- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Khúc Sông, Mảnh Hồ Trong Cuộc Đời Cha Tôi

29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 8741)

 

w-pdf-hl96-thutoasoan-f1-121_0_203x300_11. Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây...

Tôi xin được mượn lời mở đầu bài hát Người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Đình Thi để bắt đầu bài viết này về cha tôi. Còn có thể kể thêm nhiều, nhiều nữa nữa địa danh nổi tiếng và không nổi tiếng của Hà Nội đã từng gắn bó với cha tôi. Nhưng tôi cứ nghĩ, cha tôi cũng giống như một nhà nhiếp ảnh hay sao ấy. Ông đặc biệt thích lấy mặt nước làm nền cho những diễn biến truyện, kịch của mình. Phải, nhiều khúc sông, mảnh hồ của đất kinh kỳ đã đi vào không ít những trang viết của cha tôi.

Trong tác phẩm dụng công nhất của cha tôi - tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, ông đã để cho số phận xô đẩy nhân vật chính Trần Văn tới bên Hồ Gươm vào đúng cái thời điểm Hà Nội nổ tiếng súng Toàn quốc kháng chiến. Trời đất tối đen, chao đảo, thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng súng như pháo lúc giao thừa. Giờ khắc lịch sử ấy bỗng như lắng lại, khi tác giả để cho nhân vật của mình nhận ra cái hồ xưa cũ, mà anh "chỉ cảm thấy nó thôi, như một bài thơ thuộc lòng". Và sau khi đã tả những gì thường vẫn được tả về chiến tranh - những tiếng súng, ánh lửa, cha tôi viết: "Hồ Gươm nằm rúi rụi trong bóng tối". Câu văn có tất cả 8 chữ, nhưng tôi nghĩ nó chất chứa cả sự hiểu biết, cả tấm lòng, cả tài hoa của cha tôi khi viết về Hồ Gươm nói riêng, và về Hà Nội nói chung. Nhân đây cũng xin nói thêm, câu văn ấy sau này sẽ là nguồn cảm xúc để nhà văn Nguyễn Minh Châu viết: Bên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng ngắm Hồ Gươm.

Sông Hồng, Hồng Hà, hay còn được gọi là sông Cái trong nhiều trang viết của cha tôi. Ngược dòng thời gian, ông đã hơn một lần tả các trận đánh oanh liệt của quân dân nhà Trần, của đoàn quân áo vải của Quang Trung trên khúc sông chảy qua kinh thành. Nhưng gần gũi với người đọc hôm nay hơn cả, vẫn là những trang viết trong truyện phim Lũy Hoa, mô tả cuộc vượt sông của Trung đoàn Thủ đô sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, đặc biệt là cảnh hi sinh đầy chất tạo hình của Nhân, cô gái liên lạc người làng hoa Ngọc Hà, khi cô cùng tiểu đội cuối cùng ở lại chặn địch trên bãi ngô ven sông. Bộ đội rút ra an toàn, còn Nhân thì nằm lại trên bãi ngô xanh mướt, với nụ cười vẫn đọng trên môi.

Hồ Tây đã đi vào những trang sách của cha tôi trong Đêm hội Long Trì. Hồ Tây cũng là niềm tự hào của ông về những cảnh đẹp một thời của Hà Nội, với những rừng trúc, rừng bàng mà người dân kinh kỳ khi xưa thường tới thưởng ngoạn. Nhưng có lẽ chỉ với Vũ Như Tô, cha tôi mới có dịp khai thác triệt để khung cảnh bao la của Hồ Tây làm hậu cảnh cho vở kịch của mình. Xuyên suốt năm hồi kịch, dù chỉ được thể hiện bằng màu sắc của phông nền hay tiếng vọng xa xa của sóng nước, mảnh hồ vẫn ám ảnh, chi phối số phận của các nhân vật, kể cả tòa đài đang khởi công, tạo cảm giác về một cái gì mong manh như bóng nước. Hay nói như nhà văn Nguyễn Tuân, "sự việc của thảm kịch ấy cứ bám lấy hơi cỏ bóng bèo, chỗ ven Hồ Tây mà diễn biến quằn quại".

2. Trong những địa danh đã đi vào tác phẩm của cha tôi kia, thì Hồ Gươm lại có phần gắn bó hơn cả. Gắn bó về phần hồn và gắn bó bằng kỷ niệm. Thơ bà Hằng Phương có câu:

Trung đoàn in dấu Lũy Hoa

Hồ Gươm ngấn nước chưa nhòa bóng anh

Viết lời bạt cho tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của cha tôi, nhà văn Nguyễn Tuân đã khéo mượn câu thơ đó của nữ thi sĩ để nói cái tình ý của cha tôi với Hà Nội. Cũng theo lời nhà văn Nguyễn Tuân, sinh thời cha tôi và bác Nguyễn Tuân hay rủ nhau làm một "tua" quanh hồ Hoàn Kiếm. ấy là lúc hai ông có điều gì tâm sự, cần đến những cái bóng âm âm bên hồ để thổ lộ nỗi lòng; ấy là lúc hai ông đi bên nhau để thả hồn mỗi người mỗi ngả về những vùng đất, địa bàn sáng tạo của mình...

