- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TUỔI THƠ ÊM ĐỀM

12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11850)
BINH MINH- Quy SG
Bình Minh - ảnh Quy SG


Lớp học của chúng tôi nằm phía sau đình làng, phần hậu cung. Gian phòng rộng kê hai dãy bàn dành cho hai hoặc ba lớp chung cho buổi học. Lớp  tư, năm (lớp một, hai bây giờ), lớp vỡ lòng. Tôi học lớp tư. Đôi khi lớp học không có cấp học rõ rệt mà tùy theo môn học, nhất là môn toán. Trò nào làm được phép nhân từ ba đến bốn con số trở lên thì được xếp học lớp ba hoặc ngược lại. Có khi nhiều đứa hai năm vẫn còn học lớp ba. Lên lớp nhì, nhất thì qua bên kia sông phố quận nhà.

 

Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.

 

Thầy của tôi, ấn tượng về thầy với tôi tới bây giờ, đó là những hình phạt. Mỗi khi bước vào lớp học, trên bàn thầy bao giờ cũng có một nắm thước gạch dùng để “phóng phi tiêu”. Thầy ít nói, không cần nói, những cái thước của thầy thay lời la mắng, quở trách. Khi có tiếng xì xào ở đâu đó, ở cuối góc bàn, đôi mắt thầy nhướng lên thì lập tức có cây thước phóng về phía đó. Vì thế, hai lớp học cùng sinh hoạt nhưng đố có tiếng nào xì xào, hó hé. Tất cả đều im re đến nỗi nghe được tiếng thở của nhau, tiếng va đập của các tập sách và tiếng kéo lê lẹt xẹt guốc dép ở phía dưới.

 

Ngoài trò “ném phi tiêu”, thầy còn có nhiều hình phạt là trồng cây chuối. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảnh năm ba đứa học trò gác chân trên bàn, chống hai tay xuống đất. Đứa nào cũng mồ hôi mồ kê nhể nhại, máu đổ dồn lên mặt. Chỉ sau đó vài phút là có đứa xỉu, khó bề đứng nổi. Hình phạt thứ hai là quỳ xơ mít, trò này rất khó chịu cho hai đầu gối, khi được thầy cho phép đứng lên, hai đầu gối có đứa rướm máu, sưng phù đi cà nhắc một chặp lâu mới trở lại bình thường.

 

Tôi không hiểu tại sao thầy có nhiều hình phạt quái ác cho học trò của mình.

 

Hình phạt của thầy làm cho chúng tôi sợ nhưng không phục. Có đứa tìm nhiều cách để trả thù thầy tôi, nhưng cách trả thù nào cũng phải lén lút, vì nếu thầy tìm ra thủ phạm, ắt sẽ phạt gấp hai hoặc buộc phải nghỉ học. Riêng tôi, cách trả thù độc nhất vô nhị là hát.

 

Thầy họ Lã, Lã Đại. Gia đình thầy ở cồn giữa, sống bằng nghề kéo rớ.

“Rớ rơ, mẹ con mụ rớ lên bờ đốt than.”

 

Đó là câu hát khi thấy người thân của thầy kéo rớ qua khúc sông làng tôi. Ngoài nghề kéo rớ, gia đình thầy còn có nghề khác, nghề nạy gộp. Những ngày nước cạn, họ kéo cái bè sau lưng mà bắt gộp. Lúc đó tôi lại hát, hát rằng:

 

“Ba đồng một mớ vải ta

Không may mà bận để đầu cha nó ra ngoài.!”

 

“Để đầu cha” nguyên do là, những người đi nạy gộp họ thường trần truồng như nhộng, quần áo vắt trên bè để khi lên bờ có quần áo khô mà mặc, tránh bị rách tươm do ngâm lâu dưới nước.

 

Mỗi lần tôi hát, bà nghe được lại quở trách, bởi hát như thế là hỗn hào, là vô giáo dục, không kính trọng thầy, thiếu tôn trọng người khác. Tuy vậy, mỗi khi bà đi vắng hoặc tôi lén đến chỗ khuất mà hát là để trả thù thầy tôi.

