- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HÀM RĂNG CỦA TOBY

14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 19340)


HÀM RĂNG CỦA TOBY

 

Guillermo Barquero

Trần C. Trí chuyển ngữ

 

LTS:

Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại  University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.

Tạp Chí Hợp-Lưu

 

 

Guillermo Barquero
Guillermo Barquero
sinh năm 1979 ở San Jose, Costa Rica. Ông là tác giả của các tuyển tập truyện ngắn “Metales pesados” (‘Những Tấm Kim Loại Nặng nề’ - 2009) và “Esqueleto de oruga” (‘Bộ Xương Của Loài Sâu’ – 2010), cùng hai cuốn tiểu thuyết “El diluvio universal” (‘Cơn Đại Hồng Thuỷ’ – 2010) và “Combustión humana espontánea” (‘Nhân Loại Bốc Cháy’ – 2015). Ông được giải thưởng Áncora dành cho truyện ngắn “Metales pesados” và truyện dài “El diluvio universal”. Truyện ngắn dưới đây, “Enterrar los dientos blancos” (Nghĩa đen: ‘Chôn Đi Hai Hàm Răng Trắng’), được tuyển dịch từ tác phẩm “Anatomía comparada”, xuất bản vào năm 2018, bao gồm các truyện ngắn Guillermo Barquero đã viết từ 2000 đến 2017.




Ernesto hình dung ra cùng một lúc thân hình đang say ngủ của Maria José và cái xác con chó chết bên vệ đường. Bất giác, anh không biết làm sao hơn là vội lấy tay xoá đi hai hình ảnh ấy, nhưng chỉ kịp để che cái ngáp khô khốc của mình.

Anh đã ở Puntaneras1 được một tuần lễ, cứ hai hôm lại gặp gỡ các tay đầu tư nhàm chán đó một lần. Dẫu sao thì anh cũng chẳng kỳ vọng chuyện gì to tát; chẳng hạn như một tấm thiệp mời viết tay, viền quanh bằng những dây hoa leo theo kiểu Nghệ Thuật Tân Hình Thức, chẳng gợi được chút cảm hứng nào cả. Có lúc anh lại trầm mình trong cái hồ tắm nước vẩn đục, dường như chẳng ai coi sóc, thật tương phản với phần còn lại của vùng biển này, lúc nào cũng hào nhoáng và rộn rã tiếng nói cười của giới làm ăn buôn bán, kể cả những cung cách phục vụ tận tuỵ đến nỗi cuối cùng Ernesto đâm ra ngán tất cả: bãi biển, những cuộc trao đổi thương vụ, những cú điện thoại với Maria José một ngày hai ba bận. Anh chỉ muốn gặp cô để hôn hít và thủ thỉ với cô về những chi tiết vặt vãnh mà chính anh cũng chẳng lấy gì làm hứng thú, những điều nhỏ nhặt về mặt trái của chuyện làm ăn, những lúc kỳ kèo bớt một thêm hai, và tất cả những điều khuất tất lố bịch trong đó.    

Về đến nhà, phải khó nhọc lắm anh mới mở được cánh cửa to lớn và đen đúa—lòng anh chợt thấy nao nao, chùm chìa khoá bỗng như hoá thành một khối sền sệt. Anh bước vào nhà bếp. Maria José đang đứng quay lưng lại. Cô đang kỳ cọ cái gì đó trong bồn rửa và hát một điệu nhạc không rõ lời bằng giọng rung rung. Ernesto đụng vào lưng cô, rồi đôi tay anh tìm ngay đến bộ ngực nhỏ nhắn, không mặc xu-chiêng của cô. Hai người hôn nhau, và một trong hai người thì thào gì đó về khoảng cách xa xôi và phi lý đã ngăn cách họ vì những cú điện thoại—người thì ở Costa Rica, kẻ thì như ở tận miền núi non nào đó của xứ Nepal—vì những âm thanh bị nhiễu qua đường dây viễn liên, mà trong thời đại này đáng lẽ phải giúp họ nghe nhau thật rõ ràng. Maria José hỏi thăm anh về chuyện làm ăn. Xong xuôi cả rồi, anh bảo, giọng thoáng chút châm biếm, làm ra vẻ chắc ăn. Bọn họ là những kẻ lắm tiền nhiều của, anh thêm vào. Rồi cả hai lại hôn nhau.

