- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ALEJANDRA PIZARNIK, ĐÊM & TÌNH YÊU

18 Tháng Năm 20189:51 CH(Xem: 22089)


pizarnik-alejandra-3

Trong nền thi ca của thế kỷ 20, Alejandra Pizarnik là một huyền thoại, không phải vì nàng là nhà thơ nữ vắn số tự kết liễu đời mình khi mới 36 tuổi – nhưng vì sức mạnh của ngôn ngữ nàng, tiếng nói của những “người đàn bà cô đơn, trống trải” đi ngược dòng thời đại.

 

Những người đàn bà cô đơn trong hoang vu ra đời bằng từ ngữ, hình ảnh, từ đó trở thành những chủ đề trong thơ văn của nàng. Sinh, tử, giấc ngủ, nỗi kinh hoàng, đêm tối - nàng kiệt sức kết hợp chúng lại với nhau bằng một sự tín ngưỡng tuyệt đối dành cho ngôn ngữ, cùng lúc vô tình đánh thức một mảng nghi ngờ ngày một lớn dần trong tâm tưởng của chính mình, và có lẽ, tên gọi thích hợp duy nhất cho sự hiện diện của mảng trống này là: sự vắng mặt.

 

“Alejandra Pizarnik, chỉ nhắc đến tên nàng gợi lên một không gian rung động của thi ca và huyền thoại. Một khúc ca cực đoan và một bi kịch.” (Luis Chitarroni). Nhiều người khác cùng thời thường xuyên nhắc đến nàng với nhiều mẩu chuyện khác nhau, thổi xa những bí tích về nàng, nữ kiệt của thi ca, vượt lên trên tất cả, độc giả yêu thơ nàng nhận ra trong nàng tính chất của Lautréamont và Artaud, nhận ra trong nàng một nhà thơ thường xuyên đi ra đi vào địa ngục.

 

Giai thoại về nàng đi sâu vào tuổi trẻ vì họ khám phá ra rằng có một thời điểm trong văn học khi những người cầm bút là những nhân vật ẩn hình trong bí tích: lập dị, phức tạp, khó hiểu; họ là những người của một thế giới khác, cầm bút viết không phải như một công việc từ một bàn giấy, ngược lại, nàng viết “để né tránh nỗi sợ hãi”:

pizarnik-front

 

“...Tôi quen thuộc với mọi loại sợ hãi

Tôi biết thế nào là bắt đầu ca hát

và chắp cánh vượt qua ngọn núi hẹp

xuyên qua những lối đi

để rồi trở lại với bản thân xa lạ,

kẻ tha phương ngay trong chính lòng mình...”

(“Đôi mắt Nguyên Sơ”, A Musical Hell)

 

Đối với kẻ hâm mộ, nét độc đáo của Pizanik được gói ghém qua con người và đời sống bí ẩn của nàng, nàng viết ban đêm, viết về đêm và vần thơ của nàng là những bài dạ khúc không ngần ngại ngân nga giai điệu của đêm tối và bi kịch, ở sát mé bờ vực, ở ngoài vòng an toàn, ở một nơi nguy hiểm mà những nhà thơ nữ cùng thời với nàng thường tránh né.

 

Thế giới của Alejandra Pizarnik là hình ảnh của những đêm tối huyễn hoặc; những mặt trái của sự việc; nét bi quan trong tâm tưởng; sự tinh khiết của thơ văn; nghệ thuật kết hợp (một số từ ngữ điển hình giới hạn trong thi ca của nàng đưa nàng trở về im lặng và tự sát); chủ nghĩa siêu thực; những bài thơ tối giản bỏ rơi đột ngột, những bài thơ nàng cho rằng người đọc sẽ tự tìm đoạn kết; Arthur Rimbaud, ý tưởng giết mặt trời để hoàn trả lại ngôi vị của đêm; thuốc kích thích và thuốc chống trầm cảm; Lewis Carroll qua tấm gương soi; những bé gái mở lòng vào cuộc đời rồi đóng chặt tâm hồn; quyền lực đen tối của sự non nớt; nghệ thuật của Janis Joplin người mà nàng so sánh mình trong những dòng thơ:

 

“người phải khóc la

cho đến khi người quỵ ngã,

để hát lên hay chỉ để bật ra tiếng,

phải khóc la cho đến khi

lắp đầy những lỗ sâu của sự vắng mặt,

đó là điều người và tôi đã làm.”

