- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BẢN PHỦ

17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 16678)
 
Tranh Minh Phong Le 4
tranh Lê Minh Phong



Chuyện thằng Minh vác dao chém bố nó, mấy hôm nay ầm ĩ khắp cả làng Ngọc.Từ đầu làng là xóm Đình, đến cuối làng là xóm Nam, chỗ nào mọi người cũng xôn xao bàn tán. Bởi, nói như cụ thượng trong làng là, từ thời cổ đến giờ, chưa có một vụ nào như thế. Cũng vẫn cụ thượng nói-cụ thượng là một danh xưng của cụ ông cao tuổi nhất làng, không phải tên riêng. Cụ bảo rằng, nhà nó đến ngày mục mả.

        Tại xóm ngõ Ba, nơi cư ngụ của gia đình thằng Minh, thì tình hình nghe chừng vẫn còn nóng sốt lắm. Tuy Quang “bản phủ”, bố thằng Minh đã kịp thời được đưa đi bệnh viện. Còn thằng Minh, đã bị công an cho vào nhà muỗi. Nhưng dân tình trong xóm ngõ Ba vẫn hết sức bàng hoàng. Trên suốt dọc con đường đổ bê tông, uốn lượn ngoằn ngoèo như con rắn, dài mấy trăm mét, từ đầu ngõ là nơi tiếp giáp với đường trục chính trong làng, đến cuối ngõ, đâm thẳng ra cánh đồng. Mọi người túm năm tụm ba, râm ran bàn tán. Mấy mụ đàn bà thì thào với nhau rằng, lão Quang “bản phủ”, lúc ấy mặt xanh như chàm đổ, còn chân tay thì be bét máu, trông đến khiếp. Thế mà thằng Minh, con trai đầu của “bản phủ”, mặc dù đã được mấy tay đàn ông lực lưỡng trong xóm ghì chặt, vẫn lồng lên, mặt đỏ như gà chọi, hét chói tai: “Các ông bỏ tôi ra, để tôi hoá kiếp cho cái đồ mặt người dạ thú kia, cho hết tội hết nợ…”

 

 

        Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì. Đã thế, trên trán cũng có một vết sẹo gần giống hình lưỡi liềm, do mảnh đạn M79 nổ gần xớt qua hồi đánh nhau ở Quảng Trị. Thế là Quang được gắn cái biệt danh “bản phủ”. Mà nghe chừng Quang cũng khoái với cái danh xưng ấy. Đến đâu nói chuyện cũng xưng xưng “bản phủ”. Để “bản phủ” quyết cái này,để “bản phủ” quyết cái kia… Cán bộ công nhân viên các cơ quan ban nghành xung quanh thì thấy, kể gọi Quang là “bản phủ” cũng đúng. Vì ngày nào Quang chả thăng đường xét xử. Dân làng Ngọc thì tuy trong bụng không ưa “bản phủ” tí nào, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra nể nang. Điều này có nguyên nhân rất sâu xa.

        Làng Ngọc vốn là một làng có truyền thống nền nếp cao trong vùng. Mọi việc ma chay, cưới xin, hội hè đình đám nhất nhất đều phải theo lệ xưa đã định. Hàng tháng hai kỳ sóc vọng, các cụ bô lão, áo the khăn xếp ra đình, thắp hương thành hoàng, thụ lộc, rồi bàn chuyện làng. Những cuộc họp ấy do cụ thượng trong làng chủ trì. Cụ thượng là một vị bô lão cao tuổi nhất, còn minh mẫn, được các bô lão suy tôn. Nhưng  không phải cứ cao tuổi nhất thì đương nhiên là cụ thượng, là mặc áo gấm đỏ ra đình và ngồi chiếu trên đâu nhé. Mà thực ra nó cũng có những điều kiện khác phải tuân thủ như, không phải là dân ngụ cư, không phải là con nhà mõ…Chuyện lệ làng thì rắc rối, linh tinh lắm. Quang là người theo tân học, luôn đả phá những cái gọi là hủ tục như vậy. Nhưng đấy cũng chưa phải là điều để dân làng Ngọc ghét Quang. Cái vấn đề để dân làng ngấm ngầm ghét Quang “bản phủ”, nó nằm ở mục có tính truyền thống quê hương cơ.

