- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trở Lực Của Văn Hóa Dưới Ách Đế Quốc

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 7999)
Mỗi khi nhắc đến việc kiến thiết văn hóa mới cho nước nhà, người ta thường theo xu hướng riêng của mình đứng về một phương diện mà người ta coi là cốt tử để chủ trường rằng đó chỉ là vấn đề tinh thần khoa học của văn nhân, nghệ sĩ, hoặc chỉ là vấn đề tự do tư tưởng... Đành rằng mỗi vấn đề ấy đều có sự quan trọng của nó, song nói một cách tuyệt đối như vậy chẳng khỏi là nông nổi nếu không phải là cố ý nói quá đi cho người ta chú ý thì vừa. Sự thật thì một nền văn hóa vốn chịu sự chi phối của kinh tế, chính trị, cũng như của giáo dục, văn học, tôn giáo, v.v... Nói khác ra, những động lực gây nên trào lưu sinh hoạt tinh thần hay vật chất rất phức tạp và liên lạc mật thiết với nhau (do ảnh hưởng qua lại) khiến ta không thể tách riêng một mảnh nào ra mà mài gọt, sửa chữa. Nên những nhà văn hóa thận trọng phải quan niệm vấn đề rộng rãi, không dám nhãng bỏ một yếu tố nào, dù yếu tố ấy không trực tiếp qui định. Hơn nữa, những nguyên nhân sâu xa, bí ẩn nhiều khi lại chính là then chốt. Nếu như ngày nay chúng ta muốn lượng trước những trở lực trên đường kiến thiết văn hóa mới thì chúng ta phải xét đến tất cả mọi tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội trong nước để tìm ra những cái gì đã kìm hãm, xuyên tạc hay đục khoét tinh thần của dân tộc và do đó đã làm cho cuộc sống của chúng ta thấp kém, nghèo nàn, ngừng đọng đến nỗi quân thù của chúng ta có thể tạ vào đó mà tuyên bố chúng ta chưa xứng đáng độc lập. Đây không phải là một cách lên án theo lòng phẫn uất của mình. Đây chỉ là nhận định khách quan để tiến hành công cuộc cho đúng đường. Những kẻ đã làm hại ta, đang làm hại ta, đội giải phóng quân anh dũng của ta sẽ trừ khử bằng súng đạn, và chính ta sẽ còn nhiều dịp vạch mặt, chỉ tên. * Về phương diện kinh tế, đế quốc đã thiết lập một chế độ biến xứ Đông-dương thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa với một giá rất cao và một nguồn cung cấp nguyên liệu với một giá quá hạ. Kỹ nghệ, thương mại, nông nghiệp bản xứ bị bóp nghẹt, lớp trung lưu cúi đầu đi làm thuê chỉ đủ ăn; vô sản cần lao bị bóc lột tàn nhẫn. Lợi dụng cảnh nghèo khổ liên miên ấy của dân chúng, kinh tế đế quốc đã dần dần đưa đồng bào ta vào con đường nô lệ, trụy lạc. Phần đông học giả, văn nhân, nghệ sĩ đã đành lòng đem bán rẻ tài năng; phần đông nhà xuất bản đã chỉ có thể là con buôn trục lợi, các lớp thanh niên ngay lúc còn cắp sách đến trường đã phải hướng việc học tập theo chiều cơm áo, đã phải phá ngang để nâng đỡ gia đình, thì trí thức còn đường lối phát triển nào để vươn tới những đỉnh cao sán lạn của khoa học, tư tưởng và nghệ thuật? Các thương gia vì không được bén mảng đến việc xuất cảng, đã đành đóng vai mại bản hạng nhì sau người Tàu và người Ấn, và sự kinh doanh của các nhà tiểu công nghệ đã chỉ là những hoạt động tẹp nhẹp của bác cai thầu, thì chẳng những kỹ thuật của ta không bao giờ đủ lông cánh để bay bổng lên bậc tinh xảo mà ngay cuộc sinh hoạt nhờ vào kỹ thuật của người cũng thiếu thốn, thô lậu. Còn nói chi đến nông dân thợ thuyền lao lực, kiệt quệ vì đói rét bệnh nạn, tối tăm u mê vì thất học! Họ là 99 phần 100 dân chúng mà chẳng thể đóng góp vào việc