- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỌC SÁCH "MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN" CỦA NGÔ THẾ VINH

29 Tháng Tám 20202:15 CH(Xem: 13639)

Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.

 

MTOSG-ngothevinh

Hình bìa sách "Mặt trận ở Sài Gòn"
(có thể đặt mua SÁCH qua amazon.com)

 

Tập truyện ngắn được sáng tác từ những năm chiến tranh trong thập niên 1960s và 1970s, và thập niên 1990s sau khi tác giả đã định cư ở Mĩ. Có truyện viết từ trước 1975, nhưng sau này ra hải ngoại tác giả viết tiếp. Đó là những câu chuyện về những lần giáp trận với những người anh em bên kia chiến tuyến, những trận mưa bom đạn từ trên không, và những cái chết không toàn thân của biết bao người lính của cả hai bên chiến tuyến. Đó là những câu chuyện về những người lính khi ra trận thì gan dạ, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng sâu thẳm trong nội tâm thì đầy trăn trở về thời cuộc và giàu nhân văn tính. Ngay cả trong bộ đồ rằn ri xem ra dữ dằn, nhưng qua hành vi và cách nói thì họ chỉ là những thư sinh nho nhã, đôn hậu. Hay như người y tá trưởng được lưu dung sau 1975 trong Tổng Y Viện Cộng Hoà vẫn cần mẫn chăm sóc cho những người lính bên kia chiến tuyến để rồi cũng bị sa thảy về quê và sống trong nghèo nàn, đau khổ. Trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh viết về những cuộc hành quân trên vùng rừng núi Cao Nguyên, qua Campuchia, về thành phố Sài Gòn. Những nơi họ đã đi qua để lại nhiều kí ức và những suy tư về thời cuộc và quê hương, về thân phận tuổi trẻ và tương lai.

 

Có những suy tư được bộc lộ rất thật, như trong truyện Mặt trận ở Sài Gòn mà tác giả lấy làm tựa đề quyển sách. Thật ra, truyện này đã được đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 trước 1975, và đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả thuật lại một nhóm lính biệt cách từ rừng núi Tây Nguyên về nơi phồn hoa Sài Gòn, như là những kẻ về từ 'cõi chết'. Họ phải đối diện với những phong trào sinh viên biểu tình phản chiến, và bị dằng co một bên là lí tưởng xã hội và một bên là nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định của xã hội. Người lính chợt nhận ra rằng họ không chỉ đối diện với cái chết trong rừng sâu núi thẩm, mà còn trực diện với một trận tuyến xã hội với quá nhiều bất công và thối nát. Đó là một "xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc" ở những người miệng thì kêu gào chiến tranh nhưng họ lại đứng ngoài cuộc chiến. Vậy thì người lính bảo vệ cái gì đây. Không lẽ bào vệ "cho một con thuyền xã hội xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại." Chiến trường của người lính bây giờ là ngay tại Sài Gòn này, nhưng họ là những chiến binh ngoài chiến trường, chớ không phải 'chiến sĩ xã hội.'  Tác phẩm này đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Toà án quân sự VNCH nhận định rằng truyện ngắn "có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu quân đội".

 

Chiến tranh thường là mảnh đất màu mỡ cho tuổi trẻ và những suy tư về dân tộc và quê hương. Cuộc chiến Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Những xung đột giữa các học thuyết chánh trị ngoại lai dẫn đến những cái chết thảm cho hàng triệu người giúp cho thanh niên Việt Nam thường trưởng thành trước tuổi. Người lính đối diện trước hiểm nguy và cái chết trong giây phút, họ càng suy nghĩ về bản thân hơn. Tác giả Ngô Thế Vinh nhận xét rất đúng rằng "Trong suốt chiều dài và rộng của lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam đã được nuôi sống bằng những gieo trồng tang thương và nỗi chết. Tuổi đó không tính bằng tháng năm mà bằng những đổi thay không gian cùng với gót giày chiến binh của họ -- đã và đang còn dẫm nát từng ngọn cỏ xanh còn sót lại trên quê hương."

