- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

XÍ XÓA MỘT CHIÊM BAO

10 Tháng Giêng 20209:18 CH(Xem: 16572)

XOA CHIEM BAO-INT
Ảnh internet


Đàn ông Mỹ sao lắm người tên John thế. John Wayne, John Kennedy, John Lennon, John McCain… gặp ông Mỹ, em cứ gọi đại là John, bảy mươi lăm phần trăm là trúng phóc.” Cô gái giụi đầu vào vai chồng, hít hà mùi thuốc cạo râu phảng phất trên vai áo anh, châm chọc.

Bóp nhẹ bờ vai vợ, người đàn ông xoay đầu qua, cọ cằm vào đỉnh đầu phủ làn tóc mượt mà của vợ, hít hà, “Chính xác.”

“Tại sao anh lại tên John?” Cô gái hỏi.

“Mẹ anh thích đọc Phúc Âm của thánh John.”

“Thì ra thế.” Câu hỏi đã xưa, câu trả lời đã cũ nhưng lần nào cô gái cũng gật đầu thích thú. Và mẫu đối thoại bao giờ cũng dừng lại ở đó. Nhưng lần này, chồng cô kéo dài cuộc đối thoại, “Còn em, sao em lại tên là Jenny?”

Cô gái ngập ngừng. Tại sao mình lại chọn cái tên ấy nhỉ. Hình như một phần cũng vì thấy lũ bạn, đứa nào cũng có tên tiếng Anh. Chắc vậy. Bạn của cô đang từ Loan, Ngọc, Cúc, Bích, Hạnh… bỗng một sớm một chiều biến thành Loanne, Nancy, Caite, Bianca, Hanna… hết ráo.

“Vì sao em chọn tên Jenny?” Lay nhẹ vai vợ, người đàn ông lập lại câu hỏi.

Cô gái cố nhớ nhưng không được. Và cô cũng không hiểu vì sao mình đang từ Tằm - con tằm nhả tơ của ca dao ấy - bỗng thành Jenny. Hai cái tên chẳng liên hệ xa gần gì với nhau hết. Rồi cô chợt nhớ ra. Cuốn phim coi từ băng hình thuở xa lắc xa lơ nào. Cô thì thầm, “Em thích cô Jenny trong phim Love Story.”

Người đàn ông phì cười, “À, cái cô Jenny ranh mãnh ấy.” Anh ngưng một giây rồi tiếp tục thắc mắc, “nhưng em đâu có ranh mãnh như cái cô Jenny ấy. Em hiền khô.”

Cô gái ngượng ngập mỉm cười. Chồng cô không thấy cái cười ngượng ngập ấy nên vẫn tiếp tục châm chọc, “Suốt trong cuốn phim chả thấy cô Jenny ấy khóc lần nào, còn em tối nào cũng khóc.”

Câu nói của chồng làm hai má cô nóng bừng. Cô nuốt nước bọt một cách khó khăn. Nếu chồng cô ngồi đối diện với cô, thế nào anh cũng thấy hai má cô đỏ hồng. Nhưng hai người đang ngồi bên nhau, trong hàng ghế chữ H, khoảng giữa thân máy bay, nhìn qua khung cửa chữ nhật, thấy được một phần cánh máy bay và khoảng trời xanh biếc, nên anh không thấy được cái màu gấc chín trên hai má cô.

“Chuyến này đi Việt Nam về là không khóc nữa nhé, Jennifer của tôi!”

Chồng cô thì thầm bên tai cô. Anh bóp nhẹ bờ vai cô để kết thúc câu nói.

Chồng của cô vẫn thường gọi cô là “Jennifer của tôi”, My Jennifer, my Jennifer. Nghe dễ thương và đầm ấm, nhưng cô thích được gọi là Jenny hơn. Lý do đơn giản là nếu bảo viết trọn tên của cô, cô sẽ cứ loay hoay với Jeniffer, Jenniffer hay Jenifer, và không biết chắc chữ nào mới đúng là tên của mình.

“Không khóc nữa nhé, Jennifer của tôi!” Chồng cô nhắc lại.