- Trên đường đi anh thấy một con chó—Ernesto nói, sau khi đã uống gần hai ly nước lạnh và cởi phăng cái sơ-mi ra, như thể anh còn đang ở vùng biển bên ấy.

- Một con chó à?

- Phải, một con chó.

- Con chó thế nào?

- Nó đã chết, thật tội nghiệp.

- À, chắc nó tan xác phải không anh—Maria José thốt lên, một tay chống nạnh, cô biết rằng miền đất này có thể còn đầy dẫy mìn chôn giấu. Cô hỏi han về địa điểm chính xác (anh qua khỏi cái cầu trước kia sơn màu xanh, sau đó được sơn lại màu vàng), về màu lông của con vật (màu nâu nhạt, lúc đó anh đang đi qua thật nhanh nên không nhìn rõ lắm), về đường đi (con chó nằm bên lề phải). 

- Em à, anh dám chắc với em đó là con Toby.

- Ernesto...

- Anh biết, anh biết mà.

Ernesto đã chứng kiến con Toby với cái lưỡi thè dài ra, cặp mắt như hoá thành hai con đom đóm nhầy nhụa. Có kẻ nào đã đánh thuốc độc nó. Ernesto bắt gặp con vật đã nằm cứng đờ sau vườn, cạnh luống hoa pensée đã bị dẫm nát. Từ hôm đó đến giờ đã gần hai tháng. Hai người đồng ý với nhau rằng không thiếu gì những con chó loại Cocker Spaniel trông rất giống Toby, cũng có đôi tai dài tương tự và dáng mệt mỏi, già nua của nó.

- Em biết đó, dù sao đó cũng là một chuyện có thể xảy ra.

Tuy vậy, cả hai đều hiểu ngược lại, Maria José cũng bảo anh như thế.

- Ernesto, anh đi ngủ một chút cho khoẻ, rồi anh sẽ quên chuyện con chó đó thôi. Làm sao biết được có bao nhiêu con chó chết ở những nơi đó hằng ngày. Chúng nó ra khỏi nhà, đi lạc và khi người ta biết được thì đã...

- Mỗi tháng có hai ngàn con như vậy ở trung tâm Chepe2.

- Nhiều vậy sao?

- Không đâu em, vậy là còn ít đó, đúng ra là người ta chưa nói ra hết sự thật phũ phàng đó thôi.

Ernesto uống thêm một ly nước. Bây giờ thì anh không còn cảm thấy mình đang ở vùng biển nữa. Cái lạnh ở San José vào khoảng sáu giờ chiều khiến ai cũng phải quên đi những ngày nghỉ mát thần tiên ở Puntarenas, ở Limón, ở Cancún, hay ở đâu đâu đi nữa. Anh đi vào phòng, định nằm nghỉ khoảng nửa giờ đồng hồ trước khi ăn tối. Anh nhớ lại những bữa ăn buffet trong khách sạn, chỉ cần bước ra khỏi phòng, lấy một cái đĩa trắng nằm trong chồng đĩa sáng choang, rồi tha hồ chọn các món ăn chơi mà tên gọi cũng dễ quên như đủ thứ mùi vị trộn lẫn vào nhau của chúng; uống một ly rượu ngoại quốc, thấy ngà ngà say sau ba chai bia; đoạn quay qua mặc cả, thương lượng với mọi người hay chỉ giả vờ làm ra như thế qua men say của rượu, rồi cuối cùng đi về phòng để tắm.

Anh thức giấc lúc gần sáng. Trong một thoáng, anh ngỡ như mình đang bị kẹt dưới gầm một chiếc xe đang kêu lên ken két lúc xảy tai nạn. Nhìn sang, thấy Maria José đang ngủ say, quay lưng lại với anh. Chợt anh thấy bụng quặn lên và nhớ ra rằng mình đã ngủ thiếp đi mà không ăn uống gì cả. Anh khó nhọc lê chân qua phòng tắm. Vai và chân anh va vào cánh cửa đau điếng, trong khi những ngón tay của anh vụng về quờ quạng về phía cái nút bật đèn. Anh đứng tiểu tiện trong cơn ngủ vật vờ rồi quay trở vào giường. Cảnh tượng con chó chết lại lởn vởn trong đầu anh, trần trụi và phũ phàng trong trí nhớ, xác nó đứt làm đôi, lòi cả ruột gan ra ngoài vì bị một chiếc xe nào đó cán phăng lên. Chắc đúng nó là con Toby. Maria José và anh chưa muốn có con nên Toby như là đứa bé cưng trong gia đình, chuyên làm những trò mang lại tiếng cười cho cả nhà. Vậy mà anh đã thấy tận mắt cái chết vì bị đầu độc của nó.    

