- Mục Lục H L 96
- Thư Tòa Soạn H L 96
- Liên Hệ Việt Nam Và Pháp Trước 1858 (phần 1)
- Mùa Hạ Hỗn Mang
- Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960)
- Anh Tưởng
- Nhà Tôi - Kỷ Niệm Của Một Thời Và Mãi Mãi
- Bàn Thêm Về Bi Kịch Vũ Như Tô
- Những Khúc Sông, Mảnh Hồ Trong Cuộc Đời Cha Tôi
- Ủa, Lạ Nào!
- Băn Khoăn,
- Nội Y
- Mắt Tượng
- Dạ Ca
- Chị Yến
- Ai…
- Ký Ức Về Bốn Lần Hôn
- Tự Tình Khúc
- Dòng Sông Không Chảy...
- Qué Xê Ra Xê Ra
Thoạt nhìn, Nguyễn Huy Tưởng không gây được nhiều thiện cảm. Anh người to, thô, mặt hơi nặng, mấp mé lạnh lùng. Cử chỉ chậm chạp, nhiều lúc vụng về, hơi công chức – anh là "thủ trưởng" cơ quan hội Văn nghệ Trung Ương suốt thời gian kháng chiến chống Pháp.
Nguyễn Tuân đã gọi đùa Nguyễn Huy Tưởng là ông Phán Đoan do thời Pháp anh làm ở sở Thương Chính thành phố Hải Phòng.
Một lần họp chi bộ, Tô Hoài đã phê bình Nguyễn Huy Tưởng như sau:
"Tôi thấy đồng chí Tưởng có phần xa cách anh em – lần nào cu Thái (liên lạc của Hội) đem quần áo của anh ra suối giặt là anh em biết ngay vì dáng nó đi khuệnh khoạng, khác thường như bắt mọi người phải tránh ra cho nó đi"
Tưởng im lặng chịu trận, mặt chảy xuống càng nặng thêm, nửa buồn, nửa ngơ ngác.
Anh tâm sự với tôi:
"Có thể là mình quan liêu, thì cứ nói thẳng ra, những lời phê ác khẩu như vậy làm mình hết sức nản lòng"
Tôi an ủi người bạn lớn tuổi:
"Nếu đơn giản như vậy thì còn gì là Dế Mèn nữa. Anh em văn nghệ ít nhiều có cá tính, ông còn lạ gì, đứa nào không ác khẩu? Giận họ thì giận cả đời"
"Mình cũng biết thế, nhưng nó vẫn làm mình "đau lòng".
"Gớt phê bình Victo Huygô còn độc miệng hơn nhiều – Ông có biết Gớt nói thế nào không?… Huygô nếu viết ít hơn và lao động nhiều hơn thì tốt"
Tưởng cười, ho sặc sụa:
"Cậu tha những của quái quỉ ấy ở đâu về thế?"
Hai người im lặng đi một quãng đường, bỗng Tưởng đi chậm lại
"Lắm lúc mình cũng muốn thân mật với anh em, nhưng vụng quá chẳng biết làm thế nào – Tuân nó gọi mình là Phán Đoan cũng phải (!!!)"
Một lần khác anh nói với tôi:
"Có lẽ mình không phải một nhà văn nòi – Mình chủ yếu là một người yêu văn học"
Thời kỳ làm Phán Đoan ở Hải Phòng – Hồi này anh đã có truyện đăng trên báo Tri Tân (lẽ dĩ nhiên đó không phải là một chứng chỉ sang trọng đối với một nhà văn).
Nghe tin Trương Tửu về thăm đất cảng (lúc đó Trương Tửu đã là một ngòi bút phê bình nổi đình đám) anh có nhờ người dẫn đến ra mắt Trương tiên sinh và đưa cho Trương một bản thảo nhờ xem hộ.
Mấy ngày sau khi anh đến tiếp kiến, nhà phê bình nổi tiếng nhìn anh một cách thương hại:
"Anh viết văn đã lâu chưa?"
"Dạ, cũng gần được chục năm"
"Tôi rất buồn phải nói với anh rằng, anh không có khiếu viết văn. Nhưng nếu cố gắng, cũng có thể có dăm cuốn sách xuất bản được"
Tưởng cười buồn
"Ngoài cái thái độ kiêu kỳ đáng trách ấy, ý kiến của Trương Tửu có phần đúng"
Tôi biết anh nói thật chứ không phải làm dáng như một số nhà văn khác.
Nguyễn Huy Tưởng không có cái tài hoa của Nguyễn Tuân, cái mẫn tiệp của Nguyễn Đình Thi, cái tinh quái của Tô Hoài.
Những gì anh đạt được đều do mồ hôi thứ thiệt anh đổ xuống trang chữ.
Tôi đã có may mắn được đọc một số bản thảo của anh. Lổn nhổn không ít những biểu thức sáo mòn đến vô cảm. Nào nộ khí xung thiên, nào lửa giận ngút trời, nào tình keo sơn, môi hở răng lạnh v.v… kèm không ít những đoạn du dương biền ngẫu kiểu Nam Phong.