Cô thì thầm, “Yes, sir.”

Người đàn ông xoay đầu nhìn qua khung cửa sổ. Máy bay đang bay qua một đám mây trắng đục. Cô gái nhắm hờ hai con mắt cay sè vì mất ngủ. Hình ảnh những con đường đông kín khách bộ hành hiện ra trong óc cô. Những xe bán thức ăn vặt bên lề đường. Tiếng còi xe, tiếng người réo gọi nhau, tiếng mời chào, tiếng chửi bới. Âm thanh láo nháo trong đầu cô. Lâu lắm mới lại có dịp về lại quê nhà. Và chẳng bao lâu nữa là sẽ lại được nhai cóc, ổi, xoài, me; được ăn bò bía, uống nước mía rồi.

“Hồi này không thấy em chiêm bao,” chồng cô gợi chuyện.

Cô gái mở hé con mắt, “Tại em không kể anh nghe.”

“Sao vậy?”

“Thì cũng chừng đó chuyện.”

Chừng đó chuyện?”

“Bọn trẻ con.”

The kids. Hai chữ tiếng Anh vắn tắt tóm gọn những chiêm bao cô thường gặp. Bầy trẻ con tíu tít trong những chiêm bao không đầu đuôi. Có một nơi – như khung cảnh trong một cuốn phim cũ rích, cứ chiếu đi chiếu lại - cứ dạt vào giấc mơ cô. Một nơi đầy trẻ con. Những đứa trẻ quấn quýt bên cô. Chúng nó chờ cô đến. Những đứa bé chống tay bên khung cửa sổ, rõi con mắt chờ. Chưa gặp thì mong đợi. Gặp thì níu kéo, không cho về. Những đứa bé quay mặt đi như thẹn thùng, khi cô mở miệng toan hỏi chúng một đôi câu. Những đứa bé nhìn không rõ mặt. Những chiêm bao không đầu đuôi.

“Đúng ra em phải là cô giáo.” Chồng cô rì rầm, “Mình thương trẻ con, trẻ con quý mến mình, hai điều lý tưởng cho nghề giáo.”

Cô gái khẽ nhúc nhích, sửa lại thế ngồi, “Em không thích làm cô giáo.”

Người đàn ông lặng thinh nhưng cô gái biết chồng cô đang kiên nhẫn chờ một lời giải thích. Tính của anh ấy là như thế. Chuyện gì cũng hỏi cho ra lẽ. Bắt chờ bao lâu cũng chờ. Có phải đó là đức tính chung của những người đàn ông Mỹ hay chỉ là nét riêng của chồng, cô không biết được.

Vì vậy, sau một lúc lặng thinh, cô giải thích, “Em chán bọn con nít lì lợm, phá phách. Đánh tụi nó thì không được.”

Hai người ngưng trò chuyện. Không gian chùng xuống trong tiếng rì rầm của động cơ máy bay. Sau hàng chục giờ bó gối trong một xó chật hẹp, cả hai cùng ê ẩm. Chợt chồng cô ngồi thẳng người dậy, cánh tay rời khỏi bờ vai vợ, “À, anh hiểu rồi.”

Cô gái xoay qua, nhìn chồng. Khuôn mặt anh nhìn ngang đẹp như một pho tượng vị tướng thời La Mã xưa, nhất là cái sống mũi gồ cao.

Cô che miệng ngáp dài, “Gì anh?”

“Jennifer của anh muốn có một baby.”

Cô gái chớp mắt. Cô bối rối. Lấy chồng biết bao lâu rồi mà nghe chuyện con cái – ngay cả khi những câu ấy từ miệng chồng nói ra – cô vẫn thấy ngượng ngùng. Cô cắn môi mặc cho những ý nghĩ lao xao trong đầu. Cô nhớ vài đứa bạn có chồng ngoại quốc. Họ có những đứa con lai thật đẹp. Những đứa trẻ lai, như sản phẩm pha chế hai sắc thái, dường như thiên nhiên luôn chọn lọc để giữ lại những nét tinh anh nhất. Không gian tĩnh lặng trong tiếng rì rào của động cơ máy bay. Tiếng ngáy ngắt quãng của người khách nào phía sau lưng họ nghe xa xôi, trúc trắc như tiếng một chiếc máy cày bị ngộp xăng.