 

Xanh xao, non nớt, tối đen, u uẩn, nàng tạo ra một sức quyến rũ không thể cưỡng nỗi, cùng lúc nàng đưa vào nền thi ca đương thời những dạ khúc dị biệt. Thơ nàng như bài nhạc, có những nốt khiến người nghe cảm giác hụt hẫng, lại có lúc khiến người ta ngẩn ngơ chờ đợi một chuyển tiếp không đến, có khi tràn lan, đôi khi mất hút, như con người và thế giới của nàng, trong sáng và tối tăm, ngây thơ và già dặn, tràn ngập và trống vắng, “không hẳn sẽ xảy ra, không hẳn không xảy ra.”

first-book

 

Alejandra Pizarnik ra đời năm 1936 tại Avellaneda, Argentina, là con gái của đôi vợ chồng di dân người Nga gốc Do Thái, tị nạn cộng sản và phát-xít. Vào năm 1955 tại Buenos Aires, nhà xuất bản Botella al Mar phát hành tập thơ đầu tiên của nàng “The Most Foreign Country”, Pizarnik nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay này, khi mới 19 tuổi. Những nhà phê bình thời đó cho rằng Pizarnik cũng như các nhà thơ lãng mạn khác như Antonin Artaud lúc bấy giờ đã bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị sang “phía bên kia”. Một số nhà phê bình gọi nàng là “kẻ mộng du trên bờ vực ”, đến một nơi mà “đêm là sự sống và mặt trời là sự chết”, hay tìm sang “phía bên kia của đêm, nơi tình yêu là khả thể.”

 

Vào những năm 1960 đến 1964, khi học văn chương Pháp tại Sorbonne, Paris, và làm việc trong bộ biên tập Les Lettres Nouvelles, Pizarnik có dịp trao đổi và quen biết với nhiều tên tuổi lớn trong văn giới Tây Ban Nha như Octavio Paz và Julio Cortázar, cũng như các ngòi bút siêu thực Pháp đương thời như André Pieyre, người đã viết cho nàng sau khi đọc tập thơ “Extracting the Stone of Madness” rằng: “Tôi yêu lắm những bài thơ của bạn: tôi mong bạn viết thật nhiều, thật nhiều bài thơ nữa để chúng tiếp tục gieo rắc tình yêu và nỗi khiếp đảm khắp nơi.”

 

Như bài “Kẻ hát đêm” tặng cho Olga Orozco với hình ảnh sống của sự chết, Pizarnik viết:

 

“Nàng người đã chết trong chiếc áo đầm xanh đang cất tiếng hát. Bài ca của nàng cất lên âm hưởng của sự chết. Nàng hát vang dưới ánh mặt trời về cơn say nghiện của chính mình. Bên trong bài ca là chiếc áo đầm xanh, con ngựa trắng, trái tim màu lá cây xâm màu sẫm úa của trái tim từ lâu đã ngừng đập.”

 

Phải chăng tình yêu và sự khiếp hãi là xu hướng dẫn đến sự im lặng cuối cùng.

 book-combined

Pizarnik ra mắt tập thơ Diana’s Tree vào năm 1962. Trở về Buenos Aires năm 1964, nàng tiếp tục viết tập thơ A Musical Hell cùng lúc những bóng ma tâm thần bắt đầu ra đời. Nhiều năm tiếp tục viết lách, chữa trị và nhiều lần cố ý uống thuốc quá liều, cùng với chứng mất ngủ triền miên hằng đêm đưa nàng lạc vào những nơi chốn chỉ có nàng nhìn ra: “một hứa hẹn không mấy xa đoạn kết.”

