- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ PHAN VÕ HOÀNG NAM

07 Tháng Chín 202110:14 CH(Xem: 13119)
NguyenHoangNam
Chân dung Phan Võ Hoàng Nam


LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Phan Võ Hoàng Nam là bút hiệu của người làm thơ ở miền sông nước An Giang. Anh làm thơ, sáng tác nhạc, viết tản văn đăng trên các tạp chí và báo mạng Internet.

Đã xuất bản tập thơ “Nhà Không Có Đàn Bà” do nxb Văn hóa-Văn Nghệ 2019.
Có in chung với các bạn văn, thơ, một số tuyển tập thơ, văn...

Ngoài ra anh còn sử dụng chất liệu đá grannit Bảy Núi tạo nên một dòng tranh riêng biệt Tranh đá Bảy Núi, và đã Triển lãm tranh đá Bảy Núi 4-2010 tại huyện Châu Phú - An Giang và tháng 12-2010 tại thị xã Châu Đốc - An Giang.

Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu Hợp Lưu những thi phẩm của tác giả Phan Võ Hoàng Nam.

 

TẠP CHÍ HỢP-LƯU

 

 

 

Thơ      

PHAN VÕ HOÀNG NAM    

 

  

NHỮNG LINH HỒN LẶNG LẼ

  

Những linh hồn lặng lẽ bay lên từ ngọn lửa

Đi qua ngàn khung trời lạnh buốt

Hắt hiu

Những vì sao ngoảnh mặt cuối trời

Không có tiễn đưa

Chẳng một lời kinh thứ tội

 

Chúa ở nơi đâu để những nguyện cầu tan trong thinh lặng

Có lời sám hối nào cho phút lâm chung

Nỗi đau giờ đâu chỉ là dấu đinh trên thập giá

Tấm vải liệm hoá tro có về đến chốn thiên đàng

 

Phật có buồn

Nhìn muôn nẻo điêu linh

Thiện ác một đời thảng thốt

Những linh hồn lặng lẽ rời đi trong vô vọng

Có kịp thì thầm bao ước mộng đời người

 

Xin lời thỉnh cầu xóa hết những nỗi buồn

Đừng như sợi khói giữa hư không. Tan biến!

Dẫu khép lại ngày đi  

Cũng mong nẻo về nắng ấm

Cho những linh hồn không lặng lẽ niềm đau

 

Phan Võ Hoàng Nam

(25.8.2021-Những ngày dịch)

 

 

KHÓI CHIỀU ĐỒNG NƯỚC

 

Tháng chín

Ngẩn ngơ cơn lũ

Mẹ thở dài

Khói bếp chiều cay mắt

Mùa trôi theo dòng nước vô tình

 

Tháng chín

Con cá rô trở lại dòng sông

Cà na rụng đầy

Xao xuyến

Xuồng câu đâu còn đêm về bến

Con nước lên mẹ vẫn chong đèn

 

Phép màu nào cho đôi tay mẹ

Chắc chiu cùng đất

Tháng năm

Run rẩy lúa non chưa kịp mang giọt sữa

Chấp chới đồng sâu

Bông súng trắng chơi vơi

 

Câu hát xưa ai lấy chồng xa

Bờ điên điển buồn trông nước chảy

Cô gái xóm trên áo hoa ngày lũ

Câu ca dao rơi giữa cánh đồng

 

Mẹ một đời qua bao mùa lũ

Thời con gái theo chồng bủa lưới đồng sâu

Leo lét đèn dầu

Xuồng câu dập dềnh sóng nước

Đói no, buồn vui

Con nước lớn  ròng

 

Lũ vẫn như xưa

Mẹ giờ phất phơ tóc trắng

Tím bầm gót chân

Ngày tháng lo toan

Nước đêm

Chập chờn giấc ngủ

Mơ cánh cò lồng lộng phủ đời con

 

Tháng chín

Lục bình trôi ra biển

Nước cầm đồng

Mùa theo sóng mênh mông

Một đời đi qua bao mùa lũ

Con nước về

Mắt mẹ vẫn cay

 

Phan Võ Hoàng Nam

 

 

XA RỒI MÙA CŨ

 

Tôi đi tìm con nước tuổi thơ

Tháng bảy mưa bay

Dòng sông đỏ quạch.

