- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TIẾNG NÓI CỦA TRÍ THỨC VIỆT XƯA - NAY TRƯỚC SỰ SUY ĐỒI CỦA PHẬT GIÁO

31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 7671)
nu cuoi duc phat- tranh NK

Nụ cười Đức Phật 2006, phù điêu / bas-relief Nguyên Khai:

 [sưu tập Đổ Hoàng, Newport Beach]



Mai An Nguyễn Anh Tuấn
TIẾNG NÓI CỦA TRÍ THỨC VIỆT XƯA - NAY

TRƯỚC SỰ SUY ĐỒI CỦA PHẬT GIÁO

 



Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v. Cộng với hàng chục câu chuyện không hề bịa đặt về hành vi của không ít nhà tu hành Phật giáo hôm nay cho thấy sự vi phạm hiển nhiên các giới luật nghiêm trang của Phật pháp kinh điển, như sinh hoạt xa hoa, ăn chơi trác táng, khuyến khích các hoạt động mang nặng chất kinh doanh trong các nơi thờ tự, kêu gọi người dân đừng đi du lịch & đừng tiêu tiền bất chính mà để dành cho cúng dường-xây chùa, như việc kiện cáo người dân đã xúc phạm cá nhân mình, v.v. Đáng thương thay, đáng buồn thay, khi một Đất Nước có truyền thống đạo Phật hàng ngàn năm giờ đây lại xuất hiện trong tâm tưởng người dân lương thiện không ít “sư hổ mang”, “ác tăng”!

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cúng dường mà thi hào Ấn Độ R. Tagore kể lại sau đây, trong một thiên tùy bút - thơ đặc sắc của ông:

 Sớm tinh sương, một vị khất sĩ đi trên đường phố sang trọng và rao: “Ai có gì quý báu nhất, hãy đem dâng lên Đức Phật”. Biết bao của cải châu báu bày ra, song vị khất sĩ cứ bước qua tất cả, rồi ông tới khu phố bình dân, và cũng rao như thế. Lại nhiều đồ đạc rải bên chân vị khất sĩ. Ông bước vào khu phố nghèo và lại rao lên… Một người đàn bà bước khỏi cánh cửa tồi tàn, gọi to: “Thưa ngài, xin ngài hãy đợi chút ạ”. Vị khất sĩ đứng im chờ đợi. Lát sau, có một bọc vo tròn ném ra từ sau cửa tới, cùng lời cầu xin nghẹn ngào của người đàn bà: “Thưa ngài! Tôi chỉ còn có độc nhất thứ này thôi… Mong Đức Phật thương tình”. Vị khất sĩ cầm vật đó lên: tấm váy chằng đụp của người đàn bà. Ông ta rưng rưng nói: “Thưa mẹ, đây quả là thứ quý báu nhất của mẹ dâng lên Đức Phật”…

 Thưa các vị tăng - ni đáng kính của Đại Việt xưa - Việt Nam nay!

 Người dân Việt ta vốn sùng Đạo Phật, và hiện cũng không ít người nghèo không kém người đàn bà Ấn Độ kia. Họ muốn dâng lên Đức Phật linh thiêng nhân từ niềm tin yêu sâu sắc của họ, cùng lời cầu mong được Bình An, Hạnh phúc… Nhưng trừ đôi ba kẻ giàu có bằng cách trấn lột của Dân và Tài nguyên quốc gia đã/ đang cúng dường hậu hĩ cho các ngài, thì phần đông chỉ lo được hai bữa ăn xoàng hàng ngày và lo học cho con cũng đã bạc cả tóc rồi, nên có lẽ cái thiêng liêng cao cả nhất của họ dâng lên Đức Phật chỉ là tấm lòng thơm thảo...

Tình trạng Phật giáo hiện đại có gì thực giống với những thời đã khiến nhiều danh sĩ Việt Nam từng lên án sự suy đồi của Phật giáo. Như Vua Lê Thánh Tông vốn là người có tình cảm sâu nặng với chùa chiền và Phật giáo, nhưng chính vì vậy ông càng cảm thấy phiền lòng và phẫn uất với sự sa đọa trong sinh hoạt Phật giáo một số tăng sãi. Truyện “Hai ông Phật cãi nhau” (Thánh Tông di thảo) là một trong cách tỏ thái độ phản ứng và phê phán tinh tế của một vị vua đã tạo nên thời đại Hồng Đức rực rỡ đối với một số ít phần tử chưa xứng đáng trong hàng ngũ tăng già lúc đó. Trước vua Lê Thánh Tông mấy thế kỷ, nhiều nhà nho vốn uyên thâm cả Phật lẫn Đạo cũng đã lên tiếng phê phán Phật giáo khi nó xa rời những yêu cầu cấp thiết của đời sống và Quốc gia mà sa vào thông tục; như lời tâu của nhà nho Đàm Dĩ Mông với vua Lý Cao Tông lên án Phật giáo làm bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, sư sãi quá nhiều thoát ly lao động: “Hiện nay số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch… (Bọn họ) tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu…” Vì vậy vua đã “xuống chiếu thải bớt bọn nhà sư theo lời Đàm Dĩ Mông” [1].

