Sau khi thành công với tác phẩm “Bên kia con chữ và nghệ thuật”, (nhận định, phê bình văn học), nhà văn Đặng Phú Phong đã trở lại với thi ca, qua thi phẩm “Mai tôi về ở mãi với hoang sơ”.
Tôi không biết “Mai tôi về ở mãi với hoang sơ”, là thi phẩm thứ bao nhiêu của Đặng, được ấn hành? Chỉ biết dường như thơ mới là cây bài chủ của cuộc trường chinh chữ, nghĩa, càng lúc càng lấp lánh nơi tác giả này.
Tôi trộm nghĩ, bất cứ ai, nếu từng dõi theo đường bay thi ca của Đặng Phú Phong, đều sẽ dễ dàng nhận ra rằng:
-Với thời gian, Đặng không chỉ làm mới thơ ông bằng những liên tưởng hay, ẩn dụ mới. Như:
“bàn tay ấy ngón dài vươn mây trắng
ta trang nghiêm xưng tụng mãi trên đời”
…
“con đường đó tôi đi trơn trượt
bình an xin níu hộ tay người”
…
“bước chân chim mở ngỏ một linh hồn”
…
“em tôi trơ lạnh xuôi vai nhỏ
sinh tử đôi bờ đuổi bắt nhau”
…
“tiếng chim gáy ban trưa nghe thống thiết
phố Hội An thoáng chốc hóa mung lung”
(Mà), ông còn cho nhịp đi của thơ ông những nhịp chỏi (như syncope trong âm nhạc) hoặc ngắt lại dòng chảy của thi ca, để trong một câu thơ, có thể có nhiều hơn một mệnh đề, bằng những dấu chấm...
“con đường dài thương quá dấu chân. chai.”
…
“chỉ cho ra một nụ cười
chỉ sông. chỉ biển. chỉ người khuất xa
chỉ cho em sonata
chỉ đời cô tịch cho tà dương soi”
(trọn bài)
Họ Đặng cũng cho thấy tinh thần tự giác cao độ, khi ông không lạm dụng dấu chấm để chia lìa một từ kép khỏi ngữ cảnh mà, tự thân chúng vốn có tương quan hữu cơ. Tôi quan niệm chúng ta chỉ có thể chẻ chữ để thêm rõ tính phong phú của ngôn ngữ Việt mà thôi.
.
Tôi vẫn có xu hướng quý, trọng những tác giả càng ăn ở bền lâu với văn chương (nói chung), càng cho thấy sức sáng tạo sung mãn của họ - - Hơn là những tác giả có những khởi đầu huy hoàng… Để rồi với thời gian lại là những lập lại! Nó tố cáo sự cùn mòn hay tắc nghẽn, giới hạn của trí tuệ, tài năng tác giả đó!!!
Với tôi, Đặng Phú Phong, ngược lại. Càng lúc, ông càng cho thấy nỗ lực đào xới từng sào-đất-ngôn-ngữ, để đãi lọc quý kim.
Ông vẫn xây dựng thơ ông trên những cảm quan, rung động nhẹ nhàng (không tập chú vào những hình ảnh tân kỳ mà, vô cảm, vô nghĩa). Nhưng thơ ông lại xác lập những kết luận, gần gũi định đề (không đòi hỏi chứng minh).
Ông viết:
“Lấp lánh dòng sông nghìn vương miện
nàng tặng tôi rồi cắm cúi ra đi”
Có người sẽ cất tiếng hỏi thi sĩ lấy đâu ra nhiều “vương miện” thế từ một dòng sông?
Nhưng những ai quen thuộc với trò chơi, chữ nghĩa, hình ảnh thì, chẳng những không ngạc nhiên mà, còn thích thú khi nhận ra, con sông trong thơ Đặng có hằng ngàn vương miện vì, dòng sông đã lưu, nhận hằng hà sa số những vì sao từng “ký thác” đời chúng nơi dòng chảy…
Có bất ngờ chăng là:
“Nàng tặng tôi rồi cắm cúi ra đi”
Đây mới là lúc nhiều câu hỏi cần được cất lên. Những câu hỏi mang tính cật vấn, như:
“Nàng” đây là ai? Người con gái vắng mặt hay dòng sông?
