- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOA HẮC QÙY

12 Tháng Mười Một 20189:44 CH(Xem: 30020)


dang thi thanh hương-2018
 Nhà thơ Đặng Thi Thanh Hương

 

LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương  làm thơ, viết văn, làm báo, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Hiện công tác tại Báo Gia đình & xã hội.

 

Tác phẩm chính:

THƠ:

- Cổ tích tình yêu - thơ - NXB Thanh niên, 1992;

-Phiên bản - thơ - NXB Văn hóa, 1993; Vọng đêm - thơ - NXB Lao động, 1997;

-Những con ốc chờn ren - thơ - NXB Hội Nhà văn, 2002;

-Trà nguội - tập thơ - NXB Văn học, 2008;

 -Tập thơ: Người đàn bà chơi dao sắc(2012)...

TRUYỆN:

-Những chiều mưa đi qua - tập truyện ngắn - NXB Công an Nhân dân, 1997

-Con đã đến trong cuộc đời này - tập truyện ngắn - NXB Lao động, 2009

-Sông phù sa - tập truyện ngắn - NXB Thanh niên, 2002 (in chung).

 

Nhận được nhiều giải thưởng từ 1989 đến 2018, Giải nhất cuộc thi thơ năm 1989 của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái)...và mới nhất là Giải thưởng Thơ: Nhà văn và tác phẩm năm 2018.

 

Đặng Thị Thanh Hương tâm sự: "Thơ ca trở thành cứu cánh cho tôi và là mảng tâm hồn sâu kín mà ở đó người đàn bà đầy khao khát luôn trăn trở về sự thay đổi và giải thoát". Mặc dầu vậy, trong lần này Hợp lưu hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu truyện ngắn "Hoa Hắc Quỳ" của Đặng Thị Thanh Hương.

 

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

    Bức điện ngắn ngủi. Tôi đọc và không tin ở mắt mình. Chiếc ấm điện chưa đổ nước đã cắm phích, vài khắc nổ tung. Thạch giật minh chúi đầu vào bức chân dung đang vẽ dở. Tôi nhẩm nhẩm đọc lại: ‘’Em hay vô đây, anh đã xây cho chúng ta một ngôi nhà...’’.Thạch dành bức điện, lướt mắt rồi vò nát:’’ Thằng nào?’’ .Tôi không trả lời, ểu oải nằm vật ra giường.Thạch tức tối vò bức tranh. Tôi như trượt về ký ức. Đà Lạt năm ấy giữa mùa hạ chói gắt, chiecs xe khách vất vả vượt đèo Ngoạn Mục. Tôi đến Đà Lạt, bên này đỉnh đèo là mùa dông rét mướt. Cái lạnh đột ngột phả vào nỗi bức bối mà tôi đang phải chốn chạy. Mờ sương thằng Nhỏ lên từ trước đón tôi ở cổng khách sạn. Nó ôm vai tôi nhăn nhở: ‘’Tôi vừa phát hiện ra món đặc sản của Đà Lạt. Bà sẽ nghiện đấy...’’ Tôi bật cười, tôi chưa bào giờ biết nghiện thứ gì ngoài trừ nỗi cô đơn bẩm sinh của mình. ‘’Đi ngay tôi sẽ chỉ cho chị!’’. Nó kéo tôi tắt qua đồi thông sau nhà, đến chỗ hai cây thông bát chéo nhau. Nó chỉ một người đàn ông ngủ say: ‘’Đặc sản đấy...’’. Gã đàn ông ngẩng phất dậy, hoảng hốt như bị mất cắp. Gã nhìn sững tôi, hai lòng đen trong mắt như thủy tinh, ngây dại. Tôi bực mình, véo tai thằng Nhỏ: ‘’Cái trò cũ rích’’. Nó đẩy tôi ngã mạnh vào người đàn ông, gào lên: ‘’Chị Thụy đấy, anh quỳ xuống đi’’.Gã đàn ông ôn vai tôi thều thào: ‘’Qua thằng Nhỏ này, tôi đã điêu đứng vì em’’. Tôi lùi ra xa nhìn thẳng gã. Qủa cũng không đến nỗi nào, giọng Huế dịu dàng rất hợp với dáng vóc thư sinh. Tôi chợt thấy dịu lại.