“Có con lúc này chưa được, Jennifer à.”

“Tại sao?” cô gái buột miệng hỏi.

Người đàn ông quay qua vợ, nghiêng đầu sát mặt nàng, “Em còn bé xíu, làm sao biết nuôi con.”

“Ha!” Cô gái phì cười. “Bé xíu? Anh có nhớ tuổi em không?”

“Em còn baby.”

“Em ngoài ba mươi rồi, chắc anh quên.”

Người đàn ông lắp bắp, “Ba mươi... ba mươi... thì... thì cũng vẫn là em bé.”

“Mình lấy nhau cả chục năm rồi, anh nhớ không?” Cô gái nói, rành mạch như đang trải cả một trang tường trình của một phần đời mình trước mặt người đàn ông mười ba năm trước đã lặn lội từ nước Mỹ no đầy về tận cái xứ sở nhiệt đới ốm o, xin cưới nàng – con bé nửa quê nửa tỉnh có cái tên cũng nửa quê nửa tỉnh là Tằm, con tằm đến chết vẫn còn vương tơ trong ca dao ấy mà - làm vợ. “Mười ba năm rồi đó.” Cô nói.

Người đàn ông tròn hai mắt, “Ờ nhỉ, mười ba năm.”

Cô gái cười, “Bạn em nói đúng. Đàn ông ở đâu cũng giống nhau. Không bao giờ nhớ ngày sinh của vợ, không bao giờ nhớ ngày cưới của hai người.”

Chồng cô nheo mắt, tiếp lời cô, “Và chỉ nhớ ngày ly dị.” Rồi anh quay vội qua, nghiêng đầu, hôn miết lên má vợ. Cái hôn nói với cô rằng Anh đang trêu chọc em đó, Jennifer à. Cô gái bật cười, nhoài người vươn cánh tay sang chồng, bấu lấy làn da dưới lớp áo thun mỏng. Người đàn ông  ngồi yên, đón nhận những cấu xé dịu dàng.

Rồi anh cầm lấy bàn tay vợ, “Mình sẽ làm một em bé ở Việt Nam. Con mình sẽ made in Vietnam.”

Cô phì cười. Những móng vuốt từ đầu những ngón tay cô nới lỏng. Ý nghĩ khôi hài nhưng tuyệt vời. Tuần trăng mật ở quê nhà. Cô thầm nghĩ.

Kéo dài cái khoảnh khắc yên lặng cho những ý nghĩ ấm áp ấy thấm sâu vào từng tế bào, cô gái mơ màng đón bắt những hình ảnh dễ thương trong trí tưởng. Người đàn ông tóc vàng cao lớn đi bên này, người đàn bà tóc đen nhỏ nhắn đi bên kia (đôi giầy cao gót đến gần một gang tay vẫn không đẩy cô cao hơn được tầm vai của người đàn ông) và đứa bé đi giữa, một tay nắm tay người đàn ông, một tay nắm tay người đàn bà. Nắng mạ vàng cái khung hình hạnh phúc. Đó là hình ảnh J & J của tương lai. J & J là Jenny và John đấy. Cô biết trong đầu chồng cô cũng có cùng hình ảnh. Chỉ khác đứa bé của cô là con gái, còn đứa bé trong đầu của chồng cô là con trai. Điều khác biệt duy nhất giữa hai người. Cô thích có con gái để chưng diện cho nó. Chồng cô thích con trai để chơi dã cầu với nó. Hình ảnh ấy có trong giấc mơ của cô từ cái thời mười lăm, mười bảy, thuở mơ ước lấy được người chồng không lê la quán nhậu, không đày đọa vợ con. Có điều những người đàn ông như thế tìm đâu ra ở đất nước mình.

