- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thầy Doãn Quốc Sỹ

06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6084)

doan quoc sy

Thầy Doãn Quốc Sỹ   

                                                                                             Nguyễn Công Khanh     

 




Nhà văn Doãn Quốc Sỹ  là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm  thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không  gọi là “Giáo sư” như những năm sau này.  Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”.

Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy  năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia  cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy  dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54. Không hiểu niên học 53-54, trước khi di cư thầy dậy ở đâu. Chắc phải kiểm chứng lại mạng này, và đó là một câu hỏi tôi cần tìm  hiểu.

Trường Chu Văn An là hậu thân của trường Bưởi. Trường Bưởi ở khu Hồ Tây, bên cạnh đường tầu điện từ bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Thụy Khuê đến trạm cuối là chợ làng Bưởi. Tôi chưa được vào xem trường này, chỉ ngồi nhìn từ trên xe điện. Nhất là sau này trường bị chiếm và là hậu cứ của lính nhẩy dù Pháp.

Trường Bưởi không còn nữa, và để thay thế,  trường Chu Văn An được thành lập sau khi thành phố Hà Nội được vãn hồi an ninh. Trong đời, tôi chưa thấy một trường trung học nào như thế. Bây giờ muốn kể lại chuyện mà đầu óc ngày càng rỗng, thiếu chữ nghĩa để nói về ngôi trường đó, về cơ sở, về tổ chức, về những vị thầy cũng như cung cách về nền giáo dục và bọn học trò như chúng tôi.

Trường tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, trước cổng thành Thăng Long, cửa Bắc mà tôi đã có vài lần đến xoa tay vào mấy vết đại bác do quân Pháp bắn vào chân tường thành trong thế kỷ trước mà hai vị tướng trấn thủ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết theo thành.  

Nhà tôi ở khu Hàng Bún, ngôi nhà hai tầng ở góc đường Yên Ninh và Phạm Hồng Thái, phía bên kia là khu Nhà Đèn, tức là nhà máy điện lớn của thành phố. Nhiều hôm, nhà máy nhả khói. Bụi than bay khắp vùng, phủ đen dưới đáy các chậu nước. Lần về thăm căn nhà cũ năm 94, thấy cảnh nhà máy này bị bom  san bằng,  chính xác đến nỗi mà các khu phố xung quanh không bị xuy chuyển.  Hồi đi học, tôi thường đi bộ ngang qua phố hàng Bún, ngang qua đường Quan Thánh, tới đường Đỗ Hữu Vị quẹo trái là tới ngay trường

Trường là một cơ sở đồ sộ đã được xây từ lâu thời Pháp thuộc, nghe nói trước là trường Bách Nghệ, huấn luyện các thợ chuyên nghiệp.  Qua cổng chính của trường, là một nhà “gác gian”. Sân trường rộng mênh mông, có cả sân  bóng đá, sân bóng rổ, sân bóng truyền và các lối đi rộng rãi, hai bên trồng hai  hàng cây lim, cây sấu cổ thụ. Mùa hè, ve kêu inh ỏi. Đi vào phía bên trái, là khu “nhà chơi”, mà chúng tôi thường gọi tên tiếng Pháp là “Préau”. Nhà chơi đặt nhiều bàn pingpong, và có một vài hàng bán quà ăn vặt. Mùa mưa, giờ ra chơi, chúng tôi thường tụ tập ở đó. Nhớ nhất là những buổi sáng mùa đông lạnh cóng,  tôi thường mua bánh mì nóng hổi với nhân chả bò rắc thêm muối tiêu, ngon đến nhớ đời.

Tòa nhà lớn ba tầng chạy dài, phải dùng đến ba cầu thang. Cầu thang chính ở giữa tòa nhà và hai cầu thang ở hai đầu, mà cầu thang nào cũng bằng  gỗ trắc, bóng nhẵn như ở các dinh thự. Hành lang trên các tầng rộng rãi, nhìn xuống sân.  Các phòng học thì khỏi nói. Trường lại có một phòng thí nghệm trang bị những chai lọ hóa chất, ống nghiệm và một phòng hội họa mà mỗi học trò đều có một giá vẽ như một họa sĩ thứ thiệt.  Nhưng phải nói đến cái cung cách của học đường ngày đó, cái cung cách được phối hợp của nền giáo dục Đông Phương và Âu Tây của người Pháp mang đến. Không có cái tình trạng bát nháo  như ngày nay.