        Đà Lạt đang mùa hoa hắc quỳ (cái tên nghe đã thấy lạ lùng). Những cánh hoa nhỏ ly ti màu xám ngắt , tỏa mùi hương rất đặc biệt. Một mùi hắc xộc thẳng vào mũi, rồi dai dẳng bám kín người, ngửi lâu có vẻ thơm rất kỳ lạ. Chỉ sau hai ngày, tôi đã thấy mê đắm những bông hoa nhỏ bé này. Tứ - tên gã đàn ông - bảo: ‘’Em tinh đấy, không phải ai cũng yêu được hoa hắc quỳ’’- Ngọn gió lướt qua thung lũng vượt qua đỉnh đồi và cười reo giữa những chùm hoa nhỏ. Tôi nhìn thấy ngọn gió len lỏi trong từng rạng thông đầy bụi bám, vừa thôi bay những chiếc lá mỏng rụng khắp đồi. Đà Lạt nhiều gió quá. Tôi thường ngồi cả ngày trên đồi thông trong nắng gió, cảm thấy tất cả xa vời ở quá khứ nào đó. Không có nỗi ngột ngạt trong tình yêu của Thạch. Không có những búc chân dung nham nhở khắp căn phòng chật, không có vẻ cau có trên gương mặt nhám nắng của người đàn ông tôi yêu. Không có sự tuyệt vọng buổi chiều lục mãi trong túi tìm một đồng tiền lẻ. Tôi bỗng ghê sợ những hạt lạc rang muôn thủa rắc đầy bát mỗi bữa cơm. Cái ồn ào thành phố và nụ cười xã giao trong công sở. Bỗng chốc tôi sợ hãi nghĩ đến ngay về. Tôi nhìn xuống phía dưới. Đạt Lạt bình yên và thơ mộng. Vó ngựa gõ mặt đường uốn khúc quanh hồ Xuân Hương đi về khu chợ. Tôi hít hà hồi lâu hương thơm thâm trầm và se sắt của hoa hắc quỳ.

       Mỗi tuần ở Đà Lạt, tôi cùng thằng Nhỏ và Tứ đi khắp nơi. Cái vẻ ngây vại của Tứ và sự hối thúc của thằng nhỏ làm tôi buồn cười, dù sao tôi cũng tìm được cho mình những ngày tháng công bằng. Tứ kể cho tôi nghe câu chuyện đồi thông hai mộ. Chuyện kể rằng: xưa có đôi trai gái rất mực yêu nhau, nhưng chàng trai phải ra trận. Ngày ra đi hai người đưa nhau lên đồi thông này thề hẹn sẽ sống chết có nhau. Chàng trai đi lâu lắm. Cô gái ở nhà bị cha mẹ ép gả cho con trai một tên quan châu trong vùng. Cô bỏ nhà lên đồi thông ngồi khóc hai ngày hai đêm. Đến lúc kiệt sức cô lê xuống hồ nước giữa thung lũng trẫm mình. Ngày chàng trai trở về, nghe tin dữ chàng ngồi bên mộ người yêu rồi rút gươm tự sát. Người dan quanh vùng đặt hai người nằm cạnh nhau. Đời này qua đời khác, đồi thông Hai Mộ có tên từ đó. Còn hồ nước giữa thung lũng nơi cô gái trẫm mình gọi là hồ Than Thở.Thung lũng Tình Yêu trở thành địa danh cho bao người đến thăm thú. Tứ bảo rằng, năm nào cũng có vài cô gái tự tử ở hồ Than Thở. Những đôi tình nhân đem nhau tới đây, thề nguyện yêu nhau trọn kiếp. Thung lũng Tình Yêu và đồi thông Hai Mộ như nơi minh chứng cho lòng chung thủy của người đời. Câu chuyện của Tứ bất giác làm tôi rùng mình. Một cảm giác mất mát đè nặng lên trái tim. Tôi hốt hoảng bảo thằng Nhỏ: ‘’Phải về thôi chị thấy lo cho Thạch...’’.’’Chị không thể sống cho riêng mình chút sao? Tôi thấy chị quá mệt mỏi vì cái gã họa sỹ bất đắc chí ấy rồi ấy’’. Nhỏ bực bội. Tôi chợt thấy Tứ quỳ xuống trước mặt, tay nâng cao những chùm hoa hắc quỳ, đôi mắt nhìn tôi bất động: ‘’Em hãy ở lại, tôi yêu em’’. Đừng náo loạn lên như thế, đứng lên đi, tôi không thích đàn ông yếu đuối’’. Tứ cúi đầu: ‘’Em khó thương như loài hoa dại này’’. Dúi vào tay tôi bông hoa ướt sương. Tứ bỏ đi. Mùi hắc xộc thẳng vào cổ họng. Tôi thấy nghẹt thở.

