- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VỀ MẤY BỘ PHIM THAM DỰ GIẢI CÁNH DIỀU VÀNG 2024

31 Tháng Tám 20249:48 CH(Xem: 7561)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

VỀ MẤY BỘ PHIM THAM DỰ GIẢI CÁNH DIỀU VÀNG 2024

 

1. PHIM “MAI” SẼ HAY HƠN NẾU BỚT ỒN ÀO VÀ BỚT LỜI

Phim “Mai” chiếu từ dịp Tết, tôi được nghe đủ lời khen chê - khen nhiều hơn chê, và được cô con gái sinh viên năm thứ hai sau khi rủ bạn xem về bảo: “Phim xúc động ạ. Nhưng ồn ào quá, khiến con đau đầu”.

MAI
PHIM “MAI”

Nhưng phải tới lúc phim này (cùng 17 phim truyện điện ảnh) được chiếu phục vụ cho Ban Giám khảo Cánh Diều Vàng 2024 và Ban lý luận phê bình của Hội Điện ảnh VN, tôi mới có dịp được xem. Quả là phim Mai lập kỷ lục phòng vé, trước hết là Trấn Thành rất hiểu thị hiếu khán giả Việt, và khai thác bộ phim từ cuộc sống đời thường – như mấy phim cháy rạp trước đó của anh. Phim có lời thoại hài hước, xây dựng trên một câu chuyện gần gũi đánh trúng được vào thị hiếu số đông; đặc biệt dàn diễn viên diễn hết sức tự nhiên là điểm cộng số một của phim.

Tôi không đồng tình với ý kiến chỉ trích của một cây bút phê bình chuyên nghiệp về phim Mai: “đã năm 2024 rồi, chúng ta có thể mong đợi một bộ phim Việt Nam không có đề tài hiếp dâm, làm đĩ nữa được không? Tôi chắc chắn đời sống của người Việt Nam rất đa dạng, phong phú, có hàng trăm hàng triệu những câu chuyện thú vị khác, cớ sao phim nào cũng có yếu tố tình dục, hiếp dâm?” Thật ra, chuyện “hiếp dâm, làm đĩ” xuất hiện trên màn ảnh lớn thế giới Đông - Tây từ một trăm năm nay, và sẽ còn xuất hiện một khi cuộc sống loài người vẫn còn cái xấu cái ác tồn tại. Như Tình yêu nam nữ vậy! Vấn đề là những chuyện đó được thể hiện như thế nào?

Theo chủ quan tôi, phim “Mai” sẽ hay hơn, có sức chinh phục khán giả hơn, nếu như bộ phim bớt đi sự lên gân ồn ào, bớt lời cãi vã thuyết giảng dài dòng, bớt “kịch hóa”… Truyền hình và sân khấu là những thể loại riêng, có những tiêu chí nghệ thuật riêng - song ở phim điện ảnh, truyền hình hóa và sân khấu hóa chính là thủ tiêu điện ảnh, mà phim Mai thì đầy rẫy những trường đoạn phim mang chất truyền hình - mà là loại truyền hình rẻ tiền! Và những lời thoại phim, lẽ ra trong điện ảnh cần dành chỗ cho khoảng lặng suy ngẫm giàu cảm xúc và để hành động & tình huống nói thay, thì trong phim Mai đã được ném ra trên màn ảnh với volume vặn “kịch kim” dường như các nhà làm phim sợ khán giả không hiểu ý đồ sâu xa của mình và đều bị… điếc nặng hết! Khán giả có cảm tưởng nhà làm phim cho diễn viên - nhân vật mình chăm bẵm uống dopin kích thích thần kinh quá liều để sẵn sàng gào thét, đấm đá, quằn quại mỗi khi có tình huống kịch tính bên ngoài hoặc nội tâm… Lúc Mai tuyệt vọng nhất tìm đến người yêu đang ngồi cô đơn, người xem thèm được sống trong vài phút im lặng giữa hai người, thì lại bị “tra tấn” bởi những lời than thở thừa thãi ai cũng biết, có nhạc phụ họa! Kèm theo đó là thỉnh thoảng có tiếng động phim giật gân như để đánh thức khán giả buồn ngủ , kiểu “Bụp” - “Chíu” trong các truyện tranh hành động, góp phần tạo nên những tạp âm khủng khiếp chỉ có tác dụng phá hoại tính thẩm mỹ cần có của bộ phim! Còn về âm nhạc trong phim này thì nhiều người thấy thất vọng quá chừng, bởi nhạc sĩ làm nhạc phim và đạo diễn dường bất chấp cảm thụ của khán giả, biến nhạc phim thành thứ hỗ trợ cho tiếng ồn của phim bằng nhạc giao hưởng, đàn dây, bài hát một cách hết sức tùy tiện, nhiều khi đã phá hỏng nội dung thoại! Việc biến âm nhạc thành cái nền ồn ào nhằm “đưa đẩy” lời thoại phim một cách vô lối tùy tiện, xin thưa đó cũng là bệnh chung của hầu hết các phim Việt hiện nay - kể cả những phim khá nhất đã/ sẽ đoạt giải cao ở các LHP trong nước! Gửi ra các LHF quốc tế, xin lỗi, khán giả họ chạy mất dép!

