- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM" TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ (kỳ 5 "chương 13,14 và 15)

06 Tháng Năm 20243:11 CH(Xem: 6633)




Pham Ngoc Luong
Chân dung tác giả  Phạm Ngọc Lương



Phạm Ngọc Lương
"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM"

TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ

(kỳ 5 "chương 13,14 và 15)

 

 

 

 

CHƯƠNG 13

 

“Thưa ngài, về đồ ăn mà các ngài chỉ định nhà hàng mang đến, xin vui lòng thu xếp người để chúng tôi trao đổi rõ hơn về các quy định của khách sạn”.

Guillaume đánh thức tôi dậy trong dòng hồi tưởng một cách chuyên nghiệp. Tôi lia mắt qua từng đồ vật, chi tiết, màu sắc được phối một cách hài hoà, tinh mỹ trong căn phòng tổng thống, quả là không chê vào đâu được với một gã đã từng phục vụ tại kinh đô du lịch như Guillaume. Tất cả chúng đều bóng loáng không một hạt bụi. Hẳn tôi đã bước vào, đi quanh, ngó nghiêng, ngồi xuống cái sofa này như một kẻ mộng du, rồi trầm mặc trong sự ngỡ ngàng của gã.

 

“Thanh Nguyễn, đến phần của em rồi đó. Guillaume, quý cô đây sẽ tiếp quản việc này, còn tôi phải rời đi chuẩn bị cho cuộc hẹn tiếp theo, nếu có việc gì không thoả đáng, xin đừng ngại mà thông báo ngay cho tôi nhé. Hẹn gặp lại ngài”.

Chúng tôi lại bắt tay nhau thận trọng, kiểu cách. Tôi liếc nhìn đồng hồ, vẫn còn quá sớm, nhưng quả thực hôm nay tôi đã thấy đủ với những lời bóng bẩy.

 

Mang trong mình nỗi đau từ sự xa cách của mối tình đầu, tôi bước thẳng vào môi trường nam nữ ở chung trong ký túc xá. Các bạn sinh viên Tây Âu và Bắc Mỹ, sống rất thoáng, không bị ràng buộc bởi bất cứ lề thói gì, điều đó vô hình chung lại gây khó khăn cho người Ả Rập chúng tôi. Với quan niệm cứng rắn của tôn giáo mình, khi thấy con gái ăn mặc hở hang là tôi không dám nhìn, cúi gằm xuống đất. Thậm chí cứ thấy hai người nước ngoài hôn nhau, tôi liền quay mặt rồi đi đường khác. Phải đến giữa năm 1999, sau bữa tiệc đầu tiên, tôi mới bớt ngại khi giao tiếp với phái nữ,, và bắt đầu mối tình say đắm của mình với Dana.

 

Nước da trắng ngần, làn môi đỏ thắm, nét mặt búp bê, giọng nói trong trẻo và thái độ tự nhiên của Dana đã biến tôi thành tên quê mùa thô kệch không biết giấu tay vào đâu ngay lần gặp mặt đầu tiên. Và quanh Dana xuất hiện một anh chàng sôi nổi, vui tính, hay đùa, lúc nào cũng dễ dàng làm nàng phá lên cười. Rồi với dáng vẻ nghiêm túc nhất có thể, tôi nói: Anh yêu em” thì nàng mỉm cười quay mặt đi, giơ tay đánh khẽ vào vai tôi,

“Đừng có trêu em”.

“Chuyện này không phải chuyện đùa!

“Anh nói chuyện với cô nào cũng cho cô ấy cái cảm giác họ là người yêu của anh thì ai mà tin nổi cơ chứ”.

“Anh nói thật, anh yêu em từ lâu rồi mà”.

 

Sau cái gật đầu, tôi mang cái đuôi to xù của một con chó ngoan, theo nàng đi bất cứ nơi đâu, chỉ chịu hôn tạm biệt để ai về phòng nấy ngủ. Đáng nhớ nhất là lần tôi và Dana đi phượt bằng xe máy tới Chùa Hương. Do tôi chưa biết lái xe nên ngồi đằng sau, Dana cầm lái. Thú thực cái cảm giác sợ hãi khi xe phóng nhanh trên đường như thể mình đang giao phó sinh mạng vào tay người khác đến giờ vẫn ám ảnh tôi. Nhưng gió lồng lộng thổi bạt mọi suy nghĩ, óc tôi trống rỗng, chỉ hai bàn tay vòng quanh eo Dana là mang cảm giác hiện hữu rõ rệt nhất. Không có gì đáng sợ. Ở đây có tôi và nàng. Thế là đủ.

 

Mối tình của tôi giữa thành phố ồn ào xa lạ này đầy sự vội vàng, cuống quít. Sau những nụ hôn cuồng nhiệt, những tia nhìn lưu luyến trước cửa phòng nàng, còn lại là một khoảng trống ngày càng to dần ra. Không ai nói ra, nhưng tự thân chúng tôi đều biết cái thời khắc chia tay đang từng bước, từng bước tới gần. Là du học sinh, Dana chỉ còn sáu tháng nữa sẽ về nước. Tôi chưa từng bỏ chút thời gian nào để suy nghĩ mình phải làm gì, tặng cái gì, nói gì với nàng vào lúc ấy.

 

Đêm trước khi Dana và các bạn về nước, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc chia tay, ai cũng uống say, chỉ nói những lời vui vẻ. Rồi không hiểu do quá say hay cũng thích tôi mà một cô gái Nga đã đến ôm, hôn tôi trước mặt Dana khiến nàng vô cùng tức giận. Tàn canh, tôi đưa Dana về phòng, nàng vừa khóc vừa chửi, ném mọi thứ trong tầm tay về phía tôi rồi đóng xập cửa. Tôi lẳng lặng ngồi ngoài cửa phòng nàng suốt đêm tới tận khi bảo vệ đi tuần mới lén trốn về.