“Con đầu lòng của mình sẽ mang hơi hướm quê mẹ,” chồng cô thì thầm.

Cô gái lặng thinh. Con đầu lòng. Con đầu lòng. Những chữ chạy nhảy tung tăng trong đầu cô. Chồng cô chờ một sự biểu đồng tình từ cô. Anh lại bóp nhẹ vai cô như thầm nhắc. Nhưng cô vẫn im lặng, dán mắt vào màn hình chữ nhật nhỏ nhắn gắn vào lưng ghế người phía trước, nơi đường gạch nối hình ảnh chiếc máy bay màu nâu với thành phố quê nhà chỉ còn một khoảng ngắn.

“Hồi mười bảy tuổi anh làm gì?” Cô gái bỗng hỏi.

“Mười bảy tuổi?”

“Có gì đặc biệt kể em nghe.”

Người đàn ông ngẩn ra một giây rồi thong thả kể cho vợ nghe về những ngày anh còn đi học. Những buổi party đẫm mùi khói cần sa, những trận túc cầu ê ẩm thân mình, và cả những cây bút thử thai có hai cái vạch song song màu đỏ.

“Hư hỏng!”

“Chỉ thoáng qua thôi mà.”

“Vẫn hư hỏng.”

“Còn em, hồi mười bảy tuổi em làm gì, kể anh nghe với?”

Cô gái giật mình.

“Mười bảy tuổi chắc em nhỏ xíu,” chồng cô gợi ý.

Cô gái vẫn lặng thinh. Và mặt cô bừng nóng.

“Mười bảy tuổi em chắc hiền khô; chẳng có cần sa hay thuốc ngừa thai đâu nhỉ.” Chồng cô nói, với một nụ cười.

Cô gái thì thầm, như chỉ nói cho một mình cô nghe, “Năm mười bảy tuổi của em… chẳng có gì đáng nói.”

Người đàn ông lại bóp nhẹ bờ vai vợ. Hết bóp rồi lại xoa như những buổi tối xoa dầu nóng cho vợ lúc vợ than mỏi hai vai. Và anh không hiểu tại sao vợ mình đang chuyện trò tíu tít như đứa bé được bố mẹ dẫn đi Disney World, bỗng dưng buồn ủ rũ. Anh sợ những cơn buồn ủ rũ kéo dài hàng tuần lễ của vợ. Anh sợ những triệu chứng mà bác sĩ gia đình bảo là dấu hiệu của chứng trầm cảm: buồn bã, mất ngủ, hay khóc và lên cân. Jennifer của anh đã vài ba lần đi qua những đoạn đường quanh co ấy. Chuyến về thăm lại quê nhà này, anh hy vọng, sẽ là phương thuốc giúp giải tỏa chứng bệnh nhập nhằng như hồn ma lâu nay không ngừng ám cô vợ bé bỏng của anh.

Bước ra khỏi phi cơ, họ lọt ngay vào cái khung ngột ngạt của đất trời nhiệt đới và chìm lỉm vào vũng âm thanh náo động của đô thị. Cô gái kỳ kèo thật lâu với người tài xế tắc xi. Xa quê hương lâu lắm rồi nhưng cô vẫn còn giữ được cái lanh lẹ, khôn khéo của những người ngày đêm phải đương đầu với những gian xảo, lọc lừa.

“Nói thằng Mỹ cao như cây cột đình kia khiêng cái va-li lên xe mau đi,” người tài xế tắc xi đứng phía cuối xe, phì phèo điếu thuốc, nhấm nhẳng.

Cô toan nói với chồng nhưng anh đã loay hoay dùng tay gạt những thứ lặt vặt – ly uống nước, chai lọ, hộp vuông, dây câu bình điện xe, giấy vụn rải đầy trong cốp xe đã mở sẵn - qua một bên, và nhấc bổng cái va-li bỏ vào cốp xe.

Chiếc xe luồn lách ra khỏi khu đậu xe phi cảng, lao vào con đường chật ních xe cộ. Những con đường nồng mùi khói xe.

