- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THI SĨ NGUYỄN CHÍ-TRUNG VÀ PHỐ KIA HÀ NỘI

05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 4193)

chan dung 3- thi si NCT
Chân dung Thi sĩ Nguyễn Chí Trung



THI SĨ NGUYỄN CHÍ-TRUNG VÀ PHỐ KIA HÀ NỘI



Thi sĩ NGUYỄN CHÍ TRUNG

NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.

NCT bắt đầu viết lúc khoảng 13, 14 tuổi và viết liên tục đến ngày hôm nay (2024). Năm 1996 NCT đã chấm dứt việc làm với tư cách tiến sĩ kỹ sư để chỉ còn làm việc văn chương & nghệ thuật. Ông đã viết trên 50 tập Thơ trong hai ngôn ngữ Đức và Việt. Và ông đã dịch những Thi Sĩ quan trọng của Thi Ca thế giới ra Việt ngữ như Hölderlin, Shakespeare, Dickinson, Rimbaud, Leopardi, Baudelaire, Pessoa, Kavafis, Porchia, Trakl, Montale, Khayyam, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu và Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du ... Ông đã hủy bỏ hết những tiểu luận, phê bình văn hóa, chỉ giữ lại những thư trao đổi với các bạn VN như Bùi Giáng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Hoàng Cầm, Thái Bá Vân … Đôi khi ông vẽ và làm Thư Pháp (Calligraphy).

Những năm đầu của phong trào người VN di tản và định cư ở USA, Canada, Pháp … ông có cho phổ biến một số Thơ trên các tạp chí văn học nghệ thuật, trong đó có cả Hợp Lưu.

Trước năm 2003 chỉ trừ những người bạn VN nêu tên trên đây biết, thì ông làm việc trong im lặng, không ồn ào, Năm 2003 thi đàn thế giới khám phá ra Thơ NCT. Từ đó cho đến nay 21 năm ông đã được mời đi dự các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế - International Poetry Festival – từ Đông sang Tây, Bắc xuống Nam địa cầu. Tại những ĐH ấy ông đã đọc Thơ Lục Bát của mình trong ngôn ngữ Việt Nam. Khán thính giả theo dõi bản dịch ra ngôn ngữ của quốc gia đó.

Ông đã từ chối những giải thưởng văn học dự định trao cho ông, và ông cũng hạn chế những cuộc phỏng ván. Ông ít giao thiệp với văn giới VN. Thơ NCT đã phổ biến trên những tạp chí (in trên giấy và online) khắp nơi, nhiều nhất là ở châu Mỹ La Tinh. Đài Phát Thanh của Thi Sĩ – Radio del Poeta CALIDOSCOPIO – Musica y Poesia del Mundo – Âm Nhạc và Thi Ca thế giới đọc Thơ NCT đều đặn trong bản dịch tiếng TBN.

Năm 1996 NCT xuất bản ở Hà Nội (nxb Văn Học) tập "THI CA“ và năm sau 1997 tập "THI CA NGOẠI TẬP“. Cùng năm ấy ở SG nxb Trẻ đã xuất bản tuyển tập Thơ "SƯƠNG MÙ VÀ NGỰA HỒNG“. Năm 2013 NCT cho xuất bản ở Saigon một bộ Thơ gồm 7 tập với tựa đề chung là "BẢY LỜI“. Năm 2014 nxb Trẻ ấn hành tập "NGUYỄN DU - Thơ Chữ Hán – bản dịch Lục Bát của NCT“.

Thơ NCT đã được xuất bản trong những ngôn ngữ như tiếng Ý (4 tập), Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và được dịch ra những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Thụy Điển, tiếng Hindi, Ả Rạp và tiếng Serbia.






