- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn Hợp Lưu 111

23 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8926)

thutoasoan106_0_100x92_1

Hợp Lưu 111 trên tay độc giả được chuẩn bị trong hai tháng 8-9/2010 – thời gian nhiều dấu mốc lịch sử khó quên. Tại Mỹ, kỷ niệm 9 năm không tặc Al-Qaeda, một mục sư Tin Lành muốn đốt kinh Quran nếu tín đồ Hồi giáo xây đền thờ tại vị trí cũ của trung tâm thương mại ở New York, một sự nhầm lẫn giữa rao giảng yêu thương và lòng thù hận. Sau Hillary Clinton, Vladimir Putin cảnh cáo hiểm họa Xã hội Chủ nghĩa Thực dân [Socialist Colonialism] của Trung Hoa. Riêng với cộng đồng Việt, là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Dấu mốc khác: 70 năm ngày quân Nhật tiến vào Đông Dương, làm lung lay tận rễ gốc chế độ Bảo hộ Pháp (1884-1945). Rồi 65 năm Độc Lập từ kháng Pháp, với hai cuộc cách mạng phá vỡ toàn diện cấu trúc xã hội cũ và tái phân định các giai tầng trong một trật tự mới, nhưng vẫn chưa ổn định, còn trên đường định hướng. Thêm một niên học mới cũng vừa khai giảng và thêm những trẻ phải bỏ học kiếm sống…

Đặc biệt trong số báo này, là Dương Nghiễm Mậu. Một Mậu với các tác phẩm Tuổi Nước Độc, Gào Thét, Buồn Vàng, Cũng Đành vừa khắc họa vừa đặt tên cho một thời kỳ miền Nam; một Mậu còn ở lại, từ chối rời nước sau 75, hôm nay viết về Thanh Tâm Tuyền và những người bạn của mình trước khi thành hình tạp chí Sáng Tạo. Thời gian trôi qua, nhiều việc đã trở thành quá khứ, nhưng tinh thần sáng tạo và tự do của các nhà văn thuộc thế hệ 1954-1956 của Văn học Miền Nam vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu đậm lên tâm thức của nhiều người Việt. Một tinh thần dứt khoát như chữ của Dương Nghiễm Mậu: "Không có tự do thì không có sáng tạo. Người làm văn nghệ không thể không: ghi lại, phản ảnh, làm chứng cho thời đại mình sống, hơn thế nữa phải nói lên: những ước vọng và bước về phía trước." Bên cạnh đó, Lê Quỳnh Mai phỏng vấn nhà văn Trùng Dương, từng làm Chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần, giúp bạn đọc tiếp cận sâu hơn về nghiệp viết báo của Trùng Dương và những người làm truyền thông tại miền Nam trước đây.

Hợp Lưu 111 mang sắc thái phong phú của nhiều biên khảo và sáng tác giá trị: Những nghiên cứu về các dữ kiện lịch sử Việt-Hoa từ ngàn năm trước đến cận đại; Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng giới thiệu bản lĩnh dân tộc qua các tác phẩm Nam Quốc Sơn HàPhạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt; Tiến sĩ Phạm Cao Dương trình bày những vấn đề biên giới Việt-Hoa qua các triều đại phong kiến; Sử gia Chính Đạo nhìn lại Bản Lý Lịch Tự Khai của Võ Nguyên Giáp.

Trong hạn chế số trang của một kỳ báo, độc giả vẫn có thể khám phá những suy nghĩ trong đời sống hôm nay qua các tác phẩm; văn xuôi với Cung Tích Biền, Đỗ Phấn, Nguyễn Thị Thảo An, Hồ Đình Nghiêm, Hoài Băng, Chân Phương, Du Tử Lê, Inrasara, Hoàng Khởi Phong... Thi ca với Hà Nguyên Dũng, Nguyễn Bình Phương, Lưu Diệu Vân, Lữ Thị Mai, Đặng Hiền, Nguyễn Đức Bạn, Nnguong, Trịnh Hải Yến, Hoàng Xuân Sơn, Lê Yêu Thương, Luân Hoán, Đỗ Quyên... Bên cạnh, là những ngòi bút lần đầu tiên cộng tác với Hợp Lưu là Vũ Đảm, Lương Hữu Quang, Lê Nguyệt Minh và Lâm Quỳnh.

Tác giả thế giới trong số nầy có Julio Cortázar với Đêm Ngửa Mặt, một nhà văn cột trụ của nền văn chương Nam Mỹ, và thi phẩm Thân Thể Người Đàn Bà của thi sĩ Pablo Neruda; cả hai đều do Trầm Hương chuyển ngữ. Ngoài ra, là tiểu luận của Catherine Cusset tấn công giáo hoàng Tân Tiểu thuyết Alain Robbe-Grillet do Trần Vũ dịch. Sau hết, vẫn là các mục thường xuyên: Phiếm luận với Song Thao, Mạn đàm Văn học với Trần Thiện Đạo, Tin Sách với Vũ Thuý Vi.

Kính chúc quí độc giả và văn hữu có những ngày tháng yên lành và nhiều sức khoẻ.

Tạp Chí Hợp Lưu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12263)
(Xem: 13797)
(Xem: 15075)
(Xem: 14651)
(Xem: 14643)
(Xem: 15250)
(Xem: 14083)
(Xem: 13838)
(Xem: 13865)
(Xem: 14760)