- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÁC PHẨM CÒN LẠI

02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 4043)

 

tranh NGUYEN DINH THUAN
Tranh Nguyễn Đình Thuần

 

TÁC PHẨM CÒN LẠI

Truyện ngắn của Nguyễn Trường

 

 

Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn.

Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh. Có lần ngà ngà hơi men anh nói:

- Giới phê bình văn học có nhắc đến tôi không, bạn?” - tôi kém anh hơn một con giáp, là bạn vong niên? Tôi động viên anh:

- Đến như Nam Cao mà thời đó người ta làm tuyển tập còn quên, sau này Nam Cao lừng lững hơn cả những người trong tuyển tập, cũng là chuyện bình thường.

Anh nhìn tôi trìu mến, càng thân thiết hơn. Nhiều khi tôi tự vấn mình, tại sao không nói thật, góp ý những hạn chế của anh, để cùng tiến bộ? Nhưng như ta đã biết, con người có định kiến “Văn mình vợ người”. Chơi với nhau đã gần chục năm, tôi chưa một lần nói thật với anh, sợ anh giận, có khi không chơi với mình. Ngay trên Facebook bây giờ, tút của bạn mà có người nào vào chê không khéo bạn cho họ out liền. Mấy năm sau nữa, Nguyễn Anh đã có 70 tiểu thuyết, có cuốn chia làm bộ ba bốn tập dày cộp, nếu cầm không khéo, làm rớt sẽ dập ngón chân. Bởi thế anh mạnh dạn làm đơn xin vào Hội nhà văn. Có lẽ anh nghĩ, vào được cái hội nghề nghiệp này người ta mới công nhận tư cách nhà văn. Nhưng đơn gửi đi, hồ sơ nộp đủ mà mấy năm anh vẫn không qua nổi Hội đồng văn xuôi.

Hồi trẻ anh làm bên vô tuyến điện, kiến thức học ở Liên Xô về. Thời gian rảnh anh sáng tác thơ. Anh cũng đã có nhiều bài thơ đăng trên báo trung ương và địa phương. Thơ của anh theo trường phái “tự nhiên”: không cầu kỳ, không có thi pháp mới lạ. Tuy nhiên thơ của anh lẫn trong “dàn đồng ca” văn vần gắn nhãn thơ vô cùng đông đảo, như “lạm phát” trong dòng thơ của cả nước. Sau này về hưu anh mới có nhiều thời gian viết văn xuôi.

Lúc gia đình tôi chuyển về thành phố, phải ở nhà thuê; Nguyễn Anh nói với tôi “Bạn có mua nhà không, tôi có căn nhà trong hẻm bỏ không, cũng rộng rãi. Ở chỗ này tôi làm ăn rất hên nên mới có tiền mua ngôi biệt thự như bạn thấy đó”. Tôi muốn an cư lạc nghiệp nên đồng ý liền. Anh nói thêm, tuy nhà trong hẻm nhưng người ta đang làm bờ kè kinh Nhiêu Lộc, con đường được trải nhựa, có công viên ven bờ kinh chạy gần đến nhà, vì thế tương lai nó không còn nằm trong con hẻm sâu nữa. Anh nói, giá căn nhà 36 lượng vàng SJC. Tôi với anh quá thân nhau, trả giá thì nể quá nên đồng ý với giá anh đưa ra. Tôi có ngôi nhà ở Long An bán cũng được đúng 36 cây. Con gái anh làm nghề kinh doanh sách, ở căn nhà này, cháu ăn nên làm ra bằng mua bán sách; tôi đang làm việc ở nhà xuất bản, có thể lại ăn nên làm ra chăng? Việc mua bán nhà thuận lợi. Có điều lạ là căn nhà lại đứng tên con gái anh. Cháu vừa ly dị chồng. Lúc bàn giao nhà thấy đồ đạc không còn vật gì ngoài tủ kiếng chưng ở phòng khách, nó ngăn tầng dưới thành hai phòng, bên ngoài là phòng tiếp khách, bên trong là phòng ngủ, rồi đến gian bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh. Nhà có một gác xép, có thể ngăn làm hai phòng ở. Chiếc cầu thàng ọp ẹp, khi lên xuống gây ra tiếng kêu cót két.

