- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐÊM GIÁNG SINH NĂM ẤY…

22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 5170)
TranhHaQuocHuy
Tranh Hạ Quốc Huy






Trần Quang Phong

ĐÊM GIÁNG SINH NĂM ẤY…

 

 

            Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh. 

Tôi ngồi trong quán tranh ven đường uống cà phê nhìn ra rừng cao su bạt ngàn mịt mùng đêm tối, ẩn hiện những mái tranh lụp xụp le lói ngọn đèn dầu. Tiếng côn trùng râm ran, những con đom đóm lập lòe khắp rừng cây, tôi chợt cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết…

                                                   *

          Tôi nhớ đến chòi tranh mà tôi gọi là chòi ly biệt. Chòi tranh lưng chừng đồi dựa vào tảng đá lớn, sau lưng là vách núi Hòn Rồng, trước mặt có thể nhìn thấy đảo Bình Ba nhấp nhô cửa biển dưới nắng ban mai long lanh. Dưới chân đồi xen lẫn với sỏi đá là những vạt ngô, nương mì, ruộng lúa. Những túp lều xiêu vẹo rải rác che chở những phận người hèn mọn vất vả mưu sinh. Sao gọi là chòi ly biệt? Suốt mùa hè năm ấy, trong cái chòi tranh ấy, tôi tiễn đưa các bạn đi xa. Cái bếp lửa nồng ấm tình người đỏ cả đêm sương, dế kêu khoắc khoải, ngọn gió nỉ non… Đứa lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, đứa chôn chân góc núi, đứa vào Đại Học… Những tiếng đàn và câu hát khoắc khoải tuổi thanh xuân. Những nụ cười và những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong cái chòi tranh ấy…

Tôi đưa tay đỡ lấy người thiếu phụ gánh nước từ dưới suối lên vấp phải đá đang loạng choạng muốn té… Chị cẩn thận đường dốc và đá nhiều lắm… Cám ơn em, mấy năm rồi mà chị vẫn chưa quen với cuộc sống này… Tôi xót xa nhìn vào đôi mắt mênh mang buồn nhưng vẫn ánh lên ngọn lửa khát khao mãnh liệt. Những con người quanh vùng này đều có những hoàn cảnh nghiệt ngã, họ đến đây vì không còn con đường nào khác để mưu sinh. Tôi vẫn thường nhìn chị quyến rũ trong bộ bà ba đen, dẫu thường xuyên làm việc với nắng lửa, mưa dầu nhưng làn da vẫn mịn màng trắng muốt, vẫn mang dáng vẻ đài các, trâm anh… Chị tên Huệ, em ở trên đồi phải không? Nhiều người tìm em thật, cả những cô gái dễ thương nữa chứ… Chị mỉm cười lộ chiếc má lúm đồng tiền. Tôi gánh dùm đôi gánh nước của chị về chòi , chị đang sống cùng với bé gái năm tuổi.

 

                                                      *

Có tiếng la hét, những bước chân chạy thình thịch. Một toán công an và du kích đang rượt đuổi các cô gái bán phấn buôn hương, túa ra hỗn loạn từ các mái tranh. Những khuôn mặt trát phấn hoảng sợ, những bộ quần áo trễ tràng… Một đôi mắt khẩn cầu, ngồi xuống cạnh tôi và giấu mặt vào vai giả vờ ngủ… Anh giúp em… Một mùi hương thoảng nhẹ. Anh công an bước vào quán ngó nghiêng dáo dác, dùng đèn pin soi vào mặt từng người khách, có khi tra hỏi một cách hách dịch. Tôi đưa tay ôm lấy bờ vai thon mềm mại, cô gái rúc vào ngực tôi. Sau một hồi lục lọi, cảm thấy không còn gì đáng nghi, anh công an quát đám du kích đưa các cô gái lên một chiếc xe công nông phành phạch hút vào sương trắng.  

          Tôi và Phượng Ý học chung một lớp, hai chiếc xe đạp mải miết song song nhau trên con đường đến trường, vòng xe đạp lăn tròn qua bao mùa hạ. Có khi tôi gò lưng hì hục đạp, sau lưng em cười nho nhỏ… Cố lên, cố lên… Hai chiếc bóng như ngã vào nhau, như hai hòn bi ve trong suốt lăn tròn trên hai con đường tiệm cận óng ánh bảy sắc cầu vồng. o những độ trăng tròn, Phượng Ý lại đến thăm, mang cho tôi những quyển sách, những vật dụng thiết yếu và nấu bữa cơm chiều đạm bạc. Em ở lại cả đêm, hai đứa đốt lửa bên con suối róc rách, ngồi tựa vào nhau ngắm mảnh trăng sơn cước, nghe tiếng rừng đêm xao xác, đợi chờ những con thỏ trắng tìm về uống nước, nhấm nháp cỏ non. Không khí thật lãng mạn, hương con gái làm tôi ngây ngất, nhưng trong lòng cả hai thê lương vô hạn. Tôi đùa… Con gái hư… Em cười… Thế anh có dám làm gì em không?… Ba, mẹ có la không?… Không ba, mẹ chỉ nhìn em và thở dài… Khuya sương rơi lạnh buốt, trăng treo lơ lửng đỉnh đầu. Tôi đưa em vào ngủ trên tấm ván ọp ẹp giữa chòi, em nằm co ro như một con mèo trong tấm chăn tôi đắp. Còn tôi, nằm trên chiếc võng dù trước hiên đu đưa và thiếp vào giấc mơ ly biệt. Gia đình Phượng Ý bặt tăm từ dạo ấy… Để lại cho tôi nỗi đau trần thế.