Anh lại chạy vào buồng tắm. Lần này chỉ va nhẹ vào chân giường. Anh thoáng nhìn thân hình nằm nghiêng của Maria José đang phập phồng theo từng hơi thở. Anh thấy như có cát từ tai rơi xuống, những hạt cát mà mấy ngày sau vẫn còn sót lại khi anh trở về từ vùng biển, từ vùng cát mặn xa xôi, những dư vị rã rời và buồn bã đó...; anh lại thấy đôi tai ửng màu xanh tái của con Toby và chợt rùng mình vì lạnh. Anh không thể nào không nghĩ đến cái xác cứng đờ, đến cái lưỡi không còn mềm mại nữa của nó, giờ chỉ còn là một đống bầy nhầy của sự chết.

Trước khi bật đèn trong phòng lên, Ernesto sờ soạng kiếm cái chăn trong bóng tối, như người đang tìm một món vũ khí vì bất giác có linh cảm mình đang bị sơ hở trong việc phòng thủ. Anh ngồi xuống một cái ghế cách Maria José khoảng hơn một thước, co ro và chờ đợi. Cô không nhúc nhích. Ernesto ho lên một miếng. Miệng anh có vị cát mằn mặn. Cô cũng chẳng hề nhúc nhích.  Anh giẫm mạnh chân xuống tấm thảm lông dày dưới nền nhà. Maria José khẽ khàng ngồi dậy. Phải vài giây sau cô mới tỉnh hẳn. Anh nói với cô rằng con chó làm anh không ngủ được.

- Biết đâu con chó ngoài đường lại chẳng là con Toby.

- Con chó anh thấy đó à?

- Em ơi, chắc con chó đó đang chạy thì...

- Không phải  đâu anh. Anh ngủ lại một chút đi.

- Anh biết là không phải. Nhưng...

- Nhưng sao cơ? Maria José hỏi lại, giọng thờ ơ.

Ernesto tắt đèn trong phòng, nằm xuống giường và cố dỗ giấc ngủ. Anh miên man nghĩ đến cái giường trong khách sạn, rộng đủ cho cả hai ba người, đến những bữa cơm tối rầm rì những tiếng nói cười say khướt, đến bãi cát mênh mông.

Anh đoán mình ngủ chưa đến một tiếng đồng hồ thì đã chợt thức giấc, hình ảnh con chó lại thôi thúc trong lòng. Anh ngồi nhổm dậy trên giường. Anh đoán thấy thân hình của Maria José phập phồng lên xuống nhịp nhàng theo giấc mơ của cô. Anh cho rằng mình có thể nhận ra được hình dáng của bộ đồ cô đang mặc trong bóng tối, trong khoảng cách giữa bước chân trên cát và trên nền xi-măng trong nhà, giữa vùng biển và căn phòng ngủ ướt át mồ hôi vì một cơn ác mộng đầy dẫy những ruột gan phèo phổi lòi ra bên ngoài cùng những cái răng trắng hếu. Ang vấp phải nhiều đồ vật vô hình trước khi mặc được quần áo vào để tính đường đi tới vị trí  gần cây cầu sơn màu vàng một cách chính xác mà không cần chỉ dẫn gì vào giờ phút khuya khoắc này. Anh tìm chùm chìa khoá trong bóng tối. Những ngón tay của anh tựa hồ như những chiếc càng của loài giáp xác, đụng vào đủ thứ: vải vóc, lổ hổng, giấy tờ, đồ trang sức, cửa, màn, thảm, và cả một cái vòi nước đang chảy. Cuối cùng, anh cũng tìm được chùm chìa khoá. Nó như một nải chuối trơn tuột đang vùng vẫy chống cự—mồ hôi tay anh lạnh ngắt, bãi cát mênh mông, những cái răng trắng hếu của con chó. Cái ổ khoá đáng ghét sao mà nhỏ làm vậy, chẳng khác gì một con vi khuẩn trong bệnh dịch đen thời trung cổ, bầy hầy và đần độn. Ernesto cố gắng vặn chiếc chìa khoá mà giờ đây như đã hoá thành một thanh gươm hay một miếng da bẩn thỉu không tài nào tuột qua cái lỗ được.