Về đường dây truyện phim tải nội dung & ý đồ tư tưởng của phim Mai càng về sau càng đuối, nhất là đoạn hồi ức - hồi tưởng (flashback) có vai trò hết sức quan trọng cho khán giả biết Mai đã bị xâm hại tình dục, rồi có thai ngoài ý muốn, dẫn tới cô muốn tìm tới cái chết - nhưng bộ phim đã kể lại một cách sơ sài hời hợt chỉ bằng vài ba cảnh phim rời rạc, khiến không ít người xem nghĩ rằng: đó là cảnh phim về cuộc đời nào khác chứ không phải là của Mai!

Bộ phim đã pha trộn quá nhiều thể loại, có đủ hết náo kịch, hài kịch, chính kịch, phim tâm lý tình cảm, phim kinh dị, phim hành động, phim ca nhạc - vi phạm vào một quy luật sáng tạo điện ảnh mà một nhà lý luận biên kịch Mỹ đã cảnh báo: Ngay ở vài phút vào phim tác giả phải xác định cho khán giả biết là họ đang được xem loại phim gì, đừng có lập lờ đánh lận con đen! Ở đây nhà làm phim Mai đã không những “lập lờ đánh lận con đen” mà còn tham lam khiến khán giả bội thực!

Mấy điều có thể gọi là nhược điểm nói trên của “phim Trấn Thành” thực ra rất dễ khắc phục để những bộ phim sau “Mai” sẽ tiếp tục chinh phục khán giả nhiều hơn nữa!

 

 

2. ĐIỀU ĐÁNG TIẾC CỦA PHIM “CU LI KHÔNG BAO GIỜ KHÓC”

"Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang đã thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" LHP Berlin vào sáng 25/2, và hiện tham dự giải cánh Diều Vàng 2024 của Hội Điện ảnh VN. Phim kể về bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng) từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế của người chồng quá cố là con culi. Bà Nguyện lo lắng cho tương lai của cháu gái bị tàn tật bà nuôi dạy từ nhỏ, khi cô kết hôn vội vã do lỡ có thai với bạn trai. Cạnh đó, bà luôn phải suy ngẫm về quá khứ nhiều đau buồn cá nhân, nhưng bà đã gặp lại quá khứ đẹp đáng tự hào của thế hệ bà khi được thăm lại Công trường Nhà máy thủy điện Hòa Bình…

CU LI
PHIM “CU LI KHÔNG BAO GIỜ KHÓC”



Phải nói ngay, đây là phim đã xử dụng ngôn ngữ điện ảnh khá sáng tạo, điều vô cùng đáng khuyến khích giữa thời ĐA thường bị truyền hình hóa - sân khấu hóa. Các nhà làm phim có lý khi cho tông màu chuyển thành đen trắng – như thời phim nhựa đen trắng trước đây, nhằm gợi cho người xem sự đan xen trong tâm tưởng nhân vật giữa quá khứ và thời công nghệ điện tử. Phim có nhiều cảnh quay chân dung hết sức sinh động chân thực về những người từng chinh phục sông Đà. Tương phản với những cảnh nhờ nhờ xam xám của cuộc sống đời thường chật chội hôm nay là cảnh sóng sông Đà và thác thủy điện hùng vĩ… Đối lập với sự nhỏ mọn, tầm thường, nhức nhối đầy tính toán là bóng dáng luôn hiển hiện của tình yêu trong sáng, của ước mơ lương thiện qua đôi nam nữ thanh niên và lũ trẻ…

