- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐUỔI THEO BÓNG NẮNG

23 Tháng Tư 201910:21 CH(Xem: 17604)



BAT NHAN
Bát nhang - ảnh Internet



Nhà tôi ở sườn đồi, nhìn xuống dòng sông Mã. Cha tôi kể rằng, xưa kia đây vốn là vùng chuyên quy tập hài cốt bộ đội hy sinh. Sau này, đất chật người đông, những cặp vợ chồng trẻ tuổi, nghèo khó như cha mẹ tôi ra đó tìm mảnh đất cắm dùi. Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được cha tôi làm lễ, quy tập thành một nghĩa trang riêng do chính bà con xóm núi hương khói. Chuyện gia đình, ngôi làng nhỏ bé của tôi là những nỗi đau thương nối dài không hồi kết. Tôi lớn lên giữa bốn bề sim mua lau sậy điểm xuyết những nấm mồ cỏ xanh ngắt vây quanh. Từ nhỏ, tôi luôn có những giấc mơ kỳ lạ, trùng lặp. Tôi mơ thấy một cô bé trạc tuổi mình, tóc tết đuôi sam mặc chiếc áo hoa đứng bên cửa sổ cười cười, đôi bàn tay nhỏ xinh đưa lên vẫy vẫy. Có lần lại thấy cô bé ấy đứng thẫn thờ mở to cặp mắt đọng nước gọi mẹ, gọi anh rồi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt…

Những đêm cha ôm tôi trong lòng, đung đưa cánh võng, tôi thủ thỉ kể lại giấc mơ của mình. Cha bần thần nhớ lại: “Hồi cô Hà nhà mình mất, cũng trạc tuổi con bây giờ. Đó là buổi sáng tựu trường đầy nắng, từ hôm trước bà nội gom tiền bán chum vại mua cho cô chiếc áo hoa dưới chợ phiên. Cô đến trường trong tà áo mới nhưng vẫn tung tăng chân đất. Buổi trưa ấy, khi cả nhà đang theo thuyền đổ hàng trên thượng nguồn thì nghe tin bom Mỹ dội xuống trường làng. Tất cả thầy cô, học trò có mặt vào sáng tựu trường hầu hết đều vùi xác trong bom đạn. Cha về được đến làng, xuống trường tìm cô, chỉ nhận ra cô nhờ manh áo hoa ban sáng rách tả tơi lẫn giữa đống đổ nát hoang tàn. Tiếng kêu khóc, than van u uất cả vùng quê”.

Đó là ngày đại tang khắp miền quê nghèo khó bên dòng sông Mã. Tấm bia đá với dòng chữ đầu tiên “Thù này nhớ mãi không quên” tạc cùng ngày tháng năm và số người chết vì bom Mỹ được dựng lên ngay mỏm núi đầu làng tôi.

“Ngày 27 tháng 9 năm 1969, vào hồi 8 giờ sáng, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay từ biển lao vào đánh phá. Sau những chớp lửa xanh lè là tiếng nổ ran, tiếng la hét kêu cứu từ các lán học sinh, ngõ xóm. Giặc Mỹ ném xuống quê hương ta 4 quả bom bi mẹ, chứa 1.280 quả bom bi con làm 68 người chết, trong đó có 44 em học sinh cấp 1, 70 người bị thương. Cán bộ, nhân dân các địa phương lân cận phải góp vải, hòm, ván hỗ trợ mai táng”.

Hàng loạt thi thể oan khuất lần lượt qua các cuộc mai táng ở bãi sông thành dãy dài những nấm mồ trông ra dòng nước cuộn trôi thao thiết. Đau thương chồng chất đau thương. Nhiều năm sau đó, chỉ bởi một giấc mơ của bà nội tôi thường xuyên thấy cô Hà trở về cười nói, khoe vừa chạy chơi từ bờ sông lên, gió còn thổi rung rinh mái tóc mà bà ngỏ ý với cả gia đình cứ để phần mộ của cô gần sông cho cô còn nghe trai gái làng hò sông Mã, nghe tiếng kẻng ông thuyền chài khua cá giữa đêm khuya và tiếng bước chân bộ đội hành quân về làng. Hài cốt của cô không được cải táng lên đồi cao như bao phần mộ của những người xấu số trong làng. Rồi trận lũ đỉnh điểm năm ấy đã san phẳng bến sông, gò bãi. Nước rút, nhìn lớp bùn bồi dày loang loáng phù sa, cả làng đều kinh ngạc, thất thần, bất lực khi gia đình tôi không thể tìm được phần mộ của cô Hà. Nước mắt bà tôi gần như khô cạn, tròng mắt cũng lòa dần cho đến lúc nhìn mọi thứ chỉ đỏ đục, lờ mờ một màu nước lũ.