       Chả là, dân làng Ngọc có truyền thống cờ bạc lâu đời. Trong vùng còn lưu truyền một câu ca sau: “Đi qua làng Ngọc chớ đánh bạc/ Mất quần mất áo cấm kêu ai…”. Chuyện dân các làng khác, đến làng Ngọc đánh bạc, thua sạch đến độ phải lột hết cả quần áo gán nợ, trần trùng trục chạy về, sảy ra nhiều rồi. Nhưng dân làng đi chơi các nơi cũng bị lột không ít. Nói đâu xa, ngay cụ Đám Quảng, là ông nội của Quang “bản phủ”. Hồi còn trẻ, đã lừa vợ con một vố bằng cách xúc hết bồ thóc đem bán, rồi độn trấu vào, phủ ít thóc thật lên trên…Cụ ôm bọc tiền, bơi sang bên Lãng đánh bạc. Đến canh ba thì thua nhẵn túi. Cụ bơi về, mò vào miếu bà chúa giếng đầu làng, vơ sạch tiền lẻ khách thập phương cúng trên ban, ôm luôn bộ đồ thờ, bơi sang. Cởi cả quần áo dài làm một “tiếng” nữa, nào ngờ vẫn thua. Thế là cụ chỉ còn độc cái khố chéo trên người, bơi về. Cụ nghĩ cay quá, ra đình làng sáng tinh mơ, thúc trống ngũ liên ầm ầm, rồi lăn đùng ra sân đình, hô: “Cướp, cướp…” Đến đời con là ông Hương Lãm, thì tuyệt nhiên lại không cờ bạc rượu chè gì. Ông làm hương sư trong làng nên người làng mới gọi là ông hương. Ông lấy vợ, sinh được hai trai hai gái. Trai đầu là Quang “bản phủ”, trai nữa thứ ba, tên là Bính, làm mãi trong Sài Gòn. Hai gái lấy chồng xa nhưng có vẻ cũng mát mặt, thấy vợ chồng con cái, xe pháo về thăm bố luôn.

       Quang “bản phủ” học xong cấp ba thì đi bộ đội chống Mỹ năm bảy hai. Sau năm bảy nhăm, Quang đi học một lớp bồi dưỡng pháp lý rồi chuyển nghành về toà án. Cho đến lúc ấy, Quang cũng chả biết cờ bạc là gì. Ngày xuân, xóm làng rộn rã tiếng lắc của bát đĩa, tiếng hô: “Bán chẵn, bán lẻ”, “Kết xe điều”, “Ù thông tôm”, Quang chả hiểu gì. Ở vùng Kinh Bắc, vẫn có câu ca dao:

       Tháng giêng là tháng ăn chơi

       Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

        Suốt ba tháng mùa xuân, cả một miền quê cứ la đà lễ hội, đình đám, rượu chè, cờ bạc. Làng nào cũng mở hội, cũng tế thành hoàng, cũng rước xách. Rồi thì hát quan họ, đón khách thập phương về đánh chén tưng bừng. Các sới chọi gà mở ra cùng với sới vật. Quan họ áo xanh áo đỏ, lả lơi nón thúng quai thao à ơi bên ao đình. Hội tổ tôm điếm của các cụ trên, đánh hầu thánh ở cửa đình, chưa hát hết một bài, thì nhiều tay đàn ông đã tụ tập nhau lập sới bạc tại các nhà trong ngõ xóm. Già thì tổ tôm. Trẻ hơn thì xóc đĩa. Trẻ em, phụ nữ thì tam cúc ăn tiền…Cả làng, cứ mê man trong men say của máu cờ bạc “được ham, thua gỡ”. Hết mùa xuân, tàn hội, thế nào cũng có vài nhà vợ chồng con cái dắt díu nhau đi mất tích. Không hiếm những trường hợp phải bán vợ đợ con, mà các cụ trong làng vẫn truyền đến bây giờ.

          Đến thời mới, chính phủ cấm tiệt cờ bạc. Đã cho khối tay cờ bạc chuyên nghiệp đi tù, đi lao động cải tạo. Thế nhưng không hiểu ra làm sao, mà dân làng Ngọc vẫn không chừa. Vẫn cứ dấm dúi cờ bạc. Cả làng, từ già đến trẻ, hầu như ai cũng thuộc câu: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”. Thế nhưng già trẻ, lớn bé trong làng, chả ai bỏ. Mới đầu là vui một tí. Rồi vui chơi có thưởng. Rồi thành sát phạt lúc nào không biết…

Quang làm ở toà, suốt ngày chạm mặt dân làng bị lôi xuống xử vì tội cờ bạc. Dân làng Ngọc, vốn có cả máu thương nhân, rất thính nhạy. Liền đến nhà Quang trong xóm ngõ Ba nhờ vả, chạy chọt.

 

 

        Quang đi bộ đội chống Mỹ về, lấy vợ là cô nhân viên hành chính ở công ty thương mại ngoài phố. Đẻ liền bốn thằng con trai. “Bản phủ” vẫn hay huyênh hoang: “Tao tứ tử trình làng. Bí thư huyện uỷ tức nổ con mắt nhưng đéo kỷ luật được”. Chả là hồi Quang sinh con, chính sách sinh đẻ có kế hoạch của huyện khá nghiêm ngặt. Bí thư huyện ra chỉ thị nói rõ, mỗi mụ đàn bà chỉ được đẻ hai lần, còn thì phải xuống bệnh viện, bịt lại. Nhưng khổ nỗi, vợ chồng “bản phủ” đẻ hai lần thì sinh đôi cả hai, thế là thành bốn thằng quý tử! Sau vụ này, huyện phải ra chỉ thị nói lại cho rõ là, mỗi gia đình chỉ được phép có hai con, chứ không phải là hai lần đẻ.