Riêng với cha tôi, Hồ Gươm còn ghi dấu những kỷ niệm đặc biệt mà sau này đọc nhật ký của ông, tôi mới tình cờ biết được. Một ngày tháng hai năm 1944. Bấy giờ đã sang xuân. Hà Nội chắc là đã bớt lạnh. Nhưng hôm ấy trời mưa và đổ rét. Cha tôi đi qua hồ Hoàn Kiếm, con mắt nhà văn của ông nhận thấy: "Nước gợn, cây rung như lông gà xù trước gió". Còn con người cả nghĩ trong ông thì tự vấn: "Hoang mang không biết đường đi của ta. Những lý tưởng cũ đã rung chuyển, và lý tưởng mới chưa có" (nhật ký ngày 17-2-1944). Tôi cũng đã nhiều lần đi qua Hồ Gươm, cả những khi trời mưa và không mưa. Tôi cũng đã nhiều lần ngước mắt nhìn lên những cây ven hồ, trong lúc chờ mưa ngớt. Và chắc cũng như cha tôi thôi, tôi cũng đã nhìn thấy những tán cây rung động trong mưa, cành lá sũng nước, rã rượi. Nhìn thấy nhưng không cảm thấy, bởi vì làm sao có được cái đang diễn ra trong lòng cha tôi lúc đó. Lúc bấy giờ cha tôi đã gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc. Lúc bấy giờ cha tôi đã có tiếp xúc bí mật với cán bộ Việt Minh. Nhưng dường như ông chưa đi đến một quyết định cuối cùng. Đây vừa là điều băn khoăn, vừa là điều day dứt của cha tôi. Cơn bão trong lòng ông chỉ chờ cơ bùng nổ. Và tôi dám chắc nó đã xảy đến với cha tôi đúng vào cái giây phút ấy, khi ông ngước mắt nhìn lên những tán cây ven hồ. Không phải chúng tự rung lên "như lông gà xù trước gió", mà chính sự thôi thúc bên trong ông đã hình dung ra cái động tác rũ mạnh của con gà bị sũng nước, nó làm cho lông cánh xác xơ nhưng quang quẻ. Mặc dù sau đó ông còn viết tiếp là "hoang mang", là "lý tưởng mới chưa có", nhưng có thể đoán không sai đó là một lời thôi thúc hơn là sự chấp nhận. Thực tế cho thấy không lâu sau đó cha tôi dấn thân vào hoạt động Việt Minh, một cách thực dứt khoát...

Những ngày sau Cách mạng đối với cha tôi không dễ dàng như vẫn được hình dung. Lúc này, ông đã là công dân của một nước Việt Nam độc lập - nền độc lập mà ông đã trực tiếp góp sức mình giành lấy. Ông cũng đã có cho mình một lý tưởng - lý tưởng cộng sản mà trước đấy không lâu ông còn lưỡng lự. Nhưng trước sau ông vẫn là nhà văn - một nhà văn có ý thức rõ rệt về việc lập thân bằng nghề nghiệp của mình. So với không ít nhà văn nhà thơ lúc bấy giờ còn đương lúng túng, thậm chí hoang mang không biết viết gì, và viết như thế nào, cha tôi dường như có may mắn hơn. Ngoài những bài ký, bài chính luận luôn có mặt trên tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc, cha tôi còn có vở kịch Bắc Sơn được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội với thành công có thể nói là vang dội. Bằng vào những thành tựu mà cha tôi đạt được lúc bấy giờ, nhiều người dễ nghĩ ông đã nhập cuộc một cách dễ dàng, không bợn chút băn khoăn. Nhưng đọc những trang viết riêng tư của ông, tôi mới biết rằng ở cha tôi khi ấy có một sự dằn vặt ghê gớm. Cha tôi luôn nghĩ mình sống lạc lõng giữa phong trào, rằng mình không làm được gì trong lúc tất cả mọi người đều làm việc (những lúc không viết được là ông lại có tâm trạng như thế). Đặc biệt, cha tôi rất sợ họp. Điều này cũng thật trớ trêu đối với ông. Ông là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc. Ông cũng là đại biểu Quốc hội, đại diện cho tỉnh nhà Bắc Ninh. Nghĩa là những cương vị đòi hỏi phải thường xuyên họp hành, tiếp xúc. Vậy mà cha tôi sợ họp đến thành ám ảnh. Vốn là người vụng nói, vụng ứng xử (theo lời bác Lưu Văn Lợi, bạn thân của cha tôi), ông luôn có cảm giác mình bị "lụt" đi trong các cuộc họp, và ông tự nhận mình là người "hờn dỗi đám đông" (chữ dùng của cha tôi). Một buổi sáng tháng 8 năm 1946, cha tôi lại đạp xe đi họp, tâm trạng hẳn rất ngại ngùng. Thế rồi cha tôi tới Bờ Hồ. Bước đạp của ông chậm dần rồi dừng hẳn. Trước mắt ông bày ra một cảnh tượng hùng vĩ. Ngày hôm ấy Tổng liên đoàn Lao động tổ chức phá những hầm trú ẩn quanh hồ. Nam, phụ, lão, ấu đều tham gia. Người đẩy xe bò. Người xúc đất đá. Trẻ em đánh trống ếch. Phụ nữ tiếp kẹo bánh úy lạo... Nhìn những lưỡi búa, lưỡi xẻng vung lên, hạ xuống như múa như bay, trong ông bỗng rung lên một ý thơ. Giá như không mắc phải cuộc họp thì cha tôi đã góp một tay vào công cuộc chung ấy. Ông đạp xe đi, mang theo một bài viết đã nhen trong lòng.

