- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ô CỬA HẸP

04 Tháng Năm 20181:31 CH(Xem: 22582)

Photo-Marvin
YK Đỗ - Photo by Marvin

 

 

Nàng đứng tựa bên cửa sổ. Đầu hơi chồm về phía trước. Bên ngoài tấm kính dày hai ly là những đám mây đang trôi nặng trịch trên bầu trời vần vũ cơn giông. Nàng không nói. Thỉnh thoảng húng hắng ho rồi khịt khịt cái mũi đang cảm cúm. Nàng cứ giữ yên tư thế đó hết phút này sang phút khác, giờ này sang giờ khác. Tôi cứ ngỡ chân nàng đã bị chôn cứng dưới sàn căn gác gỗ và đôi tay nàng không thể dịch chuyển khỏi khung cửa dù chỉ một ly. Hơi thở nàng có lúc đứt quảng. Hình như hai hàng mi dài khẽ động đậy. Mắt nàng vẫn đang nhìn và quan sát mặc dù trước mặt luôn là cây bàng trơ lá cùng với dòng kênh quanh năm tanh nồng mùi bùn non.

 

Tôi nằm trên giường, chính xác là trên tấm nệm dày một tấc rưỡi trải tấm ga màu xanh cốm ngọt lịm. Tôi chỉ khẽ liếc nàng mỗi bận tivi chuyển sang các mẫu quảng cáo nhăng nhít. Rõ ràng nàng sẽ cảm thấy nhồn nhột từ phía sau vì nàng vốn là người nhạy cảm. Nhưng hôm nay tuyệt nhiên nàng không động đậy hay nói đúng hơn mặc dù tôi cố gây ra sự chú ý nhưng nàng vẫn phớt lờ. Nàng đang bận đuổi theo những ý nghĩ về người đàn ông nằm trên tấm nệm dày một tấc rưỡi phủ tấm ga màu cốm xanh.

 

Nàng lại ho. Đôi bàn tay ôm lấy khuôn ngực. Tôi xót xa ngắm nàng run rẩy: “Em ngồi xuống đi”. Nàng không trả lời, chỉ lắc đầu. “Em đang ho đấy. Cửa sổ gió lạnh”. Nàng vẫn không hưởng ứng, ngay cả cái lắc đầu cũng tiết kiệm. Tivi chuyển sang phần tin thể thao, cái mà nàng và tôi đều đặc biệt quan tâm. Tôi thầm mong nàng sẽ quay đầu lại liếc lên màn hình nhưng nàng vẫn trơ như đá. Tai nàng lắng nghe, mắt nàng thì không mảy may ngó lại. Tôi thất vọng lên tiếng: “Này em, đứng đó làm gì. Ngồi xuống đây”. Lần này xem ra có chút tác dụng vì nàng đã chuyển trạng thái đứng tựa cửa sổ bằng việc ngồi xuống chiếc nệm và tất nhiên lưng vẫn quay về phía tôi, lạnh lùng.

 

Chiếc nệm này đã từng chứng kiến ít nhất năm lần tôi với nàng âu yếm nhau. Những lần như thế nó lại lún xuống rồi phát ra những âm thanh kì quặc. Không hiểu sao, càng nghe lại càng như nghiện. Thậm chí hôm nào không có nó, tôi lại trở mình liên tục vì nhớ mùi da thịt, mùi tóc ướt đầm mồ hôi và mùi ngăn ngắt không thể gọi thành tên. Nàng hay nhắc tôi giặt ga mỗi tuần vì nàng không thể chịu được cảm giác nằm cạnh người yêu trên một tấm ga nhăn nhúm. Thường thì sau những giờ stress ở sở làm, nàng hay vùi đầu vào vòng tay mở rộng của tôi kể lể đủ chuyện. Những lúc ấy trông nàng giống con mèo con mắc mưa, tội nghiệp. Nhưng khi nàng tiếp chuyện với mấy tay nhà báo, nàng bỗng biến thành con cáo sẵn sàng nuốt chửng những chùm nho ngon ngọt. Tôi thường tự nhắc nhở mình phải xem những chuyện đó thật bình thường vì đó là công việc của nàng nhưng thú thật là tôi khó chịu. Chuyện gì tôi cũng có thể tin nàng trừ chuyện nàng sẽ thay đổi cách nói chuyện với mấy gã nhà báo trẻ mê ngọt.