        Chuyện hai vợ chồng thời bao cấp mà nuôi bốn thằng quý tử thì rất mệt. Vợ Quang xoay đủ các nghề làm thêm, nào là nấu rượu nuôi lợn, hàng xay hàng xáo, buôn bán lặt vặt thêm ngoài phố…để nuôi chồng nuôi con. Quang thì còn bận phấn đấu, chả giúp gì được thêm vào cho vợ. Đã thế, thỉnh thoảng vợ Quang còn phải lo tiền cho Quang đi học tại chức. Thế rồi cũng có cái bằng cử nhân luật như ai. Rồi Quang cũng được bổ nhiệm thẩm phán, chuyên xử những vụ ly hôn, cờ bạc, trộm vặt…Chuyện Quang “bản phủ” xử án có rất nhiều giai thoại. Không những người trong toà biết, mà còn lan truyền ra cả ngoài xã hội. Lần “bản phủ” được giao xử vụ ly hôn đơn phương của một cô bên Đông Hồ. Cô này lúc đó mới khoảng hai nhăm tuổi, lấy chồng ba năm, có một con gái. Không hiểu khúc mắc thế nào mà một mực đưa đơn xuống toà xin ly hôn. Hoà giải mấy lần không thành, “bản phủ” phải thăng đường xử án. Tại toà, cô vợ dứt khoát ly hôn, còn anh chồng thì vẫn không chịu. Giằng co nhau mãi, “bản phủ” phát mệt, cho giải lao mười năm phút. Cô vợ tranh thủ đến gần bàn chủ toạ trình bày, xin toà giải quyết nhanh, chứ em chán phải nhìn mặt cái thằng chồng ất ơ này lắm rồi. Quang lấy bút viết vào lòng bàn tay mình dòng chữ: “Muốn xử nhanh, nộp năm triệu”, xoè tay cho cô ta xem, rồi nắm lại, lấy nước dãi xoá đi. Thế mà xong ngay. Kể từ hôm ấy, bên ngành toà án phát minh ra thêm một kênh giao tiếp giữa chánh toà và đương sự là viết vào tay, xoè ra cho xem rồi giấu đi. Xong. Nhưng mà có một số bị can, đương sự mắt cà là nhèm, nhìn mãi không ra, nên toà cứ phải mở lòng bàn tay ra rồi lại nắm vào liên tục. Đến nỗi người ngoài nhìn vào, cứ tưởng là toà giải lao, chơi trò: “Chi chi chành chành…ù oà ù ập” cho đỡ buồn ngủ. Nhưng cái việc ăn tiền của bị can, đương sự cũng khó mà đổ hết lỗi cho “bản phủ” được. Nhiều khi “bản phủ” thấy phát mệt với người làng, cứ tới nhà dúi tiền vào tay xin xử cho cái án nhẹ. Như con mẹ Đào thịt lợn ở xóm ngõ Ghen, con là Mý bị công an bắt ở sới xóc đĩa chân cầu, lọ mọ mang tiền đến xin “bản phủ” xử nương tay, vì thằng con mụ tái phạm nhiều lần, thể nào cũng phải tù. Nhìn cái xấp Polyme xanh khá dày, “bản phủ” bảo, thôi để ta xử cho cái án treo ba tháng. Thế mà mụ phủ phục ngay xuống nền nhà, lạy như tế sao: “Em lạy bác, bác có thương cháu thì cho cháu tù ngồi hay là tù nằm cũng được. Chứ bác bắt nó treo lên thì một ngày là nó chết! Em chỉ có mỗi nó là con trai…” Thế mới mệt. Các cụ ngày xưa đã chả từng dạy “Vô phúc đáo tụng đình”. Dân làng Ngọc, hết lớp này đến lớp khác, hết lượt nọ đến lượt kia, bị chính quyền hỏi thăm vì tội cờ bạc. Thế là, chồng trong “nhà muỗi”-cái danh từ “nhà muỗi” là do cánh cờ bạc trong làng gọi ám chỉ phòng tạm giam của công an. Chúng bảo muỗi ở đấy rất to, to như con ruồi mà đốt rất đau. Chúng còn kháo nhau là, hình như công an nuôi muỗi để trừng trị tội phạm hay sao ấy, nhiều như trấu- thì vợ lại tất tả chạy đến nhà Quang. Con bị “nhập kho” thì mẹ lại nước mắt ngắn dài, tới trình bày với “bản phủ”. Tất nhiên là hình như, cũng các cụ nhà ta đã dạy khá lâu rồi, “Vào cửa quan, không có lối nói bằng nước dãi”. Dân làng Ngọc, vốn đi ăn cơm thiên hạ nhiều, nên rất hiểu lề lối…Quang “bản phủ” kiếm rất khá. Có tiền, Quang “chạy” được chức chánh án ngon ơ. Từ ngày lên chức “chánh”, Quang càng tích cực thăng đường xử án. Kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề nên “bản phủ” rất tinh tường. Những vụ nào dễ xơi, thì tự “bản phủ” thăng đường. Vụ nào khó nhằn, thì giao cho bọn đàn em. Cứ thế, năm nào “toà” của “bản phủ” cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Án xử năm nào cũng vượt năm trước. Tiền kiếm được cũng nhiều và dễ như là ăn ớt. Thế mà không hiểu sao, vợ “bản phủ” hưu non đã lâu, nhưng cứ lam lũ bán buôn nhì nhằng ngoài phố cả ngày, kiếm mấy đồng tiền còm.

