- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÔI LÀM CÔ GIÁO

18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 2589)

 

đêm giửa ban ngày-tranh LE MINH PHONG
tranh LÊ MINH PHONG

 

 

Thái Thanh

TÔI LÀM CÔ GIÁO 

 

 

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.

 

Ngày ấy tốt nghiệp Sư Phạm xong, tôi được phân về huyện Hoài Ân một huyện tại làng quê xa hẻo lánh.

Ngày ấy tôi ham chơi lắm, suốt cả ngày thơ thẩn dưới bóng râm xanh mát của tàng cây chùa Long Khánh, hay lang thang một mình trên bãi cát vàng với biển cả mênh mông... Đến khi bạn bè nhận nhiệm sở hết, tôi mới lóp ngóp đi sau cùng. Cuối cùng tôi bị điều động về trường Ân Nghĩa-Kim Sơn, một ngôi trường xa nhất huyện , nằm ở sát chân núi gần Ca18, chỗ nhốt những người tù chính trị. Cũng vì đi trễ nên tôi không được dạy tại chính trường Ân nghĩa mà dạy ở Nhơn Sơn, một chi nhánh của trường Ân Nghĩa.

 

Ngày ấy hồn tôi trong trẻo lắm. Tôi không hề biết so đo toan tính hơn thiệt với ai, nên dù là tốt nghiệp Sư Phạm loại giỏi tôi có thể sẽ được dạy ở chỗ tốt hơn nhưng tôi không bận lòng tôi vui vẻ mà đến nhận lớp. Trường tôi dạy nằm trên một ngọn đồi, gió thổi vi vu, chung quanh cây cỏ mọc xanh rì như ở giữa rừng. Một dãy lớp học nằm kề nhau, bàn ghế đóng sơ sài không có hộc. Vách và nền tường đều bằng bùn đất trộn rơm trét lên đến nóc trần cũng chỉ bằng rơm. Con đường đến trường dài ngoằn ngoèo đầy đất đỏ nằm giữa hai bên là vách núi ,đường gồ ghề lên đồi xuống dốc.Trời nắng xe chạy ngang tung bụi đỏ mịt mù.Trời mưa đường trơn tuột lầy lội đất đỏ bám lên người.Thầy cô giáo dạy nơi này toàn là những người có gốc rễ ở đây không có ai là người ở phố Qui Nhơn mà đến như tôi .Hồi ấy anh Hoàng Trương, giáo viên dạy Văn của trường đã cảm xúc mà sáng tác mấy câu thơ để tặng tôi :

 

Sáng em đi sương còn vương ngọn cỏ 

Chiều em về đất đỏ đọng trên vai 

Em trắng trong như đóa hoa đồng nội 

Nụ cười tươi ôi thương quá nụ cười...

 

Tôi là "chúa mộng mơ" nên chẳng buồn vì phải đến nơi này, trước cảnh đẹp như thế tôi đã làm không biết bao nhiêu là thơ tả cảnh tả tình. Dù là những buổi sáng đến trường, tôi chào ngày mới bằng cái bụng đói meo không ăn sáng. Ngày ấy học trò của tôi đều là những đứa trẻ rất nghèo, chúng cũng đói meo như tôi. Dưới cái nắng chói chang của miền núi, chúng để đầu trần khô rốc mà đi không có nón. Trời mùa đông lạnh chúng phong phanh chỉ một tấm áo đến trường không đủ ấm. Thời ấy tôi cũng hòa mình với chúng, sau bữa dạy cô trò đi cắt chuối sứ sống về luộc ăn đỡ thay cơm. Học trò tôi, chúng ăn bất cứ một con vật nào mà nó bắt được: cào cào, ếch nhái, dế ( eo ơi! may mà trên đó sao tôi không thấy có chuột và gián ). Có lần chúng bắt được một số con dế to, chúng để dành đem nướng lên và trịnh trọng mang cho cô. Tôi không dám ăn cái món này; tôi nhìn những đôi mắt tha thiết ấy mà thương vô hạn.

