- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA ĐÊM

01 Tháng Bảy 20174:02 CH(Xem: 28665)

muadem-tranhKT
Tranh Khánh Trường




Con đĩ tru tréo,
“Đụ má tao tởm mày lắm rồi. Bắt đầu từ bây giờ, mạnh đứa nào đứa đó tự lo lấy thân, mày đừng báo cô tao nữa, hãy để cho tao yên. Đụ má, một năm nay vì mày mà tao thân tàn ma dại, mày thấy không?”
Tôi định nhào tới táng cho con đĩ một bạt tai nhưng kịp dằn lại. Tôi biết, nếu làm dữ con đĩ dám tống tôi ra khỏi chỗ này thật chứ chẳng chơi. Tôi cố nuốt cơn giận cho trôi tuột xuống bụng. Mặc mẹ nó, nhịn một chút chẳng chết ai. Nó nóng, nó chửi rủa lằng nhằng thế thôi, rốt cuộc đâu lại vào đó. Đây đâu phải lần đầu tiên con đĩ dở giọng với tôi!
Con đĩ dở giọng kể từ lúc nó biết tôi đã hết thời.
Phải, quả thật tôi đã hết thời. Ngày trước tôi thuộc hạng có máu mặt, tuy chẳng lon lá chức phận, nhưng bộ đồ rằn ri cũng tạo được cho tôi cái uy tín đáng kể với bọn du đãng cao bồi đâm cha giết chú quanh vùng này. Bây giờ, thời thế có khác, thằng đàn em hạng bét vẫn được quyền lên mặt với tôi. Đâu còn lưỡi lê lựu đạn hay đồng đội chiến hữu để hù dọa ai? Mà đánh nhau ngang ngửa tay đôi thì sức lực tôi nào có bao lăm. Tre già măng mọc, sóng sau đè sóng trước, quy luật bất biến của tạo hóa mà. Lại thêm cái lý lịch “thuộc thành phần bất hảo” tuy mơ hồ vẫn có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào đã khiến tôi co rúm lại, sống nhẫn nhục cho qua ngày đoạn tháng.
Vậy mà vẫn không yên. Con đĩ thấy tôi nhịn, làm tới. Ban đầu còn chút kiêng kị, chỉ lèo nhèo rủa chó mắng mèo, dần dà được đằng chân lân đằng đầu, trở nên hỗn hào thô tục, bây giờ thì dưới mắt nó, tôi thật không đáng nửa đồng xu, nó có thể đốp chát bất cứ lúc nào, ở đâu, bất cứ vì lý do gì, hay có khi chẳng cần lý do, muốn chửi, là chửi. Chửi tắt bếp, chửi tàn nhẫn vô nhân đạo.
Nhưng khốn nạn cho tôi, và cả cho nó, hình như có một sợi dây oan nghiệt nào đó của định mệnh trói chặt chúng tôi vào nhau. Bỏ nó, dĩ nhiên tôi chẳng thể. Bỏ nó, tôi sống cách nào đây? Phần con đĩ, tuy chẳng coi tôi ra gì, nhưng hễ cứ mỗi lần rủa xả cho đã cái lỗ miệng xong, một hai giờ sau, có khi vài mươi phút sau, nó lại làm lành, lại vuốt ve vỗ về, lại xin lỗi xin phải, và lại lôi tôi lên giường, cùng nhau hùng hục hành lạc. Càng chửi nhiều bao nhiêu, càng thắm thiết dữ dội bấy nhiêu, làm như miệng trên sướng thì miệng dưới phải được chia phần. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng tương quan giữa chúng tôi là tương quan của hai con thú, sướng khổ bằng bản năng, hoàn toàn vắng bóng cái nghĩa tình phải trái giữa một con người với một con người.

Con đĩ tiếp tục tru tréo. Tôi nằm ngửa nhìn trân trối những lưới nhện giăng ngang dọc trên mái chòi, không nói năng một lời. Con đĩ được thể sầm sập bước ra bước vào, mặt mày đỏ gấc, hai mắt long sòng sọc. Nó nhìn tôi khinh miệt, giọng càng lúc càng chanh chua,
“Đụ má, nếu mày còn chút liêm sỉ hãy xéo ngay, cút ngay cho khuất mắt. Cứ nhìn thấy mặt mày là tao muốn ói mửa, muốn té cứt vãi đái vì tởm. Đồ thứ đàn ông bẩn thỉu đê tiện, thứ chó dại mèo hoang chết toi chết dịch.”
Tôi kéo tấm chăn vàng ố phủ kín đầu, cố gắng giả đui giả điếc. Con đĩ thình thịch bước nhanh lại phía tôi, giật mạnh tấm chăn ra khỏi người tôi, hai tay chống lên mạng sườn, chân dạng ra, răng nghiến ken két,
“Đụ má, mày có nghe tao nói không? Đừng có mặt trơ mày tráo. Đụ má, đứng dậy ngay, và cút. Đụ má, mày còn lì lợm tao kêu công an còng cổ bây giờ. Đụ má đồ ma cô dơ dáng dại hình, đồ đội quần đàn bà. Đụ má, cứ nhìn mày là tao sôi gan...”