 

Nàng nhỏ hơn tôi 6 tuổi. Cái thời tôi học lớp một thì nàng chỉ vừa mới chào đời. Khi tôi vào đại học, bắt đầu biết yêu thì nàng chỉ mới là cô bé cấp hai, đi học vẫn phải có người đưa đón. Thời ấy, cái thời tôi yêu, nàng ở đâu đó trong cái đất nước nhỏ bé này. Nàng sẽ mặc váy xanh, áo trắng có thắt nơ, lưng mang ba lô hình thuỷ thủ mặt trăng. Tôi thì quanh năm bạc phếch quần bò, tóc tai dài thòng, lưng vác mấy cái giá vẽ từ góc chùa này đến góc nhà thờ khác. Sau lưng tôi là cô bạn học cùng khoá với nước da đặc trưng con gái Hà thành, sóng mũi cao, cặp chân dài sẵn sàng dũi ra cho tôi tựa đầu tìm cảm hứng hội họa. Chúng tôi yêu nhau suốt năm năm mài nhẵn ghế Đại học Mỹ thuật. Có nhiều lúc tôi cứ ngỡ cô ấy là cây bút sắt hiệu pentel hay hộp màu đắt tiền mà tôi đã may mắn sở hữu. Thế nên sẽ chẳng có thằng sinh viên nào đủ khả năng để mắt tới, huống chi là sử dụng. Tất nhiên, cô ấy luôn tự hào khi được trở thành người yêu của tôi. Dễ gì kiếm được một thằng đàn ông vừa vẽ ra những bức tranh tê người, vừa lạnh lùng, vừa mãnh liệt, vừa biết cách làm cho phụ nữ chạy theo một cách tự nguyện. Chúng tôi yêu nhau thật lòng. Tôi hay nói với cô ấy, tôi sẽ làm thật nhiều tiền, sắm thật nhiều xe hơi, xây thật nhiều nhà cao tầng và đẻ thật nhiều những đứa con cũng biết biến kiến thức thành tiền như bố mẹ chúng. Mỗi lần như thế, cô ấy lại cười, nụ cười tin tưởng tuyệt đối vào anh chàng người yêu 20 đang… trắng tay.

 

23, tôi tốt nghiệp loại trung bình. Mấy ông thầy được mệnh danh là hoạ sĩ già không thể nào cảm được tác phẩm đầy sáng tạo của thằng đàn ông 23 hừng hực sức sống. Tôi quyết định ôm tác phẩm của mình vào Sài Gòn sau hai năm lăn lóc ở năm cái công ty lớn nhỏ trên đất Hà. Trước ngày tôi đi, cô người yêu khóc ướt đẫm vai áo. Chúng tôi chẳng nói với nhau được gì ngoài lời hứa “Anh sẽ thường xuyên liên lạc với em”.

 

Khi tôi đặt chân vào Sài Gòn, nàng vừa tròn 17. Nàng đã bắt đầu biết làm điệu. Nàng hay ngồi thẫn thờ vì tiếng đàn của anh chàng chung lớp cho đến khi nàng phát hiện ra hình như người đàn ông của nàng thuộc một hình mẫu khác, đó là thời điểm nàng bước qua tuổi 19. Đó cũng là thời khắc gia đình hối thúc tôi trở về cưới vợ. Trong chuyến tàu ra lại Hà Nội chuẩn bị cho đám cưới, tôi cứ bị ám ảnh bởi mấy cái hợp đồng đang dang dở. Tôi nhớ tới chỗ ngồi mát lạnh mỗi sáng, khi cô thư kí bảo “tranh của anh vừa được ngã giá” thì trong tích tắc tôi có thể biết nó đáng giá bao nhiêu. Nhưng giờ tôi đang trên đường trở về để cưới vợ. Cưới vợ có nghĩa là chấm dứt cuộc sống bay nhảy, chấm dứt dự định mua nhà, mua xe và thành lập một công ty chuyên cung cấp những bức tranh tê người. Nhưng tôi không thể nhảy xuống máy bay để quay lại vì giờ đây trước mặt tôi là cô người yêu, mà không, là người tôi sắp cưới làm vợ. Cô ấy nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy tôi, còn tôi cũng cười nhưng nụ cười như bị dính chặt vô môi bởi loại keo màu đắt tiền nào đó.