       Thằng bé thất bại. Nó buồn ra mặt. Hôm sau nó tuyên bố: ‘’Ngay bây giờ chúng ta sẽ đi Sài Gòn, may chăng ở đó tôi sẽ tìm được cho bà cái bà cần’’. Thằng bé tự tin quá. Chính tôi, tôi cũng không biết mình cần gì. Đà Lạt đầy tình ái với ma lực hối thúc. Những người yếu đuối dễ dàng sa ngã với một nơi như thế này. Tôi cũng muốn mình buông thả một lần, may chăng có thể quên Thạch cho những điều vô nghĩa và cần thiết cho tình yêu giữa hai người. Nhưng tôi đẫ không làm thế. Đúng hơn tôi thấy quá mệt mỏi và chán ngấy khi nghĩ tới một tình yêu mới. Chuyện tôi và Thạch còn tệ hại hơn cả những bi kịch gia đình. Chúng tôi chưa thể cưới nhau vì cả hai chẳng có gì trong tay. Cũng không thể xa nhau vì những rằng buộc của thời gian và kỷ niệm. Cùng sống trong gian phòng mười hai mét vuông, giá chi cho tình yêu mỗi tháng là ba trăm nghìn đồng. Không kể tiền điện, tiền nước rồi chợ búa. Thạch ra trường chưa xin được việc, với năng khiếu sẵn có, anh ngồi vẽ la liệt những bức chân dung chộp được bất kỳ ai. Buổi sáng thức dậy, anh vội vàng mở ô cửa sổ nhìn xuống đường, những khuôn mặt trong khu tập thể được anh đưa tất vào tranh. Đến nỗi hầu như những chủ thể trong khu nhà đều chen chúc trong căn phòng mười hai mét vuông của chúng tôi. Khiến cho không khí càng thêm khó thở. Anh luôn đánh giá cao những bức vẽ của mình, và có lẽ anh sống bằng chính hy vọng tuyệt vời ấy. Anh yêu màu vàng của Van Gogh và kính nể thời gian chảy sệ trong tranh Daly vì thế chân dung anh vẽ đều có sắc vàng nguyên thủy trên da và cái cằm dài vẹo vọ. Tôi yêu anh khi nhìn vẻ xuất thần trên đôi mắt mỗi lần anh say sưa vẽ. Tôi yêu anh, thật đấy, cho dù đôi khi đồng lương quá ít ỏi của tôi không đủ để trả tiền điện hàng hàng tháng có làm tôi bực dọc. Nhưng với một tình yêu lý tưởng, tiền bạc có quan trọng gì. Tôi thường an ủi thế để nhẫn nhịn nhìn anh vẩy màu be bét lên tường và vui vẻ nhai bát cơm trộn lạc. Cũng may Thạch là người ít đòi hỏi, đối với anh, đối với anh, chuyện ăn uống không quan trọng bằng nghệ thuật. Nhưng nuôi nghệ thuật bằng cơm và lạc quả là vất vả. Như nuôi một đứa con còi xương từ trứng nước.