Nó xổ tiếng Đức như máy, phây phây đè bà già tôi ra cưỡng hiếp dã man tàn khốc. Tôi quắc mắt, quay mặt nhìn trừng trừng con đĩ. Sự chịu đựng đã đến mức chót, máu du côn trong người nguội lạnh hơn một năm nay bắt đầu sôi sục trở lại, khiến hai bàn tay tôi run bắn. Tôi nhắm nghiền mắt, lắc lắc đầu. Giết nó đi, nhào tới bóp cổ cho nó nghẹn thở chết tốt đi. Tiếng rít từ đâu đó vang vang phủ dụ. Tôi chồm dậy, bật ra khỏi giường, đứng lên. Có lẽ trong đôi mắt tôi có một cái gì rất man rợ thú vật. Con đĩ hơi dội, hai tay từ từ buông thõng. Tôi vẫn nhìn con đĩ trừng trừng, năm giây, mười giây.
Giết nó đi, nhào vô bóp cổ cho nó nghẹt họng chết tốt đi. Tôi bước tới, con đĩ thối lui. Tôi bước thêm một bước, lưng con đĩ đã sát vách. Không quá nửa sải, cái cần cổ gầy nhom, đen đủi kia sẽ nằm gọn giữa mười ngón tay. Con đĩ sẽ quẫy đạp, dẫy dụa, cào cấu, hai mắt sẽ trợn trừng trắng tròng, cái miệng hôi thối sẽ há hốc, chiếc lưỡi sẽ thè lè dài ngoằng. Nhưng để làm gì, có giải quyết được vấn đề không? Thêm mười giây nữa. Cơn giận trong tôi giảm dần cường độ. Tôi thả người lại xuống giường, ôm đầu, bỗng nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc, tức tưởi, uất nghẹn, đau đớn. Hai bàn tay run bần bật trong đám tóc rối, thái dương giật giật liên hồi. Một nỗi tủi nhục ê chề lan rộng, chiếm ngự trọn vẹn trái tim làm nhịp thở tôi hổn hển khò khè.
Con đĩ hẳn nhiên thừa khôn ngoan để dừng lại chỗ nên dừng. Con chó sắp lên cơn điên, chọc thêm, không toi mạng cũng cầm chắc thương tích cùng mình. Nó hừ một tiếng vớt vát, quày quả quay lưng đi nhanh ra cửa. Cánh cửa đóng mạnh sau lưng nó làm căn chòi rung rinh.
Tôi vẫn ngồi ôm đầu. Chẳng biết bao lâu, cho đến khi nghe tiếng mưa rơi rào rào trên mái tôn, tôi ngẩng mặt nhìn qua khung cửa sổ không chấn song thì đêm đã đến từ bao giờ. Dưới ánh sáng vàng ỏng của ngọn đèn đường bên kia hương lộ, mưa nối đuôi nhau từ mái chòi rơi xuống, sáng lấp lánh như những sợi chỉ bằng kim nhũ. Mù mù trong màn mưa, tàn cây trứng cá chỗ góc trái miếng sân con vật vờ nghiêng ngả. Xa hơn, rặng tre phát ra tiếng kêu kèn kẹt như tiếng nghiến răng. Trong chòi tối thui tối mò. Tôi đứng dậy tìm bao diêm đốt ngọn đèn dầu. Ánh sáng quá yếu không làm cho căn chòi bớt vẻ lạnh lẽo. Đâu đó từ góc chòi, chỗ dẫn xuống chái sau, tiếng dế ri rỉ cất lên, hòa cùng tiếng mưa tạo thành một điệp khúc lê thê bất tận. Tôi trở lại giường ngả người nằm xuống. Đầu váng, mắt hoa, lòng nặng trĩu đau đớn. Nước mắt ướt nhớp nháp hai bên má, tôi chẳng buồn lau.
Đêm dần chuyển sang khuya. Mưa vẫn chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ sẽ ngớt. Gió chợt đổi chiều, lùa thốc vào làm ngọn đèn dầu lao chao muốn tắt. Tôi ra kéo tấm bạt nhà binh che kín cửa sổ, gió lạnh làm tôi rùng mình liên tiếp. Khi trở lại giường, tôi chợt nhảy nhỏm vì đạp phải một vật gì mềm mềm di động dưới chân. Chưa kịp hoàn hồn thì một cảm giác đau buốt như có một mũi nhọn đâm xuyên qua bàn chân. Tôi bật ngửa, hét lớn và ngã vật ra, đầu va vào gờ tấm “đanh” ximăng - tấm “đanh” tôi nạy được trên nắm mộ ngoài bãi tha ma - kê trên mấy viên táplô làm bàn. Mắt tôi nổ đom đóm.
Đau buốt, những lóng xương hình như đã dập nát. Tôi nhìn xuống, bắp chân đang chuyển màu, tím sẫm. Cơn nhức nhối lan khắp châu thân. Chân trái tê liệt hẳn, không thể nhúc nhích. Tôi rên rỉ bò trên nền đất lạnh lẽo, cố lết ra cửa, cánh cửa bằng tôn cũ bị gió đập mở bung.
Con rắn biến mất từ lâu. Tôi biết mình vừa bị rắn cắn. Căn chòi bọn tôi đang trú nằm cuối bãi tha ma, chỗ tiếp giáp với cánh đồng rộng trồng rau cải nực nồng mùi phân người. Căn chòi trước kia có lẽ là một cái chuồng trâu bỏ hoang. Sau ngày biến động, khu nhà thổ bị ruồng bố, bọn tôi dẫn nhau ra đây, góp nhặt được mấy tấm tôn cũ, mớ ván thùng cùng ít tre trúc, gỗ tạp sửa sang lại, tuy có rộng và kín đáo hơn đôi chút nhưng vẻ hoang vu vẫn nguyên trạng. Căn chòi phía trước nhìn qua hãng nước tương quốc doanh bên kia hương lộ, phía sau dựa lưng bãi tha ma, bên trái là lũy tre dày kín, bên phải là cánh đồng. Suốt một năm không buồn dọn dẹp, cỏ dại lau lách từ bãi tha ma, từ rặng tre tiến công vào sát vách chòi. Mùa đông, côn trùng, muỗi mòng, giun dế, dơi chuột, ếch nhái, và dĩ nhiên cả rắn rít bò vào chòi tìm chỗ trú.