Chồng cô chỉ cái đồng hồ cạnh tay lái, hỏi người tài xế một câu tiếng Anh. Người tài xế nhìn thẳng phía trước, lặng thinh. Cô gái lập lại câu hỏi của chồng, “Sao không mở đồng hồ vậy anh?”

“Hư mẹ nó rồi,” người tài xế trả lời, cộc lốc.

Cô xoay qua vắn tắt giải thích cho chồng. Anh gật gù trong lúc con mắt dán vào khung cảnh hai bên đường. Bàn tay anh nắm lấy cổ tay vợ như sẵn sàng kéo cô lẫn vào đám đông nhộn nhịp bên đường. Cô gái hồi hộp nhìn hai bên khi chiếc xe luồn lách giữa dòng xe cộ, và nín thở khi xe chạy ào qua một ngã tư lúc ngọn đèn giao thông còn đỏ chói.

“Bố mẹ em có biết mình về thăm không?” Chồng cô hỏi nhỏ vào tai cô.

“Một bất ngờ.” Cô trả lời ngắn, gọn.

“Bố mẹ sẽ vui.” Chồng cô nói bằng tiếng Anh như hai người vẫn thường trò chuyện. Chỉ có hai chữ “Bố Mẹ” thì anh dùng tiếng Việt. Cách phát âm ngọng nghịu của chồng làm cô buồn cười. Cả tuần nay cô cố tập lại cho anh những chữ quen thuộc mà buổi đầu đi hỏi vợ anh đã thuộc nằm lòng. Chao bó, chao me, bó mè khoe khoong?

Cô với tới trước bảo người tài xế ngừng trước một cửa tiệm tạp hóa. Người tài xế cằn nhằn nhưng cũng luồn lách tìm cách cho xe ngừng lại bên lề đường, bất chấp tiếng còi xe láo nháo chung quanh. Cô bảo chồng chờ trong xe và chạy vội vào trong cửa tiệm. Tiếng điện thoại di động reo vang cùng lúc cô ra tới. Cô mở cửa lủi nhanh vào chỗ ngồi trong lúc người tài xế vừa trả lời điện thoại vừa lái xe nhập vào dòng xe cộ. Những câu đối thoại một chiều. Kẻ nào đó ở đầu dây bên kia rủ rê. Đầu dây này người tài xế vừa xoay dọc xoay ngang tay lái, vừa hằn học sủa vào ống nghe điện thoại. Mẩu đối thoại khiến cô nhíu mày. May mà chồng cô không biết tiếng Việt. Nhậu cái con mẹ gì được. Đang có khách, đi thế đéo nào được. Đang chở vợ chồng thằng Mỹ ở phi trường về. Đại loại những câu không đầu đuôi như thế. Và dấu chấm sau mỗi câu là một tiếng chửi thề và một cú đảo đầu xe, tránh xe khác hoặc tránh người đi bộ đầy ngoạn mục. Chồng cô không hiểu mẩu đối thoại nên anh chỉ vừa nắm cổ tay vợ vừa thích thú nhìn ra đường phố náo nhiệt chung quanh.

Xe chạy hoài, chạy mãi. Cuối cùng thắng gấp ở chân một chiếc cầu gỗ bắc ngang con sông đen ngòm.  

“Phải đây không?” Người tài xế gắt.

Cô gái nhấp nhổm nhìn qua cửa sổ. Cô ngó ngang ngó dọc. Khúc đường đầy những nếp nhà cao thấp không đều. Không chút hình ảnh quen thuộc nào. Những chân cầu gỗ đen đúa, vênh vẹo. Bờ nước dập dềnh rải rác những đứa trẻ sắn quần tới bẹn, mò mẫm tìm bắt thứ gì đó dưới dòng nước ngầu đục.

“Sao thấy lạ quá.” Cô lẩm bẩm.

“Dưới chân cầu là ở đây chứ còn chỗ đéo nào nữa.” Người tài xế nói.

