- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thơ Ngô Quốc Phương

06 Tháng Giêng 202312:02 SA(Xem: 7827)

chuong chua

 

 

Thơ Ngô Quốc Phương

ĐÁNG NỂ

 

 

 

Bạn có thể vừa là ánh sáng, vừa (hình như cũng) là bóng mờ, bóng tối?

 

bạn có thể vừa đi đêm với sự dối trá, lại cũng đi ngày với "sự thực"?

 

bạn có thể vừa đi với cái ác, phò cái cường bạo, lại coi mình là người hiền minh, xếp mình vào elite đáng kính (kể cả tự xếp ngầm, cười thầm và múa gậy trong bụng)?

 

bạn có thể vừa góp tay phục vụ cơ đồ của kẻ ác, kẻ tiếm quyền chuyên đè cổ người yếu, dân đen, người bị đè nén, vừa khà khà thỏa mãn nói rằng mình đang (giúp) khai minh cho họ, trồng cây, trồng người, trồng vũ trụ tương lai?

 

bạn có thể vừa đi làn trái, lại cũng đi được luôn cả làn phải không hề lăn tăn chi?

 

và bạn quả thật (đang) làm được thế ư, thậm chí còn nhiều hơn?

 

vậy bạn đáng nể quá rồi

 

người siêu nhất trần gian!

 

(Tặng những người đang nhiệt tình giúp xây thành trì, lăng tẩm, đền đài, miếu mạo, cơ đồ cho vương triều nọ, trên hành tinh kia ở một chốn không xa!)

 

Ngô Quốc Phương, London, 28/12/2022

 

 

 

BẠO CHÚA VÀ ĐÀN CỪU

 

 

 

Bạo chúa nhìn đàn cừu

 

à không, nhìn nhân dân vĩ đại của mình,

 

ồ bộ lông của họ trắng quá, bông quá, chạy hết tận chân trời,

 

ồ không, lại nhầm, bộ cánh công, nông, trí của họ đẹp quá, ơn ta, ơn ta!

 

thank me! thank me!

 

bạo chúa lùa đàn cừu,

 

ồ lại quên,

 

dẫn dắt nhân dân vĩ đại đi trên con đường mà họ đã chọn,

 

(hê hê, mỡ cừu cũng ô-kê, lông cừu cũng rất có giá, thịt cừu thì cũng không tồi),

 

ồ, này đàn cừu, à đồng bào yêu quý,

 

chớ hỏi nguồn gốc tính chính danh của ta, bởi vì nó đến từ cụ ta, ông ta, bố ta và thậm chí anh của ta, dù ta ăn trắng, mặc trơn, hay sỹ quan sa lông, bàn giấy

 

những người đã cho ta được hân hạnh làm "đầy tớ" của các người

 

người mà các người sẽ rốt cục phải "yêu", bên cạnh phải kính và phải sợ,

 

và phải rồi, ta không chỉ có cà rốt với gậy, ta có cả đạn và súng nữa, dao dựa, xích xiềng cũng không hiếm luôn,

 

vậy nên

 

hãy yên tâm nằm sưởi ấm dưới ánh mặt trời tư tưởng của ta,

 

hãy ăn những thức ăn và đồ uống mà ta ban,

 

và hãy đừng thắc mắc, nếu một ngày người theo chúng bạn, đi vào lò không một lối trở ra,

 

nào lũ cừu yêu, ồ quên, nhân dân vĩ đại,

 

hãy nở nụ cười tươi sáng nhé, cùng ta!

 

(Tặng các cụ tổ của dân chủ bảo ban và trò làm xiếc "phải sợ” kèm “kính yêu!!!")