Tôi đã định sẽ bỏ ra một vài ngày khai quang khu đất chung quanh, nhưng sự chán nản, ê chề cộng thêm cảnh sống địa ngục giữa hai đứa đã khiến tôi không buồn động đậy tay chân, suốt ngày chỉ nằm dài trên chiếc giường tre ọp ẹp, và chỉ rời khỏi giường những lúc thật cần thiết như bài tiết, ăn uống hoặc ra ngồi ngoài chái trước, trên chiếc băng ghế xiêu vẹo, vừa chờ con đĩ tiếp xong khách vừa canh chừng công an. Có đêm, ngồi co ro trong giá buốt, vểnh tai nghe ngóng tiếng cười rúc rích của con đĩ, tiếng thở hổn hển của bọn khách mua hoa, tiếng giường chiếu sột soạt cót két từ trong chòi phát ra, tôi lơ mơ nửa tỉnh nửa ngủ, chợt giật mình rút vội chân lên ghế, một cảm giác trơn nhờn trườn qua bàn chân, tôi hoảng hốt cúi nhìn, một con rắn to có khi bằng bắp tay dài ngoằng uốn éo lủi nhanh về phía rặng tre. Cảnh này vẫn thường xảy ra, ban đầu, tôi sợ điếng hồn, nhưng dần dà cũng quen. Người với thú sống chung đề huề. Gần như có một thỏa ước ngầm, nếu không ai xâm phạm ai, không ai rắp tâm làm hại ai thì nền hòa bình sẽ được duy trì vững bền.
Hôm nay tôi không vô ý đạp lên mình con rắn, chắc chắn sự cố đâu có xảy đến. Tôi tự nguyền rủa mình đã quá bất cẩn. Nhưng mọi chuyện đều do con đĩ mà ra. Nó làm đầu óc tôi căng thẳng, lú lẫn, không còn quan tâm được đến bất cứ chuyện gì. Bỗng nhiên tôi thèm giết con đĩ hết sức. Đồ chó má thối tha bẩn thỉu. Tại sao cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn sống với nó, tại sao tôi vẫn nhận chịu bao nhiêu nhục nhã đổ xuống đầu mà không vùng lên phản kháng? Trời ơi. Nếu giết được con đĩ, lòng tôi chắc nhẹ nhàng phải biết. Nếu giết được con đĩ. Phải tìm cách giết được nó. Sự căm thù của tôi dành cho con đĩ tăng theo cấp số nhân, tỷ lệ thuận với nỗi tủi nhục phải hứng chịu triền miên, bây giờ đã lên đến mức cực cùng.
Đời tôi từng căm thù nhiều thứ, nhiều người, nhưng hình như đây là lần thứ ba lòng căm thù muốn biến thành hành động sát nhân. Lần đầu, hồi lên mười hai, tôi bị một thằng điên đá cho một quả suýt tắt thở, cục máu bầm nó tặng tôi mãi ba tháng sau vẫn còn mờ mờ trên ngực. Tuy nhiên lần đó tôi đã có cơ hội trả thù đích đáng. Bấy giờ cha tôi làm nghề gò hàn, sát vách là cửa tiệm của ông, ban đêm thường chỉ khép chiếu lệ bằng một líp tre thay cửa. Chiếu lệ, vì cửa tiệm chỉ là cái chái hiên được làm rộng thêm, vách ngăn sơ sài ngang thắt lưng, người lớn có thể dễ dàng bước qua, hơn nữa, chẳng có đồ vật gì quý giá khả dĩ sợ bị mất cắp ngoài vài miếng tôn cũ, vài ống sắt đựng đạn đại bác dùng để gò gàu, thùng hay máng xối, xô đựng rác, bếp dầu hôi.
Thằng điên ban ngày lang thang khắp nơi tìm cái ăn, đêm thường lẻn vào cửa tiệm ngủ. Cha tôi biết nhưng làm ngơ, mặc nhiên chấp nhận cho thằng điên trọ nhờ, ông còn ưu ái dành riêng cho nó một manh chiếu rách, một tấm chăn cũ. Hôm nào nó về sớm, tôi thường ra cửa tiệm tìm cách phá phách chọc ghẹo, hoặc lấy cây chọc vào người, hoặc dùng ống đu đủ thổi nước xà phòng vào lỗ mũi, hoặc khoa học hơn, pha nước đường đổ vòng quanh chỗ nó thường nằm, chiêu dụ lũ kiến tụ lại, báo hại thằng điên suốt đêm đối phó với lũ kiến, không cách chi chợp mắt được. Thằng này thuộc loại điên hiền, phá cách nào nó cũng chỉ toét miệng cười hoặc lèo nhèo hú hét ngu xuẩn, tuyệt không bao giờ biết phản ứng đối phó. Vì vậy, tôi được thể làm tới, cố moi óc tìm ra những cách chọc ghẹo mới, đôi khi rất tàn nhẫn, chẳng hạn có nhiều lần đợi nó ngủ say, tôi lén gắp than đỏ bỏ vào tay, vào ngực, rồi cười rũ khi thấy nó bị phỏng nhảy dựng, hay ăn cắp ớt bột của bà già đổ vào chiếc miệng há hốc đang phì phò ngáy, làm nó lăn lộn ho sặc ho sụa, nước mũi nước dãi nhem nhuốc bẩn thỉu. Tôi còn sáng tạo ra trò gậy ông đập lưng ông rất “thông minh” như sau, biết thằng điên khi nằm xuống là ngủ ngay, lại ngủ mê mệt, đại bác có bắn bên tai cũng chẳng làm nó động đậy, tôi bèn dùng sợi dây gai thật chắc, một đầu cột cục đá, đầu kia thắt thòng lọng tròng vào bê bi đương sự. Xong đặt cục đá lên ngực. Sáng ra thằng điên thức dậy thấy cục đá, lập tức hung hăng cầm ném mạnh, cục đá bay vèo, kéo căng sợi dây gai, vòng thòng lọng siết mạnh. Tôi nằm trong giường, úp mặt xuống gối, cố nín để đừng hộc lên cười khi nghe tiếng thằng điên la hét đau đớn ngoài cửa tiệm.