        Sài Gòn ồn ào chẳ khác gì Hà Nội, tôi không chịu được bảo thằng Nhỏ: ‘’Về thôi’’. Nó bảo: ‘’Bà về trước đi, tôi đi miền Tây’’. Tứ đưa tôi ra ga. Tàu chạy. Tứ gào lên: ‘’Tôi sẽ đợi em...’’ Đợi ư? Tôi có thể chờ đợi đây khi với tôi mọi thứ còn quá mù mịt. Tôi và Thạch chờ đợi dai dẳng ba năm nay cho cái kết cục tình yêu và hạnh phúc. Bây giờ góp thêm nỗi đợi chờ của Tứ. Bỗng chốc mọi điều trở thành lý tưởng hơn mức cần thiết.

         Đoàn tầu xuyên qua bóng đêm đèo Hải Vân. Ô cửa sổ đang hắt chiếu cả một kho hào quang nơi đỉnh trời, từ những ngôi sao lang thang kia. Tôi không hiểu mình đang trở về hay đang ra đi. Căn phòng mười hai mét vuông vừa gần gũi vừa xa vời. Chắc Thạch lại gò người trên bức vẽ sau khi và vội bát mỳ ngâm nước sôi. Tôi nhìn xuống bên này vực, thấy biển sóng sánh ánh vàng như trong tranh của Thạch. Gió biển lồng lộng dồn thêm nước mắt cho một cơn giông sập tới.

        Thạch vẫn lồng lộn đi lại trong gian phòng chật. Dí sát bức điện nhàu náy vào mặt tôi. ‘’Tại sao cô chưa bao giờ nói với tôi về thằng này’’. ‘’Có gì để nói đâu!’’. Tôi hững hờ. Thái độ của tôi làm Thạch cáu tiết. Anh văng tục: ‘’Đ.m một thằng vớ vẩn’’. Tôi bảo: ‘’Vớ vẩn nhưng nó còn hơn anh là cái chắc...’’.’’Cô dám nói thế à?’’. Thạch giang tay tát thật mạnh vào mặt tôi. Tôi gào lên: ‘’Anh cút đi’’. Thạch vơ cái áo vest trên ghế, đá sập cửa rồi bỏ đi. Tôi nằm, nghe lòng tê điếng trong cảm giác vừa bẽ bàng vừa giận dữ. Thạch không còn là gã trai hào hoa trước đây tôi từng biết. Phút chốc những câu thơ anh viết cho tôi từ thủa nào hóa giả dối. Tôi bật khóc. Trong nước mắt tôi thấy hình ảnh của Thạch vụn vỡ. Tình yêu mà tôi tôn thờ kết thúc đáng buồn thế này ư? Tại sao Thạch có thể tát tôi được chứ? Tôi nhặt bức điện Thạch di dưới chân, vuốt thẳng rồi cất vào ví. Tôi thu dọn quần áo. Khóa cửa căn phòng cẩn thận, tôi tìm thằng Nhỏ: ‘’Đi Đà Lạt với chị không?’’. Khác hẳn giọng ngạc nhiên mà tôi chờ đợi, noa uể oải: ‘’Bà lại thích phiêu du rồi, nhưng Đà Lạt tẻ lắm. Đi biển hơn’’. Tôi chìa bức điện, gắt gỏng: ‘’Thế cái này thì sao?’’

       Con tầu đưa chúng tôi lại xuyên bóng tối qua đèo Hải Vân. Thằng Nhỏ ngủ yên lành. Tôi đang đi đâu đây? Ngoài tầu, sóng đánh dữ dội vào vách đá phát ra những tiếng ì oạp đáng sợ. Ngọn đèn biển quay cuồng, rồi tắt ngấm. Không còn màu như tôi trở về. Cơn bão đột ngột có thể vùi con tàu trong sóng biển. Tôi đang đi đâu đây? Kiếm tìm một chút cảm giác mới lạ, hay tìm sự yên ổn. Thật điên rồ. Biển mênh mông thế kia mà không một chút nghỉ ngơi, huống hồ đời sống nhỏ mọn của con người. Tôi chợt nhớ da diết hương vị lạ lùng của hoa hắc quỳ. Tôi vào Đà Lạt nhưng không phải vì Tứ, bởi tôi là bông hoa hắc quỳ cô độc.