Đáng tiếc nhất là đường dây truyện phim về bà Nguyện và anh thanh niên chủ quán Âm Nhạc – lẽ ra sẽ giúp làm nổi bật chủ đề tư tưởng phim thì lại được thể hiện một cách hời hợt không đến nơi đến chốn, thậm chí khiên cưỡng, giả tạo! Chỉ một tình tiết anh thanh niên nhuộm tóc ném trả lại mớ tiền do bà Nguyện đưa, sau một tuần đi theo bà tới chốn Rừng – Suối với lời thoại: “Bà đối xử với tôi như là trai bao hay sao?” thì không thể cho thấy chiều sâu tâm hồn nhân vật này – một con người của thời đại mới biết trân trọng vẻ đẹp của những giá trị quá khứ, yêu âm nhạc của thời khói lửa, chứ không phải chỉ biết kinh doanh và thích nhảy Rốc như ấn tượng của người lớn về lớp thanh niên hiện tại… Nghệ sĩ Minh Châu rất có tài năng, nhưng vào vai người đàn bà đã tàn tạ chỉ thấy dằn vặt đau khổ thầm lặng, thế mà lẽ ra ngoài nét tâm lý hiển hiện đó, ở chiều sâu phải là một người đàn bà giữ được ngọn lửa thanh xuân với khát vọng sống nồng nàn thậm chí quyến rũ được cả một chàng trai trẻ bằng tuổi con mình… Ít ra, sự bí ẩn, hấp dẫn cao xa đó của người phụ nữ lớn tuổi mới là điều thuyết phục được chàng trai bỏ hết việc kinh doanh đi theo bà cả tuần liền – không phải sự hấp dẫn thể chất, mà là sự hấp dẫn nội tâm – mà nội tâm đó không thể biểu hiện ở một người đàn bà đau khổ luôn bất mãn với hôn nhân của cháu mình!... Có thể nói thẳng, đó là sự non kém về kịch bản và sai sót trầm trọng trong việc chọn diễn viên - xử lý diễn xuất của đạo diễn, khiến cả bộ phim bị chông chênh hụt hẫng!

 

 

3. “ĐÓA HOA MONG MANH” - MỘT BỘ PHIM CA NHẠC LÃNG MẠN CẢM ĐỘNG

Trước hết, cần phải nói ngay điều này: T cận tôi lần đầu được xem phim “Đóa hoa mong manh” đương tham dự Giải Cánh Diều Vàng của Hội ĐAVN với tâm lý hồi hộp, mong đợi, có phần lo lắng cho bạn đồng nghiệp… Bởi thú thực, trước khi xem phim này, với tư cách khán giả yêu điện ảnh, là người đang làm nghề hiện là thành viên của Ban Lý luận phê bình Hội, tôi đã được biết thông tin: phim được quay hoàn toàn trên đất Mỹ và gặt hái một số giải thưởng quốc tế trước khi trở về quê nhà; đồng thời lại đọc một số bài báo phê bình phim này khá gay gắt, như: “Câu chuyện ngô nghê”, “Chất điện ảnh nghèo nàn, thông điệp lệch lạc” (znews.vn) v.v.

DOA HOA MONG MANH
phim “Đóa hoa mong manh”



Nhưng sự thật thì, bộ phim đã cuốn hút tôi từ cảnh đầu đến dòng chữ phim cuối cùng! Nếu ai đã từng làm phim ca nhạc thì sẽ hiểu những khó khăn thử thách to lớn về kỹ thuật đối với loại phim này; thì phim “Đóa hoa mong manh” xét cho cùng cũng là một phim ca nhạc, và việc tổ chức thực hiện bộ phim ca nhạc này hết sức chuyên nghiệp có thể sánh với bất kỳ bộ phim ca nhạc nào của điện ảnh thế giới!