 

Cũng trong truyện Nước Mắt của Đức Phật (viết ở thị trấn Krek, Campuchia, 1971) tác giả viết về một lần hành quân sang Campuchia, và ngay từ lúc đặt chân đến xứ Chùa Tháp đã gặp ngay những phản ứng kém thân thiện của người bản xứ. Qua lời nói của một nhà sư, tác giả muốn nói lên tình cảnh éo le của Campuchia: trở thành một đấu trường trong sự xung đột giữa hai phe người Việt, và tác giả tự hỏi "Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có nghĩ được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xoá nhoà một nền văn minh Angkor cổ kính."

 

Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả còn dành nhiều trang viết về những người đồng minh Mĩ. Những viên sĩ quan cố vấn và giới kí giả với những hành xử tốt và xấu đều được Ngô Thế Vinh ghi chép cẩn thận qua những câu chuyện tưởng như là hư cấu. Chẳng hạn như câu chuyện về một viên kí giả tên Davenport (trong Dấu Ngoặc Lịch Sử) tuy mới vào nghề nhưng đã được gởi đến Việt Nam, và anh ta đã thể hiện được câu nói dân gian "Nhà báo nói láo ăn tiền". Davenport chỉ ngồi trong một quán bar, có máy lạnh, bên cạnh một cô thư kí riêng (có lẽ kiêm thông dịch viên), vậy mà anh ta viết báo cáo mô tả y như thật rằng Kontum đang sống trong những ngày nghẹt thở, dân chúng hoảng loạn tìm đường chạy trốn, đường bay Sài Gòn - Kontum đã bị Hàng Không Việt Nam huỷ bỏ, v.v. Nhưng trong thực tế thì Kontum vẫn sinh hoạt bình thường, người dân vẫn sống yên ổn, và các chuyến bay của Hàng Không Việt Nam vẫn diễn ra hàng ngày! Trong Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh, Ngô Thế Vinh viết về một nhân vật Larry, mới tốt nghiệp trường y bên Mĩ, anh chán ghét xã hội Mĩ xung phong vào đoàn y sĩ thiện nguyện đến Việt Nam chuyên giúp người dân và nạn nhân chiến tranh. Là người Mĩ nhưng Larry ít giao du với người Mĩ đồng hương, anh chỉ dành thời gian cho chuyên môn và viết sách. Hai nhân vật tương phản phản ảnh phần nào sự đa dạng trong nhân cách của đồng minh Mĩ tại Việt Nam trong thời chiến.

 

Đọc truyện của Ngô Thế Vinh, người đọc có thể cảm thấy như đọc những kí ức vụn được lấp ghép lại thành một tác phẩm. Có lúc tác giả viết về vùng Đất Khổ, nhưng lại liên tưởng đến chuyện của 30 năm trước về nhân vật Kim Đồng của Tô Hoài, rồi ngay sau đó tác giả viết về một Sài Gòn đã mất tên vào năm 1981. Kim Đồng là tượng trưng cho giấc mơ cách mạng đẹp đẽ, nhưng 30 năm sau bao nhiêu thế hệ Kim Đồng nhân danh 'giấc mơ Việt Nam' cầm súng M16 hay AK tiêu diệt lẫn nhau. Ba mươi năm dài làm biến dạng tiếng Việt. Chữ và nghĩa không còn nhứt quán với nhau.

 

Cuộc xung đột ý thức hệ giữa tự do và giáo điều còn tạo nên một cộng đồng dân tộc mà từ suy tư, hành vi đến ngôn ngữ của họ rất khác với người anh em bên kia chiến tuyến. Hai người anh em cùng nói tiếng Việt, nhưng là loại tiếng Việt khác phiên bản. Trong Nước Mắt của Đức Phật, tác giả viết rằng "Trong 30 năm điều mà chúng tôi không tự biết - là mọi suy tư của mỗi người Việt đã được điều kiện hoá để họ không còn thấy nhau. Nói chuyện với một tù binh cộng sản Bắc Việt tôi đã không thể tưởng tượng rằng giữa người Việt nói tiếng mẹ đẻ nhưng chúng tôi đã không còn chung một ngôn ngữ." Câu văn ngắn đó thiết tưởng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

