- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CON CHUỘT NHẮT TẬT NGUYỀN

02 Tháng Mười Một 20193:22 CH(Xem: 18275)

photo KIEN NGO
Photo by Kien Ngo
Chú mua cây quạt đi chú; mua dùm con...”

Tôi trở về. Hai mươi năm sau tôi mới trở về. Chợ Bến Thành, thời trẻ chưa lần nào ghé qua. Lẩn thẩn thế nào mà lại lạc vào đây. Chắc tại nắng gắt, đôi giầy mòn gót đưa tôi trốn vào đây chăng. Ngoài kia trời trong nhưng oi. Và nắng bong da. Trong này, những chiếc quạt vắt vẻo trên trần ném chút gió ong óng vào khoảng hành lang hẹp.

“Trời nóng, chú mua dùm con cây quạt đi chú.”

Tôi cúi xuống. Một con bé loắt choắt bám lấy chân. Bàn tay chỉ còn ngón cái xùi lên như cái dùi trống, bốn ngón kia dính vào nhau chằng chịt những xớ thịt xám ngắt. Hai cái dùi trống kẹp chắc một chiếc quạt nan. Thấy tôi để ý tới, hai con mắt hạt nhãn lấp lánh những tia vui. Hai cái dùi trống cử động, chiếc quạt mở ra. Hình gì thế này. Tôi không dám nhìn vào đôi hạt nhãn long lanh. Tôi chăm chú vào tranh vẽ trên nền quạt giấy. Con bé mở rồi xếp những nan quạt một cách thiện nghệ như đang làm ảo thuật. Hình gì thế nhỉ. Những nan quạt khép mở. Hình ảnh nhập nhòe. Chùa Một Cột. Đúng là Chùa Một Cột. Vua nào đó nhà họ Lý năm xưa đã có công xây lên ngôi chùa cho hậu thế có cảnh mà vẽ vào những tranh sơn mài, lên những tà áo, vào những chiếc quạt giấy bán rong trên đường phố.

“Chú mua dùm con cây quạt đi chú. Trời nóng chú ơi.”

Thì trời nóng. Cũng may mà ban nãy còn có những cơn mưa bóng mây. Tôi rờ rẫm những nan quạt mỏng như giấy. Tôi chần chừ. Sẽ làm gì với cái quạt mỏng như đồ chơi thế này. Tôi không nhìn Chùa Một Cột nữa. Khẽ đẩy con bé sang một bên, tôi dợm bước. Con bé lẻo mép; con chuột nhắt tật nguyền lẵng nhẵng đi theo tôi. “Chú ơi!”

Tôi bước chậm lại, “Bao nhiêu?”

“Mười lăm ngàn chú ơi.”

Tôi chớp mắt, đếm thầm. Mười lăm ngàn tiền Việt Nam là bao nhiêu tiền Canada nhỉ. Một trăm đồng Canada hôm qua đổi được một triệu mốt tiền Việt Nam. Vậy thì mười lăm ngàn tiền Việt Nam là bao nhiêu tiền Canada. Tôi dốt toán từ hồi còn đi học. Ông thầy toán gọi lên bảng hai đứa học trò, một trai một gái. Vạch phấn trắng ngăn đôi cái bảng đen. Biên giới thọ thọ bất thân. Một đề toán chung.

“Mua dùm con nghe chú.”

Con mắt hạt nhãn long lanh. Bao nhiêu tuổi mà bé như con chuột nhắt. Đã thế lại còn tật nguyền. Tôi không dám nhìn vào đôi hạt nhãn long lanh. Để chú tính cái đã. Tôi lầm thầm. Chung một đề toán. Đứa con trai và đứa con gái. Thầy đọc cái đề. Hai đứa cùng giải trên bảng, trước mặt bàn dân thiên hạ. Cả lớp hồi hộp. Chỉ sai một cái dấu là bàn tay của ông thầy chắc như cái vồ vỗ lên lưng rát bỏng. Con trai thì như vậy. Con gái, thầy đánh lên mông. Chắc cũng rát bỏng. Tôi chưa có dịp hỏi bất kỳ cô bạn học nào đã từng bị thầy đánh xem có rát như cái vỗ lên lưng những đứa học trò con trai ốm o xương cốt.

