- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BUỔI SÁNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 3122)

Anh Dang Hien
Photo- Đặng Hiền



Thái Thanh

BUỔI SÁNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

 

 

Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu.

Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì  "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!!  Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút  "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.

Nhân đọc facebook của chị Hoàng Kim Chi phân tích về Người Cao Tuổi và Người Già khác nhau như thế nào. Đọc xong tui ngồi tủm tỉm mà cười một mình rồi ngẫm lại. Sao Người Cao tuổi dễ thương thế, có duyên thế còn Người Già thì ngược lại. Mình thuộc loại người không có duyên nhưng mình chỉ mới tới ngưỡng cửa của tuổi 60, mình tuy xí xọn nhưng đâu có khó chịu đâu, mình cười vui suốt ngày mình có cành nanh với ai đâu và ngoài cái thằng cháu ngoại mình, nó yêu thương ngoại ra, còn tất cả các đứa cháu kêu mình bằng cô ở nhà, lẫn mấy đứa cháu nơi buôn bán ở chợ... đứa nào cũng khoái mình nhất kia mà. Vậy mình thuộc loại Người Cao tuổi hay Người Già đây!? Thôi tự cho mình làm Người Cao Tuổi đi cho nó dễ thương một chút trong tháng năm còn lại của cuộc đời. Và buổi sáng của Người Cao Tuổi là tui hôm nay đây, tui kể nghe nha.

 

Ở quê tui Qui Nhơn đã vào mùa mưa, mưa liên tục suốt mấy ngày nhưng tui không bỏ đi tắm biển ngày nào. Tui bơi vẫy vùng dưới mưa, lợi dụng biển vắng người tui hét to, cười to giữa biển cho thỏa thích. Người Cao Tuổi thì lúc vui, lúc buồn... cũng có lúc tui ngồi bó gối ở ban công nghe nhạc, nhìn mưa, rồi buồn, rồi viết ít chữ quăng lên "phây" mà than thở cho đỡ buồn.

Sáng nay trời ngớt mưa hơn, biển đông người hơn mấy ngày qua nhiều. Mà cũng lạ, biển và sân tập zoga, tập thể dục nhìn chung đa phần là các bô lão người cao tuổi còn cái đám con cháu thanh thiếu niên nó lặn đâu mất không thấy đứa nào. Mà các bô lão đa phần là lão bà bà nhiều gấp đôi lão ông. Cái thành phần mà phải " Khỏe vì nước kiến thiết Quốc gia" ấy, tìm ít thấy.

Sau khi ngâm dưới Biển đã đời tui lên bờ vào nhà tắm dịch vụ để xả lại nước mặn, thay đồ khô rồi về. Hôm nay đông người nên dãy phòng tắm nữ đều kín phòng, tui cảm thấy hơi lạnh nên muốn tắm lại liền không thể chờ được.Tui nhìn qua khu vực của nam không có ai hết, bốn phòng trống trơn.Tui quyết định qua nam thôi, mình cao tuổi rồi ai mà để ý mình, mà mình ngán gì ai chứ, mấy mươi năm trôi qua đâu có lão nào cưa đổ mình và mình cũng đâu có làm cho ai rung động vì mình đâu chứ hì hì!!

Bên nam có phòng số 8 nước chảy mạnh nhất, sáng sủa nhất, lại không có gián (vì tui rất sợ gián) nên tui chọn phòng này, nhưng nghiệt nỗi cái chốt cửa của phòng số 8 lại bị chuyền điện, tui vừa sờ vào nó giật bắn tui lên, mấy ông tắm thì đâu cần chốt cửa.Tui nhìn quanh thấy chẳng có ai nên tui khép cửa lại nhưng không thể chốt cửa. Để cho chắc ăn tui thay bộ đồ tắm của mình ra rồi vắt lên trên thành cửa làm ám hiệu "ta là đàn bà con gái chính hiệu đây đừng có mà lại gần"!.Tui xả nước tắm thoải mái, chợt tui nghe ngoài cửa có tiếng lao xao của đàn ông, thôi tiêu rồi có người vào.Tui tắt nước lấy khăn lau lẹ rồi mặc đồ vào.Tiếng người nói:

- Dô phòng 8 nước chảy mạnh nè anh!

