- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

27 Tháng Năm 202411:00 SA(Xem: 5149)
IMG_0055
Ảnh minh họa của MA NAT

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

Truyện ngắn

 

   Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…

     Bé lúc thì ngó qua cửa nhòm vào lớp ồn ào, lúc thì nhìn ra ngoài cổng trường vắng tanh, chán chê cả hai nơi. Thấy những vỏ lon nước ngọt ngổn ngang, bé bỗng dưng khát. Khát cồn cào. Nếu không có “thiên đường” nước ngọt kia mời gọi, dẫn dụ, chắc bé không đến nỗi khát thảm hại đến thế! Giá có bạn từng biết khát cháy cổ là thế nào và thương mình, lén lấy một lon đem ra cho mình thì hay biết bao…

     Không ngờ, đó lại là điều ước đầu tiên sắp thành sự thật: quả là có cô bạn thân ngồi cùng trên lớp đã thấy bé chầu chực bên ngoài từ lúc nãy, dường hiểu được ước mơ nhỏ xíu nhưng lớn lao này của bé, lấm lét lấy trộm được một lon 7up, giấu vào trong áo vờ xin đi vệ sinh để sẽ dúi vào tay bé, ừ, chứ còn cho ai vào đây nữa? Hành vi mà các cô giáo vẫn bảo là dối trá, trộm cắp này lập tức bị cô giáo chủ nhiệm phát hiện ngay tắp lự: cô bước nhanh tới nắm lấy cổ áo “vị cứu tinh” của bé, nói khẽ bằng một giọng có thể khiến một cậu con trai lỳ nhất lớp cũng phải tè ra quần: “Con định đem cho nó à? Con không biết rằng cả lớp đang trừng phạt bố mẹ nó hay sao?”

     Cô bạn bé sợ hãi, song chắc tình thương bạn đã giúp nó thốt lên được câu trong nước mắt rân rấn: “Nhưng thưa cô… bạn ấy có tội tình gì đâu ạ? Bạn ấy chắc đang khát lắm…” – “Các cô cũng thương bạn ấy, thương hơn là con kia! Nhưng nếu bố mẹ các con mà như bố mẹ bạn ấy, thì các con cũng phải chịu tội thay cho bố mẹ, hiểu chưa? Lẽ công bằng cần áp dụng ngay ở môi trường giáo dục thiêng liêng này dành cho các con!”

Kết thúc bài “giáo dục công dân” ngắn song hệ trọng đó, cô chủ nhiệm đẩy vai cô bạn bé về chỗ cũ, giật lấy lon nước ngọt và dịu dàng đưa cho một đứa đang ngồi cạnh cô. Cả lớp biết rằng nó được cô săn sóc đặc biệt vì bố là Trưởng phòng Giáo dục, nhưng bé hơn các bạn là có cơ hội để quan sát trực quan sinh động, trong cảnh ngộ của bé...

     Một mẹ gật gù: “Đúng đấy cô ạ! Lẽ công bằng cần được giáo dục ngay ở tuổi mầm non!”. Mẹ khác chêm vào tán thưởng: “Khổ, có mấy trăm ngàn góp quỹ phụ huynh mà bà ấy lần nào cũng cò kè, tính đếm thiệt hơn! Quyền lợi tinh thần của con đấy, sao lại đem tiền nong vặt vãnh ra mà so đo với thầy cô giáo… Nhà ấy từng đi du lịch ở Dubai cơ đấy!”

Mẹ thứ ba chợt nhăn mặt lại: “Này các mẹ, nói khẽ thôi, kẻo con bé ấy nó nghe thấy hết…” Cô giáo lớp bên tham dự liên hoan đáp luôn: “Chị việc gì phải sợ vớ vẩn thế! Lũ “đại học chữ to” thì biết quái gì! Mà có biết thì càng hay, nó sẽ về thông ngôn bẩm báo lại cho phụ huynh, tác động giáo dục gián tiếp tới cha mẹ nó thì càng hiệu quả chứ sao!”

     Mẹ thứ nhất hả hê bằng lời lẽ mà bé thấy hao hao những lời kết án trong một phim hình sự truyền hình nội địa bé mới được xem lén: “Các trưởng Ban đại diện Cha Mẹ như tôi từ nay sẽ đỡ khốn khổ hơn rất nhiều, không phải rát cổ mỏi miệng trơ mặt thớt như kẻ ngửa tay xin tiền cần thiết cho lũ trẻ nữa, bởi sự trừng phạt thích đáng này của các cô giáo sẽ là bài học nhỡn tiền đắt giá cho các bậc phụ huynh chây lỳ lắm điều khác!”

