- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TIỀN, TỪ THIỆN

12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 30078)



Noellosvald 3
Photo by Noellosvald



Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình. Người có chút tiền chắc cũng ngại rủ ai đang kẹt tiền đi chơi. Hết mình ngại, rồi tới người ta ngại, thiệt kẹt cho cả hai. Chắc người đang kẹt tiền thì nên biết ngại, ngại không phải hèn yếu, người lịch sự mới biết ngại, người biết ngại thường được mến hơn kẻ vô tư. Ấy là thuở xã giao chưa thân, chớ anh em lâu ngày thì nói làm gì, tiền mày cũng như tiền tao.

Ra cộng đồng chơi mà vợ lận túi chồng đúng hai chục, còn bảo… có dư thì anh để dành lần sau xài tiếp. Túi hai chục thì đừng mò tới hội chợ tết hay mấy nơi có nhiều sạp từ thiện đang chờ đợi. Có những sạp, thấy ai đang bước tới từ xa xa đã tới chận… dành khách trước, và mời đóng góp, người ta hùng hổ thật, đang làm việc thiện mà, tế nhị vu vơ gì. Một cái thùng giấy được người ta kè tới đúng trước mặt mình kèm theo mấy đôi mắt cười lành chờ chăm chăm, anh nhà văn nhà báo ơi, anh viết hay quá, anh đóng góp đi anh, giúp người nghèo khổ bên Việt Nam đi anh. Chết chắc, nói sao đây, không lẽ nói thiệt. Ráng mà nhớ đấy, lần sau có lỡ tới thì cứ tìm mấy ngõ khác xa xa mà quẹo nhé.  Ít tiền thì có tội gì mà phải né tránh đủ thứ thế, rõ vô lý.

Đừng quên, muốn ra cộng đồng mở miệng rêu rao dân chủ, rêu rao đấu tranh, rêu rao từ thiện thì chính mình phải chuẩn bị đóng góp nhiều tiền trước nhất cho công cuộc thì người ta mới thấy mình thật lòng, mà theo. Ai cũng nghĩ dân mặc đồ complet thích lên micro gào thét ấy là tiền đầy túi hết. Đồng tiền kinh khủng thiệt chớ chẳng chơi. Chàng rể nào có lương bổng thấp xủn thì dù có đi nhà thờ, đi chùa ngoan ngoãn sống đạo mỗi ngày, cũng sức mấy dám cười cười nhìn thẳng mắt... bà má vợ.

Tuy ít khi nói ra chứ chắc đa số người ta cũng dư sức thấy, thấy ai cho từ thiện $1000 vì lòng nhân ái hay vì chút danh, chút lợi cho business. Thấy ai biết khôn lựa chỗ này mà không lựa chỗ kia để cho tiền, để tên mình được đăng báo, được nhắc, được ca ngợi nhiều nhất. Thấy cả ai hay ham tiếng, ham đứng chụp hình cười toe toét hãnh diện bên cạnh những nhân vật nổi tiếng, hay có quyền lực... Chắc hiểu được nhu cầu danh lợi ấy, ngay cả chốn tôn nghiêm cũng phải biết cách vinh danh công đức những người cho tiền nhiều, thì lần sau họ mới cho nữa. Bảng vinh danh đóng khung lớn ấy, do đó, hay đặt ở chỗ dễ thấy nhất để vui lòng người cho. Nhưng lắm khi cũng tạo ít nhiều ngại ngùng cho nhiều người khác vì đã cho ít quá mà bị lên khung danh dự, để ai ai cũng nhìn thấy mình cuối sổ, chớ hãnh diện gì, phải chi mình… đừng cho.