                                                                 *

         Cô gái ngước mắt, khuôn mặt khá xinh, son phấn nhẹ nhàng… Sao lại giống đến vậy… Không, do mình nhớ đến Phượng Ý… Tôi gọi hai ổ bánh mì và thêm một ly cà phê, cô gái ăn ngấu nghiến, vành mắt đỏ hoe. Đêm ngã vào khuya, những người khách thiu thiu ngủ, bà chủ quán giăng võng nghỉ ngơi, sương lạnh xuống dày. Cô gái múc từng muỗng cà phê thổn thức… Cha đi cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, để tránh cảnh bị đưa lên rừng thiêng nước độc, cả nhà ba người về quê ngoại ở Sóc Trăng nương náu. Cuộc sống khốn khó, cô phải bỏ học để kiếm sống nuôi mẹ, nuôi em ăn học. Và cô đã sa lầy… Tôi không biết là thực hay giả, nhưng vào thời điểm đó tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh tương tự. Cô gái ngã cả thân xác mềm mại vào tôi.

               Mưa lớn đã mấy ngày, nước lũ tràn về chân đồi trắng xóa, cây cối vẹo xiêu, đất đai xói lở. Đang thiêm thiếp, tôi nghe văng vẳng tiếng gọi trong mưa. Tôi khêu ngọn đèn dầu và mở cửa, chị Huệ đội áo tơi, lưng cõng bé gái, tay xách bọc hành lý bước vào… Chòi của tôi sụp rồi… Chị nhìn quanh… Chòi của em chắc chắn và không dột ướt… Tôi bỏ mấy cái gộc củi vào bếp lửa đang âm ỉ, nhìn bé gái run rẩy tròn xoe mắt nhìn quanh… Chị lau khô và thay quần áo cho con bé, nó đang lạnh kìa… Chị lau khô rồi mặc quần áo cẩn thận, đặt lên tấm ván, ủ chăn trìu mến, con bé ngủ khì… Chòi của em ấm áp thật, tôi phải ở nhờ một thời gian… Chị thay quần áo thản nhiên. Tôi nóng bừng như ngất đi trước thân thể cực kỳ ưu mỹ của người thiếu phụ một con, chồng chết mất xác trong chiến tranh, dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ. Tôi quay mặt, sau lưng chị khúc khích cười… Chị không ngại, em ngại gì… Em dễ thương lắm… Một bàn tay mềm mại nắm lấy tay tôi, kéo tôi ngồi lên chiếc võng dù góc lều. Tôi xiết chặt lấy cái thân xác hừng hực khao khát được ủ kín bao năm, đếm từng sợi lông và rơi vào giấc mơ kỳ lạ nhất trong đời. Sau mùa lũ năm đó không biết mẹ con chị về đâu?… Và tôi cũng bỏ cái chòi ly biệt để đi tìm sự biệt ly…

                                                           *

         Cô gái cựa mình. Tôi chợt nhớ đến bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị… Cùng một lứa bên trời lận đận… Có bao nhiêu thân phận như thế?

        Anh lơ xe gọi khách… Lên xe bà con ơi!… Nhanh lên… Cô gái nhìn tôi sâu thẳm, tôi đứng dậy rút túi, chỉ còn một trăm đồng, tôi dúi vào tay cô năm chục và cúi đầu bước về phía xe… Về nhà đi… Đêm tối càng mịt mùng.

        Và như thế mỗi mùa giáng sinh, tôi lại thầm hỏi cái thân phận nhỏ bé kia đã trôi giạt về đâu?... Chuông giáo đường đã ngân…

 

Trần Quang Phong

CR 12/ 2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 79913)
Hai mươi nhăm năm. Một phần tư thế kỷ. Khi nhìn lại chặng đường vừa qua của văn học Việt Nam, người ta nhận thấy do một tình cờ, một định mệnh hay một thần giao cách cảm ...
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 97569)
Sáng hôm nay ông Năm nhấp nhỏm ngồi đứng không yên. Hết ngồi xuống lại đứng lên. Ông bước chầm chậm lại gần cửa kiếng lớn phía sau nhà, nghiêng mình nhìn xéo qua cái hàn thử biểu để ngoài trời. Ông nhướng mắt rán nhìn cái màu đỏ của thuỷ ngân, coi nó lên xuống tới mức nào. Có thấy gì đâu, cái lằn đỏ nhỏ xíu, lờ mờ.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 128418)
Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 111720)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98909)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32340)
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quí.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110766)
Tin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn. Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 128204)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
31 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 84140)
... lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là một thứ câu chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy có một tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương hiện hữu về họ Ngô hay Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời “cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực... Bài viết này nhằm điền vào khoảng trống nói trên.