***


Nhâm nói, trong gia đình, chỉ anh và một người anh họ tin rằng người bác ruột bị bệnh viện kết luận mắc chứng tâm thần. Nhưng trong tình yêu với vợ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vẹn nguyên. Tình yêu ông dành cho người đàn bà nhiều lần bỏ mình ra đi là thứ duy nhất, sau cuối còn tồn tại. Mấy người con gái, cháu chắt của ông gọi điện liên tục cho Nhâm để thông báo rằng, từ khi bác gái trở về, bác trai ngoài 80 tuổi vẫn cặm cụi giặt đồ cho vợ, cẩn trọng mắc lên dây phơi, cứ thế đứng hàng giờ nhìn áo quần nhỏ nước xuống sân, ráo khô và bay trong gió. Nắng đến đâu ông chống gậy ra sân dịch chuyển đám áo quần theo bóng sáng. ÔNg chờ đợi vợ ròng rã mấy chục năm trời thì việc chờ nắng đâu thấm tháp gì.

Bác của Nhâm từng là bộ đội, sau chiến tranh theo ngành sư phạm, thành thầy giáo dạy Vật lý ở trường cấp ba một huyện miền núi. Nhờ năng lực tốt, bác được cử đi học nước ngoài. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy trong suốt vài năm ông xa vợ con họ mạc đi tu nghiệp, chỉ biết ông trở về với trạng thái sức khỏe, tâm lý bất thường, bỏ cả trường lớp, ở nhà làm bạn với khói bếp, bóng đêm. Ông gọi tất cả những ai nhòm ngó, trêu chọc, khuyên giải, can ngăn mình đều là “bọn tâm lý chiến”. Thuở nhỏ, Nhâm rất thích được bố mẹ đưa đi khỏi Hà Nội lên vùng tản cư thăm gia đình bác. Thực ra, với người lớn, đó là những cuộc trông nom, dò la bệnh tình rất căng thẳng. Nhâm chỉ thấy thú vị. Bác anh vẫn ngày đêm chế tạo ống nhòm bằng cách tự nấu thủy tinh, thất bại lại cắt hàng loạt bóng điện hỏng trong nhà làm kính lồi, kính lõm, nung chảy nhựa đường để gắn kết các chi tiết với nhau. Nhà bác ngổn ngang ống nhòm, có chiếc ống nhòm dài cả mét. Ông trìu mến gọi tên chúng là Quá Khứ, Tương Lai, Tình Yêu, Ký Ức… Nhâm và lũ trẻ đưa mắt vào đó, tầm nhìn xa đến cả cây số. Quá khứ tương lai đâu chẳng biết, ban ngày bọn trẻ nhòm vào thấy rõ những bóng người trên đê khom lưng thồ hàng xuống dưới xuôi bán đổi, ban đêm ghếch ống nhòm thấy trăng sao, dải ngân hà, cả chòm sao hình ông Thần Nông khom lưng tát nước. Thỉnh thoảng, ông lên cơn co giật, luôn miệng hú hét lệnh cho lũ trẻ: “Vào nhà ngay kẻo “bọn tâm lý chiến” nó nhằm thẳng vào mình. Không thấy mít ngoài vườn nó cũng cầm gậy đập cho rụng đi à!. Không thấy nó ném đá tảng vào giữa sân nhà à?”… Sau này, ngay cả việc bác dâu Nhâm bỏ đi, ham mê cờ bạc, bán sạch đất đai nhà cửa… với bác trai cũng chỉ là âm mưu của “bọn tâm lý chiến”. Ông luôn tưởng tượng về một thế lực nào đó đẩy vợ mình đi xa. Còn tình yêu họ giành cho nhau vẫn là nguyên vẹn.