Khi đã mở ra được cánh cửa lớn, anh nghe từ bên trong tiếng trở mình của Maria José. Cô ngật ngưỡng ngồi dậy trong bóng tối. “Ngủ đi anh”, cô nói từ trong phòng ra bằng giọng mũi. Ernesto bước đi trên cái nền thô nhám ở ngưỡng cửa, sực nhớ rằng mình không mang giày. Anh trở vào phòng ngủ. Maria José đang ngồi trên giường, hai tay giụi mắt, càu nhàu hỏi anh câu gì đó. Mất mấy phút Ernesto mới kiếm ra được đôi giày da đanh để xỏ vào chân, người co rúm lên vì sợ.

- Ernesto!

- Mari, em nằm xuống đi, đừng lo.

- Ernesto, có chuyện gì vậy?

- Không có gì cả. Em ngủ đi. Không có gì cả.

- Mấy giờ rồi anh?

- Anh không biết. Anh phải đi đây. Anh đi một chốc thôi—Ernesto hạ giọng xuống, nghe nhừa nhựa và vụng về.

Maria José trở mình. Có thể đoán được hai mắt cô đang đỏ ngầu trong bóng tối vì quá mệt mỏi. Ernesto đã kể lại một câu chuyện về vùng biển, những mẩu chuyện đã bị bóp méo về các tay đầu tư, những chi tiết về các cú điện thoại liên tục bị ngắt quãng mà cả hai phải cố gắng duy trì trong tình trạng trá hình của sự thiếu liên lạc giữa đôi bên, bằng những lời lẽ âu yếm của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Maria José nằm bất động. Cô hỏi Ernesto có chuyện gì không. Khi anh trả lời cho cô biết là chuyện về con chó, anh đã ra đứng hẳn bên ngoài, dưới một cây đèn đường. Ernesto nghĩ đến khoảng cách giữa anh và con chó, cùng hình ảnh ghê sợ của những cái bánh xe hơi—chưa tới hai cây số, đi bộ vài phút là tới nơi. Mồ hôi anh vã ra, nhớp nháp. Anh nhớ ra là mình đang mặc quần áo cùng với tất cả những món đã mang theo từ trước: cái điện thoại, hộp diêm, gói thuốc lá nhăn nhúm. Không phải là con Toby. Nhưng mà cái mõm, cái lưng màu nâu nâu... 

Anh vẫn tiếp tục đi, suýt nữa nuốt cả điếu thuốc khi anh cố mồi lửa vào nó. Anh toát mồ hôi dầm dề, như một con thú không tên lúc nửa đêm về sáng, mường tượng ra một cách vụng về hình hài của con chó đã chết, một con Cocker Spaniel không toàn thây nhe cái mõm nhọn đầy răng. Anh nghĩ đến Maria José đang nằm một mình trong đêm tối, mắt nhìn trừng trừng vào hình thù của một con chó dại trong giấc mơ, của Toby đang bú mấy ngón tay của cô, vì chẳng có đứa bé nào đang nhìn vào đôi vú của cô, đôi vú trắng nõn nà.

Cái điện thoại chợt rung lên trong túi anh. Ít nhất cũng có một thứ gì vẫn sống động trong đêm khuya. Anh thấy số điện thoại nhà hiện lên trên màn ảnh—trên cái nền màu xám sáng là những nét chữ tròn trĩnh và tám con số—anh tưởng tượng ra Maria José đang chìm mất vào mọi thứ: tấm khăn trải giường, giày dép, rèm cửa, vách tường, và cả cái vòi nước vẫn đang chảy. Ernesto không trả lời cú gọi. Anh vẫn tiếp tục bước đều chân, với hình ảnh của một cái lưng đang chờ đợi anh, của bộ lông đang nài nỉ một bàn tay run vẩy ve vuốt nó.