Nhớ hai năm trước, giữa mùa đông, tôi có đến phố Tàu dự một tiệc từ thiện gây quỹ cho mấy em bé dị tật bên Việt Nam. Khá bồi hồi lan man, và lạnh đêm ấy. Phố Tàu Toronto mới sáu giờ chiều vào đêm, vẫn vô tư ì xèo, vẫn những khung bảng hiệu vàng, đỏ, hay xám xịt bụi mờ chen chúc quen mắt. Gió đêm quật từng cơn lớn, hất tung mọi thứ gì đang bám víu, che chắn tạm bợ, giả tạo, len sâu khắp nơi nơi. Ai ai cũng tất bật, bên nhiều bóng người đen đủi, cam chịu, đang bận bịu làm việc, cũng vội vã không kém, càng làm cái lạnh căm căm. Nơi đây chắc không thiếu những ánh đèn đô thị lạnh lùng trong mắt những người mới tới từ những miệt quê hẻo lánh đâu đó ở xứ Trung Quốc tiền sử xa xôi của họ. Căm thù một cường quốc quân sự ỷ mạnh, ngàn năm hà hiếp nước mình thì dễ, mà ghét được những đứa con lam lũ của nó thì thật khó làm, thanh gươm thù nào nỡ chém xuống những cái cổ ốm o đang run rẫy vô tội. Phố Tàu, với tôi, bao giờ cũng là chốn khởi thân tủi nhục của nhiều con người thua thiệt đang quét rác, rửa chén, phụ bàn, đang quằn lưng phụ dọn từng kiện hàng nặng trĩu, đang chúi đầu lựa từng đống rau, đang bơi xới chỗ mấy góc xó tối tăm nào đó... với những đồng lương tiền mặt rẻ rúng, bị bốc lộc bởi chính những kẻ chủ cả cùng quê cha xứ mẹ của họ. Mỉa mai thay, đồng hương là hai chữ khá vô nghĩa ở nơi này.

Bước vào nơi gây quỹ, khung cảnh ấm áp, như một cõi khác, bên trong một nhà hàng hoàng tráng. Nhiều khuôn mặt Việt hăng hái, áo quần tươm tất, những bàn đồ ăn thức uống ê hề, một cảnh sung túc trên xứ người hiện rõ. Chắc ai đến đây đêm nay cũng chưa quên những ngày đầu mới đến còn cơ hàn của họ, và vẫn còn nghĩ tới những em bé đang bất hạnh trên quê hương. Biết bao cố nhân giựt mình, vui mừng nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Nhiều người ngạc nhiên nhìn kỹ nhau hơn, coi cái già, cái thành đạt đến với mỗi người ra sao, đã đến kịp chưa khi đa phần người người cũng đã ngoài 50. Thú vị thật khi tôi được nhìn lại biết bao người mà 5, 10, 20, hay 30 năm chưa gặp. Và cũng thật thú vị, khi có lúc tôi bắt gặp vài ánh mắt nhìn mình không mấy thiện cảm ra mặt, thì ra mình còn được ông to này bà lớn nọ trong cộng đồng chú ý kỹ vậy, thì chắc do họ đã đọc nhiều bài viết của tôi đăng báo kiểu như bài này là cùng thôi chớ có gì…

Có lúc, một anh bạn xa kia bước tới khen những bài tôi viết trên mặt báo, tôi tìm nhanh và thấy ở nụ cười anh một sự chân tình, anh làm tôi vui cả đêm. Có lúc, tôi bước sang muốn chào một anh mạnh thường quân có hạng trong cộng đồng, anh là một Phật tử có nhiều đóng góp lớn đối với nhiều chùa còn nghèo, anh nhìn tôi không cười, chỉ khẽ gật đầu rồi bước đi chỗ khác , làm tôi cũng hơi ngượng. Hình như đêm đó tôi chỉ ngượng với một mình anh, chắc tại tôi đánh giá anh rất cao và rất đáng kính trọng. Tôi cũng vội tự hỏi mình đã viết những gì mà có thể gây va chạm đến anh nhiều như thế…

Giữa tiệc, có lúc anh MC bước tới gần tôi để hỏi bán đấu giá chai rượu Remy 1000 đô mà tim tôi đập mạnh, không biết anh ta có nghe được không. Tôi thấy mình mong manh quá khi chợt nhận ra 1000 dư sức quật ngã niềm an lạc tưỏng đã hiểu đạo cao xa ấy của mình. Nhưng may quá, tai anh thật thính, chắc anh đã nghe được tiếng tim tôi đang đập đùng đùng, nên không hỏi gì tôi, chỉ lướt qua… Vài phút sau, một anh bạn khá quen kia của tôi, thật hào hiệp có thừa, mang chai rượu Remy mới mua ấy bước tới mời tôi một ly. Anh rót rượu 1000 ra, những giọt vàng óng ánh hơn vàng lá 9999, anh mời chân tình như những lần tôi tới nhà anh dự tiệc. Tôi thấy không gian lấp lánh quanh anh, những hào quang do những ánh mắt người ta dành cho chàng hiệp sĩ từ thiện, và tôi nghĩ anh xứng đáng nhận được thứ hào quang đó. Thật ra tôi nể sự hào hiệp của anh bao nhiêu thì tôi ngưỡng mộ sự hào phóng bao dung của vợ anh gấp… hai lần, chị không hề tỏ ra khó chịu gì với việc chồng mua ủng hộ chai Remy 1000 đô đêm ấy, chị còn rót ra mời bè bạn vui vẻ nữa...