 

Một cuộc xung đột ý thức khác cũng diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Mĩ. Sau 1975, như chúng ta biết, có hàng triệu người Việt đã liều mạng bỏ nước ra đi, và một số đông đã được tiếp nhận định cư ở Mĩ. Một thế hệ mới hình thành trên đất Mĩ, và thế hệ mới có những cái nhìn về Việt Nam khác với cha ông họ. Họ tuy rất bất bình trước những bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng họ sẵn sàng bỏ thời gian về quê giúp đỡ đồng bào hơn là cái nhìn cứng nhắc, thậm chí 'một đi không trở lại' như thế hệ cha ông. Những cuộc xung đột trong gia đình xảy ra, như giữa nhân vật Bs Toản và thân phụ của anh về Việt Nam: anh nghĩ về tương lai bên quê nhà, còn cha ông thì cứ khắc khoải về quá khứ chiến tranh và chia rẽ. Tuy nhiên, truyện Giấc Mộng Con Năm 2000 có thể xem là một câu chuyện kết thúc có hậu, khi có những người y sĩ nghĩ đến những dự án văn hoá để ghi lại những thành tựu của một cuộc di dân vĩ đại.

 

Đọc sách của Ngô Thế Vinh, bạn đọc sẽ bắt gặp những chữ nghĩa ngày xưa. Đó là những chữ chưa bị biến dạng về nghĩa, đó là cách đánh vần theo cách nói của người miền Nam (dù anh là người gốc Thanh Hoá). Người đọc sẽ quay về với những danh từ quen thuộc như "chánh phủ", "chiến hữu", "kích xúc", hay những động từ hết sức dễ hiểu như "men" (trong 'men dần ra quốc lộ'). Có những đoạn tác giả viết thật xúc động, nhưng đoạn viết về người lính Bắc Việt bị chết: "Ngồi bệt xuống đất bên xác hắn, người tôi nặng trĩu mỏi mệt. Tôi đưa tay vuốt mắt hắn, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàng. Một cử chỉ mà tôi không thể làm cho thằng em khi nó bị tử trận ở Pleime ..."

 

Ngô Thế Vinh không phải là một cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam. Là bác sĩ (tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn năm 1968), từng làm y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong quân đội VNCH. Ngay từ thời sinh viên, anh đã viết văn, và từng làm chủ bút báo sinh viên Tình Thương thời thập niên 1960s. Ngay thời gian đó, tác giả đã là một cây bút thành danh với những tác phẩm nổi tiếng như Bóng Đêm (1964), Gió Mùa Đông (1965), và đặc biệt là Vòng Đai Xanh (1970), tác phẩm đem về cho anh giải thưởng Văn học 1971. Sau này, khi ra hải ngoại, Ngô Thế Vinh viết cuốn sách nổi tiếng  Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng  (1996) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng là một cảnh báo trước về tai hoạ cho sông Cửu Long do những con đập do Trung Cộng xây dựng trên thượng nguồn, và những xung đột trên Biển Đông. Có thể nói là tác giả là người đi trước thời cuộc.

 

Chẳng những đi trước thời cuộc, mà qua những trang viết thấm dẫm nhân văn tính trong tuyển tập này (như chuyện về cái chết của một anh lính cộng sản Bắc Việt, hay nhân vật lính Mĩ tên Jim bị rối loạn tâm thần sau cuộc chiến), tác giả còn thể hiện mình là một người trí thức vượt lên mọi chánh kiến.

