- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vô Thừa Nhận

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9248)

w-hl94final3-248pdf_0_139x300_1Lời người dịch: Brian Ascalon Roley sanh năm 1966. Anh có hai dòng máu, da trắng và Phi Luật Tân. Là tác giả cuốn truyện "An american Son" (Người con trai Hoa Kỳ), đã được giải thưởng American Asian Studies Prose Book. Truyện ngắn của Roley được đăng trên các báo về văn chương có giá trị tại Hoa Kỳ. Truyện ngắn sau đây "Unacknowledgded" được trích trong tập truyện ngắn có tựa là "Mixed", gồm nhiều tác giả, mà ai cũng mang ít nhất hai giòng máu. Các tác giả đóng góp những kinh nghiệm lớn lên với hai nền văn hóa.

 

Năm tôi vào trung học, mẹ tôi thuyết phục được bố tôi nhập cảng một bà người làm từ Phi Luật Tân. Mẹ nhờ ông anh, cậu Betino, lúc đó đang ở Manila, làm việc này. Bố gởi một chi phiếu mười ngàn đô, phần để đút lót nhân viên hải quan Châu Á, phần thì mua một tờ hộ chiếu giả để trình cho hải quan Los Angeles. Để chuẩn bị căn phòng cho chị sen, chúng tôi dọn dẹp nhà để xe. Bố, anh Matt và tôi hợp sức đắp một bức tường, lát sàn bằng ván ép, rồi trải thảm lên. Chúng tôi mua một cái giường futon nữa. Tường được sơn màu vàng ngà, theo bố thì màu này trông vui mắt hơn là màu trắng bạch. Sau khi công việc hoàn tất, đứng ngắm nghía cái tường, mặt ông cau lại, ông đề nghị mẹ trang hoàng căn phòng. Mẹ phá ra cười và bảo, phòng như vậy được rồi, đẹp hơn mấy cái chòi tồi tàn mà nhiều người Phi nghèo phải sống ở ngoại ô thành phố, hay mấy cái chòi nipa ở vùng quê. Bố tôi lớn lên miền Trung Tây Hoa Kỳ, mỗi lần sang Phi toàn tới những nơi đẹp nhất của đảo Palawan, một vùng biển rất được du khách Tây chuộng, nhất là những người thích lặn biển. Bố mẹ tôi gặp nhau tại đấy, lúc đó bố là một luật sư cho một hãng Mỹ, và cũng tại đây ba anh em tôi lần lượt ra đời, Matt, Kara và tôi.

 

Kara và tôi dọn thùng xe để có chỗ cho vali chị sen. Ngày chúng tôi đón chị sen, một đoàn hai xe theo nhau vào phi trường - xe kia là bố và Matt sau tay lái. Từ ngày rời Manila, lúc đó tôi ba tuổi, chúng tôi không hề có người làm ở trong nhà. Khi anh em chúng tôi còn nhỏ, lúc mẹ còn đi làm, bà mướn hết bà Mễ này sang bà Mễ khác tới vào buổi trưa, để trông chúng tôi, chẳng ai ở lâu cả. Mẹ than phiền là các bà Mễ, người thì lười, người thì không biết tiếng Anh, còn nếu may gặp người giỏi thì cuối cùng họ cũng có việc làm tốt hơn.

"Chị sen này ra sao hả mẹ?" Kara hỏi.

Đang nghĩ mông lung, mẹ tôi giựt mình quay lại trả lời chị tôi: "Cậu Betino nói chị này làm việc siêng năng và chịu khó. Một người tốt, con ạ."

"Có phải một trong mấy chị sen của cậu?"

"Không". Mẹ chau mày. Thật sự mẹ muốn một chị sen của cậu cơ, một người đã được vợ cậu, mợ Millie huấn luyện, nhưng cậu bảo lúc này không có ai rảnh. Mẹ nói: "Cậu nói chị sen này rất chuyên nghiệp".

Cả chuyến hành trình, bố tôi không nói tiếng nào. Xuất thân gia đình nông dân, ông thuộc thành phần nghĩ đâu cần người làm, và mỗi lần mẹ dùng chữ chị sen ông cau mày, ông thích danh từ người giúp việc nhà, nhưng mẹ cười diễu ba, nếu như vậy thì tới McDonald’s ông cũng phải làm bánh mì thịt lấy, cũng tự chùi bàn tại các tiệm ăn, nếu như ông không thích sự phân chia trong vấn đề lao động. Hơn nữa, bà nói, việc nhà ông chẳng làm bao nhiêu mà có ý kiến?

Mẹ cho biết, ở Phi, ngay cả những nhà thuộc giai cấp không-dư-giả gì cũng có người làm. Mỗi lần chúng tôi tới thăm cậu Betino, ở nhà cậu, được chăm sóc bởi bốn chị sen, một thằng bé sai vặt và ba chú tài, người lái cho cậu, người cho mợ và chú thứ ba cho ba cô con gái cưng, Malaya, Juliet và Anna. Chú tài thả chúng tôi trước cổng các siêu thị, de xe đậu đâu gần đó, thường tại những nơi cấm đậu xe cho gần, dưới ánh nóng như thiêu, để còn kịp trờ xe tới đón các cô cậu chủ. Một lần mợ đi cùng, mà chú tài không kịp thấy chúng tôi đã ra tới cổng, thế là mợ Millie bực mình, la chú tài một trận trước mặt lũ con nít chúng tôi.

Trong bữa cơm gia đình, các chị sen luôn trúc trực đàng sau lưng, ly nước lúc nào cũng được rót đầy, canh chừng tiếp thức ăn từ các đĩa, mà chúng tôi có thể dễ dàng tự tay múc lấy. Lại có người cầm cái quạt bằng lá chuối thật lớn phe phảy cho chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi có cảm tưởng mình là các ông bà hoàng Ai cập trong cái phim thời xa xưa của hãng MGM mà bố tôi hay thích xem.

Mẹ thì văn minh hơn. Những lần chứng kiến mợ Millie la mắng chị sen trước mặt mọi người, đến nổi chị ấy phải cúi gầm mặt xuống, nào là ngu dốt, không thận trọng, chả làm được việc gì cả, thì sau đó với riêng chúng tôi, mẹ phê bình: "Hành động nhục mạ người làm như vậy là quá đáng, không phải là một người công giáo chân chính. Các con phải biết, không phải người Phi giàu có nào cũng đối xử với gia nhân của họ như vậy! Mợ dư biết hoàn cảnh họ nghèo, không thể bỏ việc được. Mẹ không muốn các con học cái cách đó của mợ."

"Dĩ nhiên là chúng con không làm điều đó rồi." Kara trả lời, có vẻ bực mình.

Mẹ làm lơ, tiếp: "Mấy người giàu ở đây thì đối xử với người làm tàn tệ như vậy, vì người nghèo kiếm không ra việc. Nếu mình đối xử với họ đàng hoàng hơn chút là họ hài lòng lắm rồi, chẳng bù với người giúp việc nhà ở Mỹ. Dù mình trả cho họ cách mấy đi nữa, họ vẫn nghĩ là họ xứng đáng được trả lương cao hơn". Bà lắc đầu tiếp: "Ở Mỹ thì mọi người đều quá trời, được nuông quá mà!", rồi bà nhìn thẳng vào mặt Kara.

Sau chuyến đi đó, khi trở về lại Los Angeles, Mẹ bắt đầu chiến dịch thuyết phục cậu Betino gởi một chị sen của cậu qua, nghĩa là một người bị la rầy, sai bảo quá mức, chắc chắn là sẽ hết sức biết ơn khi sang làm việc cho gia đình tôi. Càng tới gần ngày chị sen tới, không khí trong nhà trở nên náo nức hơn. Chị Kara nói với bạn trong trường rằng, gia đình tôi sắp đón một chị sen từ gia đình ông cậu giàu có bên Phi. Đây cũng là cơ hội để Kara cho chúng bạn thấy sự khác biệt giữa gia đình mình với những người Phi nghèo ở California! Kara có hơi bị nhạy cảm về những ý tưởng mà người ta sẵn có về người Phi, chuyện các cô dâu gởi sang lấy chồng Hoa Kỳ, hoặc các cô gái điếm, những người lao động từ quê lên tỉnh, những người thuộc giai cấp thấp nhất của Phi phải sang xứ khác làm việc, nghe nói họ thường xuyên bị các ông chủ Ả rập, Singapore giàu có đánh đập. Nói tóm lại những chuyện được tường thuật từ đài truyền hình. Bạn của Kara mách lại lời nói có ý nhạo báng và khinh thường của một con nhỏ mới từ Hông Kông tới, khi biết Kara có dòng máu Phi (À, đúng rồi, tụi tôi mướn được nhiều tụi Phi tới Hồng Kông lao động, rẻ gấp mấy người bản xứ đấy). Vậy mà, Kara lại tránh chơi với một cô bạn trong trường cũng lai Phi, mà trước đây bố đóng quân ở Subic Bay, thiên hạ đồn mẹ cô ta là gái bán bar. Kara nói với bạn trong trường đừng có vơ đũa cả nắm, không phải người Phi nào cũng như nhau. Kara nhắc nhở với các bạn, là ông cố ngoại chúng tôi là một nhà thơ nổi danh, một thánh tử đạo, có thời là bác sĩ giải phẫu bên Âu Châu, còn cặp mắt to của chị là từ dòng máu Tây Ban Nha. Đôi lúc Kara còn xạo, nói là gia đình có gốc Trung Hoa, đời trước là những thương nhân sang Phi buôn bán, những người rất thông minh có gốc gác văn hóa cao tới đảo Visayan định cư.

