- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔI NHÀ HOANG

29 Tháng Ba 20162:32 SA(Xem: 30018)


Nhà Hoang


Phải đưa mẹ về quê! Ở thế này mệt mỏi lắm.” – Cô nói

   “Ấy dại! Ở quê có còn ai đâu, mới cả đưa mẹ về bà lại kể lể cho đám bần nông đó thì bẽ mặt.” – Anh nói

   “Anh tính thế nào thì tính chứ ở thế này không được đâu?”

   “Để sau đợt hàng này gom tiền xây thêm tầng 4. Vợ chồng mình ở tầng hai, thằng Duy ở tầng 3, thế là yên chuyện. Sáng thì em đi sớm, tối về thì vợ chồng mình cùng đi nhà hàng.”

   “Nhà mình mà cứ như nhà ai vậy.”

     Anh cười khì khì, anh tiếp tục xem vô tuyến. Cô vợ thở dài, cô cầm lấy tập kịch bản quan trọng mà cuối tuần đã bắt đầu bấm máy ra đọc. Phòng của cô nằm dưới phòng bà Tạ, trần nhà lại tương đối mỏng nên bà làm gì cô đều nghe rõ. Cô diễn viên xinh đẹp không thể chịu được tính cách khắt khe của bà mẹ chồng khó tính, cái khăn, cái áo hay thậm chí cái cốc uống nước dù đã cũ, hỏng nhưng bà vẫn một mực giữ lại và dù cô có cãi tới đâu, thậm chí len lén lúc bà cụ lên phòng để ném tất cả vào sọt rác thì sáng sớm hôm sau cô vẫn thấy nó ở một nơi nào đó trong căn phòng. Cô và mẹ chồng cãi nhau với đủ mọi lý do. Mọi cử động của cô đều bị bà Tạ nhòm ngó, chỉ cần cô sơ xẩy làm hỏng chuyện gì là ngay lập tức bà cụ xuất hiện và sau vài lời phê bình là cả một bài giáo huấn cổ hủ mà bà luôn nói rằng “ đạo làm dâu phải hiểu”.

*

     Thằng Duy học lớp 8, nó và bà Tạ cũng chẳng hợp nhau. Hễ bà ôm lấy nó thì nó lại lè lưỡi nói “Bà nội hôi rình.” Rồi thì nó phủi đít, chạy tót xuống nhà và vùi mình hàng giờ vào trò games online. Bà không bảo được nó.

     Chuyện gì trong ngôi nhà này hễ có chút xíu đả động tới bà cụ hom hem đấy là cô lại thấy khó chịu. Chồng cô bảnh trai và có ánh mắt phong tình nên cô không muốn thuê người làm. Giúp việc trẻ cô không an tâm còn người già thì cô rất hãi. Cô cáng đáng hết việc nhà, chỉ cần xong vai diễn là cô tất tưởi chạy về nhà, lo chu toàn mọi chuyện trong gia đình. Riêng chủ nhật cô xin nghỉ để quét dọn nhà cửa. Cô chưa lần nào làm anh phải cau mày, nhưng bà cụ khó tính kia thì có. Có lần bà Tạ đánh đổ bô nước tiểu cất trong gầm giường xuống sàn nhà, bà với tiếng gọi cô với giọng khẩn khoản và khi tức tốc chạy lên thì một mùi khó chịu ộc lên khiến cô buồn nôn. “Lau cho mẹ nhé. Mẹ nhỡ tay”. Cô bịt mũi, mùi khăm khẳm của nước tiểu để lâu ngày bốc sặc sụa khắp căn phòng. Cô oẹ một cái rồi chạy xuống buồng dưới, lát sau cô đi lên và cùng với sự cau có anh dọn hết tất cả. Anh nói :

   “Nhà có buồng vệ sinh riêng sao mẹ không dùng!”

   “Tao quen ở quê thế rồi ! - Con dâu gì mới nhờ chút việc đã bĩu môi rồi, rõ là...”

   “Thôi, lần sau mẹ vào nhà vệ sinh đi. Quê thấy rõ.”

   “Tiên sư mày ! Thế mày chui ở Hà Nội ra chắc.”

     Anh chẳng nói gì, hôm sau lén lén lúc bà cụ ra ngoài đem cái bô vứt đi. Bà Tạ biết nhưng cũng đành im lặng, từ hôm đó trở đi bà ghét anh ra mặt.