 

 

NGUYỄN CHÍ-TRUNG
PHỐ KIA HÀ NỘI
Một Bài Thơ Bi Thảm


1
Phố kia Hà Nội ôi chao
Một lần ta đến để trao gửi Lời
Một lần ta đến tìm Người
Một lần ta đến nhìn trời, nhìn quanh
Phố kia chừng quá mong manh
Tiếng người từ cõi, phong phanh gọi về
Mười nghìn cây số lê thê
Ta về mê nốt cơn mê cuối cùng


2
Phố kia hất hủi tận cùng
Âm thầm nhỏ lệ vào vùng chiêm bao
Ta đi mang một lời chào
Người không muốn nhận ta trao gửi trời
Ta nằm chừng muốn tắt hơi
Tìm đâu hơi thở của người cho ta ?
Trong giòng lệ chảy nhạt nhòa
Chiếc giường tàn lạnh thôi là nơi chôn


3
Phố kia từ chối nụ hôn
Mà ta ấp ủ từ hôm Mới Đầu
Ta ôm ta giữ từ lâu
Bao giờ gặp gỡ Nụ Sầu thành hoa
Nhiều năm ta mãi xót xa
Đợi người qua suốt miền xa cõi gần
Hồn ta ta đã lột trần
Trên bao trang giấy vô ngần khổ đau


4
Phố ơi ta chỉ muốn giao
Một Bài Thơ, nếu Mai Sau có còn
Một vài câu, nếu mỏi mòn
Một hơi Thơ thoảng qua hồn dân gian
Ta đi vất vả gian nan
Qua bao nhiêu cõi trần gian ta về
Phi trường kẻ đến người đi
Đứng yên, chỉ một não nề dâng lên


5
Phố kia cố ý đắp lên
Một niềm hời hợt, để quên chính mình
Chẳng ai sống với lòng mình
Mà không giãy chết trong tình huống xưa
Ta về tìm lại xa xưa
Trong lòng tự hỏi người chưa mất người ?
Phố kia cổ độ mất rồi ?
Hay là đang mất trong thời điêu linh


6
Phố kia lẳng lặng làm thinh
Dù ta đã tỏ mối tình thâm sâu
Tình ta bao xiết thảm sầu
Hồn ta ? đừng nói còn đâu là hồn !
Hồn ta mang quá nỗi buồn
Hồn ta ta đã đem chôn mấy lần
Hồn ta đau khổ vô ngần
Dù trần gian ấy đâu cần khổ đau !


7
Phố kia sắp mất về đâu ?
Tìm nhau, hay chẳng tìm nhau làm gì ?
Tìm nhau, ấy để đền nghì ?
Trong thời thối rữa trong kỳ trầm luân
Gọi người trời đất bâng khuâng
Hồ Gươm mệt mỏi sương dâng thềm sầu
Gọi người tiếng vọng còn lâu
Cách nhau con phố mà đâu thấy người


8
Phố kia chừng đã xa rồi
Ta ôm mặt khóc nhớ thời chưa sinh
Bây giờ ta hiện nguyên hình
Là hơi gió thoảng nhớ bình nguyên xưa
Bây giờ người vẫn còn chưa
Đáp vào Lời Hỏi ta đưa Thuở Đầu
Hồn người giờ sắp đổi màu
Còn ta ? Ta đã từ lâu chôn vùi


9
Phố kia đen thủi đen thui
Lang thang như chó ta thui thủi về
Ta về trong một cơn mê
Tìm người, ta muốn tìm Quê Hương nào
Tìm người, chỉ để mà trao
Một lời trang trọng gửi nhau tấm lòng
Rằng không, cũng chẳng là không
Vì Tâm kia đã bao dung Cõi Trần


10
Phố kia Hà Nội mờ dần
Ta thương ta xót bội phần ta yêu
Tuy lòng Phố Huế tiêu điều
Ta thương ta xót ta yêu vô cùng
Em ơi ngõ đến đường cùng
Dẫn ta em dẫn đến vùng đau thương
Về đây, đường chẳng còn đường
Về đây đối diện bức tường hư không


11
Phố kia bạc bẽo như lòng ?
Ta lêu bêu giữa những giòng lêu bêu ?
Ta ôm hình bóng đuổi đeo
Vì tim đã một lần gieo cho người !
Rằng ta có hẹn với người
Mà trong khoảnh khắc tiếng cười thiên thu
Dường như trong cuộc hư phù
Tình Yêu là tiếng mùa thu thở dài ?