Ui, rủi mấy lão ấy sớn sát không thấy bộ đồ tắm nữ tui treo thì chết, tui sợ quá, bộ đồ mặc lộn đầu lộn đuôi không vào được. Tui hát to lên, bài hát mà tui hát cho cháu tui nó nghe để chọc nó cười: "Bốn ông già đi tàu bay Liên Sô, bay lên cao cùng té xuống u đầu. Cùng nắm tay đi nhà thương băng bó. Ui chu cha cái đầu sưng chù dù"

- Hình như có người.

Tiếng chân dừng lại, tui vừa mặc đồ vừa la to  "có người, có người ". Xong xuôi tui bước ra khỏi phòng tắm, hai gã đàn ông lạ quắc trố mắt dòm cứ làm như tui ở hành tinh lạ xuống, tui an toàn rồi nên bình tĩnh bước lại chỗ gương chải tóc rồi về, tui nghe đằng sau:

 

- Wow! tự nhiên phòng nữ không tắm chun qua phòng nam tắm rồi hát om lên, thiệt là ...

 

Tui dắt xe đạp ra khỏi nhà dịch vụ tắm biển, trời vẫn còn mưa. Kiểu này thì không thể đi bán hàng được rồi, tui quẹo vào tiệm phở ăn một tô phở nóng, tui rắc nhiều tiêu và bỏ ớt vào cho ấm bụng, rồi tui đạp xe thong thả dưới mưa để về. Ngang qua "Góc Phố Diu Dàng" nhìn vào quán thấy thưa người. Tự nhiên tui thèm một ly cà phê, tần ngần một chút rồi tui dừng lại và lững thững vào quán, tui chọn cho mình một cái bàn riêng lẻ trong góc. Đây là lần đầu tiên trong đời tui vào quán cà phê một mình, những lần trước tui thường đi với bạn hoặc uống ở nhà. Thôi kệ đi, mình là người cao tuổi rồi mình phải biết chút chút với đời chứ. Tui gọi một ly cà phê sữa đá và một tách trà thơm rồi lơ đễnh nhìn ra bầu trời xám xịt trên kia mơ màng. Đang nhâm nhi từng ngụm cà phê chợt có tiếng người trong bàn trong gọi trả tiền, tiếng bước chân đi dần ra cửa.Tui nghe tiếng reo lên:

- TT phải không ?

- Đúng là cô TT đó mẹ!

Trước mặt tui một chị mặc bộ đồ comle nhìn khá sang, cô bé sau là con gái của chị. Tui không nhớ đó là ai mà gọi đích danh tên mình, chắc là bà con hay người quen mà mình quên đây. Tui lật đật nhăn răng ra cười mà không dám lên tiếng.

 

- Chị biết em ở trang Liên Trường Qui Nhơn chị hay đọc bài em đăng lên đó

 

Ui da! tui xấu hổ hết chỗ nói, muốn biến nhanh tức khắc.Tui thấy tội cho mấy đứa con của tui vì có một bà mẹ xí xọn như tui. Chắc là tui lên "phây" viết lách lăng nhăng, quăng hình rồi bình luận quậy tưng trên đó hay sao mà người ta biết tui. Con tui nó giả lơ cho mẹ muốn làm gì thì làm trong khi mẹ đã đến tuổi nhá nhem về chiều mà "tí tửng" hết biết. May sao, con bé khi ra tới xe nó vói theo: "Cô ơi cô nhớ viết bài đăng Liên Trường Quy Nhơn nữa nghen cô, mẹ con thích cô lắm".Ôi hú vía! tui há hốc mồm nhìn theo mà nãy giờ tui sợ quá nên quên hỏi mẹ cháu tên gì ở trên "phây".

Tui hớp vội ly trà rồi đứng dậy trả tiền, tui không dám ngồi lâu ở đây nữa. Vừa ra tới cửa tui quay lại định dắt xe ra thì tui đụng độ ngay hai cha con của người cao tuổi bước vào. Chợt người đàn ông reo lên:

 

- TT phải không?

 

-Ai dậy ba?

 

- Đúng là TT rồi !