Nhưng đi đêm dĩ nhiên có ngày gặp ma. Một lần, nửa khuya mót đái tôi trở dậy ra ngoài, chợt trong trí lóe lên một trò hay, tôi leo đứng phía trên đầu thằng điên, chỗ cục đe lớn, vạch quần tè xuống mặt nó. Choàng tỉnh, nó vùng dậy hoảng hốt, tôi đang thích thú cười sằng sặc thì thằng điên phóng lên, tống thẳng nguyên gót chân vào ngực tôi. Văng bắn ra sau, tôi nằm sóng soài trên nền đất, hai mắt trợn trừng, bọt mép sùi ra, nghẹn thở. Thằng điên lầu bầu chửi thề bước ra ngoài đi biệt. Tôi nằm quằn quại dễ chừng có đến nửa tiếng đồng hồ mới đủ sức gượng dậy bò vào nhà.
Suốt một tuần tôi dấu ông già bà già, vừa tự chống chọi với cơn đau vừa nghĩ kế trả thù. Và tôi đã tìm ra cách. Một đêm nhắm chừng giờ thằng điên sắp trở về, tôi mò ra cửa tiệm lấy hũ átxít của cha tôi dùng để rà quanh mối ghép trước khi hàn, bắc ghế leo lên đặt vắt vẻo trên gờ líp cửa. Tôi tính toán cẩn thận, thằng điên chỉ cần đẩy nhẹ líp cửa để lách mình vào, chém chết hũ átxít cũng sẽ rơi ngay xuống mặt mũi thân thể nó. Quả nhiên, tính toán của tôi chính xác trăm phần trăm. Nằm trong nhà, tôi nghe tiêng hét chói lói của thằng điên. Khi theo ông già bà già ra xem sự thể thế nào, tôi đã vô cùng hả hê nhìn thấy nó đang dẫy dụa trên nền đất, y như tôi đã dẫy dụa một tuần trước, nhưng hậu quả kinh khủng hơn nhiều. Hai tháng sau ngày được chở vào nhà thương, tôi gặp lại thằng điên với khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, đó là khuôn mặt của một con quỷ. Dĩ nhiên chẳng ai ngờ được tác phẩm rùng rợn kia là hậu quả đòn trả thù của tôi.
Lần thứ hai ý muốn giết người cũng đã đến với tôi sau khi nhận đúng năm mươi roi điện và ba ngày chuồng cọp của tên đại úy đại đội trưởng, chỉ vì tội đã trễ phép non nửa tháng. Bao nhiêu lần đứng trước tấm gương lớn, nhìn những vết roi tươm máu ngang dọc khắp lưng và hai mông đít, tôi đã nhen nhóm trong lòng niềm căm hận sâu sắc. Lần này tuy không hại được địch thủ tới nơi tới chốn, nhưng đòn thù của tôi cũng rất cay độc và dai dẳng. Sau ngày bị đòn, tôi nỗ lực đóng vai một tên lính gương mẫu, và cố gắng xin xỏ bợ đỡ để trở thành tà lọt cho tên đại úy. Ba tháng theo đuổi kế hoạch kiên trì, tôi thành công. Dưới mắt tên đại úy, tôi, thằng tà lọt tận tụy hết mình, hệt như một con chó trung thành mù quáng với chủ. Từ cái ăn, cái ngủ đến quần áo giày nón cà phê thuốc lá… Bao giờ tôi cũng đón gió rất chính xác và hăm hở phục vụ trên mức tiêu chuẩn đòi hỏi. Tên đại úy hả hê ra mặt. Dĩ nhiên, sự tận tụy cúc cung của tôi đã phải trả một giá khá đắt cho chính bản thân. Bạn bè đồng đội nhìn tôi khinh bỉ, dưới mắt chúng nó, tôi là tên nịnh bợ hèn hạ mất hết nhân cách làm người. Chúng nó tránh tôi như tránh hủi. Mặc kệ, tôi bất cần, tự an ủi, cứu cánh biện minh cho phương tiện. Làm sao chúng biết được niềm sung sướng hả hê tôi đang có được? Quả vậy, còn sung sướng nào hơn khi mỗi ngày hai bữa cơm, do chính tay tôi nấu nướng hầu hạ, tên đại úy đã táp ngon lành phần ăn thơm tho béo bổ, phần ăn đã được tôi trộn thêm vào mỗi lần một ít cứt của chính tôi?
Tôi tiếp tục lết ra phía cửa. Bây giở cảm giác tê liệt đã lan đến hạ bộ, chân phải cũng không còn cử động được nữa. Mưa bên ngoài chưa ngớt. Tôi muốn hét lớn cầu cứu, nhưng tiếng hét không thể phát ra, chỉ khò khè như tiếng trâu thở. Đờm dãi trào lên chận ngang cổ họng, hai mắt như có một màn sương mù kéo ngang, chiếc lưỡi cứng đơ trong hố miệng.
