- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN

29 Tháng Sáu 20226:56 CH(Xem: 7942)


NDucSon

Lê Chiều Giang

 

Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

 

                                          " Ở ăn với Mẹ mày nhiều

                                             Có trưa hộc máu, có chiều trào cơm..." 

                                                                                  Nguyễn Đức Sơn

Bút hiệu, một ẩn khuất của định mệnh, vô hình chung đã gắn bó cùng tác giả cho đến hết một đời người. Nói thế chẳng có nghĩa là tôi đã duy tâm, nhưng phải nghiệm theo cách đó mới giải thích được "Sao Trên Rừng" của ngàn thông trên vùng thâm u Phương Bối.

Từ balcony của căn chung cư nhỏ, tôi hay đứng ngó mông ra xa nhìn chút nắng nhạt nhoà trên những tàn cây thấp rất xanh,  chi chít mọc dọc theo bờ sông bên kia, nơi có con đường mòn rất dài, loanh quanh dẫn qua Làng Báo Chí.

Cái tĩnh lặng của chiều tà, dù trên đồi cao hay đường quê, biển khơi hay ngay trên dòng sông nho nhỏ trước hiên nhà... với tôi luôn là những giấc mơ êm ái.

Hôm nay, "chiều" của tôi đã không còn thanh tịnh. Mắt tôi chằm chằm nhìn theo một người mặc áo thụng dài màu lam, ông nắm con chó quăng rất xa xuống nước, chờ cho đến khi nó loi ngoi lúp xúp lên được bờ, ông lại quăng nó xuống nước trở lại, và cứ cả chục lần như thế... Không hiểu chú chó nhỏ có thích thú với cách đùa của ông chủ hay không, nhưng từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy thương nó lạ lùng, thương rồi sốt ruột đến nỗi không còn dám nhìn thêm chút nào nữa.

 

Khi nghe tiếng đập cửa dồn dập, tôi mở rất vội vàng và đứng sững nhìn. Ông Sư và con chó ướt nước đứng chờ bên chiếc xe đạp cũ kỹ. Chẳng hiểu gì và sao vậy, tôi chỉ nhìn con chó nhỏ mà cảm thấy như toàn thân mình lạnh giá.

Chẳng chờ gì tôi, ông hỏi trước :

- Nghiêu Đề, sáng có nhắn ra chơi, hắn, hắn về chưa cô?

Ngạc nhiên, té ra cái người "thấy mà ghét" đã hành hạ con chó nhỏ lại đang đứng trước mặt. Rất máy móc, tôi chạy vô gọi anh Nghiêu Đề ra mà "chịu trách nhiệm".

 

Thời gian đó Lâm Triết tá túc nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa. Anh gốc người Bình Định, rất thân với Nguyễn Đức Sơn. Cả ba ông mày mày, tau tau mừng rỡ với một giọng phải nói là "la làng" của ông khách lạ. Việc đầu tiên tôi làm là lấy ngay máy sấy tóc hong khô cho chú chó nhỏ đáng thương và tội nghiệp của ông Sư. Nó rúc vào cánh tay tôi trìu mến như một lời cảm ơn ấm áp. Tôi cũng ôm nó trong lòng như một vỗ về đầy thương yêu...

Trước khi sửa soạn cho bữa ăn tối, ngập ngừng tôi hỏi nhỏ Nghiêu Đề về mặn, về chay. Ông át hết giọng mọi người, dù tôi cũng đang nói rất khẽ:

- Trước tiên, Cô đừng gọi tui bằng Sư bằng Thầy. Tui đây, Nguyễn Đức Sơn, thằng phải vô Chùa nằm vì trốn quân dịch, có vợ với con cái rất đông. Sống trong chùa nhưng toàn ăn mặn với thịt, cá, và nước mắm...

Ông "hét" ra một tràng chữ nghĩa làm tôi bối rối, chỉ Lâm Triết và Nghiêu Đề hiểu chuyện, cười thản nhiên. Riêng tôi đã thấy rất ngại ngùng, nhủ với lòng chắc phải e dè với lối nói năng bạt mạng của người khách mới.

Nguyễn Đức Sơn, cái tên vừa lạ lại vừa quen. Quen vì đâu đó trong những chuyện trò, thiên hạ hay nhắc đến, lạ vì tôi chưa hề bao giờ đọc thơ anh.

 

Thời đi học, tôi mê mải với những tác phẩm được dịch từ nhiều ngôn ngữ trong tủ sách của ông anh trên căn gác nhỏ. Tôi đã đọc hết không chừa cuốn nào một cách say mê.

Thẩm thấu được những chữ nghĩa đẹp ngời của văn chương, hay đã bị "Tẩu hỏa nhập ma" bởi làm dáng, làm điệu với một núi sách thì tôi không biết, nhưng nhất định cứ phải là Tagore, Kahlil Gibran, hay Hermann Hesse…

Tôi mê sách cho đến nỗi khi bị Ba Mẹ chống đối chuyện nhân duyên của tôi với anh Nghiêu Đề, bị doạ đuổi ra khỏi nhà hay đăng báo "từ con" ...