 

NQP, London, 28/12/2022

 

 

 

VẪN SAY SƯA

 

Ngày xưa, ở xứ nọ, người ta say sưa cồn và thuốc phiện,

 

rồi có người chỉ ra, ấy là say vùi, vui giả, bạc tháng ngày,

 

nay thì ở xứ kia, lại có những trò say khác,

 

tôi thấy có những vị gom nhau lại, nghe thẩm âm từng âm sắc li ti trên những dàn loa, để chẻ đôi từng nốt nhạc, xem chúng thì thào ra sao trên những phím đàn,

 

thẩm âm thính thế, nhưng lại như không nghe thấy gì tiếng rên siết của những kiếp người đau khổ, đói rét, lầm than, cô đơn, bệnh hoạn và nhất là bị đối xử bất công vì công lý bị bẻ cong và bạo quyền tha hồ tung hoành hành hạ,

 

ôi, có khác chi trò xem đá gà với cựa nọ, cứng kia một thời Đức Thánh giữ nước nào đã từng cảnh báo,

 

bây giờ thì lại vùi đầu vào xem trò phù thủy,

 

cũng bàn tay phù thủy và tập đoàn ấy

 

chiếm cứ hết thảy một phương, đẻ ra chính những quân nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng hay quân đen, đen đúa,

 

rồi giả đò quăng đứa này vào "lò", đứa nọ bị "tạt tai",

 

mỗi cuốn lịch năm có vài dăm đứa,

 

nhưng đâu có biết dưới tay đoàn phủ thủy,

 

có sẵn ngàn vở tuồng và những sân khấu giả vờ trình diễn,

 

để ru ai ngủ vùi trong vở diễn của một họ vẽ ra thôi,

 

diễn giả, nhưng xác chết thật!

 

xác chết ấy là thân phận của đất nước, quốc gia, dân tộc,

 

với thời gian bị lãng phí cả trăm năm,

 

nhiều giá trị tiến bộ nhân loại dường như vẫn đứng im, thậm chí thụt lùi,

 

có những thứ mà cả trăm năm, chưa nói ngàn đời, nay cũng chưa hề được nếm,

 

chỉ là những giấc mơ bao thế hệ mỏi mòn trông,

 

phù thủy thì biết rõ, những thứ ấy mà tuột khỏi tay, chúng sẽ không còn đất sống,

 

nên để giữ chặt, chúng giở những thứ trò, như trò đốt này, thiêu nọ, giả vờ bắt bên này, túm bên kia,

 

những trò như trò bắt dê, bắt lợn, bắt trâu, bắt gà trong ngày tế lễ tổ phụ của nghề chúng,

 

để dụ dẫn mọi người quên khuấy họ là ai!

 

NQP, London, 29/12/2022

 

(Vĩ thanh 1: Bao giờ xé hết cuốn lịch trăm năm thì sực tỉnh? rằng ở đâu, là ai, thế nào?

 

Vĩ thanh 2: tặng cuốn từ điển nghìn cân của những trò giải trí và say sưa bất tận!)

 

 

 

ĐÊM CUỐI NĂM

 

Đêm cuối năm,

 

trời như vắng trăng sao,

 

có những tia lửa vằn vện bầu trời,

 

có những dấu hiệu như hỏa châu dữ dằn, nôn nóng muốn đốt phá,

 

người bạn già trên FB buông ba chữ

 

"gió đổi chiều"

 

trạch văn đoành ở nơi kín đáo nọ

 

tung một vài thông tin và nhắc tới hai (hay vài) cái tên,

 

lại đồn đoán, mộng trong mị,

 

những conspiracies có mảng đất sản sinh lý tưởng ở những nơi đất thì dày, chẳng kém vài mặt người, trời thì xa mà trăng sao thiếu vắng, đen đặc, hoặc ám mờ,

 

chỉ vì hai cái tên vào "chung kết",

 

ấy đừng nhầm với hai cái mặt nạ vụ xổ số vô duyên,

 

hay tin kiểu Kim Đồng "lạc hướng" với những nhà thơ thế giới, hoặc đứt loạt trận thắng của thầy Park Hang-seo,

 

nếu chỉ vì hai cái tên,

 

mà những mảnh lưới đan lát tỉ mỉ, kỹ càng lâu nay, để cho những đợt câu cá, trở thành những chiến dịch đánh bắt từ xa đến gần bờ,

 

làm cho "giải cứu" phải cầu xin đến lượt mình được "giải cứu",

 

làm cho bẫy sập có mùi hình sự, ám ảnh bóng vía đòn chính trường,

 

bình minh nay có lẽ sẽ mãi chìm trong bóng tối?