Còn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện, đây là một bộ phim hết sức chững chạc về mặt nghề nghiệp; và nếu ai đó nhận định rằng phim “Chất điện ảnh nghèo nàn, thông điệp lệch lạc” thì xin lỗi, người đó không hiểu gì về điện ảnh và cũng không xem bộ phim đến đầu đến đũa mà dám phê phán bừa!

Chuyện phim “Đóa hoa mong manh” xoay quanh nhân vật chính Thạch Thảo, một ca sĩ trẻ đẹp với giọng hát lay động lòng người. Sau đêm diễn thay cho đồng nghiệp, cô lọt vào mắt xanh của Sơn - một nhà sản xuất chương trình âm nhạc. Anh trân trọng đề nghị giúp cô thể hiện tài năng. Thạch Thảo từ giọng ca vô danh đã bước lên đỉnh vinh quang. Sơn từ chỗ quý trọng tài năng của ca sĩ trẻ, tự tìm kiếm thêm kinh phí để thực hiện phim ca nhạc, dần tới chỗ thầm yêu cô - và cô cũng rung động trước tình cảm chân thật của anh. Thấy chồng ngày một xa cách mình, Giám đốc Hãng phim Yvonne - vợ của Sơn đã cố gắng tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân đang đứng bên bờ vực thẳm…

Câu chuyện phim khá đơn giản, lại dường quá quen thuộc về môi trường ca sĩ - nghệ sĩ, giới kinh doanh nghệ thuật, với mối tình tay ba, chuyện đánh ghen, tạo scandal… Nhưng điều đáng quý nhất là người làm phim đã lý giải những “chuyện thường ngày ở huyện” đó một cách uyển chuyển, mềm mại, thông qua sự phân tích tâm lý rất tinh tế, bằng diễn xuất điện ảnh chân thực giàu sức thuyết phục!

Sự đánh ghen của Yvonne - “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, nhưng ở một nữ giám đốc xinh đẹp giỏi giang trong kinh doanh thì lại vừa có chất trí thức lại vừa có nét của người phụ nữ VN quen nhẫn nhịn. Một nhà đầu tư cho bộ phim ca nhạc 2 như Bảo Hoàng, thoạt đầu tưởng chỉ là một nhà giàu trọc phú mê ca hát và mê ca sĩ, người tỏ ra phẫn uất trước công luận rằng ca sĩ coi thường mình- coi thường khán giả vì đã không nhận hoa của ông ta trên sân khấu, nhưng khi biết lý do vì sao cô không nhìn thấy ông sau buổi diễn, ông đã tỏ ra hết sức hối hận, gọi điện xin lỗi Thạch Thảo đang nằm trong Bệnh viện… Nếu không có trái tim nhân hậu và một tầm văn hóa nhất định, không thể có hành động này ở nhân vật Bảo Hoàng - và đó là những cảnh phim rất giàu ý nghĩa, giàu chất điện ảnh khắc họa tính cách và chiều sâu nhân vật. Cách “đánh ghen” của giám đốc Yvonne (Mai Thu Huyền đóng) khi tìm đến gặp Thạch Thảo cũng thực hiếm có, và chính phẩm cách của chị, chứ không chỉ là tình yêu đối với chồng- đã khiến Thạch Thảo và Sơn phải kính nể, và dù yêu nhau tha thiết cũng phải tình nguyện dừng lại trong nước mắt ngậm ngùi để giữ được tình nghĩa vợ chồng và vun đắp cho hạnh phúc người khác… Mối tình của nhà sản xuất Sơn với cô ca sĩ Thạch Thảo được tả trong phim đầy ý vị lãng mạn; và gương mặt diễn viên cùng diễn xuất rất chuẩn của Quốc Cường dưới chỉ đạo của đạo diễn đã có thể thuyết phục được người xem rằng: đó là một mối tình không dính chút mùi của tiền bạc danh vọng, nó gợi lên bao sự tiếc nuối sâu xa trong lòng khán giả. Câu nói nghẹn ngào của Sơn khi cầm tay ca sĩ Thạch Thảo đặt lên ngực mình: “Em có thấy trái tim anh không” có thể trở thành câu thoại phim kinh điển. Và cùng với sự bất hạnh của ca sĩ Thạch Thảo - cô đã ngã gục xuống sàn diễn vì đuối sức, những khát vọng thầm kín và đẹp đẽ về Tình yêu buộc phải lùi sâu vào tâm tưởng… những điều đó đã góp phần làm nổi bật lên cái triết lý của bộ phim: Tất cả mọi thành công sự nghiệp, tiền tài, danh vọng… xét cho cùng chỉ là đóa hoa mong manh mà thôi! Cũng bởi vậy, con người ta đã có cái gì quý giá trong cõi đời hữu hạn này cần biết nâng niu, trân trọng… Cả bộ phim đã “gánh” được cái triết lý mang tính nhân loại của nhiều thời đại đó, và buộc người xem phải suy ngẫm và xúc động lâu dài…