 

Khi những lời thơ sau được tìm thấy trên bảng đen ở phòng làm việc của nàng: “tôi muốn đi / không kể nơi nào / xuống tận cùng chiều sâu...”, Pizarnik đã thật sự ra đi. Người lữ hành trẻ cuối cùng đã “đặt thân thể cùng chiều ánh sáng”. Nàng đã đi xa, nhưng những âm điệu dạ khúc của nàng vẫn tiếp tục ngân vang:

 

“...Cuộc sống, này cuộc sống thân mến,

hãy tự ngã xuống.

Hãy tự thắt mình vào ngọn lửa,

vào sự im lặng khờ khạo, vào những tảng

đá xanh trong căn nhà đêm.

Hãy tự ngã xuống...”

(Diana’s Tree, 1962)

 

Hòa Bình Lê (tổng hợp và phỏng dịch)

 
diana-s-tree-wall-painting-2

 

******

 

Diana’s Tree

 

Alejandra Pizarnik. 1962

Hòa Bình Lê phỏng dịch

 

1.

Tôi đã bước khỏi bản thân mình đến bình minh

đặt thân thể cùng chiều ánh sáng

cất khúc sầu tẻ của kẻ vào đời

 

 

2.

Vài phiên bản khả thi:

một hố sâu, một bức tường run rẩy...

 

 

3.

chỉ là cơn khát

sự im lặng

không một giao chạm

 

hãy để ý đến tôi, này người yêu

để ý đến người đàn bà lặng câm trong sa mạc

kẻ lữ hành với chiếc ly rỗng

bóng của chiếc bóng.

 

 

4.

Rồi đây ai sẽ ngưng tay đào bới vết tích người

con gái đã chìm vào lãng quên?

Gió sẽ trả giá. Mưa sẽ trả giá.

Cả cơn buốt lạnh. Và sấm chớp nữa.

 

 

5.

chỉ vì một khắc sống ngắn ngủi

một lần duy nhất mở mắt

một phút nhận ra bông hoa trí tuệ

vũ điệu của chữ nghĩa trong miệng người câm

 

 

6.

nàng thoát y trong thiên đường ký ức

không mảy may biết gì về định mệnh tàn bạo

của viễn cảnh trước mắt

làm sao nhận diện được tên gọi của những gì

không hiện hữu.

 

 

7.

Lướt nhẹ nhàng như mây, áo xiêm nàng bốc cháy,

từ ngôi sao đến ngôi sao,

bóng nhập vào bóng.

Nàng ra đi

xa xôi vào cái chết,

thủy chung cùng cơn gió.

 

 

8.

Một ký ức bật sáng, một tàng viện ám bởi

chiếc bóng của sự chờ đợi.

Không hẳn sẽ xảy ra. Không hẳn không xảy ra.

 

 

9.

Các di thạch tỏa sáng trong đêm

những từ ngữ như những viên ngọc

trong cổ họng sống của loài chim hóa đá

xanh màu ngọc bích

bạc màu tím nhạt

trái tim này có là gì ngoài

ẩn khúc

 

 

10.

một cơn gió thoảng

chở đầy những khuôn mặt đã gấp lại

được cắt xén thành hình dạng để yêu

 

 

11.

lúc này

vào giờ phút vô tội này

tôi ngày trước đang ngồi với tôi ở đây

cùng hướng về phía ngoài tầm

 

 

12.

không còn nữa những biến chuyển dịu ngọt của

người con gái mộng du trên lằn ranh giữa

bến bờ và sương mù,

tỉnh dậy vươn mình hít thở

như bông hoa mở nhụy hứng gió.

 

 

13.

giải thích bằng từ ngữ của thế giới này

con thuyền đã giương buồm bỏ tôi ra đi

mang hồn tôi theo đó

 

 

14.

Bài thơ tôi không viết,

con người tôi không xứng đáng.

Nỗi sợ hãi khi cả hai cùng lộ diện

ai đó trong gương

ăn ở trong tôi

đang hút tỉa tôi.