Tiền bạc giao xong, giấy tờ đã hoàn tất, chúng tôi dự định làm bữa tiệc mời vợ chồng anh và cháu Thanh đến tân gia, nhưng vợ anh từ chối. Một bữa chị đến chơi nhìn chiếc tủ đứng một lúc, chép miệng: “Chiếc tủ này còn đẹp mà chúng tôi chưa kịp chuyển đi. Cô chú muốn dùng thì trả cho chị hai triệu nữa”. Tôi hơi bất ngờ. Khi vợ anh đi rồi, bà hàng xóm vừa chứng kiến, nói: “Người ta bán nhà, thường để lại một vật dụng gì đó làm kỷ niệm với chủ mới. Chiếc tủ này đã lạc hậu, do nặng quá mà bả không khiêng đi chứ báu gì. Nếu thế anh chị trả lại cho bả, tiếc của thì đến mà khiêng về”. Nhà văn với nhau nên không có suy nghĩ so đo vài triệu bạc, tôi lập tức trả tiền cho chị.

Nhà anh đang ở là ngôi biệt thự hiện đại, hai tầng, hình khối cân đối, không gian, màu tươi sáng. Khu sân vườn rộng rải, rợp bóng cây xanh. Trên hồ nước nuôi cá cảnh xây nhà thủy tạ xinh xắn. Suối nước ngày đêm tuôn róc rách xuống mặt hồ nở trắng hoa sen. Thấy bóng người, hàng đàn cá xô đến, vùng vẫy bắn nước tung tóe. Đủ loại cá vàng, trắng, đỏ, nhào lộn, đùa dỡn. Tôi với anh thường ngồi trong nhà thủy tạ mát mẻ, thưởng thức hương dìu dịu của hoa sen, nghe âm thanh vui tai của suối nước, lai rai với nhau. Anh thích rượu whisky, loại Johnnie walker black laber, chai màu đen. Anh giảng giải loại rượu này có lịch sử 200 năm, chứng chỉ Hoàng gia Anh. Rồi chỉ vào bốn con số 8 in trên chai anh cho biết, trên thế giới chỉ có tám ngàn tám trăm tám mươi tám chai thôi nhé. Vậy mà nhà anh có một chai nên cực quý. Rượu nhắm với cá hồi sashimi, tôm chiên, mực hấp. Anh thích uống rượu nguyên chất, ly nhỏ, miệng thắt lại, làm rượu ít bay hơi, giữ được hương vị. Rượu uống quan trọng là không gian và người đối ẩm. Nhấp rượu qua đầu lưỡi đã thấy sự nồng nàn, mạnh mẽ, đến từ sự lên men của ngũ cốc và mạch nha, hương vị khói than bùn khô được tích tụ từ những khu rừng nguyên sinh, hương thơm từ gỗ sồi cổ thụ... Có hơi men, anh mời tôi lên phòng văn của anh. Căn phòng rộng trên lầu hai, bàn ghế, tủ, máy tính, máy in laser... có đủ, lúc bấy giờ được xem là rất hiện đại. Sách của anh chưng trong tủ kiến lộng lẫy như gian phòng triển lãm của nhà nước. Lạ là sách tham khảo của anh rất ít, có lẽ anh ít đọc sách, thời gian còn lại anh dành cho sáng tác. Tôi tò mò hỏi:

- Anh viết bằng bút hay viết trên máy tính?

- Viết trên máy tính mới nhanh được như thế chứ - anh hồn nhiên trả lời trong khi anh gõ máy tính chỉ bằng hai ngón tay, như cò mỗ tép. Viết như thế thì nhanh thế nào được mà hai tháng đã xong bộ tiểu thuyết dày cộp. Tôi hỏi:

-Anh khi đánh máy xong anh lưu vào ổ địa nào?

Lúng túng một lát, anh thú thực: con gái thuê một cô đánh máy cực nhanh, học đại học Tổng hợp khoa văn học, nên biết sửa lại những câu văn chưa hoàn chỉnh. Anh đứng chắp tay sau đít đi qua đi lại đọc cho người đánh máy. Anh có tài  tưởng tượng ra cốt truyện hấp dẫn, nhân vật chính thuộc gia đình giàu có, sang trọng, ở nhà biệt thự, đi xe hơi, ăn mặc sang chảnh. Nhân vật nữ phải đẹp, thuộc loại tiểu thư lá ngọc cành vàng. Đối tượng đọc sách loại tình cảm xã hội thường là người nghèo, lớp bình dân thường hướng ánh mắt lên cao, ao ước cuộc sống của tầng lớp giàu có; bởi thế chuyện về các anh chị con nhà “quý tộc” bao giờ cũng hấp dẫn, cũng lấy nước mắt của độc giả. Sách của anh ăn khách. Có dạo anh viết tiểu thuyết loại mỏng, in khổ nhỏ dành cho lứa tuổi teen. Câu chuyện xoanh quanh các em tuổi chừng 14, 15, chưa thành người lớn mà cũng không còn trẻ con, tuổi này thường mơ mộng, ranh giới mơ màng giữa tình bạn và tình yêu... Hầu như cuốn nào cũng chỉ có thế, nhưng bán chạy, có cuốn in hàng trăm ngàn bản, con anh giàu lên nhờ sách của cha.