Anh băng qua mấy khu phố liên tiếp, điếu thuốc trước chưa cháy hết anh đã mồi tiếp điếu sau. Cái điện thoại lại rung lên. Cái im ắng của con đường—anh đoán chỉ còn đâu hơn một ki-lô-mét nữa là đến nơi, bỗng dưng như trở thành cả trăm cây số vì cảnh hoang liêu đã đem lại cảm giác như thế—khiến tiếng rung của điện thoại trở nên rõ mồn một, như một tiếng thét nhỏ, uất nghẹn và khó chịu. Anh lại thấy số điện thoại nhà trên màn ảnh. Anh loay hoay tìm cách tắt tiếng reo của điện thoại nhưng chiếc máy nhỏ lì lợm này vẫn không chịu khuất phục. Anh không có ý định vất nó xuống một cái cống nào đó hay tắt hẳn đi, mà chỉ muốn làm sao cho nó im tiếng. Điện thoại lại reo lên lần nữa, kéo dài cho đến một lúc rồi mới chịu ngưng. Anh hình dung ra các ngón tay của Maria José lần mò trên những cái nút điện thoại trong bóng tối, chống cự với cơn buồn ngủ vì kiệt sức. Đây là lần thứ nhất, kể từ khi ở Puntarenas về, Ernesto muốn biết lúc đó chính xác là mấy giờ. Mất liên lạc với ý niệm về thời gian, anh thấy cả thân hình mình chỉ là còn là một khối thinh không. Không sợ hãi, không hoảng hốt, không lo âu, chỉ là một nỗi trống rỗng không hình hài nhói lên ở phần giữa ngực và rốn, trên con đường khuya im ắng.

Khi chợt nhớ ra rằng có thể xem giờ trên điện thoại, Ernesto rút nó từ trong túi ra. Cái điện thoại lại rung lên vài đợt, lần này không phát ra tiếng nữa. Có một tin nhắn: “Ernesto, không phải đâu”—Maria José viết. Anh không thể nhịn cười khi nghĩ đến cô đang chìm đắm trong làn khói độc của những giấc mơ dồn dập, đang chuyện trò với anh qua điện thoại sau khi tín hiệu bị ngắt quãng. Cô kể lể rằng bệnh viện đã khiến cô thành dở sống dở chết, lúc nào cũng buồn ngủ hay mệt mỏi một cách lạ thường, chẳng khác nào như trong một cơn ác mộng kinh hoàng. Ngay sau đó, điện thoại lại rung lên. Dòng tin nhắn viết: “Không phải thuốc độc đâu anh.” Ernesto đâm hoảng. Lúc bấy giờ anh mới nhận ra rằng mình đang đi từ đường này qua đường khác, từ giờ này qua giờ nọ mà không thấy một bóng người, trong thời khắc mà chuyện gì cũng có thể xảy ra: cướp bóc, giết chóc hay đầu độc. “Không, không phải thuốc độc đâu”—tin nhắn thứ ba gởi đến. Ernesto không biết Maria José có bấm nút gởi đi liên tiếp trong cơn ngái ngủ không, hay cô muốn nhấn mạnh điều gì mà anh không thể nào hiểu nổi.

Ernesto bấm số điện thoại nhà, không biết bây giờ có nên quay về chăng.

- A-lô, giọng của Maria José vẳng lại từ một thế giới khác, cái màng nhện chập chùng của riêng cô.

- Mấy cái tin nhắn của em có ý gì vậy?

- Tin nhắn nào?

- Tin nhắn em gởi cho anh đó. Ý em muốn nói gì?

- Mấy giờ rồi anh?

- Anh nghĩ là em phải biết chứ—Anh phác hoạ ra hình ảnh cô trong phòng ngủ, quơ tay tìm cái đồng hồ báo thức màu đỏ mà sáng nào cũng rống lên như một con thú bị thương để đánh thức hai người dậy.

- Em không biết thật mà, giọng Maria José nghe nghèn nghẹn. Điếu thuốc đang tuột dần khỏi mấy ngón tay của anh, những sợi dây thần kinh đang căng phồng lên.

- Em muốn nói gì về chuyện thuốc độc?

- Ernesto, mấy giờ rồi anh? Giọng cô khản đặc nước bọt, chìm lấp trong nhiều lớp chăn dày cộm.

- Giải thích cho anh nghe về mấy cái tin nhắn của em, Ernesto nói, gần như thều thào.