 

 

15.

Tôi thèm được quên

ngày giờ mình sinh ra đời.

Tôi thèm không còn phải chơi trò

đóng vai người mới đến.

 

 

16.

ngươi đã xây xong căn nhà

đã chắp lông gắn cánh

đánh bại giông tố

bằng xương cốt của chính ngươi

 

tự ngươi đã hoàn tất

thứ mà chưa ai từng khởi sự

 

 

17.

Những ngày khi một từ ngữ xa lạ xâm chiếm.

Tôi trôi qua những ngày này,

mộng du và trong suốt.

Con búp bê lên dây cót tự hát cho chính mình,

tự quyến rũ mình, kể cho mình chuyện này

chuyện nọ: một cái tổ chằng chịt nơi tôi

nhảy múa và than khóc tại vô số đám tang của

bản thân (cô nàng là tấm gương sắt bén của chính mình, là hình tượng giữa đám lửa trại lạnh ngắt, là yếu tố huyền bí, là cuộc ngoại tình với những danh xưng thai nghén dưới vòm đêm.)

 

 

18.

như bài thơ nhận ra

trạng thái im lặng của sự vật

người cất tiếng như thể không trông thấy ta

 

 

19.

khi người nhìn thấy cặp mắt này

ta đã xâm vẽ nó

 

 

20.

tặng Laure Bataillon

 

nàng nói nàng không biết nỗi sợ hãi của cái chết của tình yêu

nàng nói nàng sợ cái chết của tình yêu

nàng nói tình yêu là cái chết là sợ hãi

nàng nói chết là sợ là yêu

nàng nói nàng không chắc

 

 

21.

tôi được sinh ra quá nhiều lần

và chịu đựng gấp đôi

trong ký ức nơi này nơi kia

 

 images-5-

22.

giữa đêm

có tấm gương cho đứa con gái đã lìa đời

tấm gương dựng lên từ tro tàn

 

 

23.

quang cảnh từ những khe vách hẹp

có khi là tầm nhìn thế giới

 

nổi loạn có nghĩa nhìn chăm chăm vào

một bông hồngcho đến khi

cặp mắt trở thành cát bụi

 

 

24.

sau khi xem tranh Wols

 

những sợi chỉ chắn giữ những chiếc bóng

buộc chúng vào hiện thân của im lặng

những sợi chỉ trói tầm nhìn vào tiếng nấc

 

 

25.

sau buổi triển lãm của Goya

 

một lỗ trống trong đêm

thiên thần đột nhiên xâm nhập vào

 

 

26.

sau khi xem tranh của Klee

 

khi lâu đài của đêm

bừng sáng rạng ngời

chúng ta sẽ xoay vần những mảnh gương

cho đến khi đầu ta ngân vang khúc tụng niệm

 

 

27.

bình minh lướt qua những khóm bông

để lại tôi say trong không cùng và trong

vầng sáng nhạt --

say trong bất động và chân lý

 

 

28.

người dấu mình trong những danh xưng

len qua sự im lặng của sự vật

 

 

29.

Tặng André Pleyre de Mandiargues

 

Ở đây bạn sống với một tay đè lên cổ mình.

Sự thật rành rành không có thứ gì là khả dĩ --

đấng tạo giông tố biết rõ điều này, cũng như kẻ nhào nặn ngôn ngữ

từ nỗi đau của sự vắng mặt.

Bởi lẽ lời cầu nguyện của họ nghe tựa những bàn tay

say hứng sương rơi.

 

 images-6-

30.

giữa trời đông huyền bí

vẳng điếu khúc của đôi cánh trong mưa

những ngón tay sương nhớ nước

 

 

31.

 

Điều này có nghĩa nhắm mắt lại

và thề không mở ra,

khi bên ngoài người ta sống nhờ

thời gian và hoa trái

ươm từ trí tuệ của bạn.

Nhưng với cặp mắt khép kín, và

sức chịu đựng ngoại hạn,

chúng ta vỗ về những tấm gương

cho đến khi

từ ngữ chôn sâu bật dậy

như đám thần chú.