 

Lớp học dưới mái đình vẫn rôm rả mỗi ngày, tiếng ê a ngân nga của lũ học trò vang vang tạo niềm vui, ấm áp, tỉ tê gợi niềm phấn kích vui sống cho người làng tôi. Cái thước khẽ nhịp trên bàn, tiếng đọc bài của các trò theo nhịp gõ như bài đồng ca lảnh lót trong buổi lễ nhà thờ cuối tuần, trong tiếng chuông nhà thờ Đức Hựu tận xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định mỗi buổi chiều nó lại kêu kính koong vọng lại từ bên kia sông.

 

Tôi có cơ may hơn những đứa học trò khác, hẳn thầy Lã Đại phát hiện ra tôi có âm giọng tốt, biết ngắt nhịp rõ ràng, nổi trội hơn cả những đứa học trò khác trong cách phát âm bài học vỡ lòng, được thầy “để con mắt xanh” và đề bạt lên bảng đen, được đứng cạnh bên thầy đọc bài để cả lớp đọc theo. Những bài học thuộc lòng ghi trong những tập sách giáo khoa thư lớp ba, lớp nhì, tác giả Bảo Vân do nhà sách Khai Trí Sài Gòn ấn hành.

 

“Sài Gòn có bến Chương Dương

Có dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Có chợ Quán, có Cầu Kho

Bến xe Lục Tỉnh,con đò Thủ Thiêm…”

 

Cái dinh Độc Lập, bến Chương Dương gây nhiều ấn tượng trong đầu óc non nớt , nó gợi cho tôi bao rộn ràng phố thị. Dinh Độc Lập ắt hẳn nó phải to lớn gấp nhiều lần so với dinh cơ của hai anh em ông Ngô Chấp, Ngô Tuấn, làm xã trưởng ở làng tôi. Tôi lại hình dung thủ đô Sài Gòn xa lạ nào đó, bến xe Lục Tỉnh, cầu Kho, chợ Quán…hoành tráng, rực rỡ, lấp lánh trong từng con chữ lặng lẽ kia.

 

Lối dạy quá nghiêm khắc của thầy Lã Đại gây bất bình với phụ huynh trong làng. Những đứa trẻ mà thầy dạy ít nhiều cũng có năm ba dấu ấn trên người. Mỗi buổi học có đứa chảy máu hoặc đầu gối tím bầm do quỳ xơ mít quá lâu. Lũ học trò mếu máo vì đau, còn phụ huynh lại xót ruột. Dù vậy, họ đâu dám nói ra bởi cái lẽ tôn sư trọng đạo. Đạo đức quân sư phụ đã có nguồn gốc sâu xa, nó tiềm ẩn trong suy nghĩ của mọi người.

 

Quân sư phụ. Ba tiếng đó với thời chúng tôi nó thật cao quý. Thế hệ của chúng tôi không còn vua, chế độ phong kiến được thay thế chế độ công hòa. Người đứng đầu quốc gia là Ngô Tổng Thống. Vị trí của ngài luôn trân trọng trong trí chúng tôi mặc dù chúng tôi chưa bao giờ biết ngài ở đâu và sống ra sao. Ngô Tổng Thống ở tận đẩu tận đâu, ốm tròn mập béo như thế nào chúng tôi nào có biết. Ngài sinh hoạt ra sao, có cắt tóc, cạo râu như thầy Lã Đại, như lão Kiếm xóm đình ở quê tôi. Hay ngài trang nhã, bộ mặt phẳng phiu, trẻ trung béo tốt như ông xã trưởng  mà tôi lúc nào cũng gặp.

