- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỚ NGƯỜI TRƯỞNG NAM CỦA THI SĨ HOÀNG CẦM

19 Tháng Năm 202110:35 CH(Xem: 11588)
NhoNguoi-MaiAnNguyenAnhTuan

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
NHỚ NGƯỜI TRƯỞNG NAM CỦA THI SĨ HOÀNG CẦM

 


Xuân này, tôi trở lại một vùng quê Kinh Bắc xưa...

 

Tôi chợt cồn cào nhớ đến một nhà nghiên cứu văn hóa quê gốc Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh.

 

Đó là anh Hoàng Kỳ.

 

Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ nhiều năm trước khi biết đến Hoàng Kỳ - người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh... Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một "con mọt sách", đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc... Với tư cách là phó giám đốc thư viện, anh đã nhiệt tình tìm giúp tôi những tài liệu cần thiết- đầu tiên là cuốn Địa chí Bắc Giang. Anh không mệt mỏi giải thích cho tôi vài tồn nghi khoa học- như một nhà nghiên cứu thứ thiệt, và với nguồn cảm hứng của một nhà thơ về một vùng đất dày đặc trầm tích văn hóa & lịch sử... Anh mời tôi đến thăm nhà anh, một ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm dốc ở rìa thị xã. Chị Vân vợ anh, một phụ nữ hiếu khách trong vẻ nhẫn nhịn lặng lẽ quen thuộc của người Kinh Bắc, chị chào tôi một câu rồi xin phép quay đi, lúi húi với đàn gà đàn lợn...

 

Khi đó, đang thực hiện một bộ phim tài liệu về Học vấn đất Kinh Bắc xưa & nay, tôi đã trân trọng mời anh cùng tham gia, và cũng để anh có thêm chút thu nhập. Anh hồ hởi nhận lời. Thế là, hai anh em chúng tôi và đồ nghề quay phim trên một chiếc xe máy phân khối lớn đã rong ruổi qua nhiều vùng quê Kinh Bắc... Chúng tôi đã đi dọc sông Đuống - một chi lưu quan trọng của sông Cái, và theo dòng sông "Nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" của thi sĩ Hoàng Cầm để đến với "cái nôi sinh thành dân tộc Việt Nam" như cố học giả Nguyễn Văn Huyên đã chứng minh trong luận văn tiến sĩ của mình hơn bảy mươi năm trước, đến với vùng huyền thoại gắn với lai lịch dân tộc Việt: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Phật bà Man nương, đến với Luy Lâu- trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời cổ đại… Chúng tôi không chỉ một lần đứng nhìn bao quát cả một vùng non nước trải rộng đến chân trời- quê hương của nhiều danh nhân văn hoá kiệt xuất, là vùng học vấn khoa bảng hàng đầu đất nước, nơi góp phần minh chứng cho chân lý của nhà bác học Lê Quý Đôn - đốc đồng Kinh Bắc năm 1764: "Phi trí bất hưng" (Không có trí thức thì Quốc gia không thể hưng thịnh được). Ông nội cụ Lê Quý Đôn là Thượng thư Bộ công, quê gốc ở huyện Đông Ngàn (huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh nay) đã đưa gia đình về lập nghiệp ở huyện Duyên Hà (nay là Hưng Hà, Thái Bình), ở đó còn tấm bia ghi rõ: Họ Lê trước đây/ Vốn từ Kinh Bắc/ Chuyển đến Duyên Hà/ Nối đời đại đức.

 