Các thời sau đó, những nhà nho sử gia, văn nhân nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Bùi Huy Bích, Phạm Nguyễn Du, v.v chắc đều yêu quý và hiểu đạo Phật, song cũng vì hiểu và yêu nên các ông không chấp nhận được sự suy đồi, bê tha của một số người hoạt động trong Tôn giáo thiêng liêng này, chứ không chỉ vì bênh nho phỉ Phật vì lý tưởng quân chủ mà các ông đang phụng sự.

Xin trích dẫn Trương Hán Siêu trong bài ký “Tháp Linh Tế núi Dục Thúy”: “Ông Thích Ca lấy tam không mà đắc đạo, khi tịch rồi, người đời sau ít phụng Phật giáo mà chỉ làm mê hoặc chúng sinh. Thiên hạ có năm phần đất thì chùa chiền chiếm hết một phần, bỏ cả luân thường, hao phí của cải. Bọn sư sãi thì rông dài, người khờ dại thì vội vã tin theo…”. Người theo Phật thì “lũ lượt đi ở chùa, không cày mà có ăn, không dệt mà có mặc, thất phu thất phụ thường dời nhà cửa, bỏ xóm làng, theo gió cuốn” [2].

Trên văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu nhấn mạnh hơn: “một bọn giảo hoạt gian ngoan, mất hết cả bản ý khổ hạnh không hư, chỉ ham chiếm đoạt được vườn sinh cảnh đẹp, để nhà cửa lộng lẫy như vàng ngọc, tay chân đông đúc như rồng voi… Hiện nay Thánh triều muốn tuyên phong hóa nhà vua để chữa phong tục đồi bại, dị đoan đáng truất bỏ, thanh đạo nên phục hưng… Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện Phật, ta định lừa ai? [3].

Lê Quát, trong văn bia chùa Thiên Phúc (Bắc Giang) cũng viết: “Từ trong kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cũng cứ theo, không hẹn mà người ta cũng cứ tin; hễ nơi nào có nhà ở, là ắt có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sửa, số chuông trống lâu đài chiếm một nửa dân cư…” [4].

Xin lưu ý rằng: hầu hết những lời trên lại được khắc ngay trên những tấm bia ở các chùa, được các vị sư trụ trì các đời trân trọng, bảo quản! Điều đó chứng tỏ: những nhà tu hành chân chính cũng đồng tình với sự phê phán nghiêm khắc của các trí thức đối với những gì bất cập, hư hỏng của nội bộ tăng đoàn và sinh hoạt Phật giáo!

Những lời nhận xét - phê phán trên chứa đựng những sự thực hiển nhiên, lại dường như mang cả nhiệt huyết còn ấm nóng của các vị Tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử - dòng đạo Phật nhập thế của nước Đại Việt được khơi nguồn và phát triển từ thời đại Lý - Trần oanh liệt. Tư tưởng thiền nhập thế đó phải chăng cũng là tư tưởng của Thiền sư Pháp Thuận từng khuyên Vua Lê Đại Hành: “Vô vi trên điện gác/ Chốn chốn tắt đao binh” (Vô vi cư điện các - Xứ xứ tức đao binh. Quốc tộ), của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” được Phật hoàng Trần Nhân Tông nói rõ và đã thực hiện: “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên; Đói cứ ăn no mệt ngủ liền; Của Báu trong nhà thôi tìm kiếm; Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền”…

Thời nay, trước sự suy đồi của Phật giáo, trí thức Việt cũng đã có khá nhiều tiếng nói nghiêm khắc, chân tình - như các tác giả Chu Mộng Long, Dạ Ngân, Nguyễn Thế Khoa, Thái Hạo, v.v. Và đặc biệt có một “người trong cuộc” là Hòa thượng Thích Thông Lạc đã nhiều lần lên tiếng gay gắt, trực diện, cụ thể - tuy ông đã bị phản đối không ít từ chính trong nội bộ tăng đoàn Phật giáo, nhưng lại được sự đồng tình của nhiều nhà tu hành chân chính, của phần đông cư sĩ - Phật tử và công chúng rộng rãi. Chỉ cần đọc một đoạn trong bài Hỏi Đáp: NHỮNG TRÒ MÊ TÍN LỪA ĐẢO TRONG CÁC CHÙA, để thấy ông đã thẳng thắn vạch ra những vấn đề nóng bỏng tính thời sự và chân tình khuyên bảo các Tăng Ni - Phật tử:

“Hỏi: Trung tâm thành phố Hà Nội có một ngôi chùa, ở phố Bà Triệu, tại đây đã thực hiện di dân hai lần, tổng chi phí lên tới vài chục tỷ đồng, để cho nhà chùa được rộng rãi khang trang và riêng biệt… Quý sư ni ở đây hành đạo bằng pháp tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn... và đặc biệt vào khóa lễ đầu năm có làm một chiếc thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở vong linh người chết về Tây phương, Niết Bàn... Vậy những việc làm trên của các sư ni có đem lại lợi ích gì cho Phật pháp, cho các sư ni và cho chúng sanh không ạ?