 

Sáng hôm sau khi tôi tới thì Dana đã chuẩn bị xong đồ đạc, hai đứa ôm nhau đứng, tận lúc các bạn giục lên xe, Dana khóc. Anh nhớ nhé, tối nay mình vẫn gặp nhau lúc 7 giờ tối nhé”. Dana thì thào vào tai tôi. Tôi đứng như trời trồng, không thể nói gì, đôi mắt đỏ quạch, vì tôi biết chỉ cần mình nói một câu là khóc trước mặt mọi người ngay, rất xấu hổ. Điều đó càng làm tổn thương Dana.

“Sao anh không trả lời em?”.

“Thôi em hiểu rồi, bạn trai em là người Ả rập, lúc nào cũng phải tỏ ra mạnh mẽ”.

Thế rồi Dana ôm tôi lần cuối và bước lên xe.

 

Một tình yêu biết chắc là sẽ xa nhau. Một mối tình không lời nguyện thề thuộc về nhau mãi mãi. Chúng tôi chỉ biết tới hiện tại, cố níu giữ những khoảng khắc còn được ở bên nhau thế này thôi. Có lẽ chỉ những khoảnh khắc ấy là vĩnh cửu trong cuộc đời này. Rồi khi nào đó, vô tình hay hữu ý gặp lại nhau trong cuộc đời này, biết đâu sẽ mỉm cười và nghĩ về nhau vì những khoảnh khắc đẹp ấy. Là đau khổ nhưng chúng tôi chỉ biết có yêu thôi.

 

Khi Dana đi rồi, hình ảnh nàng bủa vây tôi không rời. Những ánh mắt, nụ cười, cái bĩu môi, hờn ghen tức giận cùng lúc ùa về. Tôi lại bước theo lối quen thuộc, dừng trước cửa phòng Dana. Người lao công đang hí húi lau dọn, trông thấy tôi đứng thẫn người ở ngưỡng cửa có phần hơi ngạc nhiên. Vẫn đồ đạc quen thuộc đến từng vị trí của nàng nhưng sẽ có người khác dọn đến và chúng cứa vào tim tôi một nỗi buồn không lời. Tôi lê bước về, lòng nặng trĩu, không muốn nói chuyện với ai. Từng lời nàng trước lúc chia tay vang vọng tới không ngớt: “Đừng bao giờ gửi thư”. Ừ, có gửi thư, có liên lạc với nhau thì cũng chỉ thêm buồn mà thôi. Tôi nhận ra sự thật là tôi đang ở một đất nước xa lạ, mọi quan hệ tình cảm dù có sâu đậm đến đâu đi chăng nữa, rồi cũng có ngày kết thúc. Tôi quyết định dù sau này quen ai cũng chỉ chơi bời, nếu thấy bắt dầu nhớ nhung thì phải bỏ, như thế sẽ bớt đau hơn. Nhìn từ khía cạnh khác thì dường như Dana đã làm hư tôi, bước qua rào cản tâm lý, không còn ngại ngần trong quan hệ nam nữ nữa. Tôi giữ nguyên tắc này trong thời gian dài, cho đến khi tôi dính phải mũi tên của thần Eros lần nữa, với một tình yêu khác, điên cuồng, mãnh liệt hơn, người giúp tôi hiểu thêm về văn hóa, đất nước Việt Nam, đưa tôi đi rất nhiều nơi, biết thêm cuộc sống nhiều con người nơi đây.

 

Tôi vốn là khách quen của một nhà hàng Iraq tên 3 Mothers”. Rồi một hôm, vừa đến thì tôi thấy trong quán xuất hiện khuôn mặt lạ đang phục vụ khách, lúc nào cũng mang theo con nhỏ đi cùng. Tôi vốn thân với chủ quán, nên một lần ngồi chung, ông tiết lộ thực ra cô ấy là bạn thân của vợ, đang rảnh nên tới giúp, còn bé hay đi cùng chỉ là cháu. Nghe xong, tôi liền lân la tới làm quen, nhưng cô ấy rất khó tính, hỏi gì cũng chỉ trả lời ngắn gọn, xin số điện thoại thì từ chối không cho, khó khăn lắm mới lấy được. Sau một tháng theo đuổi thì cô ấy cũng trở thành bạn gái. Tuy nhiên, như mọi lần, tôi chỉ định chơi đùa thôi, đi đâu tôi cũng cho theo, dù là quán bar, ăn nhậu, vì cô rất khéo léo trong giao tiếp, nói chuyện hay, lại xinh và trẻ. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, kể cả trời có mưa bão, lũ lụt, tôi  không muốn ra ngoài mà cô ấy cũng đến. Có lúc tôi lấy cớ là bận, để có khoảng trống mà thở.

 

Với thói quen xấu của mình, đã có vài lần tôi phản bội cô ấy vì nghĩ mình còn trẻ, mà cũng không xác định là sẽ gắn bó với nhau lâu dài. Một lần khi đang đi với người khác ở Điện Biên Phủ, vô tình gặp nhau, cô liền tiến tới chào. Tôi chột dạ, biết là thôi hỏng rồi, ngay sau đó vội nghĩ cách nói dối về sự lăng nhăng của mình, không ngờ là cô ấy bỏ qua, không tra hỏi gì thêm. Tôi tự cho thế là mình nắm phần thắng trong tay rồi, vì quá yêu nên dù tôi có phạm lỗi kiểu gì cô ấy cũng không dám bỏ, rồi tỏ ra tinh vi, chủ quan. Ngay cả khi bạn thân nói rằng thấy tôi đi với người nọ người kia, cô cũng nhất quyết không tin. Ngày nào cô cũng sang nhà tôi lau nhà, dọn phòng, giặt đồ, thu xếp gọn gàng vật dụng... vô hình chung tạo cho tôi thói quen về một cuộc sống gia đình là như thế nào. Dần rồi tôi cũng biết tới hoàn cảnh đáng thương của cô ấy, từ nhỏ bố mẹ đã chia tay, bản thân từng có một đời chồng, rồi chồng cặp bồ, cô ấy bắt quả tang chồng đi với bồ nên bị đánh rất nặng, mãi mới li dị được. Mẹ cô ấy rất quý tôi, chị gái thì bình thường. nhưng chẳng bạn thân nào của cô ấy tỏ ra thiện ý, thậm chí không ai muốn tôi tiếp tục quan hệ với cô ấy vì sợ rằng tôi sẽ làm khổ bạn họ.