- Ernesto, không phải con chó chết tiệt đó đâu, Maria José thốt lên. Ernesto nghe như máu huyết trong người đang biến toàn thân anh thành một khối đục ngầu, sền sệt. Maria José miên man nói tiếp; cô bảo con chó chết tiệt ngoài đường không phải là con chó chết tiệt trong khu vườn, rằng lũ thú vật thì con nào cũng đần độn như con nào, cũng đáng bị đầu độc như loài sâu bọ—Anh đừng có nói với em rằng từ ngày không còn con Toby nữa, anh không biết là chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều, cô còn thêm vào như vậy. Ernesto chẳng hiểu là cô đang nói với anh hay đang lảm nhảm một mình trong giấc ngủ chập chờn.

- Anh không hiểu gì hết, Ernesto đáp, vờ nói bằng giọng của một kẻ khác, cao và trong như giọng trẻ con.

- Đĩa thức ăn hôm đó, anh nhớ không. Với mấy mũi thuốc chích ngừa nữa—cô nói giọng ráo hoảnh. “Thuốc độc!”, Ernesto sực nhớ ra. Và bàn tay của Maria José đặt trên lưng Toby, vẻ mặt hết sức dửng dưng của cô, bàn tay khẳng khiu của cô như đang bắt chước một con búp-bê bằng gỗ đặt trên bộ lông màu vàng đậm của con chó, mỗi khi nó sán lại gần cô, ve vẩy cái đuôi màu tối, “đứa con” của hai người, cùng với tất cả những trò ngây ngô của nó.

- Anh đang ở đâu đó, anh yêu?—Maria José hỏi. Trong những giây phút đó, Ernesto thấy cô gọi anh là “anh yêu” bằng một giọng hết sức kệch cỡm.

- Maria José, em nói tiết kiệm là sao?

Cô nói lúng búng gì đó không rõ ràng. Anh nghĩ là cô đang giả vờ nói mê. Trong giấc ngủ, người ta có thể biện minh cho tất cả những lời lẽ nào độc địa, phũ phàng nhất.

- Vậy ra em đã đầu độc con Toby à? —anh run rẩy hỏi, cảm thấy mặt nóng hực lên, phồng to ra như một thứ trái cây đỏ loét trên đôi vai của chính mình.

Maria José đã kể lại một câu chuyện từ những chỗ sâu thẳm nhất của một cơn say ngủ mê man. Câu chuyện về tiếng ru ma quái dành cho một đứa bé chưa chào đời trong vòng tay nhỏ nhắn, nâu sạm của cô, với bài tiểu luận về vùng ngoại ô và món tiền nguyệt liễm đóng cho câu lạc bộ thể dục. Và thực phẩm, và Ernesto, và những món chi tiêu không ai để ý đến cho tới khi chúng đã ngập đến tận cổ. Ernesto cúp máy. Anh vẫn đều đặn tiếp bước, cảm thấy nhịp rung của cái điện thoại trong lòng bàn tay, muốn trốn chạy tiếng nhạc quái ác mà anh không tài nào tắt đi được, cho đến lúc anh nhìn thấy một cái thây nằm bên vệ đường, khi anh đi chưa qua hết hai dãy phố. Bây giờ thì anh đang đứng ở một chỗ có ánh đèn vàng vọt chiếu từ trên cao xuống. Cái điện thoại vẫn không ngừng rung lên, tiếng nhạc vẫn réo rắc ngân vang, càng lúc nghe càng lớn trong đêm khuya. Ernesto nhận ra cái hình hài cứng đờ đang nằm sóng soài, tứ chi bất động, cái cổ đầy lông và cái mõm trơ ra. Bất đồ, anh vất cái điện thoại xuống bãi cỏ ẩm ướt. Anh nhìn cặp mắt trõm lơ, cái lưng lúc nào cũng đòi được ve vuốt, hai hàm răng trắng nhởn như đang van xin được chôn xuống đất, khiến Ernesto không còn thấy có cách nào khác hơn, cũng như không có bất cứ thứ thuốc độc nào còn dành cho ai một chọn lựa khả dĩ.