 

Những ngày sau đó, chúng tôi bận rộn chuẩn bị cho lễ cưới. Hầu như thời gian không có để tôi và cô ấy trò chuyện với nhau. Hình như, người ta sẽ chẳng cần nói gì khi tin rằng người trước mặt mình sẽ thuộc về mình và phải chăng đó là sai lầm chung của đàn bà, luôn tin tưởng một cách mù quáng đến phát rồ. Khi ngày cưới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi bắt đầu hoảng sợ. Sợ gặp cô vợ sắp cưới, sợ đối diện với hàng tá lời chúc mừng của bạn bè, dòng họ. Tôi vùi đầu vào rượu chè, be bét đến gần sáng và ngủ vùi cho hết trưa hôm sau. Bố tôi ngây thơ cho rằng con trai của ông đang rơi vào tâm trạng chuyển giai đoạn sang đàn ông nên cứ để cho nó tung hoành mấy ngày còn lại. Ông hoàn toàn không thể tưởng tượng tôi đang muốn bỏ chạy, chạy thật xa, trốn khỏi cái trách nhiệm trở thành chồng.

 

Cuối cùng thì tôi cũng thu hết can đảm để thú nhận với bố rằng tôi không thể cưới vợ trong lúc này. Bố tôi bất động trên ghế, liền sau đó tôi thấy mặt mình nóng bừng lên mới biết chính là cái tát của ông dành cho tôi sau 25 năm. Dù thế nào thì điều đó cũng nhẹ nhàng hơn việc tôi phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của cả dòng họ. Những ngày tiếp theo gia đình tôi sống trong địa ngục. Cái địa ngục ấy bao trùm cả dòng họ cô vợ hụt. Hai bên gia đình hết mực khuyên tôi đừng huỷ hôn. Họ vạch ra cho tôi những lối đi, nào là hai vợ chồng sẽ vào SG sinh sống, sẽ góp vốn cho tôi mở công ty. Nhưng khi ấy, điều tôi khao khát duy nhất chỉ là hai chữ “tự do”.

 

Tôi trở lại SG vào một ngày sau Tết. Trên chuyến tàu hôm ấy, tôi gặp em. Tôi viết về em như thế xem ra không phù hợp vì em hay đùa em chính là số phận của tôi; mà nếu đã là số phận thì làm sao có thể nói một cách đơn giản là “tôi gặp em” được. Mặc! Em nhỏ hơn tôi 4 tuổi nhưng cách nói chuyện lại đang muốn thể hiện hơn tôi cái đầu. Em lý luận nhiều, thường hay thích đón đầu suy nghĩ người khác và luôn chứng tỏ sự tự tin của mình một cách kiêu ngạo. Chuyến bay từ HN vào SG đủ để tôi biết em đang làm gì? Ở đâu? Hoàn cảnh gia đình thế nào? Trước khi chia tay, em đầm ấm: “Khi nào cần thì gọi em nhé”.

 

Tôi đã không gọi em như những thằng đàn ông khác hay làm vì tôi thấy không cần và thời gian cứ thế trôi đi. Có thể một lúc nào đó, em sẽ trông thấy tôi với chiếc vespa cổ thấp thoáng bên nhà thờ Đức Bà hoặc thoảng chừng, em sẽ lướt qua tôi trong dòng người đông đúc một buổi thứ 7 đẹp trời nào đó. Thế nhưng như lời em nói, tôi chính là số phận của em nên em không dễ gì “bỏ qua”. Em chủ động gọi và mời cà phê, lí do là để xem anh chàng HN sống sao trong cái đất SG này.