“Chú mua dùm con.” Con chuột nhắt nhắc nhở, cái quạt nan mở ra, đóng lại. Hình ảnh Chùa Một Cột nhập nhoè như khung cảnh trên màn ảnh lúc đoạn phim sắp đứt.

“Có mười lăm ngàn, chú ơi. Chưa tới một đô Mỹ mà chú, mua dùm con đi chú.”

Tôi nhìn quanh. Một cô bán hàng nhìn tôi, cười. Quầy hàng thời trang phụ nữ. Tôi biết nhờ hàng chữ Shop Thời Trang vằn vèo trên tấm bảng chữ nhật treo ở lối vào. Những chiếc áo ngực ren đen đung đưa mỗi lần chiếc quạt máy xoay qua, ném cho một vụn gió.

“Chưa tới một đô Mỹ mà chú,” con chuột nhắt tội nghiệp léo nhéo bên tai. Hai cái dùi trống cặp chiếc quạt nan, dúi vào tay tôi.

Tôi liếc nhìn cô bán hàng. Nụ cười vẫn còn đó. Cái mụn ruồi nhảy nhót trên cánh môi trái. Chắc cô cười tôi dốt toán. Ngày xưa mà như vậy, bàn tay thầy đã vỗ vào lưng. Rát bỏng.

Tôi bối rối luồn bàn tay vào túi quần, mò mẫm từng tờ giấy mềm nhũn. Tờ giấy bạc nhỏ nhất là tờ hai chục ngàn. Tôi rút ra một tờ. Giấy hai chục ngàn màu xanh. Tia sáng nào lấp lánh trong đôi mắt trẻ thơ. Con chuột nhắt kẹp cái quạt nan vào nách, để bàn tay dùi trống thọc vào cái túi ni-lông nhàu nát.

“Để con thối tiền cho chú.”

“Khỏi.”

“Khỏi hả chú?” Con chuột nhắt ngơ ngác.

“Khỏi thối tiền.”

“Dạ, cảm ơn chú.” Con chuột nhắt dúi chiếc quạt nan vào tay tôi.

Tôi khẽ đẩy nó ra, “Khỏi.”

“Sao vậy chú?” Mây mù chợt giăng trong con mắt trẻ thơ. Chút sợ hãi thất thần. Bé con, không bán được món hàng, tối về có được ăn cơm không? Tôi thầm nghĩ.

“Giữ dùm chú.”

Tôi đẩy nhẹ con chuột nhắt qua một bên. Chiều rồi. Tôi còn bao nhiêu chỗ phải đi. Nghĩ cũng buồn cười. Ngày xưa ở Sài Gòn hai mươi mấy năm trời mà chưa một lần bước chân vào chợ Bến Thành. Bây giờ thì ghé thăm cứ như là khách lạ.

“Chú ơi!”

Gì nữa đây, con bé lẵng nhẵng này.

“Không mua nữa mà!”

“Hỏng có,” con chuột nhắt nhanh nhảu.

“Vậy cháu muốn gì?” Tôi vừa hỏi vừa liếc cô gái trong quầy hàng quần áo thời trang phụ nữ. Bao nhiêu áo quần xanh xanh, đỏ đỏ. Bao nhiêu là áo nịt ngực ren trắng trắng, đen đen. Cái mụn ruồi trên khóe môi lăng xăng khóe cười.

“Con giữ dùm chú rồi biết chú ở đâu mà trả.” Con chuột nhắt liến thoắng cái miệng.

“Khỏi trả.”

“Khỏi trả hả chú?”

“Khỏi.”

Con bé cười và xoay người lẩn thật nhanh vào đám đông. Bây giờ tôi mới nhận ra cái đầu tóc rối bù, chiếc áo vải hoa lòe loẹt rộng thùng thình có miếng vá hình vuông màu tím to như bàn tay sau lưng. Con chuột nhắt mang trên lưng khoảnh vườn có hoa tím nở giữa loài hoa dại.

“Mua quần áo đi anh.”

Tiếng cô gái trong quầy hàng thời trang phụ nữ vọng ra. Cái giọng đăng đắng vị cà phê pha đặm làm những bước chân người đàn ông sựng lại.

Người đàn ông nhìn những chiếc áo ngực ren đen, “Tôi đâu mặc được những thứ này.”