 

Tôi có cảm giác như mình là vua, còn cô ấy là thần dân duy nhất trong vương quốc ấy thì luôn thuần phục. “Ai cho phép em đi biển? Em thích thế này đúng không? Thích được khoe cơ thể ra, thích ai cũng nhìn chằm chằm vào mình như thế hả? Cút đi!”.

 

Bỏ mặc khuôn mặt hoang mang, sợ hãi của cô ấy khi không thực sự hiểu điều gì xảy ra, tôi gầm lên trong ghen tức mù quáng ngay khi thấy làn da rám dưới ánh mặt trời, tôi điên khi cho rằng ai cũng đã thy hết thân hình mà chỉ một mình tôi được biết. Lạy Thánh Allah. Tôi đang không ở Iraq, nơi phụ nữ luôn giấu mình trong những lớp quần áo dày và đưa tay ra dấu cho chồng tới bên mình giữa đám đông. Đáng lẽ cần một lời giải thích. Nhưng không. Vua có bao giờ phải giải thích.

 

Không chỉ thế, tôi rất dễ dàng gây tổn thương cô ấy ngay giữa chốn đông người, cứ ai làm điều gì khiến tôi có cảm giác bị coi thường, là tôi điên lắm. Một lần khi sang nhà bố mẹ nuôi chơi, do không vừa ý cách cư xử mà tôi đã quát lớn, bắt cô ấy đứng dậy, ra ngoài nói chuyện rất nặng lời. Rồi khi cô ấy bắt đầu khóc khiến anh chị em đều ái ngại, tôi xấu hổ chỉ thẳng hai ngón tay vào cô ấy: Cút”. Đó là lời nặng nề nhất mà tôi có thể nói với cô ấy, nhưng tôi không cảm thấy ân hận, thậm chí chưa bao giờ tôi phải xin lỗi cô ấy lời nào. Dù tôi có sai đến đâu, gây sự cãi nhau nặng lời, sẽ luôn là cô ấy tự gọi cho tôi để làm lành sau ba ngày im lặng. Tôi chỉ gọi điện nài nỉ khi nào bị bắt gặp đi ngoại tình là đủ.

 

 

 

 

CHƯƠNG 14

 

Lần đầu tiên tôi thấy nàng uống Cappuccino, thứ thức uống sữa nhiều hơn cafe ấy khiến tôi nghĩ đến đã nản. Nàng ngậm bọt sữa trong miệng chờ tan ra, rồi đưa lưỡi liếm khoé môi để níu giữ chút vị xốp béo. Tôi lia mắt ra đường, cố không nhìn chằm chằm vào khoé miệng nàng một cách bất nhã. Chúng tôi đang ngồi trong một quán ngay mặt tiền đường lớn, với cửa sổ rộng sát đất nhìn ra ngoài. Một chốn gần nhà thờ lớn, trang trí có gu, đắt đỏ và đầy những thanh niên ăn mặc sành điệu.

“Quán này đang nổi hả em? Xung quanh toàn trai xinh gái đẹp thế này, xúc động phết”.

“Đúng rồi anh, nên em mới muốn thử cho biết”.

“Thử xem mình có hợp gu với người khác không à?”.

“Này này, anh nhìn coi, cái đôi vừa bước vào ấy, em đoán là họ ngoại tình”.

Nàng dán sát vào tai tôi thì thầm, bíu lên ống tay áo, vừa lén nhìn một cách công khai. Đôi khi chúng tôi dành hàng giờ liền chơi trò hồ đoán nghề nghiệp người khác từ cách đi đứng, dáng ngồi. Một trò chơi thú vị chưa bao giờ làm tôi chán, vì khám phá bí mật luôn làm nàng trở lên thân thiết, và gần gũi về mặt địa lý với tôi một cách chủ động.

 

“Hôm nay em muốn nghe về điều gì nhỉ?”

“Sau khi ra trường đi, anh có thuận lợi không, cũng như hành trình tìm kiếm giá trị của bản thân chăng. Đại loại thế”.

“Công việc đầu tiên là đi dạy tiếng Ả rập cho sinh viên Việt Nam. Ở Hà Nội có trường Libya, một trường nhỏ khá đặc biệt, ban ngày dạy các môn học cho con cán bộ ngoại giao và một số người có nhu cầu, tối thì dạy tiếng Ả rập miễn phí. Mức lương của anh lúc đó là 50$, nhiều phết đấy”.

“Để nhận việc đó có khó không anh?”

“Anh luôn tin vào số phận. Có người chỉ lối, bảo anh đi lễ nhà thờ thứ 6, gặp đại sứ rồi xin vào. Mà hồi đó anh ngông, em hiểu không, anh bảo: tôi không đi lễ là đã có lỗi với Allah rồi, giờ ông lại bảo tôi đi chỉ để xin xỏ người khác làm gì cho mình ư. Chuyện cứ thế bẵng đi, ai ngờ đâu ngài đại sứ lại truyền lời muốn gặp, trực tiếp mời anh dạy luôn. Về sau mới biết ngài rất tốt, luôn giúp đỡ sinh viên Iraq. Lớp toàn người lớn tuổi, anh nói tiếng Việt tốt, dạy một cách vui vẻ, hài hước hay nên ai cũng thích. Sau vài tháng tằn tiện, cộng thêm tiền từ cuốn sách dịch, anh vay mượn thêm, mua lại con xe máy Bouns từ một người bạn. Và cảm giác lần đầu phóng xe của riêng mình trên đường Hà Nội thời ấy đã lắm. Anh dạy tầm 5 tháng thì nghỉ”.

“Có công việc tốt hơn mời chào anh chăng?”.

“Không em. Thế này nhé, con gái ngài đại sứ cũng học trong trường, thi không tốt, bị trượt, đáng lẽ 5 điểm thì qua, nhưng lại chỉ được 4,5 điểm. Phu nhân đại sứ bực mình, yêu cầu phải thay toàn bộ giáo viên, mà anh là một trong số đó.