Tôi còn nhớ rõ, ngày thầy Sỹ xuất hiện tại trường, thầy khác hẳn với các thầy khác. Thầy Xán hiệu trưởng, thầy Thận giám học, thầy Phụng tổng giám thị,  các thầy  dậy khác, suốt niên học đều mặc đồ bộ, complet cà-vạt, giầy bóng , đi đứng nghiêm trang.  Học trò hầu hết đều ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, nhưng vẫn có những bọn quỷ quái .

Đặc điểm của mỗi thầy làm tôi còn nhớ mãi từng thầy. Thầy Hải dậy Cổ văn, tóc đen trải brillantine bóng nhẫy, học trò thường bảo nhau ruồi mà lỡ đậu xuống cũng phải té nhào. Thầy Sửu, ở Anh mới về, thầy trông giống hệt Mr. Pickwick trong sách, bụng thầy hơi mập và đeo giây lưng choàng qua vai,nói giọng đặc “Ăng Lê”. Thầy Loan dậy Pháp văn, trông rất dữ, thầy thấp người, lông mày dài quặp xuống, trông như tướng cọp. Mùa Đông lạnh, thầy mặc hai quần, nhiều khi quần trong thò ra khỏi quần ngoài, không có một đứa học trò nào dám hó hé, buồn cười mà không dám nhúc nhích,  ngồi im thin thít. Tội nghiệp cho mấy trò nhỏ ngồi bàn trên, có đứa sợ ướt cả ra quần. Cụ Cử Tiếp,  cụ mặc áo dài the đen, đội  khăn xếp, hình ảnh của thời tàn Nho. Cụ dậy Hán Văn là môn phụ lại khó học, khó nhớ từng nét chữ, mỗi lần cụ gọi đứa nào lên bảng trả bài bằng cách viết trên bảng những chữ cụ dậy, hầu hết cứ đứng ngớ ra, phải chờ bọn ở dưới viết chữ đằng sau cái cặp da, khi cụ ngoảnh đi thì giơ lên để nó chép vội lên bảng. Có vài đứa khờ chép mãi không nổi, khiến bọn ở dưới cứ phải giơ cặp lên, kéo cặp xuống nhiều lần như một trò chơi “Đi dấu đi tìm” với cụ mà cụ không biết. Thầy Tấn dậy bài “Nhật thực Nguyệt thực”, mà ra đề thi đúng bài này, mấy đứa vẽ họa đồ không được, bèn tìm cách trả thù thầy. Mùa Đông thầy mặc quần dạ đen, có thằng quỷ quái, cạo phấn trắng rắc trên ghế trước giờ học, thầy không để ý, phấn dính vào quần thầy, thầy thản nhiên đi từ lớp này đến lớp khác. Thằng quỷ đi rêu rao, quần thầy dính cứt cò... Nhiều lúc thấy chúng chơi ác, tôi thấy thật tức định gây sự, nhưng bọn chúng có mấy đứa, nên tôi phải nhịn.

Ai cũng biết, học trò quỷ quái thường sinh ra trong những năm rôĩ rãi không lo việc thi cử, nhất là trong các trường công lập. Đệ Thất thì còn non, đó là hai năm Đệ Lục và Ngũ, tôi ở trong các lớp đó, xin các thầy tha tội cho chúng nó. Thầy Hùng Lân dậy Nhạc, cũng là môn phụ, nhưng không một học trò nào dám rỡn với thầy. Thầy rất nghiêm, đứa nào lờn mặt là thầy bắt ngửa tay lấy thước đánh như học trò tiểu học, thầy gọi là cho mấy hèo và còn phạt giam “Consigne” ngày cuối tuần. Nhưng thầy là một người dậy nhạc rất giỏi, thầy soạn ra mấy  quyển sách giáo khoa về nhạc rất sư phạm cho bậc trung học. Tôi còn nhớ một số bài, thầy chỉ cần 3 notes chính mà thành một bản nhạc đầy đủ, tình tự, như bài sau đây dùng 3 notes cung trầm đồ, mi sol:

“Chiều tà sương lam lắng xuống thôn
Tiếng sáo xa đưa hiu hiu buồn
Trăng lên dần nhấp nhô đầu núi
Trên đê mờ đàn trâu bước dồn.”

Tôi học thầy 2 năm, tuy ít giờ, nhưng tôi có được căn bản nhạc lý khá vững.