Cô gái uốn éo thân người, luồn lách giữa những sạp quần áo, thoăn thoắt bước về phía người đàn ông. Những bước chân nhún nhảy. Chiếc mụn ruồi rung nhẹ như giọt nước lăn tăn. Mái tóc buông vào không gian lâng lâng mùi vải mới quyện chút hồ thơm tho như trang vở người học trò buổi đầu niên khóa.

“Thì mua cho bạn gái.”

Người đàn ông lúc lắc cái đầu. Những quầy hàng sặc sỡ vải vóc xoay vòng vòng. Tôi thấy chóng mặt. Thì ra người đàn ông là tôi. Tôi ngúc ngắc cái đầu. Bạn gái. Tôi có bạn gái không nhỉ. Anh đi bao lâu. Người con gái nào hỏi thế lúc đi với tôi ra phòng bán vé trung tâm dịch vụ du lịch. Biết có an toàn không mà đi. Ánh mắt nào ngại ngần. Ánh mắt người con gái. Ánh mắt theo tôi tới tận chốn này.

“Mua quần bò này đi anh.” Cô gái vung vẩy ống chiếc quần jeans xanh nhạt treo trên sợi dây dăng ngang trần hàng quán, “Mua cho bạn gái đi anh.”

Nhớ cẩn thận. Người con gái nào bên kia đại dương đã dặn dò như thế.

“Em nghĩ size này vừa chị ấy đó anh.”

Cô gái tháo hẳn chiếc quần jeans từ cái móc treo trên trần xuống. Cái size của người con gái ấy thế nào nhỉ. Cái người đã dặn dò tôi ấy mà. Tôi ngẫm nghĩ. Chiếc quạt trần ném ra những vuông gió mỏng mảnh. Những vuông gió mỏng mảnh đẩy đưa những chiếc bọc ni-lông loạt xoạt.

Cô gái bán hàng nhìn lướt những mặt hàng trên sạp, bốc lên một món và nhanh nhẹn gỡ chiếc áo ngực ren đen ra khỏi cái bọc nhựa. Và một tay mảnh áo ngực một tay chiếc quần jeans, cô ướm hai thứ ấy lên ngực tôi. Tôi đứng sát quầy hàng, không còn chỗ nào để tháo lui. Mùi vải mới nồng nàn. Cô dựa sát người tôi. Cái đầu có những sợi tóc ngã màu vàng nâu. Mái tóc nồng mùi thứ dầu thơm lạ lẫm. Những sợi tóc chạm nhẹ lên má tôi.

“Em cũng cao bằng chị ấy phải không nào? Để em thử dùm chị ấy nhé.”

Tôi lắp bắp. Tôi nghe tôi nói gì đó. Cũng có thể tôi chẳng nói gì. Chỉ có những lời lao xao trong đầu. Và môi tôi mấp máy.

“Anh coi cửa tiệm dùm em, em thử mấy thứ này cho anh xem.”

Cô gái quay mặt thoăn thoắt bước đi. Chiếc bóng thon gọn ấy mất hút sau bức vách. Tiếng soạt của chiếc màn vải thô kéo ngang, che kín cái khoảng vuông hẹp tối tăm. Tôi đứng ngẩn ra đó. Tôi bối rối nhìn quanh. Vài người khách đi qua, nhìn những món hàng gói trong giấy bóng kính xếp cạnh nhau trên mặt quầy hàng. Tôi trở thành kẻ canh giữ quầy hàng. “Cái áo này bao nhiêu vậy chú?” Giọng một người đàn bà. Tôi bối rối. “Hả chú?” Tôi lúng túng. Tôi nói, “Hình như có ghi giá ngoài cái bọc mà chị.” Người đàn bà cầm chiếc áo gói trong bọc giấy bóng kính lên, lật qua, lật lại, chăm chú nhìn. Rồi người đàn bà đặt món hàng xuống. “Mắc thấy mụ nội!” Và vùng vằng bước đi.

Chiếc màn cửa lay động. Cô bán hàng bước ra. Ngực đầy. Mông cũng đầy và cặp chân thon. Cái áo ngực ren đen bên dưới chiếc áo thun trắng và chiếc quần jeans màu xanh nước biển ôm gọn thân hình.