Một cơn gió lùa thốc, cánh cửa đập mạnh vào vách đánh sầm làm căn chòi oằn mình muốn bật khỏi nền đất. Tôi lạnh, càng lúc càng lạnh, hai hàm răng va vào nhau lập cập, da mặt cứng tê sắp thành đá. Tôi chõi tay nhổm người định lùi vào trong tránh gió, nhưng chỉ mới ngóc đầu gượng dậy, hai cánh tay đã run bắn. Tôi lại ngã vật ra sau, đầu lại va xuống nền đất. Vết thương bị động. Tôi rên lên đau đớn.
Cánh cửa lại bật tung dội bùng bùng vào vách. Tôi giật thót người và run rẩy, tê cóng. Mưa trở nên dữ dội, cảnh vật bên ngoài hoàn toàn nhòa nhạt, chỉ thấy đặc một màu trắng xóa lấp lánh kim nhũ từ chái hiên phủ xuống không ngớt. Gió cũng mạnh hơn, mái tôn rung bần bật. Nếu gió vẫn tăng cường độ, tôi nghĩ không sớm thì muộn mấy lá tôn được ghim hờ bằng những cây đinh lỏng lẻo sẽ bị gió cuốn bay biến ra cánh đồng. Gió từng cơn, luồn vào đầu mấy cây tre làm sà ngang trên mái phát ra tiếng vi vu.
Âm thanh nghe rất quen, hình như âm thanh này tôi đã từng nghe. Phải rồi, tiếng sáo của thằng bạn đồng ngũ…
Tiếng sáo như một dãi lụa mềm, bềnh bồng loang rộng phủ trùm trên ngọn đồi và vùng đất rộng đã được khai quang làm nơi đóng quân. Tôi đốt điếu thuốc Bastos quân tiếp vụ, ngửa mặt nhìn vầng ráng đỏ sắp chuyển sang màu nâu sau dãy núi phía xa, chập chùng lam sẫm. Trên nóc hầm cá nhân dọc tuyến phòng thủ, bóng hai chúng tôi in đậm giữa nền xanh cây rừng trùng điệp. Thằng bạn tiếp tục thổi nốt bản nhạc dang dở. Âm thanh u huyền dằng dặc lan xa. Hắn chấm dứt bản nhạc bằng một nốt ngân dài. Cây sáo trúc rời khỏi môi, thằng bạn vói tay lấy bao thuốc, hắn thả khói lên không trung, giọng buồn buồn,
“Tao nhớ nhà quá.”
“Nhớ nhà hay nhớ con đào mía ghim của mày?”
“Cả hai, mẹ tao, con nhỏ.”
“Nó vẫn ra rít với mày chứ? Hay lại chập chờn với thằng ma cô nào rồi.”
“Đụ mẹ ra rít hay chập chờn thì cũng còn hơn xa con đĩ ngựa của mày.”
Tôi bật cười thích thú. Thằng khốn nạn coi bộ bị chạm nọc. Tôi biết con nhỏ này. Nó thuộc loại dâm tổ, thèm trai như ngựa cái rượng đực. Mấy lần tôi và thằng khốn nạn theo dõi, bắt tại trận con nhỏ đang du dương với kép mới ngoài công viên hay trong rạp chiếu bóng. Thằng khốn ghen lồng lộn, báo hại tôi vì tình huynh đệ chi binh phải đánh nhau chí chát với địch. Mà con nhỏ cũng khôn ác. Kép mới nó chọn rặt giống nhà binh, cũng rằn ri vằn vện ngang ngửa bọn tôi, cho nên dù thắng hay thua thì tình trạng cũng chẳng lấy gì làm khả quan. Vì vậy đòn cuối cùng của thằng khốn bao giờ cũng là màn con cá sống vì nước. Rốt cuộc, dường như chúng nó có với nhau một thỏa ước ngầm, thằng khốn đi hành quân, con nhỏ tha hồ tìm người chọi. Thằng khốn về hậu cứ, làm ơn dành cho hắn quyền ưu tiên một.
Tôi lên lớp với thằng khốn nạn,
“Đụ mẹ, tao không nói với mày chuyện hơn thua. Lính tráng sống nay chết mai, hơn thua đếch gì chuyện nhảm nhí đó. Biết chừng đâu lát nữa đây một trái 122 rớt ngay hầm, mày tao bị giã như giã giò, còn hơn thua với ai? Tao chỉ thấy mày quá ngu. Yêu đương làm con mẹ gì cho nó khổ tấm thân. Người ta nói lấy đĩ làm vợ, ai nói lấy vợ làm đĩ bao giờ. Tao sòng phẳng minh bạch, tao cần cái lỗ của con nhỏ, con nhỏ cần một thằng mặt rằn để hù dọa bọn tú bà ma cô. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Nhẹ nhàng thơ thới biết chừng nào. Yêu đương quái gì để cứ dài mặt rầu rĩ nhớ thương. Tao hỏi thật, mày có dám bê con nhỏ về làm vợ? Nếu dám, tao đéo có ý kiến, ngu, ráng chịu. Nếu không, lần này về hậu cứ hãy theo tao. Mày trông cũng bảnh bao trượng phu đấy, bảo đảm sẽ có khối con chịu nhận mày làm chồng. Cuối cùng, cái mày cần là cái lỗ để thọc ra thọc vào cho ấm lòng chiến sĩ phải không? Yên trí lớn, để tao lo.”