“Ôi, lý do chỉ đơn giản vậy thôi á? sao như đùa thế anh?”.

“Ừ, thì em cứ coi như đùa đi. Nhưng ở đâu cũng vậy em, cuộc sống mà, khi người ta có quyền lực mà họ lại còn hay dỗi”.

 

Tôi nhận được tin hai anh trai bị phán tù chung thân, vì có liên đới tới một vụ án hình sự, cướp xe tải, lên kế hoạch giết một quan chức. Không thể, đó là điều đầu tiên tôi nghĩ tới. Không có khả năng. Hai anh tôi không khi nào dính vào những việc phi pháp, nguy hiểm như vậy được, phải chăng có gì đó mờ ám đang diễn ra mà hai anh tôi là tốt thí. Tôi nôn nóng vô ích, rút túi còn 5 triệu đồng, đổi tiền gửi về, mong gia đình thuê luật sư giúp đỡ các anh, nhưng cũng chỉ như cát trong sa mạc, trút vào mà không thấy tăm hơi.

 

“Hai anh con đi làm ăn, luôn để súng trong ô tô, hôm đó có va chạm với một đại tá lực lượng quân đội đặc biệt của Iraq. Chuyện cũng sẽ chẳng có gì, nhưng thằng anh hai con não nó vốn không dùng để suy nghĩ, nóng tính rút luôn súng ra bắn hai phát, may vào không chết, chỉ vào chân. Lạy thánh Allah che chở”. Giọng mẹ đứt quãng và nức nở trong nỗi đau khôn cùng. Nhưng đó là người có chức quyền, nào dễ động vào họ mà xong chuyện đơn giản. Ông đại tá em họ là sếp công an hình sự, hai anh con bị bắt ngay lập tức, đánh ép cung, bắt phải khai như vậy. Ôi, mẹ biết phải làm sao chứ”.

 

Không còn cách nào khác, nhân hai tháng hè, tôi về lại Iraq, chỉ để an ủi mẹ. Về rồi lại đi, nhưng mẹ vẫn tuần một lần, mang đồ đi nuôi hai anh trong tù, mùa đông trời lạnh, rét mưa, đường bẩn, lũ lượt người từ khắp nơi dồn lại chờ tới lượt thăm thân, chờ hàng tiếng công an mới mở cửa cho dân vào. Năm sau, chị gái tôi đi bước nữa, mẹ yêu cầu phải ở rể mới cho cưới. Ưu sầu và mệt mỏi tích lại từng lớp dày như phù sa trong lòng mẹ.

 

Lần nữa mãi, hai năm sau tôi cũng quyết định về. Và bằng một cách thần kỳ, tôi nhận được tin bạn thân làm giám đốc trại giam đúng khu đặc biệt mà hai anh đang bị giam. Lạy Thánh Allah che chở, tôi đến ngay nhà bạn, nói rõ đầu đuôi câu chuyện. Ngay ngày hôm sau, bạn bỏ thời gian, lái xe đến tận nhà đón mẹ đi thăm thân mà không cần chờ một tuần mới được xếp hàng vào như trước. Tôi ngồi im lìm trong văn phòng giám đốc, tay nắm chặt cốc trà nóng, chờ bạn sai người gọi tù nhân tới. Tiếng những cánh cửa nặng nề kèn kẹt đóng vào, mở ra liên tục, khiến tôi nhớ lại từng thời khắc mình đã trải qua sau chấn song sắt. Chắc là gầy lắm. Tôi đưa tay lên bụm miệng khi họ bước vào, đầu cúi gằm, vẻ ngang tàng đầy sức sống đã nằm phơi dưới nắng mặt trời bên dòng sông Tigris từ lâu. Mái đầu húi cua, râu nham nhở cạo dở, hốc hác, làn da trắng bệnh, cùng thái độ dễ dạy nói cho tôi những trận đòn đã thuần hoá các anh mình ra sao. Bạn vỗ vai tôi rồi gằn giọng.

“Các anh có biết mình đã làm gì để bị nêu tên không?”.

“Dạ không”.

Họ lí nhí trả lời, như thể nếu càng nói nhỏ thì hình phạt giáng xuống họ cũng nhỏ tương ứng. Tôi phát ra một tiếng nghẹn ngào trong cổ họng. Hai anh khẽ ngước lên nhìn và khi nhận ra sự hiện diện của tôi, họ ngồi bệt xuống đất, bắt đầu khóc. Tôi đứng bật dậy, đánh đổ bàn, chạy tới, siết chặt hai anh mình bằng cả vòng tay. Bạn cũng rơi nước mắt, tới ôm cả ba anh em, rồi lẳng lặng rời đi mời mẹ tôi tới. Sau ba tiếng đồng hồ, bạn quay lại thêm trà, bánh, rồi giơ tay yêu cầu mọi người im lặng.

 

“Tôi có một tin rất quan trọng và muốn gia đình phải thật bình tĩnh lắng nghe. Bây giờ là tháng 7, rất có thể trong thời gian tới, chính phủ sẽ ân xá toàn bộ tù nhân, nhưng tin chưa chính xác, nên đừng kỳ vọng quá nhiều”.

“Lạy Thánh Allah, xin người rủ lòng thương”. Mẹ phủ phục xuống đất trong niềm hy vọng đến quá nhanh. Chúng tôi vội vã đỡ mẹ dậy rồi chia tay nhau.

“Mẹ hãy yên tâm, con linh cảm hai anh sẽ được thả năm nay thôi”. Tôi nói với mẹ khi nắm chặt tay bà bước ra khỏi trại giam. Có sự giúp đỡ từ phía bạn, tình cảnh của hai anh trong tù không còn quá khắc khổ, nhưng tin đưa hàng ngày trên đài phát thanh lại báo hiệu điều không tốt đẹp đang tới. Mỹ chuẩn bị đánh Iraq. Một phần trong tôi gào lên phải quay lại Việt Nam ngay lập tức.