Kinh Bắc xưa có nhiều dòng họ cha truyền con nối đỗ đạt cao, đặc biệt có tới 102 vị đại khoa làm sứ thần (cả nước có 307 vị). Nhiều vị trở thành các nhà văn hoá, các tác giả tên tuổi- như Huyền Quang, Hàn Thuyên, Thái Thuận, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Cao Bá Quát, v.v. Vùng đất này đã từng có nhiều người thầy dạy dỗ con em dân thường trở thành văn nhân, nhà khoa học nổi tiếng, và cũng từng có thày dạy vua và thái tử như: Lê Văn Thịnh, Nguyễn Cư Đạo… Hàng chục tiến sĩ, trạng nguyên người Kinh Bắc đã làm tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương hiệu trưởng trường đại học nay) như Vũ Quốc Nguyên, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Nhân Thiếp, Thân Nhân Trung, v.v. Hoàng Kỳ đã đưa tôi tìm đến các văn chỉ & đền thờ họ Phạm, họ Nguyễn ở Kim Đôi có tới 6,7 đời đỗ đại khoa, dòng họ Nguyễn ở Vân Điềm có 7 đời đỗ tiến sĩ, họ Ngô ở Vọng Nguyệt có 6 đời đỗ tiến sĩ; rồi tới những làng có 3, 4, 5 đời tiến sĩ: họ Quách ở Phù Khê, họ Nguyễn ở Tam Sơn, họ Nguyễn ở Đại Bái, họ Nguyễn ở Nghĩa Lập... Đến đâu Hoàng Kỳ cũng nhiều có bạn bè quý trọng anh, tận tình giúp đỡ nhóm làm phim. Trong những ngày điền dã quay phim vất vả đó, anh đã chăm chút lo toan cho tôi như đối với một đứa em trai thân yêu của mình. Có lần, tôi muốn tìm một khung cửi dệt có "con cò mấp máy suốt năm canh" như nữ sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả để quay phim - khi mà các khung cửi truyền thống đã bị dẹp bỏ, Hoàng Kỳ đã cùng các bạn anh mò mẫm khắp làng để tìm cho ra một khung cửi có con cò gỗ phủ bụi ở một góc nhà, động viên gia đình khôi phục lại, lau chùi sạch sẽ, lại có người ngồi dệt; và con cò gỗ lại "mấp máy" hiển hiện những mảnh đời âm thầm làm lụng của bao người vợ, người mẹ, người em gái vùng Kinh Bắc cho chồng, cho con, cho anh dùi mài đèn sách... Trước hàng chục em bé đeo khăn quàng đỏ đến thăm Văn Miếu Bắc Ninh rậm rịt cỏ dại (lúc đó chưa được xây tường bao quanh và chưa khang trang như bây giờ), anh đã nhiệt tình giảng giải cho các em (cho cả cụ thủ từ và tôi nữa) những hiểu biết cặn kẽ của anh về các tấm bia Kim bảng lưu phương, đọc vanh vách danh sách 10 vị đỗ ở khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên ở nước ta mà người đứng đầu danh sách là thí sinh Lê Văn Thịnh - sau đó là vị thái sư danh tiếng bị hàm oan suốt 900 năm!...

 

Một buổi sáng, chúng tôi rời huyện Thuận Thành để sang huyện khác giữa khi các sân trường đang vắng lặng, chỉ còn văng vẳng tiếng giảng bài, đọc bài từ các phòng học lộng gió và thơm ngát hương đồng; trong khi đó, các mẹ các chị vẫn đang cặm cụi trên những mảnh vườn, thửa ruộng, chắt chiu từng nong tằm, hạt lúa, củ khoai... Những cô bé cậu bé rời trường học lại bắt tay phụ giúp cha mẹ chăn trâu, cắt cỏ, bóc sắn, học bài...và mơ ước tới những chân trời xa. Hàng trăm năm nay, các tiến sĩ cử nhân của những vùng quê Kinh Bắc đã lớn lên như thế trong lời ru ngọt ngào, trong mồ hôi mặn đắng tần tảo nuôi con, nuôi em ăn học... Tâm lý coi trọng học vấn, coi trọng trí thức, coi trọng nhân tài đã hàng ngày được củng cố, trở nên bền chắc và cao quý. "Bạc đầy nong không bằng cong chữ"-"nhân bất học bất tri lý" (Người mà không học thì không biết được lẽ phải)... Ngay cả khi nền Hán học chính quy đã bộc lộ những mặt bảo thủ phản động, thì những truyền thống lành mạnh về giáo dục và học vấn vẫn được nhân dân trân trọng giữ gìn. Thời phong kiến, Nhà nước chỉ tổ chức chu đáo bậc học và các kỳ thi tuyển cao cấp, còn trên thực tế, do lòng hiếu học của nhân dân, các bậc sơ học và trung học hầu như do nhân dân ở các cấp làng xã lo liệu. Truyền thống hiếu học và nền học vấn "khai tâm" ấy đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ với hình tượng "Thầy đồ cóc", "Tiến sĩ chuột vinh quy" thấm đượm tâm hồn trào lộng dân gian, đi vào tục thi đọc mục lục, tục kéo cờ chạy chữ, đi vào thế ứng xử: "Mồng một thì về quê cha/ Mồng hai quê mẹ, mồng ba quê thầy"... Trong gần 300 hương ước còn lại của Kinh Bắc xưa, sự học là một trong những điều khoản được coi trọng hàng đầu. Có một hương ước quy định: "Khi làm sổ dự toán thu chi của làng nên tùy theo tình hình tài chính mà dự định một số tiền để trợ cấp tiền giấy bút cho những học trò nhà nghèo mà học hành tấn tới thành tài"... Theo chân anh Hoàng Kỳ, những địa danh trở thành biểu tượng của lòng hiếu học cảm động đất Kinh Bắc đã găm vào tâm trí tôi trong nhiều năm tháng dài: Đại Mão, Mão Điền, Thanh Khương, Song Hồ, Kim Đôi, Vọng Nguyệt, Tam Sơn, v.v.

