- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“MÊ THẢO” CHỐNG LẠI “THỜI VANG BÓNG”

12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9412)
MeThao
Diễn viên Minh Trang (vai Cam) trong phim Mê Thảo-Thời vang Bóng

 

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

“MÊ THẢO” CHỐNG LẠI “THỜI VANG BÓNG”

(Xem phim “Mê thảo - thời vang bóng” của đạo diễn Việt Linh)

 

Một cái tên phim lạ khá hấp dẫn, lại được làm theo truyện của một tác giả văn học đại thụ, được tuyên truyền quảng cáo nhiều từ vài năm nay, lại của một đạo diễn nữ đã từng gặt hái thành công ở một vài liên hoan phim trong nước và quốc tế… Đó là những điều đã dẫn tôi đến rạp mua vé xem bộ phim: “Mê Thảo – Thời vang bóng”.

 

Trong cái không khí có nhiều phim “cúng cụ” ra đời để phục vụ kịp thời những ngày lễ kỷ niệm rồi sau đó vội vã nhét vào kho và những cuộc cãi lộn trên báo chí nổ ra ( để nhằm khẳng định phim mình hay, và cũng là một cách để quảng cáo cho bộ phim đã bị công luận “khai tử”), phải, trong cái bối cảnh đó tôi đi xem “Mê Thảo” với một tâm lý dễ chịu hẳn. Bộ phim được làm chỉn chu, kỹ lưỡng, không có những hạt sạn đáng tiếc khiến khán giả suýt “gãy răng” như không ít phim điện ảnh và truyền hình của ta hay mắc phải. Âm thanh nổi, ánh sáng đẹp, khuôn hình gọt tỉa, bối cảnh phục trang hợp lý, âm nhạc sử dụng đắt, diễn viên có nghề, v.v. Có thể nói đây là một bộ phim truyện nhựa xứng với “đồng tiền bát gạo” bỏ ra.

 

Nhưng, nhiều khán giả (có người đã phát ngôn trên báo chí) - trong đó có tôi, khi xem bộ phim lại không thấy xúc động. Tôi cũng ngạc nhiên và tự hỏi: có phải mình đã chai lỳ cảm xúc? Hay là vì trong khi xem, mình cố tìm xem những chỗ nào trùng khớp hay không trùng khớp với nguyên tác của nhà văn Nguyễn Tuân? Hay là phim làm theo kiểu hiện đại quá, không phù hợp với khả năng thưởng thức của mình?

 

Để có thể tự trả lời được một cách thật khách quan những câu hỏi rắc rối tơ vò trên, tôi đã đọc lại toàn bộ tác phẩm “Chùa Đàn”, rồi mua vé xem lại “Mê Thảo” lần nữa, cùng với đôi ba người bạn ưa tranh cãi.

 

Thế rồi, một câu hỏi mới đã chợt bật ra với tôi: bộ phim được làm ra để làm gì, nhằm tới cái đích gì trong tâm tưởng người xem?

 

Cơ sở nội dung để các nhà làm phim sử dụng cho “Mê Thảo” là chương II, cốt lõi truyện “Chùa Đàn” (Trong “Vang bóng một thời”): “Tâm sự của nước độc” được viết trong năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân lại viết thêm phần I và phần III cho tác phẩm để lý giải thêm, đúng hơn là “chiêu tuyết” về mặt tư tưởng cho nội dung thiên truyện; và việc làm đó đã được một giáo sư chuyên gia hàng đầu về tác giả Nguyễn Tuân nhận xét: “đó là lời lý thuyết ồn ào” (1) Chính nhà văn Nguyễn Tuân trong một bài viết nhìn lại sáng tác của mình trước cách mạng đã khẳng khái tự thừa nhận: “Chùa Đàn nguyên là một truyện thần bí quái dị, rút ở tập “Yêu ngôn” phản khoa học, phản tiến bộ. Chuyện ấy là chuyện một địa chủ điên loạn trong hưởng lạc, muốn sống một cách dâm bạo, như cái kiểu của Musset: “máu, khoái cảm, và chết”… Sáng tác vô chính trị “Chùa Đàn” là một tội lớn đối với Cách mạng Tháng Tám”(2). Nếu bác Nguyễn có sống lại, thì bên cạnh dũng khí của nhân cách lớn đó sẽ có thêm sự kính nể, bác sẽ lại vái dài những người làm phim và Hội đồng duyệt phim Quốc gia vì đã dám phạm vào “vùng cấm” mà cho đến ngay lúc này, cái bệnh “cầm đèn chạy trước ô tô”, “bảo hoàng hơn vua”, “cái gì cũng sợ” còn nặng nề lắm trong tâm lý những người “cầm cân nảy mực” ở cái lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt quần chúng là Điện ảnh! Ô hay, thế ra cái việc duyệt phim ở ta giờ cũng thoáng thật! Nhưng thôi, ta hãy quay về phim, quay trở về với lòng dũng cảm quyết “liều chiến” của nữ đạo diễn Việt Linh. Và ta thử xem chị đã làm thế nào để biến “nước độc” thành “nước lành”, để chị có thể đem phim đi nước này nước nọ trình chiếu như một thứ “căn cước tài năng và lòng yêu dân tộc” của mình.

