- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CẮT TIỀN DUYÊN

01 Tháng Năm 201812:49 SA(Xem: 24864)
do cat - ul 2
Đồi cát -ảnh UL


 

"Những dây leo này râm ran bò ra từ trong lồng ngực, nhột nhạt, nhức nhối, cắm chặt vòi hút vào tế bào sự sống của cô. Nơi nào nó đi qua đều để lại những khoảng trống, ở đó không còn sự sống. Chỉ có khoảng hun hút, màu đen, và cơ man nào là gió.

Giờ thì không còn cảm giác đau, dây leo đã bò lên tới mặt, lớp cơ căng nhức, tê dại. Cô không cử động được cơ mặt, không thể cười, cũng không thể khóc. 

Cô xoay người, nằm úp sấp xuống sàn nhà. Như thế này thật là dễ chịu. Đám dây leo ấy, không thể lan tràn tiếp tục, nỗi cồn cào nhức nhối bị ép mỏng ra dưới sức nặng và hơi nóng thân nhiệt.

Như thế này thật là dễ chịu. Nằm úp mặt xuống, tóc tai cũng rũ xuống. Đầu cúi thật thấp xuống. Trống rỗng, không có một từ nào tuôn ra. 

Để kể cho cô biết đây là trạng thái gì.

Và nước mắt một dòng từ từ chảy thật chậm xuống.

Mới chỉ là buổi sáng của ngày thứ nhất.

Từ khi anh ra đi!"

......................

 

Lần đầu tiên anh đến, Mẹ chỉ nhìn anh một lần, từ góc nhà rồi im lặng. Trong khi cô quấn lấy anh, mắt môi ngơ ngơ chìm đắm.

Đêm đó, nằm cạnh cô, mẹ khẽ khàng nói;

- Khí chất nồng nàn, nhưng tính cách rất lạnh. Mắt rất lạnh nhưng tia nhìn lại giấu kín. Tia nhìn giấu kín, nhưng sắc bén như dao, xuyên thấu tâm can người khác. Con mắc nợ tiền khiên với người này.

 

Cô co người lại, nhìn mẹ cảnh giác.

- Mẹ, mẹ không thích anh ấy.

- Mẹ chỉ thấy sợ. và mẹ thấy thương con -Mẹ thở dài.

 

Đêm đó, cô chỉ mơ thấy rắn, rắn bò thành búi trên đường cô đi, khi cô bước qua, rắn ngẩng đầu ngước nhìn cô bằng đôi mắt hẹp lờ đờ lạ kỳ, nửa lạnh lẻo, nữa giễu cợt. Nửa đêm tỉnh giấc, cô lạnh toát hết người, tay chân co rút. Chưa bao giờ cô thoát khỏi nỗi sợ rắn từ trong tiềm thức. Mỗi giấc mơ rắn đều làm cô bồn chồn bức rưc mấy ngày liền.

 

Rắn.

Từ đó vang lên làm cô choáng váng.

Lên năm tuổi, mẹ đưa cô lên chùa quy y. Khuôn mặt sáng bừng, thông mình, đĩnh ngộ và nụ cười rạng rỡ của cô làm sư bà rất vừa ý. Đích thân sư bà trụ trì đặt pháp danh cho cô:

- Nguyên lý. Ta muốn chân con tự tìm lấy con đường đi cho mình, mắt tự tìm thấy ánh sáng, tâm trí tự khai ngộ,  nhưng  rồi con sẽ khổ vì tình. - một vệt mây đen thoáng qua trên vầng trán phẳng lặng- Con hảy nhớ. Tránh xa rắn!

 

Tiềm thức của cô từ đó gắn liền mọi nỗi sợ hãi với rắn. Ác mộng của cô gắn liền với rắn, Một lần cô mơ thấy rắn, cô vất vả lăn lộn ú ớ không thành tiếng, mẹ lay cô dạy và hoảng hốt chỉ lên trán cô. Nơi vầng trán mịn màng và sáng bóng hằn một đường rảnh đen chạy dọc theo chân tóc mướt như  tơ. Từ đó cô phải cặp mái ngố để che đường nhăn mờ tối kỳ lạ trên trán,

 

Khi đó cô bắt đầu yêu anh.

 

Không đêm nào cô không thao thức hồi hộp đợi anh. Cô nằm xoay lưng lại phía mẹ, mở màn hình chat và đợi chờ anh. Mẹ cô nằm bên cạnh, lim dim chìm vào giấc ngủ. Thảng hoặc lại mở mắt ra nhìn cô, tia nhìn trống rỗng. Mẹ có thói quen mở mắt, lạc thần trong giấc ngủ. Nhưng cô không nhìn thấy mẹ, cô không còn biết mình đang ở đâu. Cô nhìn trân trân vào khẩu độ của webcam, đôi mắt đờ dại vì si mê, Từng chữ một, từ anh, hiện ra trên màn hình:

 

Cô run rẩy toàn thân khi anh nhẹ nhàng gõ lên bàn phím;

- Em đây rồi. Tôi nhớ em.

