- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cảm Nghĩ Về Phim ' The Hurt Locker'

10 Tháng Ba 201012:00 SA(Xem: 108458)

hinh_1_0_193x300_1Hè vừa qua trên đường từ Paris về lại Mỹ, tôi ghé thăm chị bạn ở Virginia trước khi về lại bờ biển miền Tây. Chị bạn đã gần 80. Lần cuối gặp chị khoảng... 15 năm về trước lúc tôi còn làm việc ở Stockton, California, và tôi đã đưa chị đi chơi cùng khắp miền Bắc Cali, đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm về các sinh hoạt điện ảnh có với nhau ở Sàigòn trước cuộc đổi đời 1975. Ghé thăm chị lần này vì không biết có còn lần tới. Tôi hình dung những buổi đi viếng các thắng cảnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đặc biệt Đài Tử Sĩ Chiến Tranh Việt Nam mà lần nào ghé thủ đô tôi cũng tới viếng, và các viện bảo tàng mà tôi chưa có dịp đặt chân tới, đồng thời tâm sự thả giàn với nhau, có thể là lần chót. Chị kêu chân đau không đi bộ được lâu. Rút cục trong vài ngày ở chơi với chị, chúng tôi... chui vào rạp xi-nê cả thảy ba lần.

 

Một trong những lần đó là để xem phim The Hurt Locker. Lâu nay ít theo giõi sinh hoạt điện ảnh nên tôi không có ý niệm gì về cuốn phim này. Khi phim bắt đầu chiếu và biết đó là một phim về cuộc chiến ở Iraq, tôi ngán ngẩm trong bụng. Từ gần 10 năm nay tôi đã thấy và nghe rất nhiều về cuộc chiến này. Như nhiều người Mỹ, tôi không đồng ý việc Hoa Kỳ đem quân vào Iraq, và nghĩ chúng ta nên tập trung vào Afghanistan, giúp xứ này thành một gương mẫu về dân chủ và phát triển kinh tế, và đặc biệt vận động cho quyền được đối xử và sống bình đẳng của giới phụ nữ tại nước này.

 

Song, cũng như nhiều người Mỹ, tôi ủng hộ những người lính đang chiến đấu tại Iraq. Tôi xúc động, đôi khi muốn ứa nước mắt nữa, khi nhìn thấy trên truyền hình những người lính trẻ bị cụt tay cụt chân, có người bị thương và liệt não nằm đó, bên cạnh người vợ trẻ và lũ con thơ, hay những người cha người mẹ lẽ ra phải được thảnh thơi sống đời của mình ở cuối đời nhưng nay phải cưu mang người con thương phế. Mỗi khi chương trình Newshours của PBS chấm dứt bằng vài phút chiếu hình và tên tuổi của những người lính vừa tử trận ở Iraq hay Afghanistan, tôi ngưng mọi việc đang làm để theo giõi, nhẩm đọc tên, tuổi, cấp bậc, tỉnh và tiểu bang, và nơi họ hy sinh, với ý nghĩ để họ không chỉ là những con số, và với niềm kính cẩn pha lẫn chua xót. Tôi thấy bất nhẫn khi nghe đôi người quen phát biểu, cho rằng những người lính này đã tình nguyện chọn quân ngũ vì những đặc quyền đặc lợi, thì có chết người thân của họ cũng không nên than trách, vv.

 

Nhưng tôi bị lôi cuốn vào chuyện phim The Hurt Locker lúc nào không hay, mặc dù chị bạn tôi nửa chừng cuốn phim đứng dậy bỏ ra ngoài ngồi chờ tôi, có lẽ vì cảnh trong phim nhiều chỗ quá căng thẳng cho một người ở tuổi chị. Tôi cũng tự hỏi làm sao mình có thể ngồi lại theo giõi đến phút chót và sau đó bắt gặp mình suy nghĩ nhiều về cuốn phim. Tôi cũng ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy ở cuối phim ghi đạo diễn là một phụ nữ, Kathryn Bigelow. Phải chăng vì đề tài chiến tranh khi vào tay một phụ nữ, nhất là một người có tài và xuất thân là một họa sĩ vốn nhạy cảm, đã được khai triển một cách tế nhị, thấm đượm tình thương (compassion), và do đấy nhân bản hơn? Tôi không biết rõ lắm, chỉ biết là mình tiếp thu cuốn phim với niềm xúc cảm gần như thiêng liêng, như mỗi lần được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chân tuyền.