Chúng tôi lái tới phi trường, đứng đàng sau sợi dây chắn, quan sát hành khách túa ra từ hải quan, Matt dơ cao bảng có tên "Laurel", họ của Mẹ viết bằng bút phớt đỏ đậm. Cả nhà chăm chú nhìn khuôn mặt các bà, xem có ai tỏ dấu tìm kiếm, hay phản ứng sau khi đọc tấm bảng. Hết người này tới người nọ liếc qua, rồi tiếp tục đi. Cuối cùng một người đàn bà có khuôn mặt phinh phính nhìn thấy bảng, cặp mắt bà sáng lên, tuy ánh mắt có phản ánh lo âu, nhưng miệng nở nụ cười và đưa tay vẫy về phía chúng tôi.

"Đúng bà đó rồi", Matt la lên.

Mẹ tôi vội vàng nhìn về phía về phía tay Matt chỉ, bỗng khuôn mặt bà biến đổi, bà thốt lên: "Thiệt tôi không có ngờ".

"Gì vậy mẹ?"

Mẹ cắn môi, nhìn sang một bên và nói: "Thiệt mẹ không ngờ cậu tụi mày dám làm điều này với tao".

"Có chuyện gì vậy mẹ?"

Mẹ chưa kịp trả lời thì chúng tôi chợt để ý đến cô thiếu nữ đi sau lưng bà người làm. Cô e lệ đi cạnh mẹ, cặp mắt nhìn xuống sàn. Cô bận chiếc áo đầm dài tới đầu gối, ôm dịu dàng thân hình mảnh khảnh, môi son màu quả táo đỏ.

Kara nhìn sang mẹ và hỏi: "Ai vậy mẹ?"

Mẹ không trả lời, chỉ lắc đầu nhè nhẹ.

Điều Mẹ không nói cho chúng tôi biết, nhưng sau đó các con bà cũng khám phá từ hệ thống tin lá cải của đại gia đình - người đàn bà này là bà nhỏ, bà hầu của ông chú Lolo Bong, chú mẹ tôi, đã mất, còn cô thiếu nữ 15 tuổi này là con riêng của ông. Trên đường về, mặt mày bố mẹ tôi sa sầm. Có lẽ Bố nghĩ mình bị lừa và bị lợi dụng. Thừa biết Bố nghĩ gì, Mẹ chắc đang giận ông anh lắm.

Coi bộ cậu Benito đi tới quyết định là gia đình chúng tôi phải gánh phần bà vợ nhỏ và đứa con gái riêng của ông chú vô trách nhiệm và đầy tội lỗi Lolo Bong. Thật không công bằng, bởi ông rể Mỹ đã cưu mang bà ngoại hiện vẫn sống với gia đình. Bà hầu này là vợ thứ ba của ông Lolo Bong, khi ông còn sống bà ở trong nhà với đầy đủ con cái, nhưng khi sau khi ông mất, bà chẳng được hưởng gì, dù bà vợ Cả cũng đã ra riêng từ lâu, nhưng trên nguyên tắc thì nhà thờ chỉ công nhận bà vợ Cả thôi.

Bà Sepa mỗi lần nhìn chúng tôi lại nở nụ cười xã giao, nhưng khi chuyển ánh mắt sang Bố Mẹ, ngồi ở băng trên, thì khuôn mặt bà thoáng vẻ lo lắng. Cô con gái tên Teresa, rất xinh, mảnh khảnh, ngồi nép sát thành cửa xe, hai vai co lại với nhau, ôm gọn gàng cái bóp rẻ tiền trên đùi. Phải nói, tôi bị thu hút bởi đôi mắt to đen của cô, nhưng tôi ngại không dám nhìn cô lâu. Anh Matt thì khác, cứ đăm đăm ngắm Teresa. Tôi đã từng thấy cái điệu bộ này của Matt, đó là vẻ mặt của người có lòng, vừa bắt gặp một vật gì mình cần che chở, một con chó bị thương, một đứa bé gầy gò ở trường và anh cũng có cử chỉ này với cả tôi.

Tối đó bà người làm mới của chúng tôi ngủ trong nhà chứa xe, cô con gái trên sàn, hai thùng đồ của họ được đẩy sát tường. Buổi tối, tôi xuống bếp, làm bộ lấy sữa, nhưng cốt để nghe tình hình. Hai mẹ con thì thầm với nhau bằng thổ ngữ Talagog. Tôi không còn hiểu rành ngôn ngữ này nữa, nhưng nghe âm thanh thì có vẻ lo lắng. Hình như có gì làm cô gái không được hài lòng, còn bà mẹ thì cố dỗ ngọt cô.

II

Buổi ăn sáng ngày hôm sau, bà Sepa đổ trứng cho chúng tôi, mấy đứa chúng tôi thật ngồi không yên, bởi chúng tôi không quen với cái sự ngồi-bàn-ngay-ngắn này.

Cô gái ngồi ngoài sân, có vẻ không vui, lơ đãng thọc vào cái trứng mà cái lòng đỏ đã bị bể, mẹ cô đã dành mấy cái trứng nguyên vẹn đẹp đẽ cho chúng tôi.

Matt thỉnh thoảng tới cửa sổ nhìn ra ngoài, lắc đầu nhè nhẹ, rồi trở lại bàn ăn. Anh lầm lì không chịu trả lời bố mẹ, khi ông bà bắt chuyện. Mỗi lần Matt tới cửa sổ, mọi người có cảm giác bất an, cả bà Sepa nữa, bà lo lắng đi đi lại lại trong phòng.

Matt mang kính cận hậu quả của sự đọc rất nhiều sách, trông anh ra một tên mọt sách, cặp kiếng cận gọng vàng, dầy cộm, nhưng bù lại anh lớn con, rắn chắc vì có đai đen Hapkido và anh còn chơi túc cầu cho đội banh trường nữa. Lúc tôi mới vào trường trung học Westwind, một thằng nhỏ hay tới chế nhạo cái cặp đeo lưng màu vàng của tôi (cặp này Mẹ mua và bà nhất định không chịu bỏ tiền mua một cái màu khác). Nó còn cuỗm mất tiền mẹ cho tôi để mua thức ăn trưa. Khi Matt biết được, anh nổi giận, một buổi chiều nọ anh cùng vài đứa bạn từ đội banh, chận thằng nhỏ cà chớn lại, đánh đấm nó một trận tơi bời, làm trẹo xương vai nó, và thò vào túi quần nó lấy lại tiền cho tôi.

Khi Matt về nhà, mặt mày bầm tím, bị trường đuổi vài bữa, Mẹ nổi giận. Thời gian ở tiểu học, Matt cũng hay đánh bậy ở trường, điểm cứ trụt dần, coi bộ Matt đang đà đi xuống, Mẹ là người nghiêm chỉnh rầy la anh, đặt luật lệ, phân công việc nhà cho Matt, rồi đem Matt tới một ông Cha chuyên trị mấy đứa nhỏ phá phách, để giảng đời cho, rồi bắt Matt đọc những bài viết về các gương thành công. Bà còn mướn thầy dạy kèm cho anh, cuối cùng Matt trở nên thuần thục hơn, anh còn qua được kỳ thi để vào một trường tư danh tiếng, nơi giới điện ảnh hay gởi con tới học, trường Westwind về Nghệ Thuật và Khoa Học. Chuyện đập thằng nhỏ làm Mẹ rất bực, lo thằng con sẽ ngựa quen đường cũ, nhưng khi biết lý do tại sao Matt lại đánh thằng nhỏ đó, một thoáng hãnh diện lộ trên khuôn mặt bà, và tôi biết Matt là đứa con quý nhất của mẹ tôi.