¶¶


Chúng tôi ngà ngà say bởi loại rượu nguyên chất, phát ngôn vung vít, coi trời bằng bàn tay. Các nhà văn đoạt giải Nobel trên thế giới cũng là nhải nhép nhé. Anh nhìn vào mắt tôi:

- Bạn nói thiệt đi, mình có hơn 70 đầu sách, có cuốn tái bản đến ba lần, với độ dày chất cao bằng đầu người, tại sao  họ vẫn không kết nạp tôi vào Hội?

Rượu khiến tôi buột miệng:

- Vì họ cho rằng anh viết văn để kiếm tiền. Tiểu thuyết của anh chỉ đọc tên lên là biết loại tình cảm xã hội như: “Tình cuối”, “Sang ngang”, “Hai nửa trái tim”. .. Chỉ dành cho mấy em mới lớn lười suy nghĩ, mấy bà mấy cô bán vải, bán tạp hóa ở chợ, lúc rảnh rỗi đọc để giải trí.

Tôi vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh liền trao cho anh, hy vọng anh tỉnh ra và tiến bộ:

- Anh đọc cuốn này sẽ thấy anh Khánh đầu tư cho nó rất nhiều.

Hôm sau anh gọi cho tôi:

- Mình đọc xong cuốn Hồ Quý Ly rồi, văn chương không mùi mẫn, lại nhồi nhét quá nhiều thứ, đọc xong, mệt rã rời.

Tôi cố gắng thuyết phục anh:

-Tác giả hiểu rất sâu về lịch sử, kinh dịch, chữ Hán, Nôm; về các đạo như Phật, Lão, Nho... Lại có kiến thức uyên bác nên bình luận, kiến giải thuyết phục độc giả. Người đọc vừa thưởng thức áng văn chương tuyệt mỹ còn được nâng cao kiến thức. Một nhà văn lớn trên thế giới đã nói, muốn trở thành nhà văn, yêu cầu người viết phải “giàu”.

Anh lặng đi một lúc, rồi tắt máy làm tôi cảm thấy mình có lỗi. Tôi đến nhà anh, đều nghe vợ con anh nói anh không có nhà. Mấy năm sau, tôi mua được mảnh đất khá rộng ở ngoại thành. Tôi bán căn nhà nói trên, tiền nhiều nhưng tính ra cũng chỉ được 36 cây vàng. Ở tận huyện Nhà Bè, tôi ít đến nhà anh chơi.

Tôi được điều ra Hà Nội công tác nên giữa anh và tôi càng ít liên lạc. Bẵng đi một thời gian tôi nghe nhà báo về hưu Thành An, có bà con xa với anh nói lại, anh đã bán ngôi biệt thự ở quận Nhất. Có lẽ anh đã lớn tuổi, không kiếm ra tiền thì bán ngôi biệt thự to đùng, thuê căn nhà nhỏ, còn lại khoản tiền khá lớn để chi tiêu lúc tuổi già chăng?

Về Sài Gòn, tôi lập tức đến thăm anh trong phòng trọ cuối con hẻm nhỏ chỉ vừa chiếc xe máy đi lọt. Tôi chạnh lòng, thật thà hỏi:

-Làm sao đủ chỗ cho chị và cháu?

Anh hất hàm:

- Bả với con gái ở một nơi, tôi ở một nơi, khỏi vướng bận, còn có thời gian mà đọc sách phục vụ sáng tác.

Khắp phòng của anh, toàn thấy sách là sách, sách Phật giáo, sách triết học, sách kinh điển... Dạo này anh đọc nhiều. Anh gầy, tóc bạc trắng, già đi gần chục tuổi; không còn nước da trắng hồng thư sinh. Cũng có thể do ăn uống thất thường, lại ở trong hẻm sâu, ít đi tập thể dục, ít vận động nên chân tay anh nhão nhoẹt, gầy trơ xương. Chỉ còn vầng trán cao, đôi mắt sáng nhưng buồn sâu thẳm là của ngày xưa. Anh hứng thú nói về triết học, từ “Siêu hình học”, đến “Chủ nghĩa tương đối”… Anh lướt qua “Chủ nghĩa hiện sinh”, “Chủ nghĩa thực dụng”... Về các trường phái văn học phương Tây. Anh tìm hiểu sâu về Hậu hiện đại, trong đó anh tỏ ra thích thi pháp hiện thực huyền ảo. Anh nói về tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez, “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn, “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami.... Nhưng hình như đầu óc anh có vấn đề, muốn dẫn chứng một tác giả, một nhân vật nào anh phải dừng lại cố nhớ, đa số anh nhớ mãi không ra. Có lúc bí từ anh chen tiếng Anh vào tiếng Việt, cứ như một người Việt kiều lâu năm mới trở về nước. Anh nói:

- Đúng là nhà văn rất cần kiến thức. Thời gian qua mình đọc rất nhiều sách để bù lại thời trẻ ít đọc, không có thời gian viết tiểu thuyết. Mình đang tập trung vào truyện ngắn, dự định giữa năm ra một tập truyện ngắn để nộp cho Hội Nhà văn.