Đang đứng bên ngoài nghỉ ngơi, tôi hân hạnh được quen một anh bạn mới kia. Anh râu ria, lãng tử, giọng người trung như tôi. Tôi hỏi xã giao rằng anh có về Việt Nam chơi thường xuyên không, và không ngờ anh trả lời thật thiệt lòng như tôi đã là bạn lâu năm của anh rồi.  Anh nói không bao giờ dám về vì ngày trước vượt biên, lúc 16 tuổi, anh có chạm súng một tên công an khi hắn chận tàu anh ra biển, và xui xẻo, anh bị bắt, và chúng đày anh tù chung thân lên núi ở trại A-30 Phú Yên. Sau 3 năm tù, anh cùng một người bạn tù nữa vượt ngục. Trốn ngày, đi đêm, vượt núi rừng, theo kiểu đi zig zag không thẳng đường để cố tình tránh công an lần theo đường mòn tìm… Sau 10 ngày, hai anh vượt về được gần quê, rồi tìm cách móc nối vượt biên và may mắn thành công. Từ đó, anh nói, sống bên Canada này sướng hơn thiên đường, anh sống mỗi ngày trong tâm trạng một người đã bị cộng sản bỏ tù hành hạ dở sống dở chết năm nào, anh chỉ biết cám ơn đời sống từng ngày chớ hết biết buồn phiền gì lặt vặt. Anh còn nói với theo lúc chia tay tôi, à, tui có đọc bài ông viết, Đoàn Khuê phải hông. Tôi ừ. Trông anh cười lành mà tôi hạnh phúc thật nhiều, tôi không thể tưởng tượng ra nụ cười vô tội này khi đối diện với tên công an khát máu ngày nào, nó liều lĩnh ra sao.  Mong có ngày được gặp lại anh. Cám ơn anh đã bơm cho tôi chút nguồn sống và chút hạnh phúc cầm bút…

Trở vào bên trong nhà hàng, tiếng cười nói, tiếng ca nhạc vẫn rân vang. Sự bé nhỏ của tôi từ từ hiện ra lại. Bộ quần áo complet và nụ cười xã giao không che kín được lòng tôi như thế mỗi khi có người đang làm việc gây quỹ bước tới bàn nhìn tôi chờ đợi chút hảo tâm. Nếu đời không có sĩ diện gì ngăn cách, không ai phân biệt giàu nghèo, thì tôi sẽ không ngại móc trong túi ra 5 đồng để đóng góp, nhưng tôi kịp nghĩ, thà là không đóng thì …đỡ kỳ hơn là đóng chỉ mấy đô, lỡ ai quen thấy được thì kẹt lắm. Ai thấy tôi viết thế này thì đừng khuyên tôi sao phải ngại. Chừng nào bạn mặc bộ đồ lớn, ngồi ăn uống ra vẻ quí phái bên vợ như tôi, và bạn đã từng móc túi ra 5 đồng đóng góp cho từ thiện trong khi xung quanh ai cũng đóng  cỡ năm chục hay một trăm trở lên, thì chừng đó bạn hãy khuyên tôi nhé.

Đồng tiền có ý nghĩa rất lớn dù đang là ở những nơi mà lòng từ thiện của người ta đang đầy dẫy có trong lòng. Nếu có dư 1000 đồng để xài, lần sau tôi sẽ trốn vợ đến dự một bữa tiệc gây quỹ nữa, và chờ mua một chai Remy như thế, khui ra uống tại trận thử, coi hương vị rượu có hào quang kia sẽ ngọt ra sao cho biết.

Đêm ấy, một bữa tiệc mười món, món nào cũng đậm đà, mà giá vé chỉ bốn hay năm chục. Trong tâm tư tôi hôm đó,  cũng có chẵn mười món, món nào cũng gợn lòng thử thách niềm tự tin của mình không kém. Tôi ra về, sau khi chứng kiến một buổi gây quỹ khó quên. Phố Tàu về khuya trông vẫn chưa khuya mấy, tôi bước sau chân vài bóng người xa lạ đang hối hả cúi rút nhưng không còn thấy lạnh.

Chắc tại tôi lại bận ưu tư gì mãi về mình, về biển người ở buổi tiệc ấy, về tiền, mà quên cả lạnh…

ĐOÀN KHUÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89857)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75488)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103563)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86980)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92486)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109129)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84203)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83253)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75581)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80544)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.