“Vừa khít đó anh.” Cô nói, giọng reo vui.

Tôi nhìn. Tôi không biết nói gì. Về bên đó, nhớ cẩn thận. Người con gái nào dặn dò như thế lúc đưa tôi ra phi trường.

“Anh mua cho bạn gái nhé,” cô gái nhắc.

Tôi gật đầu. Tôi biết làm gì khác hơn là gật đầu. Chiếc áo ngực ren đen vun đầy hai đồi ngực. Chiếc quần Jeans tô đặm những đường nét hình học không gian thời trung học. Cô gái tung tăng bước vào cái khung hẹp góc quán. Tiếng loạt xoạt lại vang lên lẫn trong tiếng còi xe ngoài phố.

“Anh ấy ơi.” Từ trong góc hẹp, tiếng cô gái vọng ra. Tôi giật mình. Ở đây ngoài tôi ra đâu còn ai khác. Chắc anh ấy là tôi. Tôi nhìn quanh để trấn an tôi, và tôi lầm lũi bước về phía cái khoảng hẹp hình vuông ở góc quán. Tôi đứng lại ở lằn vạch vô hình. Tôi đếm những bông hoa vàng trên tấm màn màu tím. Những bông hoa làm tôi hoa cả mắt. Chợt tấm màn bị gạt qua một bên. Cô gái chỉ cho tôi cái móc gài trước ngực trên mảnh áo ngực ren đen đang ôm cứng hai bộ ngực trắng như ngọc thạch. Tôi dán mắt vào nốt ruồi son. Nốt ruồi son tròn như đồng hai mươi lăm xu Xứ Tuyết, trên cái vòm cong bên trái. Gần chỗ của trái tim.

Nốt ruồi son không biết nhảy nhót như nốt ruồi trên cánh môi trái, nhưng biết phập phồng theo nhịp đập trái tim.

“Em quên nói anh là loại áo ngực của Hồng Kông gài móc phía trước chứ không phải ở phía sau như loại áo ngày xưa. Nhớ nói chị ấy...”

Tôi chớp mắt. Tôi gật đầu lí nhí cảm ơn. Và tôi vội vã xoay người len lỏi giữa những sạp hàng, bước ra phía trước. Bởi cô gái vừa bắt đầu gỡ chiếc áo ngực ấy ra khỏi khung da thịt bán thân màu cẩm thạch chói chang mắt nhìn.

“Anh mua luôn một cặp cho chị ấy nhé,” cô gái thuyết phục.

Tôi vội vã gật đầu.

Xếp gọn ghẽ chiếc áo ngực ren đen, cẩn thận nhét vào trong cái bọc ni-lông, chung với hai chiếc quần jeans, cô gái giúi gói hàng vào tay tôi. Chiếc mụn ruồi lại nhảy nhót trên cánh môi, “Em đã thử kỹ rồi đấy, chắc chắn là vừa với chị ấy.”

Ra tới đầu con phố, tay ôm chắc gói hàng có hai chiếc quần jeans và hai chiếc áo ngực ren màu đen, tôi cố nhớ lại xem mình có bạn gái hay không. Nốt ruồi son theo tôi suốt quãng đường. Nốt ruồi son lượn lờ như cánh diều giữa vùng trời lộng gió.

Về tới khách sạn tôi vẫn nghĩ không ra tên cái người mà mình sẽ đem hai chiếc áo ngực ren đen và cái quần jeans này về làm quà. Và lúc trả tiền tôi cũng quên hỏi giá cả bao nhiêu. Và hình như lúc tôi trả tiền cô bán hàng đòi đô Mỹ, tôi nhớ đoạn này bởi lúc nhìn những đồng tiền Canada, cô ấy hỏi tiền nước nào vậy anh.

Tôi mở khóa, đẩy cánh cửa, luồn nhanh vào phòng để tránh cái nóng hừng hực ngoài hành lang. Tôi quăng cái bọc có hai chiếc quần jeans và đôi áo ngực ren đen xuống giường. Tôi gỡ bỏ áo quần như kẻ vừa ngã vào vũng hóa chất độc hại tháo bỏ lớp da. Mồ hôi dán vải áo lên lưng tôi. Tôi lột, tôi gỡ, tôi tháo cuống cuồng. Tôi mở vòi nước lạnh. Tôi bước ngay vào giữa cơn mưa phùn lạnh toát. Cái lạnh nhắc nhớ những ngày mùa đông Xứ Tuyết. Cái lạnh nhắc nhớ những chuyến đón đưa nghiêng ngả trong bão tuyết. Hình như có một người con gái yêu tôi. Tôi đoán vậy.