Chỉ cần như thế, người cô đã ướt đầm và môi hé mở khô rốc. Tim cô đập rầm rập trong lồng ngực, đùi cô tách ra vô thức dười làn áo đầm lụa và cô bắt đầu mấp máy môi, gõ như mưa trên bàn phím những lời nhớ nhung cháy khát, quyến rũ anh.

......................

 

Rằm tháng 2 là vào dịp lễ cắt tiền duyên, sau rằm tháng Giêng chỉ dành cho lễ cầu an, khắp các chùa rộn rịp chuẩn bị cho 2 đợt lễ lớn sau Tết Nguyên Tiêu.

 

Cô đồng ý theo mẹ đi lên chùa vào dịp Rằm. Hơi nóng sau mùa Xuân đã tỏa ra bức bách lắm, là đà trên mặt lớp đất đỏ bazan dẻo quánh chân người. Chùa nằm sâu trong núi, đường lên ngoằn ngèo, men theo rặng cây. Anh đậu vẫn nở luyến tiếc những chùm hoa ánh sắc hồng cuối mùa xuân, hơi gió núi lành lạnh, dễ chịu, làm tâm trạng cô có chút bình an.

 

Dạo này cô thường xuyên mất ngủ, vì anh liên tục đi xa, những chuyến đi xa mịt mù không hẹn trước, không tăm tích, không dấu vết, không một tia sáng xanh trên màn hình. Cô liên tục uống thuốc ngủ, và mơ những giấc mơ tăm tối loáng loáng hình thù loằng ngoằng lạ lùng, những hình thù biết trượt trên ngực cô, lạnh lẽo và đông cứng, nặng nề mà đặc quếnh, dính dấp như keo dán. Buổi sáng, cô mở cúc áo, kéo xuống quá eo lưng, nhìn đăm đăm vào những vệt xám xanh mờ mờ chạy quanh ngực mình, thở dài. Có lẽ cô đã chà miết mười đầu ngón tay trên bầu ngực mình cả đêm. Như đường bò trườn của lũ rắn!

 

Trong sân chùa đã ngập tràn nhang khói và những khuôn mặt thất thần lơ láo, hoặc không lại u trầm chịu đựng, giấu kín, chút le lói tia sáng thành kính như mẹ cô. Hơn chục người, nửa quỳ, nửa ngồi xếp bằng nơi chánh điện, chân cô chạm vào sàn gạch bông lạnh, mùi lạnh sạch sẽ , tinh tươm, xộc thẳng vào ruột cô, gây ra chút nhộn nhạo. Cô bình thản đảo mắt nhìn khắp các pho tượng, cô thích ngay các pho tượng không được thếp vàng, màu sắc da thịt vì thế gần như thật, hồng hào, gần gũi  và dịu dàng,  và có chút gì đó xót thương.

 

Trộn lẫn tất cả âm thanh rì rầm, khói nhang lảng đảng, tiếng áo quần nâu mộc sột soạt, có ai đó thút thít suýt xoa, vài thân hình xiêu vẹo , nghiêng ngã, thứ hỗn hợp mờ mịt quấn lấy cô, trùm lên cô như bao bọc cô trong mùi thuốc phiện. Như cảm giác lần đầu cô tập tành hút cỏ, mà cỏ Việt Nam, không phải cỏ thơm lừng của Canada.

 

Cũng cảm giác này,  khói dâng lên tới đâu, não cô ngưng lại tới đó.  Toàn thân tê liệt, bất động. Thấy mình đang rơi xuống, trạng thái rơi không ngừng vẫn tiếp tục, càng lúc càng nhanh hơn như đang tụt vào đáy một vòng xoáy trôn ốc, ngày càng cuộn vào một điểm đen tối, đầu óc, quay cuồng và thân thể bềnh bồng, những ảo giác loáng thoáng lướt quá, hỗn độn, xáo trộn, đập vào màng tang, trước khi trượt vào cái hố đen có mùi khói...

 

Nhưng khác vì cô muốn ngủ, cô không muốn khóc, và không muốn bay lên như khi hít chiếc lá đốt xém cháy đó. Cô không thấy nhộn nhạo gan ruột, cô chỉ thấy vừa u trì, nặng nề vừa trống rỗng, cảm giác  đến trước một giấc ngủ sâu.

 

Một bóng áo vàng tiến đến trước mặt cô, tiếng rầm rì ngân nga rõ dần, cô không vội mở mắt, mùi hương băng phiến trộn lẫn mùi gỗ mục xộc ra, thật dễ chịu . Một bàn tay mát dịu, dầy thịt, đặt lên đĩnh đầu cô, tiếng mẹ loáng thoáng, xót xa:

- Con ráng chịu khó một chút, Sư thầy bắt quyết, trừ tà ma.

 

Cô mỉm cười, ngạc nhiên vì cơ thể bỗng bùng lên trong nhận thức lạ lùng, làn hơi nóng chạy xuyên qua thân thể, lan từ đỉnh đầu đến tận ngóc ngách ngón chân. Ngón chân của cô, co duỗi tù túng trên nền gạch, bắt đầu cựa quậy. Một làn hơi nóng nữa, trượt từ trán, đến thẳng nhân trung và viền môi.