Nguyễn Huy Tưởng đã cần cù đọc lại, đã quyết liệt sửa.
Những trang viết của anh chi chit những tẩy xóa, những ngoặc lên ngoặc xuống hệt như một trang morat của Banzăc.
"Với mình việc sửa chữa bản thảo còn mệt nhọc hơn là sáng tác lần đầu"
Tôi bỗng nghĩ tới nhận xét của một nhà thơ đại gia người Pháp
"Người ta đánh giá nhà văn trên những gì anh ta công bố và cả những gì anh ta không muốn công bố"
Một lần anh đột nhiên phê bình tôi:
"Những bài toa viết nhiều tính từ quá"
Một nhà văn chuyên nghiệp phải rất cảnh giác với chúng vì chúng thường làm nhão câu văn.
Tôi đã học được rất nhiều ở lao động chữ tạp dịch phu phen của Nguyễn Huy Tưởng.
Một lần anh tâm sự:
"Lê Đạt có biết trong số nhà văn Tây phương moa thích nhất ai không?"
"Lép Tônxtôi chứ gì (anh em thường gọi đùa Nguyễn Huy Tưởng là ông Tônxtôi vì anh luôn miệng nhắc đến bộ "Chiến tranh và hòa bình")
Tưởng cười rất tươi và hóm hỉnh (hiếm khi tôi thấy anh cười như vậy).
"Không phải, người mình thích nhất là Bốtxuyê"
Tôi tưởng mình nghe lầm.
"Bốtxuyê thế kỷ XVII, vị thầy tu chuyên điếu văn cho các ông hoàng bà chúa?"
"Đúng, Bốtxuyê là một nhà văn rất kỹ tính, tên ông ta là kết hợp ba đầu ngữ Bos suêtus aratro – Lê Đạt ngày trước có học tiếng La Tinh, chắc toa hiểu Bos suêtus aratro là con bò kéo cày."
Giai thoại trên có phải anh muốn cảnh cáo tôi không?
Từ hồi thanh niên, tôi đã mắc bệnh mất ngủ - Một đêm vào 2 giờ sáng, tôi chợt thức giấc (thời gian này, cơ quan hình như đóng ở nhà ông Chánh Cuốn cây số 5 đường Hà Tuyên) thấy Nguyễn Huy Tưởng nằm ngủ gục trên bàn bên cạnh đĩa dầu dọc còn thức. Hồi tối, Nguyễn Huy Tưởng đã nói với anh em:
"Tạp chí sắp đưa nhà in mà bài Ký sự Cao Lạng mình chưa viết xong, đêm nay có lẽ phải thức trắng."
Vào khoảng mười giờ, anh uống liền hai tách cà phê cắm tăm để thức. Tưởng ngủ gục trên bàn và ngáy rất to.
Biết rằng anh quá mệt, tôi không nỡ đánh thức.
Bốn giờ sáng, tôi dậy tập thể dục, đã thấy chiếc gạt tàn thuốc lá đầy ắp. Anh dậy từ lúc nào. Mà không phải chỉ có một đêm.
Tôi không bao giờ quên tối hôm đó, trước lớp đấu tranh Thái Hà II độ một tuần, lúc gió đã bắt đầu thổi hơn cấp 10 có nguy cơ trở thành bão lớn.
Chúng tôi ở nhà Tô Hoài trên Nghĩa Đô về, có Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, tôi và Nguyễn Văn Bổng, một nhân vật chống Nhân Văn khét tiếng cùng trong ban phụ trách lớp Thái Hà II với Nguyễn Đình Thi.
Cuộc đồng hành bất đắc dĩ và không khí thật nặng nề. Bỗng Nguyễn Huy Tưởng nói khá to:
"Các ông ấy thật buồn cười, bắt mình học một tháng chứ học một năm, mình cũng không bao giờ kết luận thằng Lê Đạt là phản động, mình ở với nó mãi, mình còn lạ gì"
Nguyễn Huy Tưởng biết rất rõ phát biểu như vậy là hết sức nguy hiểm, nó có thể khiến anh dễ dàng bị buộc tội là ủng hộ Nhân Văn và tức khắc trở thành một tên phó phản động, chí ít, cũng là một phần tử lạc hậu, lúc này anh vẫn còn trong Đảng đoàn văn nghệ.
Chúng ta thường có một thói quen không tốt là khi viết điếu cho một đồng nghiệp ít nhiều có tiếng, ta thường tống tiễn họ bằng những lời khoa trương tiện lợi và công cộng như "nhà văn lớn", thậm chí "cây đại thụ" v.v… (sinh thời Nguyễn Tuân gọi đó là văn tế ruồi)
Tôi bất cần biết Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn hay nhỏ, là cây đại thụ hay đồ sộ thụ, tôi chỉ biết anh là nhà văn hiếm hoi có tư cách mà tôi đặc biệt quý mến và kính trọng trong giới cầm bút đương đại.
Anh Tưởng,
Ở cõi bên kia, tôi nghĩ anh có quyền yên ngủ và ngáy thật ròn rã sau một cuộc đời lao lực nhọc nhằn và trung thực cày vỡ xứ đồng tiếng Việt.
Lê Đạt