 

 

       Vợ chồng Quang được bốn thằng con trai, sàn sàn tuổi nhau. Lúc chúng còn bé, thằng nào thằng nấy hay ăn chóng lớn, ngoan như thỏ. Nhưng càng lớn, vợ chồng “bản phủ” mới càng phát mệt với chúng. Ông nội chúng là hương sư trong làng, thuộc diện có chữ. Còn bố, cũng có bằng đại học hẳn hoi. Thế mà bốn thằng nghịch tử-giờ “bản phủ” không tự hào là “tứ tử” nữa, mà gọi là nghịch tử, dốt như bò. Thày cô giáo thì bảo, cái loại này có bổ đầu ra nhét chữ vào cũng không được. Nhưng mà ăn chơi, đàn đúm, đua xe, game thì không con nhà nào bằng. Nhiều hôm, buổi trưa, buổi tối, Quang về nhà, muốn nghỉ ngơi yên tĩnh một chút cũng không xong. Nhà lúc nào cũng ầm ầm như có động đất vậy. Quang “bản phủ” rất điên vì không dạy nổi con, quay ra chì chiết vợ: “Cái loại đàn bà không biết dạy con. Các cụ ngày xưa nói cấm có sai: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!” Vợ Quang uất, nhưng không dám cãi. Vì “bản phủ” vẫn nổi tiếng trong làng là “độc tài”. Vợ kém mình chín tuổi, nên Quang coi như còn trẻ con. Lúc mới cưới về, thực hiện lời dạy của bố là ông Hương Lãm: “Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Quang bắt vợ phải học thuộc câu “tam tòng tứ đức”…Rồi cả cái chuyện “sinh hoạt vợ chồng” cũng vậy. Cứ lúc nào có nhu cầu, Quang lại mò vào buồng vợ. Xong việc, lại ôm đít ra nằm một mình cho thảnh thơi nhà ngoài. Vợ “bản phủ”, lắm lúc uất ức chỉ dám than thở vụng với chị em là: “Mình cứ như người hầu, con ở nhà ấy. Nhiều đêm ngủ với chồng mà cứ tưởng mình đang bị hiếp dâm”. Nhưng thế mà lại đẻ hai lần sinh đôi, bốn thằng con trai, nghĩ cũng tài…Nhưng tài đâu chẳng biết, khi cả bốn ông quý tử ấy lớn lên thì không những “bản phủ” đau đầu, mà vợ cũng lộng óc. May có chú Bính là em ruột “bản phủ” về chơi thăm bố. Ngày xưa Bính học đại học hàng hải, đi tàu viễn dương chán, giờ đã lên bờ làm trong Sài Gòn. Lâu lâu mới về thăm nhà, thấy tình hình mấy thằng cháu như vậy, liền bảo ông anh: “Sao anh không cho chúng nó đi du học?”. Quang “bản phủ” sáng mắt ra, ừ thế mà mình không nghĩ đến. Nhà có tiền, tống một thằng sang Anh, một thằng sang Pháp, một sang Mỹ. Còn một thằng sang tận Canada, thế là yên. Ngài chánh án xoa tay, thở phào nhẹ nhõm.

        Việc mấy thằng con tạm ổn. Chú ba nó nhiều mối quan hệ làm ăn với người Việt bên các nước ấy gửi gắm nên yên tâm. Chúng nó mà không học được, thì ra đi làm cũng không sao. Toàn những nước văn minh, coi trọng con người. Nhưng lo xong cho mấy thằng con, thì lại nảy ra việc bà vợ. Bao năm nay cúc cung tận tuỵ, thế mà một ngày đẹp giời, bà ấy bảo: “Bao năm qua tôi hầu hạ bố con ông đủ rồi. Nay tôi sống một mình. Ông thích thì quyền ông, xuống toà làm thủ tục ly hôn. Không thích thì tôi với ông ly thân, về danh nghĩa vẫn còn, nhưng thân ai người ấy sống. Tôi không đòi hỏi gì ở ông cả.”