Anh chưa thành công ở thể loại tiểu thuyết, thì nay có tập truyện ngắn tốt, hội đồng văn xuôi dễ chấp nhận hơn. Tôi động viên anh tập trung vào truyện ngắn.

Bẳng đi mấy năm, tập truyện ngắn của anh ra đời. Nó gồm 12 truyện. Anh gửi tặng tôi một cuốn. Tôi  thức gần sáng đêm đọc sách của anh. Tôi mừng cho anh, tuy truyện của anh chưa có gì sâu sắc, nhưng được cái văn anh mượt mà, anh kể rất chân thật về những người lao động nghèo khó trong hẻm anh ở nên thuyết phục được người xem. Tuy anh đọc khá nhiều sách triết nhưng trong các truyện của anh không thấy hơi hướng tư tưởng triết học. Tư tưởng triết học trong nghệ thuật bao giờ cũng ngân lên từ các cung bậc cảm xúc. Nó phải có thời gian ngấm vào máu, vào trong tình cảm của đời sống nhà văn, lẫn đâu đó trong mạch văn, như rượu đã được chưng cất, tự tỏa hương, có cố ý cũng không được. Tôi là người đầu tiên viết bài về tập truyện “Những người trong hẽm tối” của anh, in trên báo Văn nghệ. Chính tôi lặng lẽ đến từng vị trong Hội đồng văn xuôi tặng sách kèm tờ báo văn nghệ có bài bình luận và nói về sự nghiệp, kiến thức, cuộc sống của anh bây giờ.

Cuối năm, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn. Cũng chính tôi gọi điện báo tin cho anh sớm nhất. Anh cười ha hả, thừa nhận mình định kiến nặng rồi hứa ra Hà Nội, sẽ mời tôi đi uống whisky bên bờ hồ.

Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không thấy anh gọi. Tôi thì lu bu chuyện quản lý cơ quan nên cũng quên anh.

Một bữa tôi gặp Thành An ra Hà Nội, anh em ngồi uống bia với nhau. Nhắc đến nhà văn Nguyễn Anh, Thành An ngạc nhiên:

- Câu không biết chuyện gì à. Nguyễn Anh chết rồi!

Tôi bàng hoàng hỏi dồn:

-         Anh ấy bị làm sao? Sao không thấy báo nào đăng tin?

¶¶

Tôi ghi lại lời kể của nhà báo Thành An.

Hồi Nguyễn Anh học ở Liên Xô về, trắng trẻo, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, yêu đời, túi rủng rỉnh tiền. Một bữa dự đám giỗ nhà anh Thành An, Nguyễn Anh gặp người đàn bà khoảng 26 tuổi, hơi mập, nước da trắng hồng làm Thành An hơi ngạc nhiên vì thấy dạo này nước da chị ta có vẻ đẹp lên, cái cổ  cao hơn, có những đường gân xanh phập phồng. Chị có khuôn mặt tròn, ăn nói sắc sảo, đáo để, tên là Hà. Chuyện nở như ngô rang. Chị vừa ly dị chồng, đang buồn. Còn Nguyễn Anh mới ở nước ngoài về cũng đang khao khát tình cảm nên hai người bị “tiếng sét ái tình”. Thời gian sau chị Hà sinh cháu Thanh, hình như sinh non vì mới đến tháng thứ bảy. Con gái Nguyễn Anh lớn lên, có chồng sinh một con gái, anh được hạnh phúc làm ông ngoại.