12
Phố kia Hà Nội và ai
Tìm người hay muốn tìm Mai thay người ?
Tìm người ta đánh mất đời
Về trong xứ sở, ta rời Quê Chung
Ba mươi sáu phố, đường cùng
Tìm người, ta quyết là không gặp người
Trong thư tuyệt mệnh là Lời
Mai sau, nếu có, nhắc người ngày nay


13
Phố kia Hà Nội dằng dai
Quên nhau ? Mà vẫn mong ngày gặp nhau !
Đã từ bỏ được nhau đâu
Mà toan tính chuyện gieo sầu cho thêm !
Đã là có nợ và duyên
Làm sao thoát được kiếp tiền định kia
Đã đành trong Gặp có Lìa
Mà lòng nếu giữ, ai chia được lòng ?


14
Phố kia đêm xuống trống không
Đèn vàng nhỏ giọt mênh mông cõi mờ
Bờ Hồ cây liễu lặng lờ
Bờ Hồ ta cũng lặng lờ như cây
Ăn mày ngửa nón đưa tay
Còn ta, ta mở lòng này để « xin »
Chung quy một cuộc hiện sinh
Nhìn nhau thăm thẳm có nhìn nhận ra ?


15
Phố kia tàn lạnh trên da
Quay lưng lạnh nhạt để ta đứng chờ
Lạc loài trong phố hàng giờ
Tàn cây, gió cũ hững hờ bỏ nhau
Biết người giờ đã về đâu ?
Thân người người muốn vùi sâu vào đời
Linh hồn người cũng muốn rời
Vì ta, người chẳng chia đời cùng ta ?


16
Phố kia người bỏ đi xa
Ta lang thang kiếm làm ma phố dài
Quẩn quanh lên xuống Hàng Bài
Lặng nhìn Phố Huế mưa dài trên lưng
Ôi ta chẳng thể nào đừng
Dù người lạnh nhạt dửng dưng như người
Và ta cũng chẳng thể rời
Ôm tàn Mộng Cũ tìm người để trao


17
Hoàng Lan gió lá xạc xào
Đêm sâu nhà khách ta vào cơn mơ
« Quả rằng người chẳng thờ ơ
Quả rằng người chẳng hững hờ với ta
Gần nhau tim máu nhạt nhòa
Phải đâu thể xác mà là thương yêu »
Ngoài kia phố xá tiêu điều
Nghe chừng thế giới còn đìu hiu hơn


18
Phố kia Hà Nội trống trơn
Niềm cô độc ấy đã sờn trái tim
Đi tìm ta vẫn đi tìm
Vì hồn ta lạc qua miền dương gian
Những ngày tháng ấy mênh mang
Những đêm tháng ấy ngỡ ngàng là đêm
Ta đi mãi chẳng đến thềm
Bốn nghìn năm lạnh xương mềm trong thân


19
Phố kia Hà Nội thật gần
Gần nhau cũng chỉ để dần dã nhau
Phố dài còn biết đi đâu
Đi đâu ta cũng mang sầu đi theo
Trần Gian ta mãi đuổi đeo
Về qua Mặt Đất ta gieo vài vần
Mai sau ai có đến gần
Là Người ta kiếm suốt Trần Gian kia


20
Phố kia Văn Miếu dựng bia
Tưởng người danh sĩ đã lìa dương gian
Mù mù ta đứng ngỡ ngàng
Rồi ra chung cục vài hàng còn ghi ?
Phố ơi ta nhận Chia Ly
Trần gian giã biệt ôm ghì ta ôm
Tim ta muốn giữ Nụ Hôn
Lên Lòng Mặt Đất Chiều Hôm Tạ Tàn


21
Phố ơi ta quá đa mang ?
Hay hồn ta quá mênh mang nỗi sầu ?
Sao ta phải viết mãi câu ?
Vì ta phải chuyển nỗi sầu vào Thơ ?
Để ta giãy chết từng giờ
Từng ngày từng tháng từng tờ viết ra
Đem tim yêu mãi người ta
Mà đau khổ ấy lại là niềm riêng