 

 

        Vụ này “bản phủ” đau hơn hoạn. Thì ra vợ mình, mụ ấy đã âm thầm chuẩn bị từ lâu. Lúc phải nghỉ hưu non do công ty giải thể, Quang đã bảo là cứ ở nhà cơm nước, tiếp khách mà mụ ấy không nghe. Một mực ra phố bán buôn…Giờ mụ ấy dọn xuống nhà ngang, ở một mình. Ngày ra phố, dọn cái sạp hàng khô, tối đêm mới về, chả để ý gì đến Quang. Nhưng Quang ngồi nghĩ lại, thì thấy cũng tại mình phần nhiều, nên không dám làm gì om xòm. Vả lại, đường đường là “bản phủ”, suốt ngày thăng đường xử án, mà bây giờ lại phải ra công đường thì…Chỉ nghĩ đến đấy thôi, Quang không dám nghĩ tiếp nữa. Thôi, kệ con mụ vợ già hết đát ấy, càng tự do, “bản phủ” ta đây, đâu có thiếu gái trẻ hầu hạ.

        Thật ra thì không phải đến bấy giờ Quang mới cặp bồ. Hồi còn chuyên xử ly hôn, “bản phủ” cũng tranh thủ “chén” khá. Thụ lý nhiều vụ, Quang thấy đa số các cặp vợ chồng trẻ bỏ nhau, là do nguyên nhân không hoà hợp về tình dục. Khi ra toà, chả lẽ lại nói thế, nên đành nói là do tính cách không phù hợp. Người Việt mình luôn có cách nói rất tế nhị về một sự nào đấy, để  cho mọi người hiểu, nhưng vẫn không cần phải toẹt ra hết, gọi là nói tránh, nói đổ. Quang “bản phủ” thừa hiểu, nhưng lắm lúc xử án, hay trêu già, gặng: “Thế tính cách không hợp thì cụ thể nó không hợp ở chỗ nào?” để thư giãn ấy mà. Ví như hồi xử cho em Triều, người bên Lãng đơn phương ly hôn cũng vậy. Triều, khi đưa đơn ly hôn cũng là gái một con. Cô nàng mới hai mươi hai tuổi, nhưng con trai đã lên ba. Sau này, khi đã là bồ của Quang, một lần, trong lúc hứng tình, cô nàng có thốt ra là, lúc ấy em lấy chồng khi chưa tròn mười tám tuổi, là do thèm quá, đếch nhịn được. Có thằng đầu tiên đến xin cưới là gật đầu liền. Khi Triều đến nộp đơn tại toà, Quang “bản phủ” đã hoa cả mắt. Ở đâu ra mà bên làng Lãng lại có đứa xinh thế không biết. Triều có thân hình tròn lẳn, cả ba vòng của cô nàng đều nở căng, đủ đầy, không thừa không thiếu. Sở hữu một cặp đùi thon dài, khi cô nàng bước đi, như có một làn sóng nhịp nhàng uốn lượn toàn thân. Khuôn mặt Triều cũng dường như được bà mụ hết sức chăm chút. Những đường nét của mũi, của môi không chê vào đâu được. Và đặc biệt, là đôi mắt lá răm, ướt rượt, long lanh, chan chứa…Quang quyết phải tìm cho ra nhẽ, vì sao mà người đẹp như thế lại một hai đòi bỏ chồng. Vài lần gặp gỡ chuyện trò với cái gọi là hoà giải, “bản phủ” đã biết được vấn đề. Lúc giáp mặt chồng em Triều, một tay giáo viên cấp một ẻo lả, xanh rớt, thì Quang đã nhất tâm phải “chén” cô nàng. Chưa kịp làm thủ tục ly hôn, “bản phủ” đã cũng không nhịn được, đưa em Triều vào nhà nghỉ “tư vấn”. Cô nàng sau khi thoả thê rồi, nằm gác đùi lên bụng Quang, cười rinh rích: “Nói thật, từ ngày biết mùi đời đến nay em mới được thoả mãn thế này. Cái thằng chồng em kém quá, chỉ được năm giây là xong. Có lần em điên lên, đạp cho một phát lăn chiêng xuống đất. Phí cả công cởi quần”. Quang “bản phủ” rất thoả mãn với Triều, bèn xin cho cô nàng chân văn thư ở trường cấp hai gần đấy, để tiện chỗ đi lại. Những việc đại loại như thế, vợ “bản phủ” biết cả. Nhưng vợ Quang là cô gái sinh trưởng trong một gia đình rất nặng lễ giáo phong kiến. Nghe chuyện “bản phủ” bồ bịch, trai gái lung tung, chỉ biết ấm ức chạy về nhà mẹ đẻ ở xóm ngõ Ván cùng làng, khóc lóc than thở. Ông bố, chả động viên an ủi con gái được câu nào, mà còn quát: “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Nó ra ngoài có chấm mút nọ kia, nhưng về nhà vẫn vợ con, nội ngoại chu đáo. Thế là được rồi. Cút về nhà mày ngay!” Thì người làng Ngọc, người ta vẫn bảo rằng: “Con gái lấy chồng, như bát nước hắt đi…”