Chồng Thanh là người Quảng ngãi, chủ một nhà sách lớn. Ở thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh sách, đa số là người Quảng Ngãi. Vợ chồng cháu Thanh lại cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Họ ly dị nhau, Thanh được chia  nửa tài sản, trong đó có một nhà sách ở trung tâm thành phố. Từ đó Thanh trở thành chủ nhà sách, cũng đi xin giấy phép các nhà xuất bản, mua bản thảo các tác giả, in ấn, phát hành. Nguyễn Anh bỗng trở thành  tác giả ăn khách một phần nhờ tài phát hành của con gái mình. Theo yêu cầu của Thanh, sách muốn bán được phải viết như thế nào, thị trường sách đang đòi hỏi viết ra sao. Nguyễn Anh viết suốt ngày đêm loại tiểu thuyết tình cảm xã hội để đáp ứng yêu cầu của con gái. Thường tiểu thuyết của anh có số lượng in lên đến 20 hoặc 30 ngàn  bản, lại sách tuổi teen có khi lên đến trên trăm ngàn bản. Giá bìa cao, số lượng in lớn, có khi tái bản nhiều lần, anh có thu nhập bạc tỷ mỗi tháng. Tuy vậy, tiền nhuận bút, Thanh có lúc đưa cho cha có lúc không, Nguyễn Anh không quan tâm. Nguyễn Anh trở thành con gà đẻ trứng vàng cho con gái mình.  Thanh tỏ ra chiều cha, đáp ứng cả rượu ngoại đắt tiền...

Theo suy đoán của tôi, có vẻ như đó là thời gian tôi đến nhà là anh kéo ra ngồi ngoài nhà thủy tạ nhậu lai rai. Một lần hai chúng tôi nhậu hơi nhiều, tôi không còn đủ tỉnh táo, đã dội một gáo nước lạnh vào đam mê của anh, làm anh bừng tỉnh. Nếu anh không làm đơn xin vào Hội Nhà văn, mấy năm không qua nổi Hội đồng văn xuôi, những lời góp ý của tôi không được anh quan tâm. Có thể tôi bỗng trở thành kẻ thù không đội trời chung của vợ con anh vì lý do tôi xui khôn xui dại anh, và cấm không cho anh chơi với tôi. Nhưng dù vợ con anh có làm mình làm mẩy với anh, anh vẫn không “bán linh hồn” cho loại văn học hàng chợ của con gái anh nữa. Anh đọc sách và quyết tâm “đào sâu suy nghĩ”, viết một cái gì đó lớn lao, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Những năm kinh tế thế giới suy trầm kéo theo kinh tế trong nước chững lại; internet, điện thoại thông minh xuất hiện, các mạng xã hội: facebook, Zalo, Tik Tok... chiếm lĩnh thời gian từ người trẻ đến người già cũng khiến văn hóa đọc thoái trào. Ngay cả loại tiểu thuyết tình cảm xã hội cũng không có người mua. Sách ế ẩm, hoàng loạt nhà sách phá sản, trong đó có cả nhà sách của Thanh.

Thanh bán nhà sách, về nằm bẹp ở nhà. Miệng ăn núi lở, chả mấy năm số vốn nhà sách của Thanh đã tiêu hết. Gia đình Nguyễn Anh lâm vào cảnh thiếu thốn. Kinh tế khó khăn, mâu thuẫn trong gia đình bộc lộ. Hà cho con gái biết cha của cô là ai. Bà sinh Thanh đủ chín tháng mười ngày chứ không phải sinh non. Khi người ta tuổi đã lớn, cái ham muốn sinh lý không còn, cái tình cũng hết, chỉ còn lại cái nghĩa. Nguyễn Anh với vợ hai cũng chẳng có nghĩa tình sâu đậm. Thanh bán ngôi biệt thự, mướn căn nhà nhỏ để ở, số tiền còn lại dùng để làm ăn. Nguyễn Anh thấy cũng hợp lý nên đồng ý. Lúc đầu họ thuê ở chung một nhà. Mấy tháng sau Hà thuê riêng cho Nguyễn Anh một phòng “Để ông yên tĩnh mà đọc sách, mà viết văn”. Nguyễn Anh nghe vợ nói cũng có lý. Tiền thuê nhà mấy tháng đầu con gái anh trả. Nhưng đến tháng thứ tư, chủ nhà đòi tiền Nguyễn Anh. Tiền bán ngôi biệt thự nằm trong tay Thanh. Nguyễn Anh trở nên trắng tay, chỉ còn đôi đồng tiền hưu trí ít ỏi. Đến lúc này họ mới lật bài ngửa với Nguyễn Anh: Thanh không phải là con ruột của anh. Có nghĩa là Nguyễn Anh với họ chẳng có bà con máu mủ gì. Nguyễn Anh cay đắng nhận ra cuộc đời mình còn éo le, nghịch cảnh hơn những nhân vật trong tiểu thuyết tình cảm xã hội của mình.