“Những lúc tỉnh táo, bác anh luôn nói, nếu bác gái trở về, bác sẽ tha thứ hết mặc hai đứa con gái được ăn học đàng hoàng mà không hiểu chuyện, kệ lũ cháu chắt cứ nhấp nhẳng trách móc, tủi hờn. Ở cái phố núi nhỏ bé quanh co ấy, chuyện phức tạp trong một gia đình dưới xuôi lên tản cư như nhà bác cả vùng đều xôn xao. Người ta đồn đại, sau nhiều năm tháng đằng đẵng đợi chờ, hy sinh tuổi xuân, người đàn bà ấy đã không còn đủ kiên nhẫn sống bên người chồng tâm thần. Bà bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, ngập chìm vào những cuộc đỏ đen. Có người về xuôi tận mắt trông thấy. Sự thể thế nào không rõ, nhưng việc bà hai lần trở về bán hai căn nhà của gia đình là có thật. Từ một căn nhà lớn mặt đường, bà bán đi mang theo toàn bộ tiền bạc có được. Họ hàng dưới xuôi thương hoàn cảnh ba bố con éo le, chia nhau nuôi giúp hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, gom góp tiền mua cho bác trai một căn nhà nhỏ hơn nằm sâu trong con ngõ. Sau thời gian mất hút, bà lại trở về tìm đủ cách bán tiếp căn nhà. Cuối cùng, một người họ hàng thân gần đành cắt một phần mảnh đất của gia đình, dựng căn nhà nhỏ để bác trai có chỗ trú mưa trú nắng. Nhà chật nhưng càng lúc càng nhiều ống nhòm. Người ta bảo, chứng tỏ bác ngày càng điên nặng. Gia đình anh đưa bác xuống trại tâm thần chỉ ngày một ngày hai lại tìm cách trốn về. Ngày qua ngày, bác gắn từng con mắt vào những chiếc ống nhòm nói rằng nhìn trong đó đôi khi thấy vợ với một bầy trẻ nhỏ ngày xưa. Anh luôn tự hỏi chính mình, nếu bác là người điên thực sự, lòng bao dung chờ đợi có đến mức cao cả, tôn thờ thế không?”, Nhâm nói với tôi trong buổi chiều đã cạn.

***


Làng tôi có ông Thư cụt, chuyên “cầm cái” đám lô đề cờ bạc khét tiếng cả vùng. Ông xóc đĩa bằng chính cái cùi tay cụt. Ông khoe, lúc nào cũng có lựu đạn bên mình, ai hỗn hào ông “xung phong” một tiếng là cháy rụi. Vợ con, thiên hạ đều biết đó chỉ là những quả lựu đạn giả được đẽo gọt, mài giũa, sơn màu như thật. Ông nửa giấu nửa khoe đeo sát mạng sườn. Lạ thay, mỗi lúc ông lên cơn điên loạn, dọa “rút chốt” thì mọi người đều chạy thục mạng. Chạy vì thoáng gặp hai đốm lửa đỏ ối lan dần trong đôi mắt ông. Dân cờ bạc đồn thổi, cái cùi tay cụt của ông điều khiển được hai đồng xu âm dương trong đó. Ông lên voi xuống chó cũng bởi cái nghề đen bạc rủi may. Riêng lũ con lít nhít chẳng được học hành gì, chúng luôn có câu cửa miệng: “Cụt như ông Thư nhà tao còn kiếm được bộn tiền, cần gì học”.

Có lần cha tôi kể, thực ra ông bị thương trong tình huống rất oái oăm. Nhập ngũ chẳng bao lâu, trong lúc huấn luyện, ông quan sát người chỉ huy làm động tác chậm mô phỏng quá trình ném một quả lựu đạn, đến khi thực hành bằng lựu đạn diễn tập, đầu óc bấn loạn thế nào, ông vẫn y nguyên động tác chậm ấy. Quả lựu đạn ông vừa rút chốt còn nắm chặt trong tay mới kịp vòng ra sau lưng đã “đoàng” một tiếng, nửa cánh tay nát bét ròng ròng máu tươi. Đồng đội cùng chiến đấu không ai nỡ kể lể câu chuyện ấy. Nhưng sau này, mỗi lúc ông dọa “xung phong” vẫn có người nói hờn nói mát. Với người lính như cha tôi, mất mát nào cũng đều là máu xương chiến trận. Ông thường nói, cũng có thể vì nỗi tự mặc cảm mà ông Thư chẳng thế nào đứng dậy sống tiếp cuộc đời tử tế. Ông là con trai độc nhất trong gia đình khá giả, noi gương thanh niên làng viết đơn bằng máu lên đường nhập ngũ. Ngày ông trở về, người ác miệng rêu rao: “Họ nhà ấy đến đời thằng Thư là mạt vận!”.