Bài tùy bút ý nghĩ về một sáng mùa thu của cha tôi đã ra đời trong bối cảnh ấy. Đó chỉ là một bài viết ngắn, cỡ 5 - 6 trang, tả lại những gì cha tôi đã chứng kiến buổi sáng hôm đó bên hồ. Nhưng tôi nghĩ nó có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc đời cha tôi. Tâm trạng hân hoan của người viết cộng với giọng văn trong trẻo của bài tùy bút, đặc biệt khi tác giả tả đám đông, đám đông cần lao ầm ĩ mà không xô bồ, hào hứng mà không kệch cỡm, chứng tỏ cha tôi đã rũ bỏ được nỗi e dè về quần chúng. Nó như thổi một luồng gió mới vào văn phong của cha tôi - một người nhập cuộc không còn chút đắn đo suy tính. Nó như một sự chiêm nghiệm để sau này, mỗi khi gặp khó khăn trên đường đời, cha tôi lại tìm ra sự giải thoát: "Đi giữa quần chúng vẫn khỏe hơn là nghĩ ngợi một mình".

3. Tôi xin mượn câu văn trên trong bài tùy bút Một ngày chủ nhật của cha tôi để kết thúc bài viết này. Bài tùy bút ấy cũng là sự phản ánh tâm trạng của cha tôi nhân một sáng chủ nhật đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Lúc bấy giờ là mùa đông năm 1956. Mảnh hồ quý giá giữa lòng Thủ đô đang bị sự thiếu hiểu biết, sự vô trách nhiệm của những người quản lý làm cho xấu đi, bẩn thỉu. Sự luộm thuộm của đời sống xã hội cùng biết bao nhiêu cái vô lối khác của căn bệnh ấu trĩ, tả khuynh, tới bên hồ như càng bị phơi ra sống sượng. Vốn là người yêu cảnh đẹp quanh hồ, cha tôi không thể không lên tiếng báo động về hiện trạng đó. Ông đã chỉ ra những váng nước bẩn, những thùng rác lù lù bên lối đi như chiếc quan tài, những biển quảng cáo vụng về, những khung kính trưng bày hình ảnh các nước không mấy khi sạch xác ruồi muỗi... Tất cả làm cho hồ bị bưng kín, bé lại. Toàn bộ bài viết phản ánh một tâm trạng xót xa, một ý thức thành tâm xây dựng. Nếu đem so với nhiều vụ việc của ngày hôm nay, chỉ nói riêng những việc làm ô nhiễm môi trường, vi phạm cảnh quan văn hóa, thì những gì cha tôi vạch ra trong bài tùy bút nào đã thấm tháp gì. Vậy mà lúc ấy ông đã bị phê phán là bôi đen, thậm chí có người quy kết ông là "chỉ nhìn thấy rác rưởi". Gần đây, trong tuyển tập 100 truyện ngắn hay Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn có tuyển tùy bút Một ngày chủ nhật của cha tôi. Đọc lại, càng thấy quý tấm lòng thiết tha của tác giả, tôi lại càng tiếc cho cha tôi không được sống cái thời Đổi Mới. "Giá như ông còn sống!" Câu nói này tôi đã được nghe từ không ít người thân quen. ở đây có cả sự tiếc nuối cho cha tôi. Có cả sự giả định cha tôi sẽ khổ tâm thế nào khi phải chứng kiến những hiện tượng tiêu cực, xuống cấp về văn hóa, băng hoại về tinh thần của ngày hôm nay... Nhưng cũng có cả sự trông đợi ở tiếng nói nhập cuộc của một người như ông.

"Giá như ông còn sống!" Tôi không muốn đưa ra một hình ảnh có hậu là cha tôi sẽ ký vào bản kiến nghị, sẽ lên tiếng, sẽ viết bài phản đối những việc làm, những hợp đồng kinh tế, những dự án liên doanh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, đến lịch sử, văn hóa nước nhà. Tôi chỉ xin phép thổ lộ một niềm tin: Những trang viết của ông, một khi đã đi qua, chạm đến một khúc sông, một mảnh hồ, ít nhiều cũng sẽ có tác dụng bảo vệ. Theo một cách riêng của nó.

NGUYỄN HUY THẮNG

(Nguyễn Huy Tưởng trong vầng sáng hồi nhớ, NXB Hà Nội, 1997)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12260)
(Xem: 13796)
(Xem: 15071)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15243)
(Xem: 14080)
(Xem: 13836)
(Xem: 13864)
(Xem: 14758)