 

Sau vài cuộc hẹn hò, vài chục tin nhắn, vài trăm cuộc gọi, bất ngờ có, sắp đặt có, tôi và em chính thức yêu nhau. Khi ấy, vết thương “huỷ hôn” trải qua cơn đau 13 tháng. Tôi chẳng có gì phải giấu em về việc tôi đã từ bỏ người phụ nữ yêu tôi suốt 5 năm trời. Giờ thì tôi đã tìm được câu trả lời cho “tình huống” này, về sau tôi nghiệm ra rằng, mình gặp khá nhiều “tình huống” trong cuộc đời mà trớ trêu thay mọi lời giải đều giống nhau, đó là “tôi yêu bản thân tôi nhiều hơn mọi thứ”.

 

Những ngày tháng đầu khi chúng tôi yêu nhau, cả hai hoàn toàn hài lòng với những gì mình có: tình yêu, công việc… mọi thứ đều đang chạy tốt về phía trước. Tôi dự định, (những dự định như thế thường ập đến trong lúc tôi hưng phấn), sẽ cưới em khi chúng tôi tích trữ được một số tiền kha khá. Mặc dù em thuộc tuýp người phụ nữ không thích ràng buột nhưng em đã đồng ý chọn tôi là người đàn ông cuối cùng. Nhiều lúc tôi cũng tự cười vào mũi mình vì tin vào mình nhiều quá. Tôi tin là em sẽ vì tôi mà chui vào bếp, vì tôi mà đụng tay đụng chân vô những chuyện vặt của gia đình, vì tôi mà sinh con v..v.. Sau này khi có nhiều “tình huống” (lại là tình huống) xảy ra, tôi mới nhận ra mỗi người đều thương bản thân mình hơn cả, đó là cái thuyết sẽ đúng trên mọi phương diện và mọi thời gian.

 

Khoảng thời gian tiếp theo, tôi hùn vốn mở công ty với thằng bạn. Em nhảy vèo từ cô thư ký chạy việc lên trợ lí giám đốc và bận bịu với những cuộc quảng bá sản phẩm mới, những chuyến công tác xa. Thằng đàn ông của tôi cứ gặp công việc là lao đầu vào, thậm chí mãnh liệt hơn cả lao đầu vào em mỗi lần cao hứng. Hình như em chưa bao giờ hiểu được điều đó. Hay nói đúng hơn em không thể tượng tượng một người hoạ sĩ khi tập trung vào công việc thì sẽ như thế nào. Phụ nữ đối với họ khi ấy vô nghĩa ra sao. Em bắt đầu phàn nàn về những tối tôi ở lại công ty đến gần 11 giờ đêm, những bữa tối em phải la cà với bạn bè thay vì được người yêu đèo đi dạo phố. Tôi thuộc dạng không có thói quen chiều chuộng phụ nữ, việc gửi hoa, tặng quà hay một tin nhắn khiến các cô bủn rủn tay chân không thuộc trường phái của tôi. Bù lại những điều đó, em cũng có nhiều việc phải quan tâm, những cuộc hẹn với khách hàng, đối tác, những gã chỉ có thể uống Hennessy và ăn nhà hàng chuẩn. Có nhiều đêm, tôi đón em với đôi vai nặng trịch, ngà say và thoảng mùi rượu mạnh. Em uống rất khá. Thường thì không bao giờ say trước mặt đàn ông. Thế cho nên, tôi không quá lo lắng em sẽ bị thế này thế kia vì em tự tin những thứ đó đều là chuyện nhỏ, em có thể kiểm soát được.