 

Tôi nghĩ, việc đầu tiên, tốt hơn cả là hãy bám lấy nhân vật chính – địa chủ ấp Mê Thảo họ Nguyễn. Trong phim, trừ đoạn đầu ở thành phố đi nghe hát và tình cờ chứng kiến một cuộc ngộ sát, ông chủ Nguyễn từ đó cho đến hết phim đã hiện ra như một hình nhân thế mạng cho một ai đó, biểu tượng cho sự khùng điên, man rợ, độc đoán; ở ông ta chất chứa những ẩn ức mà nổi bật là ẩn ức sinh lý không được giải tỏa… Tất cả những điều đó được lý giải bởi một tình huống duy nhất: người vợ yêu sắp cưới bị tai nạn đổ ô tô - bằng chính cái ô tô quà cưới của ông ta dành cho vợ yêu! Từ đó, ông ta căm ghét văn minh cơ khí, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tiện nghi hiện đại. Những hành động của ông ta (buộc mọi người trong ấp phải thiêu hủy đồ dùng sản phẩm công nghiệp, việc đặt lệ: người vào ấp phải bỏ lại tư trang thành thị ngoài trạm gác, v.v), nếu ở trong truyện, chúng được phủ lên bằng một không khí âm u ma quái đượm màu sắc “Liêu trai” - thì ở phim, chúng lại được miêu tả một cách cụ thể đến trần trụi, thậm chí cả việc ông ta “làm tình” thực sự với bức tượng gỗ! (chi tiết này không có trong truyện). Tất cả những cái đó nhằm minh họa cho tính cách (hay tình trạng nhân cách) của ông ta: nửa người nửa ma quái, nửa phần cõi dương nửa phần cõi âm, và chúng hoàn toàn không đủ thuyết phục rằng ông ta có thể lại phục hồi được lương tri nhờ nghe tiếng hát của cô đào Tơ ở cuối phim!

 

Nếu tỉnh táo đọc lại những trang “Chùa Đàn” hôm nay, với cái nhìn độ lượng của thời gian, chúng ta càng dễ nhận ra: ở đằng sau sự sa đọa, lỗi thời, thần bí, điên loạn của một thời đại mà người nghệ sĩ dù có cá tính sáng tạo mạnh đến mấy cũng khó lòng vượt qua được, vẫn có một cái gì đó le lói mang giá trị nhân bản đích thực. Ngay trong văn bản “Tâm sự của nước độc” mà “Mê Thảo” dựa vào cũng còn có nhiều tình tiết uẩn khúc mà người làm phim bỏ qua hay không tiếp cận nổi! Trong phần III của “Chùa Đàn” là “Mưỡu cuối”, Nguyễn Tuân viết: “Lịnh (trong phim là ông chủ ấp họ Nguyễn – người viết chú thích) chỉ đổi đi cái đối tượng mê mải - người Lịnh lúc nào cũng chứa nỗi say đắm một cái gì - và hướng dục vọng mình vào một phía mới nào nó rộng rãi và đúng nghĩa hơn. Lịnh vẫn là một người say đắm cái đẹp…”(3) Dù phần III này chỉ là một sự “vá víu” khiến GS. Nguyễn Đăng Mạnh thốt lên: “Nguyễn Tuân sao mà nông nổi đến vậy!”(4) thì chúng ta vẫn thấy ở đằng sau cái “nông nổi” ấy là một nhân cách nghệ sĩ đáng trọng, không thể và không dám dìm chết nhân vật mình yêu quý trong vũng bùn sa đọa vĩnh viễn!

 