 

MTOSG-ngothevinh-cali

Từ trái sang phải: Bs Ngô Thế Vinh, tôi, Gs Lê Xuân Khoa, Ks Phạm Phan Long, và Ks Ngô Minh Triết
(hình chụp ở Laguna Beach, Nam California, 2018) 

 

 Nhưng Ngô Thế Vinh là một chứng nhân của chiến tranh, chứng nhân của "những bi kịch của một thời nhiễu nhương và lừa dối hào nhoáng." Anh đã chắt chiu những trải nghiệm thực tế trong chiến trận ở núi rừng Tây Nguyên và đúc kết lại thành những tác phẩm mang tính 'sử thuyết' hay một dạng historicity, hơn là tiểu thuyết. Thật vậy, nói là truyện ngắn, nhưng người đọc có thể cảm nhận được đó là những ghi chép bằng một ngòi bút điêu luyện miêu tả một cách sinh động những tình huống xảy ra, cùng những quan sát tinh tế. Truyện ngắn hay truyện dài của Ngô Thế Vinh chỉ là cái cớ hoặc là cái diễn đàn để cung cấp chứng từ. Các nhân vật trong truyện (ví dụ như bác sĩ Phan) cũng có thể là chính tác giả hay được tác giả mượn để nêu lên những trăn trở cùng những suy tư khắc khoải trước chiến cuộc.

 

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt từng viết rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức. Những kí ức được ghi chép lại trong Mặt Trận ở Sài Gòn chính là một cuộc chiến nội tâm vậy. Chính tác giả trong Một Bức Tường Khác (1991) cũng tự hỏi mình đến bao giờ "mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến đã vào quá khứ 17 năm rồi". Có lẽ tác giả sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc chiến kí ức. Tuy nhiên, có khi đó là một cái hay, vì những kí ức đó được viết xuống như là những chứng từ về một cuộc chiến mà có lẽ nhiều thế hệ người Việt và người ngoại quốc sau này sẽ còn dùng để hiểu biết đúng và công tâm hơn về cuộc chiến tương tàn kéo dài suốt 20 năm.

 

 

"Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,

Giải oan cho cuộc bể dâu này.”

(Tô Thùy Yên)

 

Nguyễn Văn Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 7222)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 6256)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 6772)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 6390)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
18 Tháng Sáu 20235:07 CH(Xem: 5829)
Trên đỉnh tháp của đồng đô la / Em - cười vỡ sáng thế ký / Viết trật tự thế giới mới - toàn trị / Đưa ngọn lưỡi Pharisee trở về / Ưỡn mình vào công nguyên/ Liếm mòn nhân loại.
09 Tháng Sáu 20234:36 CH(Xem: 6248)
T. cận tôi trai Hà Nội, song có dịp được đi & sống ở nhiều vùng đất trở thành thân quen, rồi yêu quý - và một trong những vùng đất đó là Bình Định. Một sinh viên của tôi làm phim tốt nghiệp về “Võ Bình Định”, tôi rất vui, bảo: “Thầy mới chỉ biết đôi chút về Trời văn Bình Định thôi, phim của em giúp thầy và nhiều người hiểu thêm về Đất Võ Bình Định đáng tự hào”… Mấy Hội thảo Khoa học về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - người thầy của Đào Tấn vĩ đại, về Tổng đốc Lê Đại Cang, may được ông Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa chiếu cố mời về cùng với tham luận và làm phim nên càng có dịp thâm nhập sâu hơn vào kho tàng văn hóa Bình Định. Một dạo, có lớp tập huấn về Biến đổi khí hậu do Thái Lan và Diễn đàn “Nhà báo Môi trường” tổ chức tại Quy Nhơn, được mời tham dự và làm phim cho họ, tôi có điều kiện hiểu thêm về giá trị của Môi trường “xứ Nẫu” nói riêng và Biển miền trung Trung bộ nói chung…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 6396)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
09 Tháng Sáu 20234:24 CH(Xem: 7427)
đã có một thời xanh mắt trong / buồn vui cơn gió thoảng qua lòng / sớm mai thức dậy tươi màu nắng / thơm một mùi hương trên tóc mây
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 6917)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
24 Tháng Năm 20234:35 CH(Xem: 7382)
Và rồi vẫn vậy những tầng không / Gối lên nhau những khoảng chất chồng / Có khi đặc quánh khi trống vắng / Những mùa hè lạnh lắm mùa đông