- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CĂN PHÒNG 5 GIỜ 46 PHÚT

28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16747)
DEM JAPAN-anh InternetĐêm Japan - ảnh Internet

 

Người ta đặt tên căn phòng đó là căn phòng 5 giờ 46 phút.

Chiếc đồng hồ cổ to màu trắng, rách bươm, chiếm hết 1 mặt tường được giữ chết đứng ở con số 5.46'.

Khi đi vào cửa chính của căn phòng, không ai để ý đến Sanae. Không phải vì bộ đầm đồng phục.

Màu xám.

Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong.

Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.

 Căn phòng có 2 cửa. Khách tham quan đi vào bằng cửa trước và ra về bằng cửa sau.

 Sanae đứng ở cửa trước. Người ta , bao giờ cũng thế, mãi nhìn chiếc đồng hồ, rách bươm đứng ở con số 5.46'.

 

Không ai để ý đến Sanae.

 

Mà cô cũng không có gì đặc biệt đáng để chú ý, gầy gò, da trắng xanh, mỏng như giấy lụa, đến thấy cả gân xanh li ti, đôi môi hồng nhạt, là những khi cô không mím lại. Tất cả đều nhợt nhạt, ở cô, tất cả đều nhợt nhạt. Chỉ có đôi mắt luôn cúi xuống, hàng mi dài, khác thường so với 1 cô gái vùng Osaka, khẽ rung rinh, in một nét tối mềm mại xuống gò má trắng nhợt.

 

Cô bị mù.

Không ai để ý đến một cô gái mù, trước căn phòng 5.46'.

 

Khi cửa phòng khép lại. Đèn tắt hết. Căn phòng chìm trong màu tối đen. Khoảng 5 phút.

Và máy chiếu bắt đầu xè xè.

 

Hắt ánh sáng loang lổ màu cam, hắt ánh sáng màu cam lên vách tường, khuếch tán hình ảnh cũng màu cam lên vách tường. Vách tường lắp ghép bằng những mặt kính hình tam giác, như tổ ong. Hình ảnh bị cắt ra những mảnh vụn, hình tam giác, như trong một tổ ong.

Và âm thanh bắt đầu dội ra từ dàn loa công suất cực đại sau lưng người tham quan, lan ra khắp các vách tường, dội lại, như sấm rền, trên núi.

 

Bắt đầu là tiếng còi hụ, lạnh tanh, át đi âm thanh bình thường của ngày thường, trên màn ảnh, trong 5 giây tiếp theo, những bức tường và căn nhà rùng rùng đổ xuống, tiếng kiếng vỡ loảng xoảng, đồ đạc trôi đi, bị bẽ gảy cong, và bước chân người hoảng loạn... Âm thanh dội vào tường, ép vào ngực.

  

 

Lửa đỏ loang ra, màu đỏ cam, vàng cam, loang hết tất cả 3 mặt tường bằng kiếng tổ ong. Lửa lem lém, lục xục. khói từng cột bốc lên cao, cao nữa, cao hơn những tòa nhà đang vặn vẹo và sụp đổ.

 

Rồi người ta nghe tiếng rúc của xe lửa, ồ, những năm đó, Shinkansen, những năm đó đã có Shinkanshen. Trong vòng 5 giây kế tiếp, tàu lửa lướt êm ru trên đệm từ qua đường cao tốc. Trong vòng 5 giây, những chiếc cột to là móng của đường cao tốc, như những cẳng chân người khổng lồ, chằn chặn cắm vào đất, bắt đầu ngã nghiêng, vẹo qua một bên rất chậm, như người khổng lồ bằng đất sét, vỡ vụn và ngơ ngác. Chỉ trong 5 giây. Con đường cong căng phồng như con trăn to vặn vẹo và lật úp.

 

Khi đó, Sanae bắt đầu khóc. Cô cong gập người lại, và khóc.  Rúc mặt vào hai tay, và khóc. Nước mắt nhỏ xuống, lặng lẽ, không một tiếng rên rĩ, chỉ có nước mắt, từng giọt to nhỏ xuống, ướt sũng, đọng thành vũng, trong hai bàn tay.

 

Khi người ta tìm ra cô, giữa mảnh vụn và khói của tro tàn từ toa tàu thứ 7 của chuyến Shinkanshen từ Osaka đi Kyoto, cô cong quắp người như thế. 10 tuổi, cong quắp người, khuôn mặt đóng một màn bụi màu xám, chèn dưới khuôn ngực ướt đẫm của cha cô. Trên cùng là mẹ cô, cũng ướt đẫm. Cô đã sống sót, giữa 4,600 người chết và 200 hành khác khô cong, phủ khói mụi, bị đứt gãy, đè bẹp dưới những thanh sắt nóng đỏ của tàu Shinkansen, như thế đó.