Còn trong phim thì sao? Tôi đã dần hiểu ra những mắc mớ của mình. Phải, như vậy rõ ràng là người xem phim khao khát muốn được tìm thấy ở đằng sau những vẻ điên dại, hành động ngược đời (và trái với cả nhân tính kia) một cái gì đó thổn thức của lương tri, của một trái tim “say cái Đẹp”, nỗi thèm muốn thoát khỏi sự tù túng chật hẹp và những nỗi bất công chẳng nhỏ chút nào do chính anh ta tạo ra cho đồng loại ấp Mê Thảo khiến anh ta từng phải xót xa ân hận… Nhưng không, khán giả không hề tìm thấy một chút bóng dáng nào của những thứ kể trên khiến nhân vật chính có thể có được một vẻ đáng yêu nhất định, một sự cảm thông đượm thế thái nhân tình nơi người xem. Cảm giác bao trùm đối với nhân vật ấy kể từ cuốn phim thứ hai trở đi cho đến hết tám cuốn sau là một sự ghê rợn, kinh sợ. Người xem buộc phải trở lại câu hỏi day dứt: vậy bộ phim được làm ra để làm gì? Cả một bộ phim tốn kém dài hơn trăm phút không lẽ chỉ nhằm đưa ra một lời khuyến cáo đơn giản sau cùng và cũng đầy khiên cưỡng: “mọi sự mê muội đều phải trả giá”? Phải chăng, ngoài những ấn tượng phản thẩm mỹ và phản đạo lý kia ra, bộ phim chỉ cần đạt được sự giới thiệu dân tộc học về Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX: những phụ nữ mặc váy yếm, những điệu hát ca trù, những chiếc đèn giời, sinh hoạt của giới địa chủ, nghề làm tơ tằm, những cuộc biểu diễn nghệ thuật truyền thống… Xem xong phim, nhiều người cũng có tâm trạng như tôi, thấy thiêu thiếu một cái gì… Hóa ra, cái thiếu đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là cái thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất… Vâng, rất buồn mà buộc phải nói rằng, những cái đó ở bộ phim này rất lộn xộn, mờ nhạt nếu như không muốn nói là chúng không có. Tiếng hát của cô Tơ cùng tiếng đàn “chảy máu năm đầu ngón tay” của quản Tam dù có rung động lòng người dẫn đến cái chết cứu mạng ân nhân của Tam cũng không giúp gì nhiều cho phim khi phim đã không có cái cột trụ vững chắc là một tư tưởng nghệ thuật sâu sắc.

 

Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng! Xem ra, cô là nhân vật có nhiều hy vọng mong được gửi gắm của những người làm phim. Có người viết phê bình bộ phim đã ví cô câm này với hình ảnh những cô gái nghèo trong cổ tích yêu hoàng tử, với cô Thoa trong truyện của Thế Lữ, cô Trâm trong truyện của Nhất Linh, cô Xoan trong truyện của Nguyễn Đình Thi… Tác giả đó quả là yêu quý nữ đạo diễn mà quá lời. Xin hãy bình tĩnh để suy xét. Nếu như Nguyễn Tuân mượn tiếng đàn của nhân vật giải tỏa nơi con người “cái tâm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng”(5) bằng chữ nghĩa và sự tưởng tượng nơi người đọc thì trong phim, các tác giả đã làm công việc hiện hình cái “tâm tức sinh lý” ấy một cách trần trụi, nó lại được ánh sáng trau chuốt, ống kính cận cảnh vào đặc tả kèm tiếng động chân thực ( thông qua cái nhìn của cô câm) làm tôn lên nhiều lần cái cảm giác thú vật từ nhân vật hòng lây lan sang khán giả. Nếu có ai dám nói đó là thành công thì nên hiểu rằng đó là một điển hình thành công của một cuộc “thủ dâm” bằng điện ảnh!

 

Còn có thể nói thêm nữa về phim qua những nhân vật khác: cô Tơ, anh quản Tam, ông bõ… Nhưng như vậy cũng đủ để cho tôi tự giải đáp cái băn khoăn của mình: vì sao phim không làm tôi xúc động, ngược lại, còn gây phản cảm? Với một tác giả văn xuôi “phức tạp” như Nguyễn Tuân (chữ dùng của GS. Nguyễn Đăng Mạnh), mà “Chùa Đàn” lại là truyện được chính tác giả xếp vào cùng với những truyện huyền bí, như  “Xác Ngọc Lam”, “Loạn Âm”, “Lửa nến trong tranh”…mà ông đặt tên chung là “Yêu ngôn” phản ánh nỗi hoang mang và kinh loạn của suốt một thời kỳ khủng hoảng; với một tác giả “khó khăn” như vậy, muốn “giải mã” được ông, tinh lọc được những gì là quý giá nhất của tâm hồn, tài hoa của ông để chuyển tải tới đông đảo khán giả bằng phim ảnh thì rõ ràng cần phải có một “thầy ấn” cao tay hơn, có một tầng văn hóa – tư tưởng dày dặn hơn, may ra…

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

_____________________________________________

(1)  Nguyễn Đăng Mạnh – Nguyễn Tuân tuyển tập, I, tr.40, NXB Văn học Hà Nội 1981.

(2) Nguyễn Tuân toàn tập, tập V, tr. 443-444. NXB Văn học Hà Nội, 2000.

(3) Nguyễn Tuân tuyển tập, I, tr.407, NXB Văn học, HN, 1996.

(4) Nguyễn Đăng Mạnh ( đã dẫn ở 1 )

(5) Nguyễn Tuân tuyển tập, tập I, trang 398.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1708)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2757)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2671)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5107)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5914)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1593)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2872)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 2205)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1691)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1947)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.