Tuổi già bao nhiêu bệnh tật sầm sập ập đến. Có tháng Nguyễn Anh nằm viện cả mấy chục ngày, không một người hỏi thăm. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả những lại thuốc nội rẻ tiền. Muốn khỏi bệnh phải dùng loại thuốc đắt tiền. Đang đau ốm anh xin ra viện, nằm bẹp một góc ở phòng trọ trong con hẻm tồi tàn, chờ chết. Lúc nào tỉnh táo Nguyễn Anh viết về nhân tình thế thái, viết về những cuộc đời khốn khó của kiếp người quanh phòng trọ của anh. Trong những truyện ngắn của Nguyễn Anh có sự thông cảm, có những giọt nước mắt chân thành sẻ chia, nó gần gũi với anh, nó là số kiếp của anh. Do đó, truyện ngắn của anh rất chân thật, rất sống động. Hình như anh không phải tưởng tượng, hư cấu nhiều. Đó là cô Trang chuyên làm nghề đứng đường, ban ngày ngủ, ban đêm phấn son lòe loẹt ra Huyền Trân Công chúa rước khách. Có bữa  tranh giành khách, bị đánh ghen mặt mày thâm tím. Đó là cô Thảo lượm ve chai, bịch mũ, cái xe đạp cũ kỹ lúc nào cũng chất lỉnh kỉnh những chai lọ, tấm bìa cát tông, bịch ni lon ... và người cô luôn bốc lên mùi chua nồng từ bãi rác. Đó là anh chàng sinh viên kiêm nghề chạy xe ôm kiếm sống để đi học... Tập truyện ngắn của anh được ghi nhận. Nguyễn Anh vào Hội Nhà văn từ chính tập truyện ngắn mỏng này.

Nỗi khổ của người già là lúc ốm đau không nơi nương tựa. Nhà văn già Nguyễn Anh chỉ còn đứa cháu, con ông bác là đồng ý đón anh về. Một chút máu đào hơn ao nước lã. Nhà văn gói gém đồ đạc là mấy thùng sách dọn về ở với đứa cháu. Nhưng cũng được mấy tháng, cháu dâu thấy chú ruột không có của cải, khinh ra mặt. Mấy lời hắt hủi là đủ khích tính tự ái nhà văn. Cùng đường, Nguyễn Anh đành phải liên hệ với Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh, xin vào ở Trung tâm bảo trợ xã hội mà ngày xưa gọi là “Trại tế bần”. Mặc cảm với hoàn cảnh của mình, nhà văn già không sinh hoạt với Hội văn nghệ địa phương, cũng không muốn tiếp xúc với ai. Ở đây toàn ông bà già neo đơn không nơi nương tựa. Bởi vậy họ gồm những người nghèo khổ, ít học. Những người trong trung tâm ngạc nhiên có một vị dáng trí thức, khuân về phòng hàng chồng sách, suốt ngày ngồi đọc, rồi viết, ít tiếp xúc với mọi người. Không ai biết đó là một nhà văn. Vào mùa dịch Covid lan nhanh. Những người trong trung tâm phần nhiều dính bệnh, ra đi trong lặng lẽ. Nhà văn Nguyễn Anh nhiễm Covid, nhiều bệnh nền nên không chống chọi được với thần chết. Người ta vội đưa ông đến nhà hỏa thiêu,  không người thân đưa tiễn, lặng lẽ như bao người dân chết trong mùa Covid. Cũng không một tờ báo đưa tin.

Sau mùa dich Covid tôi mới về quê đi tìm người thân của nhà văn Nguyễn Anh. Nhà văn xấu số chẳng để lại gì dù là một lọ tro cốt. Tôi ra ngồi bên bờ sông Mã ngắm dòng nước trôi xuôi. Đã bao thời gian dòng nước cứ cuồn cuộn đổ về hạ lưu như dòng đời của bao kiếp người. Cách đây nửa thế kỷ, cũng bên bờ sông Mã này, dòng sông chứng kiến giọng hò của các đôi trai gái đối đáp với nhau. Làng tôi thanh niên đã vào quân ngũ hầu hết, chỉ còn các ông già, nên các anh bộ đội ngoài khu Ba đến đóng quân là “mì chính cánh” với các cô gái làng. Nhất là các anh bộ đội lái xe chở đạn ra chiến trường. Tôi vẫn nhớ o Duyên làng tôi hò, tiếng cao vút ngân vang  trên dòng sông: “Hò ơ... Trên trời muôn vạn (mà...) vì  (ớ...) sao.../ Như lòng em với... anh nào (xe ...) lái xe... (ớ hò...)”. Các anh chàng khu Ba “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu” cất tiếng hò: “Hò ơ... Dại gì mà lấy (mà...) lái ( ớ...) xe/ Đi ba cây số... còn nghe ... mùi dầu...”. Càng về khuya câu hò càng thiết tha: “Đôi ta như đủa tre non/ Khen ai khéo vuốt đủa tròn nên đôi”. Tiếng anh bộ đội bắt nhịp: “Đôi ta như đủa tre già/ Khen ai khéo tiện đủa đà bằng đôi”... Sau này vào Nam, tôi đọc thơ của anh, nhận ra mấy câu thơ quen. Tôi hỏi anh. Anh khẳng định như đinh đóng cột đó là thơ của anh. Bây giờ bên dòng sông Mã tôi lại nghe giọng hò tha thiết của các cô gái, chàng trai: “ Hò ơ... Đôi ta như đủa tre non/ Khen ai khéo vuốt đã tròn một đôi”. Giọng hò mênh mang trôi trên dòng sông càng làm tôi da diết nhớ điệu hò thời chiến tranh. Hóa ra anh xuất bản gần trăm đầu sách, nhưng người đời chỉ nhớ vài câu thơ của anh mà không rõ tác giả.