 

“Nhà có đàn ông đâu”. Mẹ nói, quay lưng về phía tôi, khi đang thả thịt cừu vào nồi. “Tối nay ăn bamieh vậy, lâu rồi con không được ăn món này nhỉ, cả falefel nữa. Mẹ cho thêm nhiều đậu bắp nhé, tiết kiệm chút”.

“Có nhiều độn hơn nữa qua tay mẹ cũng đều ngon tuyệt thôi”. Tôi cắt đứt dòng suy nghĩ, khiến mình tập trung vào bóng dáng của mẹ. Có gì là quan trọng hơn hả Noor, tôi tự nhủ.

“Con ở Việt Nam bốn năm rồi, rong chơi các kiểu, đại học cũng qua rồi, thứ gì cần biết con đều biết cả, bây giờ con sẽ ở lại với mẹ”.

Bà im lặng không nói gì, tay lần lượt lướt qua từng hũ gia vị, miệng lẩm bẩm, “Chẳng dễ gì để nấu một nồi bamieh ngon đúng điệu nếu không biết thêm gia vị vào đúng lúc đâu.”

 

26 tháng 10 có quyết định xá tội cho tất cả tù nhân. Đó là tiệc lớn nhất toàn Iraq. Hôm đó tôi đi ô tô trên đường, nghe phát thanh viên hân hoan thông báo trên đài mà không tin nổi. Tôi tập xe vào lề đường, túm người qua lại hỏi han, phải tới khi người thứ ba hét vào tai là được ân xá rồi mới bừng tỉnh, vội quay xe phóng thẳng tới trại giam, nhưng đã quá nhiều người nghe tin chạy tới trước. Đường tắc, tôi liền vứt ô tô, hoà vào dòng người đông như kiến, đi bộ suốt 5 km để đón người thân. Tôi chờ nhưng không thể nhận ra ai trong biển người xung quanh. Ngồi từ trưa tới 5h chiều vẫn bặt tin, mệt quá, đành quay đi mua hai con cừu, để phụ nữ trong nhà chuẩn bị món ăn tiếp đãi. Mẹ bình tĩnh hơn tôi nghĩ, bà không rơi một giọt nước mắt nào, chỉ chăm chăm nhìn ra cửa. Tôi bồn chồn, đi ra đi vào, bà còn quát là hãy ngồi yên đi. Tầm hơn 6h tối, hàng xóm kéo sang chờ cùng. Đúng lúc đó con trai anh cả chạy ùa vào reo váng lên. “Chú ơi, bố cháu và chú về rồi”. Tôi chạy vội ra, ba anh em ôm nhau ngoài đường, khóc. Phụ nữ trong nhà mừng rỡ hét to. “Mẹ ơi, con hứa với mẹ sẽ đưa hai anh trai về, và bây giờ thì đây”. Lâu lắm rồi ba người đàn ông của mẹ mới ở nhà cùng một lúc, mẹ đưa tay lên ôm ngực, ngất lịm.

 

Đoàn viên chưa được lâu thì chiến tranh sắp xảy ra, mọi người chỉ còn biết chờ đợi. Anh ba trở lại làm nốt nghĩa vụ quân sự tại một tỉnh ở miền Bắc, tôi làm thủ tục hoàn thiện cho anh xong thì cũng phải nhập ngũ. Luật mới quy định mỗi gia đình chỉ có một đàn ông được ở nhà chăm lo, còn lại phải đi hết. Anh cả có con rồi, nên tôi nói sẽ đi. Tôi thuộc về một đơn vị biệt kích, đóng quân ngay tại quận trung tâm. Hàng ngày, tôi về nhà vài tiếng rồi lại đi tiếp. Bằng sự sung mãn của tuổi trẻ và một niềm tự hào dân tộc, tôi luôn mặc một bộ đồ thể thao màu đen với đủ lựu đạn, aka, băng đạn dắt quanh người. Tôi biết họ sẽ vào thành phố, sẽ đánh nhau lớn, nhanh thôi, mọi thứ sẽ đảo lộn, máu sẽ đổ đầy sông Tigris. Mà đâu chỉ sinh mạng, sẽ còn nhiều thứ khác bị chà đạp.

 

Dân Baghdad nhanh chóng chia làm ba loại. Một, bán hết tài sản để chạy trốn sang nước ngoài. Hai là bỏ lại của cải, chỉ sang nước ngoài tị nạn, khi nào có dịp sẽ quay về. Ba, nhất quyết bám trụ. Lúc đó ở Baghdad ai cũng cố xoay xở mua vũ khí, càng nhiều càng tốt, để bảo vệ gia đình mình. Nội đô không còn bóng người, các giao dịch đều dừng lại, giá cả tăng từng ngày. Đã có quá nhiều người bỏ thủ đô về quê lánh lạn cùng họ hàng, ô tô chạy kín các ngả dẫn ra nông thôn. Những người lính đành ra đường tuần tra để bảo vệ dân. Chúng tôi quây quần một chỗ, gắng chiếu cố lẫn nhau. Phụ nữ tập trung nấu nướng, cung cấp thức ăn cho các đơn vị đóng giữ thủ đô. Không khí chờ đợi đặc quánh nặng nề bao phủ. Nhưng, chúng tôi, những người ở lại đã không còn biết sợ nữa, thời gian triệt tiêu mọi cảm giác. khiến người ta chán nản, chỉ muốn đánh thôi.

“Đến nhanh đi”. Ai đó thì thầm trong bóng tối.

“Nhanh đi cho qua cơn ác mộng này”.