Từ ngày người đàn bà xa lạ kia về làng tôi, lao vào cuộc đỏ đen, ông Thư  cược theo và thắng lớn, gỡ gạc vốn liếng đã mất, mấy đứa con không học hành gì rủng rỉnh tiền chơi khăng đánh đáo và ăn kẹo bột bạc phếch môi. Đó cũng lần đầu tiên người làng tôi tận mắt thấy một người đàn bà ngồi chiếu bạc. Người ta bảo họa có điên mới thế. Bằng không là kiếp trời đày. Vậy mà ông Thư ngang nhiên tuyên bố sẽ lấy người đàn bà ấy làm lẽ. Người vợ quanh năm nín nhịn chỉ biết lén chùi nước mắt thuận theo. Từ bấy, bên chiếu bạc, cạnh cánh tay cụt thêm một cánh tay lành.

“Bà lo chuyện nhà mình đi, quan tâm gì cái thứ đàn bà thiên hạ lăng loàn ấy”, cha tôi trách mẹ sau cuộc họp gia đình vẫn đang ngồi bên bể nước nói chuyện nhà ông Thư với các cô, các bác trong họ mạc. Bà nội tôi vừa mở cuộc họp gia đình bàn chuyện tìm lại phần mộ thất lạc của cô Hà. Bà một mực nói rằng có thể hài cốt của cô vẫn ở quanh quất bến sông mà chưa xuôi theo dòng nước. Một lần đi lễ chùa, bà tình cờ gặp được người tự xưng là nhà ngoại cảm. Lời nói của họ trùng những gì bà thắt ruột nghĩ về đứa con gái út xấu số. Người ta hứa giúp gia đình lễ lạt, kêu cầu để tìm hài cốt của cô. Câu chuyện ấy khuấy đảo cuộc sống, tâm tư trong đại gia đình tôi. Chín người mười ý nhưng tất cả cùng kết luận cứ phải “vái tứ phương”.

Ngày thầy ngoại cảm làm lễ bên bờ sông, già trẻ gái trai làng tôi không ai vắng mặt. Sau một hồi xì xụp khấn vái, người ấy vung cây gậy trúc buộc lụa trắng khoanh tròn khoảnh đất có những cụm cỏ mần trầu xanh um đang mặc sức bò lan. Các anh họ tôi trực tiếp đào xới. Bỗng cả đám đông kêu lên thất kinh, phá vỡ không khí im ắng nín thở bao trùm khi nghe tiếng ai đó hô: “Có cốt”, “Là cốt trẻ con”, “Dùng tay đi, nhẹ nhẹ thôi kẻo vụn vỡ hết”... Đám người đứng vây quanh quỳ sụp xuống chắp tay vái lạy liên hồi, đan xen thêm tiếng kêu khóc, rền rĩ, nấc nghẹn. Bà nội tôi rên rẩm đầy tức tưởi: “Mẹ biết con chết oan khuất nên thiêng lắm mà!”.

***


Tôi quen Nhâm khi anh về làng tôi tìm người bác dâu nhiều năm bỏ nhà đi biệt. Buổi chiều ấy, anh đứng ngay phía sau tôi, lúc tôi thắp hương lên ngôi mộ mới cất đề tên cô Hà. Bác dâu Nhâm đã có bến đỗ mới, bà khước từ cuộc trở về với người chồng mắc chứng bệnh tâm thần. Nhâm nói, thời gian, bi kịch chồng chất bi kịch khiến tâm tính bà thay đổi, không còn là người phụ nữ chung tình, nhẫn nhịn ngày xưa. Tôi và Nhâm ngồi trên đồi cao, dõi mắt nhìn xuống dòng sông Mã.

Khi câu chuyện trở nên gần gụi như giữa chúng tôi được nối chung một mối tâm giao, Nhâm nói từng lời rủ rỉ.