        Tứ biến mất khỏi Đà Lạt không một chút dấu vết. Vài người quen hiếm hoi bảo cậu ta vù xuống Sài Gòn với một nàng rồi. Tôi thầm cảm ơn. Có nghĩa là đời sống của tôi không kịp xảy ra thêm điều gì. Xé nát bức điện ném theo gió. Tôi ngồi phịch xuống ngôi mộ trên đồi thông. Có tiếng khóc nỉ non của cô gái dưới thung lũng Tình Yêu. Tôi bảo thằng Nhỏ đang đứng bất động tựa người vào cây thông: ‘’Mày chạy xuống xem, nhỡ cứu được một người muốn chết đấy’’. Nó bảo: ‘’Phải cấp cứu cho bà trước’’. Nói rồi nó chạy vụt đi. Tôi ngồi một mình vuốt ve nhưng bông hoa hắc quỳ trên tay, mùi hương quen thuộc của nó làm tôi dịu lại. Phút chốc tôi thấy thương Thạch. Nếu không có những ảo tưởng về tình yêu của tôi và nghệ thuật thì anh sẽ sổng ra sao đây? Mỗi lần cãi nhau xong, bao giờ tôi cũng tìm lý do để tha thứ cho Thạch rồi làm lành với anh. Lần này, khi về nhà không thấy tôi nữa anh sẽ nghĩ sao. Sự trống rỗng biến mất thay thế cho nỗi lo lắng ngập đầy. Tôi mong anh hãy hiện lên trước mặt, chúng tôi lại hôn nhau và quên hết những bực bội chán chường. Ước gì có Thạch, chúng tôi sẽ lại thắp hương trước đôi mộ tình yêu này tìm lời thề chung thủy, Đà Lạt bỗng trở nên buốt giá hơn bao giờ. Đêm ấy, thành phố đổ xuống cơn bão bất thường. Gió vặn từng cành cây thông răng rắc. Ngôi nhà rung lên bần bật. Tôi lo sợ cho những bụi hắc quỳ, liệu có chịu nổi qua cơn bão khủng khiếp này? Thằng Nhỏ ở phòng bên chạy sang ôm tôi chặt dỗ dành: ‘’Chị đừng sợ...’’. Tôi thấy mình bé nhỏ trong sự che trở của thằng bé. Chưa có một người đàn ông nào làm được điều đó cho tôi, kể cả Thạch. Tôi khóc: ‘’Mình về thôi chị sợ...’’.

        Căn phòng mười hai mét vuông nhem nhuốc màu vẽ và chật chội những khuôn mặt cả khu tập thể trở nên ấm cúng và thân thương xiết bao. Sáng hôm sau, Đà Lạt lại rực nắng vàng. Hoa hắc quỳ toa mùi hương nồng nàn thăm thẳm. Không hiểu vì sao những bông hoa dại này đủ sức mạnh sống sót sau cơn bão hôm qua?

 