 

Ôi chao! lại là người trên Liên Trường Qui Nhơn nữa sao? chắc chắn là thế vì tui thuộc loại người kém thông minh, "luôn luôn lắng nghe nhưng lâu lâu tui mới hiểu"  Tuy thế nhưng trời bù lại cho là tui nhớ rất dai. Cái lão này, già già cỡ tui mà tui thấy lạ quắc hà. Híc hic! gì nữa sẽ xảy ra đây? (lạy trời cho con không lỡ gây chuyện trên Liên Trường Qui Nhơn, kiểu này chắc con không dám lên facebook nữa quá)

 

Hắn dzui zẻ bước tới:

 

- TT nhớ tui hông? Phan Cầm nè!

 

Hắn vừa nói vừa đưa tay nắm lấy tay tui. Ôi tên Phan Cầm, mà chưa gì đã cầm lấy tay người ta rồi. Tui rụt tay lại,  tuy tui đã là người cao tuổi nhưng dù sao  "Tui là phận gái, lão là phận trai"(3) mờ .

 

- Phan Cầm nè, hồi xưa mình học cùng một lớp đó nhớ chưa?

 

- Học...hoc cùng lớp hồi nào?

 

-Thì hầu nhỏ trường bà cô Tí ở đường Trần cao Vân đó. Nhà tui ở sát cạnh nhà cậu Năm của TT đó (Ôi , má ơi cái khoản nhớ dai này tui hết tự hào nổi, tui thua không cạnh tranh nổi với hắn ta rồi).Trường bà cô Tí là cách đây đã 55 năm rồi, đó là trường Mẫu giáo , cái thời mà tui còn để tóc "bum bê " còn mặc quần lủng đáy, lủng đít.Tui nhớ hồi nhỏ đi học trường cô Tí về, mặt mũi luôn lem luốc má tui rửa mặt cho tui rồi càm ràm khi nhíp đồ cho tui vì tui chuyên mặc quần ngồi tét đáy... Ôi hắn còn nhớ ra tui thì hắn siêu sao mất rồi.

 

Chào hỏi qua loa tui lật đật cáo lui, chuồn lẹ  (thật lòng tui kém ngoại giao, vụng về ghê lắm, nhất là đối với đàn ông tui không biết nói chuyện sao cho hay, nên có ai là đàn ông mà mời tui đi đâu là tui không dám đi)

Tui đạp xe về, mưa lất phất bay vào mặt mát lạnh. Tui ghé chợ mua đồ ăn về nấu cơm ăn, mấy hôm nay trời mưa, tui làm biếng đi chợ nên ăn toàn là rau luộc chấm nước mắm. Chợ không có cá, tui mua một miếng thịt bò bắp và rau. Về nhà, lau lại căn nhà nhỏ cho sạch sẽ rồi tui đi nấu cơm. Cơm chín thức ăn dọn ra mâm, thịt bò luộc chấm nước mắm gừng ớt, cơm dẻo nóng, tô canh rau xanh cũng nóng, tui ăn ngon miệng cực kỳ.

 

Rồi tui ngồi ở ghế mây nơi ban công vắt chân lên lan can nhìn ra biển xa mù dưới màn mưa bay bay. Thành phố thân yêu, dưới đôi mắt của người cao tuổi như tui rất đỗi thân tình.

 

Tôi chẳng có duyên nên tôi chỉ một mình.

Ai bảo một mình là không duyên kỳ ngộ

Bởi một buổi sáng trời mưa như hôm nay tôi vẫn có

Tia bình mình lên hồng sáng trái tim mình

Đâu phải chỉ tình yêu đôi lứa là hạnh phúc.

Tình nhân gian, tình cây cỏ cũng thật là tình.

 

Hết một buổi sáng của người cao tuổi TT, tui thấy vui vui nên chia sẻ ít dòng lên phây. Cảm ơn các bạn đã dành chút thời gian kiên nhẫn đọc trọn bài viết này. Nếu có gì không phải xin thông cảm cho người Cao tuổi này nhé. Chúc an vui.

 

Thái Thanh

Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Chín 20242:53 SA
Khách
Đây là bài của TT . Cảm ơn Hop Lưu Net đã đăng bài. Xin hỏi TT muồn có sách in Tạp chí Hợp Lưu đuoqcj không?
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 2762)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 4158)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 2260)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 3711)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 2019)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 2434)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 2459)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 3344)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.
24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 4321)
ừ có lụt thiên nhiên / nhưng có ai quên khuấy / vẫn còn cơn lụt kia / vẫn quanh năm thường trực ru ngủ / và đánh chìm
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 2765)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...