 

Ngay những đầu giờ vào lớp, chào cờ buổi sáng, tiếng quốc ca vang lên, lá quốc kỳ đĩnh đạc kéo lên. Khung cảnh lúc đó thật cực kỳ nghiêm trang, không riêng gì lũ học trò chúng tôi mà tất cả người dân, với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, dù đứng ở chỗ nào, hay đang đi trên đường cái quan cũng đều dừng lại, đứng nghiêm và ngã mũ chào.  Sự tôn kính đất nước mình bằng hành động cụ thể, tấm lòng yêu đất nước mình không xa xôi, trừu tượng, không huyễn hoặc viễn vông mà xiển dương giá trị nội tại tấm lòng mọi người bằng buổi chào cờ. Ở đó, là hồn thiêng đất nước, là linh hồn, là công sức của bao tiền nhân để lại cho người đời sau. Từ sự tôn vinh những buổi chào cờ, mặc niệm các vị tiền nhân, kính trọng người thầy, tạo giềng mối nền tảng đạo đức xã hội, gắn kết hồn thiêng đất nước, với mỗi cá nhân, với cộng đồng.

 

Âm vang niềm tôn nghiêm, niềm tin rất cụ thể hồn thiêng đất nước. Lúc đó, người ta không nghĩ đến mối lợi riêng cho mình mà luôn nghĩ đến sự phồn vinh của cái chung, người ta không hề nghe lời rao giảng về đạo đức như thế nào, nếp sống ra sao cho có tôn ti trật tự.

 

Một bữa nọ, buổi chào cờ đầu tuần, sau phút mặc niệm các anh hùng tử sỹ, thầy Lã Đại thông báo với lớp học chúng tôi một tin cực kỳ quan trọng. Ngô Tổng Thống sẽ đi kinh lý miền trung và chúng ta có nhiệm vụ đón ngài trên đường đi. Sự háo hức đón ngài tổng thống khuấy động ở làng tôi niềm vui hiếm thấy. Xênh xang cờ hoa, biểu ngữ giăng suốt con đường cái quan. Sự chờ đợi rồi cũng đến. Từ lúc tờ mờ sáng, lũ học trò chúng tôi mặc quần xanh áo trắng tươm tất, sạch sẽ. Chúng tôi tập hợp trước sân đình làng và theo sự hướng dẫn của thầy, mọi người lần lượt đi ra đường cái quan. Xin nói thêm là ở xã tôi có một đội trống, đội thiếu niên và tôi luôn luôn thèm muốn được đứng ở vị trí đó, quá đỗi là thèm. Tiếng trống cuả đội thiếu niên gây náo nức tâm hồn tôi, tiếng trống thùng thình như quyện xoắn không gian lại, đục thủng khối không gian u trầm tịch mịch của làng quê ít hội hè lễ lạt.

 

Dàn trống đội thiếu niên đi trước, theo sau là lũ học trò chúng tôi xếp thành hàng một, cờ xí rợp trời, băng rôn mang khẩu hiệu “suy tôn Ngô Tổng Thống”. Chúng tôi bước đi theo nhịp trống, tiếng trống thùng thình dội xuống dòng sông quê tôi mùa nước cạn. Nước sông lấp lánh như hòa cùng niềm vui với chúng tôi một thời tươi trẻ.

 

Cả một buổi sáng ngài tổng thống chưa tới, chỉ có ông mặt trời là tới trước. Ông mặt trời bắt đầu từ đằng đông, tia nắng dọi qua rằng dừa xanh, cái bóng của nó che bóng cả đoạn đường cái quan. Rồi cái bóng cụt dần, cụt dần đến khi không còn cái bóng nữa mà ngài tổng thống vẫn chưa thấy đến. Trên mặt chúng tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Niềm vui háo hức ban đầu tan biến theo từng giọt nắng. Đội trống như kẻ thất trận, trống đi đàng trống, dùi đi đàng dùi. Những hành vi, cử chỉ nghênh ngang, phấn khởi lúc ban đầu của lũ chúng tôi giờ còn trơ lại những khuôn mặt méo mó, trơ khấc giữa cái nắng ban trưa, những tia nắng nhảy nhót, lăn lóc trên đường đi.

 

Tôi kể chuyện này cho ông Sáu nghe.