 

Trong lúc Mẹ chỉ vẽ bà người làm công việc trong nhà, cô con gái ngồi ngoài vườn, đọc một quyển sách bằng Anh ngữ, cô có vẻ có học hơn bà mẹ chỉ biết nói tiếng Tagalog. Cô ngồi suốt buổi trưa. Chị Kara và tôi ra ngoài ngồi trên các ghế phía bên kia bãi cỏ, đọc sách, chỉ có Matt là tới nói chuyện với cô. Anh mời cô nước trà đá và bánh ngọt, mấy lần đầu cô từ chối, nhưng tới lần thứ ba, cô đưa tay nhận một cái bánh, ngượng ngùng gật đầu cám ơn.

Matt trở lại ngồi cạnh chúng tôi và Kara hỏi, giọng hơi băn khoăn: "Sao nó ngồi mình vậy?"

"Chắc nó không biết làm cái gì."

" Nó có thể giúp mẹ nó."

" Đâu được."

" Sao không?"

" Đâu có phải việc của nó. Anh trả lời, mắt nhìn thẳng vào mặt Kara: "Kara, Mình đâu có trả cho họ hai lương!"

Mặt Kara hơi đỏ, chị nói:

" Bây giờ sao, bộ em phải ra chuyện trò với nó sao?"

" Tùy ý Kara đó!"

Chị tôi đưa mắt e dè nhìn cô gái. Có lẽ Teresa lớn hơn Kara độ một tuổi, nhưng Teresa có dáng ngại ngùng và coi già dặn hơn Kara. Teresa bận một cái áo đầm mỏng làm tăng nét thiếu nữ, mang vớ mỏng mà chỉ tới bắp chân, như thể người ta mang tất vậy. Điệu bộ dịu dàng, thiếu nữ hơn các cô bạn của Kara nhiều, phần đông họ hay bận quần jeans và áo thung lụng thụng. "Bạn của Kara chắc chẳng có hạp gì với Teresa đâu! "

Nhận thấy Kara không muốn nhìn thẳng vào mặt anh, Matt trở lại ngọt ngào:

" Nó chỉ ăn bận khác con gái ở đây thôi. Kara à, Kara có thể thay đổi cách ăn bận của nó, Kara giỏi việc này lắm mà".

Mặt Kara dịu xuống.

" Teresa xinh đó chứ. Để em nói mẹ dẫn hai đứa đi bát phố Promenade."

Matt gật đầu.

 

Chúng tôi không làm phiền cô, để mặc cô bên kia bãi cỏ. Matt lục lọi chồng sách, chọn một quyển sách của Bashevis Singer, ông này hay viết về dân di cư, và Teresa đang là một người di cư, may ra cô thấy điểm tương đồng gì chăng. Tôi bảo với Matt làm sao cô ta thích đọc chuyện về mấy người Do Thái tới định cư tại thành phố New York vào thập niên 50, nhưng anh mặc kệ tôi. Mấy lúc gần đây sau khi đã dời sang trường Westwind, và quen được mấy người bạn Do Thái, Matt bỏ lờ cái surfboard và bộ tóc nhuộm vàng, rồi lại đi nhà thờ Do Thái, nghĩ đến chuyện dọn đi New York. Tôi đã theo chân anh nhuộm tóc vàng, lấy tiền dành dụm mua surfboard, tất nhiên tôi mang cảm giác bị bỏ rơi, thú thật tôi không thích điểm thay đổi này của anh. Khi anh nói với mẹ anh muốn đổi sang đạo Do Thái, thì mẹ buộc tội anh chỉ muốn thi cái bar mitzvah, để có cớ tổ chức party và được nhận quà đắt tiền. Nhưng Matt cứ khư khư giữ ý định, mẹ bảo cái thằng mày sao vậy thì anh nói: Vào đạo Do Thái có gì là sai đâu? Mẹ nói chả sao cả, nhưng cho tới khi mày mười tám tuổi, mày còn sống trong nhà này thì mỗi sáng chủ nhật phải đi lễ nhà thờ. Matt nói không ai có thể bắt buộc một người theo đạo được nếu người đó không tin đạo, mẹ trả lời: Có được, bắt buộc được. Matt nói ngay cả mấy ông cha ở St Martin đáng nhẽ đã không làm lễ thêm sức cho anh, nếu anh nói thật anh không muốn nhận phép. Anh đã nói láo với các cha mình tin tưởng Chúa Jêsu để được làm lễ, chỉ để làm vừa lòng mẹ. Bây giờ anh tiếc là anh đã nói láo.

Cuối cùng mẹ bằng lòng cho Matt đi dự lễ nhà thờ Do Thái vào ngày thứ Bảy với cô bạn gái Brenda và gia đình cô ấy, với điều kiện Matt phải tiếp tục đi lễ nhà thờ vào sáng Chủ nhật với gia đình. Ông Stan Goldman, bố của Brenda đến nhà đón Matt đi lễ, cũng công nhận là sự chú tâm của Matt về đạo Do Thái quả là một điều lạ. Ông diễu về người Phi Do Thái với mẹ, và mẹ giả vờ cười theo. Ông Goldman cứ hỏi đi hỏi lại Mẹ có bằng lòng không và Mẹ nói được mà. Thế nhưng, bận sau này khi dự lễ nhà thờ với gia đình, Matt ngồi thẳng đơ kèm theo bộ mặt khổ sở.

 

Sau buổi ăn chiều Matt đưa cho Teresa quyển sách nói về người di cư Do Thái, cô gái ngước mắt lên nhìn Matt, thoáng nét ngạc nhiên, nhưng cô cũng cám ơn anh.

" Teresa cứ đọc sách trong phòng này với chúng tôi đi, nếu cô muốn"

" Ok", cô rụt rè trả lời, rồi dúi đầu vào quyển sách

Matt và tôi ngồi lại trong phòng gia đình làm bài, tôi chọn cái ghế thật xa Teresa. Cô ngồi, tréo chân lại với nhau, đưa tay sửa cái váy trên cặp đùi đẹp, rồi lại đưa tay vuốt tóc sang một bên vai, chăm chú đọc. Chốc chốc Mẹ lại xuống bếp, gây vài tiếng động với chén bát, và những bao thức ăn trong tủ lạnh

Khoảng mười giờ, cô gái đứng lên, hơi ngập ngừng, có lẽ không biết có nên chào chúng tôi không, cuối cùng cô nói cô buồn ngủ rồi và sửa soạn đi ngủ. Matt đứng lên, nói, anh muốn biết cô nghĩ gì về cuốn sách sau khi cô đọc xong, và cô bảo được cô sẽ cho biết. Teresa đi rồi, Matt đi đi lại trong phòng một lúc, rồi bỏ lên lầu.

Lúc tôi lên lầu, đi ngang hành lang tôi nghe tiếng bố mẹ nói chuyện trong phòng, mà giọng nói nghe như có chiều lo ngại, tôi dừng lại lắng nghe một lúc trước khi vào giường.

 

Hôm sau chúng tôi đi học, dĩ nhiên cô gái không đi theo chúng tôi, chẳng có ai nghĩ đến chuyện ghi danh cho cô đi học.

Chỉ mấy ngày sau bà Sepa đã chứng tỏ là một người giúp việc giỏi hơn mẹ tôi tưởng. Bà lo làm buổi ăn sáng thật sớm, để trong lò với độ hâm, khi bà dọn ra bàn, dĩa còn nóng, chúng tôi chỉ việc kéo bao ny-lông ra thôi. Trứng hơi nhiều mỡ và khô, lòng đỏ cứng, có miếng rời, rớt trên cơm. Tôi nhăn mặt và Kara than phiền với mẹ, nhưng ngày hôm sau Sepa đã làm thức ăn theo khẩu vị từng người. Sepa làm cháo đặc có bỏ đậu và đường đen theo ý thích của bố, buổi cơm chiều có cơm ăn xúp cá theo ý bà chủ. Bà Sepa còn mau mắn đem nước ngọt ra cho chúng tôi mà chẳng cần ai sai biểu. Sau giờ tan trường chúng tôi còn được quà vặt. Bà làm tất cả việc này với nụ cười thành thật trên môi. Bà Sepa đặc biệt chăm sóc Bố, biệt đãi ông rõ ra là ông chủ của lâu đài, đem báo tới tận bàn ăn cho ông, kèm theo ly rượu mạnh hay ly nước soda gừng. Khó mà tin trước đây bà là vợ bé của ông chú, bởi bà chẳng lộ tí bực bội nào trong công việc làm, ngược lại là đàng khác, bà có vẻ biết ơn đã được sang đây làm cho gia đình tôi.

