hai ngày sau, 1/10, Xuân–mới từ Pháp về ngày 15/9–được Hội Đồng Tư Vấn Nam kỳ ủy thác lập chính phủ lâm thời. Một tuần sau, Xuân công bố danh sách chính phủ Lâm thời Nam Phần.( 75)

Đây là bước chủ yếu để trao quyền thống nhất lãnh thổ cho Bảo Đại.

(Còn tiếp)

Chính Đạo

[Trích: Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10806)
(Xem: 10387)
(Xem: 10669)
(Xem: 11185)
(Xem: 10933)
(Xem: 10774)
(Xem: 10624)
(Xem: 10075)
(Xem: 11337)
(Xem: 11001)