tạo tác những công trình văn hóa, thì đủ rõ nền văn hóa kia có tính chất gì và công dụng gì. Đã thế, sự bóc lột càng sâu cay thì cuộc vật lộn cạnh tranh sống lấy được trong các từng lớp dân chúng càng gay gắt nên đã phát sinh ra cái tâm trạng xu nịnh sợ sệt đối với đế quốc và chia rẽ, phản bội đối với đồng bào, nó hạ thấp nhân cách và cản trở những trào lưu cấp tiến. Từ ngày chủ nghĩa phát-xít Pháp Nhật xòe đôi cánh đen ngòm của nó trên giải đất này, tình trạng nói trên lại trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Chính sách kẻ cướp được thi hành triệt để, nền tảng kinh tế đã tan rã. Cây văn hóa vốn cằn cỗi lại càng héo hon, tàn lụi bởi mầu đất chẳng còn. * Về mặt chính trị, bọn thống trị trực tiếp uy hiếp dân chúng bằng pháp luật. Đế quốc trọng dụng bọn phong kiến để thi hành chính sách đàn áp và ngu dân làm cho chính thể trong nước sáu, bẩy mươi năm trực tiếp với Âu Tây, chẳng nhiễm được mảy may tính cách cộng hòa dân chủ, chỉ giữ nguyên tính cách trung cổ, độc đoán, dã man. Những tàn tích của một chế độ hủ hóa, mà người ta tưởng đã tiêu diệt, vẫn còn kéo dài để đóng vai trò phản tiến bộ. Quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức, tự do hội họp mà nhân loại coi như những điểm sáng long lanh trên đài văn hóa, chúng đã gạt ra ngoài bờ cõi Việt Nam, và trước mắt ta chỉ như những điểm sao mờ xa xăm. Sự bình đẳng giữa cá nhân trước công lý -một sự bình đẳng tối thiểu trong xã hội phân chia giai cấp- cũng không đường bén mảng tới đây, đành nhường chỗ cho một mớ pháp luật vô nhân đạo phân biệt màu da và có thể mua bán dễ dàng, được treo cao để bảo vệ quyền lợi của lũ thực dân. Trong khung cảnh ấy mà dựng lên những pho tượng “bà đầm xòe” giơ đuốc hay cầm cân để biểu dương một nền văn hóa huy hoàng thì mỉa mai nhường nào! Sau hết, tất cả những ngành hoạt động tinh thần đều bị một bàn tay bí mật lái về phía con đường cụt hay vào một vòng luẩn quẩn. Nhìn vào việc giáo dục, ta chỉ thấy có một thiểu số thanh niên được theo bậc đại học, mà bậc học ấy, với cái dụng tâm của bọn thống trị, chỉ là một nơi đào tạo những người thừa hành, chứ không phải là nơi rèn đúc tài năng để bồi đắp văn hóa. Bởi trí tuệ họ đã lèn chặt những kiến thức hư ngụy, chí khí họ đã bị đúc vào trong một khuôn khổ ươn hèn. Được đế quốc biệt đãi (để lợi dụng) cùng với một số người tốt nghiệp ở Pháp về, họ đã xa cách dân chúng, không hiểu dân chúng, chẳng cống hiến được chút sở đắc nào vào cuộc hưng thịnh Việt Nam hay gây được trào lưu cấp tiến gì đáng kể. Nói vậy phải đâu là trách họ: Nếu không có sự đầu độc, sự nặn uốn, sự vây trói của đế quốc quỉ quyệt, thì có lẽ họ cũng đã bổ ích cho giống nòi hơn thế. Nghĩ cho cùng, bậc đại học mỹ miều kia cũng chỉ nằm trong một nền giáo dục bình diện (nghĩa là thấp là là) do tên toàn quyền Merlin đề xướng, nó là một thủ đoạn độc ác dìm dân ta chẳng cất được đầu. Trong nền giáo dục bình diện ấy, chương trình phiền phức vô ích, vừa làm mất thì giờ, vừa làm mất chí thanh niên: Chữ quốc ngữ bị ruồng bỏ, Nam sử bị rẻ rúng và xuyên tạc. Điều này nữa mới thiệt đáng ghê sợ: đế quốc không chịu mở trường đủ cho dân ta đi học, đến nỗi có tới 95 phần trăm dân số chịu nạn mù chữ! Như thế văn hóa Việt nam tránh sao khỏi tê liệt? Học đường thì thế. Sách báo bên ngoài thì sao? Một sở kiểm duyệt