 

Cô con gái thì khác, dù không than phiền, cãi vã ra mặt, lúc nào cũng ngồi trong một góc chúi mũi vào sách, nhưng mỗi khi liếc về phía bà mẹ, mặt cô cau lại. Teresa không bao giờ nói chuyện với mẹ tôi. Thỉnh thoảng Mẹ có chỉ trích bà Sepa về công việc làm không đúng ý, lúc khác Mẹ buông tiếng thở dài mất-kiên-nhẫn khi phải giải thích công việc nhiều lần, thì Teresa sa sầm mặt, bỏ đi chỗ khác ngay. Có lần cô còn đóng sầm cánh cửa lại. Bà Sepa đi theo, bảo con gái phải cư xử có phép tắc hơn, nhưng cô chỉ đưa mắt nhìn bà mẹ một cái, chẳng nói lời nào, rồi tới góc vườn quen thuộc đọc sách.

Thế nhưng khi Matt trở về sau buổi tập đá bóng, thì khuôn mặt cô ta chẳng còn nét gì giận dỗi. Cô thích ngồi trên ghế dài dưới bóng cây sung, ánh mặt trời chiếu trên đùi và đôi chân dài. Để giữ cho da mặt khỏi bị sạm nắng, cô luôn đọc sách trong bóng mát. Ngoài chiều cao, da Teresa trắng hơn người Phi trung bình, trắng hơn cả mẹ tôi dù mẹ có dòng máu Tây-ban-nha. Matt thường đứng cách cô vài bước, tay thọc vô túi quần, tìm cách đưa câu chuyện.

Thế đứng của Matt cho tôi một cảm giác là lạ. Với tôi, anh Matt lúc nào cũng oai vệ, nhưng trước mặt Teresa thì trông anh có vẻ nhũn nhặn làm sao ấy. Cũng lạ thật, vì trước mặt anh, cô nàng lúc nào cũng ra dáng bẽn lẽn, nhút nhát. Mẹ quan sát hai người qua cửa sổ, nét mặt khó hiểu.

Từ những lần nói chuyện với Teresa, Matt gom góp lại quá khứ đời nàng. Teresa lớn lên trong một căn nhà nằm trong doanh trại mà ông Chú xây cho mẹ con cô. Từ San Pablo, gia đình chính của ông, đều đặn hàng tháng ông tới thăm gia đình thứ hai. Teresa thích sống gần bà con bên phía mẹ, chị có nhiều bạn cũng như chị em họ để chơi cùng, thế nhưng bà con bên bố thì xa lánh mẹ con Teresa, bởi họ ngại bà vợ Cả. Càng lớn lên, điều này làm cho Teresa cảm thấy khó chịu. Teresa được bố gởi đi trọ học tại một trường tư, mặc kệ sự phản đối của bà Cả. Theo lời Teresa, thì cô học khá và siêng năng hơn mấy anh chị em họ, nhưng cô vẫn không được đại gia đình chấp nhận. Ông Chú có hứa sẽ gởi Teresa tiếp tục học tại một đại học tư ở Manila, nhưng sau khi ông mất, toàn gia sản về tay bà Cả, dù là hai người đã xa nhau từ lâu, tất nhiên bà Cả không chịu trả tiền học cho cô con gái riêng của chồng. Cảm thấy bất nhẫn. cậu Benito gởi hai người sang cho gia đình chúng tôi.

Một ngày nọ, Matt thu xếp để Teresa tới viếng lớp học của anh tại trường Westwind. Mẹ không bằng lòng, nhưng Matt bảo đó là ý kiến của thầy giáo, muốn các học trò trong trường có cơ hội tìm hiểu về văn hóa xứ khác qua một người khách. Lớn lên trong một nền giáo dục rất trọng vọng thầy cô, nên cuối cùng Mẹ nhượng bộ.

Lúc Matt chở Teresa tới trường vào sáng sớm, thì nét lo âu lộ rõ trên mặt cô, thế nhưng chiều về thì cô vui ra mặt. Rõ ràng cô đã được bạn bè Matt đón nhận nồng nàn. Thế nhưng điều làm Teresa ngỡ ngàng, là không một ai trong lớp Matt biết Phi Luật Tân là thuộc địa của Hoa Kỳ, cho dù ai cũng biết Ấn Độ trước kia thuộc Anh quốc. Thật khó tin quá! Cô đinh ninh có một sợi dây liên lạc mật thiết giữa nước Phi và đất nước thuộc địa trước kia của họ. ("Những đàn anh của chúng ta", các ông chú bác thường gọi người Mỹ thời kỳ hai nước liên minh trong trận chiến chống Nhật). Cô có cảm giác hụt hẫng. Có một đất nước rộng lớn trên trái đất này, mà người Mỹ đã rặp khuôn theo nước họ, và người dân tại đấy vẫn cứ đinh ninh dân Mỹ còn nghĩ đến họ! Thầy dạy Sử của Matt nhanh trí, thấy Teresa có vẻ đau lòng với khám phá mới mẻ này, ông tỏ ra chú trọng đặc biệt đến điều Teresa kể cho cả lớp, ngay cả ông hiệu trưởng cũng tới gặp cô. Cả hai thầy đồng ý đó là điều lạ khi biến cố tương đồng về lịch sử của hai nước không nằm trong chương trình học bên Mỹ, thầy Hiệu hứa sẽ bỏ vào chương trình. Sau đó thầy Hiệu kéo Matt qua một bên, hỏi Matt Teresa có ý muốn ghi danh học trường không, có thể từ một học bổng, và dù đã nửa năm học nhưng chắc sẽ không thành vấn đề nếu Teresa muốn vào học.

Đêm đó, nằm trên giường, Matt say sưa bàn chuyện của Teresa, anh còn cho biết ý định đem Teresa đến nhà thờ Do Thái. Mấy lúc gần đây, anh đưa cô đi thăm đây đó khắp tỉnh Los Angeles, chở cô đến những nơi mà trước đây anh hay đi cùng với tôi và các bạn anh, từ Venice tới Hollywood, tới các quán bi da, các cuộc hội hè ở Mar Vista, từ đó tôi có cảm giác mình lớn và quan trọng. Anh nói với tôi:

" Ben à, không ngờ Teresa thông minh lắm đó nhen!"

" Em nào biết, chị ấy ít nói quá."

" Teresa nói tiếng Anh rành lắm."

" Thiệt à, mẹ chị thì nói tiếng Anh bập bẹ à."

Matt im, không trả lời. Trong bóng đêm, tôi cảm được sự khó chịu của anh. Bên kia phòng tiếng vang từ máy truyền hình của Bố dội lại. Rồi Matt lên tiếng.

"À, Teresa được gởi đi trọ học tại trường nội trú của các bà sơ mà! Ở trường không ai được nói tiếng Talagog, mà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Họ không dạy sử của nước họ, vì thế Teresa lại rành sử nước Mỹ hơn chúng mình nữa đó."

Hừm, đó là ý kiến của anh thôi! Tôi nghĩ thầm nhưng không cãi lại:

" Tại sao chị Teresa lại muốn biết sử nước mình?"

" Mày không hiểu, cái này chẳng liên quan tới điều họ biết hay không biết về sử mình." Matt trả lời, giọng kẻ cả.

Tôi trở người sang bên kia, không nói gì nữa. Một lát tôi nghe hơi thở anh dài và chậm, anh đã từ từ chìm vào giấc điệp.

Một buổi tối mấy tuần sau khi Teresa đến Mỹ, tôi bắt gặp hai người hôn nhau trên ghế bành trong phòng gia đình. Lúc đó đã khuya, tôi từ phòng ngủ xuống lấy ly nước, nhận ra âm thanh máy truyền hình hơi nhỏ, ánh đèn hắt ra từ phòng ăn thông qua phòng gia đình, không có cửa ngăn. Bước vào phòng ăn tối om, không gây tiếng động, tôi nhìn thấy họ mà họ không nhìn thấy tôi. Bàn tay của anh trên mái tóc chị, và dưới một đống gối có lẽ để che phần dưới thân thể, hình như anh đang ấn sát phần dưới thân thể vào người chị. Tôi chưa bao giờ ôm sát một người con gái như vậy, cũng như chưa bao giờ thấy anh với một người con gái nào, và tôi hơi ngạc nhiên thấy cử chỉ của anh man dại như súc vật. Tôi có cảm giác khó chịu, nhưng cũng nhìn một lúc lâu mới bỏ lên lầu lại.