 

 

        Vợ chồng ly thân được vài năm thì “bản phủ” đến tuổi nghỉ hưu. Trước khi cầm quyết định sáu tháng thì ông Hương Lãm, bố đẻ Quang mất. Dân làng Ngọc nói, ông cụ chết thật đúng lúc. Mấy thằng trẻ ranh sỗ mồm hơn còn bảo chết đẹp. Là vì, khi “bản phủ” còn đương chức, có đông người đến phúng viếng, mà phong bì hương khói cũng dày dặn. Ông ấy mà chết lúc Quang “ hát tê” rồi á, còn lâu. Nhưng mà quả thật, đối với giới gọi là có chút chức quyền ở nước ta, về hưu là một điều gì thật kinh khủng. Chả thế mà đã có tay cảm thán, chiết tự chữ hưu trí như sau: “Hưu trí là hát tê. Hát tê là hết tiền. Hát tê là hết tình. Hát tê là hạ thổ.” Xong. Không biết đối với người khác thế nào, chứ về hưu, Quang “bản phủ” buồn thật. Bố vừa chết. Vợ ly thân từ lâu. Con cái thì ở xa cả. Có em bồ trẻ, định để an hưởng tuổi già, nên “bản phủ” cũng đầu tư cho kha khá thì, dạo này cô nàng có ý ngãng ra. Mà cũng phải, nàng Triều năm nay mới gần bốn mươi, đương thì hồi xuân, lúc nào cũng nồng người. Thế mà “bản phủ” ngoài lục thập rồi, thấy đuối. Thôi cũng đành.

         Nhưng loanh quanh ở nhà mãi thì cũng chán, “bản phủ” bèn lân la đi chơi trong xóm. Nếu chỉ nói về chơi thôi thì, trai làng Ngọc là những tay chơi khét tiếng trong vùng. Có khi hàng ngày vợ cứ bán buôn chợ búa hay lam lũ cấy gặt ngoài đồng, nhưng mấy ông chồng vẫn cứ điềm nhiên tổ tôm chắn cạ ngày này sang ngày khác. Quang “bản phủ” sang chơi các nhà hàng xóm thấy chỗ nào cũng bài bạc từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Mấy tay chơi gạ: “Thì bác vào luôn đây ngồi với bọn em cho vui” “Nhưng anh không biết chơi”,” Quang trả lời. “Ôi trời, chuyện chơi thì đơn giản, ngồi cùng bọn em dạy”. Thế là Quang bập vào cờ bạc. Thật ra, mới đầu “bản phủ” cũng chỉ định chơi cho vui, để giết thời gian thôi. Nhưng không ngờ càng chơi càng mê. Mà “bản phủ” lại mê đủ các nghề mới chết. Ngày xưa, ở làng người ta chỉ chơi tổ tôm, tam cúc và xóc đĩa. Bây giờ có thêm rất nhiều nghề chơi: Chắn cạ, tá lả, lô đề…Môn mà “bản phủ” khoái nhất là tá lả và lô đề. Quang bảo, tá lả là một bộ môn vừa có tính nghệ thuật lại vừa có tính trí tuệ cao. Tính toán để ù một ván không phải là đơn giản. Cái cảm giác khi vơ vào lòng đống tiền của các tay chơi xung quanh thật là khoan khoái. Rồi cái cảm giác hồi hộp khi ngồi bên ti vi, đợi giờ nhà đài công bố kết quả sổ số trực tiếp. Để so xem cái bảng đánh lô mấy chục điểm một con, có về nhiều không…Cái cảm giác khi bao ngày đánh chả trúng con nào, ủ ê, thất vọng tột cùng…Cái cảm giác khi chiều nay vừa ghi ngàn điểm cho mấy con lô, trúng liền, bùng nổ, râm ran, thăng hoa, lâng lâng…Còn sướng hơn cả thời đang sung, đêm đêm thi đấu với em Triều. Nhưng từ thời thượng cổ, các cụ ở làng Ngọc này đã truyền lại là, chưa từng thấy tay nào có thể làm giàu bằng nghề cờ bạc. Mà chỉ thấy nhiều nhà sạt nghiệp vì nó. Quang “bản phủ” cũng không là ngoại lệ. Mới đầu là giết thời gian, nhưng rất nhanh chóng, “bản phủ” đã trở thành một con nghiện nặng. Bây giờ, ở làng, nói đến “bản phủ”, chả ai còn hình dung ra một ông mặt sắt đen sì, chuyên xử án nữa. Mà moị người đều nghĩ đến một tay cờ bạc thành thần. Tá lả có thể ngồi thâu đêm suốt sáng. Lô đề thì có thể đánh đến hàng ngàn điểm một con. Nhưng cứ thế, thì đến núi Thiên Thai cũng có thể san thành bình địa, chứ đừng nói đến gia sản của nhà nào có thể chịu nổi. Mới đầu là tiền, là vàng Quang tích luỹ được bấy lâu. Rồi lần lượt đến đất đai ở các khu đô thị mới. Sau nữa là các đồ đạc quý trong nhà lần lượt được “bản phủ” tiễn đi. Rồi đến một lúc, không còn gì nữa, chỉ còn cái xác nhà không, Quang mò xuống nhà ngang lần tiền vợ để thoả cơn nghiền cờ bạc. Mới đầu còn vụng trộm được, sau vợ Quang biết, cất kỹ. Không tìm được, “bản phủ” đâm cùn, đè nghiến vợ ra lột tiền. Vợ Quang từ lâu đã coi Quang không phải là chồng mình, không quan tâm đến việc “bản phủ” kiếm chác hay phá tán thế nào. Nhưng đến khi “bản phủ” dùng cả sức mạnh đàn ông để đàn áp, lột mấy đồng tiền còm cõi bán buôn cả ngày ngoài phố mới kiếm được, để đi cờ bạc. Vợ Quang không chịu nổi nữa, liền gọi điện sang Anh cho thằng Minh con cả.