Nhưng tôi cũng có lần phạm phải lỗi lầm với học trò của tôi, tôi đã là cô giáo không tốt. Có một đêm kia, sau một ngày dạy ở Nhơn Sơn tôi về nghỉ tại trường An Nghĩa; tôi cùng chị Hạnh,Tĩnh và Ánh cô giáo ở Qui Nhơn cùng ở chung phòng với tôi ngồi dưới cột cờ trên bậc tam cấp. Đêm thanh vắng chúng tôi ngồi tâm sự bên nhau, đêm ấy tôi nghe chị Diệu Hạnh hát bài Phôi pha của Trịnh công Sơn. Tiếng hát chị bay cao trong đêm vắng nghe hay quá, chúng tôi cùng lắng nghe, cùng im lặng cảm nhận theo tâm tư của mỗi người. Đêm ấy về phòng, tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Tôi nhớ Qui Nhơn, tôi nhớ ba má nhớ nhà quá đỗi. Gần sáng tôi mới thiếp đi trong giấc ngủ. Ngoài trời mưa to lắm, mưa dầm dề, mưa miền núi kèm với tiếng gió hú trong đêm nghe buồn não nuột... Tôi ngủ quên mất đến sáng các bạn tôi đã đến lớp cả rồi, trời vẫn còn mưa, mưa to lắm. Nghĩ đến con đường đất đỏ một mình đến trường, tôi ngán ngẩm quá, nằm ỳ luôn. Hôm ấy tôi nghỉ dạy...

Dù trong tiếng mưa tiếng gió hú, nhưng tôi vẫn nghe tiếng thầy Phiên hiệu trưởng oang oang ngoài cửa 

- Cô T ơi... Cô T ơi... Cô đau sao mà không đi dạy?

 

Tôi quấn mền im lặng (sao mà ông ấy biết tôi nghỉ dạy vậy cà, vì thời đó không có điện thoại mà trường Nhơn Sơn cách xa nơi này lắm). Phần thì lười và phần vì cái tánh ương bướng nổi dậy nên tôi không mở cửa. Nhưng tôi nằm không yên được, tôi nghe tiếng nhốn nháo ngoài kia, nhìn qua phên cửa, trong sân trường dưới cơn mưa tầm tã. Tôi thấy học trò của tôi, con gái có, con trai có dường như chúng kéo hết cả lớp đến thì phải:

- Thầy hiệu trưởng ơi... Cô T có sao không?

- Cô đau rồi... Các em về đi hôm nay nghỉ học.

Tôi không đủ can đảm để bước ra ngoài, tôi xấu hổ đứng chết lặng trong phòng.

Hôm ấy tôi nghe thầy Phiên hiệu trưởng ca cẩm suốt buổi chiều : "Tại sao cô nhẫn tâm bỏ học trò mà không đến lớp. Cô có biết tụi nó toàn ở Nghĩa Điền rất xa, chúng phải lội qua không biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu cái suối nước chảy xiết để đến được Nhơn Sơn mà kiếm cái chữ. Cô có biết con đường đi của chúng nguy hiểm biết dường nào không. Một ngày đến trường của một đứa là nó phải bỏ đi làm đồng; đi bắt cua,  bắt ốc phụ cho cha mẹ nó để được đi học. Đến nơi không có cô, gần cả 100 đứa học trò đội mưa, đội bùn đất trơn trợt tới đây kiếm cô vì sợ cô đau ốm, sợ cô bỏ chúng không dạy nữa cô biết không... Cả trường, từ phụ huynh , tới giáo viên đến cả học trò ai cũng khen cô T là cô giáo tính nết dễ thương. Cô thấy mình có xứng đáng với lời khen ấy hay không... !?. Tôi im lặng lắng nghe và hối lỗi.

Ngày hôm sau, tôi đến lớp, trời quang mây tạnh. Đám học trò của tôi, đứa thì mang khoai lang nướng, đứa thì nấu cháo ếch mang cho cô ăn. Tôi nghẹn lòng nuốt nước mắt mà không thể từ chối được...

Từ ấy tôi đã sống hết mình với đám học trò nhỏ thân yêu của tôi. Tôi có một bệnh đau bụng kỳ lạ từ thuở bé. Trước năm 1975, má tôi đưa tôi đi khám nhiều bác sĩ giỏi ở Qui Nhơn, uống nhiều thuốc mới bớt nhưng cũng chưa tìm được bệnh gì. Cứ lâu lâu bệnh lại tái phát, khi cơn đau trở lại tôi vật vã lăn lộn khổ sở. Lần này tôi trở bệnh khi đang cùng đám học trò đi nhổ củ mi. Tội cho học trò của tôi, ở miền núi đâu có dầu có thuốc, nó cứ nghĩ là tôi trúng gió. Chúng bưng cái đèn hột vịt, chắt dầu lửa ra tay xoa bóp lên bụng của cô nhưng không bớt được. Cuối cùng, cái đám con trai giữa trưa nắng chói nó đã chạy vào tận chân núi Nghĩa Điền để mời thầy về chữa cho tôi. Đó là một ông thầy người Thượng, chữa bằng cây cỏ của núi rừng. Hồi đó tôi đau quá, nhưng nhờ cái thứ cây cỏ hoang dại kia; nhờ cái ông thầy thuốc già người dân tộc; nhờ học trò nhỏ của tôi mà tôi bớt bệnh. Điều kỳ diệu là tôi bớt hẵn luôn cho đến bây giờ.