 

Thế nhưng những cái em tự tin kiểm soát được đều có thể đúng, và em sai duy nhất một trường hợp rất nặng nề, cả cuộc đời, đó là tôi - Người đàn ông của em. Sau những cuộc cãi vã, tranh luận về quan điểm, tôi không thể nào tiếp tục yêu em, hay nói đúng hơn là tôi sợ lặp lại chuyện huỷ hôn một lần nữa vì lần này tôi không đủ tự tin sẽ giải quyết mọi chuyện một cách ít gây ảnh hưởng nhất. Em bị sốc. Lẽ dĩ nhiên vì trước đó không lâu tôi còn ủng hộ em số tiền khá lớn mua một miếng đất ngoài quận 9. Tôi tránh gặp em suốt những ngày sau đó, không bắt điện thoại, không trả lời tin nhắn, không đọc email… Với tính cách của em, em không thể nào để yên mọi chuyện. Em tìm mọi cách để gặp tôi. Tôi chuyển nhà trong tận cùng ngõ hẻm em cũng tìm ra. Em khóc lóc, van xin rồi chuyển sang hăm dọa, nhắn những tin khiến tôi phải thót tim vì sợ. Tình yêu mà tôi dành cho em (tất nhiên là có thứ tình yêu đó) đã chuyển sang nỗi ray rứt, sợ hãi vô hình. Em càng chao đảo thì tôi càng không yên. Không ngày nào tôi trở về nhà trước 12 giờ vì sợ sẽ nhìn thấy em đứng chờ ngay con hẻm. Tất cả bắt đầu xáo trộn. Tôi hầu như không kiểm soát được mọi thứ, kể cả những cú điện thoại của gia đình gặn hỏi về vấn đề của tôi và em. Tôi trốn những cú điện thoại như trốn nợ và làm cuộc tháo chạy tương tự 1 năm về trước. Nhưng lần này chẳng còn ai ủng hộ tôi, ngay cả thằng bạn thân nhất cũng đứng về phía em và gia đình tôi kiên quyết khướt từ thằng con đã bỏ rơi 2 người phụ nữ chỉ vì “yêu bản thân mình trên cả”.

 

Trong khi bi kịch cuộc đời thằng đàn ông 28 đang lên đến đỉnh điểm thì nàng cũng chông chênh không kém. Nàng vừa chia tay anh người yêu chưa đầy hai tháng, cái gã mà có lúc nàng tưởng chính là người sẽ cùng nàng đi đến hết cuộc đời. Nàng bắt đầu làm lại “bộ mặt mới” sau một ngày tự an ủi, tự phán xét và tự cho ra quyết định về tình yêu của mình. Sáng ra, nàng vẫn tung tăng váy ngắn đến sở làm, lao đầu vào việc từ sáng đến tối. Các hợp đồng của công ty cứ thế chạy đều đều như thể người chịu trách nhiệm về nó đang tận cùng hạnh phúc. Tôi biết nàng bất ổn, vì thi thoảng sau cánh cửa màu xanh lơ, tôi vẫn có thể trông thấy mi mắt nàng sụp xuống. Nó nặng trĩu những toan tính, biến cố và khao khát điều gì đó rất rõ ràng mà cũng không rõ ràng. Cứ thế, nàng hay cười, thậm chí cười lớn hơn mọi khi, có lúc còn cao hứng kể chuyện tiếu lâm mặn cho đám nhân viên thực tập. Tôi chỉ quan sát nàng theo cái kiểu cấp trên quan sát cấp dưới. Mỗi ngày nàng sẽ vận một bộ váy mới, một sợi dây đeo cổ mới và một màu son mới. Những sắc màu bao quanh nàng khiến tôi không thể tập trung vào bản vẽ, nó làm xáo trộn những ý tưởng trong đầu tôi và vô tình thôi, tôi lại vẽ ra gương mặt nàng thay vì vẽ một thiếu nữ bên hoa hồng, hoa huệ… như đơn đặt hàng.

 

Đến bây giờ, tôi hoàn toàn không nhớ nàng đã bước vào cuộc đời tôi như thế nào. Nguyên do nào khiến nàng xuất hiện nhiều trong tranh vẽ của tôi và vì đâu mỗi lần nhìn ra cửa sổ tôi lại thấy dáng nàng thấp thoáng. Tôi càng không thể lý giải vì sao tôi có thể nhắn một cái tin sướt mướt đến độ khi đọc lại tôi cứ tưởng của một thằng nhãi ranh mới chập chững yêu nào đó. Nhưng tôi yêu nàng (lại là yêu). Chắc chắn nàng sẽ không tài nào biết được tôi yêu nàng như thế nào vì làm sao nàng có thể tưởng tượng một thằng đàn ông yêu bản thân mình trên cả thì khi nói tiếng yêu sẽ khác với những thằng đàn ông tôn thờ phụ nữ như thế nào.