 

 

 

 

CHƯƠNG 15

 

20 tháng 3. Chẳng ai có thể quên nổi con số này. Nó hằn vào từng nếp gấp trong tế bào não tôi, dùng chính nỗi đau quằn quại của mình đục lỗ, khắc lại từng ký tự bằng máu và thịt. Đỏ hỏn. 33 nước liên minh, 15 nước trực tiếp hành quân, còn lại là hoạt động tình báo, y tế, vũ khí, chính trị. Lần đầu chúng tôi biết thế nào là sợ hãi. Baghdad với địa thế bằng phẳng đã thành điểm trình diễn hỏa lực của đủ loại vũ khí tối tân nhất từ tên lửa thông minh tới máy bay không người lái. Bom đã rơi trên bầu trời thiêng liêng. Loại tạo ra tiếng động đinh tai nhức óc để dọa người chạy ra khỏi nơi ẩn náu, loại thì rúc sâu xuống tạo chấn động mạnh như động đất… Tiếng gầm rú của máy bay B52 là thứ quen thuộc nhất vang vọng bên tai tôi. Chúng mang theo một hiệu lệnh duy nhất: trốn. Baghdad nổi bão cát suốt ba ngày đêm, xòe tay không thấy ngón mà B52 vẫn bay trên cao, thả bom bình địa. Những nơi tập trung đông dân cư như phố cổ, khu ổ chuột của dân nghèo thì chỉ cần một quả bom cũng lấy đi hàng nghìn sinh mạng. Chỉ có họ nhìn thấy mình chứ mình không cách nào thấy họ. Có lần tôi vừa lơ đễnh ra sân lấy nước rửa tay thì bị đạn bắn xượt qua da ngay lập tức. Không khí khét lẹt thuốc súng. Át cả mùi của cái chết.

 

Đêm thứ hai, dân Iraq lấy lại tinh thần, nhưng không thấy bóng dáng giặc đâu, chỉ nghe có thông tin Mỹ cố tiến quân vào nhưng bị dân và quân chặn, nên chỉ bắn phá từ xa. Cũng có tin lực lượng đặc nhiệm của quân đội Iraq đã tận dụng trận bão cát, tiến vào tận doanh trại Mỹ ở Kuwait, giết nhiều lính Mỹ. Tin đưa là vậy, còn những đơn vị cố thủ vòng trong như chúng tôi có muốn kháng cự cũng không thể, chỉ còn biết giữ mình để bảo toàn quân số. Mỗi đơn vị chỉ có AK, súng trường, còn súng bắn tăng RBG7 có sẵn lại gây ức chế rất lớn, tiếng động quá to, mỗi lần chúng tôi bắn thì máy bay địch ngay lập tức thả bom bình địa cả khu phố. Cuối cùng phía trên phải ra lệnh cấm dùng. Nhưng bất lực hơn là dù mới khai hoả, những kẻ phản bội đã công khai hiện diện, chúng, những người Iraq ủng hộ Mỹ, nghênh ngang đi ô tô trên đường, trang bị súng đạn tận răng, sẵn sàng giương nòng bắn vào chính đồng loại. Cả người Iraq lai Iran (gia đình họ bị đuổi ra khỏi Iraq từ những năm 1979, 1980), giờ có chiến tranh, họ cũng quay về, trà trộn vào quân đội. Tình báo, phản bội, những chữ này giáng mạnh vào lòng tự trọng của chúng tôi. Không ai dám ra đường, phải tìm chỗ trốn kĩ, vì chỉ cần ló mặt, tử thần vỗ vai đằng sau lưng lúc nào không biết. Tháp canh nhanh chóng mọc lên khắp nơi, do có quá nhiều người cướp súng, mặc quần áo quân đội gây bất ổn từ bên trong, nên phải kiểm tra từng người muốn đi qua.

 

Tôi cứ đi ba ngày là lại về nhà, chào mẹ, thăm mọi người và ăn chút gì đó. Lúc nào mở miệng cũng nói với mẹ là đơn vị đánh hay lắm, thắng Mỹ đấy, đừng lo gì cả, sắp xong rồi. Tới lần thứ ba, tôi vừa dứt lời thì mẹ kể. “Hôm qua có người đi qua gõ cửa xin nước uống, mặc áo quân đội, mẹ đón vào nhà thì nằm vật ra, thở dốc, sau 30 phút mới khóc rống lên, kể rằng cả đơn vị bị phản bội, lãnh đạo ra lệnh cho toàn bộ lính di chuyển về phía nam, đi ban ngày, nghỉ đêm, lại chỉ hành quân trên những địa hình phẳng, nên mấy nghìn người bị máy bay Mỹ trên cao bắn như kiến. Ông ta là người duy nhất còn sống. Chết hết rồi, chết hết rồi. Ông ta cứ lảm nhảm như vậy mãi.” Mẹ lẳng lặng nhìn, và tôi chỉ có thể thốt ra hai từ, “Vâng mẹ”. Sự thật là chưa đầy hai tuần, các điểm đồn trú đã giải tán gần hết, đơn vị tôi chỉ còn lại 5 người, không một ai muốn mặc đồ quân đội, hy vọng cũng tắt lâu rồi, có nhóm hẹn nhau chuẩn bị để chuyển sang đánh du kích.

 

Tới 6 tháng 4, kết cục đã rõ, tôi lê bước về nhà, mẹ vừa hỏi thì tôi bật khóc, “Mẹ ơi, chúng nó bán đất nước, phản bội đất nước rồi”. Mẹ câm lặng ôm tôi vào lòng. Nỗi tang thương trong bà đã quá nhiều và chẳng còn lại bao nhiêu muối để khóc nữa. Chỉ còn đứa trẻ là tôi cuộn lên bi phẫn và thống khổ. Tôi vẫn quay về đơn vị như một thói quen. Chiều mùng 7, đường phố vắng lặng như điềm báo, xe tăng địch vào nội đô, cứ thấy tiếng súng ở đâu là chuyển nòng bắn liên tục. Một chiếc đi lẻ xuất hiện trong tầm nhìn. Chúng tôi cứng đơ người, máy móc lôi súng bắn tăng ra, tôi kề thân súng lên vai nhằm giữa phần tháp và thân tăng, bóp cò. Xe trúng đạn, cháy phừng phừng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, chỉ thấy lửa hực lên trong mắt. “Chạy đi”. Ai đó gào lên. Hôm đó tôi không về nhà. Cả dãy phố sau lưng chúng tôi ngả nghiêng trong tiếng pháo nổ. Mùng 8, chẳng ai nói gì, nhưng đều biết là xong hết rồi. Tôi mời tất cả mọi người về nhà mình, ăn tối và ngủ lại. Sáng hôm sau, chúng tôi cùng nhau quay lại đơn vị, thì đã thấy hai xe tăng của Mỹ chặn trên cầu, mọi người vội vã ngăn cản nhau không cho ai được lộ mặt ra. Không chỉ quân Mỹ đổ bộ vào Iraq, mà lực lượng phản bội cũng hoạt động gắt gao hơn, lên cả danh sách để ám sát từng sĩ quan đơn vị đặc nhiệm. Anh họ vội đến báo tin. “Trốn ngay.” Anh gào lên. “Tại sao chú mày lại thích mặc cả bộ đồ đen hả? Chúng tưởng mày là lính đặc nhiệm lên đưa tên vào danh sách ám sát đặc biệt rồi đấy”.