Ngày ấy các bạn ở Qui Nhơn ra dạy ở nơi này, họ đã tìm cho mình có được một bờ vai ấm cúng để dựa vào cho bớt nỗi cô đơn nhớ nhà. Tôi đơn lẻ từ thuở học trò cho đến khi là cô giáo chưa có một mối tình, chưa một ai nắm lấy bàn tay hò hẹn. Nhưng tôi cũng có kỷ niệm trong đời mình tại nơi chốn này. Hồi ấy, thiếu giáo viên trầm trọng nên tôi dạy cả ngày. Có những giờ nghỉ, cô trò tôi đi đào củ chuối đi hái rau trong vùng sâu. Ngày ấy, tôi thấy có một số người tù họ cũng ra đây làm rẫy rừng. Chân họ bị xích và bị công an quản chế một bên nhưng họ hiền hòa dễ mến lắm. Trước năm 1975 họ là những sĩ quan VNCH, họ là những người tù chính trị. Tôi thường bắt gặp ánh mắt của người ấy dõi theo tôi. Cho đến một ngày, người ấy nhờ học trò của tôi mang đến cho tôi một trang giấy xếp lại không có bì thư.

 

"Chào em cô giáo nhỏ, tôi không biết làm thơ chỉ xin gởi cho em bài thơ của Nguyễn Bính nói hộ giúp lòng tôi 

 

Ước .

Ước gì tôi được quen cô giáo

Để đến xin cô học vỡ lòng 

Chỉ sợ đông người bàn ghế chật 

Nhiều người cô có nhận tôi không?

Nếu cô đồng ý nhận thêm tôi

Tôi sẽ yêu cô đến trọn đời 

Suốt đời tôi chỉ theo một lớp 

Suốt đời tôi chỉ học cô thôi ...

Thơ Nguyễn Bính "

 

Bài thơ ấy gởi đi nhưng tôi chưa đáp lại. Lòng tôi cảm nhận một nỗi buồn, khoảnh khắc của sự bất an nào đó mà tôi không dám tỏ cùng ai. Đó là những ngày cuối cùng của năm học, học trò được nghỉ hè và tôi được về thăm nhà ở Qui Nhơn 

 

Tôi không nghĩ đó là chuyến đi cuối cùng của đời cô giáo, tôi không hề nghĩ mình xa mãi nơi này. Lòng tôi cũng đã vương mang trọn cõi lòng với những gương mặt ngây ngô của đám học trò và của một người. Người ấy và tôi chỉ là một thoáng, một thoáng thoảng qua trong đời.

Vì một lý do đặc biệt, trong chuyến về thăm nhà ở Qui Nhơn tôi đã đi và không còn trở lại. Tôi xa tôi xa hẳn mộng mơ đầu. Đường tôi đi rẽ sang một lối khác, tôi chẳng còn là tôi, cô giáo ngày xưa cũ nữa rồi.

 

Dòng đời trôi mãi mấy mươi năm qua rồi, biết bao thay đổi. Tôi đã vào cái tuổi hoàng hôn, chút nhớ thương đầu của một thời xa đó, tôi vẫn giữ tận sâu trong đáy tim mình, một thuở mãi mà thương...

 

Thái Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 951)
Ướt chùng lòng anh / Thềm mưa bụi / Con tàu lầm lũi vùng quên lãng / Đi vào đi vào sương, hoa muồng vàng mù tối / Đắng khói hai hàng cây nuôi dưỡng tình đầu
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 771)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:51 CH(Xem: 1022)
Thu rung rung ánh tơ vàng / Phím loan lãng đãng, nồng nàn đêm mơ / Trăng nghiêng nghiêng đắm vườn thơ / Lao xao hoa mộng nờ… bờ nhân gian
22 Tháng Chín 202411:34 CH(Xem: 808)
Anh à, giữa những ngày hội của người làm phim cả nước tại thành phố biển Nha Trang, quặn lòng trước thảm cảnh của dân ta - nhất là người dân vùng núi Tây Bắc - Đông Bắc qua mấy đợt lũ lụt lên tiếp, em bỗng nhớ về anh… Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện "Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số phận của anh: chiếc xe khách chở anh đã bị đổ tại đèo Chiềng Đông hiểm trở, do hậu quả của những cơn lũ rừng, sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ!
22 Tháng Chín 202411:26 CH(Xem: 1099)
tôi về gặp lại mùa thu / gặp lại một đám cỏ mù bên sông / mẹ tôi đã bỏ cánh đồng / theo mây lên núi hóa rồng mà bay
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 837)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 1212)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 1840)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 1872)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 1634)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.