- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10992)


Dinh Linh-thang 4 Ly Ky Kiet
Nhà văn Đinh Linh

 

ĐINH LINH

 

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

 

 

Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”

Trên nguyên tắc, cha tôi làm luật sư, nhưng tôi chỉ thấy ông chơi mạt chược cả ngày trên gác có máy lạnh. Những phiến mạt chược lạch cạch liên miên trên mặt bàn. Ông chơi với người Hoa vì rất mến người Hoa. “Người Trung Hoa rất giỏi,” ông nói. “Họ như cỏ, ở đâu cũng có.” Ông bắt tôi và em tôi, 5 tuổi, học tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chén đáo nị hằng cáo xinh.

Hao a dua?

Mẹc xi bố cua.

Riêng ông thì không nói được tiếng gì. “Bố đã 43 tuổi,” ông giải thích. “Óc bố không còn là giấy trắng, nên không viết chữ lên được.” Khi chán chơi mạt chược, ông lái xe xuống câu lạc bộ để chơi tennít. Da ông ngâm đen vì chơi tennít. Tôi và em tôi còn học piano nữa, nhưng chỉ biết gõ lung tung, không ra giai điệu. Săn đuổi nhạc, những ngón tay của tôi luôn vấp vào nhau. Lúc đó tôi chỉ thích vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Những thứ chưa thấy rõ, khó mà vẽ được. Đứng trên bao lơn lầu 3 ngó qua chợ, cha tôi bỗng thốt lên, “Chẳng lẽ Mỹ bỏ Việt Nam?!”

Ở Sài Gòn lúc đó, chẳng còn bao nhiêu Mỹ. Nam Hàn thì đi hết rồi. Lớn lên ở Sài Gòn, tôi đã không chứng kiến chiến tranh, chỉ những phụ tùng của chiến tranh thôi: xe tăng, xe jeep, phản lực và trực thăng. Trước 1975, chiến tranh chỉ đến Sài Gòn vào Tết Mậu Thân, nhưng kỷ niệm duy nhất của tôi về Mậu Thân chỉ là những hình ảnh trên TV về những nạn nhân chôn sống được đào lên ở Huế. Chiến tranh chỉ đến với tôi qua TV, radio và báo chí. Cứ mở báo ra thì thấy xác Việt Cộng nằm ngổn ngang. Cứ vặn radio lên thì được nghe tin tức rao là phe ta đang thắng. Trong thời chiến, những rạp xinê Sài Gòn còn chiếu những phim chiến tranh của Mỹ về Đệ Nhị Thế Chiến. Dân Sài Gòn có thể ngồi trong phòng lạnh để thưởng thức những dàn cảnh công phu, tốn kém, nhiều tài tử, về chiến tranh. Nào là máy banh oanh tạc, bom nổ, khói mịt mù. Nào là nhà cháy, phố xập, cầu xập. Nào là cả trăm xác người nằm ngổn ngan, cụt tay, cụt chân, bê bết máu. Trên màn ảnh rộng, dân Sài Gòn có thể tham quan chiến tranh dõm, trong khi chỉ cách rạp khoảng 50 cây số, chiến tranh thật đang xảy ra.

Ở Sài Gòn thì khó thấy được Việt Cộng. Chỉ có một lần, ở Phú Lâm, tôi thấy bốn thanh niên bị bịt mắt đứng trên một xe cam nhông nhà binh. Có lẽ họ là Việt Cộng. Thật sự thì Việt Cộng chỉ là một tin đồn, một huyền thoại, lànhững ông kẹ để ta dọa con nít, là một ác mộng. Ai không ăn ảnh thì ta gọi là Việt Cộng. “Hình căn cước mày xấu đau. Nhìn mày như Việt Cộng!” Chỉ sau 30 tháng 4, dân Sài Gòn mới biết là ở Sài Gòn cũng có khá nhiều Việt Cộng. Không đáng khiếp bằng Việt Cộng, nhưng cũng đáng mỉa mai, là bọn nhà quê, là những chú mười, thím mười. “Mày thật là nhà quê, chẳng mô đen tí nào.” Người Sài Gòn, người Việt Nam nói chung, vừa luyến tiếc vừa cải lương hóa đồng quê, vừa muốn hủy diệt nó. Người Sài Gòn cũng khi rẻ người lính. Chỉ ai không đút lót mới phải vào lính. Thà giả gái, chặt tay chứ ai lại đi lính?