 

 

        Thằng Minh ở bên Anh đã hơn chục năm nay. Nó cũng chả học hành được cái nghề ngỗng gì. Nghe người làng đồn, nó đi làm “nông dân” hay là “người rơm” gì đấy cho bọn xã hội đen người Việt bên ấy…Nhưng mà thằng ấy được cái xót mẹ. Trước kia, mẹ nó giấu, nó cứ tưởng là mẹ nó ở nhà cũng ổn, gì thì cũng là vợ “quan”. Nay nghe mẹ trong cơn phẫn uất, kể tuột mọi chuyện, thằng Minh không chịu đựng nổi, nó tìm cách bay về ngay. Mới đầu, thằng này xử sự khá đường hoàng. Nó làm một mâm cơm rượu, rồi bảo cả bố và mẹ cùng ngồi ăn, gọi là mừng ngày đoàn viên. Gần cuối bữa, nó mới nói:

      -Con có chuyện cần nói với bố.

      -Tao với mày chả có chuyện gì để nói cả- “bản phủ” vẫn đang cay vì sáng nay đánh “phỏm” bên hàng xóm bị ù đền mấy lần, mất mấy triệu, nhấm nhẳn nói.

      -Bố không có chuyện gì để nói với con, nhưng con có chuyện để nói với bố. Chuyện của mẹ.

      -Chuyện của mẹ mày thì càng chả có gì để nói. Từ lâu, bà ấy đéo phải là vợ tao rồi.

      -Nhưng vẫn là mẹ tôi! Tại sao ông vẫn đánh đập rồi lột tiền của mẹ tôi đi đánh bạc?- Thằng Minh gằn giọng nói với Quang. Nó đã khá say, chai sáu lăm rượu trắng đã hết, chủ yếu nó uống. “Bản phủ” vốn không uống được rượu.

      -Mày đừng có láo nhé. Tao đây là bố mày, nhưng thử hỏi bao năm qua, mày có gửi cho tao được đồng xu lẻ nào không? Mày đi ở nước ngoài chỉ biết sướng thân một mình, mày có quan tâm đến ai đâu.

      -Thế bao năm nay, ông có biết tôi phải sống như thằng nô lệ ở bên ấy không?- Thằng Minh bắt đầu cao giọng quát lại.

      -Mày sống thế nào thì kệ con mẹ mày. Tao không cần biết, mày lớn rồi, mày phải có nghĩa vụ gửi tiền về cho tao!

      -Thế ra ông chỉ quan tâm đến tiền à?

      -Ừ đấy, giờ tao chỉ quan tâm đến tiền. Không có tiền cho tao thì cút mẹ mày đi đâu thì đi.- Vừa nói, “bản phủ” vừa rũ áo đứng dậy, ra sân, định sang hàng xóm chơi tá lả.

       -Ông đúng là đồ khốn kiếp!- Thằng Minh cũng đứng đậy và quát to.