Tôi chưa kịp lo cho thằng khốn nạn một cái lỗ thì chiều hai mươi chín tháng Tư, đơn vị vượt qua cầu xa lộ để vào thành phố, thằng khốn bị mảnh đạn xơi tái mất một chân. Nghe đâu hắn chỉ nằm ở bệnh viện Cộng Hòa được hai ngày, rồi bị đuổi ra ngoài, chẳng hiểu sống chết thế nào.
Riêng tôi, sáng ba mươi tháng Tư đơn vị tan hàng, tôi cởi bỏ bộ quân phục, nhủi vào động nằm với con đĩ. Lúc ông tân tổng thống lên đài ra lệnh cho binh sĩ bỏ súng quy hàng, tôi đang hùng hục mê tơi trên bụng con đĩ, sau khi đã nốc nửa lít rượu đế cộng với ngổn ngang rựa mận chả chìa lá mơ củ riềng cùng với đám chiến hữu ở một quán thịt cầy gần khu nhà thổ. Chẳng hiểu tại cái lệnh đầu hàng chó chết nó làm tư tưởng tôi phân tán hay tại nửa lít rượu mà cuốn băng ghi âm những lời vàng ngọc của ông tân tổng thống được phát lại đến lần thứ tư tôi vẫn chưa ra. Con đĩ càu nhàu,
“Uống cho cố vào, lâu như quỷ.”
Tôi cười hềnh hệch,
“Anh có thằng bạn mỗi ngày làm hai ve Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn nhưng chưa lên ngựa đã gục ngã sa trường. Vớ được giống tốt như anh, em tu bảy kiếp đó em ơi.”
Con đĩ sừng sộ,
“Thôi đi cha, bộ tui mình đồng da sắt, không biết đau biết rát chắc?”
Tôi chẳng thèm trả lời, tiếp tục lên xuống nhịp nhàng.
Bỗng cánh cửa gỗ mở tung. Một đám năm bảy thằng đàn ông lớn có nhỏ có, dao súng lăm lăm, trên cánh tay, miếng băng đỏ cột vòng. Mặt mày tên nào cũng đằng đằng sát khí. Tôi chưa kịp phản ứng thì thằng đi đầu đã nhào đến túm tóc tôi lôi dậy:
“Đụ mẹ, cách mạng thành công rồi mà mày còn tiếp tục dâm dục sa đọa thế này hả thằng khốn nạn? Đụ mẹ, ngữ này đem bắn bỏ là vừa.”
Tôi sợ điếng người, đứng như trời trồng, không nhớ ra mình đang trần truồng như nhộng. Con đĩ cũng hốt hoảng không kém, nó nhảy vội xuống giường, lập cập túm đống quần áo định lủi ra phía sau. Thằng đi đầu hét lớn,
“Đụ mẹ con kia đứng yên, định trốn hả? Tao bắn vỡ đầu bây giờ.”
“Anh... cho em mặc quần áo...” Con đĩ lắp bắp.
“Đụ mẹ, không mặc gì hết, đứng yên.”

Tôi nhìn thằng đi đầu. À, cũng chẳng ai xa lạ. Thằng này từng đóng mặt rô ở xóm dưới. Tôi hơi yên tâm, xuống nước,
“Bạn dzàng, anh em cả mà...”
Thằng khốn quắc mắt,
“Đụ mẹ ai bạn bè với mày?”
“Bộ bạn quên tui rồi sao?”
“Đụ mẹ, im ngay...”
Bất ngờ, hắn trở ngược báng súng tống thật lực vào ngực tôi. Không kịp chuẩn bị, tôi lãnh trọn đế súng, ngã bật ra sau, đầu va vào vách tường...
Tôi nhỏm người ôm chặt đầu. Cảm giác đau buốt dội vào óc. Tôi rên rỉ như một con vật bị thắt cổ. Nhìn xuống bắp chân trái, bắp chân sưng vù đã đổi sang màu đen bầm. Cảm giác tê liệt giờ đang bò dần đến thắt lưng. Khát, khát quá. Tôi ngóng ra ngoài, mưa vẫn tầm tã. Tiếng ếch nhái râm ran hòa cùng tiếng mưa xối xả sầm sập trên mái tôn. Tôi hình dung cái chết đang đến gần, bỗng nhiên tôi hoảng sợ. Ý muốn bóp nghẹt họng con đĩ không còn tồn tại trong tôi. Hơn bao giờ hết, tôi mong con đĩ trở về. Nó phải trở về để cứu tôi, nếu không, tôi sẽ chết.
Sẽ chết... Ý nghĩ sẽ chết khiến tôi điếng hồn. Tôi hiểu hơn ai hết cảnh sống địa ngục giữa hai đứa, tôi hiểu hơn ai hết những đau đớn nhục nhã không cùng đang bám riết theo tôi không rời hết ngày này qua ngày khác. Đã bao nhiêu lần tôi thầm mong một biến cố nào đó sẽ đến với tôi, và lôi tôi ra khỏi đời sống, nghĩa là tôi sẽ từ giã cõi đời khốn nạn này, nhưng bây giờ, trước cái chết sắp đến gần, sắp nhãn tiền, tôi bỗng sợ, sợ quá. Con đĩ bao giờ mới trở về? Bình thường, sau một trận rủa xả tận tình, hoặc tôi bỏ ra bãi tha ma tìm ngôi nhà mồ nào đó ngủ một giấc đợi con đĩ nguôi giận, hoặc con đĩ ra khỏi chòi lòng vòng phố xá cho khuây khỏa rồi cũng bò về một hai giờ sau. Tôi hiểu, cũng như tôi, con đĩ chẳng còn nơi nào để la cà. Thứ cặn bã mạt hạng như bọn tôi, còn chơi được với ai? Còn sống được với ai? Con đĩ từ hai năm nay trở nên rạc rài thân tàn ma dại. Vốn xấu, càng xấu đau xấu đớn, người ngợm toát ra mùi hôi thối muốn lộn mửa, bởi con nhỏ bệnh tật cùng mình, lại lười tắm hơn hủi. Thuốc men không có, ăn uống kham khổ bữa đói bữa no, con đĩ xuống dốc nhanh chóng. Tôi cũng nào hơn gì, khắp người, vảy cá nổi lên sần sùi, háng lở loét tươm chảy nước vàng tanh tưởi. Tôi biết mình đang mang trong người căn bệnh bất trị, căn bệnh không biết do ai. Có thể do tôi, hậu quả những năm lính tráng sống bạt mạng giang hồ, cũng có thể từ con đĩ truyền sang, thứ điếm thối như nó, làm sao có được khách sộp, chỉ rặt toàn bọn ăn xin bụi đời đầu đường xó chợ, không bệnh tật sao được.