*

     Năm sau, thằng Duy lớp chín. Nó chơi games mải miết. Anh xây thêm tầng nữa, bà Tạ dọn lên tầng trên và côi cút trên đó. Nhưng dù là thế thì việc giáp mặt nhau vẫn khiến cô khó xử. Hàng tuần cô vẫn phải lên đó quét dọn và lần nào mùi bã trầu, rác và mùi khăm khắm của nhà vệ sinh lâu ngày không dội cũng khiến cô  cau mày. Cô đeo khẩu trang, cầm chổi quét còn ánh mắt thì cứ nhìn bà cụ đăm đăm.

     Bà Tạ bị đau gan cấp tính, bệnh rất nặng. Anh phải mua đủ thứ thuốc về. Bà uống nhưng mọi thứ đông trùng hạ thảo chẳng thể khôi phục được sức khoẻ đang ngày một héo mòn vì tuổi già. Bà Tạ ngày càng gầy, khuôn mặt co lại như quả dừa khô, các nếp nhăn ngày một nhiều, bà đi chuệnh choạng như người say. Đôi lúc bà ho ra đờm và lần nào bà cũng nhằm sàn nhà mà nhổ. Những bãi đờm đặc sệt dính nhơn nhớp khắp nơi làm cô cảm thấy khó chịu, cô nói khéo để chồng đưa bà cụ về quê nhưng không được. Bà phàn nàn về đủ mọi chuyện trong nhà, chỉ có thằng Duy là dám hỗn công khai với bà. Có hôm bà nhờ nó đấm lưng, nó ậm ờ rồi đấm một cái thật mạnh khiến sống lưng của bà như sụm xuống, rồi khi bà ngã xuống nó chuồn thẳng. Bà định đánh nó thì cô can lại. Cô trách con vài câu rồi bảo “ mày mà còn tới gần bà nội là tao đánh tuốt xác”. Thằng Duy “dạ” một tiếng rồi tót vào phòng, lát sau đã nghe thấy trong phòng nó văng vẳng tiếng kêu la, khua vũ khí.

     Bà Tạ nằm liệt giường, không cử động được. Chứng xơ gan ngày càng nặng và việc phẫu thuật lại trở thành vấn đề nan giải.

   “Hay đưa mẹ vào viện đi!”

   “Chỉ sợ mẹ không đồng ý.”

   “Ôi dào! Anh đặt một suất ở bệnh viện bác sỹ Triệu. Trọn gói luôn.”

   “Vợ chồng mình bận bịu, còn chuyện học hành của thằng Duy nữa. Cứ đưa mẹ vào viện, khi nào khoẻ thì đón về.”

   “Ừ! Cũng đúng.”

*

     Cô có chuyến du diễn ở Trung Quốc nên phải vắng nhà một thời gian, anh cũng lo cho chuyến hàng sắp tới nên việc đưa bà cụ vào bệnh viện trở thành biện pháp hữu hiệu. Bà Tạ liệt phải nằm một chỗ nhưng khi hai vợ chồng vào trình bày chuyện chuyển bà vào viện bà có thể nhìn thấy vẻ tự đắc của cô con dâu. “Ắt hẳn đây là ý kiến của nó, nó muốn tống mình ra khỏi nhà”. Bà trừng mắt lườm cô cho tới lúc cô ra khỏi phòng. “ Lát nữa bác sỹ sẽ tới đón mẹ, thôi tụi con phải đi rồi”. Cánh cửa được đóng chặt lại, ra khỏi phòng cô  bảo “Nhẹ cả người anh nhỉ”.

     Cô vào phòng thằng Duy, lấy một phong bì dày cộm đưa cho nó rồi bảo “Lát bác sỹ đến mày đưa cái này cho ông ấy”. Thằng Duy không ngoảnh lại, nó dán mắt vào màn vi tính chăm chú như đang khảo cứu công trình khoa học. “Tao và bố vắng nhà một thời gian, việc học hành ăn uống mày tự lo lấy. Đồ ăn đầy trong tủ không cần mua đâu”. Cô lấy trong túi ra hai triệu, đặt ở mép bàn, cô bảo “Cầm lấy đóng tiền học và...Làm gì thì làm”. Thằng Duy không nói gì, những con quái thú với đủ mọi hình thù vẫn cuốn hút nó hơn.