Đêm xuống vội. Tôi mở tất cả những ngọn đèn trong phòng khách sạn. Tôi vặn máy điều hòa không khí tối đa. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống phố phường bên dưới. Muộn lắm rồi nhưng đường phố vẫn náo nhiệt người qua lại và tiếng còi xe vẫn láo nháo liên hồi. Tôi mở ti vi. Đang có chương trình đố vui gì đó. Người dẫn chương trình đặt câu hỏi. Một bé gái ngập ngừng câu trả lời. Khán giả vỗ tay rào rào. Người dẫn chương trình gật gù, tay xua tới tấp như đuổi ruồi. “Đáp án của em chỉ đúng một nửa.” Tôi nghểnh cổ nhìn. Người này đặt câu hỏi, người kia trả lời. Sao lại có án với lệnh gì ở đây. Mãi tôi mới ngộ ra. Ý anh ta muốn nói: Câu trả lời của em đúng một nửa.

Chán! Tôi tắt ti vi. Tôi nằm dài ra giường, dỗ giấc. Giờ này ở xứ sở bên kia trái đất đang là trưa mùa hạ, và đang có một người ngồi đếm thời gian.

Mà người đó có thật hay chỉ là tôi tưởng tượng ra đấy thôi.

Bất chợt ánh sáng tan biến. Những bóng đèn tối mù. Tiếng rì rầm của máy lạnh tắt ngấm. Cúp điện mất rồi. Tôi nói một mình. Tôi nhổm dậy, ngóng qua cửa sổ. Đường phố bên dưới chỗ sáng, chỗ tối đan vào nhau. Ánh đèn xe kẻ vạch trên mặt nhựa. Tôi trở về giường. Tôi thả tôi xuống mặt nệm. Xuôi tay, xuôi chân. Làm gì được bây giờ. Cố giỗ giấc. Mai còn nhiều việc phải làm. Tôi nhìn đăm đăm khoảng trần nhà lờ mờ ánh đèn chiếu lên từ dưới phố. Tôi tỉnh táo như thể đã uống hàng chục ly cà phê pha đặm. Tôi nhắm chặt hai mắt. Phố phường vẫn nhộn nhịp. Những ngã tư đường vẫn rõ nét trong trí tưởng. Những quầy hàng vẫn tràn xuống mặt đường. Những người gánh hàng rong vẫn mắt trước mắt sau. Những bàn tay vẫn tua tủa mọc lên như những cành khẳng khiu. Những tấm vé số vẫn xòe ra như chùm lá đầu cành. Những gã áo quần nửa công an nửa dân thường vẫn lom lom con mắt sắc. Con chuột nhắt vẫn có những ngón tay xùi lên như dùi trống. Cái mụn ruồi vẫn tinh nghịch nhảy nhót. Nốt ruồi son vẫn nôn nóng phập phồng.

Tôi ngồi bật dậy, tháo tung gói hàng. Tôi chọn cái áo ngực ren đen. Tôi úp hai dốc đồi lên hai con mắt khô lạnh. Tôi nhắm mắt dỗ dành giấc ngủ. Tôi bơi lội lặng lờ như con cá an phận trong khung lưới ren đen. Mùi vải mới thơm non. Mùi vải mới gây gây, lạ lẫm. Nốt ruồi son nhún nhẩy. Nốt ruồi son nhòe nhẹt như giọt mực loang lổ dưới mưa.

Chợt, con ruồi, con muỗi, con dán, con chuột nào đó bò lên cổ tôi. Tôi ngồi bật dậy. Sợi dây chiếc áo ngực ren đen vướng ở vành tai. Tôi vuốt mặt, vuốt cổ. Chỉ là những dòng chảy ngoằn ngoèo của mồ hôi. Ngứa ngáy, nhột nhạt.