 

Khi The Hurt Locker được chọn là một trong 10 phim vào sơ kết giải điện ảnh cao quý Oscar năm nay, rồi vượt lên đứng ngang hàng trong kỳ chung khảo với cuốn phim Avatar -- cuốn phim đã thu về số tiền kỷ lục 2 tỉ Mỹ kim, cao nhất trong lịch sử điện ảnh, của đạo diễn James Cameron (cũng là chồng cũ của đạo diễn Locker) -- tôi có linh cảm là Locker sẽ thắng, mặc dù số thu ngoài rạp rất khiêm tốn, chỉ có trên 21 triệu Mỹ kim. Xem Avatar, một chuyện khoa học giả tưởng, với dàn cảnh vĩ đại tốn kém (230 triệu Mỹ kim, so với 11 triệu của Locker), và khá quyến hoặc với kỹ thuật 3D, có nhiều phần được cấu tạo bởi kỹ thuật vi tính, mang chủ đề thiên về bảo vệ môi sinh -- một quan tâm đặc biệt của tôi --, tôi thấy tâm hồn mình như được trải ra, nâng cao, hướng thượng. Song, khác với Locker, Avatar giúp giải trí tôi nhiều hơn là khiến tôi phải suy tư. 

 

Quả như tôi linh cảm, ngày 7 tháng 3 vừa qua, cũng tình cờ là một ngày trước Ngày Phụ Nữ Quốc Tế thứ 99, lần đầu tiên Hollywood trao vương miện cho một nữ đạo diễn. Ngoài hai giải Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất và Phim Hay Nhất, The Hurt Locker còn chiếm thêm bốn giải nữa: gồm Truyện Phim Hay Nhất, Nam Diễn Viên Xuất Sắc Nhất, Hình Ảnh Đẹp Nhất, và Ráp Nối Hay Nhất. Một bài báo đã so sánh việc Locker đánh bại Avatar như anh tí hon David thắng chú khổng lồ Goliath xưa. Một bài báo khác đã diễn tả là nữ đạo diễn Bigelow đã, với Locker, phá vỡ tan tành cái trần bằng kiếng (glass ceiling) vốn lâu nay vẫn ngăn cản giới phụ nữ vươn lên trong nghề làm phim. Mặc dù trước Bigelow đã có ba nữ đạo diễn được đề cử vào chung kết giải Oscar, song đây là lần đầu tiên một phụ nữ được chọn làm Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất.

 

The Hurt Locker là tiếng lóng trong quân đội Mỹ, phát xuất từ hồi Chiến tranh Việt Nam, chỉ tình trạng bị thương trong một vụ nổ -- "they sent him to the hurt locker", có nghĩa "họ đã chuyển anh ta vào cái hộp thương tích". Đó là câu chuyện về một đơn vị quân đội Mỹ chuyên môn đi gỡ mìn ở Iraq, với nhân vật chính là Trung sĩ William James, do Jeremy Renner đóng (được giải Oscar Nam Diễn Viên Xuất Sắc Nhất), dựa vào truyện phim (cũng đã được giải Oscar Truyện Phim Hay Nhất) do Mark Boal, một ký giả đã từng theo một đơn vị gỡ mìn ở Iraq, viết.

 

Phim đã hẳn có nhiều cảnh gỡ mìn căng thẳng đến nghẹt thở. Một trong những cảnh đó còn tiếp tục chiếm ngự trong đầu tôi, đó là lúc James gỡ cái "áo vét mìn" quấn quanh và khóa bằng nhiều khóa trên thân một người đàn ông Iraq. Chiếc đồng hồ bom báo cho biết sắp hết giờ mà James chỉ mới gỡ được có một phần hệ thống bom gài quanh người đàn ông. Người đàn ông khóc van xin anh ráng gỡ mìn khỏi thân ông ta, nói ông còn vợ con cần ông sống, và túm lấy tay James trong khi anh biết không còn kịp nữa, nói lời xin lỗi vội vàng, rồi quay lưng rút chạy đúng lúc bom nổ tung người đàn ông và chính James cũng bị sức ép của bom ủi rạp và bị vùi trong đống gạch ngói vừa bị chấn động của bom nổ đổ rớt tung tóe. James sống sót.