Con đĩ bao giờ mới về? Trời đang mưa lớn thế kia, con đĩ làm thế nào về? Nếu nó đi suốt đêm, nếu nó bắt được mối ngủ đêm, nếu xe bộ đội cán nó dập đầu? Cũng dám lắm chứ! Suốt ngày nay hai đứa nào đã có một hột cơm bỏ bụng, chính đó là nguyên nhân con đĩ dở chứng với tôi. Đói, mệt, mưa tầm tã, con đĩ đi đứng lạng quạng dám đâm đầu vào xe lắm chứ! Tôi cố hết sức bò ra khỏi cửa. Có cách gì đến được hương lộ thì mới hy vọng gặp người lạ cầu cứu nhờ đưa tới nhà thương. Nhưng bán thân đã bất toại, hai tay tôi lại quá yếu, không cách nào lê nổi tâm thân, dù chỉ một hai thước. Tôi tuyệt vọng gục xuống. Cơn đau lại dội lên như muốn vỡ tung đầu óc.
Đành chịu chết sao? Tôi lầm thầm cầu trời khấn Phật mong sao cho con đĩ xuất hiện.
Mưa vẫn tầm tã. Ngọn đèn hình như sắp cạn dầu, chỉ còn leo lét một đốm lửa đỏ cạch. Căn chòi đang chìm dần vào màn đêm đặc quánh. Tôi run bần bật. Bây giờ tiến không tiến được, lui cũng chẳng xong. Tôi nằm cứng đơ như một khúc cây. Tôi hiểu mình sẽ chỉ còn cầm cự giỏi lắm một vài tiếng đồng hồ nữa là cùng. Con đĩ. Con đĩ. Trời ơi, sao nó không trở lại? Nó định đi luôn thật chăng? Tôi biết con đĩ tuy thế vẫn còn nợ nần với tôi, sẽ chẳng thể bỏ tôi. Nếu bỏ, đã bỏ rồi. Nó cũng như tôi, cô đơn, buồn tủi, khổ đau. Hai đứa không bám vào nhau còn biết bám vào ai. Tôi làm nó khổ, điều này hẳn đúng, nhưng ít ra, trong cuộc sống chó má này, tôi dẫu sao vẫn còn là một đối tượng để cho nó trút hết mọi phẫn hận căm thù. Mất tôi, nó biết đổ sự phẫn hận căm thù vào đâu?
Thật ra, công bình nhận xét, một phần lớn duyên cớ suy sụp của hai đứa đều bắt nguồn từ tôi. Tôi, thằng đàn ông hèn yếu vô tài bất tướng. Đổi đời, ba mươi triệu con người đổi đời, nào phải chỉ riêng tôi? Sao họ vẫn sống, vẫn vượt qua. Còn tôi, ngày ngày quẩn quanh trong căn chòi mục, trên chiếc giường chiếu chăn ẩm mốc, bỏ mặc con đĩ với lũ khách tìm hoa, bán trôn nuôi miệng, nuôi cả cái thằng tôi dơ dáng dại hình này. Một năm nay tôi chỉ biết chửi trời chửi đất, chửi cuộc đời khắt khe cay nghiệt, chửi phần số hẩm hiu bất hạnh, và không ngừng xây đắp những giấc mơ giàu sang phú quí của các ông hoàng bà chúa, những giấc mơ được tôi tô vẽ, vun bồi đến độ thuộc lòng từng chi tiết, đến độ trở thành mối ám ảnh thường trực trong mọi sinh hoạt đi đứng nằm ngồi ăn ngủ, đến độ có lúc tôi không còn phân biệt được đâu là biên giới giữa mộng và thực.
Gió lại thốc vào. Luồng gió quá mạnh. Cánh cửa bỗng bật tung, ngã sầm lên người. Tôi dẫy dụa tuyệt vọng, cánh cửa quá nặng so với sức lực tôi hiện tại, miếng tôn chỗ phần trên cánh cửa bung ra, cứa ngay cổ, tôi muốn rướn người thoát ra nhưng chỉ nhúc nhích được cái đầu chút đỉnh, càng đau thêm. Màn sương trắng chờn vờn ngang mắt, tôi biết mình sắp ngất. Thêm một luồng gió nữa thốc vào, cánh cửa chồm lên phập phồng, miếng tôn cứa ngọt chỗ yết hầu. Miếng tôn tiếp tục kéo cưa theo từng luồng gió thốc. Tôi chẳng biết mình có hét được tiếng nào trước khi chìm vào hôn mê?