Dĩ nhiên, khán giả có thể đòi hỏi ở đạo diễn điều này điều nọ về chi tiết, tình tiết, về nghệ thuật thể hiện ở đôi trường đoạn, nhưng nhìn tổng thể, cần khẳng định bộ phim “Đóa hoa mong manh” là một “đỉnh” của đạo diễn- diễn viên - nhà sản xuất Mai Thu Huyền!

 

 

4. HAI BỘ PHIM MANG NẶNG VỊ MUỐI CỦA ĐỜI

 

18 bộ phim truyện Điện ảnh tham dự tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay có thể nói đã đánh dấu một sự khởi sắc hết sức đáng phấn khởi của một nền ĐA dân tộc trên con đường chinh phục số đông khán giả; và có hai bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi - một khán giả đang làm nghề - hai bộ phim mang “vị muối” đích thực của Đời có khả năng chạm vào đáy sâu cảm xúc của hàng triệu khán giả, đó là HAI MUỐI SÁNG ĐÈN!

HAI MUOI


Những ai từng làm cha làm mẹ và trải qua những đận mưu sinh gian khó để nuôi dạy và bảo vệ con mình đều có thể tìm thấy trong phim “Hai Muối” sự đồng cảm sâu sắc, cùng sự động viên chân thành cảm động… Có điều, sự đồng cảm và động viên đó đã được gửi gắm qua những số phận gần gũi mà các nghệ sĩ điện ảnh đã tái tạo một cách hết sức chân thực, sinh động trên màn ảnh, chân thực và sinh động tới độ có nhiều cảnh phim khiến người xem như hòa nhập hồn mình vào buồn vui của nhân vật, phải khóc cùng nhân vật… Hai nhân vật chính: người cha làm muối (Dv Quyền Linh) và cô con gái tên Muối (Dv Huỳnh Bảo Ngọc) chắc chắn sẽ có sức sống lâu dài trong lòng khán giả Việt, chỉ bởi cái nguyên cớ sâu xa và làm nên cội nguồn của nghệ thuật, là các nghệ sĩ điện ảnh - từ tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ thiết kế, âm thanh… đến ánh sáng, hóa trang… đã lặn rất sâu vào đời sống cần lao để chắt lọc ra cái “Vị mặn” dính mồ hôi, và dính máu nữa, từ đó nêu ra những vấn đề thiết yếu nhất của hôm nay trên các lĩnh vực quan hệ gia đình, hàng xóm láng giềng, tình yêu, bạn đồng học, chuyện hướng nghiệp… Phim Hai Muối chưa ra rạp chính thức nhưng đã nhận được biết bao sự ngợi khen trong giới chuyên môn - đặc biệt là của TS. nghệ thuật học, Chủ tịch Hội ĐA Đỗ Lệnh Hùng Tú, vì vậy T cận tôi không dám lạm bàn thêm, để xin chuyển sang bộ phim cuối cùng của đợt chiếu thẩm định này là “Sáng Đèn”…

SANG DEN
Phim "Sáng Đèn"