Sáng hôm sau trong khi tôi đang làm một mô hình cái phản lực trên cái bàn ngoài sân, chị đến ngồi cạnh tôi với ly nước trong tay, có lát chanh bơi giữa mấy cục đá lấp lánh.

" Mình ngồi đây được không Ben", chị hỏi dù đã ngồi xuống ghế rồi.

"Được mà."

"Này Ben, sao không nhìn tôi, tôi có cắn đâu nào?"

Ngượng ngùng, tôi cảm thấy hơi sùng chị đã dám chọc quê tôi, nhưng với nụ cười điểm trên môi, trông Teresa như một người chị dễ thương, tôi thật phân vân. Thật sự chị chưa bao giờ có lời nói, cử chỉ nào kém thân thiện với tôi.

"Thì Ben biết điều đó mà."

"Vậy thì tốt." Chị hất mái tóc sang bên vai, rồi đưa tay vén tóc qua vành tai. "Ben biết là anh Matt thương Ben lắm đó."

Tôi chỉ nhún vai. Một câu nói không cần câu trả lời.

Chị cười cười và tiếp:

"Ben à, đi học trường Ben có vui không?"

"Chả vui gì, chán lắm."

"Đừng lo, thế nào Ben cũng có bạn thôi. Đợi thời gian thôi, cho mọi người cơ hội làm thân với mình", chị nói tiếp. Như vậy tôi biết anh Matt đã kể cho Teresa biết nỗi đơn độc của tôi tại trường mới, một điều đáng nhẽ anh không nên cho ai biết.

"Ben có bạn chứ!"

"Tất nhiên rồi, ai chẳng có bạn". Trả lời cho xong, chị im lặng chìm trong ý nghĩ, cặp mắt lơ đãng ném qua dãy tường phía trước, vượt hẻm núi tới cánh rừng gỗ tím. Một lúc, bỗng chị buông một câu: "Mình nghĩ có lẽ ngày nào đó mình sẽ học cùng trường với Ben đó."

 

Mấy tuần sau đó, Matt cố ý dành thời gian cho Teresa, cho cô cơ hội kể lể về quê hương. Họ cùng nhau thả bộ, đi Westwood xem xi-nê, thong thả bát phố tại những nơi mà thanh thiếu niên hay lui tới. Matt dẫn Teresa đi viếng những nơi khách du lịch thích tham quan, các nơi mà Mẹ hay dẫn bà con tới mỗi dịp đến thăm gia đình tôi: Disneyland, Universal Studios, Knottsberry Farm. Rồi tối về anh kể lại cho tôi nghe những điều kỳ diệu mà Teresa thuật cho anh, các hang động tối om trong lòng sông, nơi các con chim mù mắt sống, chúng tìm đường bằng tiếng kêu, trên trần động dơi mắt đỏ nằm ngủ la liệt. Có những hòn núi lửa kỳ diệu mà dòng nước đã dẫn đường cho Đức Mẹ đồng trinh, dòng nước từng chữa được bệnh nan y cũng như tật bẩm sinh. Chuyện của đoàn thuyền chở nô lệ bị đắm tàu vào thế kỷ 19, mà con cháu những người sống sót vẫn còn cư ngụ trên các hòn đảo xa xôi, người dân Phi mỗi khi cần chữa bệnh cho gia đình hay cần bùa phép để chống kẻ thù đã không quản ngại bơi thuyền tìm tới họ. Và trang trại mà Teresa đã lớn lên, Tagkawayan, một đồn điền rộng lớn trồng dừa và lúa gạo thuộc về gia đình bên ngoại tôi từ nhiều thế hệ, nhưng mà cả ba anh em tôi, Matt, Kara và tôi chưa hề thấy. Teresa nói nước biển màu xanh ngăn ngắt, trong vắt có thể nhìn thấy rõ rặng san hô bên dưới. Hàng trăm người nghèo vẫn còn sống trên miếng đất này.

Tôi thì có kỷ niệm thần tiên riêng. Tôi nhớ ngọn gió khô, nhè nhẹ thổi từ cánh đồng mía của ông ngoại ở đảo Visayan. Tôi nhớ những buổi tiệc đầy sức sống, tiếng cười vui vẻ của bà con trong đại gia đình, người lớn nhảy múa và thảy tiền vào chân cho lũ con nít lượm. Tôi nhớ được chơi đùa với đám anh chị em họ ở căn nhà nghỉ mát ở biển Chu Checerida, đi trên những dãy san hô để kiếm sao biển và mực, học trèo cây dừa từ mấy chú người làm. Rồi tôi nhớ dịp từ Mỹ về nghỉ hè ba tháng, đi thăm trường của các anh chị em họ, đám bạn của họ vô cùng hiếu kỳ khi biết chúng tôi là Mỹ. Mấy năm gần đây khi anh Matt bước vào tuổi dậy thì, và bắt đầu muốn được chấp nhận trong đám bạn bè cùng lứa tuổi, thì chúng tôi ngưng nói chuyện trở lại thăm quê ngoại, và quê hương của mẹ dần rời xa chúng tôi.

Không hiểu có phải chính những lời phê bình về quê hương của mẹ đã làm cho Matt nản lòng chăng, thời tiết thì nóng, nạn tham nhũng, khoảng cách to lớn giữa người giàu và người nghèo. Nhưng tôi cũng tự hỏi, nếu nước tốt đẹp như vậy thì sao bà Sepa và con gái lại muốn sống ở Mỹ? Tôi nghi Teresa kể lể những điều mà Matt muốn nghe. Tự dưng tôi có cảm giác hơi lo ngại về sở thích mới kỳ lạ của Matt.

Một buổi sáng khi Bố đang ăn cháo đặc lúa mì do bà Sepa làm, còn chúng tôi thì trứng trụng ăn với sốt bơ, thì Matt bỗng quay sang hỏi mẹ:

"Con đâu ngờ cái trang trại của dòng họ ngoại mình lớn dữ thần vậy?"

"Trang trại nào?"

"Đồn điền Tagkawayan đó."

Mẹ khoác tay nói: "Chả có gì đâu, nơi đó đâu có điện nước gì."

"Nhưng cả trăm người sống nhờ cái đồn điền đó."

"Thì đời ông họ làm việc cho ông nội của mẹ, bây giờ họ còn đó, nhưng vào thập niên 60, giá dừa tự nhiên xuống cái rụp, rồi tụi Cộng sản chiếm đóng luôn. Bây giờ đồn điền đó chả có giá gì đâu."

"Nhưng nhiều người còn ở đó mà. Con có cảm tưởng như thời phong kiến bên Âu Châu. Làm như giòng họ mình là quý tộc, chúa tể ở vùng đó hay sao đó."

Mẹ cười to:

" Con nên nhớ đây là xứ Phi nghe con, không so được với làm chủ vùng đất Tuscany bên Ý, hay khu lâu đài gì đó miền Nam nước Pháp đâu."

Mặt Matt hơi ửng đỏ:

"Câu nói của mẹ có giọng phán đoán theo kiểu đế quốc! Một vùng đất ở Âu châu giá trị hơn vùng đất ở Phi Luật Tân! Teresa nói nơi đó đẹp lắm, có đồi, núi, đồng bằng, và nước biển xanh ngang cỡ đảo Hawaii."

"Ừ thì nếu nó muốn ở tại một nơi không có công ăn việc làm, không điện, nước, không có nhà thương, nếu lỡ có bệnh thì có nước nằm chờ chết thôi, thì để nó về đó mà sống. Đâu sao."

Mẹ đưa thức ăn vào miệng, lúc đó bà mới nhận thức cái im lặng bất thường của cả bàn ăn.

"Con muốn tới viếng đồn điền đó." Matt tuyên bố.

"Matt, con sẽ không thích mấy con bọ đâu. Mà con thì ăn khó. Lại sợ vi trùng, giống như bố mày. Ngoài ra còn nguy hiểm nữa. Đám du kích quân Cộng sản có thể bắt cóc con không biết chừng."

"Mấy người sống ở đó có bị bắt cóc đâu nào?"

"Họ có là Mỹ như con đâu."

"Xin lỗi mẹ, con đâu phải là Mỹ."

"Vậy mà nhìn bề ngoài, tao đinh ninh mày là Mỹ."