 

“Em sao thế? Lại đây” … “Không muốn nằm cạnh anh nữa à?” … “Em thật là khó hiểu. Càng ở bên em, anh càng thấy mình như đi trong bóng tối, không thể nào nắm bắt em đang nghĩ gì, muốn gì?”… “Nói gì đi chứ? Im lặng như thế em dễ chịu lắm à?”. Nàng khẽ động đậy. Hình như tấm ga đã hơn hai tuần chưa giặt nên khiến nàng khó chịu. Nàng đưa tay vuốt tóc, đó là cách nàng hay làm mỗi khi lúng túng. Lâu thật lâu, nàng khó nhọc lên tiếng “Anh này…”. Cuối cùng thì nàng cũng đã chịu mở miệng “Sao? Em nói đi” “Nếu bây giờ mình có con, anh sẽ…?” Tôi ngồi phắt dậy, chưa đợi câu hỏi của nàng kết thúc “Em nói sao? Chúng mình có con ư?”. Nàng đáp nhẹ như gió “Ừ!”. Tôi luống cuống chồm tới bên nàng, ép nhẹ khuôn mặt thất thần của nàng vào lồng ngực “Em đừng lo, chúng mình cưới nhe…”. Tôi vừa dứt câu, nàng đã quay phắt mặt lên ngạc nhiên “Anh nói sao? Cưới ư? Làm sao mà cưới được. Gia đình hai bên chưa biết chúng ta đang yêu nhau. Thậm chí bạn bè cũng không biết. Làm thế nào có thể đột nhiên mà cưới hả anh?”. Xem ra cách đặt câu hỏi của nàng vô cùng bình tĩnh. Nó khiến tôi có cảm giác nàng đã chuẩn bị sẵn cách giải quyết cho tình huống này. “Thế bây giờ em tính sao? Mà chuyện đó đã chắc…” “Em không biết nhưng em trễ gần ba tuần nay rồi…” “Hay là do mình uống thuốc hoặc có thể em căng thẳng trong công việc nên…” “Em rối lắm. Anh đừng hỏi em gì nữa…” “Anh xin lỗi, anh… anh sẽ… em đợi anh ở nhà nhé. Anh chạy ra nhà thuốc…” “Để làm gì?” “Chúng ta cần phải biết chính xác để tính tiếp em à”.

 

Nàng không tiễn tôi ra cổng mà ngồi lì trên nệm. Ngoài đường, trời bắt đầu chuyển mưa. Tôi chạy một mạch qua hai ngã tư và dừng lại trước hiệu thuốc. Khi ấy, nàng cũng mỏi mệt, buông mình xuống tấm nệm màu xanh cốm, trên vai vẫn còn mang chiếc túi xách màu rêu xám ngoét. Nàng đang hình dung về ngày mai vì nàng không dám hình dung về một khoảng thời gian nào xa hơn thế. À mà không, chẳng cần gì đến ngày mai. Chỉ cần một chút thôi, khi tôi trở về, mọi câu hỏi sẽ được giải đáp. Nàng sẽ biết ngày mai mình làm gì? Có mặt ở đâu?

 