 

Trở về Mỹ đoàn tụ với vợ và đứa con trai nhỏ, James không thích nghi được với đời sống dân sự. Một tối nọ, anh nói với thằng con khoảng 2 tuổi, rằng chỉ có một điều anh biết là anh yêu thích. Cảnh kế đó và chót của phim cho thấy anh ta trong bộ đồ chống bom (bombsuit) đang, lưng quay lại khán giả, bước xuống một con phố hoang tàn ở Iraq, tiến tới mục tiêu quen thuộc ...

 

Tôi vẫn nghĩ cái khéo léo của một nhà sáng tạo nghệ thuật là tạo được một đoạn kết "mở", mặc khán giả tha hồ đoán non đoán già cái gì đã hay sẽ xẩy ra sau khi đóng sách lại hay xem xong một cuốn phim, mặc dù có thể không đúng với ý của tác giả. Khi Scarlett O'Hara của Gone With the Wind tất tả chạy từ nhà Ashley Wilkes sau khi Mélanie qua đời, vì khám phá ra chính Rhett Butler mới là người nàng cần, Rhett đang sửa soạn bỏ nhà ra đi. Scarlett khóc lóc van xin song vẫn không giữ được chân Rhett lại. Nàng ngồi phục xuống cầu thang, khóc một chặp, rồi ngửng đầu lên nhìn về phía trước, nói qua màn nước mắt: "Ngày mai ta sẽ nghĩ cách chiêu hồi [Rhett]. Cu ối c ùng t ất, ngày mai là một ngày khác." Đoạn kết ấy, viết từ năm 1936, đã mở đầu cho nhiều thế hệ độc giả sau đó đòi biết cái “ngày mai” đó của Scarlett, đã đưa tới ít ra hai cuốn truyện tiếp theo (sequels) và một cuốn phim, chưa kể một vụ kiện một tác giả và nhà xuất bản đã nhái và nhạo Gone With The Wind. Và vì thế mà Hemingway, tác giả A Farewell to Arms, đã viết đi viết lại tới 39 lần đoạn kết của cuốn tiểu thuyết này của ông?

 

The Hurt Locker đã kết thúc song tôi thấy tôi vẫn lặng người ngồi lại trong rạp, mặc dù biết chị bạn đang chờ ở ngoài. Tại sao Trung sĩ James tình nguyện trở lại Iraq để đi làm cái việc gỡ mìn vô cùng nguy hiểm ấy? Phải chăng vì anh ta thấy việc làm của mình có thể giúp cứu được nhiều mạng người? Tại ...? Có lẽ tôi nên ngưng tại đây về những cái "tại" này -- Tôi nhớ tới hai cuốn truyện nối tiếp của Gone With The Wind mà tôi nghĩ lẽ ra đã không nên có.

 

Mặc dù một số cựu chiến binh của cuộc chiến Iraq chỉ trích cuốn phim là "không chính xác", song đối với tôi cuốn phim đã cho thấy một góc đặc thù của cuộc chiến, rất sống động và đầy nhân tính. Người xem hiểu thêm về sinh hoạt của một đơn vị chuyên gỡ mìn, như khi xem một phim tài liệu; đồng thời cảm thông được với những người lính chuyên làm cái việc đó, qua các nhân vật và cảnh huống, mà chỉ có một tác phẩm nghệ thuật hay mới có thể truyền đạt được những cảm xúc này. Mặc dù rất thích loại phim tài liệu, song tôi nghĩ nếu Locker được thực hiện dưới hình thức một phim tài liệu (documentary) có lẽ sẽ không gây ấn tượng mãnh mẽ bằng khi đó là một phim truyện (feature film) và được thực hiện một cách có nghệ thuật.

