- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ẤM NƯỚC CHÈ BÀ NỘI

01 Tháng Bảy 201910:07 CH(Xem: 17706)
BIEN NANG- photo UL
Biển Nắng - photo UL

 

Ngày còn nhỏ, nhiệm vụ của em chỉ là đun ấm nước chè cho nội mỗi ngày.


Anh đừng vội cười, công việc nhỏ nhít vậy mà cũng khoe! Mới đầu em cũng mừng rơn, vì nghĩ nấu nước sôi là việc dể dàng, đơn giản nhất trên đời.  Em có ngờ hết được đâu ý nghĩa sâu sắc và công phu trong một ấm nước chè.


Bà nội kể, mới sinh ra em thật là ngộ nghĩnh với con mắt một mí dài xếch ngược như con cá phèn. Càng lớn hai mắt càng tròn đen như hạt nhãn, luôn hiếu động, nghịch ngợm tai quái chẳng khác chi con trai. Vừa năm tuổi, được bà đưa lên chùa Núi xin quy y tam bảo. Sư bà trụ trì đã ái ngại tiên đoán, rằng em tinh anh phát tiết sớm, nhản tuệ sóng sánh như sóng ba đào, khó lòng có cuộc đời bình yên, an nhiên sau này.


Lời của người tu hành theo ám ảnh bà em. Vậy là từ đó bà em quyết tâm răn đe nen nét, uốn nắn em ngoan ngay từ bé.
Bắt đầu từ việc nấu nước chè. Một ấm chè ngon phải được nấu từ sáng sớm. Cho tinh hoa trong trẻo của đất trời tụ vào cả trong sắc nước chè. Bà nhẹ nhàng bảo.
Sáng nào cũng vậy, gà vừa gáy báo canh năm, bà đã đánh thức em dậy. Đầu tóc bù xù rũ rượi, con mắt cá phèn lim dim thèm ngủ, em lò mò chân trần bước ra vườn sau, lập tức toàn thể giác quan bừng tỉnh trong ban mai nguyên sơ rười rượi.


Em không thể nào quên được mùi ngọt ngào, trong trẻo của ban mai tinh mơ, của mặt đất còn đẫm sương đêm ủ sâu trong cây cỏ, của hàng rào chè tươi ngăn ngắt xanh, của hoa cau hoa lài còn ngậm kín hương , và của một vùng trời mây mơ màng làn hơi ẩm bảng lảng.

Vén tóc mai sau tai, em lật đật chạy ra vườn cau đến bên bể chứa nước mưa. Muốn có một ấm chè ngon, điều đầu tiên phải biết chọn nguồn nước. Nước tinh khiết trong mát mới không làm biến chất vị chè xanh. Ở Huế xưa, bà kể, không ai khó tính bằng các mệ quen thưởng thức nước chè theo kiểu cung đình. Chè xanh vùng quê Truồi là phải nấu bằng nước sông Truồi. Cô gái xứ Truồi phải chèo thuyền ra hứng nước giữa dòng vào trái bầu khô từ sáng tinh mơ, đúng điệu Giang thủy trung mới được. Lúc chạy giặc sơ tán vào tận trong rừng, bà phải hứng nước tinh tuyền từ đầu nguồn khe suối sâu để nấu chè. Thường ngày, em lấy nước từ giếng khơi, thành giếng xây bằng đá ong, chỉ dùng để nấu nước uống, không để tắm giặt. Chè nấu từ nước giếng thơi mới mang đậm đà hồn Việt.


Ngày đầu hè giếng cạn nước, em phải lấy nước từ bể chứa nước mưa ngoài vườn cau. Bể nước nho nhỏ, bốn gốc trồng bốn cây cau đang giữa mùa ra hoa ngan ngát. Nước mưa từ thân cau chảy dốc xuống bể qua máng thiên nhiên buộc bằng lá tàu cau, có mùi thơm trinh nguyên của hoa cau phảng phất và mùi đât mới dậy sau mưa nồng nẫu.  Nhà vườn ở Huế nào cũng có một bể chứa nước mưa, mà phải là mưa giữa cơn, không ai hứng ngay mưa đầu mùa, để cho trời đất đã lóng đi bao cặn dơ và khói bụi, chỉ còn lại giòng nước ngọt mát tinh tuyền. Nước mưa trong bể múc lên bằng gáo dừa cán tre sao mà ngọt ngào. Sao mà thanh tao đến vậy, hương hoa, hương đất trời ngọt lịm cứ vương vấn hoài trong cổ họng!


Nhà có đủ loại ấm, nhưng bà chỉ ưng nhất chiếc ấm đất nung già màu đỏ. Ấm nhôm nấu nước sẽ có vị tanh, ấm inox sau này có vị lạc thếch thác, chỉ có ấm đất nung mới giữ được vị lá trà còn nguyên chất chát và thêm mát lành. Củi nấu cũng không quá nỏ, không quá ẫm sẽ làm hãm mùi khói. Thường là bà chọn củi tre vàng để cho lửa than đầm, không cháy quá ngọn để nước trà sôi "hổn". Ngay cả nấu nước sôi cũng là một nghệ thuật, mất một thời gian em mới phân biệt được lúc nào ấm nước chỉ mới sôi non, nước mới nóng reo và sôi già .Rồi đến công đoạn hái lá chè. Lá chè phải được hái từ sáng sớm từ giậu chè tàu trước nhà để còn ấp ủ cả hương đồng gió nội, mà phải là lá chè dại nắng, lá già dày bản bóng mượt. Lá chè dại nắng mới có hậu vị, nấu lên có màu xanh trong lóng lánh như sắc ngọc bích, mới uống hơi chan chát trong miệng, sau lưu lại mùi vị ngọt ngào nhần nhận dể chịu nơi cổ họng.


Để tăng thêm hương vị, em kín đáo thả vài bông hoa lài vào ấm chè vào buổi sáng, hoặc có khi là vài lát gừng già tươi thái chỉ. Ấm trà sóng sánh nước vàng óng như mật ong trên mặt, khi chao nghiêng lại ánh sắc xanh biếc, phảng phất mùi hương lài thanh tao, mùi gừng thơm nồng ấm áp của vườn quê, hớp từng ngụm nhỏ, như đang nếm cả hương vị tinh khôi,thanh khiết của đất trời quê hương.


Đợi đến khi nước sôi già, khói lan man lan tỏa, em rón rén lén he hé nút ấm, để cho làn hương ngọt ngào, thanh tao, đậm đà quấn quít ướp vào thịt da, lẫn vào tóc. Em như đắm chìm trong ngây ngất một vùng hương.


Anh có biết không, bao nhiêu năm rồi, giấc mơ ngọt ngào nhất của em vẫn là con bé thu lu ngồi bên bên bếp lửa than hồng, giữa làn khói bảng lảng mùi sương sớm, chờ nghe tiếng ấm chè sôi rộn ràng và mùi hương dịu dàng tràn ngập mơn trớn từng đầu dây thấn kinh thị thành mỏi mệt. Trong vùng khói ám, lờ mờ bóng áo xám của bà em cùng giọng nói thổ trầm:
- Mai à, chừng nước sôi già rồi con!


Tỉnh dậy rồi, mùi chát của chè và hương hoa lài vẫn nghe tê hoài trên đầu lưỡi.

 

UYÊN LÊ

 

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Bảy 20198:45 SA
Khách
Hay.tinh tế và sâu thẳm hồn việt. Giàu chất thơ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99271)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96711)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72471)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85805)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 92150)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 88069)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91098)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78274)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 100463)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85251)
T ừ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâm nói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.