“Tam vô của Cộng Sản,” cha tôi giảng, “là vô gia đình! vô tổ quốc! vô tôn giáo!” Thỉnh thoảng ông dẫn tôi đi xem đá banh ở Sân Cộng Hòa. Sân nhỏ, người đông, mỗi lần đi xem đá banh là mỗi lần phải chen lấn đến nghẹt thở, mất cả dép. Đi xem phim Lý Tiểu Long cũng vậy. Lý Tiểu Long người nhỏ, tài cao, cu ngắn, chỉ tiếc là chết sớm. Tôi cũng hâm mộ Hiệp Sĩ Mù với cái gươm cụt như chiếc dao phay. Đầu năm 1975, tôi đọc trên báo về một hoàng đế Phi Châu, Jean-Bédel Bokassa, trở về Sài Gòn tìm con. Đi lính Pháp thời thực dân, ông lấy vợ Việt Nam năm 1953, nhưng bỏ bà này khi hồi hương. Phát hiện ra con mình đang làm công ở nhà máy xi măng Hà Tiên, Bokassa lãnh cô này về nước Cộng Hòa Trung Phi. Mãi sau này tôi mới biết Bokassa là nổi tiếng độc tài, tàn ác, thậm chí bị tố cáo ăn thịt người. Nhưng cũng nhờ Bokassa, cô con gái mới có cơ hội chuồn khỏi Việt Nam trước ngày “giải phóng.” 

Cha tôi dàn xếp cho tôi, em tôi và cô thư ký sơ tán theo một gia đình người Hoa có con làm cho Mỹ. Họ không muốn di tản cả gia đình vì còn tiếc của, nên bán cho cha tôi 3 chỗ. Tên giả của tôi là Lý Ký Kiệt. Em tôi là Lý Ký Vinh. Tên giả của cô thư ký thì tôi không nhớ nhưng tên thiệt của cô là Diệp Thể Hà. Cha tôi mướn cô đi theo để lo cho hai anh em tôi. Cô này 22 tuổi, người Hoa, tính rất cọc cằn, có khuôn mặt bầu bĩnh như cái bánh bao, lác đác mụt ruồi thịt. Sau này, chị Hà trở thành mẹ ghẻ của tôi. Lúc đó Huế, Đà Nẵng và Đà Lạt đã vào tay Bắc Việt. Gia đình tôi cũng Bắc Kỳ, nhưng là Bắc Kỳ 54, người công giáo, quê Bùi Chu.

Ở miền Nam, nhiều dân Bùi Chu sống ở Tân Mai, gần Biên Hòa. Chú Bảo, em cha tôi, làm quân y trong Thủy Quân Lục Chiến, chết năm 1972, chôn ở Tân Mai. Chú Bảo đẹp trai nhất trong gia đình tôi, cả nội lẫn ngoại. Chú chết độc thân. Đi đám ma chú Bảo, tôi thấy một ông lính xâm trên cánh tay ngâm đen hai chữ “Sát Cộng,” rất là ấn tượng. Gần như lần nào lên Tân Mai, tôi cũng được ăn thịt chó và tiết canh. Cho đến 9 tuổi, tôi rất sùng đạo. Tôi rất sợ xuống hỏa ngục và muốn trở thành linh mục. Tôi cũng muốn đi lính. Nhưng dần dần tôi chán đi nhà thờ. Mỗi lần vào nhà thờ, tôi chỉ muốn về nhà.