 

Tôi gọi là ông Sáu nhưng ông chưa già lắm, cái tuổi nhỉnh hơn bốn mươi một chút, vóc dáng ngư phủ tạo nên con người có sức khỏe dẻo dai mặc dù căn bệnh quái ác từ lúc bị đắm thuyền bởi cơn lốc xoáy bất chợt đã làm cơ thể ông suy nhược đi nhiều. Tôi gọi ông Sáu vì bởi theo bà tôi, chúng tôi có dây mơ rễ má từ thời nào xa lắc xa lơ, dòng họ cật ruột từ thời cụ tổ, đến thời chúng tôi thì, theo cách ví von của bà là “đại bác bắn không tới”. Mặc dù vậy, tình làng nghĩa xóm gắn kết chúng tôi hơn bao giờ hết, bà con xa không bằng xóm láng giềng gần.

 

Tôi miên man chào hỏi ông, ông gật đầu rồi chỉ tôi ngồi cái ghế bên cạnh. Tôi ngắm khuôn mặt ông có già đi nhiều, mắt hốc hác, gò má lõm sâu phơi cái răng cửa vàng khè khói thuốc. Hồi này tôi thấy ông hút thuốc nhiều, toàn thuốc rê, điếu thuốc vấn như hoa loa kèn to bằng ngón tay cái. Mỗi lần vấn thuốc, ông kéo rê lưỡi liếm như keo kết dính. Ông rít thuốc, má lõm sâu, đóm lửa xòe lên, phả khói mùi khét lẹt. Cách hút thuốc này gây tổn hại nhiều thể tạng của ông, bà Sáu nhiều lần khuyên can nhưng ông vẫn chứng nào tật ấy.

 

Ông Sáu ngồi hút thuốc, suy tư nhìn sợi khói bay lơ lửng, sợi khói có màu trắng đục, thi thoảng lẫn màu xanh mơ hồ huyễn hoặc, sợi khói kéo thành sợi ngoằn ngoèo nối dài đến tận nóc nhà rồi tan biến vào cõi hư không.

 

Ông vội lấy cục phấn ghi nghệch ngoặc trên nền gạch:

“Đón rước ông Ngô Đình Diệm đi kinh lý qua đây?”

 

“Phải đấy ông Sáu ạ. Ngô tổng thống không thấy đâu, lũ trẻ chúng cháu một buổi say nắng!”

“ Thật đáng trách, đáng tội!” Tôi nhìn dòng chữ trên nền gạch, rồi nhìn dáng vẻ trầm ngâm của ông Sáu.

“Đáng trách, đáng tội ai, ông Sáu?”

 

Tôi không thể hiểu dòng chữ ngoằn ngoèo kia. Cái nền gạch thì nhỏ nhưng suy nghĩ của ông thì quá lớn với tôi . Tôi hiểu rằng cái suy nghĩ kia luôn cuốn riết trong đầu ông. Ông gạch gạch xóa xóa dòng chữ dưới nền nhà, những câu chữ này không để riêng cho ai.

 

Một triều đại đang đến hồi kết, một nền cộng hòa non trẻ. Một nốt ruồi đen thấy rất rõ trên gò má dưới mắt trái của tổng thống xem như báo hiệu số mệnh buồn phiền, nhiều tang tóc. 29 tuổi làm tuần vũ, 31 tuổi chểnh chệ thượng thư bộ lại. Mái tóc đen nhành, dáng người thấp, chân đi hai hàng, lạch bạch nhưng mau lẹ, gương mặt phúc hậu, tác phong mau lẹ, một giọng Huế ấm áp, một lối nhìn thẳng vào người đối diện. Ôi, phải chi ông khiêm tốn hơn thì đất nước không như thế này mà là thế khác.

 

Nguyễn Thanh Sơn

(trích tập truyện Thương Nhớ Làng Ơi)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97211)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92677)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91368)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99715)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106441)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91726)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105902)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105447)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127427)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41391)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...