¶¶

Sáng mùa thu Hà Nội, một cán bộ trung niên mang đến cơ quan tôi tập tài liệu viết tay. Tôi nhận ra ngay nét chữ nhà văn Nguyễn Anh.

- Đây là toàn bộ di cảo của Nguyễn Anh để lại Trung tâm bảo trợ xã hội. Sinh thời cụ nói viết để mua vui, giải tỏa. Tôi có đọc, rơi nước mắt và nhớ có lần ông tâm sự mình luôn nhớ người bạn vong niên làm giám đốc nhà xuất bản. Tôi lần mò tìm ra được ông và đến đây giao lại cho giám đốc bạn vong niên Nguyễn Anh...

Khỏi phải nói, tôi đọc ngấu nghiến hết bản thảo “Dưới đáy xã hội” chỉ trong một đêm. Lòng vô cùng xúc động bởi những trang Nguyễn Anh mô tả, đó là  một xã hội dưới đáy xã hội sao mà khổ, nhục, đau đớn nhưng đầy tình người. Phần Nguyễn Anh phê phán các thói hư tật xấu ở mọi miền quê, thị thành được viết hóm hỉnh, có vẻ đáng yêu nhưng sâu sắc như dao sắc cứa vào gan ruột... Tuy nhiên ông còn khoảng vài trang cuối cùng chưa hoàn thành thì đã phải từ biệt thế giới này. Trên nền xúc động của bản di cảo, tôi dễ dàng viết nốt hai trang cuối của cuốn tiểu thuyết mà mạch văn vẫn liền nhau, suông sẻ, khái quát được vấn đề mà cuốn tiểu thuyết đặt ra, cứ như Nguyễn Anh đưa đường chỉ lối cho tôi. Tôi giật mình vì Nguyễn Anh đã tìm ra một thi pháp mới, không phải hiện thực trần trụi, cũng không phải thi pháp huyền ảo mà ông đang say mê. Truyện sẽ hay hơn nếu sự sáng tạo không lệ thuộc vào thi pháp nào. Anh viết bằng tất cả niềm say mê và cảm xúc, chỉ sợ không hoàn thành nó trước khi trút hơi thở cuối cùng. Như ngọn đèn sắp tắt, bỗng sáng bừng lên.

Tôi giao phòng biên tập đánh máy, làm kế hoạch, lấy giấy phép xuất bản ngay. Số lượng in 1000 cuốn, cốt có 20 cuốn nộp lưu chiểu để tác phẩm được Nhà nước và các thư viện lưu giữ lâu dài. Bìa 4 tôi thuê họa sỹ nổi tiếng tìm in chân dung nhà văn Nguyễn Anh và chính tôi viết lời giới thiệu ngắn gọn về hoàn cảnh nhà văn Nguyễn Anh viết cuốn này trong Trung tâm bảo trợ xã hội quê nhà trước khi Covid 19 đưa ông về cõi vĩnh hằng. Riêng bản thảo được linh hồn đau khổ của ông cùng những sinh linh khổ đau tạo ra biển khổ giúp trôi nổi về nhà xuất bản.

Không ngờ cuốn tiểu thuyết “Dưới đáy xã hội” dày có 300 trang lại lay động trái tim độc giả. Sách bán rất chạy, làm xôn xao văn đàn cả nước, các báo lớn đưa  tin, rất nhiều bài bình về cuốn tiểu thuyết này in trên các tạp chí văn học. Tiền nhuận bút tôi báo cho vợ con Nguyễn Anh đến nhận vì dù gì họ đang là người thừa kế hợp pháp. Một sáng thứ hai, Thanh đến nhà xuất bản gặp tôi và nhận nhuận bút. Khi nhìn thấy số tiền khá lớn nước mắt cô bỗng tuôn rơi. Cô ôm mặt khóc một lúc mới nghẹn ngào nói:

-Cháu có lỗi với cha. Sinh thời cha rất thương cháu, hy sinh cả cuộc đời vì cháu, vậy mà do ích kỷ cháu đã đẩy cha vào đường cùng khốn khổ... 