“Từ ngày bác dâu bỏ đi, họ hàng nhà anh thay nhau lên chăm nom bác trai. Có lần, đến phiên cha anh lên ở cùng bác, ông giật nảy mình khi vừa sáng dậy đã gặp dáng người lừng lững của bác bước ra từ căn bếp toàn khói. Bác mặc chiếc quần lụa đen nhức của vợ, tần ngần trông ra ngoài nắng. Nắng lọt qua giàn cây, hắt bóng vào bác, màu đen nhức của chiếc quần đàn bà bỗng rực lên. Cha anh nhắc nhở khuyên can, con cháu bác buông lời cáu gắt, bác rơm rớm nước mắt đi thay quần, gấp chiếc quần của vợ lại, để ngay ngắn chỗ mình vẫn ngả lưng. Bác bắt đầu thở than: “Chung quanh tôi toàn bọn “tâm lý chiến”. Chả trách bà ấy đi mãi chẳng về”.

“Người nhà anh kể lại, khi bác mới nhập ngũ vẫn đều đặn thư từ về. Bẵng một thời gian không dòng tin, cả khu phố tang tóc khi giấy báo tử liên tiếp gửi về từng nhà. Ngày nào ông bà anh cũng đứng trên gác ngóng người đưa thư. Chỉ nhìn dáng bộ của họ đứng trước những cửa nhà là biết tin mừng hay tin dữ. “Thư nhé!”. Lời thông báo ngắn gọn từ người bưu tá vào một tối muộn lúc cả nhà đang bên mâm cơm đủ làm tất cả rộn ràng. Đáng tiếc, đó không phải thư của bác. Một lá thư có nội dung đề gửi từ chiến trường nơi bác đang chiến đấu, báo tin bác đào ngũ, bác là một kẻ hèn hạ, bán nước, bất lương... Chừng ấy cặp mắt hết nhìn xoáy vào bức thư lại ngước trông ban thờ tổ tiên với năm di ảnh liệt sĩ trong dòng họ. Đó là nỗi đau, nỗi nhục không gì gột rửa nổi. Ông nội anh lăn đùng, đột quỵ và qua đời không lâu sau đó. Lúc hấp hối, ông vẫn đinh ninh: “Nó không thể là thằng phản bội! Là cha nó, tôi hiểu chứ! Trời ơi!”. Hòa bình lặp lại, bác anh trở về trong bộ quân phục bạc màu. Có cả xe đưa tới tận nhà. Hai anh bộ đội đi cùng khoe từ đầu phố: “Bà con ơi! ra đón anh hùng”. Bác lập nhiều chiến công, chế tác cả vũ khí, ứng dụng đạn dược trong nhiều trận đánh. Còn lá thư nặc danh kia chỉ là một trong những trò “tâm lý chiến” của kẻ thù. Người đầu tiên bác gọi là ông anh. Chân dung người ruột thịt đầu tiên bác thấy cũng chính là tấm ảnh của ông trên ban thờ nghi ngút khói nhang”.

Tôi nói với Nhâm, từ nhỏ tôi đã luôn nghĩ về bóng nắng, như mảnh áo hoa chập chờn trở đi trở lại trong mơ. Bóng nắng ấy lan tỏa trong tôi cho đến tận bây giờ. Tôi luôn thấy cô bé đứng bên cửa sổ chìa tay về phía mình, chúng tôi nắm lấy tay nhau đuổi theo bóng nắng, chui qua những dây phơi áo quần, chỉ trỏ giàn hoa mướp vàng ươm, đuổi bắt ra đến tận bờ sông cát lấm chân phẳng mịn. Cô bé ấy lướt đôi chân nhỏ xinh trên mặt sóng, ra đến giữa dòng sông thì vẫy tay chào… Có lần, cũng cô bé ấy, toàn thân ngập chìm trong nước, bàn tay bé nhỏ huơ lên khoảng không...

Cũng chính Nhâm khi nghe chuyện gia đình tôi đã nói với tôi khi ấy mới là cô học sinh cấp hai rằng nên tiến hành xét nghiệm ADN cho bộ hài cốt mà cả gia đình tôi tin của cô Hà. Khỏi phải nói bà nội đã nổi cơn uất giận thế nào. Nỗi đau, linh cảm bấy lâu của người mẹ mất con khiến bà chỉ còn tin vào những giấc mơ cũng như cuộc gặp gỡ tình cờ với người xưng là nhà ngoại cảm. Bà chối bỏ, chì chiết mọi thứ lý lẽ, xác minh thuộc về khoa học. “Khoa học là cái chi chi, chỉ làm người đau thêm đau, người tủi thêm tủi thôi mà”, bà than khóc kêu trời. Tôi đưa Nhâm về gặp cha mình.