- Sự thực, ai trao (vương miện) Và:
- Ai đã cắm cúi ra đi?
Trên đây là những câu-hỏi-chìm thường thấy nơi một câu thơ lạ hoặc, được ghi nhận là hay!.!
Cũng thế, với mấy câu thơ tiếp theo, tuy không mang đến cho người đọc, những câu-hỏi-chìm. Nhưng tôi nghĩ, chúng cũng không cần phải luận giải phức tạp mà, chỉ bằng vào trực cảm, hốt nhiên, ta cũng sẽ nhận ra rằng:
“…cuối cùng là khoảng trống
núi biếc, sông dài đứng quạnh mông
thượng đế cũng thành cây cỏ dại
lấy ai mà nói có hay không?”
Hoặc:
“tôi cởi tôi
chợt ngẩn ngơ xa lạ
tôi cởi tôi
tĩnh lặng ngó vô thường.”
Những câu thơ trên, cho thấy Đặng rất thấm nhuần triết lý Phật giáo, khi trực ngộ được cái “ngã” và sự vận hành tĩnh lặng của cái “không”…
.
Tuy nhiên, “Mai tôi về ở mãi với hoang sơ” của Đặng Phú Phong, không chỉ mang đến cho tôi nhiều liên-ảnh rất thơ hay, những trực cảm gần với định đề mà, ở thi phẩm mới nhất này, tác giả còn cho tôi những bài thơ xót, nặng tình người. Đậm tính nhân bản. Như bài “người đàn bà đêm Giáng sinh”.
Đó là một bài thơ kiệm lời của họ Đặng. Nhưng mỗi con chữ lại như một lượng hóa chất cực độc, hất thẳng vào mối tương quan bất nhân giữa con người và con người: Xưa nay, vốn được ma mị bằng rất nhiều phấn son, mặt nạ: Mặt nạ cười. Mặt nạ nhân đạo. Mặt nạ từ bi, bác ái Thượng Đế…
“người đàn bà
với cái check cuối cùng trong tay
đi như kẻ mộng du
ra khỏi sở
trên con đường có những cửa hàng thật sang trọng
qua những biệt thự nhiều triệu dollar
đi hàng giờ
gót giày vang lên những nốt nhạc thống thiết
*
“người đàn bà nhớ cảnh
ông chủ rất lịch sự cúi mình giao tấm check
bằng lời lẽ thật văn minh: rất tiếc, rất tiếc…
ngày mai là Giáng sinh!
nàng rơi nước mắt.
*
“người đàn bà đón 2 con
về căn apartment tồi tàn
như những miếng giẻ rách
đặt nhẹ nhàng hai gói quà có tên hai đứa trẻ
dưới cây thông còn thơm mùi gỗ
ba mẹ con có một bữa tối ngon lành
hai đứa trẻ mở quà
reo vui
ôm cổ mẹ hôn những nụ hôn hạnh phúc
*
“đến giờ ngủ
người đàn bà đóng tất cả các cửa thật kín
hôn thật lâu hai con
nàng đi đến bếp
mở gas.”
(trọn bài).
.
Chỉ với một bài thơ kiệm lời kể trên, chỉ với những câu thơ tôi đã trích từ “Mai tôi về ở mãi với hoang sơ”, giữa cảnh “chợ-trời-chữ-nghĩa” hiện tại, tôi không nghĩ chúng ta còn thấy nên chờ đợi gì thêm, nơi trí tuệ, tài năng một người có nửa đời làm thơ như Đặng Phú Phong.
Và, có dễ cũng vì thế mà, họ Đặng đã chọn:
-Mai tôi về ở mãi với hoang sơ?
Du Tử Lê,
(Calif. Mar. 2017)
- Từ khóa :
- DU TU LE