Đáp: Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây phương, Niết Bàn, v.v, đó là những việc làm mê tín lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng để các sư cô ghi tên họ được đưa về Tây Phương Cực Lạc, đó là một việc làm mê tín lạc hậu nhất trong các kinh sách phát triển mà các sư cô thực hiện.

Những việc làm này là những việc phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo, thấy những việc làm này người có trí hiểu biết sẽ đánh giá Phật giáo là một loại tôn giáo mê tín, lừa đảo, tín đồ, do đó việc làm này  không có lợi mà còn có hại cho Phật giáo rất lớn. Những việc làm này nó không có lợi ích cho con người khiến cho con người tiền mất tật mang chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà thôi.

Bằng chứng như trong thư đã nêu, các ni sư chỉ hành một cái nghề mê tín này mà nhà chùa có hằng tỷ bạc dám bỏ tiền ra di dân để nhà chùa được rộng rãi khang trang hơn. Cho nên không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các chùa. Nghề mê tín là nghề bói khoa, chiêm tinh, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả v.v.

Nghề mê tín là nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã và nghề dán kho đụn, quần áo, mũ nón, v.v, đó là nghề lừa đảo lường gạt tín đồ Phật giaó. Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ đức Phật dạy, duy chỉ có kinh sách phát triển mới có dạy điều này mà thôi.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật phải có trí tuệ, phải xác nhận thấy biết những điều mê tín không lợi ích cho mình cho người, những điều phi lý mất công bằng, vô đạo đức thì nhất định không làm theo, hoàn toàn không để cho người khác lợi dụng mình, lừa đảo mình. Có như vậy mới làm sáng tỏ lại Phật giáo, mới đem lại nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người…

Tóm lại, quý vị cư sĩ phải đề cao cảnh giác và thường nên tránh xa những giáo pháp trừu tượng, mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, bùa chú, thần thông, dù bất cứ những loại thần thông nào, chúng là những pháp môn lừa đảo chứ không có ích lợi gì cho ai cả, quý vị nên nhớ kỹ đừng để mắc lừa, tốn hao tiền bạc, công sức tu tập mà chẳng giải thoát gì, chỉ phí uổng công khó cho một đời tu mà thôi” [5].

Hoặc tâm sự của ông trong PHÁP MÔN NIỆM PHẬT: “Phải sống trong thực tế, đừng mơ mộng ảo huyền, toàn thứ bánh vẽ, thật sự không ích lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con người các con ạ!”, hay là: “Những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo đều là những bậc Thánh tăng, Thánh ni và Thánh cư sĩ. Vì thế trong đời sống hiện tại trên thế gian, hằng ngày quý vị phải biết cách thức sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả thì sự an vui hạnh phúc mới thực sự là chân thật. Do muốn biết cách thức sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả  nên phải biết rõ ràng từng hành động thân, khẩu, ý của mình như thế nào đúng và như thế nào sai giới luật, sai giới luật là phạm giới. Sống đúng giới luật là sống đúng đức hạnh, sống đúng đức hạnh là sống thương yêu nhau, đem lại sự an vui cho nhau. Sống phi giới luật là sống vô đạo đức, sống vô đạo đức là sống đem khổ đau cho nhau, chẳng biết thương nhau”[6].

Những tiếng nói của trí thức Việt trung thực, nối tiếp truyền thống từ nhiều thế kỷ nhằm phê phán hoạt động Phật giáo - sự phê phán nghiêm khắc, chân tình, để Phật giáo nói chung và ngôi chùa nói riêng cần trở lại linh thiêng và tiếp tục gần gũi với tâm hồn người dân Việt, kể từ thời Bắc thuộc, nói như cố GS. sử học Trần Quốc Vượng: “đạo Phật thấm vào lòng người dân Việt cổ như nước thấm vào lòng đất”, và “Phật giáo trở thành một tư tưởng dân tộc và tổ chức Phật giáo (tăng đoàn, cư sĩ, Phật tử) trở thành một lực lượng dân tộc” [7].

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Hà Nội, 10/8/2022

_______________

[1] Đại việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, HN 1972, tr.289.

[2]. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II, NXB Văn học, HN 1976, tr.196.

[3]. Đại việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, HN 1972, tr.156.

[4]. Thơ văn Lý Trần, Tập III, NXB Văn học, HN 1978, tr.145.

[5]. http://phatphapchanthat.blogspot.com/2013/03/su-ong-thich-thong-lac-neu-ra-nhung-gia.html.

[6]. Văn Hóa Phật giáo truyền Thống, Lời nói đầu, tập II, Nxb Tôn Giáo, HN 2011.

[7]. Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhiều tác giả, Viện triết học, HN 1986, tr.141.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89785)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75438)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103510)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86930)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92438)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109068)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84163)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83203)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75533)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80489)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.