“Gió lạnh lắm, bên ngoài mưa rất to. Anh khép cửa lại nhé!” “Không, anh đừng khép. Cứ để đó cho em, em muốn hưởng chút gió trời” “Ừ, nhưng em ngồi xích lại đây, áo xống mỏng manh thế kia…”. Tôi dìu nàng vào trong. Trông nàng như vừa trải qua một cơn sốt cao độ. “Em vào toi-let đi, cách thử này rất đơn giản… ngoan nhe em”. Nàng ép sát đầu vào ngực tôi, tựa như sợ tôi bắt nàng làm một việc gì đó thật kinh khủng. “Kìa em, đơn giản thôi mà. Nhanh đi, anh đợi ở đây”. Nàng lí nhí “Anh ơi, lỡ như…” “Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết, em đừng lo, tin anh đi mà”. Nàng đã dịch chuyển. Đầu tiên nàng nhỏm dậy, bỏ cái túi xách lên sàn, chỉnh lại váy áo và đi về hướng toi-let. Nàng đã vào trong đó được ba phút. Tôi nhìn trân trân vào đồng hồ vì không biết nên nhìn vào cái gì trong lúc này. Năm phút, sáu phút, bảy phút rồi mười phút trôi qua. Cánh cửa rục rịch, nàng bước ra, trên tay là cái lọ nhỏ. Tôi nhoẻn miệng cười để trấn an nàng - một nụ cười rất khó coi “Xong rồi hả em? Ngồi xuống đây. Chúng ta cùng chứng kiến giờ phút này nhé”. Nàng lặng lẽ nép sát vào tôi. Hai bàn tay nàng lạnh ngắt, môi nàng mấp máy điều gì đó rồi chìm vào khoảng không lẫn chung với dung dịch màu vàng nhợt nhạt trước mặt chúng tôi. Tay tôi bắt đầu run khi nhúng cây que thử. Tôi khẽ đặt lên má nàng một nụ hôn, khó mà có thể định nghĩa nụ hôn đó mang ý nghĩa gì trong tình huống này. “Ít phút sau là chúng ta sẽ biết kết quả, cái này chính xác 90% đấy em…”. Nàng không nói gì, mắt chăm chăm theo dõi cây kim phút trên cái đồng hồ đeo tay bé tẹo. “Xong rồi em! Như thế này thì… thì.. không có em ơi”. Tôi bất giác reo lên như một đứa trẻ mà không biết hành động đó tàn nhẫn như thế nào trong hoàn cảnh này. Cơ mặt của nàng cũng dần giãn ra. Hai mắt nàng chớp nhẹ “Có chắc không anh?”. Tôi vuốt nhẹ tóc nàng “Chắc chứ! Mà thôi để anh thử lại thêm lần nữa nhé”. Lần này, nàng có vẻ thoải mái hơn trong việc tính phút cho tôi. Và khi đã biết đích xác không có đứa con nào trong bụng của nàng, tôi đã nhấc bổng nàng lên, ném xuống chiếc nệm dày một tấc rưỡi màu xanh cốm, đúng với động tác quen thuộc tôi vẫn thường làm.

 

Buổi sáng, nắng chiếu qua ô cửa tối qua nàng không chịu khép. Nắng bò lên mặt, nhởn nhơ trên tấm chăn cuộn tròn thằng đàn ông vừa bước qua cơn ác mộng. Trong tin nhắn đầu ngày của nàng là hình một đứa bé đang cười toe toét “Anh ơi, chẳng lẽ chúng ta lại thế này mãi sao? Đêm qua em mơ thấy mình làm mẹ, làm mẹ của những đứa con không rõ hình hài”. Tôi kéo chăn chùm kín mặt. Nóng bức quá, khó chịu quá, tù túng quá. Tôi muốn tung chăn để chạy ra ngoài, chạy đi đâu đấy khỏi cái căn phòng có màu cốm xanh này. Nhưng nàng đang đứng ngay cửa sổ. Mắt nàng rũ xuống đôi hàng mi dài và vòm ngực thấp thỏm những hơi thở đứt quãng, day dứt. Tôi thấy nàng pha màu cho tôi. Nàng đề nghị tôi vẽ một bức khoả thân người thiếu nữ đang mang bầu. Nàng nói, khi ấy người phụ nữ sẽ đẹp nhất trong cuộc đời mình. Tôi nhất mực từ chối. Nàng hất tung giá vẽ rồi ném bảng màu lên bức tường, loang lỗ. Bên cánh cửa sổ, phía trước là cây bàng và dòng kênh đen quanh năm tanh mùi bùn non, tôi thấy dáng nàng trôi, trôi đi, trôi đi và rơi tỏm vào khoảng không của thứ nước màu vàng quảnh đặc đêm qua…

 

YK Đỗ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2109)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2564)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1841)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 2297)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3686)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2803)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 3427)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2869)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2983)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2585)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.