Lúc này thì mặt của Matt đã đỏ bừng. "Lúc con còn học tiểu học, mấy đứa nhỏ trong trường cứ chọc con hoài, đứa nào cũng gọi con là thằng Á Châu!"

"Ừ, nhưng mấy tên du kích Macxít thì chắc chắn cho con là Mỹ. Da mày trắng và nhất là có trương mục trong nhà băng nữa." Mẹ điểm câu nói với tiếng cười, nhưng chúng tôi thì im lặng nhìn xuống dĩa thức ăn.

"Con cứ đi. Mẹ không cản được, vì con biết mình đúng." Matt bướng bỉnh trả lời, quai hàm hơi rung vì giận. Rồi Matt để nĩa xuống, không ăn nữa, chân vắt chéo nhau, nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh nắng chiều lấp lánh chiếu xuống hàng rào dây leo mọc quấn vào nhau như những con rắn.

Mẹ đưa mắt quan sát cậu con trai. Matt đứng lên, không ăn hết dĩa tráng miệng xôi nước dừa chiên dòn mà mẹ làm cho riêng anh. Anh bỏ lên phòng.

 

Mấy ngày sau đó, vào buổi sáng thứ bảy, trong khi Matt đang đi tập đá bóng, mẹ gọi tôi, bảo giúp bà khiêng mấy thùng đồ của Teresa ra xe.

"Tại sao vậy mẹ?"

Bà tránh nhìn mặt tôi. "Teresa sẽ dọn tới nhà người bà con của mẹ, dì Cherry ở Torrance."

"Để làm chi?"

"Nhà mình không có chỗ con à."

"Bà Sepa có đi theo không mẹ?"

"Không."

"Con không hiểu. "

"Họ sẽ gặp nhau vào cuối tuần."

"Anh Matt biết không vậy."

"Này không phải anh mày có quyền quyết định trong việc này." Giọng mẹ hơi đanh lại. "Bây giờ mày có ra giúp tao với mấy thùng đồ không?"

Trong phòng gia đình, cô gái đứng khoanh tay bên cạnh mấy thùng đồ mà cô đã gom góp sẵn. Tôi đứng chần chừ ngay cửa ra vào. Đàng sau cô là quày rượu của bố, bức tường có gắn tấm gương mờ, phản chiếu bóng cô trên đó. Teresa có dáng thời trang, như trong một bảng quảng cáo, đàng xa xa có bóng tôi nơi ngưỡng cửa, nhỏ bé, da nâu nâu, xấu xí, dù với đường nét Mỹ tôi trông như thằng Mã Lai, so với cái trắng trẻo, thanh lịch Tây-ban-nha của cô.

"Ben phải khiêng mấy thùng đồ của chị ra xe." Tôi nói.

Cô xoay người hỏi: "Cái gì?"

"Mẹ muốn Ben khiêng mấy thùng của chị ra xe."

"Thì Ben còn đứng đấy làm gì?"

Làm ra vẻ tự nhiên, tôi vào phòng, tới dở một cái thùng lên. Mấy cái thùng này cũng chẳng nặng gì, nhưng cô cứ đứng yên, không phụ tôi một tay. Teresa tiếp tục nhìn tôi, như thể tôi là thằng bé sai vặt, nhưng khi đi ngang qua cô, tôi cảm được bàn tay cô trên vai tôi, chỉ là một cái đập rất nhẹ, nhưng cũng đủ làm cho tôi dừng lại, máu dồn lên cổ họng.

"Cái gì?" Tôi hỏi, giọng khó chịu, giọng nói mà tôi sử dụng khi phải trò chuyện với gái đẹp.

"Ben có nhớ tôi không?" Cô nói, rồi đi tới bóp vào bắp tay tôi, cử chỉ rất là đàn bà, điều này ít xảy ra cho tôi, cho nên máu tôi nóng lên. Tôi chẳng hiểu cô có đang chế diễu tôi hay không. Cặp mắt cô có vẻ buồn, nhưng cũng khó hiểu và đầy khát khao.

"Chắc nhớ chứ!" Tôi trả lời đại.

Thế nhưng trước khi chúng tôi có thì giờ nói chuyện thêm thì phòng bên cạnh có tiếng chùm chìa khóa của Mẹ khua leng keng. Có lẽ khuôn mặt tôi lộ vẻ e ngại, nên Teresa trở lại lạnh lùng. Tôi tính nói với cô điều gì đó, nhưng cô khoát tay và bỏ ra hành lang.

Trên xe, tôi nhìn trộm cô ở băng sau qua gương chiếu hậu. Teresa đưa mắt nhìn những con đường xanh lá của thành phố Brentwood mất dần, rồi xe tiến vào phía nam thành phố Torrance, với những dãy nhà giống nhau, lề đường trơ trụi, dưới ánh sáng uể oải. Tuy rằng thành phố phía này vẫn khá hơn Manila hoặc San Pablo, nhưng thiếu hẳn khách bộ hành, đám đông rộn rịp, những chiếc taxi Jeepney màu mè, các người bán hàng rong bên lề, mấy thằng bé len lách giữa dòng xe cộ để bán thuốc lá Malboros và báo. Thiếu mất tiếng cười thích thú bàn bạc chuyện thị phi, không có bầu trời xanh biếc, không có hàng cây dừa, biển và cát và các quán gà chiên Jolibee, chỉ có xe cộ chạy trên đường, một vài người Mễ cùng những thanh thiếu niên khuôn mặt chán nản tại những trạm xe buýt xác xơ.

Tôi ngạc nhiên khi thấy căn hộ quá nhỏ, trải thảm màu xanh trái bơ, hắc mùi dầu chiên từ cái bếp con, vọng qua bức tường mỏng là âm thanh của máy truyền hình căn hộ bên cạnh. Mẹ tôi tránh cặp mắt của Cherry, khi Dì chào chúng tôi. Căn hộ chỉ có một phòng ngủ, chắc Teresa phải ngủ trên ghế bành ngoài phòng khách. Dì Cherry mời ăn trưa trên bàn ăn nhỏ, có món thịt heo kho xì dầu và chả giò Phi, cửa kính mờ mịt mùi thức ăn mới nấu.

Teresa không nhìn chúng tôi khi chúng tôi chào ra về.

Trên đường về, mẹ im lặng không một lời. Chiếc xe có vẻ trống trải. Xe trở về vùng Brentwood với hàng cây quen thuộc xanh mát, mẹ đậu xe vào lề và thở dài: "Thật khiếp quá!"

III

Matt trở về nhà sau buổi tập đá bóng với nụ cười nồng nhiệt và một quyển sách thật lớn, anh vừa mới mượn từ thư viện ra, quyển sách có chương nói về những người Do Thái di cư sau thế chiến tại khu Bronx, New York. Anh nhìn vào khu vườn, nhưng cô không có đó, nơi mà lệ thường cô có mặt trước buổi cơm chiều. Anh ngồi xuống, bóc một quả cam. Tôi tránh nhìn vào mắt anh.

"Ê, thằng em, mày muốn ăn cam không?

"Không, cám ơn anh.

Sau đó khi không có bóng Teresa cùng ăn với bà mẹ trong bếp, thì bố mẹ tôi mới cho anh biết là Teresa đã ra đi rồi.

"Cái gì? Anh dơ cái nĩa đưa trên trời: "Teresa đi đâu?"

Ba nói:

"Tới ở với dì Cherry ở Torrance, bà con với me", giọng nói của ba có ý che chở.

"Sao cổ phải tới đó?"

"Nhà này không dư chỗ con à."

"Nhưng mà đáng lẽ nó phải ở với bà Sepa chứ. Bà là mẹ nó mà!"

Anh nhìn đăm đăm vào mặt mẹ, bàn tay bà vuốt đi vuốt lại cái đĩa có viền lá cây màu hoàng yến.

Ba nói: " Con à, ba mẹ nhờ cậu Betino kiếm dùm bà giúp việc nhà. Ba mẹ có biết đâu bà ấy là vợ bé, vợ hầu, hay là làm cái gì đó ở bên kia? Lại còn không biết bà ta đem theo cô con gái trẻ nữa. Điều này không có nằm trong cuộc thương lượng. Chả ai nói cho ba mẹ biết hết, mấy người đó không biết điều đó chứ! Nhưng có sao đâu Teresa sẽ được đi học ở đây, nó sẽ có một nền giáo dục ở Mỹ."

"Nền giáo dục ở Mỹ! Cũng tạo được nhiều người Mỹ lắm điều tốt đó!"

Bố nhăn mặt. "Ba chẳng đùa. Thật sự sẽ là một lợi ích cho cô ta".