 

Môi cô nóng rực, cô chợt nhớ những cái hôn tham lam, đói khát của anh, như anh muốn chiếm đoạt linh hồn cô ngay từ một cái hôn. Và dưới sức mạnh của những cái hôn, môi cô hé mở, hơi thở thoát ra ngọt nẫu mùi chuối chín rục, thơm tho như những bông hoa sứ trắng xác ngoài hiên, lưỡi anh nhân nhẫn sục sạo vào sâu trong miệng cô, như muốn rút sạch mùi ngọt ngào, trong sạch tỏa ra từ vòm họng cô. Chỉ còn mùi bông sứ đặc quánh, mùi bông sứ làm cô nghẹt thở, mùi bông sứ quấn lấy lưỡi cô, tràn xuống cuống họng cô, len lỏi vào thanh quản. Cô ú ớ không thành tiếng.

 

Sư thầy cúi đầu thật thấp, mắt chăm chắm nhìn vào đường rãnh nhăn màu tối vắt ngang trán cô, mỗi lúc mỗi hằn sâu thêm trên vầng trán mịn sáng như một vệt mây bảo bịt ngang đường chân trời. Hơi thở dài như hắt ra khỏi ngực của cô chợt ngưng đọng lại, vệt tối mờ trên trán không ngừng di chuyển ngoằn ngèo trong đường đi co rút của một con rắn đang do dự.

 

Nửa bài kinh tắt lại, tiếng chuông mõ dừng đột ngột nửa chừng, chuỗi tràng hạt bằng gỗ đứt tung tóe, xỗ xuống nền nhà, nảy lăn cồng cộc trong thinh lặng của kinh ngạc. Cả khu chánh điện đông cứng hải hùng, trên nền gạch bông, đàn rắn thân xanh óng như màu cỏ dại, lấp lánh sắc vàng trên vây lưng, luồn thật nhanh , trượt trên nền gạch bóng và lạnh len lỏi về phía cửa chính. Không có một tiếng thét!

 

Nhưng cô không còn ở đó nữa! Cô đã lao như chạy,  bước chân vấp váp, lóng cóng bàn chân nọ dẫm lên bàn chân kia, một con chim sẻ vàng óng đập cánh bay hoảng loạn trước mặt. Trái tim cô cũng đập thình thịch trong lồng ngực, hoảng loạn hơn con chim bé nhỏ bay trên đầu. Chân trần dẫm lên cỏ ba lá, dẫm lên những bông hoa chuông màu vàng xanh run rẩy, mặt trời chiếu thẳng góc trên đầu, và ánh sáng nóng rảy của ban trưa thiêu đốt không khí nhẹ bỗng, đến tất thảy đều bay lên. Những chiếc lá khô bị đốt cháy cong mình rơi lã tã trên đầu cô, trên lưng cô, trên ngực cô trong lúc gió điên cuồng giật tung trận lá ra khỏi cành cây, ném vào không trung một trận mưa khô héo, và rầm rì, lúc xa lúc gần, xuyên qua trận mưa lá, xuyên trong cơn gió tháng hai lạ lùng nóng rẫy, là tiếng của anh, thầm thì, xuyến xao:

- Em, anh cần em!

 

Đến quá chiều, mọi người mới tìm ra cô. Nửa nằm, nửa ngồi, ngủ say mê mệt bên một hầm mộ đã từ lâu bỏ hoang, cỏ cao rậm rịt là nơi trú ẩn của bầy rắn lục vây vàng.

..............

 

- Mẹ à, đám đậu đỗ và hạt thóc mình đem về từ dạo rằm đến giờ chỉ lên được mỗi cây lúa, hạt đậu chắc đã chết thối trong đất rồi. Có sao không mẹ nhỉ?

- Chắc tại mẹ. Mẹ nôn nóng tưới quá nhiều nước.

- Đêm qua, con lại mơ!

- Con lại mơ thấy rắn à?

- Không, từ lâu con không mơ thấy rắn nữa. Con mơ cây đậu ấy trổ mầm từ ngực con, rễ đâm ngoằn ngèo khắp cơ thể con, giống như những ngón tay màu xanh, và từ trên trán con một chiếc lá màu xanh, xanh non lắm, từ từ nở xòe ra, phủ hết khuôn mặt.

- Ồ, hay lắm, mẹ nghĩ đó là điềm tốt con ạ. Điều gì mẹ nguyện ước đã đậu rồi.

 

Cô nằm úp sấp ngực xuống mặt gạch lạnh.

Đã từ lâu, cô có thói quen này.

Và nước mắt một dòng từ từ chảy thật chậm xuống.

Đã 100 ngày.

Từ khi anh ra đi!

 
UYÊN LÊ

Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Năm 201810:55 SA
Khách
BÀI HAY có chất lượng bài xin được sao chép chia sẽ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97282)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92772)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91433)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99782)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106526)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91822)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105957)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105535)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127499)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41445)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...