 

và cả chàng "đảm đang" nhưng long đong, lận đận nào cũng phải cúi mặt ra đi?

 

chỉ vì hai cái tên?

 

sẽ công bố sớm thôi,

 

nhưng sẽ là khởi đầu cho một chuỗi và loạt hoạt hình kẻ đăng đàn, kẻ chạy trốn lưỡi tầm sét của kẻ trên cơ, do mình và cánh của mình đã sập?

 

người bạn vong niên cười nhẹ,

 

khẽ khép lại cánh cửa phòng hướng này và mở he hé hướng kia,

 

đêm cuối năm, bình minh chìm trong bóng tối

 

gió đổi chiều, bắc mạnh, tây suy?

 

liệu ai đó trên đường bươn chải,

 

có kịp khoác mảnh khăn hờ,

 

ngăn gió lạnh, trời sương!

 

NQP, London, 30/12/2022

 

(Gió đổi chiều, bão trong cốc, vũ ngoài song, nhưng thiền sư vẫn ngồi im phăng phắc, chỉ chú tiểu nào lăng xăng, thắc mắc là sao?)

 

 

 

NGƯỜI VỀ, NGƯỜI ĐI

 

Người về có nhớ người đi,

 

có nhớ ngày đi

 

mưa dầm dề ướt lối?

 

có nhớ bước chân chạy nhanh của thời trai trẻ,

 

lại phải chạy trên đường xấp ngửa nạn nhân,

 

ôi hai đầu của thời gian,

 

khi đi thì trẻ, thì trung,

 

khi về, cầm trong tay chiếc gậy,

 

lại có nhà viết lách kia

 

ở nơi xa ngày nào cũng tuôn nỗi lòng buồn đau tha hương, vọng quốc,

 

chẳng màng đến lớp sau đang sục sôi kinh lý tìm công bằng,

 

sao ngày trước đi mạnh mẽ thế,

 

sao bây giờ thở than ghê gớm thế?

 

lại nhớ ngày xưa,

 

người ta đã lên kịch bản tinh vi,

 

đưa được ba khối đá tảng về mẫu quốc một kỳ,

 

nào là phó trưởng quốc một thời tung cánh sắt,

 

đến một thần nhạc âm, nốt nhạc thấu tới trời,

 

lại thêm một đại thiền sư về quê

 

bắc ghế đẩu giáo vận bạn đồng tu đang chịu quản chế,

 

hãy cùng về với chính thể mới "cuốc gia",

 

ôi,

 

những ngày về có nhớ ngày đi?

 

nhưng lại ôi,

 

đời người ai chẳng có lúc thịnh, lúc suy,

 

lúc mạnh, lúc mềm,

 

lúc già, lúc yếu,

 

chỉ có những đạo diễn kia ngồi biên bài vở trong bóng tối,

 

là biết căng trùng những nút bấm vận dân,

 

thật giỏi thay!

 

NQP, London, 30/12/2022

 

(Vĩ thanh 1: Kìa Kinh Kha, em xin dâng chén ngọc cho người đi, tuy biết rằng người sẽ không nhấp môi, mà sẽ đập...)

(Vĩ thanh 2: sương lam tuôn rơi, có khóc những kiếp người?)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 5164)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7465)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6810)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4879)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 7026)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 6398)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 7264)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 6599)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 6713)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
12 Tháng Chín 202312:14 SA(Xem: 7568)
khi ngôn ngữ trở thành phù phiếm / trên môi người hát ca / anh trở về yên ngủ / dưới cội hoa mai già