22
Phố kia chạy trốn não phiền
Ngờ đâu lại đến diện tiền hư vô
Ngờ đâu quyết định hồ đồ
Đem thân tiên nữ làm mồ Thi Nhân
Tránh ta đi, chớ đến gần
Trốn ta, em hãy bội phần ra đi
Bỏ ta, em cứ vu qui
Lìa ta, em hãy chia ly trong Lời


23
Phố kia Hà Nội là nơi
Ta về thở hắt một hơi cuối cùng
Ta về Cái Chết trùng phùng
Tình Yêu ta đặt vào lòng phố xưa
Ta về tìm lại cơn mưa
Để yêu giọt nước mới vừa rơi ngang
Ta về nhận nỗi bẽ bàng
Để yêu người, để cưu mang mối tình


24
Phố kia Hà Nội lặng thinh
Âm u mái ngói rêu xanh bờ tường
Vỉa hè rác rưởi đường mương
Một giòng Thơ, nỗi thê lương qua đời
Trong con ngõ tối đen thui
Cửa im lìm đóng, chờ người mở ra
Mở tôi cánh cửa, tôi qua
Nhận cho tôi một xót xa Thơ này


25
Phố kia Hà Nội mình dây
Cho tôi vào để đọa đầy hồn tôi
Cho tôi giây phút thế thôi
Dù tôi muốn ngủ một đời trong em
Em ơi da trắng thịt mềm
Đưa ta qua khỏi cõi miền khổ đau ?
Nhưng ta chẳng biết làm sao
Để mà sống được mai sau mỗi ngày ?


26
Phố kia Hà Nội mệt nhoài
Bây giờ nhan sắc tàn phai lắm rồi
Bây giờ tuổi tác lôi thôi
Quầng thâm đã thẫm một đôi mắt người
Bây giờ nửa khóe miệng cười
Nửa kia còn mếu cuộc đời không vui
Bây giờ, nếu có ngậm ngùi
Thì ta có lẽ đã vùi lãng quên


27
Phố kia Hà Nội lênh đênh
Mưa xuân ảm đạm bấp bênh phận người
Hồ Tây chỉ một màu trời
Gió mùa đông bắc qua đời thê lương
Để ta lạc lõng giữa đường
Để ta giữ chặt yêu thương trong lòng
Để ta đi đến tận cùng
Để ta ngạt thở giữa giòng cô đơn


28
Phố ơi lòng em đã sờn ?
Còn ta giữ lấy tủi hờn làm riêng
Sông Hồng giòng đổ nghiêng nghiêng
Chan hòa ngập lụt xuống miền máu tim
Đi tìm, ta vẫn đi tìm
Qua ngày suốt đến tận đêm không ngừng
Phố phường dẫm nát bàn chân
Thấy ai đó cũng tần ngần là Ai


29
Bây giờ đào nhớ cành mai
Mùa xuân xứ Bắc gió dài vào Nam
Vì người, phải chịu cho cam ?
Vì ta đã quyết đem giam hồn mình ?
Phố ơi em cứ lặng thinh
Như thành quách đó đã thành thiên thu
Như không gian đã sương mù
Như tuổi thơ đã âm u qua đời


30
Phố ơi em cứ nặng lời
Trách ta là chẳng buông rời em ra
Vâng, ta làm mãi bóng ma
Đè lên tâm thức chính ta và người
Lang thang dẫn bước qua đời
Giữa đường bỗng bắt gặp Lời Hư Vô
Lẽ đâu đem xuống đáy mồ
Lời dù để lại, cơ hồ cũng không


31
Phố ơi em cứ đi rong
Đi lên đi xuống đi vòng đi ngang
Chẳng gì đâu là muộn màng
Riêng phần thống khổ vài hàng ta ghi
Đường ngang ngõ dọc ta đi
Có đâu chắc đã là vì ai đâu ?
Một người đầu phố buồn rầu
Mà người cuối phố dãi dầu cho chăng ?