Bố cố lấy giọng nghiêm khắc của ông chủ gia đình, một điều không mấy thích hợp với ông. Matt làm lơ, xoay qua mẹ tôi. Hình như anh cố tình nhìn thẳng xuống đỉnh đầu của bà, trong khi tay mẹ đang mơn trớn ly rượu. "Nó có muốn đi không vậy mẹ? "

Bà tiếp tục nhìn vào ly rượu: "Tao không thể để nó trả đũa lại tao bằng cách làm cho mày đau khổ"

"Chúa à, mẹ nói cái gì vậy?"

"Tao không thể để một con nhỏ như vậy vào trong nhà này làm lộn xộn gia cang nhà này." Giọng bà lạnh lùng, tôi chưa bao giờ nghe giọng bà như vậy. Giọng nói làm xương tôi co rút lại tựa như căn nhà đứng trơ vơ giữa mùa đông.

"Chúa à, con không bao giờ nghĩ mẹ có thể chậm tiến quá thể trong cách suy nghĩ như vậy."

Bố lên tiếng la anh, nhưng Matt tiếp tục lờ ông.

"Mẹ, con nhắc lại câu hỏi. Nó có muốn ra khỏi nhà mình không?"

Mẹ tôi khoanh tay lại, nhìn sang phía khác, bà không chịu trả lời câu hỏi.

"Xin lỗi mẹ, mẹ trả lời con đi chứ. Mẹ, mẹ. Mẹ thì lúc nào cũng dạy dỗ chúng con theo luật lệ lẽ phải, rồi sau đó làm kiểu khác, mẹ phải trả lời con câu này!"

Anh bỏ phòng ăn đi ra. Chúng tôi nghe tiếng anh lên lầu, đóng rầm cửa lại. Matt đem kèn saxo ra thổi, điều mà anh biết bố mẹ rất ghét. Cả nhà ngồi nghe tiếng kèn rèn rẹt, tắt nghẽn bởi trần nhà, nhưng cũng đủ làm rung cây đèn treo lửng lơ. Chẳng một ai nói tiếng gì nữa cả.

Bà Sepa vào dọn chén bát. Bố và tôi tránh nhìn vào mặt bà, nhưng khi bà hỏi tôi đã uống xong ly Coke chưa thì buộc lòng tôi phải nhìn thẳng vào mắt bà. Một đôi mắt to, ươn ướt nước, có chút thơ ngây, và tôi hiểu rằng ngày trẻ chắc bà phải xinh đẹp lắm, mới lọt vào mắt xanh của ông chú mẹ tôi. Nếu bà có buồn, bà cũng chả lộ vẻ gì cho ai biết. Bà vẫn cười vui vẻ với tôi và mẹ tôi, mà không tỏ vẻ bực mình chi cả.

Lúc bà Sepa lau chén dĩa, tôi bắt gặp bà gập người xuống, thoáng đau lòng hiện trong ánh mắt, nhưng tất nhiên có thể đó chỉ là tôi nghĩ lầm.

Tối đó khi tôi lên phòng thì Matt đang nằm trên giường của anh. Phòng tối om và anh để cửa sổ mở, có nghĩa là anh có hút thuốc lá, điều mà tôi rất ghét vì tôi không muốn nói láo với bố mẹ, mà nếu tôi không mách thì cũng có thể bị vạ lây nay mai.

Hai đứa chúng tôi nằm im lặng. Anh không nói gì, ngược hẳn với những trường hợp như vậy trước đây. Cửa sổ mở để gió nóng lùa vào, ẩm, thoảng mùi hương cây sồi từ đồi núi Santa Monica phía dưới đưa lên. Gió nóng thổi làm xào xạc các cành cây khô trong vườn nhà.

"Anh đối xử với mẹ hơi quá thể." Tôi nói.

Chiếc giường kêu kẽo kẹt khi anh xây mình sang hỏi tôi: "Cái gì? " Anh có vẻ ngạc nhiên khi nghe giọng giận dữ của tôi.

"Không phải lỗi tại mẹ "

"Thằng em nè, mày giận chuyện gì?" Giọng anh đượm chút ngạc nhiên, pha chế riễu. Rồi anh rời giường, sang đặt bàn tay lên vai tôi. Tôi hất tay anh ra: "Đừng có đụng đến tui". Anh rụt lại, đưa tay lên trời, như vừa mới đụng phải một cái lò nóng, rồi nhìn tôi một lúc lâu: "Mày chẳng biết điều gì hết!"

"Anh mới xấu đó chứ. Anh làm cho mẹ buồn. "

Anh ngồi xuống ghế và thở dài trong bóng tối. "Vậy có nghĩa là mày không thích chơi với tao nữa, không hỏi ý kiến tao về mọi việc phải không?", giọng nói có vẻ nhịn nhục hơn là giận. Rồi anh đợi câu trả lời, nhưng tôi im lặng.

"Cô ta là con gái của ông chú của mẹ và bà vợ nhỏ. " Cuối cùng anh lên tiếng.

"Thì sao, đâu có nghĩa mẹ phải lo lắng cho cô ta đâu! "

"Ben à, biết đâu ông chú ép buộc bà Sepa. Biết đâu ổng hiếp bả không chừng! "

"Nếu chuyện có xảy ra như vậy, cũng không phải lỗi tại mẹ."

"Mày không nghĩ người con gái đó là ai với tụi mình sao? "

Tôi hơi nao núng.

"Ai cũng biết điều rõ ràng này, Ben à."

Gió nổi lên. Phía dưới có tiếng một thùng rác trống rơi, lăn tròn trên nền đường lát sỏi.

"Cô ta là em họ, con chú con bác với mẹ"

Anh dựa vào thành giường, và dù trời tối, nhưng qua ánh trăng tôi thấy rõ anh đợi phản ứng của tôi. Một hồi lâu chẳng nhận được câu trả lời, anh lắc lắc đầu, nhìn ra ngoài, một đám mây vần vũ kéo về phía chân trời.

 

Không biết tại sao lời nói cuối cùng đó không có tác dụng gì với tôi, dù bây giờ tôi nhớ rõ ràng câu nói đêm đó. Mấy ngày sau đó Matt lầm lì, không nói chuyện với bố mẹ tôi, mà nếu có thì là những câu chỉ trích, như cái hội đắt tiền và nghề nghiệp luật sư của bố, hay phê bình Mẹ phù phiếm, trang điểm quá thể, và vụ Mẹ hay tránh ra nắng vì sợ đen da. Matt bảo Mẹ thuộc địa, trưởng giả, đua đòi v.v. Mẹ không la mắng gì anh, chỉ bào chữa một cách yếu ớt, nhưng buổi tối khi anh bỏ đi chơi, mà Bố vẫn còn bừa bộn công việc ở sở, tôi bắt gặp Mẹ ngồi một mình trong phòng khách, đèn tắt ngóm và Mẹ khóc. Anh tôi tiếp tục lái xe tới Torrance thăm cô ta. Hai người gặp nhau tại trường cô sau giờ tan học, bởi vì dì Cherry, thừa biết mẹ không bằng lòng, không cho hai người gặp mặt ở nhà dì. Nhưng hồi sau thì Mẹ cũng biết và hai người cãi nhau rất lớn, tôi nghe được xuyên qua bức tường. Một hôm tôi ở trong phòng gia đình, bà Sepa ủi áo cạnh đó, hai chúng tôi cùng xem TV và chúng tôi có thể nghe Matt lớn tiếng với Mẹ, anh nói mẹ là người xấu. Bà Sepa không dám nhìn tôi.

Không có điều gì mà mẹ nói hay làm có thể thay đổi ý kiến Matt, làm mặt giận, la mắng, khóc lóc, năn nỉ ... Cuối cùng tôi quyết định phải làm cái gì đó để bảo vệ bà.

Thứ hai là ngày mà tôi và Matt thường cùng nhau đạp xe đi tập Tae Kwon Do. Hôm đó tôi cố ý rời nhà trước khi anh đi tập đá bóng về. Chắc chắn là anh đợi tôi rất lâu ở nhà, bởi vì anh đến phòng tập trễ ngắc, anh phải gập người chào võ sư và phải xin phép mới được vào lớp. Trán anh đập xuống cái thảm màu xanh, đẫm mồ hôi. Khi ngẩng đầu lên, anh không tìm cặp mắt tôi. Võ sư Lee nghiêm mặt, bắt anh phải làm năm mươi cái hít đất trước mặt mọi người, làm cho khuôn mặt anh đỏ bừng. Sau đó anh phải đi ra kiếm chỗ đứng nơi hàng học trò đai trắng, nghĩa là dưới anh tới mấy đai. Đến lúc tập đôi, tôi tránh không cặp với anh, và tránh không nhìn anh luôn.