Tôi được thầy chọn vào ca đoàn của trường, có lần thầy dậy chúng tôi hát bè bài “Hè Về, Hè Về” và đã được lên trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Thầy là một nhạc sĩ nổi tiếng từ hồi 1945, với hai bài tôi thường hát hàng ngày với toán nhi đồng cứu quốc trong phố là “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”, và bài  “Khỏe Vì Nước”. Bài VNMCTĐ là một trong ba bài, bài “Này Công Dân Ơi”, bài “Chào Mừng Việt Nam”, không phải bài “Việt Nam, Việt Nam” như mọi người thường hát, được đưa ra để chọn làm quốc ca khi miền Nam mới được thành lập chế độ Cộng Hòa năm 1956. Tiếc rằng ban tuyển lựa đã không có lập trường quốc gia vững chắc và dứt khoát với quá khứ nên đã giữ bản quốc ca cũ. Bản VNMCTD của thầy lời uy nghiêm, thấy cả một đất nước lừng lẫy bên biển Thái Bình... Tôi cho đó là một điều đáng trách.  

Thầy Doãn Quốc Sỹ thì khác hẳn, ngày đầu đứng trên bục gỗ dáng cao và gầy, tóc hơi  quăn tự nhiên, nét mặt xương xương, người hãy còn đượm nhiều nét phong sương của những năm dài theo kháng chiến. Thầy giản dị, thường mặc y phục mầu nhạt, nếp không thẳng và hình như ít thấy thầy mặc complet cà-vạt như các thầy khác.

Thầy dậy Việt văn, và thêm môn Công Dân Giáo Dục. Cách thầy dậy môn này, khá hấp dẫn,  khác hẳn với các lời giảng khuôn mẫu cổ điển của luân lý mà  các thầy khác dậy  trong những năm học trước. Tôi còn nhớ, khi thầy giảng về Tình Nhân Loại, thầy lấy một thí dụ trích từ một truyện của ngoại quốc: Trong một trận chiến khốc liệt,  hai bên cùng tràn lên, lẫn lộn đánh cận chiến, bỗng hai người lính của hai bên cùng nhẩy xuống chung một cái hố để tránh đạn. Khi cả hai cùng bừng tỉnh, họ mới nhận ra là kẻ thù của nhau, đáng lẽ họ phải tìm cách giết nhau, không hiểu sao họ lại cùng ngồi yên và sau này thành bạn của  nhau. Cáí nguyên cớ đó từ đâu, có phải đó là tình nhân loại đã bật dậy trong lúc đó không?

Những năm thầy Sỹ đi theo kháng chíến thì tôi cũng bị cuốn đi như thầy. Tôi mất 4 năm theo cha tôi, cha tôi theo bên nội, tất cả bên nội tôi đi theo Việt Minh. Tôi làm liên lạc viên cho một cơ quan Kinh Tài của Liên Khu 3, còn cha tôi vì biết tiếng Pháp nên làm cho cơ quan Địch Vận thường phải ở sát vùng tề, vùng địch. Họ ngoại tôi thì theo Quốc Gia, về thành, tức là về Hà Nội rất sớm. Người em út của mẹ tôi, cậu tôi Ngô Kim Cương, đỗ “Diplome” tại trường Bưởi, xin vào làm thông phán Phủ Toàn Quyền đã lâu hồi còn Pháp đô hộ, theo Quốc Dân Đảng bị bắt ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó được giải cứu và lên chiến khu Yên Bái, chỉ sau một tháng , Việt Minh đem quân bao vây san bằng chiến khu. Cậu tôi biệt tin từ đó.

Cha tôi là cán bộ xa nhà, không nuôi nổi gia đình. Mẹ tôi qua những năm vất vả tại hậu phương, lại phải  một mình lặn lội tìm đường về Hà Nội trước, sau đó mới ra đón cha con tôi về. Nhờ thế tôi đã bỏ được “Bác”, nếu không thì sẽ trở thành một tên thất học, và rồi chắc cũng khó tránh được cảnh “Sinh Bắc Tử Nam”.