 

Trần C. Trí chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha

____________________________________________________

Chú thích

 

1 Thành phố nằm bên vịnh Nicoya, thuộc bờ Thái Bình Dương, về phía tây thủ đô San José của Costa Rica.

2 Tên gọi thân mật của thủ đô San José.

 

 

Link vào nguyên tác:

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 202411:10 SA(Xem: 5753)
Ngày xưa, muốn ăn bánh tro phải đợi đến ngày mùng 5/5 âm lịch, thì các cô các bác ở quê mới gánh xuống Qui Nhơn, ngồi trước nhà ba má tôi mà bán. Bánh tro được gói tựa như bánh Ú nhưng bé hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. / Ba tôi thích ăn bánh tro chấm với đường cát. Món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương mà người lớn thường thích. Cũng như ba, đến tuổi này tôi mới thích bánh tro như ba ngày ấy...
14 Tháng Sáu 202410:50 SA(Xem: 6461)
Xin bố, tạm quên bao thuốc lá Xin bố, tạm quên chiếc hộp quẹt ga Màu nhiễu vàng như mùa hè năm ấy Và không nên quá vội Khi thời gian không còn nghĩa lý gì
05 Tháng Sáu 20242:23 SA(Xem: 6873)
Người đàn bà cầm cái chén trắng / Chờ hứng giọt yêu từ trời / Chẳng may giọt yêu đã thành mưa nặng hạt / Rơi thật xa biền biệt giữa rừng già
05 Tháng Sáu 20241:44 SA(Xem: 6914)
Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên.
05 Tháng Sáu 20241:24 SA(Xem: 6333)
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại… tôi nhìn những mùa hè trôi qua trong nuối tiếc, dẫu biết rằng là lẽ thường hằng nhưng trong lòng không khỏi xót xa. Những người bạn cũ đi xa, người còn ở lại lướt qua nhau như người xa lạ. Tôi ngồi đó trong bóng chiều tà, nắng chiều vàng sao mà lặng lẽ. Ôi! Hai hòn bi ve tội nghiệp, đã lăn gần hết đoạn đường trần ,tôi nghiêng xuống cuộc đời bằng nụ cười ngạo nghễ, có ai về nhặt lại tiếng ve ran….
05 Tháng Sáu 20241:02 SA(Xem: 5943)
Một tháng qua, sự xuất hiện của hành giả Minh Tuệ cùng sự "biến mất" khá bí hiểm của ông cùng các vị đồng tu đã tựa một tiếng sét giữa trời quang, hay như một vệt sao chổi vụt qua bầu trời, và báo trước cho không ít người cái điều đã nằm sâu trong triết lý Phật giáo mà sư Vạn Hạnh đã đúc kết: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô), hoặc như tên một tác phẩm lớn của nhà viết kịch người Tây Ban Nha P. Calderón: “Đời là giấc mộng”…
05 Tháng Sáu 202412:51 SA(Xem: 6145)
THƯ KIẾN NGHỊ / Hà Nội 1/6/2024 / Kính gửi Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa các vị Pháp chủ, Đại lão Hòa thượng tôn quý! Tôi là người hoạt động trong ngành điện ảnh xin khẩn thiết gửi tới các quý ngài đôi kiến nghị chân thành sau đây:
04 Tháng Sáu 20246:59 CH(Xem: 6927)
Nơi tôi về / góc phố bình yên / bên những cung đường trầm bổng / Rợp hàng cây hong xanh mùa ước vọng… Có tiếng chim hiền hoà gọi nắng ban mai
01 Tháng Sáu 202410:35 CH(Xem: 5443)
Nhận được tin buồn / Cụ ông TẠ DUY TỨ / Pháp danh GIÁC PHÚC / Sinh năm 1934 tại Sài Gòn, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 26 tháng 05 năm 2024 tại Garden Grove, California, USA (nhằm ngày 19 tháng 4 năm Gíap Thìn) / Hưởng thượng thọ 91 tuổi.
01 Tháng Sáu 202410:04 CH(Xem: 5774)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc và thân hữu xa gần Cha, Ông Nội, Ông Ngoại của chúng tôi là: Ông Tạ Duy Tứ / Pháp Danh: Giác Phúc / sinh năm 1934 tại Sài Gòn, Việt Nam / vãng sanh ngày 26 tháng 5 năm 2024 / (nhằm ngày 19 tháng 4 năm Giáp Thìn) tại Garden Grove, California, USA / Hưởng Thọ 91 tuổi