Lúc đó ông nội tôi sống ở Thị Nghè. Cửa sau của nhà ông đi thẳng vào sở thú, khỏi cần mua vé. Tuổi thơ của tôi không có gì vui bằng những giờ lang thang ở sở thú.  Tôi nhớ mãi một con khỉ mặt xanh, đít đỏ. Lông hắn hơi dơ nhưng bộ mặt hắn rất trầm tư, trí thức. Tôi cũng thích vào viện bảo tàng để xem tượng và trống đồng. Ông nội tôi gầy gòm, cao ráo. Ông không biết tôi sắp sửa chạy. Đặt tôi lên đùi, ông nói: “Ai đi thì đi, con ở đây với ông.”

Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung thả bom vào Dinh Độc Lập. Một quả trúng xân thượng, một quả vào vườn. Có mặt ở Quận 1, tôi thấy mọi người xôn xao. Vì tình trạng an ninh, tôi phải nghỉ học lớp judo buổi tối ở trường Lasan Taberd. Lúc đó tôi đai cam. Tôi mê tất cả các môn võ và đánh lộn, nói chung. Tôi đặc biệt thích tập dượt với con gái để được quật, rồi đè chúng. Tôi cũng thích tắm với con gái nhưng không được phép. Ngồi trong lớp, tôi cứ thơ thẩn vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Ngày 21 tháng 4, ông Thiệu lên TV để chưởi Mỹ trước khi từ chức. Trên TV đen trắng, tôi thấy ông Thiệu gạt nước mắt.

Trước khi đi, cha tôi cho tôi 2,000 Mỹ Kim. Ông nói: “2,000 đồng này sẽ xài được một năm.” Tiền Mỹ, tôi nhận xét, ít màu hơn tiền Việt Nam Cộng Hòa, nhưng dài và cứng hơn.  Bà tôi khâu số tiền vào lưng quần xà lỏn màu xanh, vải ni lông, rất nóng. Bà nói: “Làm gì thì làm, đừng cởi quần này ra.” Hồi xưa, thời tiền sử, một con kiến bò vào tai bà nội tôi. Ngứa quá, bà dùng que để khều. Vì vậy, bà điếc một tai. Mỗi ngày, bà nội tôi đi nhà thờ 2 lần. Sáng nào bà cũng là người đầu tiên đứng trước cổng nhà thờ, chờ cha mở cửa. Ở nhà, bà đọc kinh liên miên. Chỉ hình Chúa Giê-Su trên tường, một ông da trắng có râu quai nón, mắt bà rực lên, “Chúa đẹp lắm.”

Trước khi lên máy bay, tôi ngủ ở căn cứ Mỹ 4 ngày. Lúc đó Sài Gòn đã rất xa vời. Chiều 27 tháng 4 tôi lên một chiếc C-130 để bay qua Guam. Trước đó, tôi đã đuợc lên máy bay một lần, lúc 6 tuổi, để đi Đà Lạt. Là một loại máy bay chở hàng, chiếc C-130 rất to, bít bùng, chỉ một cửa sổ, không ghế. Mọi người la liệt trên xàn. Ngồi bên cạnh chị Hà, tôi dòm một thằng con nít ăn mì gói sống. Khi máy bay đáp, trời đã tối mù. Chẳng biết gì về Guam, mọi người chỉ biết đây không còn là lãnh thổ của Việt Nam. Tới đây rồi đi đâu, làm gì, cũng không ai biết. Lúc đó tôi không nghĩ đến cha tôi, Sài Gòn hay Việt Nam. Tôi chỉ thấy phấn khởi vì lần đầu tiên trên đời tôi được đi xa.

 

ĐINH LINH

tháng 1-2005

 

(Nguồn: HỢP LƯU 82)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97185)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92646)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91347)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99684)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106412)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91698)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105877)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105415)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127387)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41368)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...