hà khắc có râu giải ở khắp các tỉnh, lúc nào cũng lăm le bịt miệng, cắt lưỡi nhà văn, nhà báo. Những văn phẩm, những công trình biên khảo, những bài nghị luận hay những tin tức chân chính vì có tội đem ánh sáng soi rõ thực trạng xã hội (cái thực trạng áp bức, bóc lột của đế quốc, của phát-xít cũng như cái thực trạng tự do, công bằng của cách mạng, của dân chủ) đều không thể lọt qua dần sàng của nó. Thế mà cũng chưa đủ, người cầm bút còn luôn luôn bị sở mật thám quấy nhiễu hăm dọa, và những ai quả quyết bênh vực công lý hay mạnh bạo hô hào tiến bộ đều đã bị đàn áp thẳng tay. Đồng thời bọn thống trị dùng tiền trợ cấp mua chuộc những nhà văn, nhà báo thiếu lương tâm để tán tụng chính sách hại dân, lừa gạt đồng bào, hoặc đem những văn chương ru ngủ, những tư tưởng hủ lậu thoái hóa ra đầu độc dân chúng. Nền văn chương học thuật phản động cùng với cái dã tâm của bọn cầm quyền cố ý duy trì hủ tục ở thôn quê, dung túng những mê tín dị đoan, khuyến khích ăn chơi đồi bại, đè nén tín đồ cùng với vô tuyến truyền thanh, chiếu bóng, diễn thuyết, trưng bày do cơ quan tuyên truyền của chính phủ đế quốc tung ra, kết thành những vòng lưới đan bằng muôn vàn sự điêu trá vây quanh ta. Phỏng trí tuệ, giác quan của ta còn nhận được những gì là xác thực để nâng cao tâm hồn? Phỏng cá tính ta còn thoát ra lối nào để cảm thông cùng vũ trụ và nhân loại? Con người mà chủ nghĩa nhân bản lo bảo vệ, mà chủ nghĩa xã hội đang giải phóng, ở đây cơ hồ đã thành ra đui chột, liệt bại, ngơ ngẩn nếu chưa đến nỗi mất hết cốt cách, năng khiếu. Trách chi đôi nhà trí thức hoang mang tưởng văn minh cơ giới chỉ làm bại hoại, đã chủ trương quay lại thời man rợ cho rồi! Ấy là cái trạng huống khốn đốn của văn hóa Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp. Dưới gót sắt của giặc Nhật hung tợn, văn hóa Việt Nam còn sót chút di sản nào của tổ tiên ta, còn sót chút giá trị nào của thế hệ đang tiến, tất sẽ bị đập tan nát trong một cơn bão táp như ta thấy ở Đức, ở Ý cách đây mươi năm. Trở lực của văn hóa có lẽ sẽ không phức tạp lắm, nó sẽ thu gồm tất cả trong hai tiếng đồng nghĩa với bạo ngược: Phát-xít! Phát-xít Nhật cũng có thể tuyên bố như Attila: “Ngựa ta đi qua đâu, cỏ sẽ không mọc được”. * Tìm hiểu những trở lực trong việc kiến thiết văn hóa như trên, chúng ta thấy rõ con đường phải đi: điều kiện căn bản là thoát ách thuộc địa, là thực hiện nền độc lập quốc gia để có thể tổ chức kinh tế và chính trị theo chiều tiến bộ của thế giới, tạo nên những hoàn cảnh thuận lợi cho văn hóa phát triển sau này. Cuộc vận động văn hóa hiện thời, bởi vậy, phải nằm trong cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc. Dù chúng ta đứng trên lập trường tư tưởng, học thuật nào mặc lòng, hành động của chúng ta cũng phải phù hợp với phong trào cứu nước đang sôi nổi khắp nơi. Những chủ trương văn hóa thuần túy, trung lập bao giờ cũng là thiển cận, trống rỗng và phản bội đối với toàn thể. Nguyễn Hữu Đang Tiên Phong số 1, ngày 10-11-1945 in lại trong Sưu Tập Trọn Bộ Tiên Phong do Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, trang 28-31 NXB Hội Nhà Văn 1996.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12260)
(Xem: 13796)
(Xem: 15071)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15243)
(Xem: 14080)
(Xem: 13836)
(Xem: 13864)
(Xem: 14757)