 

“Năm nay Tết âm đến muộn nhỉ, tận tháng 2 dương cơ đấy.”

“Anh cũng để ý ư, em còn chẳng hiểu nổi cái cơ chế vận hành đầy âm lịch ấy đâu.”

“Phải để ý chứ em, mình đang sống trên mảnh đất này mà. Có những thứ chỉ khi xảy ra rồi con người ta mới biết kính sợ đấy.”

“Em thì vẫn chưa từng thấy điều huyền bí gì như anh nói, nhưng đi xem bói thì em cũng thử nhiều rồi.”

 “Kể anh nghe đi.”

Tôi ngả người vào chiếc sofa mềm, chỉnh tư thế cho thoải mái, rồi chờ đợi một câu chuyện dài. Nàng khẽ nghiêng đầu tìm kiếm điểm tựa để mở lời. Tiết trời không có dấu hiệu ấm hơn, mà còn dự báo một đợt rét tăng cường. Ngoài đường, người bán đào, quất đã lác đác bày hàng. Rét sâu, hoa nở chậm, giá tăng cao, không ai buồn dấu hân hoan nơi đáy mắt.

 

“Lần đầu em đi xem bói lúc 17 tuổi, đại loại, cô bạn cùng em ôn thi đại học rủ đi xem có đỗ hay không. Thắp hương với phong bì xong thì bà ấy rút một bộ bài tây ra xào xào, xếp thành mấy hàng, rồi bảo bọn em lựa ba cây. Kiểu gì mà dù bà ấy phán xong, bọn em ra cửa, dắt xe đạp chở nhau về đến nhà vẫn không hiểu nổi là mình đỗ hay trượt đại học nữa.”

Nàng đứng dậy, vươn tay kéo lại lớp váy len xuống gối. Thứ động tác ám muội gợi tình ấy qua sự vụng về của đôi tay nàng làm tôi chán nản. Thà rằng nàng cứ chậm rãi như thể sợ làm đau sợi len, rồi lại dùng ngón tay miết dọc theo lớp quần tất, kéo ra tạo một tiếng động nhỏ khi lớp vải thun chạm vào da thịt. Hãy gửi cho tôi một ẩn ý nào đó, một ám chỉ, một hằng số gợi tình đầy quyến rũ. Tiếng thở dài của tôi hẳn quá rõ nên nàng quay sang nhìn.

“Em nói tiếp đi, lần thứ hai thì nhớ rõ hơn chứ?.”

Nàng ngồi xuống, vắt chéo chân một cách kiểu cách, tay lần trên bàn tìm tới hộp thuốc, rút một điếu, chấm vào cốc cafe, gõ gõ đầu lọc xuống bàn, đưa lên môi, bật lửa.

 

“Lần thứ hai em tới nhà thầy nhân tướng học với một chị. Em không hề có ý định xem cho bản thân đâu, nhưng cuối buổi thầy nhìn mặt em rồi nói mấy câu khiến em ngớ người, nán lại bốc bài nghe cho đầy đủ”.

“Bà ấy phán về chồng tương lai của em chăng?.”

“Không, thầy nói nhà em từng có một bé gái, nhưng do mệnh em thịnh đã lấn át và hấp thụ sinh mệnh của em ấy nên không chào đời được. Em ấy vẫn luôn đi theo em, bình thường thì không sao, chỉ khi vận em có hướng dốc xuống thì sẽ ám thêm điều xấu vào. Ngoài ra em còn một cô em nữa, nhưng do huyết thống xa hơn nên chỉ bị ảnh hưởng tới não trạng mà thôi.

“Hả? Có thầy nào lại nói như vậy chứ?.”

“Tóm lại thì thầy cũng nói chuẩn. Thầy còn dặn số của em phải dồn lực chăm sóc các em mình thì mới ổn được.”

 

Tâm trí nàng chạy miên man theo chiều dài khói thuốc. Chúng vắt lên mí mắt, vướng vào tóc rồi tan thành không khí. Tôi hít sâu một luồng vào phổi, nhưng chẳng còn gì cả, ngay một chút khí vị cũng loãng đến mơ hồ.

“Thế rồi em cảm thấy mình mang một sứ mạng đặc biệt?.”

“Anh định cười vào mũi sự ảo tưởng của em ư? Mà cũng chẳng là gì so với lần thứ ba em đi coi bói đâu. Thầy này còn xây cả một gian thờ tự trong nhà, khói hương nghi ngút.”

“Anh từng nghe kể về các thầy còn nuôi âm binh trong nhà đấy, mà chưa bao giờ được chứng kiến uy lực.”

 

Nàng chun mũi lại lườm, cong ngón tay gõ gõ xuống bàn ra chiều phật ý. Tôi giơ tay lên ra dấu hiệu đầu hàng rồi yên lặng. Em đã tới đó vào một trưa ngày rằm, cái ngày trăng sẽ tròn, chó sói tru rồi người hoá sói ấy, đến truyền thuyết phương Tây còn huyền diệu thế nữa là phương Đông vốn bí ẩn. Em ngồi chờ thầy dâng xong tuần hương, ăn xong lộc thánh, quẹt mỏ, nhổ nước trầu vào ống, rồi thầy chỉ thẳng em. “Tôi nói này, khó có người xem được số cô lắm, vì mệnh cô luôn bị dấu, nếu không phải tôi vừa thụ lộc thánh thì cũng bị che mắt thôi. Cô đừng đi xem về công danh, tiền tài, chồng con làm gì, chẳng ai nói nổi đâu, mà nó cũng tầm thường lắm. Phải biết, số cô là vua biết mặt, chúa biết tên. Cô có căn Phật, nếu là nam thì phải tu đến trụ trì chùa còn ít. Không đùa được với cô đâu, rồi cả nhà cả họ, cả làng cô có phúc. Nhưng thôi, con đường cô đã chọn rồi, nếu đi ngược lại thì cũng không dễ, cô có lên chùa tu, người ta cũng tìm cách lôi cô ra cho bằng được cho xem. Nghiệt chưa trả hết, duyên đành nỡ. Cô về đi, về trả nghiệt đi thôi.”