Xem “Sáng Đèn”, ngoài những ấn tượng chung cho cả hai phim tôi đã nói ở trên, thì có điều đặc biệt này nữa: Cấu trúc truyện phim khá phức tạp song được xử lý cực kỳ "ngọt"! Phim về đề tài nghệ thuật cải lương, xoay quanh câu chuyện vui buồn của một gánh hát miền Tây Nam bộ, nhưng chất “cải lương” như một yếu tố câu khách lại rất ít mà để dành “lãnh địa“ cho nghệ thuật điện ảnh - trong một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa! Câu hát vọng cổ của người cha vốn chuyên đệm đàn đã hát thay cho con trai ở buổi phục vụ đám cưới khiến người xem rung động không phải bởi bản thân câu hát, mà là bởi cái cảnh ngộ của hai cha con - người của đoàn Hát Viễn Phương đã tan rã; tình tiết nghệ thuật này nằm trong hệ thống tình tiết kể lại những thăng trầm bi hài của gánh hát, đan xen với số phận của các kép chính kép phụ và “ông bầu” cùng quan hệ cha & con, sư phụ & trò nghề của họ được miêu tả một cách duyên dáng, tự nhiên, có chiều dày nội tâm và sự phát triển tâm lý không hề có chút gượng ép!

Tôi thiển nghĩ: Sự phức tạp cần tiết của hệ thống tình tiết phim dẫn tới bề dày của tính cách nhân vật, chính là điểm Yếu nhất của phim truyện nước nhà, là cái gốc của sự non kém, sơ lược hóa về kịch bản lâu nay! Nhưng phim “Sáng Đèn” đã tránh được điều này. Và có thể nói đây là phim đề tài âm nhạc cải lương - đàn ca Tài tử Nam Bộ có tầm quy mô nhất trước nay về cấu trúc truyện phim, về xây dựng hệ thống nhân vật và gợi ra được một cách thấm thía những vấn đề khá nóng bỏng về sự tồn tại cũng như sự phát triển nghệ thuật quần chúng rất thân thiết này tại chính quê hương của nó vào thời kinh tế thị trường và bị các nghệ thuật hiện đại lấn át!

Một người làm nghề tưởng chừng đã “chai sạn” với đủ loại phim nội - ngoại như tôi đã phải chảy nước mắt trước nỗi đau lòng tuyệt vọng của ông Bầu gánh hát khi phải tuyên bố “rã gánh” với các nghệ sĩ thân yêu của mình; đã phải se lòng không kém nhân vật kép chính Lâm buộc rời cô gái anh yêu để chấp nhận cưới người đàn bà giàu nhưng anh không hề yêu để cứu tính mạng người mình yêu và cứu gánh hát… Có đến hai motif "Bán thân" để cứu gánh hát - một kép một đào, song không hề tạo cảm giác lặp lại, nhàm chán, mà mỗi lần một tình huống bất khả kháng, được đặt ra và giải quyết hợp lý một cách tàn nhẫn! Bởi các sự kiện phim diễn ra dù ngẫu nhiên hay tất yếu, bởi các tâm trạng nhân vật trong sự kiện… tất cả đã được nhà làm phim chắt lọc từ chính "Vị muối" của Đời - đều thực mặn mòi, cay đắng, chua xót, và hết sức chân thực theo quy luật tâm lý đời thường ở tại vùng quê ấy, và như quy luật điện ảnh đòi hỏi!

Phim dài hơn hai giờ, có những chỗ nhẩn nha, song khán giả không hề thấy sốt ruột và khi chữ phim hiện lên người xem vẫn cảm thấy tiếc nuối… Và trên hết, với hệ thống cấu trúc truyện phim khá chặt chẽ hợp lý, với hệ thống nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng tới từng chi tiết tâm lý, các bối cảnh chân thực (và lúc cần bối cảnh quy mô hoành tráng cũng có!), phim “Sáng Đèn” đã dựng lên trước người xem những hình tượng thật hấp dẫn về người nghệ nhân Cải lương - Đàn ca Tài tử Nam Bộ yêu nghề say đắm, tính cách kiên nghị song giàu lòng nhân hậu, có khả năng truyền lại không những tình yêu nghề, lòng ngưỡng vọng Tổ nghề mà còn đem tới cho người xem khát vọng yêu thương - trân trọng - quý hóa đối với bạn nghề, đối với bà con làng xóm, đối với quê hương đất nước…

Tôi hy vọng “Sáng Đèn” & “Hai Muối” sẽ là hai phim tranh đoạt giải cao nhất vào mùng 10 tháng 9 tại Nhà hát Đó Nha Trang - thành phố Điện ảnh tương lai…

 

Đạo diễn MA NAT

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 4079)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 6614)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 5958)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 3436)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 4544)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 6902)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 5349)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 5279)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 7352)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 4519)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).