 

Tôi học được ở Hoàng Kỳ sự chu đáo tận tụy đối với công việc, nhất là công việc có liên quan đến tri thức sách vở. Anh tôn trọng sự chính xác của tư liệu, rất ghét sự đại khái qua loa. Đằng sau dòng chữ nhỏ li ti và chân phương của anh trên những trang viết là cả một tinh thần lao động say mê, căng thẳng... Anh cắm cúi đọc và dịch lắm lúc quên cả bữa ăn. Hình như, đến thời kỳ được tiếp xúc với kho tư liệu sách vở và ngấm "men" của nó, anh đã lao vào cái thế giới mênh mông vừa kỳ vĩ huyền ảo vừa đẫm lệ máu ấy để bù đắp lại những năm tháng dài sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ ngồi ghế đá chờ việc, không dám gặp gỡ ai để tránh cái nhìn thương hại cho con một người từng mắc án "Nhân văn Giai phẩm" và phải chịu án tù vì họa "văn tự"(1)... Nhưng cũng chính "văn tự" đã cứu sống cho ý nghĩa cuộc đời Hoàng Kỳ, và anh đã coi tri thức như một thứ Tôn giáo mới!

 

Khi về Hà Nội làm biên tập viên báo Sức khỏe & Đời sống, anh cũng đem cả cái vốn đọc vốn học suốt bao năm vùi mình ở thư viện vào các lĩnh vực nâng cao sức khỏe mọi người... Và anh khảo cứu trong kho thư tịch cổ để rút ra không chỉ bài học ứng xử cho bản thân, mà còn giúp cho nhiều thế hệ độc giả- trong đó có học trò của anh là tôi- cái lý do tồn tại để không trở thành "một khối nặng vô ích của trái đất"- theo cách nói của văn hào Nga N. Gogol... Trong những ngày đi dọc ngang đất Học vấn Kinh Bắc đó, anh đã kể cho tôi nghe về mấy đề thi Tiến sĩ thời xưa, như ở khoa thi Giáp Tuất (1694): "Hãy bàn về các bậc hào kiệt" - nghĩa là bàn về các nhân tài xuất sắc, và ở khoa thi Canh Thìn (1700): "Kế sách xây dựng một quốc gia bền vững" (Khoa này, cả nước có 19 người đỗ, trong đó có 3 tiến sĩ người Kinh Bắc). Anh giở sổ tay đọc một đoạn chép về cách dùng nhân tài trong luận văn Tiến sĩ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1442, Kinh Bắc đỗ 5 Tiến sĩ trong 33 Tiến sĩ cả nước): "Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc Thánh nhân trị nước. Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu. Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, xử dụng kẻ sĩ chính trực..."

 

Dường như dưới suối vàng, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Kỳ vẫn đang cặm cụi viết những dòng chữ đẹp dành cho cõi đời này: Hào kiệt thì đời nào cũng có, và dù bị kẻ tiểu nhân, lũ độc ác tìm cách hãm hại tiêu diệt, các bậc nhân tài bao giờ cũng được lòng dân che chở. Còn những người có trách nhiệm xây dựng một Quốc gia bền vững nếu không biết trọng thị những bậc nhân tài như thế, nếu không biết quý trọng những người dân dám xả thân để bảo vệ nhân tài, họa diệt vong của một Quốc gia ắt đang cận kề...

 

Anh Hoàng Kỳ ơi! Đã được cùng anh "Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc"(2) năm nào, giờ đây em xin có một nén nhang thơm tưởng nhớ anh và nhẩm lại vài bài học vỡ lòng về Tri thức dưới bóng lâu đài Học vấn trên quê hương anh...


Mai An Nguyễn Anh Tuấn

____________________________

1. Xin đọc bài của nhà thơ Hoàng Hưng: http://www.songtho.net/.../ba-muoi-nam-ve-kinh-bac...

2. "Về Kinh Bắc" (1959 – 1960) của Hoàng Cầm

 

( Trong tập CHÂN DUNG &TẠP LUẬN sẽ in)

 

Ảnh: Với các thầy giáo Thuận Thành ( ô Hoàng Kỳ đội mũ)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91521)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 81796)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86287)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87320)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78407)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100485)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81398)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192422)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84868)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114865)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