Tôi thuộc loại học trò lớn tuổi trong lớp vì hồi cư trễ, lại phải trải qua những năm loạn lạc vừa qua.  Tôi lớn hơn 3, 4 tuổi so với  các trò khác và thường phải ngồi ở bàn cuối lớp. Tôi học dễ dàng, và cũng chưa bao giờ chuyên chú thật sự vào việc học, nhất là cũng chẳng bao giờ muốn đứng đầu nhất nhì lớp. Tôi lại có nhiều bạn. Các bạn cùng lớp còn lại sau này, có NguyễnThượng Hiệp, Hiệp tài hoa, có một thời làm báo tại Cali và đã mất. Đỗ Hữu Tước thành bác sĩ, ở cùng thành phố với tôi và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau tại chùa. Nguyễn Ngọc Giao, học khá giỏi, thường đứng đầu lớp. Tôi nhớ hồi đó hay cùng Giao, Hiệp và Ngô Quang Vỹ thường  họp nhau tại Vườn Bách Thảo để làm bích báo cho lớp. Vào Saigon, Giao được học bổng du học Pháp năm 58, thân Cộng rồi theo Cộng làm tờ Diễn Đàn ở Paris. Sau khi khối Liên Sô tan rã và Hà Nội không cho Giao về nước,  bạn tôi Hà Dương Dực nhân dịp sang Pháp có mang một câu hỏi của người anh Giao, một sĩ quan cao cấp Hải Quân muốn hỏi Giao là “Hỏi nó còn theo Cộng Sản không?”. Trong một bài viết, Giao có thuật lại chuyện này và trả lời thẳng thắn là vẫn theo chủ nghĩa Cộng Sản, bài này tôi đọc được trên báo Diễn Đàn của Giao. Khi Dực mất, tôi có viết một bài về Dực và cũng nhắc lại chuyện đó. Bài này có đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ và tôi cũng gửi cho Giao, Giao không đăng trên Diễn Đàn nhưng lại trả lời tôi bằng email thông thường như những người bạn cũ được tin nhau. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối chúng tôi liên lạc với nhau. Thấy thật ghê sợ, cái chất độc, độc hơn ma túy, tiêm vào một số người khiến không tỉnh được, và đã làm cho đất nước ngày càng có nhiều chuyện quái đản. Nhưng những tháng vừa qua, tôi theo rõi tờ Diễn Đàn, thấy trang mạng của Giao đã đổi chiều với nhiều góc độ lớn. Một người bạn khác là Nguyễn Đắc Điều cùng thời, anh không học cùng lớp với tôi, anh học B3, tôi B4, nhưng khi vào trường Hành Chánh và Đồng Đế, anh cùng khóa với tôi trong một thời gian dài. Anh có một trí nhớ rất tốt, tôi thường gọi nói chuyện với anh, những chuyện bạn bè ngày nay, ngày xưa,  mỗi lần hỏi  anh đều trả lời cặn kẽ, ít khi sai. Hiện nay vợ chồng anh ở San Diego. 

Hồi đó, nhờ thầy Hùng Lân tôi rất thích âm nhạc, bao nhiêu bài nhạc xuất bản hồi đó, tôi đi mượn nắn nót chép lại thành 5,6 quyển sách dầy cộm. Tôi chơi đàn  Mandoline, Banjo và Hạ Uy Di, những thứ đàn có thể tự học lấy, ngày nay còn rất ít người chơi. Tiếng đàn của tôi văng vẳng trong khu phố với những bài  như Dư Âm, Trăng Mờ Bên Suối, Nụ Cười Sơn Cước...cùng những bản của hồi đầu kháng chiến như  Bên Cầu Biên Giới, Tình Kỹ Nữ ...trữ tình ướt át làm một cô học trò hàng xóm xấp xỉ tuổi tôi, để ý đến tôi. Cô thường đi qua và dừng lại chỗ cửa sổ nghe tôi đánh đàn. Chắc cô mê tiếng đàn của tôi. Nhưng tôi đã không trở thành nhạc sĩ nên duyên nợ chẳng đi đến đâu. Tôi nghĩ vậy.

Về Việt văn, thầy Sỹ dậy chúng  tôi về văn mới, những ý tưởng mới, khác hẳn với cổ văn như “Nhị Thập Tứ Hiếu”, “Lục Súc Tranh Công”... Thầy trích những đoạn văn hay, tiêu biểu của các nhà văn thời Tiền Chiến, khiến tôi rất thích và tìm đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của nhóm Hàn Thuyên và các nhà văn khác như  Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Trần Tiêu...và sau này là Đỗ Tốn. Tôi nghiền đến nỗi, đọc không còn một quyển nào của tiệm cho thuê sách ở  góc chợ Đồng Xuân. Khác với các bạn tôi thường hí hoáy chép các vần thơ của các thi sĩ nổi tiếng, thì tôi lại tìm chép những đoạn văn hay thành một quyển như tôi đã từng chép những bài nhạc.

Tôi không được sống trong thời kỳ văn thơ lãng mạn tiền chiến, nhưng nhớ lại những năm Hà Nội đó, dù là trong chinh chiến văng vẳng ở núi rừng xa, vẫn là một thành phố yên bình với những  bài nhạc tôi đã chép, những tiểu thuyết xưa tôi đã đọc, những hình ảnh của các thành quách, phố cổ rêu phong... trở thành những tình tự lãng mạn của một thời tiền chiến còn sót lại khó quên...   