 

Trong phim ảnh, một truyện phim hay là nền móng cần thiết, không có không xong, song người viết truyện phim khi chấm cái chấm cuối cùng chỉ mới thực hiện được một nửa tác phẩm. Một tác phẩm điện ảnh, cũng như một vở kịch, chỉ được hoàn tất và trọn vẹn với một đạo diễn giỏi, có khả năng đem được tài diễn xuất của các diễn viên biến thành nhân vật sống động, như có thật. Bigelow đã hoàn tất cái việc đó.

 

Bigelow sinh năm 1951 tại San Carlos, Calif., con duy nhất của một viên quản lý tại một xưởng chế tạo sơn và một nhân viên thư viện. Trước khi bước vào điện ảnh, bà tốt nghiệp đại học về mỹ thuật và sinh hoạt trong ngành hoạ, và là một hoạ sĩ có tài, đã từng dậy tại California Institute of the Arts. Bà tốt nghiệp cao học về điện ảnh tại Columbia University. Phim ngắn đầu tay của bà, dài 20 phút, The Set-Up (1978), là một nghiên cứu về bạo lực. Những phim kế đó (*) của bà cho thấy loại phim hoạt động (action) không xa lạ đối với bà.

 

Song bà thực hiện The Hurt Locker không phải vì muốn làm một phim hoạt động để lôi cuốn khán giả đặng mang về một số thu đáng kể, hay để vinh danh bạo lực. Ngoài việc đây là một công trình nghiên cứu tâm lý nhân vật (a character study) -- cái gì đã lôi cuốn nhân vật Trung sĩ James vào các công tác nguy hiểm làm vậy, và mặc dù đã may mắn sống sót trở về song rồi lại tình nguyện trở lại Iraq tiếp tục làm công việc gỡ mìn? --, Bigelow cũng còn muốn gửi gấm vào đó một thông điệp.

 

"Tôi không thích bạo lực. Tuy nhiên, tôi rất quan tâm tới sự thật. Và bạo lực là một thực tế trong đời sống của chúng ta, một phần của cái bối cảnh trong đó chúng ta sống," Bigelow trả lời một cuộc phỏng vấn về một cuốn phim trước Locker. "[Cuộc chiến tại Iraq] là một cuộc chiến không thể thắng, tại sao chúng ta đưa quân vào đó? [...] Phương tiện duy nhất mà tôi có, cơ hội duy nhất mà tôi có, là sử dụng phim ảnh." (**)

 

Như nhiều người Mỹ chống chiến tranh tại Iraq nhưng ủng hộ người lính đang chiến đấu tại đây, dù họ là những quân nhân tình nguyện, khi nhận lãnh trong tay giải Oscar cao quý, Bigelow đã xin gửi tặng giải thưởng đó, một cách tượng trưng, cho những người lính viễn chinh cả nam lẫn nữ, và cầu chúc họ sớm được hồi hương an toàn.

 

Đạo diễn phim ảnh vốn thường là việc của phái nam; và lại đạo diễn một phim chiến tranh lại càng là việc của đàn ông. Nhưng đây không phải là điều khiến Bigelow bận tâm.

 

"Nếu có một sự đề kháng nào đối với việc đàn bà làm phim, tôi đã chọn không quan tâm tới nó như một trở lực vì hai lý do: Tôi không thể đổi cái giống của tôi, và tôi từ chối ngưng làm phim," Bigelow nói. "Cái quan trọng không phải là ai hay cái gì đã đạo diễn một cuốn phim, cái quan trọng là bạn hoặc phản ứng về cuốn phim đó, hoặc không. Nên có thêm nhiều phụ nữ làm phim; tôi nghĩ là chưa có một ý thức là việc này thực ra có thể làm được. Đúng là ta có thể làm được." (TD, 03/2010) 

Ghi chú:

(*) Xem toàn bộ phim mục của Kathryn Bigelow tại http://hcl.harvard.edu/hfa/films/2009julsep/bigelow.html
(**) Những câu trả lời phỏng vấn của Kathryn Bigelow trích dẫn trong bài lấy từ Web link tại http://www.imdb.com/name/nm0000941/bio

thehurtlocker_0_600x344_1

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 95079)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85293)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89873)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90929)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 81575)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 104174)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 84698)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 197066)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 88165)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 118812)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