Mọi biện pháp đều đã không cách gì thành công, và trước khi Ba Mẹ tôi nhân nhượng, anh tôi, bằng một giọng trang trọng hỏi: “Hãy cho anh biết nguyên do nào đúng nghĩa nhất..."

Có hay không một nguyên do đúng nghĩa? Vậy thì chỉ có Trời mới hiểu chứ sao lại là tôi? Nhưng rất nhanh trí, tôi nhớ ra anh mình mê sách, lí nhí tôi trả lời: "Vì nhà Nghiêu Đề có một tủ rất nhiều sách". Cái nguyên do vớ vẩn và ngớ ngẩn lại rất lạc đề khiến anh tôi đập bàn hét: "Vậy thì mày phải đi mà lấy cái ông Khai Trí hay Xuân Thu..."  Chữ "mày” lần đầu tiên anh dùng để xưng hô với cô em nhỏ đã làm tôi hiểu đến nơi đến chốn mức độ giận dữ của gia đình mình trước cái quyết tâm, nhất định....đi lấy chồng của tôi.

Vậy đó, mê thơ Kahlil Gibran nên còn rất hời hợt, lạ lẫm với thơ NĐức Sơn, và tôi vẫn chưa vội đọc dù hôm đó anh đã đề tặng cuốn "Tịnh Khẩu".

Sau này, đâu đó trong một tạp chí nào tôi không nhớ, bỗng thấy thích một chút thơ của anh:

 

"...Mẹ con muôn kiếp nào ngờ

Đời Cha mạnh khoẻ cũng nhờ rong chơi..."

 

Lần duy nhất tôi được gặp chị Phượng, đi cùng anh NĐức Sơn tay dắt chiếc xe đạp xẹp bánh. Ai cũng ướt mồ hôi dưới cái nắng chang chang, dễ sợ của Sài Gòn.

Nghiêu Đề và tôi ngồi bên lề đường, uống nước mía,  chờ vá xe cùng anh chị. Dưới ánh nắng chói lòa, gay gắt mà tôi vẫn nhìn ra trong đôi mắt chị ẩn chứa những buồn bã cùng sự chịu đựng vô bờ...

Lóng lánh trong thơ của các Thi Sĩ là những bà Tú Xương (sao nhiều bà Tú Xương vậy?)

Câu hỏi này cũng làm tôi nhớ bài thơ Trần Tuấn Kiệt tặng Nghiêu Đề:

 

"....Ta ngồi hát nghêu ngao

Ba mươi năm rồi đó

Chỉ thấy một vì sao

Thôi tối rồi, đi ngủ

 

Trong mộng, ước gặp mày

Gặp nhau nói mấy lời

Ngủ xong rồi... vui chơi..."

(Trần Tuấn Kiệt)

 

                                                                            -----------------

 

Sau 1975 Việt Cộng bầy ra cái "Hội Văn Nghệ", trụ sở này đặt ở ngã tư Hiền Vương và Trương Minh Giảng. Nơi đó, mỗi tuần các vị Văn Nghệ Sĩ thời VN Cộng Hoà phải tới trình diện. Nhưng với thói lè phè cố hữu, nơi đây chỉ là chỗ để tụ tập, cafe và tán dóc.

Tiền bạc không có, mua một ly cafe mà xin thêm năm bình trà để có cớ ngồi từ sáng đến trưa...

Khoảng chừng mười hai giờ, Hồ Thành Đức gõ leng keng chiếc muỗng lên cái nắp nhôm của bình trà, rồi rất hài hước anh réo bằng giọng Quảng Nam, kéo lê thê, kéo nặng nề: "Tan hàng, tan hàng, về thôi bay!"

 

NĐ Sơn không thường lui tới Hội Văn Nghệ, nhưng khi đã tới anh đều làm anh em ngạc nhiên với quần áo, giầy và đầu tóc chỉnh tề, một điều không từng có trước 1975.

Anh ngồi đó lầm bầm chửi bóng, chửi gió, chửi liên miên… Anh nói ra những sự thật mà ít ai dám đề cập đến.

Anh chửi hết từ phường khóm tới lãnh đạo... Thiên hạ nhát gan, không ai dám ngồi chung bàn vì sợ tai bay vạ gió, sợ những kẻ tiểu nhân "thừa bóng đêm quăng lựu đạn".

Anh ngồi đó một mình, không cafe, không trà đá, lầu bầu, chửi thề chán rồi bỏ về. 

Cũng có lần ai đó thắc mắc: "Tới đây mà xiêm y lộng lẫy… chi vậy, cha? " Da anh sạm nắng nên không chút ánh sắc nào còn có thể nhuộm lên nét mặt, nhưng qua câu trả lời đầy giận dữ của anh, tôi thấy ra mặt anh đang đỏ bừng như lửa:

 "Tau không muốn lộn, tau không muốn lộn".