Những bài luận văn thầy Sỹ đưa ra trong những năm đó hình như đều là văn tả cảnh, chứ không tả tình. Thí dụ như thầy ra một đầu đề là ”Tả một đêm trăng sáng tại đồng quê”, đó là cái “tủ” của tôi rồi. Tôi không đến nỗi láu cá  đưa vào bài những câu mình đã chép lại, thế nào thầy cũng biết. Tôi viết bằng một giọng văn mới lớn và nhớ lại những ngày loạn lạc ở vùng quê. Hồi đó tôi nghĩ thầy chưa vào nghiệp văn, nhưng chắc thầy thấy lạ, nên bài của tôi thường được thầy bảo một trò khác đọc cho cả lớp nghe.  

Nhiều năm sau, năm đậu xong Tú tài I, tự nhiên cảm thấy chán học, tôi nộp đơn xin vào Không Quân, Hải Quân đều bị người nhà ngăn chặn. Nhân dịp Việt Tấn Xã tuyển phóng viên, tôi nghĩ mình cũng có chút tài viết lách, lại thích lang thang như mấy ông làm báo,  khi vào phỏng vấn, ông chủ sự thấy tôi ở năm cuối Trung Học, ông khuyên tôi trở về học nốt. Nghiệp viết văn chớm nở của tôi đã tiêu tan.

Trong những năm đầu ở Saigon,  tôi hay tìm đọc các tạp chí văn học thì thấy tên của thầy Doãn Quốc Sỹ đã thành một nhà văn chính thống được nhiều người biết tiếng. Thầy cho xuất bản nhiều tác phẩm, tôi đọc gần hết nhưng không hiểu sao tôi lại thích truyện “U Hoài” và nhân vật “Miên” trong trường thiên “Khu Rừng Lau” của thầy. Mấy năm sau, tôi thi được vào trường Hành Chánh, một cái nghề “Sáng vàc ô đi, tối vác về”, khác hắn với bản tính của tôi, chắc có lẽ là học bổng của trường quá hậu đãi.  Sau khi  tốt nghiệp, tưởng được kéo cái đời ký cóp ở Saigon, không ngờ TT. Diệm đổi chính sách khiến một nửa khóa được đưa vào Trung Ương Tình Báo, còn một nửa khóa trong đó có tôi phải ra Đồng Đế để huấn luyện thành Chuẩn Úy, sau đó, tôi lại được chuyển ra  làm phó đảo Phú Quốc. Lúc đó đảo còn hoang vu và bất an, tôi ở đó ba năm không  xin đổi. Tôi đã  mất cả một thời gian dài quên đọc truyện, mất cả một thời tuổi trẻ lãng mạn nghe nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng ...Mãi sau ra hải ngoại mới bắt kịp lại thì đã nửa đời rồi.

Bao nhiêu thầy dậy tôi trong thời mới lên trung học đó, hầu hết tôi không còn được tin tức về thầy nào, tôi thấy thương tất cả các thầy. Chỉ có nghe tin thầy Sỹ bị Cộng Sản bắt giam đến hai lần, mà lần nào cũng dài đằng đẵng. Cuối cùng thầy cũng đến được Mỹ và ở Houston, nay rời đến Cali. Mấy năm trước dịch Covid, tôi bay xuống Cali, được người bạn thân Trần Huy Bích dẫn đến tham dự một buổi trình diễn văn nghệ tại Hội Việt Học. Tình cờ tôi gặp lại thầy Sỹ, thầy ngồi ở hàng ghế trên, tôi lên chào thầy, tôi thấy thầy không thay đổi mấy  so với  thời mà thầy dậy tôi,  trông vẫn an nhiên chỉ có già thêm thôi. Trong cái ồn ào của phòng hội, tôi chắc thầy không nghe được tôi nói gì và cũng khó nhận ra biết tôi là ai. Tôi bèn nói với cô con gái đi theo thầy, tôi là học trò cũ của thầy từ Hà Nội, thầy thường cho đọc những bài luận văn tôi viết cho cả lớp nghe.

Tháng vừa rồi, tôi xuống thăm Cali, lại được bạn Trần Huy Bích cho biết đã đi họp để tổ chức sinh nhật thứ 100 của thầy: “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi.  Tôi càng nhớ thầy, nhớ đến những năm học xưa, nhớ đến những lần thầy cho đọc bài của tôi, được thầy khuyến khích như thế mà tôi đã lơ là bỏ mất nghiệp văn, nếu không tôi đã trở thành một “nhà văn nhớn”.

Tôi ở Seattle, chắc không tham dự được buổi lễ chúc mừng thầy. Xin kính chúc thầy được luôn luôn vui mạnh.

NGUYỄN CÔNG KHANH

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1462)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2283)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2257)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4693)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1214)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2497)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1798)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1234)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1405)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.