Không để ý đến ngôn ngữ sừng sẹo của người tài xế, cô gái săm soi nhìn những trụ chân cầu bằng gỗ lỗ chỗ, như thể đã mục ruỗng bên trong và sẵn sàng sụm xuống. “Chắc đúng! Chắc chỗ này…”

Chồng cô nắm lấy tay cô, “Chuyện gì vậy? Everything’s okay?”

Cô đẩy cánh cửa, ló đầu ra ngoài, “John, mình xuống đây.” Và cô nghiêng đầu nói với người tài xế, “Anh chờ tụi em một chút…”

“Không,” người tài xế ngắt ngang. “Trả tiền, người ta còn phải đi.”

Cô hấp tấp mở cái túi xách lấy tiền trả trong lúc chồng cô kéo cái va-li ra khỏi cốp xe.

Sau vài phút nhì nhằng chuyện tiền bạc với người tài xế, cô gái lê từng bước xuống bờ cỏ lề đường. Những bước chân cô nặng nề, như thể những nhúm cỏ dưới chân đua nhau níu gót giầy cô lại. Chồng cô  hì hạch lôi cái va-li có bánh xe trên lớp cỏ úa vàng, ngơ ngác hỏi, “Mình đi đâu đây?”

Cô gái không trả lời, mắt nhìn trước nhìn sau tìm kiếm. Chồng cô lếch thếch theo sau. Những con mắt người qua đường dán vào họ. Đám trẻ con lếch thếch nghểnh cổ nhìn. Những con mắt trẻ thơ làm cô bối rối. Cô đi tới sát bờ nước. Nước sông đen ngòm, bập bềnh rác rưởi. Những bụi cây rậm lá mọc lan cả xuống nước. Chồng cô dáo dác nhìn cô. Nắng sớm vắt ngang vai áo cô một vạch vàng óng ả. Cái mát dịu sớm mai còn thấp thoáng trong không khí. Cô mở cái túi mua đồ trong tiệm tạp hóa ban nãy, lấy ra một bó nhang đỏ thẫm và một bao diêm. Cô rút một cây nhang ra khỏi bó, rồi đứng im suy nghĩ. Rồi cô rút thêm hai cây nữa, quay qua đẩy cái bọc vào tay chồng. Rồi cô loay hoay quẹt diêm và mồi ngọn lửa vào đầu những cây nhang. Cô đăm đăm nhìn ba đầu nhang cháy đỏ, tỏa ra sợi khói mỏng trắng đục. Phía sau sợi khói trắng như sương mù sớm mai ấy, lờ mờ bóng chồng cô, đang trố mắt nhìn.

Cô xoay người nhìn xuống dòng nước. Nước đen nhập nhòa bóng một khung trời xanh thẫm. Những giọt nước mắt ứa ra, lăn dài trên má cô. Ba cây nhang nằm giữa hai bàn tay chắp lại. Cô lầm thầm khấn vái. Chồng cô tròn con mắt ngạc nhiên. Rồi anh lại sát bên, đặt tay lên vai vợ. Everything’ll be okay. Everything’ll be okay. Anh thì thầm trong tóc cô. Chồng cô vẫn vậy, mỗi lần cô buồn, anh chỉ có mỗi một câu trấn an. Everything’ll be okay.

Nước mắt vẫn tràn trề hai má, cô đứng như pho tượng. Gió khẽ vờn sợi tóc trên trán cô. Gió sớm mai hây hây hai má lạnh tê vì nước mắt. Khung cảnh chung quanh cô tan lẫn vào nhau. Rồi gió ngưng thổi. Mây trên cao ngừng trôi. Âm thanh đọng lại. Cả một trời tĩnh lặng. Những sợi tóc ngừng bay.

Rồi khoảnh khắc trầm mặc trôi qua. Những đám mây lại lững lờ trôi. Gió ban mai lại hiu hiu thổi. Những sợi tóc trên trán cô gái lại phất phơ bay.

Chồng cô bóp nhẹ bờ vai cô, “Everything’ll be okay!

