- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn Hl80

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8046)
Thư Tòa Soạn Hl80
Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 9-2008 Giao thừa Ất Dậu đánh dấu mười bốn Tết nguyên đán của tập san Hợp Lưu đã hiện diện và chia sẻ những khoảnh khắc đọc sách của người Việt. Với mùa Xuân chào đón, Hợp Lưu 80 mang sắc thái đa dạng của văn học Việt Nam hôm nay:

Sáu mươi năm kể từ khi Văn Cao viết Tiến Quân Ca tại 45 Nguyễn Thượng Hiền-Hà Nội, một ca khúc in hằn vết máu và đạn bom của đất nước triền miên chiến tranh. Nhưng nếu tháng 10-1954, Tiến Quân Ca chính thức thay thế La Marseillaise tại miền Bắc, rồi Tiếng Gọi Công Dân trong miền Nam sau 30-04-1975, thì định mệnh của Văn Cao cũng sớm mang vết cào của chính Tiến Quân Ca cất lên nơi nào, nơi ấy tắt lịm Thiên Thai. Một bi kịch mà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ghi lại: "Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được".

Vẫn năm 1954, tháng 1, Francoise Sagan gửi bản thảo đến Nxb Julliard. Tháng 3, Bonjour Tristesse bày trong hiệu sách. Anne Simonin ghi: "Tháng 5 bán 8.000 cuốn, 45.000 tháng 9, 100.000 tháng 10 và 200.000 tháng 12; một kỷ lục trong ngành xuất bản Pháp". Gần như Sagan theo đúng lịch trình Điện Biên Phủ. Tháng 1, Việt Minh kéo pháo vào lòng chảo. Tháng 3 tràn ngập đồi Béatrice. Tháng 5 quân Pháp đầu hàng, tháng 9 trao trả tù binh và tháng 10 tiếp quản Hà Nội... Những ngày tháng khốc liệt trong lúc số sách bán cao vọt nói lên một điều: Sagan vô tình chụp bắt được tâm tình của thế hệ mình khước từ hào quang đế quốc, chán ngán chiến tranh và không còn thiết tha với chính trị khi tình yêu không đồng nghĩa hôn nhân... Dưới ngòi bút Miêng, hiện tượng Sagan phần nào giải thích vì sao quân viễn chinh đã phải chiến đấu với một hậu phương thờ ơ.

Một vài nhà phê bình tin Sagan đã ảnh hưởng đến văn học miền Nam, "trổ mã" qua tiểu thuyết của Túy Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng... Thế Uyên dẫn những trích đoạn tình dục nhất của bốn nhà văn nữ kể trên. Ngày nay, song song với tình dục, nhiều vấn nạn xã hội đang được những gương mặt nữ mới Phùng Khánh Minh và Đỗ Hoàng Diệu đề cập. Làm cách nào để tìm lại giọt nước mắm nguyên chất Phú Quốc? Chọn lựa nào hay bế tắc của Việt Nam giữa truyền thống bất lực và hiện đại vô văn hoá? Phản ứng của lương tri khi ăn nằm với hệ thống theo dõi? Và chứng hủi của người Việt, chữa được không, khi Ký ức cá nhân có thể bị xoá đi nhưng Ký ức nhân loại mãi mãi tồn tại... là nội dung của truyện ngắn trên Hợp Lưu lúc này, bắt đầu đặt vấn đề.

Vấn đề? Với Nam Dao trước hết là trách nhiệm ở người cầm bút. Với Lê Thị Huệ là một thứ văn hoá rồng rắn cần thanh tẩy, trong ý thức: "Chính trị đáng lẽ là một món hấp dẫn như dâm!" Ở Hoa Lục, Vệ Tuệ giải quyết cách khác: Nhà văn lao vào tiểu thuyết bằng chính tâm tư lẫn thân xác của mình, không thoả hiệp với bất kỳ điều gì ngoài khát khao cá nhân. Như Sagan nửa thế kỷ trước, Vệ Tuệ phô diễn tâm tình của thanh niên Trung Hoa đang dẫm lên Mao Trạch Đông để bước vào thế kỷ 21. Trích đoạn Cục Cưng Thượng Hải chưa được phép in tại Việt Nam, do dịch giả MạÏch Nha chuyển ngữ, cho thấy thử nghiệm tiêu thụ văn hoá ở Vệ Tuệ. Bên cạnh, là bút ký Bão Thép của Ernst Junger và Miền Thôn Dã Mĩ Quốc của Philip Roth, qua dịch thuật của Cổ Ngư và Trịnh Y Thư.

Trong chiến tranh, Thanh Thảo từng được xem là một nhà thơ trẻ. Hôm qua đã xuất hiện Vy Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh... Hôm nay, bên cạnh Thường Quán, Nguyễn Đạt, Đặng Hiền, Thận Nhiên, Đinh Linh, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Tiến Dũng, Trịnh Gia Mỹ, Chu Vương Miệng... đã thêm Từ Phú, Bùi Chát, Đinh Trường Chinh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lynh Bacardi, Quang Thành, Trần Lê Sơn Ý... Nhưng Thơ Việt đi về đâu? là câu hỏi ở một thời điểm mà Chân Phương quyết định tra vấn.

Trên đây là những nét chính của Hợp Lưu 80 Xuân Ất Dậu, đặc biệt với truyện ngắn viết chung của Nguyễn Hương & Mai Ninh, cũng như góp mặt lần đầu tiên của Hồ Trường An đọc tiểu thuyết Xứ Nắng của Lê Thị Thấm Vân, và Nguyễn Lê Hồng Hưng vừa trở lại với Hợp Lưu...

Trước thềm năm mới, ban chủ biên kính chúc quý độc giả và văn hữu một năm Ất Dậu an khang thịnh vượng. Chúng tôi cũng chân thành cảm tạ quý vị Nguyễn Minh Hải, Phan Xuân Sinh, Ngô Đức, Phạm Đăng Khoa, Trương Bình Minh, Nguyễn Thị Xuân Sương, Hồ Đình Nghiêm, Thường Quán, Phạm Vũ Thịnh, Đào Hữu Dũng và nhà sách Văn Hoá Houston đã đại diện Hợp Lưu trên khắp thế giới.

HỢP LƯU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12309)
(Xem: 13845)
(Xem: 15121)
(Xem: 14690)
(Xem: 14685)
(Xem: 15289)
(Xem: 14135)
(Xem: 13881)
(Xem: 13915)
(Xem: 14810)