Câu nói ngắn, rất ngắn của NĐ Sơn đã làm tôi nhìn ra những điều bất mãn, căm hận nhưng với nhiều khí tiết của anh. 

 

“... Vì sao ta đến đây hò hét

Học trò bẻ bút, tập mang gươm

Tập uống máu người thay nước lã

Múa may theo

Lịch sử điên cuồng…”

 (NĐứcSơn)

 

Từ năm 1979, NĐức Sơn mang hết gia đình anh lên Bảo Lộc, Phương Bối.

 Nơi đây anh sống hoàn toàn biệt lập, bất hợp tác với xã hội dưới mọi hình thức. Sống tự túc với đèn dầu tăm tối, ăn uống từ suối nước không chong, và cả với khoai sắn, nấm và rau trái do mình trồng ra… Một hình thức chống lại chế độ vô cùng quyết liệt và tuyệt đối của anh.

Và cho dù có vì thế mà trong rất nhiều năm, gia đình anh đã phải sống trong vất vả, cực khổ đầy lam lũ…

 

Quyết định bỏ Sàigon lên sống nơi rừng thông Phương Bối, gian nan, thiếu thốn, và rất khó khăn của Nguyễn Đức Sơn. Phần nào cho tôi nghĩ đến Bá Di, Thúc Tề: Quyết không theo nhà Chu, không ăn thóc nhà Chu. Bỏ lên núi Thú Dương, và chỉ ăn rau Vi, cho đến chết.

 

“Lên núi Tây chừ hái rau Vi

Lấy bạo đổi bạo

Chừ

Có hay chi?

Thần Nông, Ngu, Hạ...Chìm cả rồi

Ta

Biết nơi nào đi?

 

[Bá Di ,Thúc Tề, trước khi qua đời]

 

-----

 

Tôi đang đọc thơ Anh. Đọc chỉ để ngậm ngùi, đọc để ước ao nếu có một lần gặp lại, ngồi với Anh trong những bữa cơm cùng Nghiêu Đề, Lâm Triết.

Những buổi cơm chiều vừa mặn, vừa chay. Vừa nói chuyện Chùa Chiền, vừa nghe tiếng anh cười bạt mạng, la làng, và chửi thề vung vãi...

 

"...Trăm năm bóng lửng qua thềm

Nhớ nhung gì buổi chiều êm, biến rồi..."

                                                 ( NĐ Sơn)

 

Lê Chiều Giang

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 5917)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
15 Tháng Tám 20235:39 CH(Xem: 5793)
Trước sân anh thơ thẩn / Đăm đăm trông nhạn về / Mây chiều còn phiêu bạt / Lang thang trên đồi quê / In the yard I was pacing / Longing for faraway news / Whilst the clouds kept wandering / High above the rural hills /
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5574)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
04 Tháng Tám 20236:06 CH(Xem: 6168)
Ta về dỗ giấc chiêm bao / Lặng nghe bao tiếng thì thào của đêm / Ta về dỗ giấc mơ em / Dỗ cho giấc mộng cũ mèm, mới ra
04 Tháng Tám 20235:53 CH(Xem: 6008)
Từ bao giờ thấy 'mọi sự không là gì cả' / rồi giật mình, nói ra e hố / từ bao giờ biết 'nhiều sự không là gì cả' / rồi giật mình, nói ra e thừa / từ bao giờ thấy không nên nói chi nữa/ rồi giật mình, ồ mình thành cục đất rồi / từ bao giờ / đất có trên đời?
04 Tháng Tám 20235:45 CH(Xem: 6438)
Em hong tóc mùa nắng vàng / Thoảng lên ngày Hạ nồng nàn vai thơm / Gió đùa hôn ngọn tóc vương / Đong đưa nhánh phượng rơi hương bên thềm
04 Tháng Tám 20235:00 CH(Xem: 4955)
bơ phờ là lúc em ánh sáng / ngàn năm mỏi mệt ngân hà / thiên thu bay mãi trời xa / nông nổi ẩn mờ hoài niệm
04 Tháng Tám 20234:38 CH(Xem: 6244)
tôi đã tha hương bên bờ sông nước chảy / một viên sỏi một nhánh rong / như mắt thủy xanh rêu tiền kiếp / tôi nỡ nào để thủy trôi đi làm giọt mưa tan / vào tiềm thức mịt mù của số phận
04 Tháng Tám 20233:39 CH(Xem: 6334)
tôi về đây nghe hết một thời / thân này hồn sẽ bỏ, chia đôi / còn xin giữ lại cho mình chút / nắng sớm mưa chiều … theo mây trôi
04 Tháng Tám 20233:26 CH(Xem: 5421)
mùa xuân/ em đến/ ngại ngần/ mùa hè/ ta ngủ/ căn phần/