Cô không trả lời, hai bàn tay vẫn nhịp nhàng vái lạy, môi vẫn mấp máy những lời thì thầm chỉ một mình cô hiểu. Rồi cô quỳ một chân xuống nền đất ẩm sát bờ nước, cắm những cây nhang xuống đất, đứng dậy, chùi nước mắt, kéo tay chồng, “Mình về thôi.”

Chồng cô một tay kéo chiếc va-li, một tay đặt trên vai cô, lặng thinh.

“Hy vọng chúng nó không còn phá em nữa.” Cô nói nhỏ.

Chồng cô cúi đầu xuống, sát mặt cô, “Ai phá em?”

“Bọn trẻ.”

Chồng cô ngẩn người ra một lúc rồi ngập ngừng, “Bọn trẻ trong chiêm bao?”

Không trả lời câu hỏi của chồng, cô chỉ xuống bờ đất đen xỉn, nơi vạt nước dập dềnh những cọng rác và lá cây rã mục, thì thầm, “Em bỏ ở chỗ này!”

Chồng cô nghiêng đầu, ngóng câu giải thích kế tiếp. Giọng cô ngậm ngùi, “Biết làm sao được. Lúc ấy em chưa đầy mười bảy tuổi. Đêm hôm ấy mưa to lắm.”

“Mà… sao?” Chồng cô lắp bắp.

Cô vẫn lầm thầm nói, như chỉ cho một mình cô nghe, “Chẳng biết lúc em đi rồi nó có khóc không. Mà chẳng biết có ai nghe nó khóc không nữa. Nó chưa có tên nên lúc vái, em chẳng biết gọi nó là gì, mà em cũng ngại xưng là mẹ… Chắc nó cũng xí xóa cho em.” Cô lập lại hai chữ mà ngày chưa lấy chồng, hầu như ngày nào cô cũng nghe mẹ cô nói: Xí xóa. Xí xóa cho nó đi mà!

Rồi cô lẩm bẩm, “Chẳng biết bây giờ nó ở đâu.”

Chồng cô gằn giọng, “… nào?”

“Mà cho dù ở đâu thì chắc rồi cũng tha thứ cho em, phải không anh?”

Chồng cô buông cái va-li, dùng cả hai tay níu lấy vai áo vợ, sôi nổi như đang cố giải thích một điều vượt ra ngoài khung vuông trí tưởng tượng của con người, “Ừ, sẽ tha thứ cho em. Ai cũng sẽ tha thứ cho em…”

Và anh gằn giọng, “Nhưng… là ai?”

“Con em chứ ai vào đây nữa,” cô gắt.

Rồi cô gái có cái tên rất Việt Nam – Tằm, con tằm nhả tơ – và cái tên rất Mỹ - Jenny, như cô Jenny trong phim Love Story - lại sụt sùi, đưa tay gạt nước mắt, và thì thầm như chỉ nói cho một mình cô nghe, “Nó sinh thiếu tháng. Chẳng khóc lóc gì hết. Không khóc thì người ta biết đâu mà tìm!”

Ngày Từ Mẫu 2018

Hoàng Chính

Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Hai 202010:24 CH
Khách
Thưa anh Hoàng Chính,
Anh vẫn khỏe chứ, phải khỏẻ để mà tiếp tục viết, tôi cũng hay đọc bài của anh, thich văn phong, văn mạch của anh. về văn chương thì tôi tôn anh là sư phụ. còn văn chương của tôi thì được xếp vào loại sư tử! Thật rõ chán phải không anh?
Anh ở Canada thì phải ? Tôi cũng vậy, trước đây đi làm nên bỏ dở vài quyển, nay viết cho xong, nếu như anh cho phép tôi gởi cho anh nhận xét và góp ý với tôi thì ôi thôi, cám ơn anh lắm lắm, tôi có cái tên nằm ngay trên đầu mọi người cứ tối đến ngửa cổ lên trời là anh nhìn thấy thằng tôi: NGÂN HÀ
Tôi biết anh bận lắm, nhưng anh cố gắng nhé.
Chúc anh khỏe re.
Ngân Hà.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117015)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91674)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89166)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105732)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89025)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101584)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96614)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89440)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119011)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105309)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.