32
Phố ơi hãy tự hỏi rằng
Võng sầu ai đã đem giăng cõi trần ?
Ai vào nằm cội cô thân ?
Và ai trơ trọi, ai trần truồng hơn ?
Ai về tìm kiếm cuộc cơn ?
Và ai nước mắt đã gờn gợn xa ?
Ai về tìm lại Quê Nhà ?
Mà trong mất hút biết là tìm đâu


33
Phố ơi em có nỗi sầu ?
Nếu không có, thì mai sau không chừng
Bao giờ em biết bâng khuâng
Bấy giờ em sẽ đến gần khổ đau
Bấy giờ, sẽ mãi mai sau
Bấy giờ, ta chẳng còn đâu ở đời
Có còn chăng, chỉ là Lời
Mối Tình xưa cũ cho Người và em


34
Phố kia Hà Nội vào đêm
Giòng bi thảm ấy sao đem tặng Người ?
Phần riêng thì đã xong rồi ?
Phần chung ta vẫn chưa rời bỏ ra ?
Phố ơi ta muốn đi qua
Dù rằng để lại xót xa một vài
Đời ta ngắn mà phố dài
Mất ta, phố chẳng đoái hoài đến ta


35
Phố ơi gần thế mà xa
Có nghe chăng được âm ba thảm sầu
Ta về viết mỗi một câu
Cho ba mươi sáu năm dầu dãi đi
Ta về tìm phố cũng vì
Tình yêu ta muốn đền nghì thế thôi
Tình ta giòng cuốn mãi trôi
Tìm người gửi, trước khi hơi thở tàn


36
Phố ơi thôi sẽ muộn màng
Linh hồn ta đã điêu tàn mang theo
Ấy là Vần Cũ còn gieo
Ấy là tài mệnh còn đeo đuổi cùng
Phố ôi thôi nhé trùng phùng
Là Mai Sau ở trong vùng Chiêm Bao
Phố ôi vĩnh biệt Lời Chào
Rồi ra trống vắng gió gào trong không


16. – 23.03. 1995
(trích “Đìu Hiu”)
(Bảy Lời – Lời 6)

Nguyễn Chí Trung



PHỐ KIA HÀ NỘI
- thơ Nguyễn Chí Trung- giọng đọc Vũ Tuyết Mai



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 7680)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
03 Tháng Mười Một 202410:25 CH(Xem: 382)
Trăng về kịp đêm nay / Nghe em hát tình ca / Bằng ngón tay chờ đợi / Lưng đêm mỏi rã rời
02 Tháng Mười Một 20244:14 CH(Xem: 883)
Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không? Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.
02 Tháng Mười Một 20241:29 SA(Xem: 814)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tính cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. - Bạt Xứ
02 Tháng Mười Một 202412:22 SA(Xem: 954)
Đối với người Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, nhắc đến phở là tự nhiên nước miếng tứa ra. Đi ra nước ngoài, người Việt chỉ mong chóng trở về, ào ra quán phở gần nhà gọi tô phở nóng thưởng thức bù lại những ngày nhớ quê hương.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 695)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
01 Tháng Mười Một 202411:40 CH(Xem: 908)
“Lịch sử của các nỗ lực của tôi để xuất bản sách The Memoirs of Phạm Duy, giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô – là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?” [ trích dẫn email của TS Eric Henry, gửi Ngô Thế Vinh ngày 04/05/2022 ]
01 Tháng Mười Một 202410:05 CH(Xem: 993)
Mùa ngâu tháng Bảy! / Anh đi xa, năm nào / Ngày Cali buồn, chẳng có mưa ngâu, / chỉ ướt nhoè, nước mắt em / khóc anh ngày ấy!
29 Tháng Mười 202411:53 CH(Xem: 1611)
Em còn đó không? / Bờ Tây Thái Bình. / Muôn trùng xa cách! / Vẫn hoài đợi mong? / ** Em còn đó không? / Anh nay phương trời. / Ôm đầy nỗi nhớ! / Xa vời vợi trông. /
23 Tháng Mười 202411:04 CH(Xem: 1174)
The week - from October 16th to 20th, 2024, the largest book fair in the world will take plac: the book fair in Frankfurt, Germany. This year the theme of the book fair is: the country Italy, especially with its great culture and literature. The southern Italian publisher SECOP Edizioni is presenting, among other books, one of my poems in a special volume of poetry in a quadrolingual edition - Italian - Vietnamese - German and English. The title of the long poem is "CASA MIA - NHÀ TÔI - MEIN ZUHAUS - MY HOME"