Tôi bò dậy, đứng bên cửa sổ đón chút gió. Con phố mịt mù bên dưới. Vài bóng người lướt đi dưới những lùm cây. Cái đồng hồ ở đầu giường mất điện nên không còn chỉ giờ. Dường như tôi đã ngủ được ít nhiều bởi dưới kia phố đã vắng xe cộ. Tôi chùi những giọt mồ hôi đang từ thái dương bò xuống cằm. Biết vậy hồi chiều đừng trả lại chiếc quạt nan cho con chuột nhắt tật nguyền.

Cơn khát sấy khô cổ họng. Chắc phải mò xuống phố kiếm thứ gì ăn. Hay kiếm cái gì đó uống. Nơi này chắc không có giờ giới nghiêm.

Tôi thả bộ đi dài con phố. Hơi nóng vắt lên vai nặng trĩu. Tôi nhìn quanh bóng tối. Những khung cửa sắt đóng kín. Tiếng cười rúc rích trên vỉa hè. Tiếng chửi thề lanh lảnh của đứa con gái nào đó vang vọng trong đêm. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Tôi nhớ hồi chiều bắt gặp một xe bán đủ loại nước giải khát trên khúc đường này. Tôi cần một thứ gì đó vừa lạnh vừa ngọt. Tiếng con mèo nào đó gào vang đêm vắng từ một ngõ hẻm tôi vừa đi qua. Tôi rảo bước trên vỉa hè lam nham những mảnh gạch vỡ. Những giấy vụn, những lon nước, những ống hút bằng nhựa lao xao dưới gót giầy. Tôi vướng vào một chiếc dép đứt quai ai đó quăng trên lề đường.

“Mua quạt hông chú? Trời nóng, chú ơi.”

Giọng nói quen vọng ra từ xó tối. Tôi bật người quay lại. Trong cái xó tối tăm bên lề đường, tôi thấy một đống người lúc nhúc vắt lên nhau. Như những con chó nhỏ trong cái ổ của một lứa mới lọt lòng mẹ. Một cái bóng mọc lên từ cái ổ chó con ấy. Hai ba giờ sáng rồi mà ổ chó con còn thức. Tôi thầm nghĩ.

Con bé chạy nhanh đến bên tôi. Cái đầu tóc rối bù, chiếc áo vải hoa rộng thùng thình. Chiếc quạt nan xòe ra thật điệu nghệ. Hệt như người ta làm ảo thuật. Tôi ngỡ ngàng nhìn nó. Những ngón tay xùi lên như cái dùi trống.

“Mua dùm con cái quạt đi chú.”

Hai con mắt long lanh trong bóng đêm. Hai con mắt đẹp. Hai con mắt lôi xềch xệch tôi về cái thời thơ ấu. Những dùi trống sần sùi khép mở thật nhanh những nan quạt. Chùa Một Cột nhấp nhóa ánh đèn đường. Tôi không dám nhìn lâu vào hai con mắt ấy. Nhưng tôi dám chắc không đôi mắt của bất kỳ hoa hậu Việt Nam nào đẹp bằng đôi mắt con chuột nhắt tật nguyền trên đường phố của một Sài Gòn đã cũ ấy. Ánh mắt ấy tỏa sáng những khung hình một thiếu nữ. Không còn chiếc áo vải hoa rộng thùng thình có miếng vá hình vuông màu tím to như bàn tay ở sau lưng, không còn ngón tay dùi trống. Một thiếu nữ tươi cười của buổi lễ tốt nghiệp nào đó, trong một trường đại học nào đó, ở một tương lai nào đó. Như ở xứ sở đang cưu mang tôi chẳng hạn.

“Cháu thích Canada không?” Kẻ nào đó trong tôi buột miệng.

“Chú nói chi con hổng hiểu.” Con bé tròn xoe con mắt, hỏi.

Tôi giật mình. Và tôi lắc đầu quầy quậy.

“Không có chi, Ơ... Bán cho chú một cái quạt.”

Con chuột nhắt chợt reo lên mừng rỡ, “À, con nhớ rồi, hồi chiều chú nhờ con giữ dùm cây quạt...”

01 tháng 07, 2019

Hoàng Chính

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117082)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91720)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89366)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 106027)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89314)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101833)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96886)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89493)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119069)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105374)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.