“Cán bộ pháp y sẽ lấy mẫu của người đã mất đối chiếu với mẫu của mẹ người đó nếu còn sống. Nếu mẹ mất thì đối chiếu với anh chị em ruột, không còn anh chị em ruột thì lấy mẫu của cháu con chị gái hoặc cháu con em gái. Mẫu của người đã mất không đối chiếu được với bố đẻ, cũng không đối chiếu được với con anh trai hoặc con em trai. Gene theo dòng mẹ gọi là gene ty thể sẽ được truyền qua năm đời còn gene theo dòng bố khi chôn xuống đất sẽ mất”, Nhâm chậm rãi giải thích với cha tôi. Nhiều năm qua, khi công việc đỡ bận rộn, anh theo các đoàn tình nguyện đi quy tập mộ liệt sĩ khắp dọc dài đất nước. Nhâm chứng kiến không ít cuộc nhầm lẫn dai dẳng, buồn đau, không ít người mẹ như bà nội tôi. Rốt cuộc sự thật vẫn phải trả về sự thật. Sau cuộc trò chuyện rất dài, cha đặt tay lên vai Nhâm vỗ chắc nịch: “Ở thời điểm này, tôi tin cậu!”.

***

Tôi hứa với Nhâm xong chuyến công tác miền núi sẽ ghé thăm hai bác của anh. Họ đón tôi từ đầu ngõ. Bác trai dẫn tôi tham quan khối gia tài là những chiếc ống nhòm có tên riêng.

“Cô biết không, uống thuốc đều mà đêm tôi vẫn ngủ chập chờn lắm. Cứ sợ bà ấy đi đâu thêm lần nữa. Ngoài kia, toàn bọn “tâm lý chiến” cả chứ chả đùa! Chúng đánh mình một lần là còn nhiều lần khác”.

“Trong đám con cháu, thằng Nhâm là đưa giống tôi nhất. Niềm tin cũng có di truyền đấy. Không niềm tin, “tâm lý chiến” vào là chết!”, bác của Nhâm nói với tôi bằng dáng điệu có vẻ rất tỉnh táo, tự tin.

Ban đầu, bác dâu anh đẩy về tôi cái nhìn rụt rè cảnh giác, sợ lại phải nghe những lời trách móc như bao ngày tháng sau cuộc trở về bà nhận từ láng giềng, họ mạc, con cháu. Đôi mắt bà trũng sâu nhìn theo bóng chồng đang chạy đua với bóng nắng ngoài dây phơi áo quần. Sự im lặng của tôi khiến bà có thể mở lời. Bà kể, bà quyết định rời khỏi nhà ông Thư không hẳn bởi ông vũ phu tối ngày đánh đập vợ lớn vợ bé hay lũ con chồng hỗn láo mà bà đi sau những đêm trăng sáng bên sông cứ nghe văng vẳng tiếng hò, tiếng bước chân thậm thịch hành quân, cả tiếng cười tiếng khóc... Nửa đêm bà ra miếu cầu an. Nơi đó từng tồn tại ngôi chùa lớn, nhiều lần bị bom Mỹ dội chỉ còn nền gạch đổ nát và những bức tượng đá bị chém khúc ngổn ngang. Sau chiến tranh, dân làng phục dựng ngôi miếu nhỏ. Trong đêm trăng sáng, gió đông hây hẩy hắt từ mặt sông, bà thấy một cô bé mặc áo hoa ngồi khóc nhờ dẫn về nhà với mẹ. Rất nhiều đêm lặp đi lặp lại như thế. Bà hỏi han, dân làng kể chuyện cô Hà. Họ kể thêm, sau cái chết của cô, trẻ con đến người lớn trong gia đình tôi không mặc áo hoa bao giờ. “Đến một đứa trẻ còn mong về nhà, tôi cớ gì có nhà mà rời bỏ?”, bác dâu Nhâm nghẹn ngào ngước đôi mắt đẫm nước nhìn tôi. Bà khóc nhiều như cái đêm gục bên nền chùa đổ.