 

 

32.

Chốn của sự lây nhiễm

nơi người đàn bà trong giấc ngủ

dần dà ăn sống

trái tim đêm

của mình.

 

 

33.

Tặng Ester Singer

 

một ngày nào đó

một ngày một lúc nào đó

tôi sẽ bỏ đi không nán lại

đi như một kẻ phải ra đi

 

 

34.

người lữ hành trẻ

chết khi giải thích về cái chết của mình

 

các loài vật nuối tiếc

ghé thăm thân thể nàng còn ấm

 

 

35.

Cuộc sống, này cuộc sống thân mến,

hãy tự ngã xuống,

hãy để mình tổn thương,

hỡi tình yêu, hãy tự thắt mình vào ngọn lửa,

vào sự im lặng khờ khạo,

vào những tảng đá xanh trong căn nhà đêm,

 

tình yêu của ta,

hãy tự ngã xuống,

tự biết đau thương.

 

36.

For Alain Glass

 

trong chiếc lồng thời gian

người đàn bà ngủ mê trở cặp mắt cô đơn của mình

gió gởi cho nàng

lời an ủi mơ hồ của đám lá

 

 

37.

vượt ngoài phạm vi mỗi vùng cấm

là tấm gương soi thấu sầu muộn

 

 

38.

 

Bài ca sám hối trở dậy

canh gác từng lời thơ tôi

chống đối lại tôi

trả tôi về

lặng thinh.

 

 

Diana’s Tree

Alejandra Pizarnik. 1962

Hòa Bình Lê phỏng dịch

 trezos-ilustracion-1024x751

Diana’s Tree: Pizarrnik xuất bản tập Diana’s Tree năm 1962. là tập thơ thứ tư, Diana’s Tree đã thay đổi và tạo ra một vị trí mới cho tên tuổi của nhà thơ, với những lời thơ chín mùi chưa từng có. Tập thơ được xuất bản với bài giới thiệu của Octavio Paz., ông viết: “Diana’s Tree là một giống loài trong suốt và không tỏa bóng. Loài này tự tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, thứ ánh sáng chập chờn, ngắn ngủi... Và khi được đặt dưới ánh nắng, Diana’s Tree tự chiếu sáng và phản chiếu ánh sáng rực rỡ của chính mình vào một tâm điểm gọi là thi ca, nơi hơi nóng sáng của nó có sức mạnh đốt cháy, tỏa mùi, thậm chí làm bốc hơi những tấm lòng hoài nghi.”

 

Sau khi tập thơ này ra đời, Alejandra Pizarnik sống thêm 10 năm. Khi bà tự tử vào tuổi ba mươi sáu, các nhà phê bình thời đó đã bắt đầu so sánh bà với Sylvia Plath, và đặt quan hệ từ sự ảnh hưởng thơ văn của bà với Arthur Rimbaud và Paul Celan.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4740)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20235:59 CH(Xem: 4706)
Em có buồn khi phải chia tay / Làm sao quên được phút giây này / Ngày mai tôi chết ai còn nhớ / Mộng đã không thành mây vẫn bay
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3873)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:51 CH(Xem: 4474)
sáng mùa đông ta đi tản bộ / cỏ cây còn đẫm lạnh hơi sương / ta đi mà vẫn chưa về đến / đất cũ quê nhà chốn cố hương
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3590)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
24 Tháng Mười 20232:52 CH(Xem: 4696)
bởi mùa thu chỉ là hoàng hôn bên cửa / bên ngoài sân ga / mà tôi bỏ quên dấu tay chưa che lại / của giọt sương mai trên mái tóc buông dài / cho thêm dỗi hờn lên ngực / đã ngủ say khi cơn mưa vừa thức / lắng nghe âm thanh của ký ức mịt mù / khi rừng vừa bị đốn sạch / chôn trọn mối tư tình vào hoang phế mùa thu
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4203)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4140)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 4509)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 4713)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…