“Từ đó trở đi, xem bói toán với em chỉ còn là trò tốn thời gian.”

 

Tôi đi xem bói một lần duy nhất trong đời, theo sự sắp xếp của cô em gái. Một buổi tối bình thường, một căn nhà trông từ xa thì cũng rất mình thường, nhưng đến khi cô em dẫn tôi bước qua cánh cổng, vòng ra vườn, thì tôi mới biết mảnh đất này rộng thế nào giữa cái thủ đô chật chội. Vườn bao xung quanh nhà phải hơn 300m vuông, mà kín người, ai cũng ngồi trong im lặng, kiên nhẫn chờ tới lượt mình. Bà ngồi cạnh một chiếc bàn đen, mặc đồ đen như muốn chìm vào bóng tối, chăm chú xem cho một phụ nữ. Hai anh em đến sau nên đứng xa vừa chờ vừa ngó nghiêng. Tự nhiên bà quay mặt ra hướng tôi nói: Mày đã đến rồi à, chờ tao một tí”. Rồi bà kêu người gọi đích danh hai anh em vào trong nhà, dù có rất nhiều người vẫn xếp hàng nhưng không ai phản đối. Mày tên gì”, bà hỏi. “Cháu nghe cô rất giỏi về xem bói, nên em khuyên cháu đến một lần”. “Mày thử tao à?”. Bà cầm tràng hạt trong tay, ngón cái linh hoạt lần từng hạt, chậm rãi, xoay vần trong một vũ điệu linh thiêng chỉ mình nó hiểu.Tên mày một là Quang, hai là Bình Minh”. Lời vừa ra khỏi đầu lưỡi, tôi đã đơ ngay, sao bà lại biết tên Việt Nam của tôi? Trực giác nảy lên. Tôi biết là bà này rất ác. Rồi bà nhắm mờ mắt, thao thao kể chuyện quá khứ chuẩn đến từng chi tiết, ở đâu, làm gì, đã trải qua những chuyện gì.Mày đang sống ở một đất nước rất xa, bên cạnh Trung Quốc, có hình con rồng, mày như con cá trong biển, ra khỏi nước là chết, mày vừa bị ốm, mày sẽ quay lại Việt Nam trong năm nay. Mày phải tin tao, bây giờ Iraq không có biên giới, không nước nào dám nhận, nhưng hãy cứ chờ tới tháng 8 mới tìm đường đi. Nếu đi được, hãy gọi điện cho tao. Mày sang đó có hai người già tóc bạc như bông đón ở sân bay, có người đang chờ mày, một cô gái hơi lớn hơn mày vài tuổi, nó rất đau buồn, rất yêu nhau nhưng chỉ ở với nhau một năm, sau đó xa nhau mãi mãi”. Bà nhìn chằm chằm vào mắt tôi, mặc kệ đủ mọi con chữ đang ào lên xếp hàng muốn lao ra khỏi miệng. “Mày sẽ rất buồn, muốn lấy vợ nhưng chưa được, ba mươi năm tuổi mày sẽ lấy vợ, bắt đầu làm ăn được, bị mấy trận ốm nặng, nếu qua được sẽ sống rất thọ. Mày rất khó khăn, mất người nhà, có thể nghèo nhưng không bao giờ chết đói, Allah luôn sắp xếp người giúp mày. Số phận của mày là sống và chết ở nơi đất khách quê người, sẽ có hai vợ, vợ đầu một thời gian sẽ bỏ nhau, vợ thứ là người Ả Rập, con đầu lòng là con gái…”.

 

Giọng bà rầm rì bên tai tôi, rầm rì suốt những đêm dài chạy trốn không dám nhắm mắt. Giữa tiếng súng, tiếng xe và tiếng gió hun hút thổi, từng từ bà thả ra như bùa hộ mạng, còn tôi liên tục cấu vào đùi để mình tỉnh. Tôi sẽ sống, và sáng mai sẽ tắm đẫm trong nắng ấm thôi. “Có người đang chờ mày”. Bà nói. “Có người đang chờ mày”.

 

Điện thoại vang lên từng hồi tút liên tục. Tôi xin phép nàng rồi bước ra đường lớn, bắt máy.

“Anh nghe”.

“Hôm nay anh có về dùng bữa không?”.

Tôi liếc nhìn kim ngắn đồng hồ đã chỉ gần tới số 7. Khẽ thở dài. Giọng con gái nhỏ líu nhíu từ xa vọng lại. “Không, ta sẽ không cưới ngươi,” công chúa Barbie tiến về phía trước với đôi chân nhựa cứng còng. Một tay khác của con gái đưa hoàng tử Barbie rê bước theo, “Tại sao, tại sao, rồi chúng ta sẽ có những đứa con, cả một nhà đầy em bé đấy”.

“Anh sẽ về nhanh thôi. Nếu con đói thì hai mẹ con ăn trước đi”. Tôi thở nhẹ vào điện thoại.

Quán cafe nằm ngay góc ngã tư. Theo nhịp đèn giao thông nhịp nhàng chuyển màu, cả dòng người hỗn loạn tụ, tán, dừng, phanh, lên ga, bấm còi. Mọi thứ quanh tôi đều hỗn loạn một cách hài hoà.

 

 

Phạm Ngọc Lương
* Còn tiếp những kỳ sau

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8013)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13106)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 713)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1752)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 924)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1134)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 686)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 989)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1138)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1349)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.