Rau muống bò lên triền đê

Đợi nước

Cây gáo rụng hoa vàng, tiếc những mùa qua

 

Ừ, đã xa

Thuở ôm cây chuối lội sông

Ba bốn đứa tranh nhau trái cà na thơm lựng

Xuồng nhỏ tròng trành, cha quăng mẻ lưới

Chiều xóm quê! 

Canh chua rau nhút thơm lừng

 

Mùa nước về quê

Thuyền xuôi ngược trên đồng

Mẹ đón cá ra sông ủ thêm lu nước mắm

Em đến trường xắn quần lội qua cầu khỉ

Con nước rong

Trăng giỡn giữa đồng


Ai trả lại tôi mùa cũ

Ngày thơ

Con cá linh buồn xuôi dòng ra biển

Phía đầu bãi em thôi gánh nước
Phù sa trôi

Quặn thắt lòng nhau

Điên điển đâu còn vàng rực ven sông

Chiếc cần câu giờ im mình bên chái bếp
Chốn quê ơi! ngược xuôi bao con nước
Mùi canh chua quyện mãi một đời người.

 

Phan Võ Hoàng Nam

 


BÊN KIA CON ĐƯỜNG

 

Em vụt khỏi vòng tay anh
Bên kia con đường
Rực nắng

Ở đây mưa. Dòng sông đầy
Nước mắt
Chuyện tình buồn như lá mùa đông
Xao xác cõi lòng

Sao vụt khỏi đời nhau
Lẩn trốn tháng ngày
Hư ảo
Mong manh như khói sương chiều…
Tan biến!
Nơi trú thân bình yên vụt mất
Vụn vỡ thiên đường

Sao đánh mất đời nhau
Mênh mang mùa thu
Héo hắt
Khép lại ước vọng ba sinh
Mộng mị
Vương miện vàng hóa cành hoa héo
Hoàng hậu mất ngôi

Ở giữa dòng sông trôi
Chia đôi con nước
Ngã rẽ
Phương trời  mờ mịt khói sương
Ngược xuôi
Ngày tháng hao gầy, mùa thu qua cửa
Gậm nhấm niềm riêng...

Bên kia con đường
Nắng
Tiếng mưa đêm có nhức cõi lòng
Thênh thang đời sao không chung lối
Hoàng hôn buông
Tiếc nuối...
Tàn phai

 

Phan Võ hoàng Nam

 
                                   

NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ

Nhà không có đàn bà
Chái bếp bao năm chưa một lần dọn dẹp
Ba gã đàn ông
Buổi cơm chiều hiu quạnh
Chén rượu buồn đắng chát bờ môi

Ba mươi mùa thu qua cửa
Trôi xuôi
Không có những nụ hôn
Đêm thở dài cùng với bóng
Người đàn ông già tóc phai bị neo vào ký ức
Từ độ người về phía hư vô

Nhà không có đàn bà
Những  gã đàn ông say quắt quay
Mơ giấc mơ có hương hoa huệ
Đầu bạc đầu xanh
Ước mong, nuối tiếc...
Kỷ niệm phai, con sóng  xa bờ

Nhà không có đàn bà
Những đứa con trai loay hoay bên triền ký ức
Lóng ngóng tìm
Chấp chới những cơn mê
Người tóc trắng đêm đêm đợi sáng
Dấu hài xưa... cánh nhạn cuối chân trời

  