       -Mày dám chửi bố mày thế à? Mày có còn là con tao không?

       -Tôi đéo phải là con ông. Tôi đéo có loại bố như ông!

       -Thằng này hết dạy rồi. Loại mày để sống chỉ làm bẩn xã hội. Hôm nay tao phải giết mày!- “Bản phủ” vừa chửi lại thằng con, vừa chạy ra đống củi của vợ chiều qua vừa chẻ ở góc sân. Vớ ngay con dao rựa chạy vào đòi chém thằng Minh. Vợ “bản phủ”, từ nãy vẫn ngồi yên nghe hai bố con cãi nhau, thất kinh, chạy ra sân gào toáng lên:

       -Ới hàng xóm láng giềng ơi, cứu tôi với, hai bố con nhà nó giết nhau đây này.

Quang “bản phủ” hùng hổ cầm dao xông vào thằng Minh. Nhưng “bản phủ” già rồi, thằng con chỉ xoay nhẹ người, đã tóm gọn cả tay và dao. Nó giật con dao trong tay “bản phủ”, thuận tay lia một nhát về phía Quang, như là một phản xạ bản năng. “Bản phủ” đưa cánh tay lên che mặt…Tiếng lưỡi dao rựa cùn chạm vào xương thịt cộc cằn, ghê rợn, máu toé ra. Vợ Quang sợ quá, lăn đùng ra sân chết ngất. Quang “bản phủ” kinh hoàng, ôm tay bỏ chạy về cuối ngõ, phía cánh đồng. Thằng Minh như bị say máu, nó cầm dao đuổi theo, vừa hét : “Hôm nay tôi phải chém chết ông cho hết nợ”. Quang chạy ra đến bờ ruộng thì bị trượt chân ngã. Thằng Minh lao đến, giáng tiếp một nhát trúng đùi…May cho “bản phủ”, mấy tay đàn ông trong xóm nghe tiếng kêu cứu của vợ Quang, đuổi theo vừa kịp, xông vào đè nghiến được thằng Minh xuống…

 

 

          Những tưởng phen này cả làng, cả xã, cả tỉnh được chứng kiến câu chuyện có một không hai: Con chém bố. Người chuyên đi xử án thì nay lại bị xử trước toà. Nhưng mà dân tình đợi mãi cũng không thấy gì. Thằng Minh chỉ bị xử phạt hành chính, rồi được thả ra. Nghe nói, nó bỏ vào Sài Gòn kiếm ăn chỗ chú nó. Quang “bản phủ” cũng chỉ nằm viện một tháng rồi về. May cho “bản phủ” là con dao rựa ấy vợ chuyên dùng để chẻ củi nên rất cùn. Thế nên, vết thương cũng không nặng lắm. Nhưng cái chủ yếu là “bản phủ” lúc nằm ở viện, nghĩ cũng thấy nhục, nên nhắn gọi thằng em ruột từ Sài Gòn ra thu xếp mọi chuyện, dập đi. Mấy nghành pháp luật trong huyện, cũng còn chút nể nang. Vả lại, người nhà “bản phủ” cũng đến có ý kiến xin và quà cáp, phong bao chu đáo nên cũng thôi, bỏ qua. Sau sự việc ấy, vợ Quang dọn hẳn ra phố ở luôn chỗ sạp hàng khô. Quang “bản phủ” về ở một mình trong căn nhà trống ở cuối xóm. Thỉnh thoảng dân làng Ngọc thấy “bản phủ”, đầu trọc lốc, mặt vẫn đen sì, một tay khoèo khoèo, tay chống nạng, tập tễnh đi loanh quanh trong xóm ngõ Ba, mồm lẩm bẩm: “Tứ tử trình làng! Cứ ăn cứ chơi, có trời ủng hộ…”

TRẦN THANH CẢNH

Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Bảy 20207:35 SA
Khách
Một hình ảnh thu nhỏ về xã hội thời CNXH quái dị, nơi quy luật nhân quả thực thi một cách đắc thắng!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69072)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86993)
Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84778)
Ngày 11/03/2011 , Bẫy rồng bộ phim Việt Nam (action movie) được chờ đợi nhất sau thành công vang dội của Dòng máu anh hùng sẽ chính thức được trình chiếu . Bộ phim được hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho dòng phim action Việt Nam và chứng tỏ sự trưởng thành cũng như sức mạnh của một đội ngũ những nhà làm phim mới, trẻ và nhiều sức sáng tạo.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98232)
Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học. Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu...
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 83671)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92230)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84696)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87584)
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 113603)
Em Người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm icon bật sáng Lang thang trong thế giới ngôn từ Đi về bằng đôi chân giả Dối gạt nhau qua lũ hình nhân sặc sỡ Sắc màu
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73250)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)