 

Cô sống sót, nhờ nằm dưới lồng ngực ướt đẫm nước của cha cô. Người ta không tìm ra nguyên nhân vì sao 2 xác người lại đẫm nước, nằm che chở cho 1 cô bé gái 10 tuổi, giữa những cái xác gẫy gập và khô cong.

 

Cô sống sót giữa 4,600 người chết vì trận động đất 7.3 độ richter ở Kobe lúc 5 giờ 46 phút ngày 17 tháng 1 năm 1995.

 

Nhưng cô vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy được màu đỏ cam của ánh mặt trời Kobe, cũng như màu đỏ cam của lửa. Cô bị mù, từ sau 5.46' ngày 17/1/1995.

 

Mù vĩnh viễn.

 

Chỉ có âm thanh, âm thanh dội vào bức tường 3 mặt kiếng, đè nặng lên ngực cô, ép dẹp cô mỗi ngày chừng đấy lần. Và cô khóc.

 

Cho đến khi đoạn phim kết thúc, những người khách tham quan, lặng lẽ, thẫn thờ và rõ ràng, bị chấn động ùa ra bằng cửa sau, vội vã ra khỏi phòng chiếu, chạy xa khỏi hiệu ứng chòng chành, rung lắc dưới chân và trên đầu, không ai nhìn thấy 1 cô gái, mặc đồng phục màu xám, cong gập người, úp mặt trong tay. Và khóc.

 

- Cô cứ khóc đi. Có tôi ở đây rồi. Mọi việc sẽ ổn thôi.

 

 Một bàn tay, dày và chắc, nâng khuôn mặt cô lên, úp vào ngực.

Ngay lập tức mùi ẫm ướt trên áo T-shirt đàn ông ùa vào cô. Mùi của cha cô. Mùi của nước. Mùi của 20 năm về trước. Của khói và của nước. Là mùi cuối cùng, cô còn lưu lại được, từ lồng ngực đàn ông của cha cô. Và cũng như thế, trong vòng 5 giây, trước khi toa tàu sụp xuống, cha cô ép khuôn mặt trắng xanh của cô vào ngực:

 

- Sanae, đừng sợ. Mọi việc sẽ ổn thôi.

 

Cô rùng mình. Trên ngực anh. Liên tục rùng mình.

 

- Mọi việc sẽ ổn thôi.- người đàn ông ấy nói, bằng thứ tiếng Nhật của người mới học. Nhưng rắn chắc. Trầm tĩnh.

 

Một tháng sau, khi ngồi trong lòng anh, úp mặt vào lồng ngực ướt đẫm ấy. Cô vẫn nghe anh nói, rắn chắc và trầm tĩnh.

 

- Sanae, Có anh ở đây rồi. Mọi việc sẽ ổn thôi.

 

Là khi ngón tay cô sờ vào mặt anh. Rờ rẫm, khám phá từng đường nét người đàn ông , duy nhất, dừng lại bên cô 1 tháng trước trong căn phòng 5.46'.

 

Rờ rẫm. Khám phá. Hơn là vuốt ve, hơn là âu yếm.

 

Cô muốn chắc chắn, bàn tay cô lưu lại hình ảnh của anh. Không như 20 năm trước, cô không lưu lại được, hình ảnh của cha mình.

 

Bắt đầu từ vầng trán. Sau món tóc quăn, có lẽ màu nâu sáng, đầu ngón tay của cô, với hơn 10,000 noron thần kinh xúc giác, và thay thế cho 5,000 nơ ron thị giác nữa, Cảm nhận được sắc nâu sáng trên tóc anh, một màu nâu nhẹ bỗng trên tay cô.

 

Đến cặp lông mày rậm, hẵn màu thẫm hơn.

Và đôi mắt. Kiểu mắt dài, nhưng hẹp, của 1 người Châu Á. Một người Việt..

Sóng mũi, cao và gồ ở chính giữa.

Bờ môi, dày dặn, đầy nhục cảm.

Và hàm răng, khi tay cô tách môi anh ra, tay cô len vào hàm răng, đều và chắc chắn.

Đến cái cằm, vuông vắn, góc canh về hai bên, nhẵn nhụi, thoảng mùi của nước.

 

Nước. trong trẻo. chỉ là nước.

 

Mỗi một ngày sau đó, cô đều ngồi chờ trước cửa cho đến khi anh đi làm về. Trong mùi nước tràn ngập không gian, anh nói:

 

- Sanae, anh về nhà rồi! Mọi việc sẽ ổn thôi!

 

 

UYÊN LÊ

(Aug 18-2019)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97217)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92700)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91383)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99737)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106465)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91741)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105909)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105458)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127440)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41401)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...