     Bà Tạ nằm trên phòng, bà cố gượng dậy nhưng không được. Từ ngày lên thành phố bà đâm ra lười nhác. Sự nuông chiều của con trai không khiến bà vui chút nào, vật chất đầy đủ khiến bà cảm thấy thừa thãi. Bà định gọi thằng Duy lên trò chuyện cho đỡ buồn nhưng ý nghĩ vừa mới manh nha đã lập tức biến mất. Bà thở dài, hai tay đặt lên bụng, bà cố ru mình vào giấc ngủ.

     Lát sau bà nghe thấy tiếng bấm chuông, bác sỹ đã tới vậy là thời gian tới đây bà lại phải nằm trong căn phòng xa lạ nồng nặc thuốc sát trùng.

*

     Căn phòng lâu ngày không có ai quét dọn trở nên bừa bãi và luộm thuộm. Thật chẳng rõ thằng Duy bày biện kiểu gì mà nhà của tan hoang như một bãi rác. Vỏ bánh, vỏ kẹo, mỳ tôm, hộp cơm nằm la liệt khắp nơi trong phòng, mùi xú uế quện đặc sệt. Anh cũng chẳng hiểu số tiền mà cô đưa thằng Duy nó đã làm gì mà hai tuần đã hết nhẵn. Nhưng dù sao thì cô vẫn cảm thấy vui vì bà cụ đáng ghét đó đã không còn làm phiền cô. Hôm sau chồng cô sẽ về và để tạo sự bất ngờ cô quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ. Sau bộ phim “Nàng dâu hiền” cô được nghỉ hai tuần. Thời gian này dùng để nghỉ ngơi và làm việc nhà thì thật hữu ích.

     Cô quét dọn cẩn thận tất cả ngóc ngách trong căn nhà, dĩ nhiên là trừ tầng tư của bà Tạ. Trước khi bà cụ tới bệnh viện căn phòng đấy đã được cô quét dọn cẩn thận. Thằng Duy thì chẳng bao giờ lên đó nên chắc việc quét dọn cũng không cần. Hôm sau cô về và sau bữa lẩu thịnh soạn hai người đưa nhau vào phòng. Hai người quấn chặt lấy nhau như đôi trăn kì động dục. Chưa lần nào họ quan hệ thỏa thê tới mức không cần đóng cửa phòng.

*

     Anh định mua ít thức ăn vào viện thăm bà Tạ nhưng cô gạt đi. Cô nói “không cần đâu, mình đã đưa ngần ấy tiền cho ông Triệu, ông ấy là người biết chuyện, chắc chắn sẽ chăm lo chu đáo.” Anh ậm ừ nghe theo. Rồi anh nhìn thằng Duy, nó đang lục lọi đống bim bim ở tủ lạnh để mang lên phòng. “Hay mai đi học về con ghé thăm bà nội đi”.Cô vỗ mạnh vào vai anh rồi nói “Anh này, con nó còn phải học thời gian đâu mà...” Anh định nói thêm vài câu thì cô đã cười xoà rồi lấy lý do phải đọc kịch bản để đuổi thằng Duy lên lầu.

*

     “Anh Tuấn phải không. Tôi là Triệu, bác sỹ của bệnh viện...Thành thật xin lỗi anh hôm trước nhận lời anh tôi đưa xe tới đón bà cụ nhưng bấm chuông không ai mở cửa. Tôi định điện để hẹn lại thì có người ở viện bảo có một ca phẫu thuật cần có sự giúp đỡ của tôi. Sau đó tôi cũng bận quá nên không báo lại. Xin lỗi anh, chiều nay tôi tới đón bà cụ được chứ.”

*

     Anh lên phòng trên. Gõ cửa không ai mở. Tiếng cửa nín lặng trong tiếng xương chạm mặt gỗ, cốc cốc cốc. Anh lần chìa khóa, tra chìa và đánh rơi cả chìa. Nhặt lại chìa, anh mở khóa căn phòng. Chìa không rơi nữa vì đã cắm ngập ổ khóa như mũi tên. Cửa hé vào trong, anh nghe tiếng ruồi bay kéo trận. Vo ve vo ve….

 

 

 

Tru Sa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7108)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6378)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4605)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6626)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5978)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 6858)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 6217)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 6390)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
12 Tháng Chín 202312:14 SA(Xem: 7164)
khi ngôn ngữ trở thành phù phiếm / trên môi người hát ca / anh trở về yên ngủ / dưới cội hoa mai già
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 5931)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.