ĐẶNG THỊ THANH HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Mười Hai 20205:08 SA
Khách
Truyện hay quá, cảm ơn nhà văn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 9310)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
09 Tháng Giêng 202511:36 SA(Xem: 774)
Tháng 5 năm 1990, chúng tôi sang Quận Cam, nhà văn Mai Thảo dẫn đến thăm và giới thiệu với một họa sĩ, mà chúng tôi chưa quen: Khánh Trường. Mai Thảo cho biết Khánh Trường dự định ra một tập san văn học, đăng những tác phẩm ở trong và ngoài nước, và cần được giúp đỡ. Đó chính là Mai Thảo: ông ghét cộng sản, vì cái chết của Vũ Hoàng Chương và bản thân ông bị truy lùng trong gần hai năm, trước khi vượt biển, thoát. Ông không đọc tác phẩm trong nước, nhưng «đứa nào» làm chuyện hòa giải, giao lưu, ông ủng hộ; «đứa nào» bị đánh, ông tận tình bênh vực và giúp đỡ. Ở Mai Thảo là hai chữ Tự do đúng nghiã mà nhiều người Việt không hiểu, dù họ sang Mỹ để tìm «tự do». Bên cạnh Mai Thảo, Nhật Tiến cũng công khai ủng hộ Khánh Trường. Lập trường giao lưu của Nhật Tiến ai cũng rõ. Đó là hai nhà văn đàn anh, đứng đằng sau Hợp Lưu, trụ đỡ Khánh Trường trong những ngày sóng gió. Phía chống Hợp Lưu, cũng không thiếu những cây đa cây đề. Mai Thảo sang Paris cùng với Khánh Trường, để ra mắt Hợp Lưu số 1.
07 Tháng Giêng 202510:28 CH(Xem: 636)
Anh với tình quên cả rừng thơ / Dỗ trái tim trở chứng dại khờ / Tập ảnh cũ nụ cười ở lại / Con đường về xốc nổi lời ca
07 Tháng Giêng 20259:23 CH(Xem: 787)
đưa em qua ngõ phù vân / kịp mùa xuân chạm đến gần nở hoa / anh đi mang nặng tính nhà / gởi theo hương tóc phồn hoa giữa trời /
07 Tháng Giêng 20259:15 CH(Xem: 800)
không hẳn là nhớ, không hẳn thương / chỉ một chút vấn vương / những mảnh rời rạc của giấc mơ rất ngắn / không phải Hồ Gươm hay cầu Thê Húc / nhưng là con đường dốc đưa lên đỉnh Phượng Hoàng / mây trắng và cơm lam / tiếng cười cao và trăng hoa đáy mắt /
07 Tháng Giêng 20258:42 CH(Xem: 405)
Nắng ươm cánh mai vàng lên mùa tươi mới / những cánh én mang tới niềm vui mùa Xuân / vườn xanh muôn hoa đơm mật ngọt / mê mẩn bướm, ong lơi lả hương ngần /
06 Tháng Giêng 202510:10 CH(Xem: 695)
Mười lăm năm trước, vào cuối mùa thu, tôi có chuyến đi đến sa mạc Sahara ở Maroc. Tôi đã mang trong mình "cảm giác sa mạc" trước và trong khi viết tập thơ SA MAC (1975). Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư Dr.-Ing. tại Viện Đại học Kỹ Thuật Stuttgart, tôi đã có một chuyến đi dài ngày xuyên nước Mỹ vào năm 1977 để xem liệu mình có thể định cư, làm việc và sinh sống ở đó hay không. Trong suốt hành trình dài xuyên Bắc Mỹ, cảm giác về cuộc sống sa mạc dần dần mạnh mẽ hơn trong tôi.Tôi trở về Đức, nơi tôi sống và học tập từ năm 1967. Tôi sống từ đó cho đến ngày nay (2025). Tôi bắt đầu làm quen với triết học và âm nhạc Đức từ rất sớm, khi mới 16-17 tuổi. Trên thực tế, Heidegger và Bach là lý do khiến tôi học ở Đức chứ không phải ở Pháp, Anh hay Mỹ...
06 Tháng Giêng 20252:41 SA(Xem: 752)
Nhớ anh đi lạc trong Thung Mây / Làm sao ra thoát khỏi anh đây / Sương mù dày đặc trong tâm thức / Rượu cần không uống mà em say
03 Tháng Giêng 20256:27 CH(Xem: 484)
Yosano Akiko (1878-1942) là nhà thơ, nhà cải cách xã hội và nhà nữ quyền tiên phong Nhật Bản. Bà được ngưỡng mộ như là nữ thi sĩ lớn nhất nhưng gây tranh cãi nhất của Nhật Bản thời hiện đại. Bà đóng góp một phần lớn trong việc cải cách thể thơ tanka phổ biến với lịch sử trên 12 thế kỷ thành một thể thơ hiện đại. Những bài thơ dưới đây là từ tuyển tập thơ “Tóc Rối” (Midaregami) qua bản dịch tiếng Anh của Roger Pulvers. Đây là tập thơ đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất của bà được xuất bản năm 1901 khi bà mới 23 tuổi và nó gây một chấn động văn hóa lớn.
03 Tháng Giêng 20253:32 CH(Xem: 883)
Hoang vu rất mực áo dài / Lên núi ngồi thở tóc mai bệt hồng / Nàng chưa từng thấy sương không / Hồn tôi mộ địa đã thông suốt trời / Chuông đồng lệch tiếng kinh rơi /