Sau buổi tập tôi vội vàng chạy ra lấy xe đạp, nhưng tay bị móc bởi dây khóa của bánh xe. Matt bắt kịp tôi.

"Ê Nhỏ sao mày không nhìn tao?" anh hỏi, lúc cách tôi vài bước.

"Em đang bận mở khóa."

Tôi hấp tấp mở cái khóa. Matt nhìn sang mấy chiếc xe tới đón đám học trò, vui vẻ ra mặt vì đã thoát khỏi bộ võ phục. Anh trở lại nhìn tôi. "Hồi nãy tao không thấy mày."

"Em tới đây trước."

"Ừ, tao biết."

Tôi không nói gì thêm và anh nói: "Ê, mày đi ăn kem với tao không. Tao bao."

"Anh biết không, chỉ nói về anh hôm bữa."

Mặt anh thoáng đổi, tự nhiên anh có vẻ quan tâm đến mấy đứa học trò đi gần chúng tôi, sắp sửa lên xe nhà.

"Ai?"

"Teresa."

"Teresa nói gì? "

"Chỉ cười anh chứ sao. Chỉ nói anh mê chỉ, nhưng mà chỉ không thích tướng đi cù lần và không oai của anh, chỉ nói anh coi kỳ kỳ, nhìn chị như con chó con vậy. Nhưng mà chỉ vẫn chơi với anh, vì chỉ thương hại anh, với lại chị hỏng có gì làm, hỏng có ai chơi. Chỉ nói hỏng hiểu sao anh cứ đưa cho chị mấy quyển sách về người Do Thái, và chị nghĩ là mấy đứa bạn Do Thái cùng trường với anh cười anh đàng sau lưng, tự nhiên cái đi nhà thờ Do Thái."

Tôi cầm tay lái, tính nói xong là đạp đi ngay, nhưng chân bị trượt ra khỏi bàn đạp, xe bổ vào lề đường. Leo lên xe trở lại, tôi tránh nhìn vào mắt anh, ánh mắt đau khổ. Cuối cùng rồi tôi cũng đạp xe đi khỏi, để lại dấu xe trên lề đường vàng, ánh mặt trời chiều, xuyên qua tàn lá cây chiếu nóng mặt, làm cay cặp mắt.

Dĩ nhiên sau đó chúng tôi có cãi nhau. Rồi chúng tôi lại có những buổi nói chuyện trong đêm tối, lúc mà đáng lẽ chúng tôi phải đi ngủ. Không hiểu sao những buổi nói chuyện đó không còn như trước nữa, không biết tại anh hay là tại tôi. Rồi chẳng bao lâu anh lên đại học. Có lẽ đây là điều tự nhiên xảy ra giữa tất cả anh chị em lớn cùng với nhau. Chuyện bà Sepa và con gái chỉ là một sự tình cờ. Nhưng sau khi anh đi rồi, tôi không khỏi nghĩ đến hành động của mình, nhất là ánh mắt của anh nhìn tôi hôm đó, rồi một thời gian ngắn sau anh đi Vassar, tôi không kịp thì giờ để làm lành với anh. Bây giờ thì chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau, có lúc chúng tôi ít liên lạc nhau, nhưng mấy năm sau này hai gia đình chúng tôi dành thời gian, một năm một lần cùng đi trượt tuyết với nhau. Chuyện trở thành mờ nhạt thuộc dĩ vãng, bây giờ thì con chúng tôi chơi với nhau rất vui, nhưng không bao giờ hai chúng tôi nhắc chuyện bà Sepa và cô con gái.

IV

Teresa có đi học trung học tỉnh Torrance, và như vậy có được một nền giáo dục Hoa Kỳ. Cô không mấy hạp với người bà con trong căn hộ một phòng ở một chung cư rẻ tiền với đám cỏ giả ngoài sân. Tôi được kể những chuyện hoang đàng của cô, uống rượu, thử ma túy, và có bầu, có rất nhiều ban trai và chuyện cô bỏ học. Những lần đến nhà tôi rước bà Sepa, cô để máy xe chạy, rồi bấm còi báo cho bà mẹ biết, và không bao giờ vào nhà. Bà mẹ hấp tấp đi ra, làm hiệu cho cô con gái bớt ồn ào. Cô con gái giữ bộ mặt lạnh lùng, nhìn thẳng phía trước, rồi chiếc xe vội vàng phóng đi. Một năm sau khi cô có bầu, Teresa dời đi San Francisco với anh bạn trai nào đó, và người mẹ, mà chúng tôi đã quen thuộc với sự có mặt của bà trong nhà, cũng buồn bã rời chúng tôi để theo cô con gái và cháu ngoại. (Bà khóc và có ôm chúng tôi hôn, với Matt thì lâu hơn).

 

Mấy năm liền mẹ tôi cố thuyết phục bà Sepa trở lại với gia đình, người thật sự chìu chuộng bố, lần nào bà cũng hứa sẽ suy nghĩ lại, nhưng cuối cùng thì bà bảo không thể ở xa thành phố có con gái và cháu ngoại được. Chúng tôi nhận được mấy tấm bưu phiếu từ các tỉnh quanh vùng Vịnh, Daily City, Milpitas, Hercules, Vallejo, rồi dần biến luôn. Bà Sepa và cô con gái hình như đã lẫn vào dòng người Phi lưu vong trong vùng, mà không hiểu sao dân cư trên đó không mấy ai để ý đến. Chúng tôi chỉ được nghe những mảnh đời của họ, đôi khi rất trái ngược nhau, như bà Sepa đã lấy một võ sĩ quyền anh, góa vợ mà bà săn sóc trong thời gian làm việc tại một bệnh viện, còn Teresa lại có một người tình khác, một người da đen, nhưng tất cả những điều này không có bằng cớ, thật sự thì tôi không biết họ đang sống ở đâu cũng như cuộc đời đưa dẫn họ về đâu.

ooo

Lời Tác Giả Roley: - Tôi bắt đầu câu chuyện về ba anh chị em mang hai giòng máu, có bà mẹ người Phi Luật Tân đã mướn một người làm từ Phi qua (với cô con gái của bà) cách đây gần mười năm.

Có lẽ tôi không nên cho biết điều sau đây. Ý kiến đầu tiên khi phát họa câu chuyện nảy sinh từ những nhận xét có thật trong đại gia đình bên ngoại tôi. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo nghiêm ngặt, nhưng thật may mọi người vẫn thích xầm xì bàn tán chuyện thị phi, nhất là xì căng đan xảy ra trong gia đình. Chính ra các bà là những người thích bàn chuyện về các cô con riêng xinh đẹp của mấy ông anh hay em trai của bà Ngoại, và cuộc đời họ có khi thì rất lên hương, có lúc lại thật thảm đạm.

Lúc đầu, bà mẹ trong câu chuyện là nhân-vật " tôi" kể lại câu chuyện. Sự mâu thuẫn trong bà thật rõ ràng, tuy bà rất ngượng với chồng là đã mướn một bà người làm trước đây là vợ nhỏ của ông chú, nhưng bà vẫn giữ bà người làm đó để thực hiện ao ước có người làm riêng trong nhà. Chỉ có những người Phi tuổi tứ tuần trở lên, thuộc giai cấp trung hay thượng lưu thì dễ dàng thông cảm với ý tưởng đó, còn tôi biết độc giả Mỹ hay các xứ Tây phương chắc không có mấy cảm tình. Tôi bỏ nó vào ngăn tủ.

Rồi tôi xong bằng Cao học, viết một quyển tiểu thuyết, lập gia đình, có hai con, và có dịp đọc lại truyện ngắn mấy năm về trước. Tôi bỗng nhận ra đề tài câu chuyện, sự xung đột giữa hai nền văn hóa và những phức tạp của đạo đức, có lẽ nên được kể dưới cái nhìn của cậu bé trong gia đình. Lần này tôi hoàn tất câu chuyện nhanh chóng, nhưng cũng mất một thời gian một, hai năm sửa lại cho vừa ý.

Brian Ascalon Roley

Trần Viết Minh-Thanh chuyển ngữ

Trần Viết Minh-Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12041)
(Xem: 10600)
(Xem: 10658)
(Xem: 10220)
(Xem: 9592)
(Xem: 9037)
(Xem: 9773)
(Xem: 10847)
(Xem: 10493)
(Xem: 10578)