Phan Võ Hoàng Nam

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Sáu 20225:07 CH(Xem: 7233)
Quên bớt dần đi sẽ thấy tổn thương mình bé lại, thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn, thấy oán hận phôi pha theo ngần ấy thời gian không còn trong tâm tưởng. Đa phần những người quên mất dần mọi thứ dần trở nên hiền hòa hơn, tôi thấy như vậy đó. Sư Giác Nguyên giảng mình càng đau đớn, khổ đau hơn vì mình còn ham muốn nên tiếc nuối hoài những gì đã mất. Đi về phía cuối rồi cũng rơi rớt mất dần chẳng còn gì. Nếu ta có một tôn giáo để tin mà nương tựa thì tuổi hoàng hôn sẽ được an bình.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 8804)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
22 Tháng Sáu 202210:32 CH(Xem: 9877)
Này con / còn vụ viết lách, báo chí kia / các ông, các bác đã dựng mốc / cho con ngồi xe "102, 103 city" thỏa chí rong đường 216 thần tốc / vậy cứ thế mà phi / miệng ngậm, tay đếm tiền / chân thọc đất vàng / bụng bị, bút múa, / tà tà tiến, phải đạo sẽ ôke / chớ đừng lăn tăn / làm phận cừu dolly / trăm đứa ăn cùng một đầu vào / thành đầu ra phải thế
22 Tháng Sáu 20221:34 SA(Xem: 8099)
I. Mấy câu hỏi, đúng hơn là những ý tưởng như bâng quơ, có gì hơi cổ lỗ, song vốn nằm sâu trong tiềm thức và có khả năng đánh thức sự lười biếng của tư duy giữa bao lo toan bề bộn đời thường lắm khi thấm máu và nước mắt: “Vì sao tôi viết“, “Văn học có ích gì cho xã hội?”, “Ngày hôm nay, văn học có cần thiết lắm không? Cần cho ai?”, “Văn học với thực tại xã hội?”, “Điện ảnh cần gì ở văn học”, v.v.
22 Tháng Sáu 20221:27 SA(Xem: 8255)
Mùa trăng, với chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất. Đúng rằm, phải đúng ngày 15. Nghe cứ như ngày của cúng bái khói hương, với hoa trái cùng tiếng chuông chùa trong những chiều lao xao, đình đám...
22 Tháng Sáu 20221:15 SA(Xem: 10100)
em kiễng chân lên / háo hức đón từ anh / nụ hôn mùi thuốc lá / lửa trời hừng hực / em ngún dần ngún dần / cháy đến tận cùng trên môi anh
17 Tháng Sáu 20221:34 SA(Xem: 8177)
Nhận được tin buồn Nhà thơ-Nhà văn Hoài Ziang Duy Sinh năm 1948 tại Châu Đốc- Việt Nam Tạ thế ngày 1 tháng 6 năm 2022 - tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ Hưởng thọ 75 tuổi
17 Tháng Sáu 20221:25 SA(Xem: 7535)
Nhận được tin buồn hoạ sĩ Rừng- Nguyễn Tuấn Khanh (Viết văn với bút hiệu Kinh Dương Vương, làm thơ với bút hiệu Dung Nham) Sinh ngày 14 tháng 3 năm 1941 tại Nam Vang, Cam-pu-chia Tạ thế vào ngày 8 tháng 6 năm 2022 tại Nam California, Hoa Kỳ Hưởng thọ 81 tuổi
17 Tháng Sáu 202212:07 SA(Xem: 9101)
Trong những ngày chờ đợi có nhà sản xuất phim, T. cận tôi ngồi đọc và hỏi han để lấy tư liệu cho một cuốn sách nhỏ đang “âm mưu”, viết về đời sống Điện ảnh nước nhà & thân phận những thế hệ người làm phim từ trước tới nay - trong đó có tôi. Tôi đọc lại hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn mà tôi hâm mộ kể từ khi đọc cuốn “Bông hồng vàng” của K. Pautovski do ông dịch từ tiếng Nga… Tôi chợt nhớ lại những ngày tháng không được làm phim, phải rời cơ quan vào Sài Gòn làm thuê, viết thuê…
15 Tháng Sáu 20222:27 SA(Xem: 9620)
người đi / thì người vẫn đi / có khi đi thật / có khi giả vờ /