***

Kết quả giám định ADN cho thấy, mẫu xương cốt dưới ngôi mộ đang đề tên cô Hà không có quan hệ huyết thống với gia đình tôi. “Vậy là nhà mình đã đưa một ngôi mộ vô chủ về thờ phụng hương khói?”, “Thế ông thầy ngoại cảm đó giờ biến đâu rồi”, “Sao trùng hợp thế được, đã bảo là cốt trẻ con mà?”, “Liệu phần mộ cô Hà vẫn ở bãi sông hay trước đây nhà khác đã cải táng nhầm?”… những lời nói thảng thốt như có nước vang lên trong ngôi nhà chật kín người. Bà nội tôi sau đận ngất lên ngất xuống, tỉnh dậy thắp hương lên ban thờ tổ tiên chỉ lặp đi lặp lại một câu hỏi: “Vậy cớ sao từ ngày đưa bộ hài cốt ấy lên đồi cao, mẹ không còn mơ thấy em Hà về nữa?”… Đó là câu hỏi mà cho đến tận bây giờ, chẳng ai có thể giải đáp cho bà được.

Bà nội cùng cả gia đình ra bờ sông lập đàn vái vọng. Bà gọi: “Hà ơi! Con có nằm đâu cũng trên đất quê mình. Bom đạn, chiến tranh làm bao người đến lúc chết không về được quê cha đất tổ. Chắc con cũng gật đầu bằng lòng cho đứa trẻ cùng cảnh lưu lạc như con được nhà ta hương khói. Mộ đắp lên rồi, không ai về nhận, mình không đào xới thêm lần nữa, phải không con? Nhìn cảnh người, tủi kiếp mình, nhưng lòng yêu thương sẽ đưa đường cho con siêu thoát”. Ông Thư cụt và tất cả dân làng tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện đau buồn ấy. Ông chợt quỳ xuống trước dòng sông như tạ tội, rút bên hông quả lựu đạn giả ném đi. Khóe mắt ông nhỏ hai dòng nước.

Khi tôi học hành, lập nghiệp ở xa, cha tôi vẫn giữ thói quen viết thư tay cho con cái mỗi tuần, dù có điện thoại. Cha tôi kể chuyện làng, ông Thư đã bỏ nghề đỏ đen, cùng cha và dân làng hương khói nghĩa trang liệt sĩ, sơn lại tấm bia đá trên mỏm đồi và đón tiếp, chăm lo cho những gia đình ở xa về tìm mộ.

Một ngày, Nhâm trao cho tôi cuốn nhật ký đã bạc màu anh cất giữ suốt hành trình đi tìm bác dâu. Anh nói, anh không phải nhà văn nên chẳng biết bắt đầu từ đâu để kể cho mọi người nghe bao câu chuyện đầy yêu thương, trắc ẩn mà oan khuất. Anh họ của anh, một họa sĩ đã luôn tin vào tình yêu vẹn nguyên của người lính trở về sau cuộc chiến cũng nói, tuy anh là họa sĩ nhưng không thể vẽ được ánh nắng ảo mộng chập chờn trên chiếc dây phơi áo quần đầy ám ảnh hay màu đen nhức nhối của chiếc quần lụa đàn bà lóe lên suốt chuỗi ngày bác anh đợi vợ trở về sau những chuyến đi xa. Lật giở những trang nhật ký của bác ruột Nhâm, mắt tôi nhòa nước.

Tôi vẫn tin vào tình yêu vĩ đại của người phụ nữ đã đợi chờ mình suốt cuộc chiến tranh. Tôi từng nghĩ, nếu có thể trở về, sẽ dành cả cuộc đời còn lại để yêu thương, bù đắp. Dù cố giấu gia đình mọi vết thương chiến trận, cả mảnh đạn găm trong đầu thì nó vẫn lộ ra bằng những cơn điên loạn, những trận đòn roi tôi trút lên cô ấy… Chỉ riêng những chiếc ống nhòm khiến tim tôi đập chậm…

Hà Nội, tháng 7/2018

LỮ THỊ MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1462)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2283)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2257)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4693)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1211)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2497)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1798)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1234)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1405)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.