Tôi phải động viên Thanh:

-Đó là số kiếp của cha cháu, có lẽ vì vậy mà cha cháu đã viết được tác phẩm để đời.

Thanh ngẩng lên, đôi mắt đỏ hoe:

-Chú ơi, cháu nhờ chú giúp cháu một việc. Chú chuyển toàn bộ số tiền này cho Trung tâm bảo trợ xã hội ở quê cha cháu, làm quỹ giúp người nghèo khó, đơn côi, đó cũng là đáp ứng tâm nguyện của cha cháu.

Năm sau cuốn “Dưới đáy xã hội” được một nhà xuất bản Hoa Kỳ dịch ra tiếng Anh, in ấn phát hành trên 17 nền tảng như Amazon, Apple... bán khắp thế giới. Bìa 4 có đoạn đánh giá sự nghiệp của Nguyễn Anh, tôi tạm dịch như sau: “Nhà văn Nguyễn Anh đã in 70 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn. Những gì nhà văn Nguyễn Anh viết trong  hơn 70 cuốn sách chỉ là chẩn bị tư tưởng nghệ thuật cho cuốn tiểu thuyết cuối cùng này; hay nói chính xác, ông là nhà văn chỉ có một tác phẩm văn chương nhưng vô cùng nổi tiếng”.

Nguyễn Trường

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười Hai 202410:04 CH(Xem: 1031)
Như một chiếc khăn vuông, tháng Chạp choàng lên đầu tôi. Buổi sớm / Sương trong vườn còn buốt / Cỏ trong vườn còn xanh / Đêm qua con chim ngói đầu cành / Bỏ quên tiếng hót /
29 Tháng Mười Một 20247:45 CH(Xem: 1089)
Khi sóng vào tay tôi / Biển đang đánh giấc thầm / Bữa trưa vàng dấu cát / Rồi bước chiều âm âm /
26 Tháng Mười Một 20244:38 CH(Xem: 1540)
Rồi ta lại chia tay / Nhánh sông khô đi và không về biển cả / Đêm, ôi dài sâu, lạnh lùng nỗi nhớ / Khoảng cách tưởng thật gần, nhưng / ta lại chia xa…/
23 Tháng Mười Một 20249:55 CH(Xem: 1394)
Phiêu du / gió lượn đỉnh trời / Bồng bềnh / mấy áng mây rời rã trôi / Thềm rêu quạnh quẽ / ai ngồi? Nghe chim buông vội / đôi lời trầm tư /
23 Tháng Mười Một 20249:28 CH(Xem: 1501)
Nhớ thời tóc rẽ đường ngôi thẳng / Sách vở tươi hồng cạnh bút nghiên / Nụ cười ai bỏ quên trên cỏ / Bên lối đi về mỗi sớm trưa
23 Tháng Mười Một 20249:16 CH(Xem: 1035)
mắt đời xanh mấy hàng tre / mà mưa đâu lại bập bè lạnh vây / nhà em chổ đợi bữa nay / mái tranh lợp gió trắng tay có gì
23 Tháng Mười Một 20248:51 CH(Xem: 1408)
Hình như không đợi đến lúc thật già, chỉ nhá nhem cái tuổi già già thì đã thấy lẩn thẩn cái chi đâu đó trong mắt người khác rồi. Tôi buôn bán ở chợ Qui Nhơn, anh bạn hàng của tôi hôm ghé hàng lấy đồ về cho vợ bán, anh ngồi mà than vãn. - Chắc anh điên mất vì bà vợ của anh. Hễ anh nói gà thì bả nói vịt. Anh nói cái chén thì bả nói cái xe. - Hì hì chuyện thường mà anh. Do giờ anh thay đổi nên thấy vậy đó chớ hồi xưa anh lắng nghe mà nuốt từng lời chị nói đó chớ.
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 1263)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
23 Tháng Mười Một 20246:44 CH(Xem: 1739)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. -(Bạt Xứ)
23 Tháng Mười Một 20246:25 CH(Xem: 1184)
Giật mình, ngồi bật dậy, tâm trí nửa tỉnh, nửa mê; tuy còn đang ngơ ngác bần thần, tôi vẫn nghe thoáng bên tai, âm điệu tiếng hát chơi bài lô tô: tìm mãi không ra ...nó chạy đâu xa...nó chạy đâu xa …tìm hoài mới ra ... là con số gì đây... con số gì đây, con số … hai mươi ba (23). Tôi lẩm bẩm: lại nằm mơ nữa rồi!