Như để tán thưởng cho sự đồng lòng của các mẹ đại diện trong “buổi liên hoan sẽ in sâu vào quãng đời thơ ấu của bọn trẻ” - lời một mẹ vừa tuyên ngôn lúc khai mạc, cô chủ nhiệm bắt nhịp cho các con yêu của mình hát bài: “Cô giáo như mẹ hiền”…

Những lời đối thoại như phim ảnh trên bé nghe được không sót một từ nào, tựa một cái máy thu tín hiệu, bé phải căng cái bộ óc non nớt ra để hiểu từng từ, từng khái niệm xa lạ với bé nên không thể có cảm xúc gì. Nhưng đến bài hát quen thuộc từ hồi còn là mẫu giáo Mầm – Chồi - Lá thì bé ứa nước mắt… Bé thấy thương mình quá, sao bé không được hát cùng các bạn lúc này, lúc chuẩn bị nghỉ hè để lên lớp Hai, bước vào thế hệ đàn chị của các em mới nhập trường…

     Bé chợt nảy điều ước thứ hai – sau mấy giờ vất vưởng chờ đợi tình yêu thương của các cô các mẹ, đó là: cô chủ nhiệm sẽ nhớ tới giọng hát của bé, giọng hát hay nhất trường từng đoạt giải “Sơn ca nhí” ở Quận, mời bé vào lĩnh xướng cho các bạn hát đều hơn, làm các cô các mẹ cảm động hơn, thấy bài hát hay hơn, và vì thế, chắc sẽ thôi ý định trừng phạt bố mẹ bé bởi cái lý do mà bé bắt đầu lơ mơ hiểu ra chút ít…

Nhưng hết bài hát kể về cô giáo Mẹ hiền, sang tới bài hát “Em yêu trường em”, bé thấy rõ là: ngay từ đầu buổi liên hoan bé đã không là gì hết trong mắt các cô và các mẹ ở chốn này. Bé chợt hiểu cái khái niệm “Trừng phạt” các cô các mẹ vừa nói ra kia có thể đáng sợ đến thế nào khi bé bị gạt ra, bị cô lập khỏi tập thể lớp của bé - cái tập thể không phải bạn nào bé cũng thân, cũng quý, song nếu phải nghỉ học một buổi bởi bất cứ ký do gì cũng khiến bé nhớ nhung các bạn, các cô giáo… Bé vỡ mộng.

     Nhưng thật lạ, vào lúc điều ước thứ hai tiêu tan, bé chợt nhớ đến lời bố đọc và giảng cho chị của bé học lớp 10 bài ca dao nói về người nông dân khi đếm trứng tới 9 quả đều bị ung, vẫn tin tưởng sao yêu thế: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”…  Thế là bé bỗng nảy ra điều ước thứ ba, mà nếu những lúc bình thường ở nhà hay ở trường, chẳng có nỗi buồn chán niềm thất vọng nào như bé lần đầu tiên mới được nếm trải, thì bé không thể nghĩ ra được, mặc dù nó đã có sẵn trong bé tích lũy từ bao truyện cổ tích mẹ kể lúc bé chuẩn bị ngủ. Ấy là điều ước: các bạn bé biến thành các thiên thần nhỏ bé có cánh, còn các cô giáo và mấy mẹ trong kia trở thành các bà Tiên xinh đẹp có nụ cười trìu mến và sẵn sàng vung đũa thần lên bảo vệ lũ trẻ thiên thần tội nghiệp khi có yêu quái đe dọa…

     Đói, khát, mệt, và nhất là nỗi buồn bé chưa thể giải thích nổi đã khiến điều ước kia càng trở nên lung linh, thắm thiết trong lòng bé… Bé dựa lưng vào tường chỗ sát cửa ra vào lớp, mắt bé lim dim như để mong chờ ước mơ hóa thành sự thực. Câu ca “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” lại trở về ngân nga trong tâm trí bé, và bé ngất xỉu đi.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1371)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1369)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1311)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1303)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).
31 Tháng Tám 20249:48 CH(Xem: 1803)
-Phim “Mai” chiếu từ dịp Tết, tôi được nghe đủ lời khen chê - khen nhiều hơn chê, và được cô con gái sinh viên năm thứ hai sau khi rủ bạn xem về bảo: “Phim xúc động ạ. Nhưng ồn ào quá, khiến con đau đầu”. / "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang đã thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" LHP Berlin vào sáng 25/2, và hiện tham dự giải cánh Diều Vàng 2024 của Hội Điện ảnh VN./ “Đóa hoa mong manh” đương tham dự Giải Cánh Diều Vàng của Hội ĐAVN với tâm lý hồi hộp, mong đợi, có phần lo lắng cho bạn đồng nghiệp… / và có hai bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi - một khán giả đang làm nghề - hai bộ phim mang “vị muối” đích thực của Đời có khả năng chạm vào đáy sâu cảm xúc của hàng triệu khán giả, đó là HAI MUỐI và SÁNG ĐÈN!
31 Tháng Tám 20249:17 CH(Xem: 1521)
tháng chín trời như trở lạnh / vào hồn em chút hoang liêu / anh đi thương mùa thu chớm / dù tình xưa đã xanh rêu
18 Tháng Tám 20244:40 SA(Xem: 1465)
Bằng những ngón tay thơ / Đêm ru em ngủ / Nhẹ từng bàn chân mỏi / Đêm theo nhau qua những bãi đồi
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 1707)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.
18 Tháng Tám 20243:26 SA(Xem: 2074)
Lần đầu đôi ta hò hẹn …/ Anh hái đoá hồng dành tặng em / Bồi hồi… / Thời gian như ngừng trôi / Em lỗi hẹn, không tới / Những cánh hồng tả tơi
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 2155)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.