Con đĩ cùng thằng ăn mày vượt qua miếng sân con nhão sình. Dù đã tạnh, nhưng suốt ba ngày qua, mưa dai dẳng không ngớt, miếng sân đã trở nên lầy lội như đất ruộng. Cây trứng cá chỗ góc trái mái chòi tả tơi lá cành. Con đĩ vén cao ống quần lội qua vũng nước đọng trước cửa chòi, thằng ăn mày theo sau, cái chân cụt thò ra ngoài chiếc quần đùi nhàu nát rách bươm, cây sáo trúc - cái cần câu cơm của thằng ăn mày - đeo bên vai lủng lẳng. Hắn chống nạng đứng bên kia vũng nước, lầu bầu văng tục,
“Đụ mẹ, nhà cửa chó gì như chuồng trâu thế này.”
“Ông ngon lắm hả. Ít ra tui còn có cái chuồng rúc ra rúc vào, không phải ngủ chợ ngủ đình như ông.”
Thằng ăn mày cười,
“Ê, đừng có lên mặt em Hai. Không giải phóng, giờ này ít nhất anh đã bắt được cái trung sĩ. Ngữ em, ngày xưa cho không anh chẳng thèm cởi đâu nghe.”
Con đĩ quay lại sừng sộ,
“Đụ má, câm mẹ cái mồm lại, vào nhanh giùm tui nhờ. Công an biết ăn cứt cả lũ bây giờ.”
“Sợ quái gì em Hai, cùi còn sợ lở sao?”
Thằng ăn mày nhìn một vòng từ rặng tre rậm rạp gai góc đến bãi tha ma nhấp nhô mồ mả cây cỏ hoang vu, tiếp,
“Em dám ở một mình chỗ âm khí nặng nề này à?”
“Ở với ai kệ mẹ tui. Có đi vào không thì nói?”
“Nếu em Hai chưa có thằng nào làm gạt đờ co, anh đây cũng chẳng hẹp lòng.”
Thằng ăn mày vừa cười vừa khập khiễng lội vào vũng sình.
Con đĩ ném cho thằng ăn mày một cái nguýt dài rồi quày quả đi nhanh qua chái hiên.
Khi nó dợm chân định bước vô cửa, chợt thối lui nhìn trừng trừng. Trên nền đất, xác tôi nằm co quắp thâm tím, sình chương như một trái bóng khổng lồ căng cứng. Chung quanh ruồi nhặng quần đảo vo vo. Con đĩ đứng chết trân. Tôi dương đôi mắt trắng dã, trợn trừng nhìn nó, miệng há hốc, chiếc lưỡi thè ra dài ngoằng, chỗ yết hầu, cạnh sắc của miếng tôn ngập sâu, lầy nhầy một vết cắt toang hoác, dòng máu ứa ra, chảy xuống, đọng vũng trên nền đất. Dòng máu đã khô đen. Cánh tay tôi chợt động đậy, cái đầu cũng lúc lắc như xua đuổi không cho con đĩ bước vào. Con đĩ khiếp vía dội lui, vừa hét chói lói bớ người ta bớ người ta vừa chạy thục mạng qua vũng nước, tông vào thằng ăn mày. Cả hai ngã lăn quay, bùn nước văng tung tóe. Con đĩ vùng dậy, tiếp tục hét và chạy cuống về hướng bãi tha ma. Đàn chuột nghe tiếng hét của con đĩ, chí chóe chui ra từ dưới thân tôi, chạy tán loạn khắp căn lều, lủi nhanh vào chân vách. Nếu con đĩ biết ra rằng cánh tay động đậy, cái đầu lúc lắc của tôi là do đàn chuột đạo diễn thì có lẽ đã không hoảng loạn chạy bán sống bán chết thế kia.
Thằng ăn mày dĩ nhiên chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra trong chòi, hắn lồm cồm ngồi dậy, bò lổm ngổm trên vũng sình quờ quạng tìm đôi nạng gỗ và ông sáo trúc, miệng ngoạc ra kêu với theo con đĩ,
“Huệ... Huệ... Huệ...”
Nhưng con đĩ đã mất biến giữa đám mồ mả nhấp nhô.

KHÁNH TRƯỜNG

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74290)
Hắn tỉnh lại đột ngột. Bốn năm người thanh niên đang kéo hắn ra từ dưới lườn xe. Hắn nếm được vị mặn và máu, một đầu gối bị đau, và khi bị nhấc bổng, hắn phát rên, không chịu nổi sự đụng chạm trên cánh tay mặt. Những tiếng nói như không thuộc về những khuôn mặt treo ở trên hắn đang bông đùa vỗ về và bảo hắn yên tâm.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82686)
Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90962)
Sư thày trụ trì ngôi chùa làng là người có học. Chẳng bao lâu hắn đã có thể trò chuyện như một người bạn tâm giao. Giáo lí nhà phật trong nhiều năm đã trở nên mờ nhạt với tuyệt đại đa số những con người tất bật với cuộc sống hôm nay. Cái hiểu biết về đền chùa miếu mạo của hắn cũng chỉ dừng ở mức không nhầm lẫn giữa nơi này với nơi khác. Bởi thế được trò chuyện với sư thày mỗi tháng vài lần là điều làm hắn vô cùng thích thú.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 110192)
Một cái chức nhỏ nhẹ Một cái chức lăn như cỏ lông chông Mơ đeo vào tay xòe ra giữa nắng Mơ đeo vào gót chân mỗi bước mỗi khua vang rổn rảng
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99799)
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108682)
một con thuyền dính bùa ngải của sông ý nghĩ găm đầy tháng năm mắc cạn em cố quên làm gì! khi ngay cả cánh tay anh cũng ảo
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86265)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89136)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74950)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 102959)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...